Suy niệm 10/03/2020 – Thứ ba tuần 2 Mùa Chay. – Biệt Phái giả hình.

Thứ ba 10/03/2020 – Thứ ba tuần 2 Mùa Chay. – Biệt Phái giả hình.

“Họ nói mà không làm”.

 

Lời Chúa: Mt 23, 1-12

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy, vì thế họ nới rộng thẻ Kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau.

Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha, vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo, vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô.

Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

SUY NIỆM 1: Nói mà không làm

Bài Tin Mừng hôm nay được đọc trong Mùa Chay

không phải để chúng ta nghiền ngẫm thói hư của một số người Pharisêu,

nhưng để chúng ta soi gương họ mà nhận ra mình.

Chẳng có thói đạo đức giả nào của họ mà ta được miễn nhiễm.

Đạo đức giả đơn giản là một sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất nơi lòng người.

Nói rất hay, giảng rất đúng, nhưng lại chẳng sống điều mình nói hay giảng.

Có một khoảng cách thật xa giữa ngôn và hành.

Chất trên vai người khác gánh nặng của luật lệ với những đòi hỏi chi li,

nhưng chính mình lại không muốn chia sẻ chút nào gánh nặng đó.

Vẫn là khoảng cách giữa nói và làm, giữa mình với người khác.

Đeo trên trán hay cánh tay những hộp kinh thật to, đính những tua áo thật dài:

các cử chỉ này lẽ ra để bày tỏ tình yêu đối với Lời Chúa, qui hướng về Chúa,

thì lại trở nên những cử chỉ qui về mình,

nhằm làm cho người ta thấy mình, thấy sự đạo hạnh của mình, để tìm tiếng khen.

Người đạo đức giả không thực sự tìm Chúa.

Chúa chỉ là phương tiện để họ tự đánh bóng mình trước mặt người đời.

Háo danh là điều họ khó dứt bỏ trong cuộc sống:

ưa ngồi chỗ nhất, ưa chiếm ghế đầu, thích được chào là rabbi…

Cộng đoàn Kitô hữu của Matthêu là một cộng đoàn huynh đệ.

Trong cộng đoàn ấy hẳn có những vị thầy dạy.

Có những bậc thầy cao niên được gọi một cách trân trọng là rabbi.

Có những đấng sáng lập cộng đoàn được gọi một cách kính cẩn là cha.

Nhưng bất chấp điều đó, Đức Giêsu khẳng định:

“Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (c.8).

Mọi thành viên trong cộng đoàn đều lệ thuộc như nhau

vào một vị Thầy duy nhất là Đức Giêsu Kitô,

vào một người Cha duy nhất là Cha trên trời.

Các Kitô hữu gọi nhau là anh, là chị, là em,

và đối xử với nhau như anh chị em, con một Cha, học trò một Thầy.

”Đừng để ai gọi mình là thầy, đừng gọi ai là cha…”

Lời của Đức Giêsu vẫn là một lời cảnh giác cho Giáo hội mọi thời.

Càng lớn mạnh theo thời gian, Giáo hội càng cần một cơ cấu tổ chức,

bao gồm nhiều chức vụ lãnh đạo có uy quyền.

Làm sao để tinh thần phục vụ khiêm hạ của Đức Kitô thấm vào mọi cơ cấu?

Làm sao để mọi vị thầy của Giáo hội không che khuất Đấng là vị Thầy duy nhất?

Làm sao để các người cha thiêng liêng múc được tình phụ tử dịu hiền

từ Người Cha duy nhất là chính Thiên Chúa?

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

khi đến với nhau,

chúng con thường mang những mặt nạ.

Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.

Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt

dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.

Khi đến với Chúa,

chúng con cũng thường mang mặt nạ.

Có những hành vi đạo đức bên ngoài

để che giấu cái trống rỗng bên trong.

Có những lời kinh đọc trên môi,

nhưng không có chỗ trong tâm hồn,

và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.

Lạy Chúa Giêsu,

chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,

tự ru ngủ và đánh lừa mình,

mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.

Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,

đã ăn sâu vào da thịt chúng con,

để chúng con thôi đánh lừa nhau,

đánh lừa Chúa và chính mình.

Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,

để chúng con được lớn lên trong bình an. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: Biệt Phái giả hình

Có người kể câu chuyện khôi hài như sau:

Một luật sư mới ra trường thuê một căn nhà sang trọng để làm văn phòng. Nhằm gây ấn tượng nơi các thân chủ tương lai, ông cho gắn một ống điện thoại loại đắt tiền trên bàn làm việc. Ngày khai trương, ông ăn mặc chải chuốt và ngồi chờ đợi trong một tư thế rất tự tin. Có tiếng chuông reo, ông ra mời thân chủ đầu tiên vào văn phòng và để người đó chờ hơn một khắc đồng hồ, trong khi đó ông làm như đang nghe điện thoại. Người thân chủ cười thầm khi nghe cuộc nói chuyện tưởng tượng của ông với một Giám đốc của một cơ quan rất quan trọng trong thành phố. Chấm dứt cuộc nói chuyện tưởng tượng, ông luật sư quay sang hỏi thân chủ: “Thưa ông, tôi có thể làm gì để giúp ông?”. Người thân chủ đầu tiên trả lời: “Thưa ông, tôi là nhân viên của sở viễn thông thành phố, tôi được gửi đến để nối đường dây điện thoại cho ông”.

Những giao tế xã hội dễ khiến cho con người đeo mặt nạ hay đánh bóng khuôn mặt mình bằng những nét giả tạo. Ngay cả trong đời sống tôn giáo, con người cũng dễ bị cám dỗ tô vẽ và đánh bóng gương mặt mình thêm đạo đức. Đó là một trong những thái độ mà Chúa Giêsu đã đả phá một cách gay gắt.

Mùa Chay, người Kitô hữu được mời gọi gia tăng các việc đạo đức: ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, bố thí. Ý nghĩa của sám hối dễ bị biến mất khi các việc làm đó biến thành một thứ thi đua, phô trương. Chính vì muốn các tín hữu đề cao cảnh giác trước thái độ phô trương giả hình ấy mà Giáo hội cho chúng ta lắng nghe lời kêu gọi của Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay. Qua thái độ phô trương công đức của các Biệt phái và luật sĩ, Chúa Giêsu nêu bật dung mạo của kẻ giả hình. Kẻ giả hình là người muốn đánh lừa người khác bằng các hành vi đạo đức. Họ tìm kiếm vinh dự mà lẽ ra chỉ thuộc về Thiên Chúa. Họ làm những động tác thờ phượng Thiên Chúa, nhưng thật ra chỉ tìm danh vọng và tư lợi. Tựu trung, giả hình là một hình thức tiếm vị Thiên Chúa. Dưới nhiều hình thức khác nhau, giả hình là một nọc độc dễ len lỏi vào tâm hồn người Kitô hữu. Khi con người thực thi những việc đạo đức cốt chỉ để tìm mình, thì lúc đó con người đang rơi vào thái độ giả hình.

Mùa Chay là mùa của hoán cải, là mùa của trở về. Trở về đối với người Kitô hữu chính là trở về với chân lý về con người. Con người đã được tạo dựng để sống cho Thiên Chúa. Chỉ khi nào con người sống trọn cho Thiên Chúa, con người thực sự tìm được chính mình. Chỉ khi nào con người bị tiêu hao vì Thiên Chúa, con người mới đạt được tầm vóc viên mãn của mình. Đó là định luật Chúa Giêsu đã đề ra cho các môn đệ Ngài khi nói: “Ai mất sự sống mình thì sẽ tìm lại được”.

Tìm kiếm và yêu mến chỉ một mình Thiên Chúa, đó là định hướng cơ bản của người Kitô hữu mà chúng ta được mời gọi để đeo đuổi và thực thi trong mùa chay này.

 

SUY NIỆM 3: Phục vụ đến cùng

Dạy người khác luôn tuân giữ điều này, thực hiện điều kia, lúc nào cũng dễ hơn chính mình tuân hành chúng. Người Việt chúng ta thường nói: “Chỉ tay năm ngón” để nói về những người chỉ biết ra lệnh cho kẻ khác, còn mình thì chẳng hề mó tay vào việc. Vào thời Chúa Giêsu, các kinh sư và những người Pharisiêu giả hình cũng sống theo cung cách này. Họ dạy người ta làm đủ điều, còn họ thì chẳng hề làm điều gì như lời họ dạy.

Ðoạn Tin Mừng trên đây gồm hai phần: phần đầu ghi lại những lời Chúa Giêsu nhận xét về các kinh sư và những người Pharisiêu; phần sau ghi lại những lời Chúa Giêsu dạy dỗ đám đông và các môn đệ.

Ở phần đầu, Chúa Giêsu chỉ trích thái độ nói một đàng làm một nẻo của các kinh sư và những người Pharisiêu. Họ là những người có vai vế trong đạo. Họ nghiên cứu lề luật, giảng dạy lề luật, bảo vệ lề luật. Nhìn từ bên ngoài thì họ là những nhân vật đáng kính, học cao, biết nhiều, dáng vẻ nghiêm trang, đạo mạo, y phục chỉnh tề, đi đâu họ cũng ngồi chỗ quan trọng, đến đâu họ cũng chiếm vị trí ưu tiên. Ấy thế mà buồn thay, họ chỉ được cái vỏ xanh tốt bên ngoài, còn bên trong thì lại cằn cỗi khô héo. Chúa Giêsu không phủ nhận vai vế của các kinh sư và những người Pharisiêu trong dân. Chúa khuyên dân chúng hãy tuân giữ những gì họ giảng dạy. Nhưng bởi họ dạy mà không làm những gì mình dạy nên Chúa Giêsu cảnh giác dân chúng đừng làm theo những gì họ làm.

Sau khi nêu rõ những thói tật của các kinh sư và những người Pharisiêu, Chúa Giêsu chuyển sang phần giáo huấn cụ thể cho dân chúng và các môn đệ. Ở phần này khi nói: “Các con đừng gọi ai là cha, cũng đừng để ai gọi mình là thầy hay là nhà lãnh đạo”, Chúa Giêsu đã dùng lối nói cường điệu để nhấn mạnh vai trò tuyệt đốì của Cha và của chính Ngài. Khi giảng dạy như thế, Ngài không có ý phủ nhận vai trò của cha mẹ hay của thầy dạy hoặc của người lãnh đạo trên trần gian, mà Ngài chỉ muốn người ta đừng tuyệt đối hóa những vai trò đó, đến độ đặt ngang hàng hoặc cao hơn Thiên Chúa. Chỉ có Chúa Cha mới là Ðấng sinh thành tối cao và chỉ có Chúa Kitô mới là Ðấng giáo hóa tối thượng, còn tất cả mọi người đều là anh chị em bình đẳng với nhau. Ở đây, chúng ta gặp được một quan niệm rất quen thuộc của tư tưởng Á đông: tứ hải giai huynh đệ, người trong bốn bể đều là anh em, mà đã là anh em thì không còn lên mặt lên mày, không còn tranh chấp ghế cao ghế thấp làm gì nữa. Ðã là anh em thì yêu thương phục vụ là chuyện đương nhiên phải làm: “Trong các con, ai là người làm lớn hơn cả phải là người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên.”

Thời các kinh sư và những người Pharisiêu đã qua từ lâu, nhưng não trạng ăn trên ngồi trước, chỉ tay năm ngón vẫn luôn tồn tại trong bản tính đã bị hư hoại của con người. Xét mình cho kỹ, chúng ta thấy đã không thiếu những lần chúng ta đối xử với những người khác theo cách thế đáng buồn trên đây. Nếu Chúa Giêsu xuất hiện, chắc hẳn Ngài cũng nặng lời quở trách chúng ta như Ngài đã từng quở trách các kinh sư và những người Pharisiêu ngày xưa.

Lạy Chúa Giêsu, con vốn thích nói hơn thích làm, thích ra lệnh hơn là tuân lệnh, thích sai khiến hơn là vâng phục, thích vênh vang hơn là khiêm hạ. Con thật chẳng khác gì các kinh sư và những người Pharisiêu trong bài Tin Mừng hôm nay. Xin Chúa giúp con thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, cách làm để con trở nên anh chị em đích thực của mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Biệt phái và chúng ta.

Vậy những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là: “Ráp-bi”

Phần anh em thì đừng để cho ai gọi mình là “Ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một người lãnh đạo là Đức Ki-tô. Trong anh em người lớn hơn cả, phải là người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống; sẽ được tôn lên.(Mt. 23, 3-11)

1) Đức Giê-su cảnh giác các môn đệ và đánh động dân chúng hãy coi chừng những biệt phái và luật sĩ: “Họ ngồi trên tòa Môi-sê mà giảng dạy, vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ. Nhưng đừng làm theo những hành động của họ, vì họ nói mà không làm”. Họ sống nghịch với giáo lý họ dạy. Họ không làm những điều mà họ buộc người ta làm. Những việc họ làm đều để khoe khoang và tìm danh vọng, nên vô ích trước mặt Thiên Chúa. Đức Giê-su đã vạch rõ cái thói phù phiếm giả hình công chính mà họ lợi dụng quyền thế để trình diễn những cái sai lầm, vô ích, dối trá, giả dạng trang trọng của họ. Chúng ngược lại với điều công chính chân thật mà Đức Giê-su rao giảng cho các môn đệ và cho tất cả các Ki-tô hữu. Người nhắc nhở chúng ta hãy kiểm điểm đời sống mình, hãy đề cao cảnh giác đừng đi theo vết chân của biệt phái. Đó là phương thế lành mạnh.

2) Mỗi tín hữu phải được Đức Giê-su dạy dỗ. Tất cả những ai lãnh trách nhiệm dìu dắt người khác, trước hết phải được Đức Giê-su dẫn dắt. Đoạn Tin mừng này của Chúa luôn luôn là lời mời gọi và là một lệnh truyền đối với Giáo hội. Thời nay người ta có thể tự hỏi: Lời cảnh giác của Chúa còn trong lương tri của chúng ta không? Bản văn này còn đánh động chúng ta không? lời kêu gọi khẩn thiết này có giúp chúng ta ăn năn trở về với đường công chính của Chúa không? Điều cốt yếu ở đây không phải chỉ dẹp bỏ những danh hiệu danh vọng, mà phải nhắm đào sâu lương tri nội tâm của môn đệ Đức Ki-tô, họ không được có một yêu sách nào cả. Không được tìm danh vọng nào cả, dù trong ý nghĩ.

3) Thà rằng tự dẹp bỏ gánh nặng của mình đi, còn hơn là nhận lấy với ước muốn được vinh dự, được xuất hiện vẻ vang, được chức nọ tước kia. Đức Giê-su thật tự do thoát khỏi những ham muốn con nít đó. Không màng chi tước vị nào cả. Người đã trở nên tôi tớ mọi người, giúp đỡ hầu hạ tất cả. Thật là Người cao cả.

Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi mọi vẻ quan trọng và sang trọng đó.

 

SUY NIỆM 5: NGÔN HÀNH THỐNG NHẤT (Mt 23,1-12)

Nói đến việc giữ chay, có lẽ bên Công Giáo giữ chay tương đối ít! Các tôn giáo khác họ giữ chay nhiều khi cả tháng, hay có người giữ chay cả cuộc đời!

Luật của chúng ta chỉ buộc giữ chay có hai ngày: Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Nhưng biết bao người đã so đo, tính toán thiệt hơn, coi việc giữ chay là chuyện nặng nề, mệt nhọc... Sống đạo như vậy là hình thức, là cái vỏ, còn trong thực tế không có gì cả! Chúng ta trung thành từng chi tiết nhỏ của luật, nhưng không hề có chút tâm tình hay có hồn trong đó!

Vì thế, nhiều người tham gia rất nhiều đoàn thể, lễ hội, nhưng điều quan trọng là sống bác ái, yêu thương, nhân hậu và công bằng thì họ lại không hề mảy may quan tâm!

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu vạch mặt chỉ tên những người Pharisêu giả hình. Họ thuộc hạng phô trương, hình thức, khoe mẽ. Họ giữ luật từng chi tiết, nhưng đời sống của họ thì không hề có chút tình thương nào cả! Ngài nói: “Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào;  họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi". Và Đức Giêsu cảnh báo: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”.

Chúng ta đang sống trong những tuần đầu của Mùa Chay, mỗi người Kitô hữu được mời gọi hãy hoán cải để nhận ra sự kiêu ngạo, khoe khoang, hình thức bấy lâu nay. Từ đó, hãy lo sám hối và xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Đồng thời biết khiêm tốn để Lời Chúa được thấm nhập vào trong tâm hồn của mình, ngõ hầu chúng ta sẽ trở thành người có Chúa và loan truyền Chúa cho anh chị em mình bằng chính đời sống khiêm tốn, phục vụ.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con được ơn khiêm tốn trong việc sống đạo, nhất là trong các mối tương quan với mọi người. Amen.

nguon:http://gplongxuyen.org/News

Ngọc Biển SSP