Suy niệm 09/03/2019 – Thứ Bảy sau lễ Tro: Lòng thương xót Chúa trong Tin Mừng

Thứ Bảy 09/03/2019 – Thứ Bảy sau lễ Tro. – Tin mừng của lòng thương xót.

“Ta không đến kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

 

Lời Chúa: Lc 5, 27-32

Khi ấy, Chúa Giêsu trông thấy một người quan thuế tên là Lêvi đang ngồi ở bàn thu thuế, Ngài bảo ông: “Hãy đi theo Ta”. Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người. Lêvi đã dọn một bữa tiệc linh đình thết đãi Người tại nhà ông. Có đông người thu thuế và nhiều người khác cùng ngồi ăn với các ngài.

Những người biệt phái và các luật sĩ của họ lẩm bẩm với các môn đệ của Người rằng: “Sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

 

 

SUY NIỆM 1: Tin mừng của lòng thương xót

Vua thánh Louis IX của Pháp nổi tiếng là khôn ngoan, ứng biến tài tình.

Có một nông dân nọ được mùa củ cải. Để đánh dấu thành công, ông chọn củ cải lớn nhất trong vụ mùa và đem dâng kính Đức vua. Ông đến cung điện và xếp vào hàng những người ngày ngày đến dâng tặng vật cho đức vua. Ai cũng mang đến một lễ vật cao quí và cũng chuẩn bị xin vua một đặc ân.

Người nông dân nghèo trái lại chỉ có một tâm tình duy nhất, là nói lên niềm vui được trung mùa của mình. Mọi người không ngờ rằng đây là tặng vật đã làm vua hài lòng nhất.

Nhà vua sai các cận vệ đem đến một cái cân và truyền lệnh hãy cân số lượng vào bằng củ cải này và trao cho người nông dân. Hành động này của vua đã khơi dậy lòng ham muốn của các đình thần. Một tuần sau, một nịnh thần giầu có lựa con ngựa đẹp nhất đem tặng vua với hy vọng được tưởng thưởng. Thế nhưng, khi đón nhận con ngựa, nhà vua cám ơn và truyền cho các cận vệ: “Các khanh hãy mang tặng người này một củ cải, đó là phần thưởng dành cho những người suốt ngày chỉ biết nói những lời xua nịnh và chờ chực đặc ân”.

Giai đoạn trên đây có thể gợi lại cho chúng ta thái độ của Chúa Giêsu đối với những kẻ bé mọn, nghèo hèn, đĩ điếm, thu thuế, nói chung những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngài kết thân với họ, đồng bàn với họ, và tuyên bố họ là những người vào Nước Trời trước những kẻ tự xưng là công chính. Những con người nghèo khổ ấy là một thể hiện cụ thể của mối phúc đầu tiên mà Chúa Giêsu đã công bố trong Bài giảng trên núi: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó”. Tin mừng được loan bao cho những người nghèo, hay đúng hơn chỉ người nghèo mới có thể mở rộng tâm hồn để đón nhận Tin mừng.

Tin mừng của Chúa Giêsu là Tin mừng của lòng thương xót: chỉ khi nào con người nhận thức được thân phận nghèo hèn tội lỗi cảu mình, con người mới thấy được tình thương bao dung hải hà của Chúa. Thánh Phaolô đã nói: “Nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó ân sủng càng dồi dào”. Tin mừng của Chúa Giêsu là Tin mừng của lòng tin tưởng phó thác: có thấy được nỗi bất toàn của mình, con người mới cảm nhận được sức mạnh nâng đỡ của Chúa. Tin mừng của Chúa là Tin mừng của an bình, hạnh phúc: có dốc cạn những ham muốn ích kỷ và những sức mạnh của danh vọng, có trở nên thực sự trống rỗng, thanh thoát, con người mới có thể được Thiên Chúa lấp đầy và tìm được hạnh phúc bình an đích thực.

Giữa những bôn ba tìm kiếm của cuộc sống, xin cho chúng ta luôn đặt Chúa vào chỗ nhất. Cho dù phải đánh mất tất cả, xin cho chúng ta luôn tin rằng chúng ta đang có tất cả và được Chúa làm gia nghiệp duy nhất.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Trở về

Sau đó, Đức Giê-su đi ra và trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người. Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các Ngài. (Lc. 5, 27-29)

Đức Giê-su đến không phải để kêu gọi người công chính. Nhưng để kêu gọi những người tội lỗi. Những người đáng phải quan tâm là những người nghèo khó, khốn khổ, đói khát, tội lỗi, và tất cả những kẻ bị xã hội coi là hạng bất hảo (pas bons). Những người ấy được Chúa muốn biến đổi, muốn cứu chuộc. Đó là những kẻ Người phó dâng đời sống, niềm vui và bình an của Người cho họ. Họ được Người kêu gọi trở về.

Ước mong chúng ta được vào nhóm các người “bất hảo” ấy để được Đức Giê-su mời gọi đến với Người. Chúng ta không luôn luôn dễ dàng nhận mình vào hạng xấu đó đâu. Chỉ cần thấy chúng ta liếc nhìn những người sống chung quanh chúng ta, là chúng ta nghĩ mình chẳng hề xấu như thế, cho nên chúng ta không cần ăn chay trở lại.

Thực ra cũng đúng. Chúng ta khá can đảm, và là người tín hữu khá tốt. Chắc có nhiều kẻ xấu hơn chúng ta! Nhưng nghĩ mình không cần ăn năn trở lại thì đã tự đặt mình ra rìa, và là kẻ tự cao tự đại quá xá rồi.

Cứ nhìn ông Lê-vi đã làm, chúng ta có thể có một chút hiểu biết về thế nào là trở về, rồi ra đi bỏ hết cả tài sản. Ông đã bỏ hết như Tin mừng nói. Ông đã bỏ chức vị. Ông đổi mới cái nhìn, đổi mới phán đoán, đổi mới những tập quán thói quen của đời sống. Và ông đã bắt đầu sống trở về tận nguồn gốc theo Đức Ki-tô mời gọi.

Nếu muốn được trở về, phải sống tận nguồn gốc là Tin mừng để thấy phải từ bỏ mọi hòa hoãn, mọi nửa vời và đi đến tột đỉnh chí thiện và chí ái, lúc đó chúng ta mới thấy sáng tỏ sự cần thiết phải sám hối trở về biết chừng nào. Ai nghĩ ngược lại thì chỉ là kẻ tự phụ, lừa dối mình.

 

SUY NIỆM 3: TỪ BỎ... VÀ ĐI THEO ĐỂ LÀM LẠI CUỘC ĐỜI (Lc 5, 27-32)

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta vẫn thấy đây đó có những người đạo đức tốt lành xuất hiện như một mẫu gương sáng ngời cho chúng ta noi theo! Tuy nhiên, trong số đó, không thiếu những thành phần ăn chơi trác táng một thời; đầu trộm đuôi cướp khét tiếng; hay cũng không thiếu những vị trước đó buôn gian bán lận, sống bằng nghề nhàn hạ khi cho vay nặng lãi trên xương máu của anh chị em mình...

Tại sao họ lại có một sự thay đổi đến lạ thường như vậy? Thưa! Bởi vì họ đã biết dừng lại, nhận thấy mình đi sai đường và nhận ra tình thương của Thiên Chúa, nên họ thay thái độ để đổi cuộc đời trong ân sủng của Người.

Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy một Mátthêu ăn trên ngồi trước, hà hiếp, bóc lột, phản dân, hại nước khi sống bằng nghề thu thuế cho đế quốc! Nhưng hôm nay, trên chiếc ghế đã gắn liền cuộc đời ông với cái nghề đáng nguyền rủa; trên chiếc bàn đã là bệ kê cho ông chắp bút để ghi những con số nhơ nhớp, bẩn thỉu nhằm thu lại những đồng tiền khốn cùng nơi anh chị em đồng loại của ông. Nhưng chính một thứ tội không thể tha, một con người đáng khinh bỉ, thì hôm nay, tấm lòng nhân hậu của Đức Giêsu ngang qua ánh mắt cảm thông, trìu mến và lời mời gọi đầy yêu thương: "Anh hãy theo tôi !", đã đảo lộn tất cả. Vì thế, như cá gặp nước, Mátthêu đã sẵn sàng đứng dạy, từ bỏ nơi chốn tội lỗi, và dứt khoát quay lưng lại với cái nghề ám muội để đi theo và làm môn đệ cho Đức Giêsu.

Từ khi bước theo Thầy Chí Thánh, ông đã trở thành người đầy kinh nghiệm về Thiên Chúa tình thương, và luôn mang trong mình tâm tư, nguyện ước của Thầy. Sau này, ông đã viết lại một con người vĩ đại đã cải hóa cuộc đời ông nơi những trang Tin Mừng đầy sống động.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy sám hối như Mátthêu và có lòng nhân từ như Đức Giêsu. Đồng thời tránh xa và không được lưu trữ thái độ coi thường, khinh bỉ, cố chấp như những người Pharisêu trong tâm trí của mình, bởi vì trên đời này có ai là vô tội đâu? Tự nhận mình là người xứng đáng và coi khinh kẻ khác là dấu hiệu của một tâm hồn trống rỗng, kiêu ngạo, thích đi theo và làm môn đệ cho ma quỷ chứ không phải là môn sinh của Thầy Giêsu.

Thật vậy, nếu là học trò của Đức Giêsu, chúng ta phải hiểu và thấm câu nói của Thầy mình: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” vì “tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn".

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết khiêm tốn, lắng nghe lời mời gọi của Chúa, để sẵn sàng đi theo và làm môn đệ Chúa. Xin cho chúng con biết yêu thương và nâng dạy những người tội lỗi như Chúa khi xưa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 4: Kêu gọi người tội lỗi sám hối

Suy niệm:         

Việc Thầy Giêsu kêu gọi anh Lêvi làm môn đệ

phải được coi là một cuộc cách mạng lớn vào thời bấy giờ.

Chẳng ai gọi một người thu thuế bị xã hội khinh miệt vào nhóm của mình.

Làm thế là hạ giá chính Thầy và cả nhóm môn đệ.

Đức Giêsu đã vượt qua những biên giới ngăn cách rạch ròi

giữa tội lỗi và công chính, giữa thanh sạch và ô nhơ.

Người Do Thái thường không giao tiếp với các người thu thuế,

họ bị coi là tội nhân vì làm việc cho dân ngoại, vì dễ ích kỷ tham lam.

Đức Giêsu chẳng sợ mời anh Lêvi đi theo mình: “Anh hãy theo tôi.”

Ngài không nhìn anh bằng ánh mắt khác với các môn đệ kia.

Chỉ một lời mời của ngài đủ lấp đi mọi hố sâu ngăn cách.

Lêvi đã quảng đại đáp lại bằng hành động: bỏ tất cả, đứng dậy, đi theo.

Đối với người Do Thái, bữa ăn có tính thiêng liêng.

Đó là lúc người ta thông hiệp với nhau, nên một trong tình bạn.

và cùng chia sẻ với nhau một thứ đồ ăn, thức uống.

Chính vì thế ăn uống với người tội lỗi là điều không được phép,

vì điều ấy sẽ khiến mình bị ô nhơ.

Đức Giêsu có vẻ không sợ chuyện này,

khi ngài nhận lời ăn tiệc chia tay do anh Lêvi khoản đãi.

Bữa tiệc thật là lớn, có đông đủ bạn bè đồng nghiệp của anh.

Trong số khách mời có cả các môn đệ.

Đức Giêsu dám đến nhà người tội lỗi và ăn với họ.

Hẳn là ngài rất vui và tự nhiên, chẳng có gì phải e dè, xa cách.

Chỉ có những người Pharisêu là khó chịu và lẩm bẩm đặt câu hỏi tại sao.

Đức Giêsu sẽ cho họ thấy những lý do.

Vì những người thu thuế và tội nhân là những người đau yếu (c. 31).

Những người đau yếu mới cần đến thầy thuốc Giêsu.

Vì mục tiêu của đời Đức Giêsu là kêu gọi người tội lỗi sám hối (c. 32),

nên ngài phải đến với họ, gần gũi và chia sẻ, mời gọi và yêu thương.

Đức Giêsu cho họ thấy trái tim thật sự của Thiên Chúa.

Không như người Pharisêu nghĩ, trái tim ấy có chỗ cho tội nhân.

Đức Giêsu cũng dành chỗ cho anh Lêvi trong nhóm môn đệ.

Đức Giêsu giúp chúng ta biết cách mời người khác hoán cải.

Đến với họ, nhìn họ bằng cái nhìn mới, và vui vẻ làm bạn với họ.

Trước khi làm cho người khác hoán cải,

chính chúng ta phải hoán cải nơi cái nhìn của mình về người khác.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng

trước mọi biến cố của cuộc sống,

khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,

hay gặp sự bất trung, bất tín

nơi những người con tin tưởng cậy dựa.

Xin giúp con gạt mình sang một bên

để nghĩ đến hạnh phúc người khác,

giấu đi những nỗi phiền muộn của mình

để tránh cho người khác phải đau khổ.

Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,

để đau khổ làm con thêm mềm mại,

chứ không cứng cỏi hay cay đắng,

làm con nhẫn nại chứ không bực bội,

làm con rộng lòng tha thứ,

chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.

Ước gì không ai sút kém đi

vì chịu ảnh hưởng của con,

không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,

lòng cao thượng, tử tế,

chỉ vì đã là bạn đồng hành của con

trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.

Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,

xin cho con có lúc

thì thầm với Chúa một lời yêu thương.

Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,

tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,

và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh. Amen.

(dịch theo Learning Christ)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Nguồn:http://gplongxuyen.org