Suy niệm 13/02/2019 – Thứ Tư tuần 5 thường niên: Tinh sạch tinh thần.

Thứ Tư 13/02/2019 – Thứ Tư tuần 5 thường niên. – Tinh sạch tinh thần.

"Những gì từ con người ta xuất ra, đó là cái làm cho người ta ra ô uế".

 

Lời Chúa: Mc 7,14-23

Khi ấy, Chúa Giêsu lại gọi dân chúng mà bảo rằng: "Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".

Lúc Người lìa dân chúng mà về nhà, các môn đệ hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn ấy.

Người liền bảo các ông: "Các con cũng mê muội như thế ư? Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra". Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch.

Người lại phán: "Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho ngươì ta ô uế".

 

 

Suy Niệm 1: Vấn đề sạch dơ

Khi bàn về chế độ ăn uống của các dân tộc và của cá nhân, những nhà văn hóa xã hội phải thú nhận không thể đưa ra một tiêu chuẩn chung để qui định đâu là thức ăn ngon, đâu là thức ăn dở, đâu là thức ăn sạch sẽ bổ dưỡng, đâu là cái bẩn thỉu và độc hại. Bởi vì, đối với dân tộc này, món óc khỉ chẳng hạn là một món ăn bổ dưỡng và sang trọng, nhưng đối với dân tộc khác, đó là một thức ăn của người còn mang nặng thú tính, chưa có nhân tính thuần thục. Người Do thái ngày xưa cũng tự qui định cho mình một số thức ăn được phép và một số thức ăn không được phép. Còn thái độ của Chúa Giêsu đối với vấn đề này như thế nào?

Trước hết, phải nhìn nhận rằng cả Chúa Giêsu lẫn người Do thái đều không đứng trên bình diện sinh học để cứu xét thức ăn sạch hay dơ, tốt hay xấu, nhưng cả hai phê phán giá trị thức ăn theo quan điểm luân lý. Người Do thái qui định một số thức ăn không được phép dùng, ban đầu có thể là do yếu tố vệ sinh, y học, nhưng về sau họ đánh giá theo một góc độ khác. Chẳng hạn người Do thái không ăn máu và những thú vật bị chết ngạt, vì họ cho rằng máu tượng trưng cho sự sống, mà sự sống là độc quyền của Thiên Chúa, do đó con người không được phép đụng tới. Quan niệm này tiếp tục tồn tại trong Giáo Hội Kitô tiên khởi và các tín hữu gốc ngoại giáo được yêu cầu nhượng bộ các Kitô hữu gốc Do thái ở điểm này.

Thắc mắc của các môn đệ và giải đáp của Chúa Giêsu được tác giả Marcô ghi lại ở đây, có lẽ phản ánh bầu khí tranh luận của Giáo Hội tiên khởi lúc ấy và hướng giải quyết vấn đề mà Giáo Hội dần dần phải theo, đó là mọi thức ăn đều thanh sạch; điều quan trọng hơn chính là tâm hồn con người, bởi vì thức ăn sạch, chén đĩa sạch, tay chân sạch có ích gì cho việc mưu cầu ơn cứu độ, nếu con người còn có tâm hồn lừa dối Thiên Chúa và phỉnh gạt người khác.

Có một lần Phêrô đã phản ứng như mọi người Do thái. Trong một thị kiến, Phêrô được lệnh phải giết và ăn các thú vật nằm trên tấm khăn lớn từ trời buông xuống, nhưng Phêrô lập tức từ chối vì cho đó là thức ăn dơ. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã sửa sai quan niệm của ông: những gì Thiên Chúa tuyên bố là thanh sạch, thì con người chớ gọi là ô uế. Thật ra, thị kiến này chỉ có ý nghĩa tượng trưng: Phêrô được lệnh phải tiếp đón lương dân vào Giáo Hội, những người mà Do thái giáo cho là nhơ uế. Như vậy, khi trả lời cho câu hỏi về vấn đề sạch, dơ ở đây, Chúa Giêsu muốn nói rằng người ta không thể đánh giá người khác dựa trên mầu da, chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, giai cấp, vì tất cả những điều ấy chỉ là những hình thức phụ thuộc; mỗi người sẽ bị Thiên Chúa đánh giá dựa vào tâm địa tốt hay xấu của mình và những hành vi xuất tự tâm địa ấy.

Từ chỗ không kỳ thị về các sự vật, Kitô giáo tiến tới chỗ không kỳ thị về con người. Bằng chứng là trong giáo lý Công giáo hiện nay, không hề có dị ứng trước các thực tế của nhân loại, cũng không đặt bảng phân loại con người để tiếp nhận và Giáo Hội hay lập thang giá trị để đáng giá các phần tử trong Giáo Hội. Trái lại Kitô giáo mang tinh thần đại đồng và phổ quát, xứng đáng được gọi là đạo Công Giáo.

Xin cho chúng ta là những người mang danh hiệu Kitô, không bao giờ có óc kỳ thị đối với các thực tại cuộc sống cũng như đối với nhau.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Xấu bẩn tự lòng mình

Sau đó Đức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu rõ cho: không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ trong con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc. 7, 14-15)

Cái gì là dơ bẩn, là cái xấu ở ngoài bản thân ta, ta dễ có một nhận định khách quan và vô tư. Tuy nhiên, nhận định “từ bên trong, từ lòng người phát xuất những ý định xấu”, có lẽ ta không dễ vô tư hơn chuyện đả kích những tạp chí, phim ảnh và quảng cáo xấu đâu.

Đâu là cái xấu ẩn ngay trong lòng ta? Bảng liệt kê những cái xấu được Phúc âm hôm nay kể ra không soi sáng chúng ta bao nhiêu. Nó cũng chỉ kê ra sự việc. Thật quá dễ dàng và nguy hiểm.

Lòng dơ bẩn không chỉ là cái chúng ta hiểu là sự dơ bẩn, sự không thanh sạch mà thôi.Tất cả những gì khiến ta đi ngược, chống lại tình yêu đều là dơ bẩn. Xấu bẩn tự lòng ta, có nghĩa là, tất cả những tâm tình đi ngược lại với tâm tình của Chúa, tiếng nói nào bảo ta đó là tám mối phúc mà chủ trương ngược lại, hạnh phúc nào ta đang theo đuổi mà lại ngược chiều với hạnh phúc Chúa ban, thì tất cả đều là dơ bẩn.

Con người Chúa hiền lành và khiêm tốn. Nơi Người không chất chứa điều nham hiểm, ghen tương hay độc ác. Tâm hồn Chúa là biển cả mênh mang ngập tràn an bình thanh thản. Là tinh yêu vô biên không ngừng trao ban và dâng hiến, có khả năng tái tạo lại con người của ta.

Còn trái tim tội nghiệp của ta, nếu có thể tích lũy những điều ghê tởm, chính bởi tại tim ta hằng miệt mài kiếm tìm hạnh phúc và sự thập toàn. Không người và vật nào có thể lấp đầy khát vọng của lòng ta: hoặc là tâm ta từ chối, hoặc là chính người hay sự vật ấy khước từ ta.Đó là một tâm hồn không bao giờ thỏa mãn, chẳng lấy chi làm đủ nên đam ra dồ dại. Con người thường có bệnh “đau tim” rất nặng, thế mà lại chẳng có ai ở gần. Không có ai ở bên, không có lấy cả một hành động dịu hiền. Mà chỉ có trơ trọi một mình.

Lạy Chúa, xin cho phép chúng con được chiêm ngắm trái tim Chúa, được nhận ra vực thẳm vô biên vốn làm chúng con xa cách Chúa, và nỗi khát vọng cháy bỏng mà chỉ minh Chúa mới làm cho chúng con được thỏa mãn mà thôi.

 

Suy Niệm 3: SỐNG ĐẠO THẬT TÂM (Mc 7, 14 – 23)

Ở đời người ta hay nói: “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”; hay: “Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho tường. Lòng người thăm thẳm mù khơi, không bờ không bến biết nơi nào dò”.

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu tuyên bố một sự thật, đó là: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 15).

Thật vậy, chính tận sâu thẳm cõi lòng, người ta mới thấy được cội rễ của sự thiện hay ác!

Khi nói về điều xấu xa xuất phát từ cõi lòng, Kinh Thánh kể ra 12 thứ tội được coi là khởi đi từ trong tâm con người: dâm bôn, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, giảo quyệt, phóng đãng, ghen bì, gièm pha, kiêu hãnh, bất lương.

Thật vậy, tâm của những người Pharisêu chính là tâm ác gian tà, vì thế họ luôn đối đầu với Đức Giêsu. Sự đối đầu của họ với Ngài chính là cuộc đối đầu về: lòng đạo đức đích thực và thái độ giả hình; giữa lương tâm và vụ hình thức; giữa công bằng và bất công; giữa lòng bác ái và sự ích kỷ.

Đức Giêsu thì coi trọng tình huynh đệ, người Pharisêu thì coi trọng hình thức; Đức Giêsu thì nhấn mạnh và tập trung vào chiều sâu nội tâm, trong khi họ lại coi trọng bề ngoài không khác gì cái máy! Đức Giêsu thì coi trọng con người, đặt con người vào trung tâm sứ vụ, còn những người Pharisêu thì coi trọng luật lệ, hình thức, đến nỗi khiến họ trở thành nô lệ cho luật.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta biết xác định nguyên nhân gây nên điều xấu là cõi lòng, ý hướng từ bên trong; đồng thời biết tập trung vào việc cốt lõi của Đạo Thánh chính là tình yêu thương. Không có tình yêu thương chủ đạo, chúng ta không thể gặp được Thiên Chúa là tình yêu, và gặp được con người là trung tâm của Tin Mừng.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho con một tâm hồn thánh thiện, đạo đức, để từ nơi đó phát xuất ra tình yêu thương chân thành. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Từ trái tim con người

Suy niệm :

Sách Lêvi chương 11 nói đến một số cấm kỵ về ăn uống dành cho người Do thái.

Chỉ được ăn những con vật vừa có móng chẻ hai, vừa nhai lại.

Bởi đó không được ăn thịt lạc đà, thỏ, heo (Lv 11, 3-8).

Chỉ được ăn những con vật ở dưới nước nếu chúng có vây và có vẩy.

Chỉ được ăn các côn trùng có cánh đi bằng bốn chân,

nếu chúng có thêm càng để nhảy trên đất.

Bởi đó được ăn dế, châu chấu, cào cào (Lv 11, 20-23).

Nếu ai ăn những thức ăn bị cấm, người đó sẽ trở nên ô uế,

không được tham dự những nghi lễ ở nơi thờ tự.

Chúng ta không quên chuyện bảy anh em bị vua Antiôkhô ép ăn thịt heo,

và họ đã chấp nhận cái chết hơn là vi phạm luật Chúa (2 Mcb 7).

Ngày nay chúng ta ngạc nhiên về chuyện cấm đoán này,

nhưng vấn đề ăn uống đã từng là chuyện nóng bỏng trong Giáo Hội sơ khai.

Một câu hỏi đã khiến Giáo Hội phải suy nghĩ:

Sau khi trở nên Kitô hữu, dân ngoại có phải giữ những cấm kỵ trên không?

Công đồng đầu tiên chỉ cấm họ không được ăn huyết và thú chết ngạt (Cv 15, 20).

Lập trường của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay rất khác thường.

Ngài nói một nguyên tắc có vẻ như đi ngược với sách Lêvi:

“Không có gì từ ngoài vào trong con người, lại có thể làm nó ra ô uế” (c.15),

“Mọi thứ từ bên ngoài vào trong con người không thể làm nó ra ô uế” (c. 18).

Đối với Đức Giêsu, chính cái xấu xa từ bên trong, từ trái tim con người,

cái ấy mới làm cho con người nên ô uế. (cc. 15, 20, 23).

Con người hôm nay dễ mắc bệnh tim mạch.

Trái tim, một cơ quan nhỏ bé nằm ở bên trái lồng ngực,

thường bị căng thẳng và quá tải, dẫn đến đột quỵ.

Đức Giêsu mời chúng ta đi vào trái tim mình (c.21),

khám phá ra thế giới tối tăm ẩn khuất của nó.

Chúng ta có thể ngỡ ngàng khi thấy ở đó không có tình yêu bác ái vị tha,

mà chỉ có những tình cảm hỗn độn của lòng vị kỷ (cc. 21-22).

Đức Giêsu mời chúng ta nhận ra

những cái ô uế từ ngoài đi vào bên trong trái tim (c. 19),

và những ý định ô uế từ trong trái tim xuất ra ngoài.

Những ý định này có thể biến thành hành động hết sức nguy hiểm.

Vấn đề không phải là khám tim định kỳ hay khi thấy đau ngực.

Vấn đề là thanh lọc trái tim khỏi những đam mê tội lỗi

đang làm nó bị hư hỏng từ bên trong.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin dẫn con vào nhà của con,

căn nhà của trái tim,

căn nhà vừa quen vừa lạ.

Xin hãy cho con thấy

những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,

những mâu thuẫn và vô lý nơi con.

Xin hãy cho con thấy

những nhỏ mọn, ích kỷ,

những yếu đuối, khô khan,

những cứng cỏi và tự ái nơi con.

Xin cho con ý thức

những lo âu, sợ hãi

đang đè nặng làm con ngột ngạt,

những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,

những vết thương không biết bao giờ lành,

những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.

Lạy Chúa Giêsu,

xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.

Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,

hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.

Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,

bằng trái tim bao dung của Chúa.

Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,

trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn

để yêu mến mọi người. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Nguồn:http://gplongxuyen.org