Suy niệm 15/01/2020 – Thứ Tư tuần 1 thường niên. – Tiếp tục rao giảng.

Thứ Tư 15/01/2020 – Thứ Tư tuần 1 thường niên. – Tiếp tục rao giảng.

"Ngài chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau".

 

LỜI CHÚA: Mc 1, 29-39

Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài. Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.

Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: "Mọi người đều đi tìm Thầy". Nhưng Người đáp: "Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa". Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Bà phục vụ các ngài

Suy niệm:

Sau khi chữa người bị quỷ ám tại hội đường Caphácnaum,

Đức Giê su trở về một căn nhà của một gia đình quen biết,

gia đình của hai anh Simon và Anrê, những người mới bỏ nhà để theo ngài.

Không may bà mẹ vợ của Simon lại đang lên cơn sốt.

Đức Giêsu đã lại gần giường bà nằm, cầm lấy tay bà và nâng bà dậy.

Lập tức cơn sốt lui khỏi bà và bà phục vụ các ngài.

Đây là phép lạ chữa bệnh đầu tiên của Đức Giêsu

cho một phụ nữ, tại một ngôi nhà.

Sốt chẳng phải là một bệnh quá nặng và nguy hiểm,

nhưng cũng đủ để làm người bệnh không hoạt động được,

gây cản trở những sinh hoạt bình thường trong gia đình.

Đức Giêsu đến đem lại sự chữa lành, niềm vui và sức sống.

Khi người phụ nữ được khỏi bệnh, mọi sự như sống lại.

Bếp lại có lửa, bàn lại có thức ăn, và người ta ngồi quanh cười nói rôm rả.

Hạnh phúc gia đình có khi chỉ tùy thuộc vào những điều be bé.

Hạnh phúc bị sứt mẻ lắm khi chỉ vì những chuyện không đâu.

Hãy nhìn cách Đức Giêsu chữa bệnh cho người phụ nữ này.

Thật gần gũi và thân tình, ngài chẳng nói lời nào để đuổi cơn sốt.

Khi nắm tay người bệnh nặng, ngài chấp nhận nguy cơ bị nhiễm nhơ uế.

Nhưng Đức Giêsu chẳng hề bị nhiễm gì, trái lại ngài đem đến bình an.

Ngài đã nâng bà dậy (êgeiren), có nghĩa là ngài làm bà phục sinh.

Sau khi được phục sinh thì bà đi phục vụ các vị khách.

Phục vụ hiểu theo nghĩa đơn sơ nhất là đi chuẩn bị bữa ăn.

Các thiên thần cũng đã phục vụ Đức Giê su

sau khi ngài thắng các cơn cám dỗ (Mc 1, 13).

Tuy nhiên có thể hiểu phục vụ theo nghĩa rộng hơn nhiều.

Sau khi Đức Giêsu chết trên thập giá, chỉ còn các phụ nữ ở lại đến cùng.

“Họ đã đi theo ngài và phục vụ ngài từ hồi ngài còn ở Galilê

và họ đã cùng ngài lên Giêrusalem” (Mc 15, 40-41).

Như vậy không phải chỉ các ông môn đệ mới là người phục vụ (Mc 10, 43).

Các bà cũng đã trung tín phục vụ đến cùng,

phục vụ như Thầy Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ” (Mc 10, 45).

Chúng ta cần nhìn nhận

vai trò quý báu của người vợ, người mẹ trong nhà,

và vai trò của người phụ nữ trong giáo xứ cũng như ngoài xã hội.

 

Cầu nguyện:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

 

Suy Niệm 2: Ðộng lực của việc tông đồ

Tin Mừng rất nhiều lần nhắc đến Chúa Giêsu cầu nguyện với Cha Ngài, đó là những giây phút gặp gỡ thân tình với Chúa Cha mà Ngài không bao giờ bỏ. Về phương diện thiên tính, Chúa Giêsu là Chúa Con, đồng bản tính với Chúa Cha, cho nên Ngài luôn kết hiệp với Chúa Cha. Nhưng như một con người, Chúa Giêsu đã nêu bật thái độ sống của Ngài, đó là sống mối tương quan thân tình với Chúa Cha qua lời cầu nguyện.

Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô ghi nhận: "Sáng sớm, lúc trời còn tối, Chúa Giêsu đã chỗi dậy, đi đến một nơi vắng vẻ để cầu nguyện". Mặc dù bận rộn với rất nhiều công việc trong ngày, Chúa Giêsu vẫn không quên cầu nguyện. Nhưng đây không phải là lần duy nhất, Tin Mừng còn cho thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha, và chính Ngài đã dạy các Tông đồ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Ngài lấy hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tầm quan trọng của cầu nguyện: "Thầy là cây nho, các con là cành nho; ai lưu lại trong Thầy và Thầy trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì".

Chúng ta hãy noi gương Chúa, dành thời giờ để tiếp xúc, đối thoại, chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như Ngài đang hiện diện trước mặt chúng ta. Muốn đạt tới việc cầu nguyện như thế, chúng ta cần phải có đức tin mạnh mẽ và lòng yêu mến Thiên Chúa như người con đối với người cha. Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: "Cầu nguyện là việc tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng cầu nguyện. Hãy đến với Chúa như đứa con đến với cha mình".

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta có những giờ phút thuận lợi để bắt đầu một ngày sống tốt đẹp hơn. Xin cho chúng ta biết sống kết hiệp mật thiết với Chúa trong cầu nguyện, nhờ đó chúng ta có thể chu toàn thánh ý Chúa và phục vụ tha nhân một cách hữu hiệu hơn.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Một ngày chồng chất công việc

Chiều đến khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói vì chúng biết Người là ai (Mc. 1, 32-34)

Khi liệt kê tất cả những công việc Chúa Giêsu đã thực hiện trong hai ngày, thánh Maccô cho ta cảm tưởng là Chúa Giêsu không cà kê công việc, mà Người đã phải đầu tắt mặt tối, nào là giảng dạy ở hội đường, đi đến nhà ông bà nhạc của Phêrô, chiều đến lại dành thời giờ chữa nhiều kẻ bệnh tật. Ngày hôm sau Người thức dậy thật sớm, đi cầu nguyện ở một nơi thanh vắng, rồi lại lên đường đi rao giảng và phục vụ những người đau ốm tật nguyền.

Mô tả trên đây giúp chúng ta nhìn ra ba nét tính nơi con người Đức Giêsu.

Một con người hoạt động

Thánh Maccô cho ta thấy Chúa Giêsu mang hình ảnh khá giống với những con người nam nữ thời nay: họ bận bịu với trăm công nghìn việc, lúc nào cũng tất bật và đa đoan đủ chuyện.

Một con người biết dừng lại

Thế nhưng, dù phải đảm đang công kia việc nọ, vậy mà Chúa Giêsu vẫn có thời giờ dừng lại để làm những công chuyện quan trọng như đáp lại tình nghĩa bạn bè và cầu nguyện.

Khoảng thời giờ giữa hai lần giảng dạy cho dân chúng, Người dành cho việc đi thăm tình nghĩa và bao lâu kẻ tiếp đón còn cần đến Người thì Người không vội ra đi.

Chúa Giêsu cũng không cắt xén những thời giờ quý báu dành cho việc cầu nguyện của Người. Người thà cắt bớt giờ ngủ và có lẽ cả giờ nghỉ ngơi giải trí nữa: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy…”.

Một con người thấy rõ việc phải làm

Đây là nét tính nổi bật nơi con người Đức Giêsu mà ta thường gặp thấy trong sách Phúc âm. Người biết rõ việc Người phải làm. Nếu đã tổ chức chuyến đi truyền giáo lần đầu tiên ở Galilê rồi thì Người lại trở về miền Samari. Nếu đã kết nạp xong mấy môn đệ, thì Người vẫn không quên “những con chiên lạc”. Người không nghỉ ngơi sau một vài thành công. Người biết rõ mình còn phải làm gì và lần lượt tới viếng thăm và giảng dạy ở các hội đường theo một lịch trình rõ rệt.

Còn một ngày của chúng ta thì sao?

Khi phác họa một ngày làm việc của ta, ngày ấy có sẽ đầy đủ công việc như ngày làm việc của Chúa Giêsu không? Ta có biết làm cho ngày đó đầy tràn hiệu quả tốt không? Ta có biết dừng chân để đáp lại tình nghĩa bạn bè, tình nghĩa với Chúa, tình nghĩa với bà con lân cận không? Và mặc dầu đã mệt mỏi rã rời và đã chu toàn bổn phận rồi, ta có dám nhìn trước ngày hôm sau để hoạch định công việc mà không ai sẽ làm thay cho ta?

 

Suy Niệm 4: Sống tinh thần liên đới (Mc 1, 29-39)

Chúng ta đã nghe đây đó lời của một bài hát, trong đó có đoạn: “Sống trong cuộc sống, cần có một tấm lòng”. Thật vậy, trong một xã hội ngày càng giàu có, tiện nghi sang trọng, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên; điện, đường, trường, trạm được mọi người quan tâm... Tuy nhiên, về tinh thần liên đới, trách nhiệm, đạo đức... thì e rằng đang xuống cấp hơn bao giờ hết! Những chuyện vô lương tâm, tàn nhẫn, bất trung diễn ra nhan nhản đến mức báo động! Lại có những chuyện tưởng chừng chỉ trong tiểu thuyết, thì giờ đây nó lại xảy ra như cơm bữa trong đời sống hằng ngày...!

Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu chữa bệnh cho mẹ vợ ông Simon. Mẹ vợ ông Simon được Đức Giêsu biết đến là nhờ vào sự liên đới của mọi người, họ kể cho Ngài nghe về bệnh tình của bà.

Phải chăng Đức Giêsu cần sự thông báo của người ta? hay Ngài buộc họ phải nói thì Ngài mới ra tay cứu giúp? Không! Tuy nhiên, cứ theo cảm tính tự nhiên, thì việc quan tâm này rất cần thiết vì nó thể hiện sự yêu thương, liên đới tới nhau.

Sứ điệp Lời Chúa hôn nay mời gọi mỗi chúng ta hãy sống tinh thần yêu thương, liên đới, để cho ý Chúa được thể hiện trong cuộc sống thường ngày của mình, và để cho mọi người nhận ra chúng ta là con cái của Chúa khi mỗi người sống bác ái, xây dựng tình huynh đệ trong cuộc sống thường ngày.

Lạy Chúa Giêsu, chắc chắn Chúa sẽ không vui khi chúng con sống mà chỉ biết mình. Nhưng Chúa sẽ vui biết bao khi chúng con sống liên đới với tha nhân, nhất là biết giúp đỡ những người khổ đau, nghèo đói.

Xin Chúa ban cho chúng con trái tim của Chúa để chúng con yêu với tình yêu không phân biệt. Amen.

Ngọc Biển

nguon:http://gplongxuyen.org/News