"Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc".
LỜI CHÚA: Mt 11, 28-30
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an.
Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.
Suy Niệm 1: Những ai khó nhọc hãy đến với Ta
Sách "Liệt Tử" có câu truyện như sau:
Nước Tống có một người đã đứng tuổi tự nhiên mắc phải chứng bệnh quên lãng. Buổi sáng lấy gì của ai, buổi chiều đã quên. Hôm nay ai cho cái gì ngày mai lại chẳng nhớ. Ra đường quên cả đi, về nhà quên cả ngồi. Trước đã làm gì và bây giờ đang làm gì đều quên hết, sau này cũng chẳng nhớ. Cả nhà rất lo lắng về bệnh tình của anh nên đã mời thầy thuốc, chạy đủ hết mọi cách mà cũng chẳng khỏi.
Sau đó có ông thầy đồ người Lỗ nói rằng là tôi chữa được.
Người bệnh hứa với ông đồ: Hễ chữa được bệnh sẽ chia cho ông một phần gia tài.
Trước khi trả lời đáp ứng nhận chữa bệnh, ông đồ dùng nhiều cách thức khác nhau để tìm hiểu khả năng trí nhớ của người bệnh này. Trước hết ông đồ thử bằng cách lột áo của người bệnh để rét lạnh thì thấy anh ta xin áo. Bỏ đói không cho ăn thì anh ta xin ăn. Ðem anh ta vào chỗ tối tăm thì anh ta xin ra chỗ sáng. Sau đó ông đồ mới nhận lời chữa bệnh. Chẳng biết ông đồ chữa thế nào mà sau bảy ngày anh ta đã hết bệnh và trở lại bình thương.
Tuy nhiên, khi đã tỉnh táo như thường thì anh ta lại nổi giận, chửi vợ đánh con, cầm dao rượt đuổi ông đồ.
Người ta bắt giữ anh ta lại hỏi: Tại sao anh lại giận dữ như vậy?
Anh ta trả lời: Lúc trước tôi mắc bệnh quên thì lòng tôi thảnh thơi khoan khoái, trời đất có còn hay không tôi cũng chẳng cần biết. Nay tôi lành bệnh, tôi nhớ lại tất cả những chuyện của mấy mươi năm về trước như chuyện buồn, vui, yêu, ghét, thành công, thất bại, lòng tôi trở nên bối rối, ngổn ngang trăm mối. E rằng sau này các việc ấy cứ bám cứng lấy tâm trí tôi thì dù cho muốn quên chúng đi trong một giây, một phút liệu tôi có được như ý muốn hay không?
Anh chị em thân mến!
Nhìn một người điên, người mất trí, có kẻ chép miệng khen người ấy hạnh phúc, vì chẳng có gì phải lo âu phiền muộn. Thế nhưng nếu hỏi lại những người vừa buông lời khen này xem họ có muốn trở thành người hạnh phúc kiểu như vậy không? Chắc chắn họ sẽ trốn chạy trước câu trả lời, vì đã làm người thì chẳng ai muốn mình được gọi là kẻ ngây ngô, không nhớ, không biết chuyện gì. Không muốn bị gọi là kẻ ngây ngô thì con người lại phải đối đầu với lo âu, phiền muộn, nóng giận, đau khổ, chúng là gánh nặng của thuyết nhân sinh.
Mở mắt chào đời lúc ngửa tay đón nhận sự sống thì cũng là lúc con người phải mang lấy gánh nặng nề. Bởi thế, không ít kẻ dám đánh đổi tất cả để tìm kiếm một chút thú vui để được quên trong chốc lát, có kẻ tìm quên trong sợi khói phù du, có người tìm quên trong men say trác táng, rồi cũng tìm được thú vui trong chốc lát. Nhưng rồi sau những phút giây ngán ngủi ấy, thực tế lại trở nên nặng nề hơn, gánh nặng cuộc đời càng xúi giục sâu hơn.
Lại cũng có những triết thuyết như vô cảm, vô vị, vô sắc chỉ giúp con người giải thoát lo âu vướng bận của cuộc sống, thực hiện những hướng dẫn đó thật là một thái độ lý tưởng cho những ai muốn kiếm tìm sự bình an. Thực tế trong cuộc sống thử hỏi mấy ai hiểu được điều này, vì cuộc sống con người gắn liền với cái cảm tính lo âu, nóng giận, buồn phiền... có tránh cũng chẳng thoát, khó nhọc và gánh nặng là thân phận của kiếp sống con người.
Về phần Chúa Giêsu, cảm thông với phận kiếp làm người nên khi đến cứu chuộc trần gian Ngài đã nhận một cuộc đời lam lũ ở làng quê Nazareth. Và qua bài Tin Mừng hôm nay, Ngài kêu gọi những ai khó nhọc và gánh nặng hãy đến với Ngài, nếu luật lệ Do Thái đã bị các luật sĩ và biệt phái biến thành chiếc ách kìm kẹp dân Chúa. Hãy đến với Ngài, nếu đau khổ của kiếp nhân sinh như chiếc gánh đè nặng trên vai con người. Ðến với Ngài không phải để được cất khỏi những điều ấy. Vì Ngài đến không phải để hủy bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn lề luật và làm cho ách trở nên êm ái và gánh trở nên nhẹ nhàng.
Lề luật phải được giữ trong tinh thần và sự thật. Lề luật giải phóng con người và đau khổ là con đường dẫn đến vinh quang. Gánh trở nên nhẹ nhàng vì từ nay con người không phải một mình mang lấy đau khổ nhưng đã có người chia sẻ cảm thông. Dân tộc Do Thái đã hằng mong mỏi chở Ðấng Cứu Thế đến, vì khi Ngài đến Ngài sẽ lau khô mọi giọt lệ trên khuôn mặt và kẻ nhọc mệt sẽ được Ngài nâng đỡ bổ sức.
Sống trong tâm tình mùa vọng, mùa trông đợi, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta cũng sẽ tìm đến với Chúa Giêsu, Ðấng Cứu Thế để được Ngài an ủi, nâng đỡ, bổ sức và đồng thời học nơi Ngài tâm tình biết chia sẻ cảm thông với người khác. Vì mang kiếp phận con người chẳng ai tránh khỏi khó nhọc và gánh nặng, nhưng khó nhọc sẽ bớt khi được người chia sẻ, gánh nặng sẽ vơi khi có kẻ cảm thông.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)
Suy Niệm 2: Ách êm ái.
Trong lịch sử nhân loại, nhiều khi những cuộc cách mạng nhằm lật đổ một tình trạng bất công lãi dẫn đến một tình trạng bất công còn tệ hại hơn. Cuộc cách mạng Pháp 1789 đã gây ra biết bao nhiêu đổ máu. 80 triệu người Trung hoa đã chết dưới bàn tay của Mao trạch Đông. 2 triệu người Cambốt đã chết trên cánh đồng giết người của Pônpốt. Quả thực, con người mơ ước thiên đàng, nhưng lại rơi vào địa ngục.
Trong tôn giáo có lúc người ta cũng chứng kiến một hiện tượng tương tự: tôn giáo vốn là nơi nương tựa của con người: con người tìm đến với tôn giáo thường là để tìm một sự giải thoát nào đó. Nhưng nhiều khi thay vì tìm được thanh thản nơi tôn giáo, con người lại bị đè bẹp bởi những gánh nặng. Đó là trường hợp đã xảy ra cho những người mà Chúa Giêsu gọi là những kẻ bé mọn. Họ là những người vất vả gồng gánh nặng nề. Thật thế, vào thời Chúa Giêsu, trong Do Thái giáo, những người thiệt thòi nhất là những người bé mọn, thất học. Gồng gánh nặng nề mà các luật sĩ chất lên vai họ chính là vô số khoản luật mà họ phải tuân giữ mà không hề hiểu được ý nghĩa và mục đích, họ không đủ khả năng để phân biệt được cái thiết yếu với điều phụ thuộc. Tôn giáo như thế không phải là một giải thoát, nhưng chỉ là một cầm buộc, đi tìm sự giải thoát, con người lại trở thành nô lệ.
Với những người bé mọn ấy, Chúa Giêsu đã mời gọi hãy mang lấy ách của Ngài, vì ách của Ngài thì êm ái và gánh của Ngài thì nhẹ nhàng. Thật ra, Chúa Giêsu không rao giảng một tôn giáo mới. Ngài không đạp đổ hệ thống tôn giáo có sẵn. Trái lại Ngài chỉ cho con người thấy đâu là cái cốt lõi của Lề Luật và của đạo. Cái cốt lõi ấy chính là tình yêu thương. Ngài đã từng tuyên bố: “Ta đến không phải để bãi bỏ Lề Luật và các tiên tri, nhưng để kiện toàn”. Và như thánh Phaolô đã giải thích: “Yêu thương là chu toàn cả Lề Luật”. Thật thế, Chúa Giêsu đã kiện toàn Lề Luật bằng giới răn yêu thương, Ngài thu tóm cả Lề Luật thành hai chữ yêu thương. Một bộ luật nặng nề và không hồn đã trở thành nhẹ nhàng nhờ có linh hồn là tình yêu thương. Đó là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của Chúa Giêsu, cuộc cách mạng của tình thương. Chỉ có tình thương mới là khí giới lật đổ được bất cứ một bất công nào và xây dựng được một xã hội công bằng thật sự. Chỉ có tình thương mới thực sự giải phóng con người khỏi mọi áp bức.
“Hãy mang lấy ách của Ta, vì ách của Ta thì êm ái. Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường”. Lời mời gọi của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về cái cốt lõi của đạo. Đạo là chính Chúa, là tình yêu nhập thể. Sống đạo là sống bằng sức sống thần linh của Ngài, sống đạo là làm chứng và chia sẻ tình yêu của Ngài cho mọi người. Đó là cuộc cách mạng đích thực mà Chúa Giêsu muốn tiếp tục qua Giáo Hội và qua mỗi người chúng ta.
Suy Niệm 3: Tiếp đón Đức Giêsu là lãnh nhận ơn cứu độ
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt. 11, 28-30)
Cho tới hết chương 10 Tin mừng theo thánh Mát-thêu, việc rao giảng nước trời hầu như không gặp trở ngại gì. Nhưng đến chương 11 và 12, Đức Giêsu bắt đầu gặp chống đối.
Trước hết, Gioan tẩy giả sai môn đệ đến hỏi: “Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt. 11, 2-6). Tiếp đến là dân chúng: “Thật vậy, Gioan đến không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: Ông ta bị quỷ ám. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt. 11, 18-19). Sau là đến những biệt phái bắt bẻ Đức Giêsu giữ luật ngày Sa-bát (Mt. 12, 1-8. 9-14). Họ còn chụp mũ Người là đồng lõa với tướng quỷ Bê-en-giê-bút (Mt. 12, 22-32).
Đức Giêsu đã ứng xử thế nào trước những phản đối của dân chúng và quyền bính Do-thái? Người ứng xử bằng hai cách: Trước tiên bằng một lời kêu cầu tạ ơn: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn” (Mt. 11, 25). Thứ đến, Người quay lại phía những kẻ khốn cùng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Tôi êm ái, và gánh Tôi nhẹ nhàng” (Mt. 11, 28-30).
Nhưng Đức Giêsu chống thái độ về giữ luật của biệt phái và những thầy thông luật, không phải Người giải phóng con người khỏi giữ luật luân lý. Trái lại, Người yêu cầu họ phải giữ luật nghiêm chỉnh và đúng căn tính của luật (Mt. 11, 5-7). Người đòi hỏi như vậy vì Người là Thầy có lòng êm ái và khiêm nhường. Quả thực, toàn bộ Tin mừng nhằm giới thiệu Đức Giêsu như là tôi tớ, khiêm nhường trước Thiên Chúa, và êm ái với mọi người. Thái độ của Người không như các nhà luân lý. Trước khi trình bày cho con người những đòi hỏi căn bản về đổi mới một điều luật, Đức Giêsu đã mang đến cho họ niềm vui của nước trời.
Mang lấy ách của Đức Giêsu, chính là gắn bó với Người, đi theo Người, học hỏi với Người về thực chất của lề luật, mà ưu tiên và trước hết, phải cảm nghiệm được niềm vui ơn cứu độ và lòng thương xót của Chúa Cha.
J.M.R
Suy Niệm 4: HÃY MANG “ÁCH” VÀ “GÁNH” CỦA ĐỨC GIÊSU (Mt 11, 28-30)
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi ...”. Đây chính là lời mời gọi của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Ngài lên tiếng mời gọi những ai muốn theo Ngài thì cũng phải mang lấy “ách” và “gánh” của Ngài.
Tuy nhiên, “ách” và “gánh” của Đức Giêsu thì hoàn toàn khác với “ách” và “gánh” của các Rapbi Dothái. Nếu “ách” và “gánh” của các thầy Dothái là những lề luật khắt khe và vụ hình thức, thì “ách” và “gánh” của Đức Giêsu lại trở nên êm ái và nhẹ nhàng. Bởi vì “ách” và “gánh” của Ngài cũng chính là đạo lý, cốt lõi Tin Mừng. Thế nên, hệ quả của “ách” và “gánh” đó chính là trở nên hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
Như vậy, khi mang “ách” và “gánh” của Đức Giêsu, ấy là chúng ta tin Ngài để trở thành môn đệ. Trở thành môn đệ của Đức Giêsu thì phải trở nên giống như Ngài ở điểm khiêm nhường. Đồng thời học cho biết và sống sự hiền lành với tha nhân.
Nếu một khi chúng ta sống những đặc tính ấy của Đức Giêsu trong lòng mến, thì hẳn chúng ta sẽ được thanh thản và tâm hồn chúng ta sẽ được an vui bình an, nghỉ ngơi bồi dưỡng.
Ngày hôm nay, con người đang bị cơn lốc của kinh tế thị trường, của ăn chơi hưởng thụ, của những chân lý nửa vời lôi cuốn..., nên họ muốn cho mình được thoát ly khỏi Thiên Chúa. Nhưng khi họ đã mời Chúa đi chỗ khác, thì ngay lập tức, cuộc đời của họ trở nên trống rỗng, cô đơn, bất an và đau khổ.... Họ mong muốn được tự do, nhưng thực ra, con người đang trở thành nô lệ của những thứ mau qua chóng hết.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mang lấy “ách” và “gánh” của Đức Giêsu chính là từ bi, nhân hậu, hiền hòa, khiêm nhường, là những hy sinh, từ bỏ, và sẵn sàng vác Thập Giá hằng ngày mà đi theo Chúa. Sống mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Làm mọi việc thiện vì lòng yêu mến Chúa. Tránh kiêu ngạo, hình thức, vụ lợi. Không vì luật mà bỏ qua tình Chúa, tình người để rồi bất nhân với nhau.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con được trở thành môn đệ thực sự của Chúa khi mang trong mình và sống tinh thần của Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Amen.
Ngọc Biển SSP
Suy Niệm 5: Ách của tôi êm ái
Suy niệm :
Khi quy hoạch thành phố tương lai,
người ta không quên dành một khu vui chơi giải trí.
Nghỉ ngơi thư giãn là một nhu cầu quan trọng
cho những ai sống trong nền kinh tế thị trường.
Nghỉ ngơi không chỉ cần cho thân xác hay trí óc.
Nghỉ ngơi còn cần cho tâm hồn.
Cái tâm của chúng ta cần được sống trong an tĩnh
giữa sóng gió dao động, giữa chợ đời bon chen.
Nhiều người bị suy nhược thần kinh, bị stress.
Có người tự tử vì không đủ sức để tiếp tục sống.
Ðức Giêsu mời gọi chúng ta đến với Ngài,
tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề.
Gánh nặng của nỗi buồn đau và vấp ngã trong quá khứ.
Gánh nặng của trách nhiệm và yếu đuối hiện tại.
Gánh nặng phải mang vì người khác...
Tất cả những ai bị căng thẳng và lo âu,
chán chường và mệt mỏi.
Tất cả những ai muốn tìm một chút nghỉ ngơi.
Hãy đến với Ngài, ta sẽ gặp được sự an tĩnh.
Hãy mang lấy ách của tôi.
Ðức Giêsu không ngần ngại nói đến ách của Ngài
mà những kẻ đến với Ngài phải mang.
Ngài không giấu ta về những đòi hỏi nghiêm túc,
về con đường hẹp mà ít người muốn đi,
về thánh giá mà ta phải vác để theo Ngài.
Như thế sự an bình thư thái Ngài hứa ban
đâu phải là thứ bình an rẻ tiền, không cần từ bỏ.
Ðó là thứ bình an ngay giữa khổ đau và nước mắt,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương,
vì xác tín là mình đang làm đúng ý Thiên Chúa.
Nếu ách của Ngài êm và gánh của Ngài nhẹ,
thì là vì chúng được đón nhận trong tình yêu.
Tình yêu làm cho mọi sự trở nên êm nhẹ.
“Chỗ nào có lòng yêu mến, thì không cảm thấy vất vả;
mà giả như có vất vả đi nữa
thì người ta cũng thích cái vất vả đó” (thánh Âutinh)
Hãy học với tôi.
Ðức Giêsu kêu gọi chúng ta làm học trò của Ngài.
Chúng ta học trường Giêsu, học Thầy Giêsu, học bài Giêsu.
Bài học nằm nơi chính trái tim Ngài:
“Vì tôi có trái tim hiền hậu và khiêm nhu.”
Khi mang trong mình những tâm tình của Thầy Giêsu
thì tâm hồn ta sẽ được bình an trở lại.
Chúng ta cần theo học Thầy Giêsu suốt đời,
cần lột bỏ những tự hào về khôn ngoan thông thái,
cần sống hồn nhiên khiêm tốn như trẻ thơ.
Chỉ như thế chúng ta mới được Thầy Giêsu mạc khải,
và đưa vào thế giới của Thiên Chúa.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Nguồn: http://gplongxuyen.org