Suy niệm 05/07/2019 – Thứ sáu đầu tháng, tuần 13 thường niên: Kêu gọi người thu thuế Mátthêu.

Thứ Sáu 05/07/2019 – Thứ sáu đầu tháng, tuần 13 thường niên. – Kêu gọi người thu thuế Mátthêu.

"Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải là hy lễ".

 

Lời Chúa: Mt 9, 9-13

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra là khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế?"

Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải là hy lễ". Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1: Bữa Tiệc Thân Hữu

Trong hầu hết các nền văn hóa hiện hữu trên thế giới, bữa ăn là một thời điểm, một nghi lễ đặc biệt trong đời sống con người. Con người thường chia giờ giấc trong ngày theo các bữa ăn. Bữa ăn là giờ duy nhất trong ngày, trong đó mọi thành phần trong gia đình có mặt bên nhau, do đó bàn ăn thường là biểu trương của hiệp nhất. Vì là giờ hiệp nhất, nên bữa ăn cũng là giờ linh thiêng trong cuộc sống. Người ta vẫn nói: "Trời đánh tránh bữa ăn". Bữa ăn là dấu chỉ của hiệp nhất, cho nên thời xa xưa, thỏa ước giữa các bộ lạc cũng được ký trong bữa tiệc. Ngồi đồng bàn với nhau có nghĩa là chấp nhận chia sẻ với nhau, chấp nhận tình thân hữu của nhau.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy được ý nghĩa nổi bật của bữa ăn trong cuộc đời Chúa Giêsu. Phúc Âm thường ghi lại những lần Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với những người thu thuế tội lỗi, những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Ngồi đồng bàn với người nào là muốn chia sẻ, muốn nói lên tình thân thiện của người đó. Qua những lần ngồi đồng bàn với tất cả mọi hạng người, Chúa Giêsu bày tỏ cho chúng ta bộ mặt của một Thiên Chúa nhân hậu luôn hiện diện trong mọi sinh hoạt của con người, một Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của con người và muốn đi vào kết hiệp thâm sâu với con người.

Chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu thường mượn hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời: "Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới". Nước Trời giống như một tiệc vui. Tôn giáo mà Chúa Giêsu loan báo không phải là những nghi lễ hay những luật lệ cứng nhắc, mà là tôn giáo của tình yêu. Trích dẫn lời Tiên Tri Ôsê: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải lễ tế", Chúa Giêsu đả phá những tôn giáo chỉ xây dựng trên những nghi lễ trống rỗng, mà quên đi cái lõi của tôn giáo là tình thương.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách sống đạo của chúng ta. Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là bữa tiệc dấu chứng tình yêu của Ngài. Tham dự vào bữa tiệc ấy là tham dự vào tinh thần yêu thương chia sẻ với Ngài. Nếu không có tinh thần yêu thương, thì tất cả những kinh kệ, những hành động phụng vụ chỉ là trống rỗng vô ích. Của lễ đẹp lòng Chúa nhất phải chăng không là những hành động yêu thương, chia sẻ, tha thứ đó sao? Lúc đó bàn thờ của chúng ta không chỉ nằm trong bốn bức tường nhà thờ, mà còn phải là gia đình, công sở, phố chợ. Nơi nào có hành động yêu thương, tha thứ, chia sẻ, thì nơi đó có Chúa hiện diện, có bình an, có Nước Trời.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Người công chính với người tội lỗi

Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.

Đức Giêsu đang dùng bữa trong nhà, thì kìa, nhiều người thu thuế và người tội lỗi khéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.” (Mt. 9, 9-12)

Người tội lỗi được kêu gọi

Chúa Giêsu quan tâm lo lắng cho những người ốm đau bệnh tật, vì chính họ cần đến Người. Những người mà vì họ Chúa đã đến và kêu gọi đi theo Người, đó là những người tội lỗi, chứ không phải những người công chính.

Những người tội lỗi ám chỉ tất cả những-ai-kia mà xã hội có suy nghĩ, có giáo dục và hãnh diện về tính liêm khíết của mình, xua đuổi, không nhìn nhận và khinh bỉ. Thời Chúa Giêsu người ta gọi những người tội lỗi là tất cả những ai không tuân giữ tỉ mỉ những điều Luật truyền. Từ ngữ người tội lỗi cũng áp dụng cho tất cả những ai cụ thể đang sống trong tội lỗi, đang làm điều xấu. Chính vì những con người đó mà Chúa Giêsu được sai đến.

Nếu Chúa Giêsu yêu thương người tội lỗi, thì Người lại gớm ghét sự tội. Nếu quả Chúa kêu gọi những người tội lỗi, chính là để cho họ trở nên những người công chính. Nên ta có thể tự hỏi: Dù rằng đã là những con người tội lỗi, nếu ta đang trở nên những người công chính, nếu suốt cuộc đời, ta tìm sống thánh thiện và công chính, thì Chúa Giêsu có còn quan tâm đến ta không, có vẫn gọi ta đi theo Người không?

Những người công chính được kêu gọi

Đương nhiên ta phải trả lời có, vì thực ra Chúa luôn luôn kêu goi mọi người: người công chính cũng như người tội lỗi. Lý do đơn giản. Trước thánh nhan Người chẳng có người nào là hoàn toàn công chính. Những kẻ được nên công chính vẫn mang thân phận người tội lỗi.

Chỉ có những người mà thực tế Chúa Giêsu không có thể làm gì được cho họ, đó là những kẻ tưởng rằng mình quả là công chính nên không thấy được nữarằng mình vẫn và luôn luôn cần được tha thứ, được cứu độ, được thanh tẩy và được biến đổi.

 

Suy Niệm 3: CẢM NGHIỆM ĐỂ LÀM CHỨNG (Mt 9, 9-13)

Xem CN 10 TN A, thứ Bảy tuần 1 TN và thứ Bảy sau lễ Tro.

Trong dịp lễ tạ ơn của một tân linh mục, mọi người hiện diện được nghe thấy cha mới chia sẻ lúc đầu lễ rằng: “Cộng đoàn cùng với con tạ ơn hồng ân Thiên Chúa đã ban cho con Thiên Chức linh mục, mặc dù con bất xứng, yếu hèn và vô dụng. Nhưng vì yêu thương, nên Chúa đã gọi và chọn con tiến lên bàn thánh để con trở thành linh mục của Chúa”. Câu nói đó của tân linh mục diễn tả một sự cảm nghiệm sâu xa tình thương mà Chúa dành cho cha.

Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu gọi ông Mátthêu, người thu thuế, hẳn ông cũng cảm thấy mình bất xứng vì công việc bất chính của ông đang làm. Tuy nhiên, Đức Giêsu đã gọi ông để ông trở thành môn đệ.

Khi nghe thấy tiếng Chúa mời gọi, ông đã cảm nghiệm được tình yêu của Đức Giêsu, nên ông đã dứt khoát đứng dậy, rời khỏi bàn thu thuế, nơi ông đang làm việc, nơi ông đã gắn bó, nơi là sự nghiệp đã nuôi sống ông và gia đình ông, để đáp lời mời gọi đầy trìu mến và đi theo Đức Giêsu.

Thật vậy, một tình yêu, một lòng mến, Đức Giêsu đã gọi ông. Cũng một tình yêu, một lòng mến, ông đã đáp lại tiếng Đức Giêsu mời gọi, để tiếp bước trên hành trình loan báo Tin Mừng tình thương của Chúa trong cuộc đời môn đệ nơi ông.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhận ra mình bất xứng để cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Mặt khác, từ những gì đã cảm nghiệm, Chúa cũng muốn mời gọi chúng ta sẵn sàng cảm thông cho những yếu đuối của anh chị em mình, sống khiêm tốn và đón nhận Thánh giá trong hành trình môn đệ của mình như một hồng ân.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã được Chúa yêu thương quá nhiều, dù chúng con bất xứng. Xin Chúa cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho chúng con, để rồi chúng con ra đi loan báo về tình yêu đó cho anh chị em mình. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Đứng dậy đi theo

Suy niệm :

Thầy Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên khi họ đang làm việc.

Người thì đang quăng lưới ngoài khơi,

kẻ thì đang vá lưới trong thuyền (Mt 4, 18-22).

Khi Thầy gọi Mátthêu, anh cũng đang làm việc ở trạm thu thuế.

Anh đang ngồi, vững vàng trong nghề nghiệp của mình,

dù nghề của anh thường bị coi là nghề rất xấu.

Thầy Giêsu như tình cờ đi ngang qua bàn làm việc của anh.

Ngài chỉ nói một câu rất ngắn: “Anh hãy theo tôi!”

Mátthêu không đáp lại, nhưng anh trả lời bằng hành động.

Từ vị thế đang ngồi, anh bỏ dở công việc để đứng lên và theo Thầy.

Từ vị thế vững vàng, anh bắt đầu bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.

Từ vị thế của tội nhân, anh trở thành người môn đệ thân thiết.

Mátthêu nằm trong danh sách nhóm Mười Hai (Mt 10, 3).

Thầy Giêsu không sợ mất tiếng khi nhận anh vào nhóm.

Nhóm của Thầy không chỉ gồm những người thánh thiện,

nhưng có cả những tội nhân giàu lòng hoán cải.

Mátthêu có đóng góp gì cho nhóm Mười Hai không?

Nghề thu thuế với giấy bút có giúp gì cho các ngư phủ ít học không?

Trong nhóm Mười Hai, Mátthêu có chỗ đứng đặc biệt,

người thu thuế trở nên Tác giả sách Tin Mừng.

Mátthêu làm nghề bị đồng bào của ông khinh miệt,

vì nghề này dễ dẫn người ta đến chỗ lạm thu, bỏ tiền vào túi riêng.

Nghề này còn là một sỉ nhục vì cộng tác với ngoại bang bóc lột dân,

đụng chạm đến đồng tiền ô uế và tiếp xúc với dân ngoại.

Khi trở nên môn đệ của Thầy, Mátthêu đã trở nên người phục vụ đồng bào.

Ông dùng khả năng của mình mà viết sách Tin Mừng.

Đây là Tin Mừng lớn mà ông loan báo: Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia.

Không phải chờ gì nữa, Đấng Mêsia đã đến rồi!

Ngài làm trọn những lời đã được loan báo trong Cựu Ước.

Mátthêu đã tìm ra ngôn ngữ để nói với Dân Chúa, sao cho họ hiểu được.

Ông đã trình bày dung mạo Đức Giêsu cho người cùng thời với ông.

Chúng ta cũng phải có khả năng giới thiệu Đức Giêsu cho người thời nay,

nghĩa là biết, hiểu và nói được ngôn ngữ của thế giới,

để thế giới nghe và hiểu được.

Chúng ta vẫn phải tiếp tục viết các sách Tin Mừng cho thời đại hôm nay,

phù hợp với não trạng và tâm thức của họ, với nền văn hóa đương đại.

Đâu là khuôn mặt Đấng Cứu độ mà con người hôm nay ngóng chờ?

Con người thời nay khỏe mạnh về nhiều mặt,

nhưng vẫn là người đau ốm cần đến thầy thuốc (c. 12).

Họ mong mình được giải phóng khỏi điều gì?

Đức Giêsu Kitô có thể đáp ứng được những khao khát đó không?

Lời rao giảng và cuộc sống của chúng ta phải cho thấy

Đức Giêsu có thể chữa lành và đem lại một thế giới hạnh phúc.

Ước gì chúng ta có lòng nhân và sự bao dung như Đức Giêsu,

dám đồng bàn với con người hôm nay để dẫn họ đến bàn tiệc thiên quốc.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin sai chúng con lên đường

nhẹ nhàng và thanh thoát,

không chút cậy dựa vào khả năng bản thân

hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm:

rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,

chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng

với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,

biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng

đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ

của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu,

thế giới thật bao la

mà vòng tay chúng con quá nhỏ.

Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau

mà tin tưởng lên đường,

nhẹ nhàng và thanh thoát. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

Nguồn:http://gplongxuyen.org/News