"Ai thấy Thầy là xem thấy Cha".
Lời Chúa: Ga 14, 7-14
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người".
Philipphê thưa: "Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con". Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: "Philipphê, Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin, vì các việc Thầy đã làm.
Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm; người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho".
SUY NIỆM 1: Cầu nguyện nhân danh Chúa.
Thường tình chúng ta không tiếc lời ca ngợi kẻ xa lạ vì đã làm được những việc đáng kể, nói ra nhiều câu chí lý, có một hành động đáng phục. Trong khi đó chúng ta lại rất hà tiện lời khen đối với người sống gần bên cạnh, trong chính tập thể chúng ta, dù người đó không những đã làm, đã nói, đã sống, mà còn hơn cả những người được ca ngợi, nhưng lại sống xa chúng ta. Ðây có thể phần nào là hoàn cảnh sống của các môn đệ, nhất là của Philipphê. Họ đã sống gần Chúa Giêsu, Thầy của mình, bao nhiêu năm qua, nhưng dường như họ vẫn chưa hiểu Chúa và mối tương quan của Ngài với Thiên Chúa Cha. Chính vì thế, mà trong câu nói của Chúa Giêsu cho các môn đệ có mang chút ít sự chua xót và trách móc: "Thầy đã ở với các con lâu rồi mà các con không biết Thầy sao? Hỡi Philipphê, ai xem thấy Thầy thì cũng xem thấy Cha. Hãy tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy. Ít nhất, các con hãy tin điều đó vì thấy các việc Thầy đã làm".
Thật thế, không thiếu những dấu chỉ cho chúng ta biết mối quan hệ thâm sâu và đặc biệt giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha. Ðặc biệt trong đoạn Phúc Âm vừa đọc trên, chúng ta có thể ghi nhận một dấu chỉ đặc biệt, đó là Chúa Giêsu qua Chúa Thánh Thần mà Ngài sẽ ban xuống, sẽ ban cho các môn đệ làm những việc cả thể hơn nữa. Họ sẽ hành động nhân danh Chúa, sẽ khai sinh một cộng đoàn mới, một Giáo Hội của Chúa. Nhưng chắc chắn các môn đệ sẽ gặp khó khăn và phương thế để vượt qua những khó khăn là cầu nguyện, cầu nguyện nhân danh Chúa. Hai lần trong cùng một đoạn văn vừa đọc, Chúa Giêsu đã yêu cầu các môn đệ của Ngài hãy cầu nguyện, cầu nguyện hết lòng tin tưởng, cầu nguyện nhân danh Chúa. Chúng ta có xác tín về những gì Chúa Giêsu giãi bày cho chúng ta hay không?
Lạy Chúa, trong ánh sáng phục sinh của Chúa, chúng con được mạc khải cho biết thực thể đúng thực của Chúa, là Ðấng sống hiệp nhất với Thiên Chúa Cha, nhưng đồng thời không bỏ quên chúng con. Chúa muốn chúng con hướng về Chúa. Xin đừng để chúng con đi tìm một vì Thiên Chúa khác, mà quên chính Chúa, là Ðấng luôn luôn hiện giữa chúng con mọi nơi mọi lúc.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Cảm nghiệm lời chứng
Phi-líp dám liều như Mô-sê và Ê-li-a đã xin thấy mặt Thiên Chúa. Các ông đã nhận được tiếng Chúa nói từ trong bụi gai bốc lửa và trong tiếng gió nhè nhẹ, đó là sự cảm nghiệm huyền nhiệm. Nhưng họ chỉ được đáp lời thật sự lúc Thiên Chúa hiện hình trong Đức Giêsu. Đó là lúc biến hình mà Chúa Cha đã cho thấy Con Ngài vinh quang sáng láng và bao phủ bằng tình yêu dấu của Chúa Cha trước mặt các tông đồ làm cho các ông ngất đi trong ánh sáng.
Ánh sáng này được Đức Giêsu tỏ ra cho những người đồng bàn trong bữa tiệc ly, khi nói về Chúa Cha vô hình, đó là ánh sáng của tình yêu hy sinh tận tình. Chính Đức Giêsu đã đón nhận tình yêu Chúa Cha trong Người, và tình yêu này sẽ đốt cháy Người đến lúc chết.
Thực sự, điều chúng ta thiếu, đó là thiếu nhận biết về Đức Giêsu bằng cảm nghiệm thân mật. Nhờ vốn kiến thức, nhờ nghiên cứu những bản văn thánh, chúng ta chỉ mới nhận được một Đức Giêsu bên ngoài chúng ta, bằng định nghĩa và bản tóm. Đó chỉ là bước đầu: cần thiết nội tâm hóa tất cả những hiểu biết đó trở nên cảm nghiệm sống động làm nguồn suối đặt nền móng cho chính mình, cam kết gắn bó riêng tư với Ngài. Nhưng nhiều lần sự cam kết gắn bó ấy vọt chảy ra một tình cảm luyến ái từ tâm can, một ước muốn cảm mến xúc động như được đụng chạm một niềm vui sướng chóng qua.
Cần thiết phải đào sâu và đi xa hơn nữa, đến tận căn tính trong bản vị tinh thần của chúng ta, mới thực sự là sự hiệp nhất dưới tác động của Thánh Thần. Chỉ có sức mạnh Thánh Thần mới làm cho chúng ta sống sâu sắc mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô. “Tái sinh bởi Thánh Thần” như Đức Giêsu đã nói với ông Ni-cô-đê-mô, là làm cho con người chúng ta từ tâm trí, tình yêu và linh hồn được hiệp thông với Chúa Cha trong Đức Kitô.
Đức Giêsu đã làm chứng cho ta thấy Chúa Cha và Người đã trở nên chứng nhân cho tình yêu của Ngài và cho mọi người bằng việc Ngài làm. Vậy chúng ta làm chứng cho tình yêu nào? Tình yêu đó có được làm chứng bằng việc làm của chúng ta không? Bằng chứng có thể hiện được tài năng nhân tính và sức sống tinh thần của chúng ta không? Những chứng nhân của lòng yêu thương đôi khi trở thành tử đạo như Đức Kitô.
L.P
SUY NIỆM 3: Nhìn thấy Chúa trong cuộc sống
Một vị vua nọ có lần nẩy ra ý nghĩ táo bạo: ông cho triệu mời các lãnh đạo tôn giáo đến và ra lệnh trong một tuần phải làm thế nào cho ông thấy được Thiên Chúa, nếu không sẽ bị chém đầu. Thật là một đòi hỏi nan giải và hóc búa: làm thế nào có thể thỏa mãn được một ước muốn càn gở như thế. Biết được nỗi lo âu của các nhà lãnh đạo, một kẻ chăn chiên dẫn nhà vua đến đồng cỏ nơi anh thường chăn súc vật. Họ đi bộ, chứ không dùng xe, khi tới nơi, mặt trời đã gần đỉnh ngọ. Kẻ chăn chiên đưa tay chỉ mặt trời và xin nhà vua nhìn. Vua nổi giận bảo anh muốn làm mù đôi mắt của ông hay sao. Bấy giờ kẻ chăn chiên mới quì xuống trước mặt vua và thừa: “Tâu bệ hạ, chỉ một vật do bàn tay Thiên Chúa tạo dựng mà ánh quang của nó rực rỡ đến nỗi bệ hạ chẳng dám nhìn, thì làm sao bệ hạ có thể nhìn thấy Thiên Chúa được”. Chính lúc ấy, nhà vua đã nhìn thấy Thiên Chúa không phải bằng đôi mắt, nhưng bằng niềm tin.
Trong Tin Mừng hôm nay, Philip, một trong mười hai đã xin Chúa Giêsu tỏ cho thấy Thiên Chúa Cha. Chắc hẳn khi nói điều đó Philip đã liên tưởng đến hình ảnh một Thiên Chúa quyền năng đã tỏ vinh quang Ngài trên núi Sinai, một Thiên Chúa mà Môsê chỉ được thấy phía sau lưng Ngài. Tâm trạng của Philip cũng là tâm trạng của rất nhiều người trong chúng ta, đó là một niềm tin đòi hỏi sự lạ. Bởi thế, không ít người sẵn sàng hao tổn tiền bạc và thời giờ để tìm đến những nơi xẩy ra sự lạ, đối với họ, một lần hành hương có ý nghĩa và giá trị cho cả cuộc đời.
Đáp lại yêu cầu của Philip, Chúa Giêsu đã đưa ra một khẳng định và một câu hỏi: trước hết Ngài nêu lên một chân lý: “Ai thấy Thày là thấy Cha Thày”, đó là một thực tại đã phá hiển nhiên; câu hỏi tiếp sau đó như một nhắc nhở cho Philip: hãy nhìn lại cuộc sống thân tình giữa Thày và các môn đệ. Những lời Thày nói, những việc Thày làm, không phải là của Thày, mà là của Thiên Chúa Cha ở trong Thày. Sự thân tình quen thuộc đã khiến cho các môn đệ không nhận ra Ngài là Thiên Chúa. Lời nhắc nhở của Chúa Giêsu đối với Philip cũng là lời nhắc nhở chúng ta: đừng để những nét quen thuộc bên ngoài che mất thực tại bên trong. Tìm kiếm Thiên Chúa là điều tốt, nhưng thật đáng trách khi đứng trước mặt Ngài mà chẳng nhận ra Ngài. Chúng ta nôn nao tìm dấu lạ, nhưng dấu lạ xẩy ra trước mặt mà chẳng nhìn thấy: hàng ngày qua lời truyền phép, Chúa Giêsu hiện diện trên bàn thờ, nhưng đã mấy khi chúng ta tỏ thái độ cung kính tin nhận Ngài? Trong cuộc sống biết bao lời cầu xin được dâng lên Thiên Chúa nhưng đã mấy lần chúng ta phải tỉnh để nhận ra ơn lành Ngài ban.
Ước gì chúng ta giữ mãi thái độ tìm kiếm, một sự tìm kiếm không ở đâu xa, nhưng trong chính cuộc sống quen thuộc hàng ngày. Đập vỡ chiếc vỏ quen thuộc bằng cách ngạc nhiên đặt câu hỏi, chắc chắn chúng ta sẽ nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: KẾT HỢP VỚI CHÚA – LÀM ĐƯỢC MỌI SỰ (Ga 14, 7-14)
Chúng ta nghe nói đây đó nhiều vị thánh đã làm phép lạ cách phi thường. Có nhiều đấng làm phép lạ ngay khi còn sống, chẳng hạn như thánh Giêrađô, Vinh Sơn, Mattinô...
Đứng trước những phép lạ đó, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng và ngạc nhiên! Tuy nhiên, chìa khóa để mở ra sự bất ngờ này, chính là sự kết hiệp mật thiết sâu xa giữa các thánh và Đức Giêsu. Vì thế, việc phi thường các thánh làm thực ra không phải, mà là Chúa đang hành động nơi các ngài.
Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói rất rõ về sự kết hiệp này. Câu chuyện được khởi đi từ sự ngỡ ngàng và ngạc nhiên của Philípphê khi ông cất lên hỏi Đức Giêsu về một sự kiện có tính siêu nhiên: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện". Đức Giêsu đã trách nhẹ ông, vì Ngài đã ở với các ông bấy lâu, giảng dạy nhiều điều, đã làm những dấu lạ điềm thiêng, cũng như mạc khải cho ông biết Ngài từ Chúa Cha mà đến, và làm những việc của Chúa Cha, vậy thì tại sao ông và các môn đệ vẫn không tin??? Thật là đáng buồn! Vì thế, Đức Giêsu nói với ông Philípphê rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm”.
Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn dạy cho các Tông đồ một bài học về sự kết hiệp. Không kết hiệp với Ngài thì không thể làm được việc gì. Nhưng nếu kết hiệp với Ngài thì sẽ làm được mọi chuyện như chính Ngài đã làm và có khi còn hơn thế nữa... Khuôn mẫu của sự kết hợp chính là giữa Đức Giêsu và Thiên Chúa Cha. Người môn đệ khi ra đi loan báo Tin Mừng cũng vậy! Phải kết hợp chặt chẽ với Chúa như cành liền cây. Có thế, chúng ta mới trở thành người mang Tin Mừng cho anh chị em mình. Không có điều này, chúng ta sẽ chỉ làm những chuyện mà chúng ta thích chứ không phải là Thiên Chúa muốn! Và theo lẽ đương nhiên, chúng ta sẽ chẳng làm được việc gì vì chúng ta đã không nhân danh Đức Giêsu mà xin với Thiên Chúa. Chính vì điều này, mà chúng ta thấy nhiều sứ giả của Chúa bị thất bại, gãy cánh...
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống sự hiệp thông chặt chẽ với Chúa để chúng con trở thành chứng nhân chân thật nhờ biết gắn bó với Ngài. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 5: Làm những việc lớn hơn nữa
Suy niệm:
Sau khi ông Tôma hỏi Thầy Giêsu về đường (Ga 14, 5),
thì ông Philípphê lại xin Thầy cho các môn đệ thấy Chúa Cha (c. 8).
Không rõ Philípphê muốn thấy Thiên Chúa theo kiểu nào,
bởi lẽ theo niềm tin chung của người Do thái
không ai thấy Thiên Chúa chí thánh mà sau đó còn sống được (x. Xh 33, 20).
Dù sao khát vọng được thấy Thiên Chúa là ước mơ chính đáng.
Thiên Chúa đã thỏa mãn ước mơ mà Ngài đã đặt vào lòng con người.
Nơi Đức Giêsu, là Ngôi Lời nhập thể và là Con Thiên Chúa,
chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa bằng mắt phàm.
“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (c. 9).
Nhìn ngắm khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu
chúng ta chẳng những không phải chết, nhưng được sống.
Theo quan niệm của người Do thái,
sứ giả là đại diện trọn vẹn cho người sai mình.
Đức Giêsu đã là sứ giả cho Cha một cách tuyệt vời.
Ngài là một với Thiên Chúa, Đấng sai Ngài :
“Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (c. 11).
Các lời Ngài nói, Ngài không tự mình nói.
Các việc Ngài làm, Ngài không tự mình làm.
“Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy,
chính Người làm những việc của mình” (c. 10).
Nhìn những việc Đức Giêsu làm, chúng ta nhận ra đó là việc của Cha.
Cha làm việc của Cha qua Con của mình là Đức Giêsu.
“Ai tin vào Thầy, người đó sẽ làm được những việc Thầy làm.
Người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa,
bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (c. 12).
Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống chiến thắng.
Đức Giêsu đã về với Chúa Cha và được vào trong vinh quang.
Khi tin vào Ngài, khi gắn bó với một Đấng phục sinh quyền năng như thế,
chúng ta có thể làm được những điều như Ngài đã làm:
trừ quỷ, chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết (Mc, 16, 17-18; Cv 9, 34.40).
Và như Đức Giêsu, điều vĩ đại mà chúng ta có thể làm cho thế giới hôm nay
là yêu thương, yêu như Thầy đã yêu, yêu đến hiến mạng.
Hãy mạnh dạn nhân danh Đức Giêsu mà xin,
vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gắn bó với Ngài.
Tất cả để Cha được tôn vinh nơi Con (c. 14).
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.
Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.
Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen. (Thánh Âu-Tinh)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Nguồn:http://gplongxuyen.org/News