Suy niệm 16/11/2018 – Thứ sáu tuần 32 thường niên: Sống trong ngày của Chúa.

Thứ Sáu 16/11/2018 – Thứ sáu tuần 32 thường niên. – Sống trong ngày của Chúa.

"Cũng xảy ra như thế trong ngày Con Người xuất hiện".

 

Lời Chúa: Lc 17, 26-37

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như sự kiện đã xảy ra thời Noe thế nào, thì trong ngày Con Người cũng xảy đến như vậy. Thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ gả chồng, mãi cho tới ngày Noe vào tầu, rồi nước lụt đến tiêu diệt mọi người.

"Lại cũng như đã xảy ra thời ông Lót: người ta ăn uống, mua bán, trồng tỉa, xây cất, nhưng ngày ông Lót ra khỏi thành Sôđôma, thì trời liền mưa lửa và sinh diêm, tiêu diệt mọi người. Cũng sẽ xảy như thế trong ngày Con Người xuất hiện.

"Trong ngày đó, ai ở trên mái nhà có đồ vật trong nhà, thì chớ xuống lấy đi; và ai ở ngoài đồng cũng đừng trở về. Các con hãy nhớ trường hợp vợ ông Lót. Ai lo cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất sự sống mình thì giữ được nó.

"Thầy bảo các con: Trong đêm ấy sẽ có hai người trên một giường, thì một người bị đem đi, và người kia sẽ được để lại. Hai phụ nữ xay cùng một cối, thì một người sẽ bị đem đi, còn người kia sẽ được để lại. Hai người ở ngoài đồng, thì một người bị đem đi, và người kia được để lại".

Các môn đệ thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, chuyện đó ở đâu vậy?" Người phán bảo các ông: "Xác ở đâu thì diều hâu tựu lại đó".

 

Suy Niệm 1: Thực tại cánh chung

Trong những cuốn phim giả tưởng do trung tâm điện ảnh Holywood sản xuất trong thời gian gần đây, gây nhiều ấn tượng nhất có lẽ là cuốn phim: "Ngày Tận Cùng Của Trái Ðất". Cũng giống như thời Noê, chỉ có 50 người chuẩn bị kịp, họ đã đi vào trong một phi thuyền đặc biệt và tránh được thiên tai xẩy ra cho trái đất, họ đã đi đến một hành tinh khác, và như vậy bảo đảm cho sự trường tồn của nhân loại. Với những xảo thuật tân tiến, cuốn phim đã có thể tạo ra những ấn tượng mạnh trên người xem.

Tuy nhiên, cũng như tất cả những lời đe dọa do nhiều giáo phái tung ra, những hình ảnh của cuốn phim dù khủng khiếp đến đâu, cũng chỉ là những hình ảnh, nghĩa là mời gọi người xem, suy nghĩ về một thực tại khác sâu xa hơn, thường được gọi là thực tại cánh chung. Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa nói với con người. Thiên Chúa không những nói về con người, mà còn nói với con người về chính con người. Kinh Thánh nói với con người: nó từ đâu đến? sẽ đi về đâu? Cứu cánh hay cùng đích của con người là một trong những mạc khải nền tảng của Kinh Thánh. Do đó, bằng một lối văn đặc biệt, Kinh Thánh thường dùng rất nhiều hình ảnh để nói về những thực tại cánh chung ấy.

Cũng theo truyền thống ấy, khi nói về những thực tại cánh chung, Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh vốn quen thuộc với người Do thái, nhưng tựu trung chính cái bất ngờ vượt khỏi mọi phạm trù và trí tưởng tượng của con người vẫn là những nét chính của thực tại cánh chung ấy. Tất cả những hình ảnh và thí dụ được Chúa Giêsu sử dụng trong Tin Mừng hôm nay cho thấy rằng thực tại cánh chung, ngày tận thế, ngày của Chúa, vốn là một thực tại mà không ai biết trước được. Bằng nhiều hình ảnh và cách diễn tả khác nhau, Kinh Thánh luôn khẳng định tính bất ngờ của ngày thế mạt; do tính bất ngờ này, các Kitô hữu luôn được mời gọi để sống tỉnh thức.

Thật ra, ngày của Chúa hay thời cánh chung đã thực sự khởi đầu với chính cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta đang thực sự đi vào trong ngày ấy, nếu chúng ta sống kết hiệp với Ngài và trở thành nhân chứng của Ngài trong lịch sử. Chúa Giêsu đã đến để đổi mới mọi sự như thánh Gioan Tông đồ đã viết trong sách Khải huyền, hoặc như thánh Phaolô đã viết trong thư 2Cor: "Ai ở trong Chúa Kitô cũng đều trở thành một tạo vật mới, cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi". Chúa Kitô Phục sinh đang có mặt và tác động trong lịch sử loài người; chính Ngài đang phơi bày sức mạnh của tội lỗi là hận thù, ích kỷ, bạo động, và khơi dậy cũng như nâng đỡ những sức mạnh của chân lý, công bằng, liên đới, yêu thương. Bất cứ ai sống theo Ngài, người đó sẽ cảm thấy mình là tạo vật mới có sức thắng vượt quyền lực của sự dữ và tăm tối.

Giáo Hội đang làm chứng cho thế giới thấy rằng Giáo Hội đang làm chứng cho thời cánh chung, nghĩa là sống trong ngày của Chúa. Dấu chứng ấy khả tín hay không là tùy ở cuộc sống có khả tín hay không của các Kitô hữu. Cuộc sống lương thiện, công bằng, yêu thương, phục vụ, quảng đại của các Kitô hữu chắc chắn sẽ tạo một dấu cho mọi người thấy rằng họ là những tạo vật mới, rằng Chúa Kitô Phục sinh đang sống trong họ.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục sinh sống trong chúng ta và hướng dẫn mọi tâm tư hành động của chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Ngày Của Con Người

Ngay từ lúc chiếc phi cơ của hãng hàng không Singapore bắt đầu lăn bánh từ phi đạo của phi trường Tưởng Giới Thạch, Ðài Loan, vào một buổi tối thứ Ba trong tháng 11 năm 2000, bà Sally Walker đã có một cảm giác không ổn. Hai tay nắm chặt vào chỗ dựa tay của ghế ngồi trong phần đuôi của chiếc phi cơ chỉ có phân nữa hành khách, người phụ nữ Hoa Kỳ bốn mươi sáu tuổi này lo lắng nhìn giông tố đang thổi ào ào bên ngoài cửa sổ phi cơ. Vào lúc 11h48' tối, chiếc phi cơ di chuyển ra phi đạo để bay về Los Angeles, Hoa Kỳ, bà Walker, một giáo sư tại đại học Giorgie đã lầm thầm cầu nguyện khi nhìn thấy hai cánh phi cơ bị nghiêng ngả và thân phi cơ bị lắc mạnh. Khi chiếc phi cơ di chuyển ở vận tốc cất cánh với một cú sốc thật mạnh và rồi thêm một lần nữa, chiếc phi cơ bị giật dữ dội sang bên trái và nổ tung. Các quả cầu lửa bắn ra khi chiếc phi cơ bị bể làm ba phần, bay rít trên mặt đường nhựa của sân bay. Sau này, ngồi trên chiếc xe lăn bà Walker kể lại sự thoát chết từ chiếc phi cơ ngập lửa rằng: "Mọi thứ đều bị đốt cháy. Thật là một cơn ác mộng khủng khiếp". Bà Walker bị thương nhẹ ở chân là một trong những người rất may mắn. Hơn tám mươi người trong số một trăm bảy mươi chín hành khách của chuyến bay định mệnh đã chết trong tai nạn này. Một số người bị đốt cháy đến độ không còn có thể nhận diện được.

Tai nạn thảm khốc này xảy ra đúng một năm sau khi chiếc phi cơ của hãng hàng không Ai Cập bị rớt trên đường bay từ thủ đô Cairô đến New York, Hoa Kỳ, gây thiệt mạng cho hai trăm bảy mươi người. Nó xảy ra tại một trong những phi trường được xem là an toàn nhất thế giới, và được hoạt động bởi một trong những công ty an toàn nhất thế giới.

Dĩ nhiên, sau bất cứ một tai nạn nào, người ta cũng cố gắng tìm ra cho bằng được nguyên nhân, bởi vì không có tai nạn nào mà không có nguyên nhân, dù nguyên nhân ấy vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn. Tựu trung, nguyên nhân nào cũng gắn liền với những giới hạn của con người. Khoa học, kỹ thuật dù có tiến bộ đến đâu cũng không thể xóa bỏ được những hàng rào dựng lên bởi chính thân phận bất toàn của con người. Ðây hẳn phải là chân lý có thể nuôi dưỡng những suy tư và cầu nguyện của các tín hữu Kitô chúng ta trong tháng cầu cho các đẳng linh hồn này.

Tin Mừng được Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe trong những ngày cuối năm phụng vụ dường như cũng hướng tâm tư chúng ta về ý tưởng ấy và trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói đến ngày của Con Người. Ngày ấy có thể là ngày tận thế khi Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang. Ngày ấy có thể là ngày từ giã cõi đời của mỗi người chúng ta. Nhớ đến những người quá cố, suy tưởng về sự chết không hề là một thái độ bệnh hoạn hay bi quan mà là tư thế tỉnh thức tích cực của người môn đệ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói đến tính cách bất ngờ của ngày của Con Người để kêu gọi các môn đệ mặc lấy thái độ tỉnh thức. Thời ông Nôê, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng mà không màng đến lời cảnh cáo của ông, đến khi đại nạn hồng thủy đến thì đã quá muộn.

Ý nghĩ về sự chết hướng con người đến cùng đích của mình để tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống. Ý nghĩa ấy luôn gợi lên cho con người ý thức về thân phận mong manh bất toàn của kiếp người và mời gọi con người tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu của Nước Trời. Với ý thức ấy, con người hướng về cùng đích của cuộc sống và tỉnh thức không những để chờ đợi Chúa đến vào ngày sau hết, hay để được đợi mong Ngài mau đến trong những khoảnh khắc của cuộc sống.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta lẽ khôn ngoan và tinh thần tỉnh thức đích thực ấy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Luôn xảy ra như tàu Titanic

Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng xảy ra như vậy, thiên hạ ăn uống cưới vợ lấy chồng, mãi cho đên ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thủy ập tới, tiêu diệt tất cả. (Lc. 17, 26-27)

Biết chắc phải chết, nhưng người ta vẫn thích ăn chơi cho đã đời. Ăn uống, cưới hỏi, mua bán, gieo gặt, xây cất … cuồng nhiệt hoạt động đến mức sống tràn trề thỏa mãn trước khi tận diệt.

Phải lo tiên liệu

Ngày Con Người đến không chỉ là ngày ân thưởng, mà còn là ngày đe dọa xao xuyến sợ hãi. Người ta không thấy hạn kỳ ấn định, không ai biết được mình còn sống, không biết được đời sống tương lai. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào sự ăn năn sám hối và mong đợi Chúa đến hàng ngày của mình.

Vậy phải coi chừng lo chuẩn bị trước: lịch sử cứu độ để lại cho chúng ta ít nhất là hai biến cố đầy ấn tượng mạnh mẽ. Đại hồng thủy thời ông No-e và lửa sinh diêm đốt thành Sô-đô-ma. Nước và lửa ai cũng biết là sức mạnh tàn phá kinh khủng. Biết bao lần nước và lửa tiêu hủy một cách tàn bạo bất ngờ. Vậy phải luôn luôn tỉnh thức phòng cháy, thoát lụt.

Ai có thể được cứu thoát?

Ngày ấy, phải bỏ lại tất cả bất cứ cái gì dù cần thiết cho đời sống. Vợ ông Lót miễn cưỡng đi theo chồng, nhưng lòng luôn luyến tiếc những cái phải bỏ lại. Bà là thứ tâm hồn không có lòng tin. Bất cứ lúc nào, ai không có thể từ bỏ của cải vật chất đời này, chắc chắn hư mất đời đời.

Chỉ có một điều cần thiết cho ngày ấy để có thể đứng trước mặt Chúa trong ngày phán xét là những ai làm việc hàng ngày với con mắt hướng nhìn lên Chúa, “không nhìn lại đàng sau” như vợ ông Lót, mới “thích hợp với nước Thiên Chúa”. Kẻ ru ngủ mình trong chè chén say sưa, chỉ nghĩ tìm những điều theo dục vọng “thì sẽ mất”. Cũng vậy, người đàn bà xay bột chỉ nghĩ đến tấm bánh ngon, thì sẽ bị thiêu đốt.

Các môn đệ hỏi: “Lạy Chúa, ở đâu vậy?”, cũng giống như câu hỏi của biệt phái hỏi bao giờ triều đại nước Thiên Chúa đến. Đức Giêsu cũng trả lời các môn đệ tương tự như trả lời biệt phái.

Ngày đó sẽ là ngày phán xét tất cả. Tất cả vũ trụ sẽ bị phán xét và người ta không thể trốn đi bất cứ đâu được. Không còn phao, xuồng cấp cứu nữa!

RC

 

Suy Niệm 4: TỈNH THỨC TRONG NIỀM VUI (Lc 17, 26-37)

Xem CN 1 MV A

Mỗi khi nói đến ngày chung thẩm, ngày Chúa đến với mọi người, ngày phán xét, hẳn đã làm cho nhiều người lo sợ. Lo sợ vì họ đang sống trong cảnh sa đọa, nên ngày đó đến, họ sẽ gặp phải sự bất hạnh. Nhưng ngược lại, nhiều người lại hân hoan vui mừng. Tại sao vậy? Thưa những người vui mừng chính là họ đang sống hết mình với Chúa, với tha nhân: dám hy sinh tất cả dù phải mất cả mạng sống mình vì Nước Trời.

Tuy nhiên, muốn có được niềm vui thực sự, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa đến. Giờ của Chúa có thể đến như kẻ trộm, như ông chủ đi xa về, như tia chớp từ trời xuống, như trận lụt thời ông Noe...

Ngày hôm nay, con người ưa sống trong cảnh nhung lụa, ăn chơi, trần tục. Họ luôn bám vào những giá trị trần gian mà quên đi thực tại Nước Trời với những giá trị của Nước này. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi con người trong xã hội hôm nay vẫn nhởn nhơ và ung dung sống trong tội. Không màng chi đến công bằng, nhân ái và tình thương...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy luôn sẵn sàng, hãy tỉnh thức trong tâm tình cầu nguyện và làm những việc lành, hy sinh và bác ái.

Luôn biết gắn bó cuộc đời của mình trong sự an bài quan phòng của Thiên Chúa. Thực thi Lời Chúa dạy trong cuộc sống hằng ngày. Nhất là luôn biết tỉnh thức trong đời sống cầu nguyện.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết gắn bó cuộc sống của chúng con với Chúa. Luôn sống trong tâm tình cầu nguyện để tìm gặp Chúa trong cõi sâu thẳm của lòng chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 5: Được đem đi, bị bỏ lại

(Thứ sáu Tuần 32 Thường niên)

Suy niệm:

Gần đây trong y học, người ta nói đến hội chứng Brugada. 
Hội chứng này thường gặp ở nơi nam giới vùng Đông Nam Á. 
Nó có thể gây tử vong bất thình lình và nhanh chóng, 
cho một người khi ngủ vào ban đêm, dù trước đó anh vẫn khỏe mạnh. 
Số người mắc hội chứng có tính di truyền này hiện đang gia tăng. 
Đến nay người ta vẫn chưa giải thích được nguyên nhân gây bệnh. 

Sống làm người ở đời, con người phải đương đầu với bao bất ngờ. 
Những điều tưởng như không thể nào xảy ra được, lại xảy ra. 
Những điều đã tính toán rất cẩn thận, lại xảy ra không như ý. 
Bệnh tật, rủi ro, tai nạn, và sau cùng là cái chết. 
Những cái bất ngờ đến nhanh quá khiến con người không kịp trở tay. 
Làm sao ta có đủ bình tĩnh để đón lấy mọi cái bất ngờ trong cuộc sống? 
Kitô giáo chờ đợi một bất ngờ, 
vì biết bất ngờ đó thế nào cũng đến, chỉ không biết rõ khi nào thôi. 
Đó là Ngày Chúa Giêsu trở lại trái đất này 
trong tư cách là Vua xét xử cả nhân loại. 
Vào buổi đầu, nhiều Kitô hữu tưởng là Ngài sẽ trở lại ngay lập tức. 
Nhưng dần dần họ thấy rằng Giáo Hội phải kiên nhẫn chờ đợi. 
Chỉ khi chờ đợi điều chắc chắn sẽ xảy ra, tuy không rõ khi nào, 
người ta mới không bị hụt hẫng khi biến cố xảy đến. 
Giáo Hội đã chờ hai ngàn năm và hôm nay vẫn đang chờ. 
Chờ và chuẩn bị cho Ngày Quang Lâm làm nên sức sống của Giáo Hội. 
Nhưng chờ đợi lâu dài cũng có thể làm người ta mỏi mòn. 
Cuộc sống hàng ngày với nhịp điệu bình thường, đều đặn, êm ả, 
có thể cuốn hút ta vào một vòng xoáy khó có lối ra. 
Cơn hồng thủy đã bất ngờ ập xuống vào thời ông Nôê, 
khi “họ đang ăn, họ đang uống, họ đang cưới vợ, họ đang lấy chồng.” 
Dòng chảy tự nhiên ấy bị cắt đứt đột ngột bởi cơn hồng thủy. 
Khi Thiên Chúa tiêu diệt thành Xơđôm bằng lửa bởi trời, 
thì “họ đang ăn, họ đang uống, họ đang mua, họ đang bán, 
họ đang trồng, họ đang xây” (c. 28). 
Cuộc sống tưởng như cứ trôi đều, ai ngờ nó phải dừng lại. 
Chuyện ăn uống, mua bán, lập gia đình, trồng trọt, xây cất 
chẳng phải là điều xấu, cần phải tránh xa hay coi thường. 
Nhưng chúng ta không để mình bị ru ngủ 
bởi cái nhịp tự nhiên và quyến rũ của chúng. 
Người Kitô hữu sống đời thường như mọi người một cách tỉnh táo. 
Tận tụy nhưng lại không bị mất hút, hết mình nhưng lại còn chút e dè. 
Sống tưng bừng giây phút hiện tại nhưng vẫn nhớ đến điểm tới. 
Hai người nằm một giường, hai phụ nữ xay một cối (cc. 34-35), 
nhưng số phận chung cuộc của họ lại khác nhau. 
Có người được đem đi, có người bị bỏ lại. 
Làm sao tôi đừng tiếc đồ đạc mà xuống lấy hay quay trở lại nhà (c. 31)? 
Làm sao tôi đừng như vợ ông Lót quay nhìn lại và hóa thành cột muối?

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, 
Chúa đã yêu trái đất này, 
và đã sống trọn phận người ở đó. 
Chúa đã nếm biết 
nỗi khổ đau và hạnh phúc, 
sự bi đát và cao cả của phận người. 
Xin dạy chúng con biết đường lên trời, 
nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em. 
Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu, 
chúng con thấy mình được thêm sức mạnh 
để xây dựng trái đất này, 
và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại. 
Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa, 
xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời 
không làm chúng con quên trời cao; 
và những vẻ đẹp của trần gian 
không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa. 
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con, 
mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.Amen 

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ

Nguồn: http://gplongxuyen.org