Suy niệm 16/07/2018 – Thứ Hai tuần 15 thường niên: Phần thưởng môn đệ Chúa.

Thứ Hai 16/07/2018 – Thứ Hai tuần 15 thường niên. – Phần thưởng môn đệ Chúa.

"Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo".

 

Lời Chúa: Mt 10,34 - 11,1

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo. Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình. Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.

Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu".

Sau khi Chúa Giêsu truyền dạy xong các điều ấy cho mười hai tông đồ, Người rời khỏi đó để đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành phố của các ông.

  

Suy Niệm 1: Chúa Sẽ Ðền Bù

Có thể nói, bài Tin Mừng hôm nay cho hệ quả của bước đường theo Chúa. Theo Chúa, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: họ có thể bị chống đối từ ngoài xã hội đến trong gia đình, và một cách nào đó, Chúa Giêsu cũng bị xem là nguyên cớ của các tranh chấp, chống đối. Thật thế, làm sao không có đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực thế gian. Bước theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa, và chỉ chọn lựa tình yêu Chúa mới cho họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài.

Chắc chắn, khi chọn lựa như vậy, người môn đệ không tránh khỏi những mất mát, thua thiệt. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không để họ phải thất vọng, Ngài sẽ đền bù vượt quá sự chờ đợi của họ. "Ðón tiếp một tiên tri, sẽ nhận được phần thưởng dành cho một tiên tri; đón tiếp người công chính, sẽ nhận được phần thưởng dành cho người công chính; đón tiếp kẻ rao giảng, sẽ nhận được phần thưởng dành cho kẻ rao giảng". Người môn đệ của Chúa đừng sợ mất phần thưởng, nhưng hãy sợ mình chưa trung thành trong bổn phận của mình mà thôi.

Với Thiên Chúa, dù công khai hay âm thầm, sứ mệnh kẻ rao giảng bao giờ cũng cần thiết. Thiên Chúa luôn cần đến những người ngày đêm nhiệt thành rao giảng và làm chứng cho Ngài bằng đời sống hoạt động tông đồ, nhưng Ngài cũng cần đến những người hỗ trợ cho công việc tông đồ bằng đời sống âm thầm cầu nguyện và hy sinh. Lịch sử chỉ nhớ đến những vĩ nhân, chứ lịch sử không đủ giấy bút để ghi lại hết những khuôn mặt đã góp phần vào đời sống của các vĩ nhân. Lịch sử không nhớ, nhưng Thiên Chúa lại ghi nhớ tất cả, Ngài không bỏ sót một khuôn mặt nào, và phần thưởng của họ cũng có giá trị như của các vĩ nhân.

Xin Chúa cho chúng ta biết biểu lộ lòng trung thành với Chúa và Giáo Hội bằng những đóng góp nhỏ bé trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Dù chỉ là những việc nhỏ bé, âm thầm, không được ai biết đến, nhưng chúng ta hãy tin rằng chúng vẫn hiện diện và có giá trị trước mặt Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Thực hành giới răn của Chúa (Mt 10,34-11,1)

Với cái nhìn trần tục, chúng ta có thể cho rằng những lời dạy của Chúa Giêsu cho các đồ đệ xem ra thật chói tai: "Thầy đến để đem chia rẽ con trai với cha, con gái với mẹ. Ai yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì không đáng làm môn đệ Thầy. Ai không vác thập giá mình hàng ngày mà theo Thầy, thì cũng không xứng đáng làm môn đệ Thầy".

Thử hỏi, trên trần gian này có ai dám yêu cầu những điều như vậy nơi những kẻ theo họ không? Nhưng Chúa Giêsu đã không ngần ngại dùng ngôn ngữ như vậy, để khắc ghi mạnh mẽ vào tâm trí những người nghe điều Người muốn nói trong cách thức phù hợp với tâm thức của những người đương thời.

Thật vậy, để nhấn mạnh điều gì đó người ta thường dùng cách nói táo bạo, nghịch lý thường tình như những lời chúng ta vừa đọc lại trên: "Ai yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì không đáng làm môn đệ Thầy". Chúa muốn chỗ ưu tiên trên hết mọi người và mọi sự. Chính vì vậy mà sự hiện diện của Chúa là dấu gây nên mâu thuẫn, gây chia rẽ: "Thầy không đến mang sự bình an, nhưng chia rẽ. Thầy đến để chia rẽ con trai với cha, con gái với mẹ".

Sự trung thành với Chúa, việc sống thực hành những giới răn Chúa làm cho mỗi người Kitô trở thành như kẻ thù của chính người thân thuộc, vì nếp sống mới mẻ của người Kitô không phù hợp với nếp sống trần gian, tinh thần Phúc Âm không phù hợp với tinh thần phàm tục. Luật Chúa luôn luôn dạy điều nghịch lại những ước mơ ích kỷ của con người. Giáo huấn Phúc Âm không bao giờ là điều tiện lợi dễ dàng. Thánh giá hy sinh là chiều kích không thể nào tách rời ra khỏi cuộc đời của người theo Chúa. Thánh giá là dấu chỉ, là bằng chứng của tình yêu.

Nhìn vào Chúa Giêsu, Thầy chúng ta, bị treo trên thập giá, chúng ta hiểu được mức tận cùng của tình yêu đích thực. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi trao nộp Con Một của Ngài cho thế gian giết chết trên thập giá. Hy sinh mạng sống mình cho Chúa và anh chị em, đó là vận mệnh không thể tránh được của người Kitô. Ðể theo Ngài trọn vẹn, trung thành cho đến cùng, người đồ đệ cần nhiều can đảm, hy sinh và ơn soi sáng hướng dẫn Chúa.

Lạy Chúa, Xin đổ tràn tình yêu Chúa xuống trên chúng con, để chúng con sống trung kiên với Chúa và quảng đại với anh chị em chung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Chúa Giêsu không đem đến bình an

“Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.”

Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì sẽ không xứng với Thầy. Ai giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt. 10, 34. 38-39)

Những lời gây kinh ngạc

Nếu có ai hỏi ta Chúa Giêsu đến mang lại và dạy dỗ cho con người cái gì, ta sẽ trả lời rằng Chúa đến dạy người ta biết sống yêu thương nhau; Người đem hòa bình, Người hiệp nhất những ai chia rẽ. Và chúng ta sẽ có thể trưng ta nhiều câu Phúc Âm minh chứng rằng vì những mục đích trên, mà Chúa Giêsu đã làm người ở giữa chúng ta, đã chết và sống ại vì hạnh phúc loài người.

Vậy thì những lời của Phúc Âm vừa nghe, quả làm ta ngạc nhiên Chúa Giêsu khẳng định rằng Người “Không đến đem bình an cho trái đất, nhưng để đem gươm giáo”. Người dám nói rằng Người đến: “Để gây chia rẽ giữa con trai với cha mình, giữa con gái với mẹ…” Chúa Giêsu Người gieo rắc chia rẽ! Chúa Giêsu gây chia rẽ hơn là tạo hiệp nhất! Có ai dám nghĩ như vậy không? Ai mà cho rằng những lời đó là từ môi miệng Chúa? Vậy mà đúng như thế đó.

Những sự kiện minh chứng.

Ta nên lưu ý rằng Chúa Giêsu không khẳng định là Người có chủ tâm gây chia rẽ người ta. Người chỉ nhìn nhận sự kiện xảy ra. Người ta sẽ bất đồng ý kiến với nhau về Người. Có những người sẽ ủng hộ Người, người khác lại chống đối Người. Sẽ có những hiểu lầm, những cắt đứt quan hệ, những xung đột ở khắp nơi trên thế giới và ngay cả trong các gia đình, là vì Người và vì giáo huấn của Người.

Đó chính là điều vẫn xảy ra, mãi mãi những kẻ tin và những kẻ không tin Chúa Kitô vẫn xung khắc với nhau. Mãi mãi chồng và vợ, cha và con chia rẽ nhau và gây khổ cho nhau vì đôi bên không cùng một lập trường khi phải đối mặt với giáo huấn của Chúa Kitô.

Chúa Giêsu lúc nào cũng vẫn muốn gieo sự bình an, nhưng Người cũng là con người thực tế, vì biết rằng trên trần gian Người sẽ mãi mãi là chủ đề gây trang cãi, chống đối và chia rẽ vậy.

J.Y.G

 

Suy Niệm 4: HÒA BÌNH TRONG CHÂN LÝ (Mt 10, 34 - 42; 11, 1)

Sống trong bối cảnh xã hội hiện nay, chúng ta thấy tình hình căng thẳng trên Biển Đông ngày càng leo thang! Các nước có liên quan đã lên án sự ngang ngược, cách hành xử vô lý của Trung Quốc muốn bá chủ vùng Biển này. Đồng thời người ta lo ngại sẽ xảy ra chiến tranh!

Qua câu chuyện Biển Đông, người dân đều mong muốn có hòa bình, không chiến tranh. Tuy nhiên, ai cũng biết, muốn không xảy ra đụng độ, các bên phải ngồi lại để đàm phán, tôn trọng và chấp nhận sự thật. Có thế, chúng ta mới hy vọng hòa bình lặp lại trên Biển Đông.

Hôm nay, Đức Giêsu tuyên bố một câu xem ra rất nghịch lý: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa người ta với cha mình, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà" (Mt 10, 34-36). Thoạt nghe, chúng ta thấy xem ra có vẻ mâu thuẫn, bất thường và khó hiểu. Tuy nhiên, đi vào chiều sâu của vấn đề, chúng ta mới thấy sáng tỏ một chân lý, đó là: chỉ có bình an đích thực khi chấp nhận sự thật; chấp nhận loại trừ những sai quấy. Bao lâu ta còn để cho sự ác, bất công, gian dối lộng hành, thì bấy lâu chúng ta không có bình an, nếu có, cũng chỉ là thứ bình an giả tạo.

Như thế, chúng ta cũng đâu lạ gì khi trong gia đình có những thành phần chống đối nhau. Tại sao thế? Thưa, chỉ vì có những chuẩn mực trong cuộc sống, những lựa chọn khác nhau, dẫn đến hệ quả khác nhau.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải đắn đo và cẩn trọng khi chọn lựa. Khi đã chọn điều tốt, phải kiên trì bảo vệ để đạt được sự bình an đích thực.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chiến đấu trong sự thiện, để luôn đứng về phía sự thật, hầu đem lại sự bình an thực sự. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 5: Không xứng với Thầy

Suy niệm:

Văn Cao là một nhạc sĩ có tài với bản Tiến Quân Ca bất hủ.

Nhưng ông cũng là một thi sĩ ít được ai biết đến.

Ông có làm một bài thơ ngắn Không Đề như sau:

“Con thuyền đi qua để lại sóng.

Đoàn tàu đi qua để lại tiếng.

Đoàn người đi qua để lại bóng.

Tôi không đi qua tôi để lại gì ?”

Ông muốn để lại chút gì cho đời của kẻ đã mang tiếng ở trong trời đất.

Và ông hiểu rằng mình không thể để lại gì, nếu không vượt qua chính mình.

Cái tôi và tất cả những gì thuộc về nó, đều là đối tượng phải vượt qua.

Vượt qua cái tôi không làm tôi mất nó, nhưng lại được một cái tôi viên mãn.

Phải chăng đó là điều Văn Cao, một Kitô hữu ẩn danh đến lúc chết,

muốn gửi gấm qua những vần thơ này ?

Có những giá trị hầu như được mọi người nhìn nhận.

Có những giá trị thiêng liêng máu mủ như cha mẹ, con cái.

Đặc biệt trong xã hội Do thái, hiếu thảo với cha mẹ là điều được đề cao.

Đức Giêsu cũng đã phê phán thái độ bất hiếu đối với cha mẹ (Mt 15, 3-6).

Mạng sống của con người cũng là một giá trị cao quý.

Đụng đến mạng sống con người là xúc phạm đến chính Thiên Chúa,

như ta thấy trong chuyện Cain giết em là Aben (St 4, 9-10).

Trước những giá trị thiêng liêng như thế, ta cần yêu mến, giữ gìn.

Yêu cha, yêu mẹ, yêu con trai, con gái, là những điều hợp đạo lý.

Giữ gìn mạng sống của mình là điều phải làm.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đưa ra một đòi hỏi mới mẻ và đáng sợ.

Ngài không cấm các môn đệ yêu cha mẹ, con cái, hay mạng sống,

vì đó là những giá trị thiêng liêng cao quý.

Nhưng Ngài không chấp nhận họ yêu những giá trị này hơn Ngài.

Ngài không muốn họ đặt Ngài ở dưới những giá trị đó.

Đơn giản Ngài muốn họ coi Ngài là một Giá Trị hơn hẳn, Giá Trị viết hoa.

Khi cần chọn lựa giữa các giá trị, Ngài đòi họ ưu tiên chọn Ngài.

Cụm từ “không xứng đáng với Thầy” được nhắc đến ba lần (cc. 37-38).

Chỉ ai dám yêu Ngài hơn người thân yêu, dám vác thập giá mình mà theo,

người ấy mới xứng đáng với Thầy.

Chỉ ai dám mất mạng sống của mình vì Thầy,

người ấy mới lấy lại được sự sống tròn đầy ở đời sau (c. 39).

Đức Kitô là ai mà đòi chúng ta phải đặt Ngài lên trên các thụ tạo như vậy,

nếu Ngài không phải là hiện thân của chính Thiên Chúa?

Đừng quên chính Ngài đã mất mạng sống mình vì tôi trước.

Chỉ khi tôi đi qua tôi, nhờ đặt tôi và mọi sự thuộc về tôi dưới Đức Kitô,

tôi mới có gì để lại cho đời, tôi mới giữ lại được mọi giá trị khác.

Xin làm được điều thánh Biển Đức dạy:

“Phải tuyệt đối không coi gì trọng hơn Đức Kitô.”

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,

để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.

Xin cho con thấy Chúa thật bao la,

để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.

Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,

để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.

Lạy Chúa Giêsu,

xin làm cho con thật mạnh mẽ,

để không nỗi thất vọng nào

còn chạm được tới con.

Xin làm cho con thật đầy ắp,

để ngay cả một ước muốn nhỏ

cũng không còn có chỗ trong con.

Xin làm cho con thật lặng lẽ,

để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.

Xin Chúa ngự trong con thật sống động,

để không phải là con,

mà là chính Ngài đang sống.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 Nguồn: http://gplongxuyen.org