“Như Elia và Elisêô, Chúa Giêsu không phải chỉ được sai đến người Do-thái mà thôi đâu”.
Lời Chúa: Lc 4, 24-30
(Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng): “Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.
Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
SUY NIỆM 1: Băng qua giữa họ mà đi
Suy niệm :
Trong Mùa Chay Giáo Hội cho chúng ta nghe
về kết cục khá bất ngờ và đau đớn của Đức Giêsu
khi Ngài trở về với hội đường của làng Nazareth thân quen.
Nơi đây Ngài gặp lại những người đồng hương.
Họ ngỡ ngàng trước những lời Ngài giảng.
Họ muốn Ngài làm những điều Ngài đã làm ở Caphácnaum (Lc 4, 23).
Nhưng Đức Giêsu đã đáp lại bằng câu tục ngữ:
“Không một ngôn sứ nào được chấp nhận nơi quê nhà của mình” (c. 24).
Đức Giêsu tự nhận mình là một ngôn sứ.
Như những ngôn sứ khác trong lịch sử Israel,
Ngài cũng không được đón nhận và tin tưởng bởi những người cùng quê.
Họ nghĩ mình đã quá biết Ngài, biết gia tộc, biết nghề nghiệp,
biết quá khứ từ ấu thơ đến lúc trưởng thành.
Chính cái biết ấy, đúng nhưng không đủ,
lại trở thành một chướng ngại cho việc họ nhận ra Ngài thật sự là ai.
“Ông này không phải là con ông Giuse sao?” (Lc 4, 22).
Đúng Ngài là con ông Giuse, một người thợ mộc.
Đúng ngài là ông thợ mộc độc thân người làng Nazareth.
Giêsu Nazareth là tên được ghi trên thập tự,
Nazareth sẽ mãi mãi đi với tên Ngài để phân biệt ngài với những Giêsu khác.
Đức Giêsu chẳng bao giờ coi thường Nazareth, quê nhà của mình.
Ngài quen biết những khuôn mặt trong hội đường này và yêu mến họ.
Nhưng sứ mạng của Ngài trải rộng hơn Nazareth nhiều.
Ngài cho thấy mình không bị trói buộc bởi mối dây làng xã,
cũng không bị giữ chân bởi những người đồng bào cùng tôn giáo.
Để biện minh cho thái độ rộng mở của mình,
Đức Giêsu đã nhắc đến hành động của hai vị ngôn sứ thời Cựu Ước.
Êlia, vị ngôn sứ đầy quyền năng, được Thiên Chúa sai đến với một bà góa.
Bà này là một người dân ngoại sống ở Siđôn vùng dân ngoại.
Êlisa, vị ngôn sứ học trò của Êlia, đã chữa bệnh phong cho Naaman.
Ông này là người dân ngoại, chỉ huy đạo quân của Syria.
Như thế các vị ngôn sứ nổi tiếng đã không bị bó hẹp trong dân Do thái.
Họ đã mở ra với dân ngoại.
Đức Giêsu cũng chẳng bị giới hạn bởi bất cứ biên cương nào.
Ngài chẳng dành cho quê nhà Nazareth một ưu tiên nào.
Phải chăng vì thế mà Ngài làm họ phẫn nộ đến độ muốn xô Ngài xuống vực?
Nỗi đe dọa lại đến từ chính những người đồng hương.
Làm sao chúng ta nhận ra và chấp nhận những ngôn sứ bề ngoài rất bình thường
đang sống trong cộng đoàn chúng ta hôm nay?
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: Đời sống đức tin thật.
Trong cuốn phim Mỹ do tài tử Marcel Marso thủ diễn có kể câu chuyện sau:
Một thanh niên đang lim dim đôi mắt tận hưởng ánh nắng tuyệt vời vào một ngày đẹp trời. Nhưng bỗng nhiên niềm vui của anh bị quấy rầy do tiếng ồn ào của đám trẻ, tiếng chó sủa, tiếng chim hót, tiếng người qua lại. Mỗi tiếng động đều có nguyên do và niềm vui riêng của nó, nhưng đối với chàng, tất cả đều trở thành cực hình. Để chống lại sự phiền nhiễu ấy, anh xây quanh mình một bức tường ngăn cách âm thanh. Mỗi tiếng động vọng tới là mỗi lần anh gắng sức xây. Cứ như thế bức tường lớn cao dần, cho đến lúc ngăn cản được hết mọi tiếng động, thì bức tường cũng che mất ánh nắng tuyệt vời, bức tường trở thành chiếc mộ khổng lồ giam hãm anh trong đó.
Dân Do Thái cũng đã được tắm gội ánh sáng. Đó là niềm tin được trao ban từ Tổ phụ Abraham. Tuy nhiên, vì tự mãn, ích kỷ, họ đã hành động chẳng khác gì chàng thanh niên trên. Không chịu mở lòng đón nhận khiến niềm tin của họ trở nên khô cằn mất sức sống. Xây lên bức tường để bảo vệ mình hoá ra lại tự hại chính mình.
Chúa Giêsu đã chỉ trích thái độ đó trong bài Tin mừng hôm nay. Người Do Thái trong Hội đường Nazaret đã tìm cách hãm hại Chúa Giêsu khi Ngài lên tiếng chê trách niềm tin của họ. Có lẽ ai trong chúng ta cũng bất bình về việc làm của nhóm người này, nhưng kỳ thực nhiều khi trong cuộc sống chúng ta đã sao chép nguyên bản việc làm ấy. Tự hào là Kitô hữu, là người nắm giữ niềm tin nhưng niềm tin trong chúng ta chỉ còn là ngọn đèn leo lét, chỉ là thân cây mất nhựa sống chờ ngày gẫy đổ. Đó là thứ niềm tin mà tác giả cuốn sách “Đường Hy Vọng” đã nhắc nhở: “Nhiều người nói tôi có đức tin, tôi còn đức tin, có lẽ đức tin của giấy khai sinh, không phải đức tin của đời sống. Ít người sống theo đức tin. Đừng bao giờ mãn nguyện với một đức tin lý thuyết, hình thức, nhưng phải sống một đức tin chân thực, thiết ái, trung thành”.
Tự mãn với chính mình mà không chịu mở lòng đón nhận khiến người Do Thái đã mất đi Chúa Giêsu –nền tảng của niềm tin. Cũng vậy, nếu Kitô hữu chỉ đóng khung trong một nghi thức, luật lệ, thì sớm muộn gì họ cũng xa cội nguồn sự sống, vì sống là gì nếu không phải là một luân lưu trao đổi. Con người sẽ chết khi hệ tuần hoà không lưu chuyển, hệ thần kinh không vận động. Đời sống đức tin cũng đòi hỏi một sự luân lưu trao đổi với Thiên Chúa và với anh em.
Đối với người Kitô hữu, tin trước hết là chấp nhận được cứu rỗi, được tha thứ, được yêu thương, Chúa không phải là Đấng bắt con người ta phải kính mến, nói đúng hơn Thiên Chúa là Đấng mà con người phải để cho Ngài yêu thương vô hạn. Tin là chấp nhận Đức Kitô và quyết tâm sống chết cho Ngài.
Trong Mùa Chay này, xin cho chúng ta biết trở về, trở về trước hết trên căn bản của một đức tin không co cụm trong lý thuyết, trong nghi lễ, nhưng là biết mở rộng lòng đón nhận để tìm được ý nghĩa đích thực của đời sống đức tin.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Không một tiên tri nào
Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. (Lc. 4, 24)
Lại thêm một lần đòi dấu lạ. Con người nổi dậy chống Thiên Chúa, họ đòi Ngài phải chứng tỏ sứ vụ tiên tri của Ngài bằng cách làm hài lòng và thỏa mãn họ. Nhưng Thiên Chúa phải cúi phục trước con người sao? Thiên Chúa ban ơn cứu độ, nhưng Ngài chỉ ban cho kẻ tin kính vâng lời Ngài, cho kẻ trông chờ trong kiên nhẫn âm thầm. Ngài đòi có đức tin, vâng lời nhận lãnh biết ơn đối với tất cả tâm tình của họ.
Dân làng Na-gia-rét không nhận biết Đức Giê-su, vì họ phán đoán hoàn toàn theo sở thích loài người. Đức Giê-su là ngôn sứ, Người hành động theo sứ mạng Thiên Chúa.
Không phải những đòi hỏi của người trần ấn định cho hành động của các ngôn sứ, của Đức Ki-tô, các ngài không hành động vì lợi riêng cho mình. Các ngài chỉ hành động theo ý Thiên Chúa. Ngôn sứ không được hành động theo quyết định bản thân mình, nhưng luôn luôn theo quyết định của Thiên Chúa, Đấng đã sai mình.
Thiên Chúa quyết định cho hai ngôn sứ: Ê-li-a và Ê-li-sê đến làm phép lạ cứu giúp những người lương dân, chứ không cứu người đồng hương. Đức Giê-su không hoàn toàn đến thực hiện ơn cứu độ cao cả cho quê hương mình, Người phải đi cứu độ những người dân xa lạ. Thiên Chúa dành cho mình có quyền tự do phân phát ơn cứu độ.
Không ai có thể đòi quyền được ơn cứu độ. Quả thật như vậy, không ai được phép đòi có quyền đó, phải tin ơn cứu độ mình được là nhưng không. Nước Thiên Chúa mà Đức Giê-su rao giảng và thực hiện ơn cứu độ cho những người Thiên Chúa yêu thương. Ơn cứu độ là một ân huệ chứ không do công lao mình làm. Nhưng đó là ân huệ chúng ta được quyền hưởng vì Đức Giê-su đã chết cho chúng ta, và chúng ta phải sống hoàn toàn theo ý Cha của Người, đó là điều kiện căn bản, còn chúng ta vẫn có tự do đón nhận hay từ chối ơn cứu độ.
Nhờ Đức Giê-su, Thiên Chúa đến viếng thăm dân Ngài và ban các ân huệ dồi dào, xưa kia Ngài cũng ban cho dân như vậy qua các ngôn sứ, số phận các ngôn sứ thế nào thì số phận Đức Giê-su cũng vậy.
J.M
SUY NIỆM 4: KHÔNG CHỪNG SẼ MẤT ƠN CỨU ĐỘ VÌ KIÊU NGẠO! (Lc 4,24-30)
Quê hương đã trở nên máu thịt cho mỗi người. Nó chẳng khác gì tâm tư của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở đất chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.
Với nhà thơ Đỗ Trung Quân thì: “Quê hương là chùm khế ngọt, nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Vì thế, trong dân gian, người ta không ngớt khen ngợi quê hương và tự hào: “Không nơi đâu đẹp bằng quê hương mình”; hay để nói về tình nghĩa quê hương, người ta cũng thường nhắc nhở nhau: “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.
Những tâm tình ấy cho chúng ta thấy một điều là: nơi mà mình đã từng chôn nhau cắt rốn sẽ theo ta suốt cuộc đời, và dù có đi muôn phương ngàn lối, nhưng ai cũng chỉ có một chốn để về, đó là quê hương.
Có lẽ mang trong mình tâm tình ấy, nên Đức Giêsu cũng đã trở về quê hương của Ngài, nhưng điều oái oăm thay, dân làng đã không đón nhận Ngài, ngược lại, họ tìm cách để hãm hại Ngài. Vì thế, Đức Giêsu đã nói một câu bất hủ mang tính tiên tri: “Không tiên tri nào được sùng mộ nơi quê hương”.
Thật thế, người đương thời với Đức Giêsu, họ không thể chấp nhận một con người bình dân học vụ như thế mà lại là Đấng Cứu Thế! Dưới mắt họ, Ngài chỉ là con của ông thợ mộc Giuse và bà Maria, bản thân Ngài không hơn không kém một thanh niên như mọi thanh niên khác trong làng.
Chính sự coi thường, khinh khi, nên lòng họ ra chai cứng, không còn khiêm nhường, nhạy bén để nhận ra Đấng Uy Quyền, là Chúa Tể trời đất đang ở giữa họ, vì thế, họ đã khước từ chân tính đích thực của Đức Giêsu. Thấy vậy, Đức Giêsu mặc khải cho họ biết: họ sẽ không được bằng dân ngoại, và ơn cứu độ lẽ ra đến với họ trước tiên và phong phú, nhưng khi đã từ chối thì ơn đó sẽ đến với dân ngoại.
Xuyên suốt câu chuyện Tin Mừng cho chúng ta thấy, người Dothái "thích sự thật khi sự thật tán tụng họ, nhưng họ căm ghét sự thật khi sự thật lên án họ" (thánh Augutstinô).
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu hèn của mình để cần đến ơn cứu độ. Cần tránh thói hư là: “Gần Chùa gọi Bụt bằng anh”; hay “bụt nhà không thiêng”. Hãy biết tôn trọng anh chị em mình trong sự thật, đừng vì ghen ghét, hiềm khích hay sợ người anh em trổi trang hơn mình mà ra tay làm hại hay nói năng những lời nguy hại đến thanh danh tiếng tốt của họ! Làm như thế, ấy là chúng ta đang đi vào vết xe đổ của những người đồng hương với Đức Giêsu, và như một lẽ tất yếu, chúng ta sẽ mất ơn cứu độ vì không thuộc về Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết tôn trọng và yêu mến mọi người. Nhất là những người cùng sống và làm việc trên quê hương với chúng con. Amen.
Ngọc Biển SSP
nguon:http://gplongxuyen.org/News