"Họ không nghe lời Gioan và lời Con Người".
* Có lẽ thánh nữ đã chịu chết ở Xyracuxa, thời hoàng đế Điôlêxianô bách hại đạo (340). Ngay từ thời xa xưa, hầu như cả Hội Thánh Rôma đã tôn kính rồi ghi tên người vào Kinh Tạ Ơn.
LỜI CHÚA: Mt 11, 16-19
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Ta sẽ so sánh thế hệ này với ai? Họ giống như bọn trẻ ngồi nơi phố chợ, gọi lũ trẻ khác mà rằng: "Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!" "Vì Gioan đến, không ăn không uống, thì họ nói: "Ông ta phải quỷ ám!"
Con Người đến, ăn uống giống như thường, thì họ nói: "Ðó là người mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi".
Nhưng sự khôn ngoan được biện minh bằng các công việc của mình".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Suy Niệm 1: Lũ trẻ ngồi ngoài chợ
Suy niệm :
Đức Giêsu ví những người thuộc thế hệ của Ngài
với lũ trẻ ngồi chơi ngoài chợ (cc. 16-17).
Một nhóm bày trò chơi đám cưới,
thổi sáo, thổi kèn để mong nhóm kia nhảy múa.
Nhưng nhóm kia đã chẳng tham gia.
Nhóm này bèn chơi trò đám ma, hát những bài ca buồn não nuột.
Nhưng nhóm kia cũng không giả vờ than khóc.
Thế hệ của Đức Giêsu cũng có nét tương tự như lũ trẻ.
Khi Gioan Tẩy giả đến mời gọi họ sám hối ăn năn,
sự khổ hạnh của vị ngôn sứ này đã khiến họ từ khước (Lc 7, 30).
Đơn giản vì họ không thích khóc than hay hoán cải.
Lối sống của Gioan phù hợp với lời ông giảng về Nước Trời gần đến.
Nhưng lối sống khác thường ấy lại bị xem là một triệu chứng tâm thần.
Người ta đã coi ông là bị quỷ ám (c. 18),
nên cuối cùng đã không tin ông (Mt 21, 32).
Ngược lại, khi Đức Giêsu đến với thế hệ này,
Ngài đã không mang dáng dấp của một ẩn sĩ nơi hoang địa.
Ngài đã sống như một người bình thường, ăn uống bình thường.
Lối sống của Ngài phản ánh Tin Mừng Ngài rao giảng,
một Tin Mừng đem lại niềm vui và sự giải thoát.
Ngài tiếp đón những ai bị xã hội loại trừ.
Ngài ăn chung một bàn với những tội nhân cần xa tránh.
Chính trong bầu khí vui tươi, ấm áp của bữa ăn,
họ cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa và hoán cải.
Tiếc thay, Đức Giêsu cũng bị nhiều người từ khước như Gioan.
Ngài bị coi là kẻ chỉ biết ăn với nhậu (c. 19).
Cả Gioan lẫn Đức Giêsu đều bó tay trước sự cố chấp của thế hệ này.
Sống thế nào cũng không chiều được họ.
Khi sợ thay đổi chính mình, ai cũng cố tìm ra lý do để biện minh.
Để khỏi phải đối diện với chân lý, con người trở nên ngụy biện.
Đức Giêsu dám ví thế hệ của Ngài với đám con nít ngồi ngoài chợ.
Ngài sẽ ví thế hệ chúng ta với ai?
Nơi một số nước, người ta cho phép ly dị, phá thai, hôn nhân đồng tính.
Ở nhiều nơi vẫn còn sự kỳ thị về giới tính, màu da, tôn giáo, chủng tộc.
Bao giờ người ta cũng tìm đủ lý do để làm những điều trên.
Nguy cơ của con người thuộc mọi thời đại, là ở lại trong sự ấu trĩ,
khăng khăng với những ngang bướng ích kỷ của mình.
Cả Gioan và Đức Giêsu đều đã bị loại trừ và bị giết.
Mùa Vọng mời chúng ta dám tin vào lời chứng của Gioan và Giêsu.
Tin luôn đòi chúng ta hoán cải, không được sống như xưa.
Tiếng kêu từ hoang địa của Gioan kéo ta ra khỏi mọi dính bén trần tục.
Thái độ bao dung nơi bàn ăn của Giêsu mời tội nhân ra khỏi bóng tối.
Làm sao con người hôm nay nghe được tiếng kêu của Gioan và Giêsu?
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Thánh Thần,
xin ban sức sống cho chúng con.
Xin cho cuộc đời Kitô hữu của chúng con
đừng rơi vào sự đơn điệu nghèo nàn,
vào những lối mòn quen thuộc,
nhưng xin canh tân
và tái tạo chúng con mỗi ngày.
Xin nuôi chúng con bằng những thức ăn mới,
cho chúng con khám phá ra
những chiều sâu khôn dò của Đức Kitô
và ý nghĩa thâm thúy của Tin Mừng.
Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống,
thế giới hôm nay luôn bị đe dọa
bởi bạo lực, khủng bố, chiến tranh;
mạng sống con người bị coi rẻ.
Xin cho chúng con biết say mê sự sống,
và gieo vãi sự sống khắp nơi.
Ước gì Chúa ban cho nhân loại
một lễ Hiện Xuống mới
để con người có thể hiểu nhau hơn
và đón nhận nhau trong yêu thương. Amen
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Suy Niệm 2: Pharisiêu cứng lòng
Một vị quan văn nổi tiếng vào thời nhà Tống ở Trung Quốc có câu chuyện Giáp Ất tranh luận như sau:
Giáp hỏi Ất: - Nếu lấy đồng đúc thành chuông, đẽo gỗ làm cái dùi, lấy dùi đánh vào chuông, nó lêu boong boong. Vậy tiếng kêu là do gỗ hay do đồng.
Ất đáp:
- Lấy dùi gõ vào tường vách không kêu, gõ vào chuông lại kêu. Vậy tiếng kêu ở đồng.
Giáp lại hỏi: - Lấy dùi gõ vào tiền trinh bằng đồng không kêu, thế thì có chắc tiếng kêu là do ở đồng mà ra không?
Ất lại đáp:
- Ðồng tiền đặc, cái chuông rỗng. Vậy tiếng kêu là do các đồ vật rỗng mà ra.
Giáp hỏi tiếp: - Lấy gỗ, lấy đất sét làm thành chuông đánh cũng chẳng nghe tiếng kêu boong boong, thế thì chắc gì tiếng là do các vật rỗng mà ra.
Cuộc tranh luận giữa Giáp và Ất sẽ kéo dài mãi thì chẳng thể nào có một giải đáp đúng nghĩa nếu họ chỉ giải đáp một cách phiến diện và chủ quan, chỉ giải quyết vấn đề theo từng góc cạnh riêng lẻ. Tâm trạng chủ quan và cái nhìn phiến diện của họ phần nào cũng giống như cái nhìn của người Do Thái được Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng mà thánh Matthêu ghi lại.
Thật vậy, sống trong một thế giới đầy màu sắc và ánh sáng thì chẳng ai lại không lo sợ và đề phòng về chứng tật mù lòa. Nhìn người mù không ai mà lại không cảm thấy xót thương, động lòng trắc ẩn, vì mắc phải bệnh mù con người gần như mất một phân nửa cuộc đời, và không những họ mất hết niềm vui do cái nhìn đem lại mà trước một sự việc họ cũng chẳng hiểu được tường tận nếu chỉ đón nhận bằng đôi tai, chưa nói đến những điều đòi phải được đón nhận bằng đôi mắt.
Tuy nhiên, dù cho thiệt thòi như vậy bệnh mù lòa vẫn chưa nguy hiểm bằng căn bệnh của những người Do Thái được Chúa Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là óc phê phán chủ quan và họ cứ tưởng mình sáng hóa ra lại chẳng thấy gì. Vì nếu người mù biết mình tối thì họ sẽ cố gắng tìm hiểu sự việc trước mắt khi không nhìn được sự khác. Còn người chủ quan và phiến diện thì muôn đời sẽ tăm tối trước chân lý, vì khi chỉ nhìn được một khía cạnh của chân lý mà họ cứ tưởng là đã đạt được chân lý để rồi cứ thế mà cố chấp trước những vẻ đạp của chân lý. Họ chẳng khác gì năm người mù đi xem voi, người thì cho con voi là cái cột đình to tướng, kẻ lại nói con voi là chiếc quạt khổng lồ, người khác lại cho con voi là quả núi đồ sộ.
Khi thánh Gioan Tẩy Giả đến rao giảng ơn cứu độ, người không ăn uống thì được gán cho nhãn hiệu là bị quỉ ám. Ðức Kitô đến, Người ăn uống như bình thường thì bị kết án là người mê ăn uống, là bạn của quân thu thuế và tội lỗi. Họ chỉ hiểu ơn cứu độ theo quan điểm riêng của mình, chỉ nhìn Ðấng Messia theo cái nhìn phiến diện nên người Do Thái đã khép chặt cửa lòng trước lời mời gọi của ơn cứu rỗi. Với cái nhìn phiến diện đã nảy sinh những phe phái chủ quan chẳng khác gì bọn trẻ nít ngồi nơi phố chợ: "Chúng tôi thổi sáo sao các bạn không nhảy múa. Chúng tôi than vãn sao các bạn không than khóc?" Chính vì thế mà ơn cứu độ đến và qua đi mà người Do Thái chẳng nhận ra: "Ngài đã đến trong nhà Ngài nhưng người nhà đã không nhận ra Ngài, không đón tiếp Ngài".
Trong Giáo Hội ngày nay cũng không thiếu những trường hợp mắc phải căn bệnh của người Do Thái. Ðức Kitô được trình bày trọn vẹn trong Kinh Thánh, qua Phụng Vụ và qua Giáo Hội, thế mà người ta lại giới hạn Ðức Kitô trong cái nhìn của họ. Họ cũng giới thiệu Ðức Kitô cho người khác nhưng đây chỉ là một Ðức Kitô bị bóp méo cho hợp với chủ trương của họ, có lợi cho họ. Và nếu có một ai giới thiệu Ðức Kitô khác với chủ trương và đi ngược lại với quyền lợi thì họ sẵn sàng kết án hoặc bôi nhọ làm sao để đừng mất đi quyền lợi của mình.
Lạy Chúa, khi nhìn lại bản thân chắc chắn không ít lần con đã hành động như người Do Thái, nhìn Chúa bằng một cái nhìn phiến diện. Chỉ đón nhận Thiên Chúa hợp với sở thích, quyền lợi, giới thiệu cho người khác hoặc Thiên Chúa bị uốn nắn theo những điều con nghĩ tưởng, và nếu có điều nào khác quyền lợi của con, con sẽ sẵn sàng kết án dù cho đó là chân lý, là sự thật.
Trong Mùa Vọng này, xin Chúa cho con được biết vượt qua các thành kiến hẹp hòi mà vươn lên khỏi những ràng buộc của quyền lợi để rộng mở tâm hồn đón tiếp Chúa, vì Chúa đang đến trong từng giây phút qua các biến cố cuộc đời cũng như qua người anh em bên cạnh con.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)
Suy Niệm 3: Chủ quan, phiến diện.
Âu dương tử, một học giả Trung hoa có viết câu chuyện sau:
Giáp hỏi Ất: Lấy đồng đúc thành chuông, đẽo gỗ làm cái dùi, lấy dùi đánh vào chuông, thì tiếng kêu phát ra đó do gỗ hay do đồng?
Ất đáp: Lấy dùi gõ vào tường vách thì không kêu, mà gõ vào chuông lại kêu, vậy tiếng kêu do bởi đồng.
Giáp lại hỏi: Lấy dùi gõ vào đồng tiền bằng đồng thì không kêu, vậy có chắc tiếng kêu là do đồng chăng?
Ất đáp: Đồng tiền đặc, cái chuông rỗng, vậy tiếng kêu phát ra là do các vật mỏng.
Giáp hỏi tiếp: Lấy gỗ, lấy đất sét khoét làm chuông, đánh lên đâu có boong boong, thế thì có chắc gì tiếng kêu phát ra là do đồ vật rỗng?
Cuộc tranh luận nếu cứ đà ấy sẽ kéo dài lẩn quẩn và chẳng có câu giải đáp nào thỏa đáng, nếu họ chỉ nhìn vấn đề một cách chủ quan, phiến diện, chỉ giải quyết vấn đề từng góc cạnh riêng rẽ.
Sống trong một thế giới đầy màu sắc và ánh sáng, thì ai cũng lo đề phòng chứng tật mù lòa. Nhìn người mù, ai lại không xót thương và trắc ẩn. Mắc phải mù lòa, con người cảm thấy như mất nửa cuộc đời. Không những mất niềm vui do cái nhìn mang lại, họ còn chịu bao thiệt thòi khi không cảm nhận được những sự việc xảy ra chung quanh.
Tuy nhiên, bệnh mù lòa vẫn chưa nguy hiểm cho bằng căn bệnh của người Do Thái như được nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là tâm trạng chủ quan và cái nhìn phiến diện. Bởi vì nếu người mù biết mình tối họ sẽ cố gắng hiểu sự vật trước mắt bằng những giác quan khác; còn người chủ quan, phiến diện sẽ muôn đời tăm tối trước chân lý, chỉ nhìn được một khía cạnh của chân lý, họ tưởng mình đã đạt tới chân lý, để rồi cứ thế trở thành cố chấp. Gioan Tẩy giả đến rao giảng ơn cứu độ, ngài không ăn không uống thì bị gán cho là người bị quỷ ám; Chúa Giêsu đến, Ngài hòa nhập với mọi người, ăn uống bình thường, thì bị chê bai là người mê ăn uống, bạn bè với quân thu thuế và tội lỗi.
Chỉ hiểu ơn cứu độ theo quan điểm riêng của mình, chỉ hiểu Đấng Mêsia theo cái nhìn phiến diện, người Do Thái đã khép lòng trước lời mời gọi hoán cải để đón nhận ơn cứu độ. Ơn cứu độ đến và qua đi mà người Do Thái chẳng có cơ may nhận ra và đón tiếp.
Trong Giáo Hội hôm nay cũng không thiếu trường hợp mắc phải căn bệnh của người Do Thái xưa. Chúa Kitô được phô bày trong Kinh Thánh qua phụng vụ, thế mà người ta lại giới hạn Ngài trong cái nhìn của họ, hợp với chủ trương của họ, và nếu có ai tin thờ một Chúa Kitô đi ngược với quan điểm của họ, thì họ sẵn sáng phủ nhận, kết án, bôi nhọ.
Trong Mùa vọng này, chúng ta xin Chúa cho chúng ta biết vượt khỏi thiên kiến và ràng buộc của quyền lợi, để đón nhận Chúa đang đến qua từng biến cố cuộc đời và nơi mỗi người anh em.
Suy Niệm 4: Một trái tim cảm thương
Con Người đến, cũng ăn cũng uống, thì thiên hạ bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động. (Mt. 11, 19)
Một số người luôn luôn có tính ngang ngược. Tin mừng hôm nay vạch cho chúng ta thấy tính ngang ngược của chính chúng ta. Nếu có ai đi lễ nhiều, chúng ta nghĩ xấu họ là kẻ tốt thế đó, chẳng đứng đắn đâu. Nếu có ai siêng năng xưng tội rước lễ, thì bị coi là đạo đức ủy mị. Chúng ta luôn luôn bài bác người khác về bất cứ cái gì.
Gần đây, tôi gặp một gã thanh niên khổ sở vì một cô gái trẻ yêu thích bạn nó hơn nó. Nó không còn vui gì khi gặp bạn nó. Nó không còn trái tim muốn nhảy nhót nữa.
Và khi xảy đến một tai họa, một vụ giết người, hay có ai chết, có ai bệnh, có ai bị trừng phạt … chúng ta sẵn sàng nói: đó không phải là việc của tôi, tôi bận việc, tôi bị đau, kệ thây nó, nó phải tự lo lấy.
Chúng ta trở nên kẻ hoặc ghen ghét, hoặc lãnh đạm, nhưng lại không dám nói thẳng thắn. Thế là chính chúng ta đang bị Tin mừng phanh phui về chúng ta.
May thay, Tin mừng vẫn mời gọi chúng ta đi vào con đường hạnh phúc: “Phúc cho những ai biết cảm thương. Phúc cho trái tim biết thương xót”.
Đó là hiến chương nước trời, của triều đại đáng được mong chờ và đáng được loan báo trong mùa vọng này. Để được như thế, cần phải tước bỏ cái tôi, cần phải có con tim cảm thương nhạy bén: “Vui với người vui, khóc với người khóc”, sẵn sàng nâng đỡ nỗi cực khổ của người khác.
Ai trong các người lân cận của bạn, đã sống trong hoàn cảnh sung sướng hay khổ sở trong những ngày này? Họ cần bạn chia sẻ niềm vui nỗi buồn của họ. Họ cần tấm lòng thông cảm nhạy bén của bạn.
Và trong lễ tế Thánh Thể này, chúng ta có thể dự phần vui mừng của chính Thiên Chúa được không? Hãy vui mừng sung sướng vì Ngài sống trong Con yêu dấu của Ngài?
Hãy ngợi khen Thiên Chúa, đã cho phép chúng ta được vui sướng với Ngài, đã cho phép chúng ta được thông phần nguồn hoan lạc của Ngài.
J.Y.G
Suy Niệm 5: TẠI SAO...? (Mt 11,16-19)
Tin Mừng hôm nay tiếp nối bài Tin Mừng trước. Nếu hôm qua, Đức Giêsu khen ngợi sự xuất hiện và vai trò cũng như sứ mạng của thánh Gioan Tẩy Giả, thì hôm nay, Ngài khiển trách nặng nề đối với các vị lãnh đạo tôn giáo thời của Gioan. Tại sao vậy? Thưa vì Gioan đã kêu gọi dân chúng sám hối để đón chờ Đấng Cứu Tinh đến. Dân chúng đã tỏ lòng sám hối, xin chịu phép rửa thanh tẩy, còn những người lãnh đạo thì cứng lòng, ích kỷ và không chịu tin. Vì thế, Đức Giêsu đã mượn một trò chơi hát đối của trẻ em thời đó, nhằm diễn tả về thế hệ này vì sự cố chấp, kém tin của họ:
Các trẻ em thường chia làm hai phe. Bên xướng bên đáp. Nếu bên xướng hát những điệu buồn hay đưa đám thì bên đáp phải khóc lóc, than vãn..., còn nếu bên xướng hát lên những điệu nhạc vui, thì bên kia phải nhảy múa hân hoan....
Nếu đôi bên không hiểu ý nhau thì cuộc chơi mất vui. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải lúc nào bọn trẻ cũng thành công trong trò chơi này, vì gặp phải những “đầu biếu” cố tình chọc ngoáy làm cho cuộc chơi mất vui. Vì vậy, bên chủ động bực tức nên mới nói: "Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!". Tệ hơn nữa là nhóm trẻ không chịu chơi đó lại còn trách móc đủ điều....
Sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả cũng vậy. Lời mời gọi của ngài không được giới lãnh đạo đáp ứng, mà ngược lại, họ còn coi ông như là: người bị quỷ ám. Đức Giêsu cũng chung số phận với Gioan vì Ngài cũng đã từng bị họ lên án là người “mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi".
Tin Mừng hôm nay được đọc trong bối cảnh của Mùa Vọng, hẳn sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy noi gương dân chúng thời Gioan khi xưa là: hãy hoán cải đời sống, ăn năn sám hối, trở về với Chúa trong phẩm giá người Kitô Hữu, để chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh. Bên cạnh đó, Lời Chúa còn mời gọi chúng ta hãy thực thi tinh thần sám hối cách thiết thực hơn nữa chính là những việc hy sinh, hãm mình, khổ chế, làm việc bác ái…, để nêu gương sáng cho hối nhân sám hối trở về với Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết đáp lại lời mời gọi của thánh Gioan để ăn năn sám hối, canh tân đời sống, ngõ hầu tâm hồn chúng con được xứng đáng đón tiếp chính Chúa Giáng Sinh hằng ngày qua việc đón nhận chính Mình và Máu Chúa. Amen.
Ngọc Biển SSP
nguon:http://gplongxuyen.org/News