Suy niệm 15/11/2018 – Thứ năm tuần 32 thường niên: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Thứ Năm 15/11/2018 – Thứ năm tuần 32 thường niên: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Sống giây phút hiện tại.

"Nước Thiên Chúa ở giữa các ông".

 

* Thánh nhân sinh khoảng năm 1206 tại Lau-in-gân, nước Đức. Sau khi theo học ở Pa-đô-va và Pa-ri, người nhập dòng Anh Em Thuyết Giáo, đảm nhận công việc giảng dạy ở nhiều nơi. Đặc biệt, tại đại học Pa-ri (1245-1248). Tại đây, trong số các học trò, có một người sau thành nổi danh, đó là thánh Tôma Aquinô. Được chọn làm giám mục Ra-tít-bon, nhưng thánh An-be-tô chỉ làm công việc lãnh đạo vỏn vẹn có hai năm so với cả một đời làm giáo sư và nhà khảo cứu, chuyên lo khám phá những quy luật của khoa vật lý để tìm ra sự can thiệp của Đấng Sáng Tạo. Người qua đời ở Cô-lô-nhơ năm 1280.

 

Lời Chúa: Lc 17, 20-25

Khi ấy, những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu "Khi nào nước Thiên Chúa đến", thì Người đáp lại rằng: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: "Này nước trời ở đây hay ở kia". Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông".

Chúa lại phán cùng các môn đệ rằng: "Sẽ có ngày các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: "Này Người ở đây và này Người ở kia", các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi".

 

 

Suy Niệm 1: Sống sung mãn giây phút hiện tại

Hiện nay, con số các nhóm khủng bố có mầu sắc tôn giáo đang gia tăng đáng kể. Năm 1968, không có hoạt động khủng bố nào liên hệ đến tôn giáo, nhưng ngày nay có rất nhiều nhóm tự xưng là Kitô giáo, Do thái giáo, Ấn giáo, Hồi giáo. Mẫu số chung của các nhóm này là niềm tin vào một ngày thế mạt, họ chủ trương bạo động, vì tin rằng nhờ cuộc chiến tranh ở qui mô thế giới, hay nhờ một thiên tai nào đó, họ sẽ được đưa vào Thiên Ðàng. Các giáo phái mong mỏi ngày thế mạt đã khởi sắc tại Hoa Kỳ từ thế kỷ 19 và hiện nay vẫn còn thu hút nhiều tín đồ. Tuy nhiên mới đây một số đã cáo chung vì bạo động: cách đây vài năm, một giáo phái tại Nam Hàn đã lôi kéo nhiều tín đồ đến chỗ tự vẫn và đã tự giải tán, vì ngày thế mạt họ chờ đợi đã không đến. Vụ phun hơi ngạt do giáo phái "Chân Lý Tối Thượng" chủ trương tại Nhật Bản dạo tháng 3/1995 cũng cho thấy sự khởi sắc bất ngờ của niềm tin vào ngày thế mạt nơi người Nhật bản.

Tin vào ngày thế mạt, tức ngày Chúa lại đến trong vinh quang cũng là một trong những điểm nòng cốt của Kitô giáo. Hàng ngày, trong Thánh Lễ, Giáo Hội không ngừng nhắc nhở các tín hữu khi tuyên xưng: "Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến". "Chúa lại đến", đó là niềm xác tín của người Kitô hữu. Tuy nhiên, ngày đó có phải là năm 2000, năm 3000 hay một thời điểm nhất định nào không? Cái bí ẩn ấy không bao giờ được vén mở. Chúa Giêsu loan báo Ngài sẽ trở lại, nhưng không cho biết ngày giờ nào.

Chính vì tính cách bất ngờ của Ngày Chúa Ðến, các tín hữu phải luôn tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là dấn thân tích cực trong giây phút hiện tại, chứ không phải là ăn không ngồi rồi mà chờ đợi. Ðó cũng là giáo huấn của Chúa Giêsu mỗi khi Ngài nói đến Nước Thiên Chúa thời cánh chung: Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu ở một thời điểm mà không ai biết trước được vào ngày Con Người sẽ quang lâm. Một trong những nét cao cả của con người chính là khả năng vượt qua thời gian, chỉ con người mới có thể hồi tưởng quá khứ và dự phóng tương lai, chỉ con người mới có khát vọng được trường sinh bất tử. Thiên Chúa quả thực đã đặt để trong lòng con người hạt giống của sự sống vĩnh cửu, hạt giống ấy chỉ có thể nẩy mầm trên thửa đất của hiện tại mà thôi: không thể đi vào vĩnh cửu mà không bước qua hiện tại, không thể yêu mến vĩnh cửu mà lại khước từ hiện tại.

Qua cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã vạch ra cho con người đường đi vào vĩnh cửu, đó là sống sung mãn trong từng giây phút hiện tại. Chính trong cuộc sống mỗi ngày mà con người phải tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu. Sống như thế là sống tỉnh thức theo tinh thần mà Chúa Giêsu hằng nhắc nhở trong Tin Mừng của Ngài; sống như thế, con người mới có thể nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Một cuộc sống có đáng sống và có ý nghĩa hay không, là tùy ở thái độ trân trọng và tích cực của con người đối với mỗi giây phút hiện tại.

Nguyện xin Chúa ban thêm niềm tin để chúng ta không ngừng đón nhận Chúa qua từng biến cố và gặp gỡ mỗi ngày.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Mầu nhiệm Nước Chúa

Tìm kiếm Thiên Chúa vẫn luôn là thao thức của con người. Nhiều người Do Thái nôn nao chờ đợi Nước Thiên Chúa nhưng dù có thao thức, có chờ đợi họ cũng không gặp dẫu rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ. Chúa Giêsu đã giải thích lý do: "Nước Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được". Tìm kiếm Thiên Chúa chỉ để thỏa mãn hay để biện minh cho hành động của mình thì chẳng bao giờ có thể gặp được Ngài.

Trọng tâm của bài giảng của Chúa Giêsu là mầu nhiệm nước Chúa. Mầu nhiệm ấy không thể nắm bắt được bằng mắt trần hay bằng lý luận của con người. Chúa Giêsu mời gọi mọi người đi vào mầu nhiệm Nước Chúa. Nước Chúa không ở chỗ này hay chỗ kia. Nước Chúa chỉ đến bằng cái chết của Chúa Giêsu mà thôi. Chúa Giêsu đã hé mở cho các môn đệ thấy cuộc khổ nạn của Ngài và các cuộc bách hại mà Giáo Hội sẽ trải qua. Chính qua các cuộc bách hại mà hạt giống đức tin được gieo vãi, Giáo Hội được thanh luyện, củng cố và lớn lên. Do đó, không phải cái vẻ hào nhoáng với các cơ cấu tổ chức và biểu dương bên ngoài rầm rộ của Giáo Hội thể hiện mầu nhiệm Nước Chúa, nhưng là chính ở sức mạnh tinh thần của niềm tin, một niềm tin sẵn sàng mất tất cả, ngay cả sự sống của mình để được trung thành với những giá trị của Tin Mừng. Chính niềm tin ấy mới thể hiện được mầu nhiệm thâm sâu của Nước Chúa.

Nguyện xin Chúa cho chúng ta biết cởi bỏ cái nhìn hẹp hòi ích kỷ để nhận ra Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta. Xin cho chúng ta luôn tâm niệm rằng chúng ta chỉ gặp được Thiên Chúa trong yêu thương và phục vụ mà thôi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Tin dổm về tận thế

Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giêsu bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được”. (Lc. 17, 20-21)

Ngay thời ngôn sứ Đa-ni-en, dân Do thái đã bàn tán về ngày nước Thiên Chúa đến và sự chờ đợi cuồng nhiệt lan tràn khắp nước Ít-ra-en. Người ta khảo sát các điềm trời và các tai họa xảy ra. Họ tính toán khá thông thái để tiên báo về ngày giờ tận thế. Đức Giêsu loan báo nước Thiên Chúa đã đến ngoài sức tính toán tự nhiên của con người, nên biệt phái muốn hỏi Đức Giêsu bao giờ triều đại Thiên Chúa đến.

Triều đại Thiên Chúa đã đến rất êm ái

Câu trả lời của Đức Giêsu làm sửng sốt: Nước Thiên Chúa đến không ai có thể quan sát được. Tất cả mọi dấu chỉ loan báo và tính toán đều vô giá trị. Nước ấy đã đến và biệt phái không nhận ra vì con tim và lỗ tai của họ đóng kín, câm lặng, chính hành động của Đức Giêsu cho thấy và cho hiểu về nước Chúa đã đến vì Người nhờ ngón tay Thiên Chúa để trừ quỷ, và lời Người đang sưởi nóng con tim của những kẻ khốn cùng. Thời cứu độ đã bắt đầu, nhưng ai không đón tiếp Đức Giêsu, không thể nhận biết được nước Thiên Chúa.

Khi trả lời những kẻ không tin, Đức Giêsu quay lại phía các môn đệ, các ông biết Đức Giêsu đã đến phục hưng lại nước Thiên Chúa và Người phải trở lại để hoàn tất mọi sự. Người đã tiên báo cho các ông rằng trước ngày quang lâm xảy ra những khốn khổ, những ngày khủng khiếp làm mọi người xao xuyến lo âu. Lúc đó, họ không còn kiên nhẫn chờ đợi ngày Con Người trở lại và họ sẽ bị thôi thúc tìm dấu chỉ và tin những tiên tri giả. Họ sống giữa những cảnh buồn sầu khổ sở lớn lao rồi lại để mình bị loại bỏ.

Người đến như ánh chớp chói lòa chiếu sáng.

Con Người đến trong vinh quang sáng chói hơn cả tia sáng bom nguyên tử, bom khinh khí và chiếu sáng khắp nơi không gì che lấp được. Con Người đến thình lình đột ngột như các tai họa đổ xuống loài người và luôn luôn sẵn sàng đến bất cứ lúc nào.

Trước khi biến cố này xảy đến, Đức Giêsu phải chịu xỉ vả, hạ nhục, phản bội bởi thế hệ này và các thế hệ kế tiếp. Tình yêu chắc chắn chiến thắng. Nhưng trước khi chiến thắng hận thù và chia rẽ, Người phải hành động để thuyết phục chứ không dùng bạo lực. Giáo hội cũng phải chịu khổ nhục một thời và các Kitô hữu phải biết kiên trì giữ vững đức tin luôn luôn sẵn sàng đón tiếp Con Người đến.

RC

 

Suy Niệm 4: HÃY SÁM HỐI ĐỂ GẶP ĐƯỢC CHÚA (Lc 17, 20-25)

Trong một lớp giáo lý dự tòng cho người lớn tuổi, một hôm, thầy giáo lý viên hỏi mọi người rằng: “Tại sao lại theo đạo Công Giáo?”. Lúc đó, có một chị đã trả lời: “Con theo đạo để xin Chúa cho con khỏi đau khổ, bệnh tật...!”. Thầy giáo đó trả lời: “Việc thoát khỏi đau khổ và bệnh tật không phải là lý do chính, việc quan trọng chính là bạn tin nhận Chúa làm chủ cuộc đời của mình, sống phó thác nơi Thiên Chúa và đón nhận cũng như khám phá ra ý nghĩa của đau khổ trong cuộc sống hiện tại, mặt khác, khi theo đạo, bạn được mời gọi bước theo Đức Giêsu trên con đường hy sinh, quên mình vì người khác, thực hành những điều Ngài dạy. Có thế, bạn mới được bình an thực sự”.

Ngày xưa, người Do thái đương thời với Đức Giêsu cũng luôn mong đợi một Đấng Thiên Sai oai phong lẫm liệt, Ngài đến để thiết lập một triều đại hùng cường, mở mang bờ cõi và đem lại cho dân tộc họ một cuộc sống ấm no, hạnh phúc theo kiểu bề ngoài.

Niềm hy vọng như thế đã làm chủ suy nghĩ của họ, nên khi Đức Giêsu đến, họ không nhận ra Ngài và khước từ những đặc tính của Nước Trời mà Đức Giêsu loan báo. Nguyên nhân sâu xa chính là lòng dạ sắt đá của họ. Sự cứng lòng tin đã làm cho tâm hồn họ trở nên u tối, mê muội, nên khó chấp nhận ánh sáng là chính Đức Giêsu. Vì thế, họ đã đang tay giết luôn cả Đấng mang Nước Trời đến cho mình.

Vì biết rõ tâm hồn họ, nên Đức Giêsu đã mời gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, vì Nước Trời đã gần đến". Nước Trời mà Đức Giêsu loan báo ở đây không thể hiểu theo nghĩa vật lý, tức là mắt thấy, tay sờ được... Nhưng Nước Trời ở đây là chính Ngài. Thực hành những lời Đức Giêsu dạy chính là đi vào mối tương quan thân tình với Ngài và được ở trong Ngài. Sống lời Ngài dạy và đem ra thực hành chính là làm cho Nước ấy được lan rộng.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta muốn được nhận ra Chúa thực sự thì phải trở nên nhỏ bé, khiêm nhường. Cần phải lột bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới với những suy nghĩ và hy vọng mới theo tinh thần Tin Mừng thì mới có thể gặp được Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm nhường, hiền hậu và yêu thương để được Nước Chúa làm gia nghiệp. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 5: Nước Thiên Chúa

Suy niệm:

Từ sau khi dân Israel định cư ở đất Canaan, 
Thiên Chúa được họ coi như một vị Vua cai trị mọi dân tộc. 
Đặc biệt Ngài là Vua ngự giữa dân Israel để lãnh đạo và chăm sóc họ. 
Các vị vua trần thế đã xuất hiện trong dòng lịch sử của Israel 
như những người phục vụ cho Đức Vua, cho Nước Thiên Chúa. 
Tiếc thay có những vị vua đã không làm tròn sứ mạng. 
Trải qua bao triều vua của nước Israel, bao thịnh suy của đất nước, 
từ sau khi lưu đầy trở về, dân chúng chỉ còn biết chờ một Đấng Mêsia. 
Họ tin Đấng ấy sẽ khai mở Nước Thiên Chúa. 
“Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (c. 21). 
Đức Giêsu đã nói với các ông Pharisêu như vậy 
khi họ hỏi Ngài khi nào Nước Thiên Chúa đến. 
Nước ấy không đến một cách lộ liễu ở đây hay ở kia để kiểm tra (c. 20). 
Người Pharisêu không nhận ra Nước ấy đang ở giữa họ. 
Chỉ ai biết nhìn, mới nhận ra Nước ấy đang hiện diện và hoạt động 
nơi lời giảng và các phép lạ của Đức Giêsu. 
Khi bệnh được khỏi, khi quỷ bị trừ, khi tội được tha, 
khi con người được biết hoán cải để sống những đòi hỏi của Đức Giêsu, 
khi ấy Nước Thiên Chúa có mặt và tăng trưởng. 
¬¬¬Đức Giêsu đã khai mở Nước Thiên Chúa. 
Và Nước đó vẫn lớn lên từ từ qua dòng thời gian. 
Như hạt giống được gieo trong đất, đêm hay ngày cũng cứ lớn lên, 
như chút men làm dậy khối bột, như hạt cải thành cây cao rợp bóng, 
Nước Thiên Chúa cũng cần thời gian để đạt đến chỗ viên mãn. 
Hai ngàn năm trôi qua, Nước Thiên Chúa đã lớn lên về mọi mặt. 
Nhưng Kitô hữu chúng ta vẫn thấy còn nhiều điều phải làm 
để Nước đó được nhìn nhận bởi gần 7 tỷ người trên trái đất. 
Ngày nào trên thế giới còn chiến tranh, bạo động, còn áp bức, bất công, 
ngày nào nhân loại còn bệnh tật nghèo đói, còn nô lệ cho vật chất, 
ngày ấy Nước Thiên Chúa chưa ngự trị trên địa cầu. 
Nơi nào công lý và hòa bình, khoan dung và nhân hậu, 
chi phối trái tim và cách hành xử giữa người với người, 
nơi đó Nước Thiên Chúa đã đến gần hơn. 
Chúng ta không chỉ cầu xin cho Nước Cha trị đến (Mt 6, 10). 
Chúng ta biết mình được mời gọi để xây dựng Nước đó trên trần gian. 
Để chuẩn bị cho Ngày Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang, 
chúng ta còn bề bộn công việc phải làm. 
Ngài phải có chỗ trong lòng dân tộc, giữa thế kỷ hai mươi mốt. 
Nhưng trước hết Ngài phải có chỗ trong lòng chúng ta. 
Xin được đón lấy Nước Thiên Chúa như trẻ thơ, như người nghèo tay trắng. 
Xin được quảng đại bán tất cả để mua viên ngọc quý là Nước Trời. 
Xin được chia sẻ cho Giêsu nơi những người anh em bé nhỏ nhất. 
Vì Nước Thiên Chúa là một tiệc vui, quy tụ mọi người từ bốn phương, 
xin được mở rộng vòng tay từ bây giờ để ôm lấy cả thế giới.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, đây là ước mơ của con về thế giới:
Con mơ ước tài nguyên của cả trái đất này 
là thuộc về mọi người, mọi dân tộc. 
Con mơ ước 
không còn những Ladarô đói ngồi ngoài cổng, 
bên trong là người giàu yến tiệc linh đình. 
Con mơ ước mọi người đều có việc làm tốt đẹp, 
không còn những cô gái đứng đường 
hay những người ăn xin. 
Con mơ ước 
những ngưòi thợ được hưởng lương xứng đáng, 
các ông chủ coi công nhân như anh em. 
Con mơ ước 
tiếng cười trẻ thơ đầy ắp các gia đình, 
các công viên và bãi biển đầy người đi nghỉ. 
Lạy Chúa của con, 
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh, 
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển, 
và xanh của bao niềm hy vọng 
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây. 
Nếu Chúa đã gieo vào lòng con những ước mơ, 
thì xin giúp con thực hiện những ước mơ đó.Amen 

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 Nguồn: http://gplongxuyen.org