“Hãy tha thứ thì các con sẽ được thứ tha”.
Lời Chúa: Lc 6, 36-38
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho thì sẽ cho lại các con: Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con.
Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy!”
SUY NIỆM 1: Hãy sống nhân từ.
Mahatma Ganhdi, một nhà ái quốc Ấn Độ, lúc còn trẻ, ông sang Anh quốc học nghề luật sư và nhờ đó có dịp tiếp xúc với Kitô giáo. Ông đọc Phúc âm thường xuyên và rất say mê Chúa Kitô, đặc biệt ông thán phục bản Hiến chương Tám Mối Phúc Thật và lấy đó làm nguồn cảm hứng cho đường lối bất bạo động của ông trong việc dành lại độc lập cho dân tộc mình. Tuy nhiên, có lần ông đã tâm sự với một người thân cận rằng: dù thán phục giáo lý của Chúa Kitô, nhưng ông không thể trở thành kẻ tin Chúa, vì ông thấy nhiều Kitô hữu không sống Tám Mối Phúc Thật của Chúa. Ông nói: “Tôi yêu mến Chúa Kitô, nhưng tôi ghét người Kitô hữu, vì họ không giống Chúa Kitô. Nếu họ giống Chúa Kitô thì dân Ấn Độ chúng tôi đã trở lại Công giáo cả rồi”.
Nhận xét của Mahatma Ganhdi trên đây phải cảnh tỉnh chúng ta về ơn gọi và trách nhiệm của chúng ta. Là người Kitô hữu, chúng ta phải sống như Chúa Kitô, phải có những tâm tình từ bi, nhân hậu, yêu thương như Ngài. Tin mừng hôm nay là một bản tóm lược giáo huấn yêu thương của Chúa. Ngài mạc khải cho chúng ta về một Thiên Chúa là Cha nhân từ, đồng thời bày tỏ cho chúng ta biết phải sống thế nào để xứng đáng là con cái Cha trên trời và cảm nhận được tình yêu của Ngài. Thế nhưng, Thiên Chúa là Đấng vô hình không ai đã thấy Ngài bao giờ ngoại trừ Con Một Ngài là Đức Giêsu Kitô. Chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa như thế nào, và chỉ qua Ngài, con người mới có thể thấy và cảm nhận được lòng nhân từ của Thiên Chúa. Do đó, khi mời gọi chúng ta hãy nên trọn lành như Cha trên trời, Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng Ngài là mẫu mực của sự trọn lành, chỉ có Ngài mới thể hiện trọn vẹn lòng nhân từ của Thiên Chúa. Cũng chính vì thế, Ngài đã tóm gọn cả cuộc sống người Kitô hữu bằng mệnh lệnh: “Hãy theo Ta”, nghĩa là hãy sống như Ngài, sống bằng chính sức sống của Ngài, để có thể nói được như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”.
Nguyện cho sức sống Chúa Kitô mà chúng ta tiếp nhận qua Thánh Thể và các Bí tích làm chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, ngõ hầu lòng nhân từ của Thiên Chúa mà Ngài đã thể hiện cũng được tiếp tục tỏ bày qua cuộc sống của chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Đừng xét đoán
Xét đoán người khác cho đúng sự thật là một việc rất khó. Xét đoán hành vi bên ngoài đã khó rồi, xét đoán tâm trí bên trong lại càng khó khăn hơn nữa. Chính vì thế mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ đừng xét đoán người khác.
Chúng ta thường nghe nói: “dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Thời xưa, câu nói ấy đã đúng, ngày nay nó lại càng đúng hơn nữa. Với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhân loại ngày nay đã có thể đo được một cách dễ dàng núi cao, biển rộng, sông dài. Còn hơn thế nữa, họ đã đo được những khoảng cách vời vợi trong vũ trụ mà đơn vị phải tính bằng triệu năm ánh sáng. Ngược lại, họ cũng đã đo được những khoảng cách cực nhỏ mà đơn vị càng ngày càng được thu hẹp. Ðó là về đo lường. Còn về phân tích và thống kê, nhờ phát minh ra máy vi tính cực mạnh, có thể tính được nhiều phép tính trong vòng một giây, người ta đã phân tích và thống kê được nhiều thứ. Gần đây, người ta đã hầu như hoàn thành được bản đồ gien của con người. Thật là những thành quả đáng kinh ngạc.
Tuy nhiên, trước những thành quả thâm sâu của lòng người, những phát minh và ứng dụng đó tỏ ra bất lực. Có máy móc nào cho biết đích xác hàm ý của một nụ hôn không? Ông Giuđa ngày xưa đã chẳng nộp Chúa với một nụ hôn chỉ điểm đó sao? Tâm hồn chúng ta là một cõi thẳm sâu mầu nhiệm. Có thể nói đó là một chốn mênh mông vô tận mà ngay cả bản thân chúng ta cũng không thể nào khám phá ra hết. Dù có thành tâm thiện chí đến đâu đi nữa, chúng ta cũng không tài nào nắm bắt được hết mọi ngõ ngách của lòng mình, chúng ta nghĩ rằng mình hiểu quá rõ chính mình, nhưng thực tế không phải như vậy, chỉ có Thiên Chúa là Ðấng toàn trí toàn năng mới hiểu rõ hết mọi ngọn nguồn của tâm hồn chúng ta, và mới có thể phán xét chúng ta một cách chính xác trăm phần trăm. Còn chúng ta, ngay cả việc xét đoán mình, chúng ta cũng hoàn toàn có nguy cơ rơi vào sai lầm. Xét đoán mình đã khó đến thế, nói chi đến việc xét đoán kẻ khác. Nhờ ý thức được giới hạn của mình, chúng ta sẽ không chủ quan khi nhận xét những người chung quanh. Chúng ta không xét đoán được chính xác thì làm sao chúng ta có thể lên án họ một cách hồ đồ được chứ. Và nếu chúng ta không lên án họ thì chúng ta sẽ làm gì đây? Xin thưa: chúng ta sẽ thông cảm bao dung với họ, sẽ nhìn họ với đôi mắt yêu thương và con tim nhân ái. Và dù họ có thực sự là con người băng hoại đi nữa, chúng ta cũng sẽ thực lòng tha thứ cho họ và cầu nguyện giúp họ cải tà qui chính. Chúng ta không xét đoán chính mình, chúng ta cũng không xét đoán anh chị em chung quanh, nhưng chúng ta hãy phó thác tất cả cho lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho con tấm lòng nhân ái bao dung để con biết thực tình yêu thương kính trọng mọi người chung quanh. Xin Chúa dạy con biết cẩn thận trong phán đoán, khách quan khi nhận định và độ lượng khi phân xử. Xin Chúa nhắc con luôn nhớ rằng con đong bằng đấu nào thì Chúa sẽ đong lại cho con bằng đấu đó.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Vấn đề của con tim
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” (Lc. 6, 36-37)
Thánh Lu-ca biến đời sống Ki-tô hữu thành con tim, một con tim biết noi theo con tim của Thiên Chúa. Kẻ có lòng thương xót là kẻ có con tim. Kẻ rung cảm trước khổ đau của người khác thì chắc hẳn biết hành động cứu giúp. Có con tim là tốt, là nhân hậu. Những câu thành ngữ phổ biến như: Tấm lòng vàng, hết lòng, lòng nhân ái, tận tâm tận lực, trái lại là lòng chai cứng, ác tâm, nhẫn tâm, cứng lòng. Đức Giê-su bảo chúng ta: “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ”. “Hãy thương xót sẽ được xót thương” như Đức Giê-su Ki-tô đã thực hiện.
Chúng ta phải sống hoàn toàn nhân đạo, điều này dễ không? Tha thứ cho kẻ làm hại mình, tiếp đón kẻ xỉ nhục mình, dịu hiền với kẻ ngược đãi hành hạ mình, bình tĩnh với kẻ chống đối xỉ vả mình, giả điếc làm ngơ cho người ta đấm đá mình như bịch cát cho võ sĩ đấm đá …
Như thế, chẳng dễ chút nào! Ở thời chúng ta ngày nay, lòng thương xót và thương hại bị dư luận xấu khinh bỉ, bị coi là làm nhục người ta, làm hạ phẩm giá người ta. Người ta không muốn thương xót nữa. Tuy nhiên, lòng thương xót chân thành không thể làm cho người chịu ơn bị hèn kém hay bị nhục nhã mà trái lại họ còn được tôn trọng. Ngoài ra, về một vài phương diện nào đó lòng thương xót thực hiện một phần sự công bằng vì sự nghèo đói ngày nay là do xã hội bất công gây nên. Luật xã hội đòi buộc phải cung cấp cho những người nghèo sống xứng đáng nhân phẩm của mình.
Thánh Lu-ca đã nhấn mạnh nội dung của từ thương xót. Thương xót thì không xét đoán, không lên án. Không ai được tự đặt mình là quan xét anh em mình. Không ai được đánh giá và kết tội nặng nhẹ của người thân cận mình, cũng như bảo họ là kẻ xấu. Hoàn toàn phải loại bỏ những lối nhìn đánh giá người khác theo luân lý và tuyệt đối không được tuyên bố đương sự có tội. Phải hoàn toàn nên giống như Thiên Chúa, Ngài gớm ghét tội lỗi, nhưng luôn luôn cứu chữa kẻ tội lỗi. Lòng thương xót chính là tha thứ và giúp đỡ. Tha thứ xóa bỏ mọi rào cản giữa người với người, và giúp đỡ là xây dựng tình liên đới với nhau. Như thế người Ki-tô hữu mới được mời gọi xây dựng nước trời, xây dựng gia đình Thiên Chúa là Cha mọi người.
Thương người mới thực sự bắt chước Cha trên trời như ông Péguy nói: “Lối cư xử với chiên lạc của Chúa là luật ngàn đời cho chúng ta”.
SUY NIỆM 4: LOAN BÁO TIN MỪNG BẰNG ĐỜI SỐNG (Lc 6, 36-38)
Mahama Gandhi, một nhà ái quốc của Ấn Độ, đã dành lại độc lập cho đất nước ông bằng biện pháp bất bạo động. Nguyên nhân dẫn đến việc ông sử dụng đường lối không đổ máu để dành tự do là vì nguồn cảm hứng đến từ chính Tin Mừng, nhất là “Tám Mối Phúc” và cuộc đời của Đức Giêsu khi ông thường xuyên đọc Lời Chúa và có dịp tiếp xúc với người Anh tại Anh Quốc lúc còn trai trẻ thời tu học tại đây.
Tuy nhiên, khi tâm sự với bạn của ông, ông thốt lên: “Tôi rất yêu mến Đức Giêsu, nhưng tôi không thích người Công Giáo, vì họ không giống như Đức Giêsu. Nếu họ giống như Ngài, thì dân tộc Ấn Độ chúng tôi đã trở thành những Kitô hữu từ lâu rồi”. Chính vì lý do đó, ông đã không thể trở thành Kitô hữu!
Ôi sự thật xót xa! Tuy nhiên, chuyện tưởng chừng như xảy ra bên Ấn Độ hay Anh Quốc thời Mahama Gandhi, nhưng thực ra, nó đang thường trực qua lời nói, hành động và lối suy nghĩ của chúng ta nơi môi trường và cuộc sống hiện thời hôm nay.
Thật thế, bởi vì trong đời sống đạo của chúng ta hiện nay, nhiều khi chỉ có bề ngoài mà không có chiều sâu; chỉ có lượng mà không có phẩm; chỉ có nói mà không có hành động; chỉ có hô hoán yêu thương, nhưng khi gặp những chuyện cần phải giúp đỡ thì tìm cách lẩn tránh! Hay nhiều khi chúng ta ích kỷ và chia ô cuộc đời để tách biệt những điều trong Tin Mừng với cuộc sống!
Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta không được phép chia ô cuộc đời của mình như vậy. Không ai cho phép chúng ta tách biệt nhà thờ, thánh lễ, kinh nguyện ra khỏi cuộc sống nơi xóm làng, chợ búa, nhà ga, gia đình... Nhưng phải đưa Lời Chúa vào mọi ngõ ngách, chiều kích của cuộc sống.
Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy sống những tâm tình của Chúa, đó là: đừng xét đoán hay kết án. Hãy tha thứ, cho đi..., đây không chỉ là một khuyến khích, nhưng nếu chúng ta sống như vậy, hẳn sẽ được Thiên Chúa đối xử với chính mình như thế.
Mong sao, chúng ta có Chúa trong tâm hồn và sống giới luật yêu thương, khi không kết án, xét đoán, nhưng tha thứ và cho đi, để chính chúng ta được cứu độ và chia sẻ niềm vui cứu độ ấy cho mọi người, ngõ hầu họ nhận ra tình yêu của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có lòng nhân từ, tha thứ như Chúa, để chúng con thuộc về Chúa và đem Chúa đến giới thiệu cho người khác bằng chính cung cách sống của chính mình. Amen.
Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM 5: Hãy có lòng nhân
Lòng nhân có chỗ đứng quan trọng trong Khổng giáo.
Sách Luận Ngữ coi lòng nhân là nét đặc trưng của con người.
Phật giáo cũng đề cao tinh thần từ bi hỷ xả.
Lấy ân báo oán, oán sẽ tiêu tan.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu mời các môn đệ
“Hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (c. 36).
Như thế nhân từ là nét đặc biệt nơi Thiên Chúa.
Nhân từ nằm ở nơi khuôn mặt và ngay nơi trái tim của Ngài.
Như tín đồ của các tôn giáo khác, Kitô hữu phải sống lòng nhân.
Nhưng hơn nữa, ở đây, Đức Giêsu mời gọi chúng ta
bắt chước lòng nhân từ của chính Thiên Chúa,
một lòng nhân từ không bị giới hạn bởi bất cứ ngăn cách nào.
Lòng nhân được diễn tả bằng bốn mệnh lệnh của Đức Giêsu,
hai mệnh lệnh tiêu cực và hai mệnh lệnh tích cực.
Các mệnh lệnh này đều ngắn gọn và nhịp nhàng.
Phần sau của mỗi mệnh lệnh đều ở thể thụ động,
nhằm nói lên hành động của Thiên Chúa.
“Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, đừng kết án để khỏi bị kết án,
hãy tha thứ thì sẽ được tha thứ, hãy cho thì sẽ được cho lại.”
Xét đoán ở đây không có ý nói đến hành động xét xử của vị quan tòa.
Nó chỉ muốn nói đến khuynh hướng hay phê bình, chỉ trích người khác.
Cần để ý đến tam giác giữa Thiên Chúa, tha nhân và chúng ta.
Thái độ của ta đối với tha nhân thế nào,
ta sẽ bị Thiên Chúa đối xử lại như vậy.
Nói cách khác, ta muốn được Thiên Chúa đối xử với mình ra sao,
ta hãy đối xử với tha nhân như vậy.
Càng cho nhiều và tha thứ nhiều, càng bớt xét đoán hay kết án,
ta càng được hưởng lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đong lại cho chúng ta bằng đấu của chúng ta,
không phải vì Ngài thiếu quảng đại hay rộng lượng.
Nhưng vì giống như người đi múc nước bằng một chiếc thùng nhỏ,
người ấy sẽ chỉ lấy được ít nước thôi.
Thiên Chúa muốn ban cho ta nhiều hết sức,
nhưng điều đó còn tùy vào sức chứa của ta.
Có khi chính ta lại tự giới hạn khả năng đón nhận của mình.
Mùa Chay là thời gian để ta sống lòng nhân của Thiên Chúa.
Hãy thay đổi cái đấu ta thường dùng để đong cho người khác,
chúng ta sẽ thấy mình giàu có hơn xưa.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Nguồn: http://gplongxuyen.org