Suy niệm 08/04/2018 – Chúa Nhật tuần 2 Phục Sinh năm B. Kính Lòng Thương Xót Chúa. – Chúa Phục Sinh với các tông đồ.

Chúa Nhật 08/04/2018 – Chúa Nhật tuần 2 Phục Sinh năm B. Kính Lòng Thương Xót Chúa. – Chúa Phục Sinh với các tông đồ.

"Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến".

 

Lời Chúa: Ga 20, 19-31

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại".

Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Điđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Đoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin". Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

 

SUY NIỆM

1. Bình an

Bình an là một khát vọng của con người, ở mọi nơi và trong mọi lúc. Thế nhưng, có lẽ chưa bao giờ nhân loại được hưởng một sự bình an toàn diện. Người ta có thể dập tắt ngọn lửa chiến tranh, có thể áp đặt một nền hòa bình và có thể ký kết những bản hòa ước. Nhưng không ai hiểu thấu được lòng người, để có thể đem lại một sự bình an vào tận cõi thẳm sâu bên trong, bởi vì ít ai có được sự bình an đích thật ngay trong cõi lòng mình, đễ rồi có thể chia sẻ cho người khác.

Con người chỉ có thể kiến tạo sự hòa bình bên ngoài, nhưng không có khả năng chế ngự, điều khiển được những đợt sống ngầm vẫn sôi sục ở đáy lòng. Vì thế, hòa bình trên thế giơi từ trước cho đến nay thường chỉ là một nền hoàn bỉnh giả tạo và mong manh. Dĩ nhiên, có được nền hòa bình ấy vẫn còn tốt hơn là không chi, hay chỉ biết lao mình vào lửa đạn chiến tranh.

Sự bình an mà Chúa Giêsu trao ban cho nhân loại không phải là loại bình an đó, nhưng là một sự bình an của chính tâm hồn, mà Ngài đã có được khi chến thắng tội lỗi, bằng cái chết của Ngài trên thập giá. Sự bình an của Đấng đã yêu thương chúng ta cho đến cùng, khi chấp nhận hy sinh mạng sống cho chúng ta. Nói cách khác, đó là sự bình an mà Chúa Giêsu đã có thể chia sẻ cho chúng ta, sau khi Ngài đã thực sự chia sẻ chính mình Ngài cho chúng ta. Sự bình an của Đấng giờ đây cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, vì không còn thuộc về mình, nhưng đã thuộc trọn về những người mình yêu thương. Thánh Phaolô gọi đó là sự bình an của thập giá, và như lời thánh tông đồ đã xác quyết: Nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại sự bình an cho muôn loài dướt đất và muôn vật trên trời.

Như vậy, bình an của thập giá là bình an của Đấng đã lấy chính máu mình làm phương tiện thiết lập giao ước mới, hay có thể nói một cách cụ thể hơn, đó là chất keo dính, gắn bó nhận loại vơi Ngài và găn bó nhân loại với nhau. Nói khác đi, Chúa Giêsu đã lấy cái chết của mình để xóa bỏ tội lỗi, đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét, khiến cho nhân loại từ nay được hỏa giải với Chúa và trở nên một thân thể duy nhất.

Như vậy, nhờ thập giá, Chúa Giêsu đã hòa giải nhân loại với Thiên Chúa, cũng như đã hòa giải nhân loại với nhau, từ đó phát sinh ra sự bình an chân thật. Chính vì thế, để có được sự bình an Chúa trao ban, chúng ta cũng phải sống tinh thần hòa giải. Hòa giải với Thiên Chúa bằng cách xóa bỏ mọi tội lỗi, cũng như hòa giả với anh em bách cách xóa bỏ mọi hận thù. Và như chúng ta thường xác quyết: Sự bình anh chính là hoa trái của việc hòa giải với Thiên Chúa và với anh em.

 

2. Sai đi

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ, không phải chỉ để an ủi và củng cố niềm tin của các ông sau những giây phút kinh hoàng của cuộc thương khó, mà còn trao ban cho các ông một quà tặng và một sứ mạng. Vậy quà tặng ấy là gì? Sứ mạng ấy là gì?

Quà tặng ấy trước hết là niềm vui. Đây không phải là một niềm vui dễ dãi, hời hợt, nhưng là một niềm vui sâu sắc, đằm thắm mà người ta chỉ có thể đạt được, sau khi đã vất vả khó nhọc làm một điều tốt. Nó giống như niềm vui của một người trồng lúa khi mùa gặt đến, niềm vui của một bà mẹ lúc sinh con.

Tiếp đến quà tặng ấy là sự bình an. Đây chính là kết quả của một cuộc chiến đầy cam go với tội ác, để rồi sau cùng đã được hoà giải với Thiên Chúa, cũng như với anh em.

Sau hết quà tặng ấy còn là chính Chúa Thánh Thần như lời Ngài đã phán: Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Thế nhưng, các ông nhận lấy Chúa Thánh Thần cũng như một số quyền hành khác nữa, không phải để hưởng thụ một mình, mà còn phải chia sẻ với anh em hầu chu toàn sứ mạng đã được trao phó đó là sai đi.

Đúng thế, các tông đồ ngày xưa cũng như Giáo Hội ngày nay đã nhận được sứ mạng đi tới với con người để cứu vớt họ. Trải qua dòng thời gian, các tông đồ cũng như Giáo Hội không ngừng khi khắp thế giới, gặp gỡ con người thuộc mọi chủng tộc, thuộc mọi ngôn ngữ, thuộc mọi nền văn minh cũng như thuộc mọi thể chế chính trị, để minh chứng rằng Đức Kitô đã phục sinh. Ngài đang sống và Ngài là Đấng cứu độ. Giáo Hội cố gắng xoá bỏ khoảng cách giữa Phúc Âm và nhân loại, giữa Đức Kitô và con người, đồng thời cố gắng hiện diện với mọi người, để qua hành động của mình, người ta sẽ cảm thấy có Đức Kitô hiện diện với họ.

Do đó một câu hỏi quan trọng cần phải được đặt ra cho mỗi người chúng ta, đó là: Qua đời sống, cũng như qua hành động, liệu chúng ta có ra sức làm cho Đức Kitô hiện diện với những người đang cùng sống chung với chúng ta hay không? Liệu chúng ta có đem tinh thần của Ngài vào trong môi trường chúng ta đang sống và trong những sinh hoạt chúng ta đang thực hiện hay không? Vậy chúng ta rao giảng Đức Kitô phục sinh bằng những cách nào? Dĩ nhiên không phải chỉ bằng lời nói, mà hơn thế nữa, cách hữu hiệu hơn cả đó là làm chứng bằng chính cuộc sống và hành động. Bởi vì gương sáng và việc làm của cuộc sống bao giờ cũng có tính cách hấp dẫn và lôi cuốn đối với những người xunh quanh.

Và để kết luật tôi xin gợi lại nơi đây tư tưởng của Đức Thánh Cha Phaolô VI trong Tông huấn về việc Loan báo Tin Mừng, ngài viết như sau: Đối với Giáo Hội, phương thế Phúc Âm hoá thứ nhất vẫn là làm chứng bằng một đời sống Kitô hữu đích thực, tức là sống phó thác cho Thiên Chúa, đồng thời cũng là hiến thân cho anh em bằng một lòng nhiệt thành không giới hạn.

 

3. Tôma

Một phần nào đó, tất cả chúng ta đều giống Tôma. Thực vậy, chúng ta chỉ tin một khi đã thấy. Tinh thần khoa học ngày nay làm cho chúng ta đặt lại tất tất cả các vấn đề. Chúng ta phê bình, chúng ta phân tích, chúng ta thí nghiệm, chúng ta kiểm chứng trước khi ưng thuận.

Rồi từ đó chúng ta bước sang lãnh vực đức tin. Chúng ta đòi hỏi đức tin phải có những lý lẽ hợp lý, xác thực như những sự kiện của khoa học. Vì thế, những chân lý mạc khải, đối với chúng ta thật khó mà chấp nhận.

Tuy nhiên, để khỏi lầm lẫn tai hại, chúng ta cần phải xác định: đối tượng của đức tin không phải là đối tượng của khoa học. Phạm vi của khoa học là vật chất, cho nên nó đòi hỏi những sự vật cụ thể, khả dĩ có thể thực nghiệm được. Còn phạm vi của đức tin là siêu nhiên, cho nên nó đòi hỏi những chân lý khả dĩ đem lại cho con người sự giải thoát. Và những chân lý ấy phải được dựa trên uy quyền và lời chứng của Đức Kitô. Khoa học chỉ có thể biến đổi cái thế giới vật chất bên ngoài, nhưng đức tin sẽ biến đổi cái thế giới tâm linh bên trong của mỗi người chúng ta.

Chúng ta thấy khi Chúa hiện đến, Tôma liền nhận ra Ngài và quỳ gối xuống tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi”. Tất cả mọi nghi ngờ đều tan biến. Tôma chấp nhận toàn bộ thực tế và nhìn nhận Đức Kitô, người đã chết mà nay lại đang sống. Ông không cần sờ vào vết thương của Ngài, chỉ sự hiện diện của Ngài, một sự hiện diện đầy yêu thương và uy quyền đã củng cố niềm tin và thay đổi hẳn con người Tôma.

Và như thế, chúng ta sẽ rút ra được một bài học quý giá, đó là trong phạm vi đức tin, chúng ta cần tìm tòi, cần đào sâu để có được một đức tin kiên vững. Đó mới chỉ là bước thứ nhất. Bởi vì có đức tin mà thôi chưa đủ, điều quan trọng hơn là phải sống đức tin. Hay nói một cách khác liệu đức tin có đủ mạnh để làm chuyển biến cuộc đời, cũng như đổi thay chính con người chúng ta hay không?

Muốn được như thế, không gì hơn là hãy sống gắn bó và tiếp xúc thân mật với Đức Kitô. Sự tiếp xúc này, ngày xưa đã biến đổi các môn đệ từ những người u mê dốt nát, hèn nhát và sợ sệt trở thành những người thông suốt giáo lý Tin Mừng và nhất là can đảm loan truyền và làm chứng cho Tin Mừng đó. Lạy Đức Kitô phục sinh, xin hãy biến đổi và uốn nắn con người chúng con.

 

4. Đã thấy, đã không thấy

(Suy niệm của Lm Trịnh ngọc Danh)

Sau khi sống lại, vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giêsu đã hiện ra lần thứ nhất với các tông đồ, nhưng vắng mặt ông Tôma. Ngài đã chúc bình an và cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài. Các môn đệ vui mừng vì đã được xem thấy Chúa, và họ đã cho ông Tôma biết: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”; nhưng ông này cương quyết: “ Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin.”

Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà; lần này có mặt ông Tôma. Chúa Giêsu lại hiện ra lần thứ hai cùng các ông. Sau khi chúc bình an, Ngài đã cho ông Tôma xem những dấu đanh nơi bàn tay và vết thương nơi cạnh sườn Ngài và đã khiển trách ông: “ Chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Và ông Tôma chỉ còn biết kêu lên: “ Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi”. Và Ngài nói tiếp với ông: “ Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Đã xem thấy, đã tin

Cũng như các môn đệ khác, ông Tôma cũng đã từng được nghe những giáo huấn của Chúa, đã được xem thấy những việc kỳ lạ Ngài đã làm, và cũng được nghe Ngài tiên báo về cái chết và sự phục sinh của Ngài...; nhưng ông vẫn còn bán tín bán nghi về việc chết đi sống lại của Thầy mình; vì, Chúa quyền năng có thể làm cho người chết sống lại như trường hợp ông Lagiarô thì còn hiểu được; nhưng đàng này, chính Chúa lại phải chết và lại tự cho mình sống lại thì thật là một việc quá sức tưởng tượng của ông: Làm sao lại có thể có chuyện ấy được! Và đức tin của ông đã bị chao đảo! Ông nghi ngờ đòi cho được tận mắt thấy những dấu đanh nên thân thể Chúa mới tin cũng phải thôi, vì ông đã một lần thất vọng khi thấy Thầy, một Đấng quyền phép mà ông đã tin, lại phải chịu nhục hình cho đến chết trên thập giá. Cũng còn may là ông còn lui tới với cộng đoàn, không như hai môn đệ trên đường Êmau, sau khi Thầy chết, đã thất vọng, sợ hãi tìm đường trốn chạy. Điều đó cho thấy ông vẫn còn tin tưởng vào Thiên Chúa, vẫn còn muốn đạt đến một đức tin viên mãn để được cứu độ.

Tuy bị Thầy khiển trách là cứng lòng tin, nhưng qua đó, ông đã thấy và ông đã tin. Đức tin của ông đã được củng cố cho vững mạnh hơn bao giờ hết đến nỗi ông đã kêu lên: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi”.

Cũng không phải chỉ có ông Tôma mới nghi ngờ sự sống lại của Thầy mình, mà ngay chính những người được tận mắt thấy ngôi mộ trống cũng bán tín bán nghi.

Ngày thứ nhất trong tuần, từ sáng tinh mơ, các bà mang theo thuốc thơm đã chuẩn bị sẵn. Thấy hòn đá đã lăn ra khỏi mồ, bước vào trong, không thấy xác Chúa, bà Maria Mađalêna đã hốt hỏang chạy về báo: “ Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu” ( Ga 20: 2); và đang khi còn ngơ ngác, vào trong mồ, thì thấy một thanh niên ngồi bên phải, mặc áo dài trắng, nên các bà khiếp sợ. Nhưng người đó bảo các bà: “ Các bà đừng sợ. Các bà đi tìm Chúa Giêsu Nagiareth chịu đóng đinh, nhưng người đã sống lại…”. Các bà chạy ra và trốn khỏi mồ, vì các bà run rẩy bàng hoàng. Các bà không nói gì với ai, vì các bà sợ hãi... (Mc. 16, 6-8)

Trở về nhà, các bà thuật lại cho các tông đồ; “nhưng những lời đó, các ông cho là truyện vớ vẩn, nên các ông không tin” (Lc. 24,11)

Vì không thấy, nên ông Tôma chỉ đòi hỏi thấy mới tin, nhưng các bà và các tông đồ đã thấy, đã nghe nói về việc ngôi mộ trống, về việc Chúa đã sống lại, thế mà các bà thì sợ hãi cho là ma, còn các ông thì cho đó là truyện vớ vẩn. Ai là người kém lòng tin hơn ai?

Hơn nữa, đứng về phương diện đức tin, thì có thể ông Tôma là người cứng lòng tin, nhưng đứng về phương diện khoa học, thì sự nghi ngờ của ông lại là điều cần thiết để tìm ra sự thật. Nếu khoa học kiểm chứng được những gì chúng ta phải tin, thì những điều chúng ta tin mà khoa học khám phá, chứng minh được, thì cũng chẳng còn gì là siêu việt đối với trí óc của con người.

Ông Tôma cứng lòng tin, vì ông muốn lấy lý trí để củng cố cho lòng tin của ông. Có thể ông đã nghĩ rằng: Nghe người ta nói Chúa đã phục sinh chưa đủ, tôi còn phải tận mắt nhìn thấy Ngài, và phải được tiếp cận thân thể đầy thương tích của Ngài, thì tôi mới tin.Và cuối cùng, Tôma đã thấy và ông đã tin: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi”.

Việc ông Tôma đòi hỏi được nhìn, được sờ, được kiểm chứng Đấng Phục sinh không chỉ là một đòi hỏi cho riêng ông, nhưng cũng là một chứng tích cho chúng ta hôm nay.

Đã không thấy mà tin

Và sau khi nhân định về lòng tin của ông Tôma: Vì con đã thấy và con đã tin; Chúa lại đưa ra một mẫu lòng tin khác được chúc phúc; đó là: Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.

Qua sự việc của ông Tôma, Chúa đã gián tiếp nói với chúng ta là những người sinh ra “hậu Phục sinh”, những người đã không thấy Chúa sống, chết và phục sinh, nhưng chúng ta tin. Chúng ta chỉ được đọc, được nghe về Thiên Chúa, về Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa xuống thế làm người vì yêu thương con người, để rồi chịu chết và đã phục sinh…; nhưng chúng ta không được may mắn như dân Chúa xưa kia hay gần gũi hơn là các môn đệ đã thấy và đã tin.

Cám ơn các tông đồ và đặc biệt cám ơn ông Tôma đã giúp chúng ta xác tín mạnh mẽ hơn về việc Chúa sống lại, về lòng tin của mình.

Từ ngàn xưa, con người nói chung và con cái Thiên Chúa nói riêng đã thấy, đã tin, nhưng vẫn còn vô số người đã thấy, nhưng vẫn chối từ, vẫn không tin. Đã không thấy mà tin là một đòi hỏi rất khó đối với đức tin, đồng thời cũng là một yếu tố xác định mức độ lòng tin của chúng ta.

Đức tin và bình an

Trong cuộc hành trình đức tin, những người đã không thấy mà tin và ngay cả những người đã thấy và đã tin vẫn luôn gặp những trở ngại, nghi ngờ, lo lắng, bất an.

Các môn đệ, sau cuộc “bức tử” của Thầy Giêsu, họ đã hoang mang, lo lắng, sợ sệt, bất an: số phận của họ rồi sẽ ra sao? Ai sẽ là người hướng dẫn để tiếp tục công việc của Thầy?... Tụ lại với nhau, nhưng cửa đóng then cài.

Và những người đã không thấy mà tin thì sao? Đức tin của chúng ta ở mức độ nào? Chúng ta tin, nhưng đã sống và chết vì đức tin như thế nào?

Đức tin chưa đủ mạnh, chưa quyết liệt, chưa xác tín..thì luôn gặp những bất an. Thử thách, gian nan, khổ cực là thước đo đức tin, là những bất an trong tâm hồn.

Hiểu được tâm trạng lo lắng, sợ sệt, bất an của các môn đệ, nên qua hai lần hiện ra với các ông sau khi sống lại, lời trấn an đầu tiên mà Chúa gửi đến các ông là: “Bình an cho các con” và Ngài hứa sẽ sai Thánh Thần xuống để cùng đồng hành với họ. Như thế là họ sẽ được bình an, được an tâm để lên đường tiếp tục công việc của Thầy, không còn phải lo lắng, hoang mang.

Và cũng hiểu được tâm trạng bất an của chúng ta ngày nay, Chúa cũng đã chúc bình an và hứa với chúng ta rằng: “Thầy sẽ xin Cha Thầy, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác để Ngài ở với các con luôn mãi”. (Ga. 14,15). Cũng như các môn đệ họp nhau vào ngày thứ nhất trong tuần, Chúa đã hiện ra và chúc bình an cho họ, ngày Chúa nhật họp nhau tham dự Thánh Lễ, chúng ta cũng đón nhận bình an của Thiên Chúa và chúc cho nhau bình an của Ngài để rồi lại ra đi trong bình an của Ngài đến với anh em. Bình an ấy là kết qủa của đức tin.

Chúng ta là những người “đã không thấy mà tin”, và đã được Chúa chúc phúc; vì, như Thánh Gioan Tồng đồ đã viết trong thư thứ nhất của ngài: “Ai tin rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, thì kẻ ấy sinh bởi Thiên Chúa, và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu mến kẻ sinh ra bởi Đấng ấy. Cứ dấu này chúng ta nhận biết rằng chúng ta yêu mến con cái thiên Chúa, là khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn Người…, và giới răn Người không nặng nề. Vì những gì sinh bởi Thiên Chúa đều chiến thắng thế gian, và đây là cuộc thắng trận thế gian, là chính đức tin của chúng ta. Ai là người chiến thắng thế gian nếu không phải là người tin rằng Chúa Giêsu là Con Chiên Chúa? (1Ga. 5,1-6)

Đức tin đem lại cho chúng ta bình an của Thiên Chúa. Không những chúng ta phải tuyên xưng đức tin mà còn phải sống đức tin: “Một thân xác không hơi thở là một xác chết; cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc. 2,26)

 

5. Tôma.

Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay chúng ta thấy Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ trong một căn phòng đóng kín vì sợ người Do Thái. Thân xác vinh quang của Ngài tựa hồ như một luồng ánh sáng chiếu qua những khung cửa kính. Để củng cố niềm tin, Ngài cho các ông xem những vết thương trên tay chân Ngài khiến cho các ông hết sức vui mừng. Rồi Ngài nói với các ông: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Điều đó có nghĩa là: Chúa Cha đã sai Ngài đến trong thế gian để cứu chuộc nhân loại, thì Ngài cũng sai các ông đi để đem lại ánh sáng và sức mạnh của Tin Mừng cứu rỗi cho muôn dân.

Ngài thổi hơi để thông ban thần khí cho các ông và nói: Các con hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Các con tha tội ai thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại. Với tác động của Chúa Thánh Thần, Ngài đã trao ban cho các ông một uy quyền thiêng liêng, đó là quyền tháo cởi. Quyền tha thứ và cầm buộc nếu như tội nhân chưa được xứng đáng.

Thế nhưng ngày hôm đó Tôma lại vắng mặt, ông đã tỏ ra cứng lòng khi nghe các môn đệ kể lại sự việc. Chúng ta có thể nghĩ rằng sự cứng lòng của Tôma là một sai lỗi, là một khuyết điểm may mắn, vì nhờ đó mà chúng ta có được một bằng chứng về sự sống lại của Đức Kitô, bởi vì các môn đệ không phải là những người cả tin, dễ nghe theo những lời đồn thổi, nhưng các ông đã đòi phải có những chứng cớ hiển nhiên.

Cũng chính nhờ sai lỗi và khuyết điểm này chúng ta mới có được những lời lẽ đầy an ủi của Chúa Giêsu: Vì con đã thấy nên con mới tin, nhưng phúc cho ai không thấy mà tin. Khi phán những lời ấy, có lẽ Chúa Giêsu đã nghĩ tới hàng triệu triệu người qua dòng thời gian luôn tin tưởng nơi Ngài, mặc dù đã không một lần nhìn thấy Ngài trên mặt đất này. Và cũng thật hạnh phúc cho chúng ta, bởi vì chúng ta chưa được nhìn thấy Ngài, chưa được sờ tới gấu áo Ngài, chưa được nghe Ngài nói, chưa được chứng kiến những phép lạ Ngài làm, cũng như chưa được ăn và uống với Ngài. Nhưng chúng ta đã tin tưởng nơi Ngài dựa vào những chứng cớ của các tông đồ, là những người đã dám chết để làm chứng cho sự phục sinh của Đức Kitô.

Thánh Gioan đã viết trong sách Phúc Âm như sau: Sở dĩ một số các phép lạ được kể lại là để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Đấng cứu thế, đồng thời nhờ niềm tin tưởng này mà anh em có được sự sống, dĩ nhiên đó phải là sự sống vĩnh cửu mà chính Ngài muốn đem đến cho thế gian.

Chúng ta hãy Chúa xin củng cố niềm tin của chúng ta, để một khi đã xác tín việc Chúa sống lại, chúng ta cũng sẽ mạnh dạn làm chứng cho Chúa như các môn đệ ngày xưa.

 

6. Tin vào Chúa sống lại

Đoạn Tin Mừng hôm nay kể lại hai lần Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra cách nhau vừa đúng một tuần.

Lần thứ nhất Ngài hiện ra với nhóm các môn đệ đang run sợ trong một căn phòng đóng kín. Ngài đã cầu chúc bình an, còn các ông thì vui mừng khi gặp lại Ngài. Chúa Giêsu hiện ra không phải chỉ để đem lại cho các ông niềm vui mừng và an ủi sau những giờ phút kinh hoàng của cuộc thương khó. Nhưng hơn thế nữa, Ngài còn muốn mời gọi các ông tham dự vào sự biến đổi sâu xa nơi bản thân Ngài. Hay nói cách khác, Ngài muốn đưa các ông đi vào mối quan hệ với chính Ngài. Các ông đã biết Ngài trong cuộc sống thân xác, nhưng cuộc sống ấy đã qua bởi vì Ngài đã sống lại, đã được đổi mới trong Thánh Thần cho một cuộc sống mới, trong một cuộc sáng tạo mới.

Đúng thế, khi tạo dựng Adong nguyên tổ loài người, Thiên Chúa đã hà hơi ban sinh khí thì nay vào ngày đầu tiên của công cuộc tạo dựng mới, Đức Kitô Phục sinh cũng đã hà hơi trên các môn đệ đang như chết cóng vì hợ hãi, để ban cho các ông sinh khí mới là Thánh thần. Chính nguồn sinh khí mới này sẽ đem lại cho các ông quyền tha tội, mà trước đây chỉ dành cho một mình Chúa Giêsu. Các con hãy chịu lấy Chúa Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha. Như thế, chúng ta thấy: Chúa Thánh Thần và quyền tha tội được nối kết chặt chẽ với nhau, vì mục đích chính yếu của Chúa Thánh Thần là tẩy luyện, là đổi mới. Tiếp đến các ông được Chúa sai đi, hầu tham dự vào công cuộc tẩy luyện và đổi mới trần gian. Trước kia, khi Chúa Giêsu còn ở với các ông, các ông có thể sống ỷ lại và tầm thường, nhưng giờ đây thì không được nữa, bởi vì các ông đã lãnh nhận một sứ mạng lớn lao: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. VÌ thế các ông tiếp nối chính sứ mạng được sai đi của Chúa Giêsu. Các ông sẽ lên đường và làm chứng về Ngài cho đến tận cùng bờ cõi trái đất.

Lần thứ hai Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, trong đó có cả Tôma một người vốn cứng lòng. Và chúng ta thấy Tôma đã tuyên xưng đức tin của mình sau khi đã nhìn thấy những vết thương nơi tay chân và trái tim của Chúa. Từ đó, Ngài mời gọi các ông hãy có lấy một lòng tin mới. Từ nay lòng tin sẽ không còn đặt nền tảng trên giác quan, mà là trên chứng từ của những người đã thấy. Chính với lòng tin này mà người Kitô hữu được kết hiệp mật thiết với Đức Kitô Phục sinh.

Ngày nay, Giáo Hội nói chung và mỗi người tín hữu nói riêng cũng sẽ tiếp nối sứ mạng được sai đi mà ngày xưa Ngài đã trao cho các môn đệ. Chúng ta được sai đi để rao tỉang sự sống lại, để xây dựng một quan hệ mới giữa con người với con người. Con người tội lỗi, thuộc thế giới cũ, bị đặt dưới quyền lực của sự chết và bị coi như thù địch. Trong khi đó, con người phục sinh với cuộc sống mới, phải đối xử với nhau như anh em phải yêu thương và đùm bọc lấy nhau. Thực hiện được sứ mạng sai đi như thế, là chúng ta đã chu toàn được điều Đức Kitô Phục sinh nhắn gởi đến mỗi người chúng ta.

 

7. Thấy bằng trái tim – Thiên Phúc

(Trích trong “Như Thầy Đã Yêu”)

Cha Anthony de Mello kể một câu chuyện về vị tu sĩ Hồi Giáo Nasruddin như sau:

Một ngày nọ, nhà của thầy bốc cháy. Để được an toàn, thầy vội trèo lên mái nhà. Các bạn hữu tụ tập bên dưới rất lo lắng, vì mạng sống thầy chỉ còn "ngàn cân treo sợi tóc". Họ liền căng một tấm thảm, giữ lấy bốn góc rồi giơ cao và hô lớn:

- Nhảy đi, Thầy nhảy xuống đi!

Thầy Nasruddin nói:

- Không được, tôi không nhảy đâu. Thế nào các anh cũng rút tấm thảm đi, để biến tôi thành một trò hề!

- Ôi, Thầy ơi! Không phải trò đùa đâu, Thầy nhảy mau đi!

Thầy Nasruddin vẫn ngoan cố:

- Không! Tôi chẳng tin ai cả. Cứ trải thảm xuống đất đi, tôi sẽ nhảy.

****

Tin là chấp nhận bấp bênh, là chấp nhận có thể bị lừa dối. Nhưng không thể sống mà không tin. Người ta không thể nói: "Có thấy mới tin". Trên đời này có biết bao điều chúng ta không thấy mà vẫn tin. Chẳng ai thấy rõ lòng dạ con người, nhưng họ vẫn tin vào tình yêu, tình vợ chồng, tình bạn, tình làng xóm... Người ta cũng không thể nói: "Tôi chỉ tin vào Chúa nếu có bằng chứng". Paul Misraki nói: "Nếu bạn chỉ đợi có bằng chứng mới tin, thì đức tin đã trở thành khoa học rồi".

Khủng hoảng lớn nhất của thế giới ngày nay là khủng hoảng niềm tin. Người tín hữu Kitô luôn được mời gọi hãy giữ vững niềm tin.

Tin vào Thiên Chúa và tin vào con người.

Tin vào thế giới do Người tạo nên.

Tin vào cuộc đời mà Người gởi ta đến.

Tin vào vẻ đẹp và hạnh phúc Người tặng ban.

"Phúc cho ai không thấy mà tin" (Ga.20,28). Người tín hữu Kitô là những người không thấy mà tin. Họ không thấy Chúa bằng con mắt thường, nhưng họ thấy Người bằng con mắt đức tin. Họ không thấy Chúa bằng giác quan, nhưng họ thấy Người với cả trái tim. Thiên Chúa muốn cho giác quan chúng ta ra tăm tối, để niềm tin được ăn rễ sâu trong Người.

Miguel de Unamuno viết: "Tôi tin vào Thiên Chúa như tin vào một người bạn, vì tôi cảm nhận được hơi thở tình yêu của Người, cảm nhận được bàn tay vô hình và khả giác của Người tác động đến tôi".

Nhà sinh vật học Jean Henry Fabre sau 87 năm khảo sát và suy tư đã phải thốt lên: "Tôi không thể nói rằng tôi tin vào Thiên Chúa, mà là tôi trông thấy Người". Thấy Chúa là Cha rất nhân từ hằng yêu thương chăm sóc con người, và thấy mọi người là anh em với nhau. Cha Michel Quoist có viết: "Tin Chúa, không phải là hướng mắt về Người để chiêm ngưỡng, nhưng đồng thời cũng là nhìn vào trần gian với ánh mắt của Đức Kitô".

***

Lạy Chúa, xin cho chúng con được thấy Chúa đi ngang qua cuộc đời chúng con, để chúng con tin Chúa đang sống động, hiện diện, thật gần, ngay bên cạnh chúng con, trong cuộc sống và trong người anh em. Amen.

 

8. Làm chứng cho Đấng Phục Sinh

(Suy niệm của Lm. GB. Trần Văn Hào SDB)

Trong suốt tuần bát nhật, Giáo hội chọn những bài đọc trong sách Tông đồ Công vụ, để thuật lại những bài giảng của thánh Phêrô nói về sự kiện Đức Giêsu đã sống lại. Vị Tông đồ đã nhiều lần khẳng quyết sự xác tín này trước nhà cầm nguyền Rôma, trước những đầu mục và biệt phái người Do thái, cũng như trước đông đảo quần chúng. Trong Chúa nhật tuần này, chúng ta được mời gọi nhìn vào chứng tá của cộng đòan Giêrusalem tiên khởi(bài đọc 1), cũng như học hỏi niềm tin nơi các Tông đồ, đặc biệt nơi Tôma Đydimô. Niềm tin đó là nền tảng xây dựng Hội thánh và cũng được truyền thụ lại cho chúng ta ngày hôm nay.

Ngài thổi hơi vào các ông và ban Thánh Thần (Ga 20,22).

Trong nhãn quan thần học của Thánh Gioan, các sự kiện liên hoàn được trình thuật lại, gồm việc Chúa sống lại, đi vào trong vinh quang với Chúa Cha và trao ban Thần khí để xây dựng Hội thánh, tất cả chỉ là một mầu nhiệm duy nhất không tách rời. Vì vậy Chúa Phục sinh hiện đến giữa các Tông đồ vào ngày thứ nhất trong tuần, thổi hơi trên các ông và trao ban năng quyền tha tội, chính là động thái thiết lập Giáo hội, nhiệm thể của Đức Kitô Phục sinh. Sự sống của Đấng Phục sinh được thông truyền cho Giáo hội, vì thế ngoài Giáo hội, tức ngoài nhiệm thể của Đấng Phục sinh sẽ không có ơn cứu độ. Chúng ta nhớ lại, trong trình thuật tạo dựng, tác giả sách Sáng thế thuật lại việc Thiên Chúa lấy bùn đất tạo nên hình người. Sau đó, Ngài thổi hơi ban sinh khí và con người trở nên sinh vật, tức là một vật thể có sự sống(St 2,7). Đây là những hình ảnh biểu trưng, khải thị cho ta biết rằng sự sống phát nguyền từ nơi Thiên Chúa. Song, tội lỗi đã nhập vào trần gian và con người đánh mất sự sống ban đầu. Vì thế, trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa, Đức Giêsu đến trần gian và dùng chính máu của Ngài để ‘Giải án Tuyên công’ (hạn từ của dịch giả Nguyễn Thế Thuấn), cho chúng ta được ‘Công chính hóa’, và phục hồi nơi chúng ta sự sống làm con cái Chúa. Trong cái nhìn thần học ấy, thánh Gioan đã miêu tả việc Chúa hiện đến, và thổi hơi ban Thần khí để tái sinh Hội thánh chỉ là một sự kiện duy nhất. Chúa đã sống lại khai sinh một dân mới, dân tư tế, dân tộc thánh thiện gồm đoàn người đông đảo mặc áo trắng tinh, áo đã được giặt trong máu Chiên Con(Kh 8,14). Trình thuật hôm nay cần được đọc lại, liên thông với sách Khải huyền để chúng ta có thể nắm bắt những tư tưởng thần học mà thánh Gioan muốn trình bày.

Chứng tá của cộng đoàn Giêrusalem tiên khởi

Trong bài đọc 1, Thánh Luca, tác giả sách Tông đồ Công vụ nêu bật chứng tá của cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Đây là cộng đoàn do chính Chúa Giêsu thiết lập bằng cách thông ban sự sống mới cho họ. Cộng đòan này đã được hồi sinh, và đời sống của họ trở nên chứng tá cụ thể cho Đấng Sống lại. Tác giả đã nêu ra 4 đặc nét của cộng đoàn này:

- Sống một lòng một ý, tức hiệp nhất trong tình yêu.

- Sống theo chế độ cộng sản đúng nghĩa nhất, bằng việc đặt mọi sự làm của chung.

- Chuyên cần trong việc bẻ bánh, tức là cử hành các Bí Tích.

-Tuân theo lời chỉ dạy của các Tông đồ.

Sự sống mới mà Đấng Sống lại ban tặng đã giúp hồi sinh cộng đoàn và các vị đã trở nên những chứng nhân đầu tiên, thể hiện rõ nét qua cách sống mới. Đây là mô thức cho tất cả các cộng đoàn Kitô hữu chúng ta.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã nói: “Thế giới ngày nay cần những chứng nhân hơn là thầy dạy”. Rao giảng bằng lời nói phải đi đôi với hành động. Phêrô thì rao giảng cách mạnh mẽ và can trường, và cuối cùng Ngài đã chấp nhận cái chết tử đạo để trở thành chứng nhân. Các Kitô hữu tại Giêrusalem thì rao giảng qua đời sống chứng tá huynh đệ, gắn kết với nhau trong tình yêu, và biết chia sẻ với nhau của cải vật chất cũng như của ăn tinh thần. Họ vâng phục các tông đồ là những người thừa ủy năng quyền của Đấng Phục sinh, và nhờ đó họ trở nên một nhiệm thể duy nhất. Các cộng đoàn Kitô của chúng ta hôm nay cần nhìn vào mẫu gương đó để học hỏi và sao chép.

Niềm tin kiên định nơi Tôma và các tông đồ.

Tôma không phải là con người cứng tin như nhiều người lầm tưởng. Ngài cũng không phải là con người thuộc trường phái duy nghiệm hay thực dụng, tức là chỉ thấy mới tin. Trái lại, Tôma là một tông đồ có niềm tin rất sâu xa và kiên định. Ngài khao khát muốn được tiếp cận trực tiếp với Đấng Phục sinh để được Đức Giêsu thổi hơi ban Thánh thần, chuyền tải cho mình sự sống mới. Tôma và các tông đồ đã được Chúa Giêsu cho thỏa mãn ước mơ ấy. Tâm hồn của các Ngài đã được lấp đầy bằng sự sống và ân sủng. Chúa trưng ra các vết tích cuộc tử nạn nơi thân thể Ngài để mời gọi Tôma một lần nữa nhìn lại hình bóng Thập giá và nhắc nhở các học trò đi sâu vào mầu nhiệm tự hủy hầuđược sống với Ngài trong sự sống mới. Lời tuyên tín của thánh Tôma ‘Thưa Thầy…’ là lời tuyên bố bắt đầu khai mở cuộc hành trình mới trong đức tin để cùng chết với Thầy mình trong mầu nhiệm tử đạo mỗi ngày. Sử sách ghi lại rằng, Thánh Tôma sau này đi truyền giáo ở Parthia và đã lãnh triều thiên tử đạo tại đó.

Tôma không phải là một tông đồ cứng tin hay cố chấp. Trái lại, đức tin kiên vững nơi Ngài là mô hình để chúng ta cùng học hỏi và noi theo.

Kết luận

Giáo hội đã mừng lễ Chúa Phục sinh và kéo dài suốt cả tuần bát nhật. Các ngày Chúa nhật cũng là ngày mừng Chúa sống lại, và mầu nhiệm căn bản này phủ bọc trọn vẹn đời sống đức tin của chúng ta. Nhưng điều quan trọng là chúng ta đã hiển thị niềm tin ấy cách cụ thể như thế nào. Chúng ta hãy bắt chước cộng đoàn Giêrusalem năm xưa để rao giảng không phải chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng chính cuộc sống của chúng ta mỗi ngày.

 

9. Hơi thở của Chúa – Peter Feldmeier

(Lm. GB. Văn Hào SDB, chuyển ngữ)

“Bình an cho anh em” (Ga 20,9).

 Hồi còn là sinh viên, tôi bắt đầu thích thú tìm hiểu các chân lý Kitô giáo, khởi đầu qua một sự kiện. Trong lớp học hôm đó, một bạn sinh viên trong lớp thách thức một thần học gia và khẳng định rằng những gì không được kiểm chứng cụ thể thì không phải là chân lý đáng để chúng ta tin theo. Tôi rất tâm đắc lời khẳng quyết này. Là một Kitô hữu, tôi cũng đã từng có kinh nghiệm khá nhiều về tình yêu của Thiên Chúa phủ ngập trong cuộc đời tôi. Nhưng phải thú thật, chỉ những Kitô hữu tốt lành và thánh thiện mà tôi đã gặp, mới là những chứng nhân và gương sáng rất cụ thể, đã đánh động và kiện cường đức tin nơi bản thân tôi. Thái độ và cách sống của họ biểu tỏ cho thấy họ đã trải nghiệm thực sự bình an của Chúa nơi tâm hồn, và được biểu thị rõ ràng qua cuộc sống của họ, một cuộc sống được đổi mới trong Thần khí. Trong bài đọc thứ hai của phụng vụ hôm nay, Thánh Gioan tông đồ cũng khẳng quyết “Mọi kẻ được Thiên Chúa sinh ra, đều thắng được thế gian” (1 Ga 5,4). Như thế, những người được tái sinh bởi Thần khí sẽ không còn lý do gì để phải sợ hãi. Họ có được an bình trong tâm hồn, giống như những Kitô tốt lành mà tôi đã gặp gỡ.

Trong trình thuật Tin mừng hôm nay, Thánh Gioan cho ta thấy các tông đồ cũng được tái tạo, được đổi mới nhờ hơi thở linh thánh của Đấng Phục Sinh. Đây chính là hơi thở mà ngay từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã thổi vào để tác sinh con người. Sách Sáng thế viết “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” (St 2,7). Vào buổi chiều ngày Phục sinh, các tông đồ sợ sệt, ngồi co rúm lại với nhau trong một căn phòng đóng kín. Họ đã trải nghiệm niềm vui tột cùng khi được gặp gỡ Đấng Phục sinh, người Thầy đáng kính của họ. Đức Giêsu đến, đứng ở giữa họ và nói “Bình an cho anh em”. Khi nói xong, Ngài thổi hơi trên họ và nói “Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần”.

 Các Ngài đã lãnh nhận hơi thở thần thiêng, đã được sinh ra “từ trên cao”, tức là các Ngài đã được đổi mới hoàn toàn, bởi vì “những gì sinh ra bởi xác thịt là xác thịt, và những gì sinh bởi thần khí chính là thần khí (Ga 3,6.7). Rồi sau đó Đức Giêsu ủy trao sức mạnh thần thiêng cho các tông đồ. Họ đã nhận lãnh quyền năng từ chính Đấng Phục sinh “Anh em tha tội cho ai, người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, người đó bị cầm giữ”. Tôi không nghĩ rằng, lúc đó Đức Giêsu có ý ám thị về bí tích tha thứ nơi tòa giải tội, cho dù sau này, giáo hội vẫn hiểu như thế, và chắc chắn Đức Giêsu đã trao ban năng quyền bính tha tội cho các thừa tác viên nơi tòa cáo giải. Nhưng thíết tưởng, động thái của Đức Giêsu thổi thần khí vào các tông đồ, là nhằm tái sinh các ông, ban cho các ông một sự sống mới, để họ được thông dự vào sức sống và quyền năng của Đấng Phục sinh từ sâu tận trong tâm hồn các ngài. Đức Giêsu thổi hơi thở của Ngài, hơi thở của Thần khí trên các tông đồ. Đây là sinh khí và sức sống biểu thị sứ mạng cứu thế và quyền năng của Đấng Sống lại. Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, tác giả sách tông đồ công vụ cũng cho thấy, các tông đồ đã có đầy quyền năng (megadynamis), một năng động lực với uy quyền để làm chứng cho Đấng Sống Lại.

 Tuy nhiên, Tôma không có mặt, không gặp được Chúa buổi chiều ngày hôm đó. Tôma đã không tin, chính xác hơn là ông chưa tin. Tuần sau, Ngài lại hiện đến, với sự hiện diện của Tôma. Vị tông đồ này không chỉ tin, nhưng còn mạnh mẽ thốt lên “Lạy Chúa, Thiên Chúa của con”. Hành vi tuyên tín của Tôma giống như một động thái mang tính tiên tri, đã mở toang cánh cửa của căn phòng đóng kín, và khai mở sứ vụ rao giảng Tin mừng nơi toàn thể Hội thánh. Trọng tâm của Tin mừng là sứ vụ công bố cho thế giới “Lời” và “Ánh Sáng thật”(Ga 1,1-4) , là chính mầu nhiệm Đức Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại. Được ơn soi sáng, Tôma đã can đảm nói lên lời xưng thú và dũng cảm tuyên xưng đức tin. Hành vi tuyên tín của ông có vẻ như đầy kịch tính, nhưng mở ra cho giáo hội một viễn ảnh mới để công bố và làm chứng cho Tin mừng Phục sinh.

Có lẽ, chúng ta dễ nghĩ tưởng rằng Thomas đã tự dàn dựng một khung cảnh để bào chữa cho mình. Ngài đã được các tông đồ khác thuật lại câu chuyện tiếp cận trực tiếp với Đấng Sống Lại, và họ cũng kỳ vọng Thomas sẽ tin mà không cần kiểm chứng hoặc hỏi han điều gì. Khi tôi nghe một ai thuật lại một câu truyện về kinh nghiệm thiêng liêng của họ, ví dụ họ đã được thị kiến gặp thấy Chúa, tôi luôn đặt vấn đề, xem có thực sự đó là một ơn ngoại thường Chúa ban riêng cho họ, hay chỉ là một sự bịa đặt hoang tưởng. Thái độ của Thomas cũng phản ánh những suy nghĩ mang tính loại suy như của các Kitô hữu sau này, bởi vì họ cũng không gặp trực tiếp Đức Giêsu Phục sinh. Chúng ta nghe Chúa Giêsu nói với ông “ Có phải vì anh đã thấy Thầy nên anh tin? Phúc cho những ai không thấy mà tin ”.

 Câu nói của Đức Giêsu ngỏ trao cho Tôma cũng là sự nhắc nhở Chúa gởi đến mỗi người chúng ta hôm nay. Liệu có phải chúng ta cần những chứng cứ cụ thể để tin, hay chúng ta muốn trở nên những người được Thiên Chúa chúc phúc vì đã tin cho dù không thấy? Vấn đề ở đây, không phải là Tôma cần những bằng chứng cụ thể, và càng không phải là một con người cố chấp, cứng lòng, không tin. Điều quan trọng, là ông đã cảm nghiệm thực sự và bị cột trói vào những gì rất rõ ràng mà ông cảm nhận được. Ông đã tận mắt thấy sự biến đổi sâu xa nơi các bạn đồng nghiệp. Họ đã được đổi mới hoàn toàn. Từ những con người tuyệt vọng và nhát đảm, họ đã trở nên những con người can đảm và tràn đầy hy vọng. Từ những con người ẩn nấp trong bóng tối nơi căn phòng khép kín, các ông đã mở toang cánh cửa, cánh cửa của ngôi nhà chật chội đóng khép, cũng như cánh cửa của ngôi nhà mù tối nơi tâm hồn họ. Giờ đây, các ông ngập tràn niềm tin và được phú trao quyền năng mạnh mẽ. Các ông đã có được quyền năng siêu phàm của Đấng Phục sinh để diễn bày tình thương tha thứ đến cho mọi người. Nhưng trên hết, sự sợ hãi và bất an nơi các học trò Đức Giêsu đã được thay thế bằng sự an bình trong Thần khí mà Đức Giêsu đem lại. Đó chính là quà tặng vô giá. Bởi vì, quà tặng bình an là món quà lớn nhất mà họ đã sở đắc được. Đây là chứng từ mạnh mẽ mà Tôma đã thấy. Ông đã tận mắt mục kích và cảm nghiệm một sức sống mới, tuôn trào mãnh liệt từ sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Đó quả là một cuộc tái tạo trong chính Thần khí của Đức Kitô, Đấng Phục sinh. Tôma đã trở nên như một hình mẫu đức tin cho chúng ta.

 

10. Bình an cho các con – Radio Veritas Asia

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh là Chúa Nhật kết thúc tuần bát nhật Lễ Phục Sinh. Bài Phúc Âm hôm nay trích từ Phúc Âm thánh Gioan có thể được xem như là một tổng kết về mầu nhiệm Phục Sinh và hơn nữa là một tổng kết cho con đường đức tin của các Tông đồ, của các đồ đệ Chúa.

Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra cho các Tông đồ, củng cố đức tin của họ với hồng ân Thánh Thần và sai các ngài ra đi với sứ mạng mà Chúa đã chuẩn bị các ngài trong suốt thời gian đến Phục Sinh: "Như Cha đã sai Thầy, thì giờ đây Thầy cũng sai các con ra đi".

Con đường đức tin của các Tông đồ từ ngày được gọi theo Chúa cho đến giây phút quan trọng được củng cố bởi quyền năng của Chúa Phục Sinh. Chọn theo con đường đức tin này như được gợi lại cho chúng ta chiêm ngắm nơi đoạn Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, trước hết chúng ta nhìn thấy các Tông đồ lo sợ thu mình lại trong căn phòng đóng kín, lo sợ trước những chống đối của những kẻ không tin Chúa, lo sợ trước mầu nhiệm thập giá mà Chúa đã trải qua và các ngài cũng sẽ phải trải qua, lo sợ trước sứ mạng tương lai mà họ đã nghe Chúa nói đến và đã được chuẩn bị để thi hành nhưng cảm thấy chưa đủ sức để thi hành. Nếu không có mầu nhiệm Phục Sinh, nếu không có quyền năng Chúa Phục Sinh đến đổi mới con người họ thì đức tin của các Tông đồ chưa được trưởng thành hoàn toàn đúng mức Chúa mong muốn để có thể làm chứng cho Chúa, chu toàn sứ mạng Chúa trao phó cho.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta được chứng kiến một cuộc thay đổi quan trọng trong đời sống các Tông đồ, chứng kiến một cuộc đổi mới và kiện cường đức tin nơi các Tông đồ, từ lo sợ đến được củng cố để ra đi bắt đầu sứ mạng. Trước khi Chúa Phục Sinh hiện đến, các Tông đồ đang sống trong lo sợ, đóng kín nơi chính mình và đóng kín trong căn phòng. Ai trong chúng ta đã không trải qua một giai đoạn thử thách này và cũng có thể là đang trải qua thử thách đức tin, đó là những giây phút đen tối bị cám dỗ mất đức tin vào Chúa về những nghịch cảnh xảy ra trong đời sống, về mầu nhiệm thập giá trong đời sống của mỗi người chúng ta.

Trong bộ phim có tựa đề là Dấu Ấn Thứ Bảy, có một đoạn đối thoại thật ý nghĩa:

Thần chết hiện ra trong dung mạo của một người phàm và đã đối thoại với một dũng sĩ, cuộc đối thoại đó như sau:

Trước hết Dũng sĩ bắt đầu:

Tại sao Thiên Chúa lại ẩn mình? Tại sao Ngài không xuất hiện mạc khải chính mình cho chúng ta biết? Tại sao Thiên Chúa không đưa tay Ngài ra và chạm đến chúng ta? Tại sao ít ra là Ngài nói vài lời với chúng ta?

Thần chết trả lời:

Nhưng Thiên Chúa đâu có làm điều đó được, không phải vậy sao? Ngài không chạm đến chúng ta, Ngài không nói, Ngài chỉ giữ im lặng.

Dũng sĩ tiếp:

Đành vậy, Thiên Chúa không làm điều gì như vậy, Ngài không chạm đến chúng ta, Ngài không nói chuyện với chúng ta. Đôi khi tôi nghi ngờ không biết Ngài có thật sự hiện hữu ở bên kia nữa không?

Thần chết trả lời:

Có thể Ngài không hiện hữu ở bên kia, có thể không ai hiện hữu bên kia cả, có thể là tất cả chúng ta chỉ hiện diện một mình nơi cõi đời này mà thôi. Dũng sĩ có bao giờ nghĩ như vậy hay không? Có lẽ Thiên Chúa không có đâu, chỉ có chúng ta sống cô đơn lẻ loi một mình trong thế giới này mà thôi.

Anh chị em thân mến!

Mẫu đối thoại trên đây có thể làm chúng ta suy nghĩ thêm. Các Tông đồ ngày xưa là những kẻ duy nhất được nghe Chúa nói, được sống với Chúa như với một con người cụ thể bằng xương bằng thịt, nhưng không phải vì thế mà các Ngài không bị thử thách, không bị lạc mất niềm tin vào Chúa khi Chúa trải qua cuộc khổ nạn, các Ngài phải tin vào Chúa là Con Thiên Chúa, là Đấng đã chết và đã phục sinh.

Chúa cho các Tông đồ và đặc biệt là Tôma, cũng như chúng ta đã đọc qua trong bài Phúc Âm hôm nay, được dịp may kiểm chứng một cách cụ thể: "Tôma, con hãy xỏ tay con vào đây". Chúng ta ngày hôm nay không thể nào được diễm phúc kiểm chứng như vậy, như cuộc đối thoại tưởng tượng giữa Dũng sĩ và Thần chết, nhưng như các Tông đồ ngày xưa, chúng ta cần tin vào Chúa để không còn sống trong lo sợ, để có đủ sức chu toàn sứ mạng của Chúa. Lời Chúa phán với Tôma cũng như cho chúng ta ngày hôm nay đó là: "Phúc cho những ai không thấy mà tin".

Xin Chúa ban cho chúng ta hồn ân Chúa Thánh Thần, xin Chúa ban cho chúng ta sự bình an của Ngài để củng cố chúng ta trong đức tin. Amen.

 

11. Sống tin yêu Chúa Kitô Phục Sinh

Niềm tin là điểm tựa để con người vươn lên, là chất sống để con người tiếp tục tồn tại và là sự khởi đầu của tiến trình đi lên trong mối quan hệ hỗ tương. Như thế niềm tin quan trọng và cần thiết biết bao! Hơn nữa tin vào Chúa Kitô phục sinh càng cần thiết hơn. Chính Chúa Kitô luôn nâng đỡ niềm tin của chúng ta và đã thể hiện lòng thương xót, tình thương yêu vô bờ bến của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Chúa Kitô Phục sinh là một Tin mừng, Tin mừng của lòng thương xót, nhưng là một tin mừng không dễ tin, đặc biệt đối với những người theo Chúa, như các tông đồ. Thật thế, sự kiện ngôi mộ trống không đủ bằng chứng để họ tin. Cần phải có những lần hiện ra của Chúa Giêsu mới củng cố được lòng tin của các ông. Thánh Gioan đã ghi lại câu chuyện Chúa hiện ra cho các tông đồ và cho Tôma là để cho chúng ta tin. Thế nhưng, trong những lần hiện ra đó, cái gì đã giúp cho những người thân của Chúa Giêsu nhận ra Ngài? Có thể là một tiếng gọi (cho Maria), một cử chỉ bẻ bánh (cho hai môn đệ Emmaus) hoặc cũng có thể là một phép lạ xảy ra theo lệnh truyền của Chúa (như mẻ cá đầy ở biển hồ Tibêria), nhưng đặc biệt là những thương tích nơi tay chân và cạnh sườn của Ngài. Ông Tôma đã thưa cùng Chúa: "Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con" (Ga 20, 28). Khi Chúa Giêsu cho ông thấy những dấu đinh của cuộc khổ nạn trên thân thể Ngài và nói với ông những lời không thể ngờ được: "Đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng tin nữa, nhưng hãy tin!" (Ga 20, 27). Điều đó cho chúng ta thấy được lòng thương xót của Thiên Chúa.

Như thế, dấu chỉ để các Tông Đồ nhận ra Chúa Phục Sinh không phải là vinh quang chói lọi hay cái gì khác, mà là chính những dấu đinh. Nếu chính Đấng Phục Sinh vinh hiển đã không muốn dùng vinh quang và sức mạnh chiến thắng của mình mà khuất phục thế gian, thì phương chi là chúng ta. Và nếu Chúa đã muốn dùng những dấu đinh nơi chân tay và cạnh sườn làm những dấu chứng Phục sinh, thì mỗi người chúng ta cũng không có dấu chỉ nào ý nghĩa hơn là những vết thương của các cuộc khổ nạn mà chúng ta có thể đã, đang và sẽ còn chia sẻ với Chúa. Chính với những dấu chỉ này mà chúng ta có thể làm chứng cho Chúa Phục Sinh một cách sống động nhất. Chúng ta hãy nhận ra lòng thương xót của Chúa nơi năm dấu thánh, chứ không phải trong ánh hào quang. Chúa Kitô thực sự là tình thương của Thiên Chúa đối với vũ trụ, con người. Ngày nay Ngài cũng vẫn đang hiện diện giữa chúng ta như là "người" và là Chúa trong những người anh em bị đau khổ, bị ngược đãi, bị đói khát, nghèo hèn, bị chối bỏ, bị giết vì tình yêu Thiên Chúa và tình yêu nhân loại.

Mỗi người Kitô hữu chúng ta có sẵn sàng mang dấu tích của Chúa Phục Sinh, có sẵn sàng trở nên khí cụ bình an của Chúa hay không? Nói khác đi, chúng ta có sẵn sàng chịu đau khổ, chịu đóng đinh để làm chứng cho Chúa Phục Sinh không? Có sẵn sàng hoà giải nhân loại với Chúa, hoà giải nhân loại với nhau, bằng những hy sinh và cả giá máu mà chúng ta sẵn sàng đổ ra hay không?

Con người ngày nay không dễ tin. Họ cũng đòi hỏi như ông Tôma, phải được trông thấy, phải được kiểm nghiệm, phải có dấu chứng khả giác mới chịu tin. Chúng ta có nhiệm vụ trình bày cho họ thấy rõ khuôn mặt thật của Chúa Phục Sinh. Làm sao họ có thể nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu, nếu họ không thấy những vết thương, những chứng tích của Chúa Kitô đóng đinh nơi tay chân, nơi thân xác, nơi cuộc sống của người Kitô hữu? Làm sao họ có thể tin được, nếu họ không thấy chứng tích của những bàn tay chai cứng vì lao động, của những khuôn mặt đẫm mồ hôi vì phục vụ, của những cuộc đời xả thân hy sinh cho tha nhân? Làm sao có thể tin được, nếu họ không thấy dấu chứng của cộng đoàn Kitô hữu tương tự như cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ở Giêrusalem sau ngày Chúa Phục Sinh theo sách Công vụ mô tả: "Những kẻ tin, muôn người như một, chuyên cần với lời giảng dạy của các tông đồ, hiệp nhất và cùng chung lo cho người nghèo khó bằng cách để chung tiền của, họ đồng tâm nhất trí chia sẻ bánh thánh và cầu nguyện"(Cv 2, 42 - 47). Đời sống chứng tá đó đã thu hút những người không tin, nên "số những người tin Chúa mỗi ngày càng thêm đông" (x. Cv 4, 32-35; 2, 42-47). Đó chính là chứng tích của tình yêu. Con người ngày nay cũng đang đòi kiểm nghiệm những chứng tích tình yêu của cộng đoàn Kitô hữu chúng ta.

Ước gì mỗi người chúng ta đều mang những chứng tích tình yêu của Chúa Kitô đóng đinh trên tay chân, trên thân xác, trong cuộc sống... để chia sẻ với Chúa Giêsu những vết thương của các cuộc khổ nạn đang diễn ra trên thế giới ngày nay, nhờ đó chúng ta mới có thể làm chứng cho chiến thắng vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh.

Lạy Chúa Kitô phục sinh, con tin Chúa đã sống lại và đang hiện diện với chúng con, với Giáo Hội. Xin Chúa thêm lòng mến Chúa để chúng con can đảm sống chứng nhân giữa đời thường bằng một tình yêu mà Chúa đã hiến mạng sống vì yêu thương chúng con. Amen.

 Nguồn:http://gplongxuyen.org