Suy niệm 16/08/2018 – Thứ năm tuần 19 thường niên: Yêu thương và tha thứ.

Thứ Năm 16/08/2018 – Thứ năm tuần 19 thường niên: Yêu thương và tha thứ.

"Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy".

 

Lời Chúa: Mt 18,21 - 19,1

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: "Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. "Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".

Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan.

  

Suy Niệm 1: Tha Thứ

Một đôi vợ chồng nọ đưa nhau ra tòa xin ly dị. Vị luật sư biện hộ cho quan tòa biết: đôi vợ chồng này sống hoàn toàn yên lặng với nhau trong suốt 12 năm liên tiếp. Họ cũng không muốn gặp nhau nữa, nếu cần cho nhau biết điều gì, thì họ chỉ cần viết vào một mảnh giấy để sẵn trên bàn cho người kia đọc. Ðôi vợ chồng này trước đây đã sống hạnh phúc với nhau trong vòng 18 năm, đã nuôi nấng con cái khôn lớn, nhưng rồi không rõ vì lý do gì, hai người đã không thèm nói chuyện với nhau, và giờ đây họ không nhớ đã giận nhau vì lý do gì.

Những hờn giận, phiền muộn xẩy ra trong sinh hoạt hằng ngày, nếu không được nghiêm chỉnh giải quyết, vượt qua, thì sẽ dễ dàng chồng chất làm thành những bức tường ngăn cách giữa cha mẹ với nhau, hay giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em trong gia đình, hoặc giữa bạn bè thân thích. Những tâm tình phiền muộn tiêu cực mỗi ngày một ít cũng đủ ảnh hưởng đến cả cuộc sống, làm chúng ta không còn vui sống và bình an nữa.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải tha thứ và tha thứ luôn luôn. Nhưng tại sao phải tha thứ? Vì tha thứ là một điều cần thiết trong đời sống xã hội, trong gia đình, trong các đoàn thể; vì tha thứ là đặc điểm của tình yêu: trong tình yêu Chúa, chúng ta tha thứ cho nhau như Ngài đã tha thứ cho chúng ta. Tha thứ như thế không phải là yếu nhược, mà là sức mạnh của tình yêu, là khí cụ của hòa bình. Cuộc đời là một cuộc hành trình, nếu chúng ta cứ để mình mang nặng gánh ưu tư, phiền muộn thì làm sao có đủ sức để đạt tới đích được. Do đó chúng ta hãy luôn sống tha thứ để tâm hồn chúng ta được nhẹ nhàng thanh thoát trên đường đời với niềm hy vọng và an vui.

Một nhà tâm lý người Mỹ đã đưa ra nhận định như sau: Trên bình diện nhân bản, nếu suy nghĩ cho cùng, thì tha thứ là giải pháp tốt nhất cho người tha thứ và kẻ được tha thứ: sự tha thứ khai mở năng lực tinh thần con người và có tác dụng làm cho con người sống lành mạnh vui tươi hơn. Trên bình diện thiêng liêng, sự tha thứ có giá trị tích cực, chứng tỏ tình thương làm phát sinh nguồn an ủi trong tâm hồn; nếu chúng ta không thật lòng tha thứ cho nhau, thì Cha trên trời cũng không tha thứ cho chúng ta.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng ta, và như vậy chúng ta trở thành khí cụ đem niềm vui đến cho mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Bản Sắc Của Người Kitô Hữu

Cuộc xung đột đẫm máu giữa người Do Thái và Palestin tại Trung Ðông cũng như những người công giáo và tin lành tại Bắc Ailen, hay giữa những chủng tộc khác nhau tại nhiều nơi khác trên thế giới cho chúng ta thấy rằng oán thù luôn sinh ra oán thù, bạo động luôn kéo theo bạo động, thế giới sẽ chẳng bao giờ có được hòa bình đích thực khi con người chưa biết tha thứ cho nhau.

Tin Mừng hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta đi vào cốt lõi của Tin Mừng là sự tha thứ, đây là tuyệt đỉnh của giáo huấn của Chúa Giêsu. Ngài sẽ chỉ là một kẻ lừa bịp và tòa giáo huấn của Ngài sẽ sụp đổ nếu trong giây phút cuối đời, từ trên thập giá, Ngài đã không tha thứ cho những kẻ đang hành hạ mình. Lời cầu xin tha thứ của Chúa Giêsu là bảo chứng của những lời Ngài rao giảng. Suy niệm về sự tha thứ, trước hết chúng ta phải hướng về tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng thương xót, chậm giận và hay tha thứ. Toàn bộ Kinh Thánh là lịch sử của những cử chỉ tha thứ của Thiên Chúa và sự bắt đầu lại của con người. Mỗi một lần con người vấp ngã là mỗi lần Thiên Chúa thực thi lòng thương xót. Ngay từ trang đầu tiên của Kinh Thánh, chúng ta đã thấy được sự tha thứ của Thiên Chúa. Sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã không bỏ mặc hay trừng phạt, mà trái lại còn hứa ban ơn cứu rỗi. Xuyên suốt Kinh Thánh Cựu Ước, Thiên Chúa trải dài tình yêu nhẫn nhục tha thứ cho dân riêng của Ngài. Qua Chúa Giêsu, lòng tha thứ của Chúa Cha đã bộc bạch một cách trọn vẹn. Những trang cảm động nhất trong Tân Ước hẳn phải là những trang về lòng tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện qua lời nói, cử chỉ của Chúa Giêsu.

Còn bức tranh nào đẹp và cảm động cho bằng phiên tòa xử người đàn bà phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang. Từ buổi sáng tinh mơ, trong khi đám đông do các luật sĩ và biệt phái động viên đang hậm hực sẵn sàng ném đá người đàn bà khốn khổ, Chúa Giêsu đã giữ thinh lặng, và cuối cùng, khi đám đông đã rút lui, Ngài chỉ ôn tồn nói với chị: "Chị hãy về đi, Ta không kết án chị".

Còn áng văn nào đẹp cho bằng dụ ngôn về người con hoang đàng được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Luca. Còn lời nào dịu ngọt hơn lời tha thứ của Chúa Giêsu dành cho người được mệnh danh là kẻ trộm lành chịu đóng đinh bên hữu Ngài, và dĩ nhiên còn cử chỉ nào hào hùng và cao thượng hơn lời cầu xin tha thứ cho những kẻ lý hình trước khi trút hơi thở cuối cùng.

Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chậm giận và hay tha thứ. Ðó là tuyệt đỉnh của mạc khải Kitô giáo. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu tỏ bày cho chúng ta qua lời giảng dạy và cách cư xử của Ngài là Thiên Chúa hay thương xót và tha thứ. Lòng thương xót và tha thứ thiết yếu là của Thiên Chúa, con người không thể tự mình tha thứ. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã không tự mình tha thứ, Ngài cầu xin Chúa Cha tha thứ. Thiên Chúa thực thi lòng tha thứ qua con cái Ngài. Tự mình tha thứ không phải là điều tự nhiên đối với bản tính con người. Chính vì thế mà Chúa Giêsu dạy chúng ta phải kêu cầu ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tha thứ cho người khác: "Xin Cha tha cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".

Cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa và sẵn sàng tha thứ cho người khác, đó là cuộc chiến đấu của cả một đời người nhưng đó cũng là cuộc chiến làm nên bản sắc của người tín hữu Kitô. Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là tín hữu Kitô khi họ biết tha thứ mà thôi.

 

Suy Niệm 3: Sáng và tối.

Bấy giờ ông Phê-rô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt. 18, 21-22)

Ý nghĩa hai dụ ngôn này đã rõ ràng. Chúng ta không thể khước từ tha thư cho người khác vì Thiên Chúa cũng tha thứ cho mỗi người chúng ta hơn thế nhiều. Chúng ta cũng không thể không biết rằng thái độ của chúng ta đối vời anh em lân cận. Thì không có lý gì chúng ta sẽ tránh khỏi Thiên Chúa không xử với chúng ta như vậy. Chúng ta là nạn nhân của chính lối cư xử và hành động chúng ta.

Tối.

Thường những dụ ngôn của thánh Mát-thêu cũng như câu chuyện nhỏ này mang nặng bi quan. Nó phác họa những con người, những cách đối xử với nhau đáng buồn và kết thúc bằng kết án đầy tớ độc ác kèm theo sự đe dọa của hình phạt đối với kẻ không biết tha thứ. Chắc là bi quan rồi, nhưng như thế có sai lầm không? Chúng ta có cư xử cách khác đối với anh em ta không? Người ta nói: “Người là chó sói đối với người”

Ở đây nói về các môn đệ Chúa Giêsu, nói về mỗi người chúng ta, chúng ta có cư xử với nhau như thế không? có độc ác như thế không? có dã man không? dụ ngôn này Đức Giêsu không chỉ nói với các môn đệ hình như đã sống không có tình yêu huynh đệ, nó còn nói với chúng ta hiện nay nữa.

Sáng

Xuyên qua câu truyện dụ gôn này có thấy sáng lên hình bóng của nhà vua. Lòng thương xót của nhà vua biểu lộ qua những cách cư xử ban đầu làm cho dụ ngôn này một vẻ tươi sáng, nhưng rồi lại tuôn đi. Lối cư xử của đầy tớ ban đầu có vẻ lành mạnh: Nó lăn xả vào tay Chúa. Chúa không bắt buộc nó nữa. Người Cha của đầy tớ van xin này là người cha của đứa con phung phá. “Một người phủ đầy tội lỗi luôn được quan tâm ưu ái, đó là cái đích cho lòng thương xót nhắm bắn” Lê-on Bloy nói thế.

Nơi pháp trường người tội lỗi như món nợ vô phương đền trả, được trông thấy một người tiến lại cứu giúp. Gảii thoát nó hoàn toàn! Lòng tha thứ đưa đến một chân trơì mới, đến đời sống mới và gắn bó lòng thương xót tha thứ lẫn nhau.

J.M

 

Suy niệm 4: THA THỨ VÀ YÊU THƯƠNG KHÔNG GIỚI HẠN (Mt 18, 21; 19, 1)

Xem lại CN 24 TN A, Thứ Ba Tuần 3 MC.

Toàn bộ Tin Mừng được gói trọn trong hai điều răn là: “Mến Chúa và yêu người”; nói cách khác: “Mến Chúa và yêu người là hai mặt của một thực tại”, nó như hai mặt trên cùng một bàn tay. Thật vậy, nếu nói mến Chúa mà không yêu người thì là người nói dối vì sự thật không ở trong người đó. Vì thế, luật Tin Mừng đòi hỏi mến Chúa và yêu người phải luôn đi đôi với nhau như hình với bóng.

Hôm nay, Đức Giêsu dạy cho Phêrô một bài học về sự tha thứ khi ông đến hỏi: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?". Đức Giêsu liền nói: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy". Điều đó cho thấy rằng: tha thứ triền miên, tha thứ không giới hạn…

Nhưng muốn tha thứ trong tự do và đem lại hạnh phúc, thì điều quan trọng là nhận ra mình không là gì cả, nhưng vẫn được Chúa yêu thương. Mình đáng phải chết mà Chúa đã cứu sống và tha thứ. Vì thế, mình phải có trách nhiệm cứu giúp và yêu thương anh chị em đồng loại như Chúa đã thương mình. Dụ ngôn “tên mắc nợ không biết thương xót” là điều mà con người hay mắc phải. Tức là chỉ cầu cứu Thiên Chúa tha thứ cho mình, còn người khác khi có lỗi với mình, mình tìm mọi cách triệt tiêu và đóng đinh họ cho bằng được.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống trong tình yêu của Chúa. Biết yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con. Đồng thời sẵn sàng tha thứ cho những thiếu xót, bất toàn của anh chị em chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 5: Bảy mươi lần bảy

Suy niệm :

Có khoảng cách rất lớn giữa mười ngàn yến vàng với một trăm quan tiền.

Mười ngàn yến vàng bằng một trăm triệu quan tiền.

Vậy mà người vừa được tha món tiền cực lớn ấy,

lại không tha được cho bạn của mình một món tiền tương đối nhỏ.

Thái độ độc ác này khiến tôi nhìn lại mình và tự hỏi tại sao.

Tại sao tôi không tha cho anh em tôi những điều nhỏ mọn hàng ngày,

trong khi Chúa vẫn tha cho tôi những món nợ rất lớn?

Dù một trăm quan tiền là hơn ba tháng lương của người lao động,

nhưng nó chẳng là gì so với món tiền lớn tôi mắc nợ Chủ tôi.

Tôi mắc nợ Ngài sự hiện hữu của tôi trên đời và tất cả những gì tôi có.

Tôi mắc nợ Ngài vì tình yêu bao la Ngài dành cho tôi.

Món nợ lớn vô cùng, vì tôi là thụ tạo, còn Ngài là Tạo Hóa.

“Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết” (cc. 26. 29).

Cả hai người đầy tớ đều sấp mình van xin như thế

khi cả hai đều không thể nào trả ngay được món nợ.

Nhưng hai câu trả lời nhận được lại khác nhau.

Chỉ vị vua mới biết chạnh lòng thương xót và tha toàn bộ số nợ (c. 27).

Còn người đầy tớ vừa được tha món nợ lớn, lại không có lòng thương xót này.

Anh ta thích dùng sức mạnh và quyền lực để giải quyết.

Túm lấy, bóp cổ, tống bạn mình vào ngục cho đến khi trả xong.

Lẽ ra anh ta phải cư xử với bạn mình như ông chủ đã cư xử với anh.

Đó chính là nội dung lời buộc tội của ông chủ giận dữ:

“Ngươi không phải thương xót đồng bạn,

như chính ta đã thương xót ngươi sao ?” (c. 33).

Lòng thương xót anh nhận được đã không trở thành dòng suối mát

chảy đến với người bạn đang cần chút xót thương.

Chính vì thế sự tha thứ mà anh nhận được từ chủ

phút chốc bị rút lại, bị xóa sạch.

Anh lại bị trở về tình trạng trước đây,

bị quân lính hành hạ, bị tù đầy cho đến khi trả hết (c. 34).

Sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta

chỉ ở lại với điều kiện là nó được chuyển đi, chứ không giữ lại.

Giữ lại đồng nghĩa với bị rút lại.

Món quà tôi nhận được từ Cha phải trở thành món quà tôi trao cho anh em.

Trong cuộc sống, chúng ta là con nợ của nhau, người này nợ người kia.

Trước những xúc phạm của người anh em trong cộng đoàn,

Phêrô nghĩ phải chăng nên tha đến bảy lần.

Đức Giêsu mời ta tha đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha đến vô cùng.

Ngài mời ta đi vào chỗ sâu nhất trong trái tim Thiên Chúa.

Sự tha thứ bắt nguồn từ tấm lòng, từ trái tim (c. 35).

Một trái tim tàn nhẫn chỉ biết đến một sự công bằng cứng cỏi.

Thế giới hôm nay cần một trái tim tha thứ hơn bao giờ.

Những nước nghèo mong chờ được tha những món nợ lớn.

Có những mối thù cần được tha giữa các sắc tộc, quốc gia, tôn giáo…

Người Kitô hữu chúng ta giúp gì cho sự tha thứ trong thế giới hôm nay?

 

Cầu nguyện :

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các Kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 Nguồn: http://gplongxuyen.org