Suy niệm 06/01/2020 – Thứ Hai sau lễ Hiển Linh. – Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến.

Thứ Hai 06/01/2020 – Thứ Hai sau lễ Hiển Linh. – Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến.

"Nước trời đã đến gần".

 

LỜI CHÚA: Mt 4, 12-17. 23-25

Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ Nadarét, đến ở miền duyên hải thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nephtali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: "Hỡi đất Giabulon và đất Nephtali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết".

Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: "Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến".

Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.

Tiếng tăm Người đồn ra khắp xứ Syria. Người ta đã đem đến cho Người đủ thứ bệnh nhân, những người mắc phải tật nguyền đau đớn, quỷ ám, kinh phong, bất toại. Người đã chữa họ lành. Dân chúng đông đảo theo Người, họ đến từ xứ Galilêa, miền Thập Tỉnh, Giêsrusalem, Giuđêa và vùng bên kia sông Giođan.

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Ánh sáng và sự sống

Suy niệm:

Từ sau lễ Hiển Linh đến lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa,

Giáo Hội cho chúng ta đọc các bài Tin Mừng về việc Chúa tỏ mình.

Mỗi bài là một dịp Chúa tỏ mình cho Dân của Người.

Bài đọc hôm nay cho thấy Đức Giêsu tỏ mình lần đầu tiên

tại Galilê, vùng đất có nhiều người ngoại giáo sinh sống.

Ngài tỏ mình tại Caphácnaum, một tỉnh lớn chuyên đánh cá gần hồ Galilê,

tỉnh này nằm trong địa giới của chi tộc Naptali ngày xưa.

Thánh Mátthêu thấy việc tỏ mình này làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia:

“Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng,

những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần

nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9,1).

Như thế Đức Giêsu chính là ánh sáng rực rỡ xua tan bóng tối,

Người nâng dậy những ai đang ngồi trong cảnh chết chóc, tối tăm.

Phần sau của bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy điều đó (Mt 4, 23-25).

Đức Giêsu đã đi khắp vùng Galilê để làm ba việc:

dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh nhân.

Thật ra việc dạy dỗ và việc rao giảng có thể coi là một,

nếu thế chương trình hành động của Đức Giêsu sẽ gồm giảng dạy và chữa bệnh.

Dù giảng dạy hay chữa bệnh, Đức Giêsu chỉ muốn một điều

đó là làm vơi nhẹ gánh nặng của những người đang đau khổ.

Đức Giêsu loan báo Nước Trời đã đến gần (Mt 4, 17),

và Người chứng tỏ cho thấy Nước ấy đã đến thật rồi

qua việc chữa lành moi bệnh hoạn tật nguyền của dân.

Cách đây hai ngàn năm, đã có những người bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt.

Ngày nay, dù khoa học tiến bộ, nhưng bệnh tật vẫn không tha con người.

Y khoa vẫn phải đối mặt với những chứng bệnh mới, chưa có thuốc chữa.

Con người không bị ám bởi quỷ, nhưng bởi những sản phẩm do mình làm ra.

Làm thầy dạy và làm lương y là hai nghề đặc biệt

tiếp nối công việc ngày xưa của Thầy Giêsu,

để loan báo cho thế giới hôm nay về sự sống, ánh sáng và hy vọng.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con,

xin cho những người nghèo khổ được no đủ.

Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu,

xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện

với những khó khăn gay gắt của cuộc sống.

Vì Chúa bị kết án bất công,

xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.

Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng,

xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.

Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề,

xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.

Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh,

xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.

Vì Chúa dang tay chết trên thập giá,

xin cho đất nối lại với trời,

con người nối lại mối dây liên đới với nhau.

Vì Chúa đã phục sinh trong niềm vui òa vỡ,

xin cho chúng con biết đón lấy đời thường

với tâm hồn thanh thản bình an. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Hãy sám hối.

Có một vị ẩn sĩ nổi tiếng là thánh thiện, và được nhiều người đến xin ông cầu nguyện cho. Điều đó làm cho ông rất hãnh diện.

Một buổi sáng nọ, trên đường đến thăm một ngôi nhà thờ, ông thấy một người ngồi nức nở bên đường. Đến gần, ông nhận ra đó là tên cướp mà mọi người trong vùng đều run sợ. Vị ẩn sĩ định bỏ đi, nhưng anh ta tiến đến quỳ gối trước mặt ông và xưng thú tội lỗi. Nghe xong, vị ẩn sĩ tự nhiên nổi giận, và nói lớn tiếng: “Một tên trộm cướp như ngươi mà hy vọng được Chúa tha thứ sao? Ta nói thật với ngươi: cây gậy mà ta đang cầm trên tay trổ bông còn dễ hơn việc Thiên Chúa tha thứ cho ngươi”. Nói như thế rồi, vị ẩn sĩ tiếp tục cất bước, bỏ mặc tội nhân trong thất vọng.

Nhưng chưa đi quá mười bước, cây gậy ông đang cầm trên tay bỗng bị cắm sâu xuống đất, ông dùng tất cả sức lực để rút lên, nhưng cây vẫn không nhúc nhích. Lạ hơn nữa, từ thân cây gậy, cành lá và hoa từ từ mọc ra. Rồi ông nghe có tiếng nói: “Sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho một tội nhân sám hối còn dễ hơn một cây gậy trổ bông, một người tỗi lỗi biết hối cải được tha thứ dễ dàng hơn một hơn một kẻ kiêu hãnh”.

“Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần bên”. Đó là trọng tâm của bài Tin Mừng hôm nay. Ơn cứu rỗi mà Chúa Giêsu loan báo chính là giải phóng con người khỏi tội lỗi và những hệ lụy của nó, như yếu đau tật nguyền…

“Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần bên”. Sám hối là điều kiện tiên quyết để được ơn cứu độ. Sám hối không phải là tiếng khóc của thất vọng, mà là một sức lực mới giúp con người vươn lên.

“Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần bên”. Nước Trời chính là động lực của sám hối. Và do đó, sám hối đích thực cũng chính là một quyết tâm hướng về những biểu hiện của Nước Trời như sống yêu thương, quảng đại, tha thứ.

“Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần bên” hay nói đúng hơn hãy sám hối để cho Nước Trời được đến giữa mọi người.

 

Suy Niệm 3: “HÃY SÁM HỐI”

Có một người đàn ông trong vùng nổi tiếng về chuyện nhiều vợ, ông lại là người chuyên uống rượu và hay la lối mọi người. Tuy nhiên, một hôm, ông ta quyết tâm từ bỏ con đường tội lỗi, ăn năn trở về với Chúa qua việc xưng tội và rước lễ. Thấy vậy, nhiều người sầm xì, bàn tán... trong nhóm có một bà được cho là đạo đức, đã nói lớn tiếng để mọi người nghe thấy, bà nói: “Người tội lỗi như thế thì làm sao được Chúa tha? Xưng tội và rước lễ như vậy, chẳng qua là hình thức, qua mắt thiên hạ!!!”

Ôi thật xót xa thay! Bà này đâu có hiểu được rằng: người tội lỗi luôn là trọng tâm sứ vụ của Đức Giêsu và họ là đối tượng số một của Tin Mừng! Bởi vì, một người tội lỗi biết hối cải thì được tha thứ dễ dàng hơn một kẻ tự cho mình đạo đức nhưng sống trong kiêu hãnh!; hay một người tội lỗi trở lại thì cả triều thần thiên quốc vui mừng!

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: "Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần bên".

Sám hối theo nghĩa thông thường là ý thức mình tội lỗi, hối hận, cần phải quay trở về đường ngay nẻo chính sau khi đã quyết tâm chừa bỏ con đường cũ. Tuy nhiên, sám hối theo Kitô giáo còn mang chiều kích siêu nhiên, đó là trở về cùng Thiên Chúa, để nhận ra tình yêu thương vô biên của Ngài. Mặt khác, sám hối còn là để biết yêu thương, cảm thông, chia sẻ, quảng đại và tha thứ.

Không chỉ dừng lại ở đó, điều quan trọng nữa là: khi sám hối, chúng ta biết khiêm tốn để soi chiếu cuộc đời của mình với tình thương, lòng nhân hậu của Thiên Chúa, rồi định hướng cho mọi hành vi, lựa chọn của mình trong tương lai để được ơn cứu độ.

Xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta ơn sám hối trong cuộc sống thường ngày, bởi vì, đã là con người thì không ai có quyền nói mình vô tội. Vì thế, chúng ta hãy biết chạy đến với Thiên Chúa trong sự sám hối để được ơn tha thứ. Amen.

 Ngọc Biển SSP

 nguon:http://gplongxuyen.org/News