Suy niệm 14/02/2020 – Thứ Sáu tuần 5 thường niên. – Thánh Syrilô, đan sĩ và thánh Mêtôđiô, giám mục. Lễ nhớ.

Thứ Sáu 14/02/2020 – Thứ Sáu tuần 5 thường niên. – Thánh Syrilô, đan sĩ và thánh Mêtôđiô, giám mục. Lễ nhớ. – Chúa Giêsu và người điếc.

"Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được".

 

* Hai anh em Contantinô và Mêtôđiô được thượng phụ giáo chủ Contantinôpôli phái sang Mô-ra-vi-a để loan báo Tin Mừng. Năm 868, hai vị đi Rôma để trình bày với đức giáo hoàng những việc các vị làm, Contantinô qua đời tại đó dưới tên trong đan viện là Syrilô (năm 869).

Còn Mêtôđiô được phong làm tổng giám mục Xiamium, đi loan báo Tin Mừng cho người Xi-la-vô-ni-a (+ năm 885). --------- Ngày 31 tháng 12 năm 1980, đức giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố hai thánh Syrilô và Mêtôđiô là bổn mạng châu Âu cùng với thánh Biển Đức.

 

Lời Chúa: Mc 7, 31-37

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem đến cho Người một kẻ điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh.

Ðoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: Ephata, nghĩa là "hãy mở ra", tức thì tai anh được sõi sàng. Chúa Giêsu liền cấm họ: đừng nói điều đó với ai cả.

Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục, mà rằng: "Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Nói được rõ ràng

Suy niệm :

Khi đến thăm những trẻ em khuyết tật,

ta thấy mình dễ tiếp xúc, gần gũi các em mù,

hơn các em bị câm điếc.

Thật khó làm cho các em câm điếc hiểu được chúng ta,

và chúng ta cũng không hiểu được điều các em diễn tả.

Ðôi bên cứ như ở hai thế giới, không gặp được nhau.

Trong bài Tin Mừng hôm nay,

Ðức Giêsu chữa một người vừa ngọng vừa điếc.

Người ngọng là người gặp khó khăn khi trình bày,

khi phải diễn đạt bằng lời nói cho người khác hiểu.

Ta có cảm tưởng lưỡi anh bị một sợi dây trói buộc.

Ðức Giêsu đã đụng đến lưỡi anh,

và sợi dây đó được tháo cởi.

Giờ đây anh có thể nói được tự nhiên và rõ ràng.

Nói sao để người khác hiểu được mình,

đó là ước mơ của nhiều người trong chúng ta.

Nhưng ta lại thấy có cái gì đó trói buộc mình

khiến mình ngần ngại, sợ hãi, né tránh...

Nhiều người đã trở nên ngọng hay câm

vì đã trải qua những kinh nghiệm đau đớn:

kinh nghiệm bị châm chọc, bị khinh miệt, bị khước từ...

Bao kinh nghiệm làm con người mất tự tin và khép lại.

Có những đe dọa ám ảnh làm con người câm nín.

Epphatha, xin hãy mở miệng con

để con có thể hồn nhiên vén mở thế giới của mình,

hầu gặp được sự cảm thông và nâng đỡ.

Nếu bệnh ngọng làm chẳng ai hiểu tôi,

thì bệnh điếc làm tôi chẳng hiểu ai.

Tôi như người đang xem một phim trên truyền hình

mà máy đột nhiên mất tiếng.

Tôi chỉ thấy hành động, nhưng không hiểu được ý nghĩa.

Chẳng ai muốn mình bị điếc hay lãng tai,

nhưng trong thực tế, ta vẫn có thể mắc bệnh này,

nghĩa là mất khả năng lắng nghe người khác.

Chúng ta thường chỉ nghe điều mình muốn nghe,

hay lắm khi nghe điều người khác nói

nhưng lại hiểu dưới cái nhìn chủ quan của mình.

như thế vẫn là chưa hiểu được điều người kia muốn nói.

Nghe bằng tai, không đủ.

Cần lắng nghe bằng cả trái tim.

Chỉ trái tim yêu thương mới giúp ta hiểu đúng, hiểu đủ,

hiểu ý nghĩa đàng sau lớp vỏ ngôn từ.

Epphatha, xin giúp con ra khỏi cái tôi cứng cỏi,

ra khỏi những thành kiến, những suy nghĩ cứng nhắc,

để nghe được cái tôi của anh em.

Thế giới hôm nay thiếu cảm thông và đối thoại,

vì có nhiều người bị câm điếc về mặt tinh thần.

Bệnh này làm người ta thành những hòn đảo,

chẳng có gì để cho, chẳng có gì để nhận,

để rồi chết dần trong sự nghèo nàn của mình.

Xin cho con đừng câm điếc trước Thiên Chúa và anh em,

đồng thời giúp người khác ra khỏi sự câm điếc của họ.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa, xin cứ dùng con theo ý Chúa,

làm chân tay cho những người què cụt,

làm đôi mắt cho ai phải đui mù,

làm lỗ tai cho những người bị điếc,

làm miệng lưỡi cho người không nói được,

làm tiếng kêu cho người chịu bất công.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đồng lúa,

để đem cơm cho người đói đang chờ,

và đem nước cho người họng đang khô,

đem thuốc thang cho người đang đau ốm,

đem áo quần cho người đang trần trụi,

đem mền đắp cho người rét đang run.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con ra đường vắng,

thắp đèn soi cho ai bước trong đêm,

đốt lửa ấm cho những ai giá lạnh,

truyền cảm thông cho lữ khách đơn côi,

nâng phẩm giá cho kẻ đời chà đạp,

đem tự do cho những kiếp đọa đày.

Lạy Chúa, xin cứ gởi con vào thôn xóm,

đem an hòa cho những ai bất thuận,

đem thanh bình cho kẻ sống âu lo,

đem ủi an cho người đang sầu khổ,

đem niềm vui cho những ai bất hạnh,

đem vận may cho người gặp rủi ro.

Lạy Chúa, xin cứ đặt con như một sự tình cờ,

đem may mắn cho những ai gặp được,

giữa đường đời khi lỡ bước bơ vơ,

cứ cho con đừng bao giờ khiếp sợ:

giữa biển đời mang con tim núi lửa

với đôi tay êm ái của mẹ hiền.

Lạy Chúa, xin cứ dùng con làm tất cả

cho mọi người được hạnh phúc yên vui ;

còn phần con xin gởi hết nơi Ngài

là Thiên Chúa, Tình Yêu và Lẽ Sống.

Ngài cho con tất cả niềm hy vọng

để tin yêu và vui sống trọn đời. Amen. (NCĐ)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Hãy mở ra

Michel-Angelo là một trong những danh họa đã để lại nhiều tác phẩm bất hủ nhất, bất hủ vì giá trị nghệ thuật siêu vượt thời gian đã đành, mà còn bất hủ vì sự sống động mà ông đã mặc cho các tác phẩm của ông, điển hình là bức tượng Môsê. Người ta kể lại rằng sau khi hoàn thành bức tượng này, Michel-Angelo đứng chiêm ngắm một cách say sưa, và sự sống động của pho tượng làm ông ngây ngất đến độ ông đã cầm búa gõ vào và thốt lên: "Hãy nói đi".

Quả thật, lời nói là một trong những biểu lộ sống động nhất của sự sống. Khi chúng ta mở miệng thốt ra lời, là lúc chúng ta muốn biểu lộ sự sống, đồng thời nói lên rằng chúng ta đang sống cùng và sống với người khác. Sự hiện diện của chúng ta trong thế giới này cần phải được xác nhận bằng tiếng nói của chúng ta. Những người câm điếc một phần nào bị hạn chế trong sự liên lạc với thế giới xung quanh, sự hiện diện của họ dễ bị người khác quên lãng. Nhưng đáng thương hơn, có lẽ là những người thấp cổ bé miệng, những người mà tiếng nói không được nhìn nhận, những người bị tước đoạt quyền được lên tiếng, quyền sống của họ gần như bị khước từ.

Sống xứng với phẩm giá con người, đó là phải được có tiếng nói. Có lẽ đó cũng là điều mà Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể cũng muốn khẳng định với chúng ta qua cuộc sống và cái chết của Ngài. Phép lạ chữa người câm điếc như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay, không chỉ là một chữa lành bệnh tật thân xác, mà còn là dấu chỉ của một thực tại cao siêu hơn, đó là sự sống đích thực mà Chúa Giêsu muốn mang lại cho con người. Khi phục hồi người câm điếc trong khả năng nghe và nói, có lẽ Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng Lời Chúa nữa; con người chỉ có thể sống thực, sống trọn phẩm giá con người, khi nó biết mở rộng tâm hồn đón nhận và sống Lời Hằng Sống của Chúa.

Cử chỉ Chúa Giêsu trong phép lạ chữa lành người câm điếc, đã có một thời được Giáo Hội lặp lại khi cử hành Bí tích Rửa tội. Thật thế, Bí tích Rửa tội cũng là một phép lạ trong đó chúng ta được chữa lành và tái sinh trong đời sống mới. Trong phép lạ này, Chúa Giêsu cũng nói với mỗi người chúng ta: Ephrata, Hãy mở ra. Hãy mở lớn đôi tai để nghe được tiếng Ngài trong từng biến cố, từng giây phút của cuộc sống. Hãy mở rộng con tim và đôi tay để cảm thông và chia sẻ với người khác. Hãy mở miệng để cảm tạ, chúc tụng và loan báo tình thương Chúa; để nói những lời của yêu thương và hòa bình, của cảm thông và tha thứ.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Hằng Sống của Chúa, chính Ngài là lương thực mang lại sự sống đích thực cho chúng ta. Xin cho sự sống ấy tràn ngập tâm hồn chúng ta để chúng ta lớn lên trong tình yêu Chúa và không ngừng yêu thương, liên đới, chia sẻ với mọi người xung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Với một chút nước miếng

Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh ta. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. (Mc. 7, 32-33)

Các thánh sử thích những phép lạ chữa lành những người câm và điếc; ta đếm được ít nhất sáu câu chuyện được kể lại tỉ mỉ và Chúa Giêsu thì coi những phép lạ ấy như những dấu chỉ về Đấng Thiên sai đã được các ngôn sứ loan báo. Dầu sao đó cũng là những phép lạ nhỏ khi so sánh với những phép lạ về phục sinh và hóa bánh ra nhiều.

Maccô dùng lại chủ đề của Cựu ước vốn coi tật câm, điếc và sự thiếu lòng tin như có liên hệ với nhau. Ta thấy nhiều lần Chúa Giêsu than phiền về điều người ta có tai mà không nghe. Việc mở tai và tháo cởi cho lưỡi như thế không chỉ đơn thuần là việc chữa khỏi, mà còn có ý nghĩa sâu xa hơn, nếu không các thánh sử đã chẳng gán cho một tầm quan trọng như thế trong các sách Phúc âm.

Trình thuật của Maccô hình như bắt nguồn từ nghi thức đầu tiên trong nghi lễ thọ giáo trong đó có việc đặt tay lên mặt, mũi, tai. Theo quan niệm của Kinh thánh, nước miếng được coi như hơi thở đã đông đặc lại nên có đặc tính ám chỉ ơn ban của Thần Khí thực hiện ơn tái tạo trong con người. Tác giả còn giữ tiếng “Eppheta” vì trong phụng vụ phép rửa lúc buổi đầu người ta đã giữ lại lời này.

Nên nhớ rằng ông Mô-sê có tật nói ngọng và Thiên Chúa đã chữa ông khỏi tật và nói: “Giờ đây, ngươi hãy ra đi, Ta ở với môi miệng ngươi và sẽ dạy cho ngươi biết phải nói gì” (Xh. 4, 10-12). Ngôn sứ I-sai-a kể lại việc Chúa kêu gọi ông như sau: “Một trong những thiên thần Xê-ra-phim bay đến với tôi, tay cầm một cục than hồng… cham vào miệng tôi và nói: khi cục than hồng này đã chạm tới môi ngươi, thì lỗi của ngươi được cất khỏi” (Is. 6,6). Giê-rê-mi-a trỏ thành ngôn sứ khi “Thiên Chúa giơ tay ra chạm vào miệng tôi và nói: đây Ta đặt lời Ta trong miệng ngươi.”

Người ta dùng những lối nói như trên để ám chỉ rằng người ngôn sứ không thể tự mình nói Lời-Cứu-độ được, rằng ông phải loan truyền điều ông nhận được từ AI đó.

Nếu Chúa không mở tai tôi, không tháo cởi cho lưỡi tôi, tôi sẽ không biết nghe, lại càng không biết loan báo Lời Chúa. Khi tôi trưởng thành, người ta đưa tôi đi chịu phép rửa tội, lúc ấy vú bõ tôi như đưa đến một người điếc và không có thể nói được; người ta đã xin linh mục nhân danh Chúa đặt tay trên người ấy.Phép lạ chữa người điếc và câm đã được lặp lại và một ngôn sứ khác đã gia nhập Giáo hội vậy.

 

Suy Niệm 4: HÃY BIẾT NHẠY BÉN VỚI NHỮNG DẤU CHỈ (Mc 7, 31- 37)

Ngày nay, người ta nói nhiều về sự vô cảm, dửng dưng trước nỗi khổ của con người. Họ đưa ra rất nhiều lý do để giải thích cho sự dửng dưng và vô cảm đang trở thành phổ quát trong xã hội hôm nay.

Nguyên nhân mấu chốt, căn bản có lẽ chính là thiếu sự nhạy bén!

Thật vậy, nếu người ta có một chút nhạy bén thì hẳn họ đã không hờ hững khi thấy một người phải đói lả trong khi mình lại quá dư thừa; hay thiếu trách nhiệm khi xả rác cách bừa bãi trong khi hằng đêm vẫn có những người phải thức trắng để dọn dẹp đường phố; hoặc vô tâm đến mất nhân tính khi cướp đi từng gói mỳ tôm, từng nắm gạo của những người vô gia cư, nghèo khổ, đói khát đang thoi thóp mong chờ chút lương thực cho ấm lòng...! Tệ hơn nữa, đó là nhiều khi chúng ta lại phủi tay đến lạnh lùng trước tấm lòng của những người làm việc tốt, để rồi tung ra những lời nói không thật gây nên một sự hoang mang làm cho người ta bị khổ tâm!

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu ra tay cứu chữa cho một người điếc và nói ngọng được nghe và nói rõ ràng. Đây là niềm vui mừng của người bị bệnh và cũng là niềm vui của những người đã dẫn anh ta đến gặp Đức Giêsu.

Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc lui lại các chương trước thì chúng ta sẽ thấy rõ giữa Đức Giêsu và những người Pharisêu luôn có sự đối kháng, và họ luôn cho rằng: Đức Giêsu lấy quyền của tướng Quỷ mà trừ Quỷ. Như vậy, họ không hề có chút nhạy bén với điều thiện, mà ngược lại, họ luôn lạnh lùng, vô cảm và vô tâm trước những nghĩa cử tốt lành của Đức Giêsu.

Lối sống và cái nhìn của những người Pharisêu khi xưa có thể cũng chính là quan điểm và lựa chọn của chúng ta! Nhiều khi vì thành kiến cá nhân, mà chúng ta không thể thấy được điều tốt nơi anh chị em mình. Lòng ích kỷ nơi bản thân nó đã làm cho lương tâm bị che khuất, sự thật bị bóp méo, vì thế, hậu quả chính là sự chia rẽ, bất công và không thể nhận ra chân lý.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn có tâm tình như đám đông dân chúng trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là luôn biết ca ngợi và chúc tụng những điều tốt đẹp Chúa đã làm chung quanh và cho bản thân chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

nguon:http://gplongxuyen.org/News