"Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em, chúng ta hãy giết nó".
Lời Chúa: Mt 21, 33-43. 45-46
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh; đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa.
Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: "Ðứa con thừa tự kia rồi: Nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó". Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?
Các ông trả lời: "Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi". Chúa Giêsu phán: "Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh sao:
"Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc; đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta?" Bởi vậy, Ta bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái".
Các Thượng tế và biệt phái nghe dụ ngôn đó, thì hiểu Người ám chỉ về mình. Họ liền tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì thiên hạ đều tôn Người là Tiên tri.
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
SUY NIỆM 1: Sinh hoa lợi
Trong Mùa Chay, Giáo Hội cho chúng ta nghe dụ ngôn những tá điền.
Những tá điền này được chủ nhà cho canh tác vườn nho của mình,
để đến mùa hái nho họ giao lại cho ông hoa lợi.
Đây là một vườn nho được ông chủ quan tâm săn sóc.
Ông đã trồng, đã rào giậu, khoét bồn đạp nho và xây tháp canh.
Tiếc thay, khi ông chủ sai các đầy tớ đến để thu hoa lợi
các tá điền chẳng những không nộp, mà còn hành hạ họ và giết đi (c. 35).
Nhóm đầy tớ thứ hai cũng chịu chung số phận (c. 36).
Nhưng ông chủ vẫn không thất vọng trước sự độc ác của các tá điền.
Sau cùng, ông đã sai chính con trai mình đến với họ.
Đứa con thừa tự cũng chẳng được nể vì, bị lôi ra khỏi vườn nho và giết đi.
Khi kể dụ ngôn này Đức Giêsu muốn nói mình chính là người con ấy,
người Con của ông chủ vườn nho là Thiên Chúa.
Ngài tiên báo về cái chết sắp đến của mình
bởi tay những tá điền sát nhân là các nhà lãnh đạo Do thái giáo đương thời.
Cái chết của Đức Giêsu nằm trong chuỗi những cái chết của các ngôn sứ
là các đầy tớ đã được Thiên Chúa sai đến với dân Ítraen trong dòng lịch sử.
Tuy nhiên, cái chết ấy đặc biệt cao quý vì là cái chết của chính Người Con.
Hơn thế nữa, cái chết ấy không phải là một dấu chấm hết.
Nó là cánh cửa mở ra một trang mới của lịch sử,
không phải chỉ là lịch sử của dân tộc Ítraen, mà còn của cả nhân loại.
“Viên đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên viên đá đầu góc.
Đó là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (c. 42).
Giáo Hội sơ khai thích dùng trích dẫn trên đây của thánh vịnh 118, 22
để nói về việc Đức Giêsu bị loại trừ và được tôn vinh (x. Cv 4,11; 1Pr 2,7).
Bị loại bỏ là việc độc ác của con người,
còn trở nên viên đá góc là việc làm kỳ diệu của Thiên Chúa.
“Thu hoa lợi”, “nộp hoa lợi”, “sinh hoa lợi” (cc. 34, 41, 43).
Hoa lợi là điều mà ông chủ nhắm tới khi ông đầu tư cho vườn nho.
Ông đã không thu được hoa lợi gì từ những tá điền độc ác,
bởi đó ông đã lấy vườn nho lại, cho người khác làm để lấy hoa lợi.
Vườn nho bây giờ được hiểu là Nước Thiên Chúa.
Nước này không còn nằm trong tay giới lãnh đạo dân Do thái nữa,
nhưng được trao cho một dân biết sinh hoa lợi (c. 43).
Dân mới ấy chính là Giáo Hội phổ quát,
trong đó gồm cả dân ngoại và những người Do thái tin Đức Giêsu.
Chúng ta thuộc về Giáo Hội, thuộc về đoàn dân mới.
Chúng ta hãnh diện vì được trao phó vườn nho là Nước Thiên Chúa,
và lo lắng trước trách nhiệm phải sinh hoa lợi cho xứng ở đời này.
Làm thế nào để Giáo Hội nộp hoa lợi đúng mùa cho Chủ?
Làm thế nào để chúng ta không rơi vào tội của các tá điền đi trước?
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
con thường thấy mình không có thì giờ,
nhưng đồng thời cũng thấy mình
lãng phí bao thời gian quý báu.
Nhiều khi con tự hỏi
mình thực sự làm việc bao nhiêu giờ mỗi ngày.
Xin cho con biết quý trọng từng giây phút
đang trôi qua mà con không sao giữ lại được.
Chúa đã trao cho con nén bạc thời gian,
để con sinh lợi tối đa theo ý Chúa.
Xin cho con luôn làm việc như Chúa :
hăng say, tận tụy và vui tươi,
vâng phục, có phương pháp và đầy sáng tạo.
Vì quá khứ thì đã qua,
và tương lai thì chưa đến,
nên xin dạy con biết trân trọng giây phút hiện tại.
Xin cho con thấy Chúa
lúc này đang ở đây bên con,
và đang mời gọi con đáp lại tiếng của Ngài
bằng những hành động cụ thể.
Con xin hiến dâng Chúa giây phút này
như một hy lễ,
với tất cả những bất ngờ, đớn đau, thách đố.
Ước gì con dám sống hết mình giây phút hiện tại
để hiện tại đưa con vào vinh cửu của Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: Dụ Ngôn Tá Điền Vườn Nho
Qua dụ ngôn người làm vườn nho sát nhân, không những Chúa Giêsu ám chỉ đến cái chết dã man mà các Thượng tế và Biệt phái sẽ gây ra cho Ngài, nhưng Ngài còn loan báo về sự phục sinh mà Thiên Chúa quyền năng sẽ thực hiện cho Ngài. Với sự phục sinh âý, Thiên Chúa như tuyên bố rằng tình yêu mạnh hơn sự chết, yếu đuối đã trở thành sức mạnh, thất bại biến thành khơi nguồn của ân ban. Chúa Giêsu đã gói ghém tất cả các mạc khải ấy trong câu trích từ Tv 118: “Chính viên đá thợ xây loại bỏ, đã trở nên viên đá góc tường”. Cái bị loại bỏ đã trở thành chuẩn mực, cái yếu đuối đã trở thành sức mạnh, cái điên dại đã trở thành lẽ khôn ngoan, cái chết đã trở thành cửa ngõ và khởi đầu nguồn sống mới.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng phó thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Màu tím của Mùa Chay có lẽ không nên phủ lên khuôn mặt chúng ta lớp khăn tang của buồn sầu, thiểu não; trái lại, việc suy niệm cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu, việc chay tịnh trong thể xác và tâm hồn phải hướng chúng ta đến sự phục sinh của Chúa Kitô. Cuộc Tử nạn của Ngài không phải là con đường hầm không có lối thoát, nhưng ở cuối con đường ấy là nguồn sáng chan hoà của phục sinh. Đó cũng phải là ánh sáng chiếu dọi vào những suy niệm của chúng ta.
Cũng như thánh Phaolô, chúng ta cũng có thể góp phần bổ túc những gì còn thiếu trong cuộc Tử nạn của Chúa Kitô. Những mất mát, thua thiệt, những thất bại khổ đau trong cuộc sống đều là những đóng góp của chúng ta với điều kiện chúng ta biết đón nhận chúng với tinh thần phó thác của Chúa Giêsu, biết nhìn vào đó như những viên đá để Thiên Chúa biến thành viên đá góc xây dựng Giáo hội Chúa Kitô.
Suy tôn Thánh giá Chúa Kitô trong Mùa Chay, xin cho chúng ta biết nhìn lên ánh sáng Phục sinh, để từ đó nhận ra được ý nghĩa và giá trị của đau khổ trong cuộc sống chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Thay Ðổi Hướng Ði
Ðối với người Israel, vườn nho là một hình ảnh rất quen thuộc. Các ngôn sứ Isaia, Giêrêmia, Edêkiel thường dùng hình ảnh này để ám chỉ dân Israel được Thiên Chúa tuyển chọn và chăm sóc để trở thành dân riêng của Người. Chúa Giêsu cố ý đưa hình ảnh quen thuộc ấy vào trong phần mở đầu của dụ ngôn trên đây. Cách diễn tả của Chúa Giêsu chắc chắn làm cho người nghe nhớ đến lời ngôn sứ Isaia nói về sự bất trung của dân Israel. Cách mở đầu bài giảng như thế khiến cho các thượng tế và kỳ mục phải ở trong tư thế chuẩn bị đối phó, bởi vì họ đang là những nhà lãnh đạo của dân Israel, đang quản lý vườn nho của Thiên Chúa. Và sau phần mở đầu, Chúa Giêsu tấn công ngay vào vị thế đó của họ. Chúa gọi họ là những tá điền, mà lại là những tá điền bất nhân bất nghĩa. Người nói thẳng với họ: "Tôi nói cho các ông hay, Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa mà ban cho một dân khác với mục đích làm cho Nước ấy sinh hoa lợi."
Thoạt nghe dụ ngôn trên đây, chúng ta có thể nói nó chẳng ăn nhập gì đến mình cả. Chúa Giêsu hiện trước các thượng tế và các kỳ mục Do Thái thời xưa chứ Ngài đâu khiển trách chúng ta. Chúng ta đâu có dính dự gì vào chuyện của họ. Chúng ta đâu có giết các ngôn sứ của Thiên Chúa, chúng ta đâu có xử tử Chúa Giêsu. Thế nhưng, nếu chịu khó xét cho kỹ thì chúng ta phải giật mình vì chúng ta đã có những phản ứng chẳng khác gì họ, có khác chăng là trong một bối cảnh khác và với hành động như vậy, chúng ta không giết các ngôn sứ, nhưng chúng ta bỏ ngoài tai những lời giảng dạy của các vị, chúng ta không kết án tử Chúa Giêsu, nhưng chúng ta đẩy Người ra ngoài lề cuộc sống chúng ta. Nếu chịu khó xét mình, không khéo chúng ta lại tìm thấy hình ảnh của các thượng tế và kỳ mục của Israel nơi bản thân chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, nhiều lần chúng con trách cứ dân Do Thái ngày xưa đã cứng đầu không nhận ra Chúa, không nghe lời Chúa mà còn giết Chúa nữa, nhưng chúng con cũng đang bước theo lối mòn ấy của họ. Xin Chúa tha thứ cho con và giúp con sửa đổi đời mình để được Nước Trời làm gia nghiệp mãi mãi.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 4: Giết con thừa tự
Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: “Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác và trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền và thu hoa lợi. Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” (Mt. 21, 33-34, 38)
Dụ ngôn những tá điền sát nhân loan báo rõ ràng về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Sau khi gửi nhiều ngôn sứ đến dân Ít-ra-en, Thiên Chúa gửi chính con mình, nhưng cũng không được đón nhận, chẳng hơn gì số phận những ngôn sứ xưa.
Dụ ngôn này nói lên sự tàn bạo kinh khủng, nó phản ảnh sự dã man ghê sợ của loài người đến cùng cực, khó có thể tưởng tượng nổi. Nhưng đừng để cho những xúc động ghê sợ đó trở nên cạm bẫy che lấp sứ điệp chân chính mà Đức Giêsu truyền dạy chúng ta. Sứ điệp chân chính đó là vườn nho được trao cho những người lương thiện canh tác.
Vườn nho đã được trao cho những tá điền biết làm sinh hoa kết quả. Thực sự những trái nho ở đây là những hoa trái nước trời. Dân tộc được tuyển chọn trước đã thất bại. Một dân khác đã lãnh nhận vườn nho và sẽ không làm ông chủ thất vọng.
Bức tranh này, tuy có thể tối tăm, nhưng sau cùng lại chứa đầy hy vọng. Người ta thấy ở đây chương trình của Thiên Chúa, Ngài muốn nhân loại sinh nhiều hoa trái, không bao giờ được thất vọng do những quản lý xấu. Thiên Chúa không bao giờ chịu thất bại do sự quản lý đồi tệ của con người. Ngài tái lập lại rất dễ dàng và trao lại cho những người khác công việc đã bị hư hại.
Những kẻ bất trung đã làm hỏng việc, nhưng nước Thiên Chúa thì vẫn bất diệt, vì tất nhiên Ngài sẽ thực hiện lại, và phúc cho ai được Ngài dùng để thực hiện lại công việc của nước trời.
Người ta thường nghe rằng thế hệ chúng ta có những người đang phá hủy Hội thánh của Đức Kitô. Người ta nói Đức Kitô đã bị đóng đinh rồi, Thiên Chúa đã chết rồi.
Hội thánh được hứa bảo đảm bất tử. Nhưng những kẻ bất xứng đã phung phá vườn nho của Chúa sẽ bị xô xuống vực thẳm, để cho những người khác đến và ơn cứu độ lại được loan báo cho tới khi Chúa lại đến. Chúng ta sẽ qua đi. Chúa vẫn tồn tại.
J.G.
SUY NIỆM 5: SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ (Mt 21, 33-46)
Trong Kinh Thánh Cựu Ước có kể câu chuyện của vua thánh Đavít như sau: khi vua Đavít đã thỏa mãn nhục dục với Bathsêba, vợ của vị tướng Uria. Không dừng lại ở đó, ông đã tìm cách để phủ lấp chuyện đồi bại của mình bằng cách đẩy Uria ra mặt trận ác liệt, ở đó, vị tướng này chắc chắn sẽ tử trận, và sự việc đúng như kế hoạch thâm độc mà nhà vua đã hoạch định.
Khi nghe biết sự tàn ác của vua Đavít như thế, tiên tri Nathan đến kể cho vua một câu chuyện nhằm cảnh báo nhà vua, ngài kể: một anh nhà giàu kia có rất nhiều chiên, nhưng khi có khách, thì lại truyền lệnh cho quân lính sang nhà hàng xóm bắt con dê của họ để làm thịt ăn mừng. Điều đáng nói là người hàng xóm này chỉ có duy nhất một con dê là tài sản của anh ta. Nghe đến đây, Vua Đavít tức giận và tuyên bố một câu xanh rờn: thằng đó phải chết! Nghe thấy thế, tiên tri Nathanel chỉ thẳng vào mặt vua và nói: “Thằng đó chính là vua!” Đến đây, nhà vua mới giật mình nhận ra tội lỗi của ông và ăn năn sám hối.
Câu chuyện trên đây thật trùng khớp với câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay.
Đức Giêsu biết rõ những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ có một cái tôi rất lớn được xây dựng bằng thành trì của sự kiêu ngạo, tự phụ, tự tôn, luôn coi mình là đạo đức hơn người. Thế nên, bản thân họ rất khó nhận ra con người thực chất của chính mình để sám hối. Vì thế, Đức Giêsu đã kể cho họ nghe dụ ngôn: “Những tá điền sát nhân”.
Ngài kể về những người làm công ác nhân, thất đức khi đối xử bất nhân với những người nhà của chủ được sai đến, không những thế, sự bất nhân của họ còn được sử dụng ngay với chính con của ông chủ, nên họ đã giết luôn cả đứa con thừa tự và cướp luôn vườn nho.
Sau đó, Đức Giêsu hỏi những người đang nghe: “Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?" Nghe đến đây, các Thượng Tế và Kỳ Mục lên tiếng khí thế, họ nói: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông”.
Cũng như Đavít, họ vui vẻ và khẳng khái kết án cái ác, đúng lúc ấy, trong câu 43, Đức Giêsu tuyên án với họ: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi, không cho các ông nữa, mà ban cho dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”.
Đến đây, Đức Giêsu đã làm cho các Thượng Tế và Kỳ Mục nhận ra con người gian dối của họ khi dùng ngón đòn: “Gậy ông đập lưng ông”, khi chính họ tuyên án cho thảm án nặng nề nơi mình.
Trong cuộc sống hôm nay, nhiều khi chúng ta không nhận ra tội của mình mà cứ đi lôi tội của người khác một cách không thương tiếc. Vì thế, có lúc chúng ta không khác gì những nhà lãnh đạo tôn giáo thời Đức Giêsu, hay như Vua Đavít trong câu chuyện trên!
Tuy nhiên, Vua Đavít thì sám hối, còn những Thượng Tế và Kỳ Mục thì không, nên họ vẫn tiếp tục sa lầy vào con đường tội lỗi...
Mùa Chay là mùa Chúa mời gọi chúng ta hãy sám hối để được cứu độ, ngược lại, nếu không sám hối sẽ đời đời diệt vong.
Sám hối sẽ được ban nhiều hồng ân, mà hông ân lớn lao nhất chính là ơn cứu độ. Nếu không, ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy đi và trao cho người khác.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết nhận ra con người thật của mình để biết sám hối, ăn năn. Amen.
Ngọc Biển SSP
nguon:http://gplongxuyen.org/News