Suy niệm 04/02/2019 – Thứ Hai tuần 4 thường niên: NGÀY TẤT NIÊN. TẠ ƠN THIÊN CHÚA.

  Thứ Hai 04/02/2019 – Thứ Hai tuần 4 thường niên. NGÀY TẤT NIÊN. TẠ ƠN THIÊN CHÚA. – Người bị quỷ ám và đàn heo.

"Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này".

 

LỜI CHÚA: Mc 5, 1-20

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ sang bờ biển bên kia, đến địa hạt Giêrasa. Chúa Giêsu vừa ở thuyền lên, thì một người bị quỷ ô uế ám từ các mồ mả ra gặp Người. Người đó vẫn ở trong các mồ mả mà không ai có thể trói nổi, dù dùng cả đến dây xích, vì nhiều lần người ta đã trói anh ta, gông cùm xiềng xích lại, nhưng anh ta đã bẻ gãy xiềng xích, phá gông cùm, và không ai có thể trị nổi anh ta. Suốt ngày đêm anh ta ở trong mồ mả và trong núi, kêu la và lấy đá rạch mình mẩy. Thấy Chúa Giêsu ở đàng xa, anh ta chạy đến sụp lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: "Hỡi ông Giêsu, Con Thiên Chúa Tối Cao, ông với tôi có liên hệ gì đâu? Vì danh Thiên Chúa, tôi van ông, xin chớ hành hạ tôi". Nhưng Chúa Giêsu bảo nó rằng: "Hỡi thần ô uế, hãy ra khỏi người này". Và Người hỏi nó: "Tên ngươi là gì?" Nó thưa: "Tên tôi là cơ binh, vì chúng tôi đông lắm". Và nó nài xin Người đừng trục xuất nó ra khỏi miền ấy.

Gần đó, có một đàn heo đông đảo đang ăn trên núi, những thần ô uế liền xin Chúa Giêsu rằng: "Hãy cho chúng tôi đến nhập vào đàn heo". Và Chúa Giêsu liền cho phép. Các thần ô uế liền xuất ra và nhập vào đàn heo, rồi cả đàn chừng hai ngàn con lao mình xuống biển và chết đuối. Những kẻ chăn heo chạy trốn và loan tin đó trong thành phố và các trại. Người ta liền đến xem việc gì vừa xảy ra. Họ tới bên Chúa Giêsu, nhìn thấy kẻ trước kia bị quỷ ám ngồi đó, mặc quần áo và trí khôn tỉnh táo, và họ kinh hoảng. Những người đã được chứng kiến thuật lại cho họ nghe mọi sự đã xảy ra như thế nào đối với người bị quỷ ám và đàn heo. Họ liền xin Chúa Giêsu rời khỏi ranh giới họ. Khi Người xuống thuyền, kẻ trước kia bị quỷ ám xin theo Người. Nhưng người không cho mà rằng: "Con hãy về nhà với thân quyến, và loan truyền cho họ biết những gì Thiên Chúa đã làm cho con và đã thương con". Người đó liền đi và bắt đầu tuyên xưng trong miền thập tỉnh, tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm cho anh ta, và mọi người đều thán phục.

 

 

SUY NIỆM 1: Số phận của Chúa Giêsu

Người Do thái thời Chúa Giêsu có một cái nhìn rất miệt thị đối với dân ngoại, họ xem dân ngoại là những kẻ sống dưới ách nô lệ của ma quỷ, do đó cũng cư trú trong những vùng nhơ bẩn chẳng kém gì bãi tha ma. Nhưng đối với Chúa Giêsu, ranh giới giữa Do thái và dân ngoại không còn nữa. Ngài không chỉ đến với dân Do thái, mà cả với dân ngoại nữa. Chính cho dân ngoại mà Chúa Giêsu cũng mang ơn cứu độ đến, và ơn cứu độ ấy được thánh Marcô mô tả bằng những hình ảnh rất sống động: Chúa Giêsu trục xuất cả một đạo binh ma quỷ ra khỏi người bị quỷ ám, nguyên một bầy heo lao mình xuống biển. Tin Mừng được loan báo cho dân ngoại qua miệng người vừa được chữa lành.

Thế nhưng, sự thành công của Chúa Giêsu dưới cái nhìn của Marcô thật là yếu ớt. Dường như tất cả những người mà Ngài tìm đến đều có thái độ dè dặt đối với Ngài. Chỉ có ma quỷ là kẻ duy nhất biết rõ Ngài là ai nhưng chẳng bao giờ có thể hoán cải được nữa. Các luật sĩ và biệt phái thì càng lúc càng tỏ ra chai lỳ, bà con thân thuộc thì chỉ nhìn về Ngài với những tính toán vụ lợi, đám đông dân chúng thì không nhận ra được ý nghĩa đích thực của sứ mệnh thiên sai của Ngài, còn dân ngoại thì nài nỉ Ngài quay trở lại quê hương Ngài để họ khỏi phải mang họa vào thân, và khi Chúa Giêsu chiến thắng được ma quỷ, thì đó cũng là lúc loài người tẩy chay Ngài. Trong một tình thế bi đát như vậy, cái chết trên Thập giá là chuyện tất yếu đối với Chúa Giêsu. Trong cái nhìn của Marcô, mỗi cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người đương thời của Ngài là một tiên báo về cuộc tử nạn của Ngài, Ngài là một con người triền miên bị khước từ.

Suy nghĩ về số phận của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại thân phận của người Kitô hữu chúng ta trong trần thế. Là môn đệ Chúa Giêsu, là chấp nhận lội ngược dòng. Không thể đi theo Chúa Giêsu mà lại sống theo triết lý: người ta sao, tôi vậy. Làm chứng cho Ðấng đã từng bị khước từ, người Kitô hữu bị khước từ đã đành, mà ngay cả khi phục vụ một cách vô vụ lợi, họ cũng không hẳn được người đời thương mến. Nói như thánh Phaolô: bổ khuyết những gì còn thiếu trong cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu, đó là số phận của người Kitô hữu trong trần thế này.

Nguyện xin Chúa ban thêm can đảm và sức mạnh, để chúng ta kiên trì trong mọi khổ đau vì Danh Ngài.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Chúa Giêsu chế ngự ma quỷ

Đức Giêsu và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa. Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. (Mc. 5, 1-3)

Trình thuật về phép lạ Chúa chữa người bị quỷ ám và đàn heo biến mất đặt ra những vấn đề khó xử và có nhiều điều khác thường tưởng chừng như mê tín dị đoan.

Hình như đây là những sự kiện biệt lập được ghép lại với nhau. Chúa Giêsu lúc đó đang ở vùng Ghêrasa nằm ở phía đông Biển Hồ Ghen-nê-xa-rét là vùng đất dân ngoại, nơi nuôi heo là thú vật ô uế đối với người Do thái. Khi Chúa chữa cho một người bị quỷ ám ở đây thì có một sự cố xảy ra trong một trại nuôi heo lớn. Có lẽ là hai sự kiện này xảy ra vào cùng kỳ, nên được tác giả lợi dụng ghép lại với nhau để sự kiện này giải thích cho sự kiện kia và rút ra một bài học luân lý. Đó cũng là một lối kết cấu câu chuyện có tính cách bình dân vậy.

Nhưng sự ghép nối này trở nên có ý nghĩa. Thánh sử Maccô dùng nó để minh họa cho điều ngài muốn chứng minh: Chúa Giêsu tỏ bày quyền năng của Người đối với thần ô uế ở vùng đất thuộc dân ngoại. Sức mạnh của Người là sức mạnh vô địch. Chẳng những Người trừ thần ô uế, mà còn tiêu diệt chúng để giải thoát con người khỏi tình trạng tha hóa thiêng liêng và tâm tình sợ hãi.

Một quyền năng vô địch

Để chứng tỏ Chúa Giêsu có một sức mạnh vô song, trước tiên Maccô nhấn mạnh đến tính cách trầm trọng của cơn bệnh mà người bị quỷ ám đã phải chịu. Rõ ràng là bệnh tật, sự ác càng trầm trọng thì người chữa trị càng phải cao tay. Nếu “bị gông cùm và bị xiềng xích”, nhưng người bị quỷ ám ấy “đã bẻ gẫy xiềng xích và đập tan gông cùm”, thì phải nói gì về quyền lực của Đấng đã bắt qủy phải xưng tên mình ra – điều đó theo ý kiến các vị trừ tà thời ấy - là dấu chứng tỏ một sự chế ngự hoàn toàn.

Một xứ sở được thanh tẩy

Còn về chuyện bầy heo cả chừng hai ngàn con nhảy xô xuống biển và chết ngộp dưới đó, thì đó là dấu chỉ rằng một người được ơn giải thoát có ảnh hưởng tới người xung quanh. Vì đối với người Do thái, heo là con vật biểu tượng của sự ô uế. Sự chết chìm bi thảm của cả bầy heo cũng ngụ ý sự chấm dứt quyền lực của sự ác vốn ngự trị trên miền đất này và càng làm sáng tỏ ảnh hưởng phấn khởi của ơn giải thoát do Chúa Kitô mang lại vậy.

 

SUY NIỆM 3: Chúa tỏ bày quyền năng, và …

Sau phép lạ dẹp yên sóng gió, hôm nay trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu lại tỏ bày quyền năng của Ngài ở vùng đất dân ngoại.

Sức mạnh của sự dữ thật lớn, nhưng Ðức Giêsu không gặp khó khăn nào khi xua trừ ma quỉ. Vậy mà Ngài phải khựng lại trước thái độ của con người.

Trình thuật kết thúc bằng sự thất bại bi thảm: Ðức Giêsu bị người ta trục xuất khéo léo. Thiên Chúa luôn mở rộng con đường hạnh phúc, nhưng Satan thì cản lối và con người lại nhát đảm dấn thân. Họ khước từ bởi họ quyến luyến với trần thế hơn.

 

Suy Niệm 4: SỨ VỤ CỦA ĐẤNG THIÊN SAI (Mc 5,1- 20)

Có những cái nhìn và lối suy nghĩ đã đi vào truyền kiếp. Nếu cái nhìn tích cực thì lối suy nghĩ cũng tích cực, nếu không thì ngược lại!

Người Do thái thời Đức Giêsu cũng vậy! Họ đã nhìn ai với cái nhìn khinh bỉ thì muôn đời, con người đó không có điểm nào tốt được!

Thật vậy, vào thời Đức Giêsu, dưới con mắt của người Do thái, dân ngoại là dân đáng bị miệt thị, là dân luôn sống trong tội lỗi và dưới ách thống trị của Ma Quỷ.

Tuy nhiên, khi Đức Giêsu đến, Ngài không còn phân biệt lằn ranh giữa Do thái hay dân ngoại, nhưng sứ vụ của Ngài là đem ơn cứu độ đến với muôn dân.

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu đến vùng Ghêrasa và làm phép lạ xua đuổi Ma Quỷ ra khỏi người bị quỷ ám.

Qua phép lạ này, dưới con mắt người đời, thì đây là một sự thành công, vì người bị Quỷ ám có một sức mạnh phi thường, không ai đụng tới hắn được, bởi lẽ anh ta bị cả một cơ binh Quỷ nhập vào. Một cơ binh chính là tên gọi của một đạo quân Lamã thời ấy và có khoảng 6.826 người lính. Như vậy, số Quỷ nhập vào người này cũng đông vô số kể như vậy. Khi Ma Quỷ nhập vào người thanh niên này, anh ta mạnh khỏe phi thường.

Phép lạ này cho thấy, Đức Giêsu có quyền năng trên Ma Quỷ, Ngài đến để giải thoát con người khỏi bị ràng buộc bởi sự dữ. Đem lại cho họ cuộc sống tự do.

Nhưng cái giá mà Ngài phải chịu, chính là sự loại trừ của những Luật Sĩ và Pharisêu.

Suy nghĩ về sứ vụ và thân phận ngôn sứ của Đức Giêsu, một lần nữa chúng ta ý thức hơn về sứ mạng và số phận của mỗi người chúng ta trên hành trình sống đạo và loan báo Tin Mừng. Số phận của Thầy cũng là của trò. Muốn trở nên môn đệ đích thực của Thầy Giêsu, hẳn chúng ta phải lội ngược dòng. Đi ngược quy luật tự nhiên để hiểu được giá trị của những nghịch cảnh khi chúng ta bị người đời phản đối, khước từ, cho dù những việc làm của chúng ta là những hy sinh vô vị lợi!

Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời của Chúa đã không ngừng thi ân giáng phúc, nhưng Chúa đã không được người đời coi trọng, mà luôn bị khinh khi! Xin Chúa cho chúng con hiểu được sự thật này để chỉ tìm vinh danh Chúa và mong sao cho Nước Chúa được hiển trị muôn nơi, còn chuyện khen chê, xin cho chúng con không coi trọng nó mà ảnh hưởng đến sứ vụ được trao. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 5: Tên tôi là đạo binh

Trừ quỷ là việc Đức Giêsu vẫn hay làm.

Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Ngài trừ quỷ ở vùng đất dân Ngoại.

Tài kể chuyện của Máccô được thể hiện rõ nét qua bài Tin Mừng này.

Hiếm khi có câu chuyện sống động và ly kỳ đến thế!

Đức Giêsu và các môn đệ vượt biển để đến vùng đất Ghêrasa.

Vừa ra khỏi thuyền thì gặp ngay người bị ám bởi thần ô uế.

Anh sống ở nơi mồ mả, nơi thường được coi là chỗ ở của quỷ ma.

Anh mạnh ghê gớm đến nỗi không xiềng xích nào có thể kiềm chế được.

Sống cô độc, đe dọa người khác, tự hành hạ và làm hại chính bản thân,

đó là thân phận bi đát mà anh không sao thoát khỏi (cc. 3-5).

Rõ ràng anh hoàn toàn bị quỷ dữ chiếm đoạt, chẳng còn chút tự do.

Nhưng lạ thay, chính anh lại chạy đến với Đức Giêsu để gặp Ngài.

Quỷ dữ nơi anh biết rõ Đức Giêsu là ai, là Con Thiên Chúa Tối Cao.

Nhưng cái biết đó lại khiến nó phải run sợ xin Ngài đừng hành hạ (c. 7).

Quỷ dữ biết danh tánh của Đức Giêsu, nhưng không chế ngự được Ngài.

Bây giờ Ngài bắt nó phải khai danh tánh của nó, trước khi Ngài hành động.

Hóa ra đây không phải là một quỷ, mà là một lũ quỷ đông đảo (c. 9).

Đạo binh quỷ này khẩn khoản xin Đức Giêsu một ơn,

đó là chỉ đuổi chúng ra khỏi người này, chứ đừng đuổi ra khỏi vùng này,

vì chúng hy vọng sẽ tìm được một con mồi khác (c. 10).

Đạo binh thần ô uế xin được nhập vào đàn heo vốn bị coi là ô uế.

Sự đồng ý của Đức Giêsu khiến toàn bộ những gì ô uế bị hủy diệt.

Ngài đã thanh tẩy chẳng những anh bị quỷ ám, mà cả vùng anh ở nữa.

Khi người bị quỷ ám được tự do, anh ấy trở nên khác xưa.

Anh ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi, trí khôn tỉnh táo (c. 15).

Người dân trong vùng khiếp sợ nên xin Đức Giêsu đi khỏi đất của họ.

Chỉ có anh vừa được trừ quỷ là xin ở với Ngài như môn đệ (c. 18).

Nhưng ơn gọi làm môn đệ phải đến từ Thầy Giêsu.

Ngài khuyên anh nên về nhà, ở lại vùng đất của mình,

để loan báo mọi điều Chúa đã làm cho anh và thương xót anh (c. 19).

Anh đã vâng lời và trở nên người loan báo về Đức Giêsu nơi dân Ngoại.

Đối với anh, Đức Giêsu chính là Chúa.

Thế giới chúng ta sống thì văn minh hơn, khoa học hơn, hạnh phúc hơn,

nhưng vẫn không thiếu cảnh những người sống như bị ám, như bị ma nhập.

Có những người sống trong cô độc và trở nên nguy hiểm cho tha nhân.

Có những kẻ tự giết mình từng ngày trước khi tự tử.

Tru tréo và lấy đá rạch mình không phải là chuyện hiếm (c. 5).

Ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo

là niềm mơ ước của biết bao gia đình có người thân bị bệnh.

Bệnh tâm thần là căn bệnh mà ít nhiều chúng ta đều dễ mắc.

Lắm khi con người thấy bó tay, không tự mình giải thoát mình được.

Xin Chúa Giêsu tiếp tục trừ quỷ cho chúng ta, cho vùng đất chúng ta sống.

Xin Ngài tiếp tục tẩy trừ sự ô uế đang thao túng ở lòng con người.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

ai trong chúng con cũng thích tự do,

nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.

Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự :

tự do trước những đòi hỏi của thân xác,

tự do trước đam mê của trái tim,

tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,

để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,

để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho chúng con được tự do như Chúa.

Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,

khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi

và chữa bệnh ngày Sabát.

Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,

khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.

Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,

vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,

để chúng con được tự do bay cao. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

Tạ ơn Chúa.

04/02 – Thứ Hai tuần 4 thường niên.

 

NGÀY TẤT NIÊN. TẠ ƠN THIÊN CHÚA.

"Người ấy đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người".

 

Lời Chúa: Lc 17,11-19

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi ngang qua biên giới Samaria và Galilêa.

Lúc Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch.

Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này".

Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về, vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".

 

GIAO THỪA. CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI.

Lời Chúa: Mt 5,1-10

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mátthêu.

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ".

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an.

Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp.

Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả.

Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương.

Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.

Phúc cho những ai ăn ở thuận hòa, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ".

 

1. Thánh Lễ Tạ Ơn tất niên  (Lm. Giuse Trương Đình Hiền)

 (Is 63,7-9; 1Co 1,3-9; Lc 1, 39-45)

Dẫn nhập đầu lễ:

Anh chị em thân mến,

Chiều hôm nay, cộng đoàn chúng ta họp nhau cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn nhân ngày Tất Niên, ngày kết thúc một năm cũ, năm Giáp Thân 365 ngày của năm cũ sắp đi qua mang theo bao nhiêu vui buồn sướng khổ, những giọt mồ hôi lẫn nước mắt, những nụ cười hoan vui lẫn xót xa cay đắng. Chúng ta xin dâng lên Thiên Chúa tất cả để hiệp cùng của lễ cực thánh là chính hiến Tế của Chúa Kitô làm thành Lời Ca Tụng Tạ Ơn tôn vinh Thiên Chúa, như chính Đức Kitô đã hiến dâng của lễ Tạ Ơn Chúa Cha là cả cuộc đời trong Hy Tế Thập Giá mà chúng ta đang tái diễn qua Thánh Lễ nầy.

Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta để xứng đáng cử hành Thánh Lễ.

Giảng Lời Chúa:

Đã lắm phen và bằng nhiều cách, Thiên Chúa đã dạy bảo loài người chúng ta phải biết sống thái độ tạ ơn. Qua bao nhiêu bài Thánh Vịnh, thánh thi trong cựu ước chúng ta gặp không biết bao nhiêu lời tạ ơn đã được cất lên: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 136)

Lạy Chúa xin dâng lời cảm tạ

Ngài dã nghe lời miệng con xin (Tv 138)

Hãy dâng Chúa bài ca cảm tạ

Gảy khúc hạc cầm mừng Thiên Chúa chúng ta (Tv 147)

Ngay trong Bài Đọc 1 hôm nay, sứ ngôn I-sa-i-a đã thay lời Thiên Chúa nói với muôn thế hệ nhân loại rằng:

Tôi xin nhắc lại ân nghĩa Chúa, dâng lời ca tụng Chúa, vì tất cả những gì Chúa thực hiện cho chúng tôi, vì lòng nhân hậu lớn lao của người đối với nhà Ít-ra-en, vì những gì Người đã thực hiện, bởi lòng Người đầy lòng thương xót và lắm nghĩa giàu ân”.

Nhưng để có một lời Tạ ơn cao cả nhất, trọn vẹn nhất phải đợi đến khi Thiên Chúa sai Con Một mình! Vâng, chỉ có người Con nhân loại và chính là Con Thiên Chúa, đã đến để dẫn dắt con người đi vào quỹ đạo của tình yêu tạ ơn, đi vào thái độ hiếu nghĩa tin yêu dành cho Thiên Chúa một cách trọn hảo qua chính cuộc đời Ngài.

1. Đức Kitô thiết lập nghĩa cử tạ ơn bằng cuộc đời vâng phục:

Nếu dân tộc của Giao ước cũ đã minh chứng niềm tin và lòng tri ân hiếu thảo đối với Thiên Chúa qua những của lễ chiên bò, hy sinh và tạ tội; thì trong trật tự của Giao Uớc Mới, của lễ tuyệt hảo nhất, lời tạ ơn trọn vẹn nhất dành cho Thiên Chúa lại chính là Con Người của Đức Kitô, là cuộc đời và toàn bộ cuộc sống của Ngài, một cuộc đời trọn vẹn vâng phục thánh ý Chúa Cha:

Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô đã nói: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: lạy Thiên Chúa, nầy con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.” (Dt 10,5)

Thật vậy, Đức Kitô đã đến giữa trần gian và đã biến cả vũ trụ trở nên một “đền thờ vĩ đại” và đã qui tụ toàn nhân loại chung quanh Ngài để làm nên một cuộc “đại thờ phượng”, một cuộc tạ ơn và phụng thờ Thiên Chúa vượt qua mọi biên giới không gian, xuyên suốt mọi thời gian. Bởi vì đó là cuộc thờ phượng Thiên Chúa trong Thánh Thần và Chân lý:

“Nầy chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi nầy hay tại Giê-ru-sa-lem…..Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc nầy đây – giờ những người thờ phượng đích thức sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế.” (Ga 4,21-24)

Qua những chỉ dẫn của Tin Mừng, chúng ta còn biết được rằng: thái độ tạ ơn, tâm tình tri ân cảm tạ lại chính là thái độ cốt yếu của tinh thần “Tám mối Phúc thật”, tinh thần “nghèo khó, khiêm hạ, yêu thương…”, tinh thần luôn biết đưa tay hướng mắt về phía Thiên Chúa với niềm tin yêu phó thác của những con người như Bà Góa bị loạn huyết 18 năm xứ Canaan, của người phung hủi ngoại bang được chữa lành, của viên sĩ quan có người tôi tớ đau nặng, của người đàn bà tội lỗi khóc lóc ăn năn, của những người thu thuế bị loại trừ như Gia-kê, Lê-vi, của các trẻ thơ xúm quanh để chờ được chúc lành hay của người kẻ trộm sắp sửa đi về bên kia thế giới với hy vọng sẽ được cứu độ trong Vương quốc phục sinh…

Rồi cũng chúng ta cũng biết được rằng: trên môi miệng của Đức Kitô luôn vang lên lời tri ân cảm tạ: “Lạy Cha, con tạ ơn Cha, vì Cha đã dấu…”

Và còn hơn thế nữa Ngài đã tạ ơn bằng chính 1 cuộc đời vâng phục mà chỉ trọn vẹn khi Ngài nói lời “Con phó thác hồn con trong tay Cha”. Đó chính là lời tạ ơn trọn hảo nhất bằng Hy Tế Thập Giá mà hôm nay trên mọi bàn thờ chúng ta đang tái diễn mỗi ngày.

2. Đức Trinh Nữ Maria và lời Tạ Ơn Magnificat:

Cảm tạ hồng ân của Thiên Chúa trong Đức Kitô, nhờ Đức Kitô và với Đức Kitô chính là con đường đức tin của Dân Chúa hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Và may mắn thay, trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại suốt 2000 năm nay, đã có một “bài ca tạ ơn”, đã có một “cuộc đời tạ ơn” theo cung cách ấy. Đó chính là bài ca “Magnificat”, đó chính là “cuộc đời của Trinh nữ Maria”. Quả thật cuộc đời của Đức Mẹ được phản ảnh qua bài Magnificat mà Tin Mừng hôm nay vừa nhắc đến là mô hình sống động, là mẫu gương sáng ngời để nhân loại bước đi trong “con đường tạ ơn” Thiên Chúa, trên nẽo đường đáp trả hồng ân.

– Tạ ơn: trước hết là như Đức Maria dâng lên lời ngợi khen Thiên Chúa và hân hoan vì hồng ân cứu độ Ngài đã ân ban: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa….”

– Tạ ơn: phải chăng như Đức Maria nhận ra “những việc lạ lùng Thiên Chúa đã thực hiện nơi tôi”.

– Tạ ơn phải chăng như Đức Maria luôn biết nhận ra bàn tay Thiên Chúa đưa ra nâng đỡ thân phận yếu hèn, lòng quảng đại Chúa mở ra để ban cho dư đầy ơn phúc.

-Tạ ơn phải chăng là luôn xác tín mãnh liệt và đầy lòng trông cậy vững vàng trước lời hứa và kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa: “Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta. Vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời”.

Và Mẹ đã hoàn tất lời tạ ơn tuyệt diệu đó vào Chiều Thứ Sáu trên đồi Can-vê khi Mẹ thay cho nhân loại dâng hiến lễ Tạ Ơn đầu tiên cùng với Con yêu dấu trên bàn thờ Thánh Giá.

3. Sống chiều kích Tạ Ơn trong nhỏ nhặt đời thường:

Qua lời kinh Tạ Ơn Magnificat của Đức Maria, và nhất là, qua cuộc đời đã trở nên Hy Tế TẠ Ơn của chính Đức Kitô, chúng ta cảm nhận được rằng:

– Thái độ Tạ Ơn, cuộc sống Tạ Ơn không chỉ là một hành vi mang tính “thời sự’, “cơ hội” đột xuất (như được khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, thoát qua cơn hoạn nạn, tránh được hiểm nguy, làm ăn buôn bán trúng mánh, trúng số độc đắc…), nhưng “Tạ Ơn” phải là một thái độ, một nhịp sống, một cử hành thường xuyên, từng phút giây, mọi biến cố, trên mọi nẽo đường cuộc sống. Đó chính là cách ứng xử mà mấy ngàn năm trước, ông thánh Gióp đã từng nêu gương: “Chúa cho, Chúa cất lấy, xin cảm tạ ơn Chúa!”. Dĩ nhiên, có những thời điểm, có những biến cố dễ gợi mở tâm tình chúng ta hướng về Thiên Chúa trong thái độ tạ ơn đặc biệt…Nhưng không phải, chỉ tạ ơn trong những hoàn cảnh, những thời điểm đặc biệt thôi, còn ngoài ra thì “bàn tay ta làm nên tất cả”, có nhờ vả ai đâu, có khấn xin gì nào mà phải tạ ơn cám ơn…

– Bởi vì, chính khi chúng ta cử hành cuộc sống trong thái độ tạ ơn, chúng ta sẽ thấy cuộc đời mình nhỏ lại, khiêm hạ hơn, khó nghèo hơn, trái tim kiêu căng hợm hĩnh sẽ được biến đổi để trở nên nhỏ bé hiền lành, và từ đó con mắt tâm hồn sẽ khám phá ra muôn vạn hồng ân của Cha trên trời vây bọc xung quanh. Ngày hôm nay, hơn lúc nào hết, cái nảo trạng ‘đương nhiên” của chủ nghĩa duy vật vô thần đang âm thầm hay mãnh liệt len lỏi vào mọi ngỏ ngách của cuộc sống. Vì đã lý luận như thế: “đương nhiên trái cấm nầy thuộc về tôi, địa đàng nầy là của tôi, tôi cóc cần Thiên Chúa với những luật lệ của Ngài…” mà A-đam và E-Va đã đẩy nhân loại vào vũng lầy nguyên tội. Cũng vì lý luận như thế: tôi khỏi phung cùi chắc là do số phận run rủi, là tới lúc phải được như thế, chứ ông Giêsu nào có can thiệp gì đâu… nên chín người phung cùi được khỏi bệnh đã không thèm trở lại tạ ơn Chúa Giêsu! Còn chúng ta hôm nay thì sao. Có thấy được “phép lạ tình yêu của Thiên Chúa” ghi dấu ấn trên đời thường cuộc sống mỗi ngày để ngước mắt tạ ơn, hay chỉ là những thở dài oán trách Chúa vì đã van xin bao điều mà sao vẫn cứ hoài vô vọng. Có thấy bàn tay quan phòng của Thiên Chúa tế nhị ấp yêu trên mọi biến cố cuộc đời để cảm tạ tri ân, hay chỉ thấy mọi sự là “đương nhiên” để cóc cần phải tính sổ với Thiên Chúa.

Trong giờ phút thiêng liêng khi trời đất sắp sửa giao mùa, chúng ta có dịp ngồi lại với nhau trước mặt Chúa để nhờ ánh sáng của Lời Ngài mà nhìn lại cuộc sống, mà cảm nhận muôn vạn hồng ân Chúa đã ân ban trong suốt một năm. Và điều quan trọng hơn hết, phải chăng là chúng ta được cùng với Đức Kitô dâng Hy Tế Tạ Ơn nầy như một nghĩa cử của lòng hiếu thảo mến yêu, của tâm tình tri ân cảm mến; và cũng chính qua sứ điệp của lời kinh tạ ơn Magnificat của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta được gọi mời từ hôm nay, biết mở lòng đón nhận và khám phá muôn điều kỳ diệu Chúa đã làm, để từ đó biến cuộc sống trở thành “Lời ca khen cảm tạ Magnificat”:

Hồn tôi tán tụng Chúa Trời,

Lòng tôi hoan hỷ dâng lời tạ ơn,

Tạ ơn Chúa chuộc khoan nhân,

Thương người tỳ nữ, thương thân phận hèn.

Từ nay thiên hạ ca khen,

Rằng tôi có phúc, có duyên lạ lùng.

Rằng tôi bé mọn khiêm cung,

Được bàn tay Chúa oai hùng điểm trang,

Cho tôi nên trọng nên sang,

Cho Danh Thánh Chúa hiển vang muôn đời (SĐTT, NXV)

 

2. Thánh Lễ Giao Thừa

(Bài đọc 1: Ds 6, 22-27, Bài đọc 2: 1 Tx 5, 16-26. 28, Tin mừng: Mt 5, 1-10)

Lời tạ ơn

Vậy là chúng ta đang ở vào những giờ phút cuối cùng của năm Giáp Thân, chuẩn bị bước vào năm mới Ất Dậu. Và cũng theo lệ thường không biết đã có từ bao giờ, đây là giây phút để tất cả chúng ta cùng nhìn lại cuộc sống của chúng ta trong suốt một năm qua. Đồng thời, cũng là lúc chúng ta hướng một cái nhìn vào năm mới.

Nhìn lại những gì đã lãnh nhận trong năm cũ và hướng về những điều sẽ được ban trong Năm mới, có lẽ tâm tình thích hợp và đúng đắn nhất của mỗi người tín hữu chúng ta là tâm tình tạ ơn như lời mời gọi của thánh Phaolô: “Anh em hãy vui mừng luôn… Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh”.

1. Nhìn về năm cũ:

Cha ông chúng ta vẫn thường nói: “Ôn cố, tri tân”. Do đó, để có thể bước vào năm Mới một cách thành công, điều đầu tiên chúng ta cần làm là “ôn cố”, nghĩa là nhìn lại cuộc sống chúng ta trong suốt một năm qua. Trong suốt 365 ngày vừa qua, chắc hẳn đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện trong cuộc đời của mỗi người chúng ta: chuyện vui cũng có, mà chuyện buồn chắc cũng không thiếu. Một năm với nhiều thành công và chắc cũng có nhiều vấp váp lỗi lầm. Nhưng cho dù vui hay buồn, thành công hay thất bại, thì đó cũng là chuyện đã xảy ra trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Giờ đây, khi nhìn lại cuộc sống của mình trong năm cũ, Giáo Hội mượn lời thánh Phaolô khuyên bảo con cái mình: “Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ lấy; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa”.

Vâng, điều gì tốt thì giữ lại và phát huy, điều gì xấu thì loại bỏ và lánh xa, đó chính là thái độ của những người khôn ngoan, thức thời, đó là thái độ cần có của mỗi người chúng ta trong giờ phút Giao thừa này.

Nhìn lại một năm, có lẽ điều mà mỗi người chúng ta có thể cảm nhận được, đó là hồng ân Thiên Chúa đang bao phủ cuộc đời của từng người và cả giáo xứ chúng ta. Vâng, khi nhìn lại một năm qua, có lẽ nhiều người chúng ta phải rùng mình vì không biết tại sao chúng ta lại đứng vững và vượt qua được nhiều thử thách gian nan đến thế. Có những biến cố chúng ta không ngờ, những tai nạn tưởng chừng như không thể tránh khỏi. Vậy mà không biết bằng cách nào, chúng ta đã vượt qua tất cả. Đối với những người không tin, đó có thể là sự may mắn, nhưng thật ra, chẳng có cái gì là vô tình. Chính vì thế, trong giờ phút cuối năm này, Giáo Hội mượn lời Thánh vịnh nhắc bảo từng người chúng ta: “Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. Chúa gìn giữ bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời”. Như thế, mọi sự xảy ra trong đời sống chúng ta chẳng phải là vô tình, nhưng tất cả đều nằm trong sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Và đó chẳng phải là hồng ân tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho chúng ta đó sao?

Chính vì cảm nghiệm được hồng ân Thiên Chúa trong cuộc đời mình, tác giả Thánh vịnh đã cất tiếng ca khen Thiên Chúa: “Ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao? Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa, là Đấng dựng nên cả đất trời”. Và nếu quả thật “ơn phù hộ của chúng ta đến từ Đức Chúa, Đấng dựng nên cả đất trời”, thì thánh Phaolô có lý khi mời gọi chúng ta: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Giêsu Kitô”.

Tóm lại, khi nhìn về năm cũ, không phải để chúng ta chán nản bởi vì đã không được như ý của chúng ta, hay tự mãn vì những điều xem ra thành công, nhưng đây là giây phút để chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời mình và hết lòng dâng lời cảm tạ Ngài, vì những gì Ngài đã làm cho chúng ta trong một năm qua.

2. Nhìn về tương lai:

Mặt khác, Giao thừa không chỉ là dịp để chúng ta suy gẫm việc đã qua, nhưng còn là thời gian để chúng ta chuẩn bị hướng tới tương lai. Có lẽ với năm tháng trôi qua, càng ngày chúng ta càng cảm nghiệm rõ hơn về giới hạn của chính bản thân và của những người chung quanh, nói chung là giới hạn của con người. Con người giới hạn phần vì “lực bất tòng tâm”, phần vì tính ích kỷ của mỗi người. Trong năm qua, đã biết bao lần chúng ta hứa hay nhận được lời hứa, nhưng rốt cuộc chẳng thực hiện được là bao. Lắm khi những người chúng ta tin tưởng nhất lại là những người làm chúng ta thất vọng nhất. Do đó, tin tưởng nơi Chúa quả thật là điều cần thiết và là một bảo đảm chắc chắn nhất cho hạnh phúc của mỗi người chúng ta. Chính Đức Giêsu khi nghe người ta khen ngợi: “Phúc cho lòng dạ cưu mang ông, và vú ông đã bú!”, thì Ngài đã lập tức tuyên bố: “Hạnh phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11, 27-28).

Hướng về năm mới, chúng ta cần có một cái nhìn tươi vui và tin tưởng vào Thiên Chúa. Đây không phải là sự vui mừng hay là một niềm tin mù quáng, dễ dãi của những tâm hồn yếu đuối, nhưng là niềm vui và niềm tin của những tâm hồn mạnh mẽ. Đó là niềm vui của những người biết rõ những khó khăn, thử thách vẫn còn đó, nhưng vì tin có Chúa ở cùng, nên họ vẫn luôn vui vẻ, nhìn ra mặt tích cực của các sự kiện để bước tới trong tin tưởng. Nhìn lên bầu trời đầy mây đen u ám, họ không buồn vì mây che mất mặt trời, nhưng vẫn vui vì ánh sáng của mặt trời vẫn đủ để họ nhìn thấy được đám mây đen. Chính trong niềm tin đó, Giáo Hội đã muốn chúng ta suy niệm về các mối phúc trong Thánh lễ Giao thừa hôm nay. Thật vậy, trong năm mới sắp tới, cho dù có nghèo khổ, đói khát, hay bị bách hại đi chăng nữa, thì gia nghiệp Nước Trời đang dành sẵn đó cho những ai hết lòng tin tưởng cậy trông.

Đồng thời, không chỉ là thụ động đón nhận những thử thách, Đức Giêsu còn mời gọi chúng ta sống hiền lành, biết cảm thương và sẵn sàng chia sẻ với những nỗi bất hạnh của anh chị em mình để rồi đến lượt mình, chúng ta cũng được Thiên Chúa xót thương. Ngài còn muốn chúng ta đến gặp gỡ Thiên Chúa và được Thiên Chúa nhận làm con, khi mời gọi chúng ta sống trong sạch và kiến tạo hòa bình cho thế giới hôm nay. Và nhờ luôn ở trong Thiên Chúa, chúng ta sẽ được hạnh phúc. Chính trong niềm tin này, thánh Phaolô đã cầu xin cho chúng ta: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta quang lâm”.

Cuối cùng nhờ “Ôn cố tri tân”, mà chúng ta nhận ra rằng: Thành quả mà giáo xứ chúng ta có được ngày hôm nay chính là kết quả của biết bao thế hệ cha ông, những người còn sống cũng như đã qua đời xây dựng nên. Do đó, giờ phút Giao Thừa cũng là cơ hội thuận tiện để mỗi người chúng ta cầu nguyện cho các ngài. Đồng thời, đây cũng là dịp nhắc nhở mỗi người chúng ta hôm nay cần phải chung sức góp công của mình, để vun đắp cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta ngày càng trở nên một cộng đoàn sống yêu thương và hiệp nhất trong tình yêu của Thiên Chúa. Và không chỉ dừng lại ở cộng đoàn Giáo xứ, cách tốt nhất để chúng ta tỏ lòng biết ơn ông bà, cha mẹ, đó là tiếp bước các ngài, loan truyền Tin mừng của Thiên Chúa cho tất cả mọi người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống thường ngày.

Để kết thúc bài chia sẻ này, tôi xin mượn lại lời Chúa trong bài đọc một để cầu chúc cho quý OBACE: “Nguyện Đức Chúa ban phúc lành và gìn giữ anh chị em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và dủ lòng thương anh chị em!” trong suốt Năm Mới này. Amen.

 

3. Giây phút linh thiêng (Lm Jos. Nguyễn Hưng Lợi)

Thi sĩ Hàn Mạc Tử đã viết một câu thơ rất ý nghĩa:” Giây phút linh thiêng đã khởi đầu…”. Xuân về được bắt đầu bằng giây phút giao thừa. Người người, nhà nhà, mọi gia đình, mọi người đón chào giây phút linh thiêng khởi đầu một năm mới trước bàn thờ hương trầm nghi ngút bay. Giây phút kết nối giữa những ngày đã qua và những ngày mới bắt đầu. Người Kitô hữu tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi vì bao hồng ân Chúa ban và cầu sự an bình cho một năm mới đã ló rạng. Đây là khởi điểm của thời gian khiến con người gợi nhớ về sự sáng tạo mà Thiên Chúa trao ban cho vũ trụ, cho con người.

GIAO THỪA, ĐẤT TRỜI GIAO CẢM:

Thời gian đêm giao thừa rất linh thiêng, huyền nhiệm. Người ta nâng cốc chúc nhau sức khỏe, may mắn và bình an trong lúc đón chào Chúa xuân đến với hy vọng năm mới sẽ có những điều mới, an lành và hạnh phúc hơn. Năm mới đến có liên quan đến vận mệnh của từng con người. Riêng đối với người Kitô hữu, giây phút giao thừa, thời điểm bàn giao giữa năm cũ và năm mới còn mang ý nghĩa cao vời: con người sẽ nhớ tới Đấng là Mùa Xuân vĩnh cửu, Đấng tạo dựng đất trời, dựng nên con người. Đấng ấy là Thiên Chúa, là tình yêu. Đêm giao thừa làm cho người Kitô hữu nhớ đến Đấng Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng nhân loại, ở với con người, ở với mỗi người. Thiên Chúa đã sai Con của Người là Đức Giêsu tới trần gian cũng vào một đêm, đêm mà Con Thiên Chúa và loài người hợp nghĩa kết giao. Đêm mà các thiên thần loan báo cho các mục đồng, đại diện cho toàn nhân loại tin vui về việc Con Thiên Chúa đến với họ và ở lại với họ để ban an bình, và hứa với họ sẽ ở với họ cho tới ngày tận cùng thế giới.

VẪN LÀ GIÂY PHÚT LINH THIÊNG:

Giây phút giao thừa là thời điểm của một năm mới, là lúc trời đất giao hòa, là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người. Chính trong giây phút huyền diệu của đêm giao thừa, con người chỉ có thể nói lên:” Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Sion”(Tv 133, 3) hoặc ” Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời”. Đón xuân về, trong giây phút giao thừa uy linh và huyền nhiệm, con người vẫn nhớ tới cảnh đoàn tụ, ấm cúng của gia đình, nhưng vẫn còn những gia đình, những kẻ thiếu may mắn không có điều kiện, cơ hội để đón giao thừa. Chúa là mùa xuân vĩnh cửu. Người Kitô hữu được mời gọi sống tin, yêu và sứ mạng của họ là loan báo Mùa Xuân vĩnh cửu cho mọi người.

Chúa là mùa xuân vĩnh cửu. Con người biết chia sẻ, biết quảng đại, biết cảm thông và loan báo Đức Giêsu Kitô, Đấng là mùa xuân bất tận cho người khác là họ đã sống giây phút linh thiêng nhất của một năm vì họ có Chúa ở cùng, và như vậy khi một tâm hồn có Chúa ở cùng là một trời xuân bất tận (thánh Gioan Vianney).

Lạy Thiên Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Thánh (Lời nguyện nhập lễ, thánh lễ giao thừa)

 

4. Lời cảm tạ tri ân (Lm. Jos. Nguyễn Hưng Lợi)

Ngày cuối của một năm, thường con người vẫn có thói quen ngồi lại để tính sổ với Chúa, với đời xem mình đã làm được gì, chưa làm được gì và rồi con người dù thế nào đi nữa vẫn phải nói lên lời tạ ơn Thiên Chúa vì do tình thương của Ngài mà con người vẫn còn tồn tại.

CUỘC ĐỜI PHẢI LÀ LỜI CẢM TẠ:

Nhìn lại một năm với bao biến cố xẩy ra trong đời: buồn có, vui có, khó khăn có, may mắn có, con người vẫn tự nhủ tại sao mình còn hiện diện? Tại sao mình còn thở, còn sinh hoạt được, còn đi dứng, ăn uống, ngủ nghỉ được? Chắc chắn với lòng tin sẵn có, người Kitô hữu luôn ý thức Thiên Chúa đang tiếp tục làm phép lạ trong cuộc đời của mình. Như vậy, tâm tình của con người là tạ ơn. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô đã viết:” Đàn hát lên! Nhờ Thánh Thần linh hứng, trót tâm tình, dâng Thiên Chúa là Cha. Luôn cảm ta Người, nhân danh Thánh Tử vì Người ban muôn phúc lộc chan hòa”(Eph 5, 19-20). Vâng, Thiên chúa đã ban cho nhân loại, cho mỗi người muôn vàn hồng phúc. Những ân huệ cao quí, Thiên Chúa tặng ban cho con người quả không kể xiết. Con người chỉ có thể hiểu được những điều quí hóa ấy khi họ biết hồi tỉnh, suy nghĩ và cầu nguyện. Hồi tỉnh để thấy mình đã lãnh nhận quá nhiều ân phúc mà chỉ Thiên Chúa mới có thể trao ban. Suy nghĩ để con người nhận ra họ được hạnh phúc có Thiên Chúa là Cha nhân từ không nỡ cho con người con bọ cạp hoặc hòn đá khi họ xin bánh ăn. Cầu nguyện để thân mật trao đổi và cám ơn Thiên Chúa vì tình thương vô biên Chúa đã tặng ban cho con người. Chính vì thế, con người phải luôn có tâm tình như Chúa Giêsu vì cuộc đời của Ngài là bài ca cảm tạ tri ân Thiên Chúa Cha. Chúa luôn cảm tạ Chúa Cha trong mỗi biến cố cuộc đời: khi làm phép lạ cho cá và bánh hóa nên nhiều, khi lập bí tích Thánh Thể, khi chọn các môn đệ và nhiều việc Chúa Giêsu làm trong đời của Ngài. Bao giờ, Chúa cũng nói lên lời tạ ơn Thiên Chúa Cha. Tạ ơn là điều tối hệ trọng trong đời Chúa Giêsu. Mẹ Maria cũng thế, Mẹ đã nói lên lời xin vâng và tạ ơn trong cả cuộc đời của Mẹ. Bài kinh Magnificat Mẹ cất lên hôm nay là một lời cảm tạ Thiên Chúa Cha. Mẹ mời gọi mỗi người Kitô hữu hãy cùng Mẹ hát bài tạ ơn vì chính Mẹ và con cái của Mẹ đã được Thien Chúa trao ban quá nhiều hồng phúc.

NGÀY CUỐI NĂM LUÔN LÀ LỜI TẠ ƠN:

Nhìn lại một quãng đời, suy nghĩ về một chặng đường đã qua, con người chỉ biết thốt lên như Mẹ:”…Đấng toàn năng đã làm cho Tôi biết bao điều kỳ diệu”. Đời con người là một huyền nhiệm. Chúa đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, Ngài lại ban cho con người biết bao hồng phúc khiến con người không thể nào hiểu hết sự lạ lùng của Thiên Chúa. Con người chỉ có thể cùng với tác giả thánh vịnh:’ Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa”(Tv 115, 12-13)

Ngày cuối năm, người Kitô hữu luôn phải ngồi lại để suy nghĩ, điều chỉnh tâm hồn và nói lời tạ ơn Thiên Chúa. Đây là dịp rất tốt để con người hồi tỉnh xem điều gì mình đã làm được tốt, điều gì mình chưa làm tốt và điều còn thiếu xót để rồi chấn chỉnh điều chưa tốt và nhân lên càng nhiều càng tốt điều tốt lành mình đã làm được. Điều quan trọng con người cần phải xét tới xem mình đã có quan hệ thế nào đối với Thiên Chúa và có thái độ ra sao đối với tha nhân? Chúa luôn mời gọi mỗi người quay trở về với Thiên Chúa và làm hòa với anh em. Như thế, ngày cuối năm là dịp để hồi tỉnh, trở về với Chúa và thắp sáng đức tin cho anh em. Những việc làm tỏa sáng vẫn là những việc Chúa mời gọi con người thực hiện để làm vinh danh Chúa và nối kết anh em. Ngày cuối năm cũng là ngày tạ lỗi Chúa và tạ lỗi mọi người. Tạ lỗi là nói lên lòng sám hối, ăn năn và tạ ơn.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong suốt cả năm nay, Chúa đã thương ban phù trợ cho hồn xác chúng con an toàn. Giờ đây năm cũ sắp qua, chúng con cùng họp nhau dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân, và xin Chúa thứ tha tội lỗi, để chúng con được thư thái bình an trước thềm năm mới (Lời nguyện nhập lễ, lễ tất niên).

 

5. Hạnh phúc theo Tám Mối Phúc Thật (Martin Lê Hoàng Vũ)

Giao thừa, đêm trừ tịch, đêm 30 tháng chạp âm lịch là thời khắc thiêng liêng nhất trong năm. Bởi vì đêm nay có một sự chuyển giao của thời gian: Một năm cũ ra đi và năm mới lại đến. Chính vì vậy người Việt Nam dù quanh năm đi làm ăn xa cũng cố gắng thu xếp trở về với gia đình trước đêm nay để cùng với người thân đón một năm mới lại đến. Đêm giao thừa còn là thời khắc “ngừng chiến” để con người tận hưởng bầu khí ấm áp của tình nghĩa gia đình, giữa anh chị em với nhau và giữa cha mẹ với con cái, họ tạm quên đi cuộc sống đầy dẫy điều ích kỷ, bon chen, sự vội vã, vất vả. Trong giờ phúc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới ai trong chúng ta cũng hy vọng năm mới tới mọi sự sẽ tốt đẹp hơn, điều hạnh phúc sẽ đến với mình và gia đình.

Cùng hòa chung với niềm vui đón năm mới của dân tộc, đêm nay người Kitô hữu Việt Nam hướng lòng về Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi sự Thiện hảo, cầu xin Ngài ban mọi điều tốt lành trong năm mới. Trong niềm tin ở Chúa là chủ thể của thời gian, là Đấng điều khiển mọi vận hành của thời vũ trụ, là An-pha và Ô-mê-ga, nghĩa là khởi đầu và tận cùng của lịch sử, thì đối với chúng ta giây phúc giao thừa là dịp của tri ân và cảm tạ. Chúng ta cảm tạ Chúa vì suốt một năm qua đã cho chúng ta được sống, đã gìn giữ chúng ta trước mọi nguy biến của cuộc đời và đã tặng ban muôn vàn ơn phúc dư đầy. Thiên Chúa luôn quảng đại ban ơn cho con người. Hạnh phúc cũng là một ân ban của Thiên Chúa.

Đặc biệt thánh lễ đêm giao thừa được cử hành theo truyền thống dân tộc là dịp đoàn tụ của một gia đình rộng lớn hơn, gia đình con cái Thiên Chúa, họ cùng tin Thiên Chúa là Cha và cùng nhận mọi người là anh chị em với nhau, họ ngồi lại bên nhau để ôn lai những việc đã qua trong năm cũ và hướng đến năm mới.

Bài Tin Mừng được đọc trong đêm hôm nay thánh sử Matthiêu ghi lại bài giảng Tám mối phúc thật mà Chúa Giêsu đã công bố trện một ngọn núi. Lắng nghe đoạn Tin Mừng này và cùng suy nghĩ trước giờ phút thiêng liêng khi bước sang một năm mới chúng ta sẽ hiểu được thế nào là hạnh phúc.

Tám mối phúc thật được công bố ở trên một ngọn núi. Điều này gợi cho chúng ta nhớ đến Thập Giới mà Thên Chúa ban cho dân Israel qua Môsê. Tám mối phúc thật là Bản Hiến Chương của Nước Trời, là lời mời gọi trong đời sống của mỗi người tín hữu phải biết vươn lên. Cho nên tất cả những ai đi theo Chúa Giêsu, và muốn vào Nước Trời thì không thể không đi qua con đường của Tám mối phúc thật.

Giờ đây cùng nhau suy niệm về hạnh phúc dưới ánh sáng của Lời Chúa chúng ta nhận ra được nhiều điều.

Ngày nay trong cuộc sống có rất nhiều thứ hạnh phúc giả tạo hay còn được gọi là thứ hạnh phúc ảo đang lôi cuốn chúng ta, Chúng có nhiều hình dạng, có vẻ đẹp, có sức quyến rũ và hứa hẹn một cuộc sống dễ dãi, luôn muốn được thỏa mãn, muốn hường thụ cuộc sống với những đam mê thấp hèn theo bản năng, sẵn sàng quên người để chỉ tìm sự sung sướng cho riêng mình. Họ nhất định phải “hạ gục nhanh tiêu diệt gọn” người khác, nhất là đối thủ của mình để có được địa vị, danh vọng, nhưng xem ra khi đạt được tất cả những điều đó hạnh phúc vẫn là điều xa với. Nhiều người cũng cho rằng một gia đình hạnh phúc là trong đó những thành viên phải có mức lương cao, quan hệ rộng, có tiếng tăm, có thế lực,nhà cửa đầy đủ tiện nghi, nhiều tiền,nhưng chưa chăc hạnh phúc lại ở trong gia đình đó. Hạnh phúc không bao giờ được xây đắp bằng vật chất.

Theo Chúa Giêsu dạy trong Tám mối phúc thì hạnh phúc chính là dám sống nghèo, sống hiền hòa, sống ngay thẳng, sống yêu thương, xây dựng hòa bình, và có thể vì Chúa mà chịu khổ đau. Tám mối phúc thật mà Chúa Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta sống theo không phải là một lý thuyết suông hay không phải là điều không thể thực hiện mà đó là việc cần làm ngay trong năm mới tới đây, là bản tự kiểm cho chúng ta trong suốt một năm qua. Chính khi sống theo những điều ấy chúng ta lại tìm được hạnh phúc đích thực.

Cuối cùng vế thứ hai của những lời chúc phúc nói về phần thưởng mà Thiên Chúa ban cho những người sống theo Tám mối phúc. Hạnh phúc là được vào trong Nước Trời. Hạnh phúc là được nhìn thấy Thiên Chúa. Hạnh phúc là được thiên Chúa ủi an. Hạnh phúc là được Thiên Chúa yêu thương.Hạnh phúc là được làm con Thiên Chúa …. Tất cả những điều đó phải là mối lo lắng của chúng ta trong đêm giao thừa này.Mỗi người cần tự hỏi liệu: năm mới tới đây chúng ta có được những điều Chúa hứa ban như trong Tám mối phúc thật hay không?

Tới đây để kết bài, chúng ta cùng để tâm suy nghĩ một lời chúc của một tác giả người Pháp không rõ tên được đăng trên CG và DT những ngày gần đây như sau:

“Nhân dịp năm mới đang đến,

Tôi xin chúc bạn.

Không phải là sự thành công trong công ăn việc làm.

Nhưng là tiếp rước đón nhận.

Trong trái tim và trong cuộc sống.

Từng ngày một và từng bước một,

Tình yêu của Chúa đang mang đến ý nghĩa cho sự hiện hữu.

Tôi chúc bạn không phải là không gặp những thất bại,

Nhưng biết đón nhận như một món quà bất xứng.

Sức mạnh giúp bạn đứng vững, dù cho những gian lao nặng nề,

Tôi chúc bạn không phải những ngày êm ả, nhưng là khả năng để cho người khác quấy rầy,

Và đón nhận người khác biệt với mình như một sứ giả của Chúa.

Tôi chúc bạn không phải là có câu trả lời cho mọi vấn nạn.

Nhưng là biết đón nhận những câu hỏi của người khác,

Biết mang trong lòng bạn những khó khăn âu lo, những xung đột bế tắc của họ.

Để được gần gũi họ như một người chị, một người anh em biết liên đới.

Như một người biết chia sẻ và reo rắc an bình”.

Lạy Chúa Giêsu trong giờ phút giao thừa này chúng con xin hết lòng cảm tạ tình yêu thương của Chúa đã ban muôn ơn lành và gìn giữ chúng con trong suốt một năm qua. Xin cho chúng con trong năm mới biết hoàn toàn sống cho Chúa và vì Chúa mà sẵn sàng từ bỏ mọi thứ lợi lộc trần thế,bởi không điều gì hạnh phúc cho chúng con bằng phần thưởng Nước Trời và được ở với Chúa. Xin Chúa chúc lành cho năm mới Giáp Thân 2004. Amen

 

6. Thánh Lễ Giao Thừa (Mt 5, 1-10) (Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi)

Thế là 365 ngày đã qua đi. Đêm nay trời và đất như giao hòa, kết duyên. Giây phút mà thi sĩ Hàn Mạc Tử đã nói:” Giây phút thiêng liêng đã khởi đầu”. Giờ này, nhân loại, con người đối diện với Thiên Chúa, Đấng là chủ thời gian, là Chúa của vũ trụ, của nhân loại, của con người. Vào phút giây huyền diệu này, thời gian cũ như ngừng lại, bàn giao cho một thời gian mới, một năm mới. Con người chỉ còn biết dâng lên Thiên chúa, vua mùa xuân lời cảm tạ sâu xa và tha thiết xin Chúa giáng phúc lành cho năm mới được phúc lộc miên trường.

GIÂY PHÚT LINH THIÊNG

Con người trong đêm thiêng liêng của sự giao hòa đất trời, luôn cảm nghiệm có một cái gì đó rất đời thường nhưng cũng vô cùng linh thiêng. Cái giờ phút những ngày cũ của một năm cũ đã qua đi. Thời gian như đi mãi, đi hoài và hầu như không dừng lại. Nhưng giữa cái mốc điểm của đêm giao thừa huyền nhiệm: đêm đẩy lùi quá khứ hướng về tương lai, đêm linh thánh báo hiệu những ngày mới của một năm mới đã ló rạng. Đêm mà con người đối diện với Thiên Chúa, Chúa của mùa xuân, Chúa của lịch sử, Chúa của loài người, đêm giao thừa, con người chỉ có thể khẩn cầu Thiên Chúa như thánh vịnh 133, 3 đã viết:” Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Sion” và như ca nhập lễ đêm giao thừa đã thốt lên: “trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Thánh”. Đêm hôm nay, trong cõi u tịch của sự bàn giao thời gian, con người chỉ có thể hiểu được: Vũ Trụ, Xuân, Hạ, Thu, Đông luôn vần xoay, xoay chuyển và con người có là gì đều do Thiên Chúa. Nên, tâm tình đầu tiên trong giây phút linh thánh của đêm giao thừa là sám hối, tạ ơn. Sám hối để luôn đón nhận Chúa và tạ ơn để hiểu mọi sự đều bởi Chúa. Sách dân số 6, 22-27 đã viết:”.khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: nguyện Đức Chúa ban phúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em!”. Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của Danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng. Đêm giao thừa trong giây phút thiêng liêng nhất: phút giây trời đất giao hòa, con người hãy hướng cả tâm hồn của mình lên Thiên Chúa, Chúa của mùa xuân vĩnh cửu để tạ ơn và xin Chúa chúc lành:” Nguyện Đức Chúa ban phúc lành và gìn giữ anh em, gìn giữ mọi người”(Dân số 6, 22-27).

HÃY TẠ ƠN VÀ CẦU NGUYỆN KHÔNG NGỪNG

Thánh Phaolô đã viết:” Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh”(1thes. 5, 16). Con người và nhân loại trong giây phút thiêng liêng của đêm giao thừa hãy tạ ơn Chúa, kết hiệp mật thiết với Chúa bằng lời cầu nguyện liên lỉ. Những ngày tháng năm cũ, chắc chắn có lúc ta gặp những điều thuận lợi, nhưng có nhiều lúc ta gặp những sự bất trắc, thử thách khó khăn. Tất cả những điều đó là những thánh đố của mỗi người. Con người dù có thêm tuổi, dù gánh nặng chồng chất trên vai, dù có sự thay đổi của tuổi tác, của trí tuệ, của khả năng, của sức khỏe. Nhưng, tất cả đều là ân huệ của Chúa. Tất cả đều làm vinh quang cho Ngài. Và rồi, con người chỉ có thể đứng vững khi họ biết bước trên từng nấc thang của tám mối phúc thật. Và như thế, con người sẽ vĩnh viễn ở trước mặt Chúa cho dù thời gian có đi qua. Con người không chỉ sống đơn độc một mình, họ còn có một mái ấm gia đình. Giờ phút linh thiêng của một năm mới đã khởi đầu: xin Chúa thánh hóa các gia đình và để các gia đình có thể gần gũi Chúa, phương thế các gia đình phải thực hiện là lần chuỗi mân côi. Xin cho từng người và mọi người, mọi gia đình biết tạ ơn Chúa không ngừng và cầu nguyện liên lỉ để ý Chúa được thực hiện dưới đất cũng như trên trời. Có như thế, thời gian sẽ trở thành vĩnh cửu và xuân sẽ là cái mốc cho con người càng lúc càng gần Thiên Chúa.

Lạy Chúa là Chúa xuân vĩnh cửu:” Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao? Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời”(Tv 120,1.).

Xin Chúa ban cho chúng con biết biến giây phút linh thiêng đêm giao thừa này trở nên lời ca ngợi tình thương vô biên của Chúa.

Lạy Chúa, xin nhìn đến lòng tin của chúng con mà luôn luôn che chở giữ gìn, hầu suốt cả năm nay chúng con được sống trong tình thương của Chúa (lời nguyện hiệp lễ, lễ giao thừa).

 

7. Giây phút thiêng liêng (Mt 5, 1-10)

Cứ mỗi giao thừa, tôi lại có những cảm nghiệm về giây phút linh thiêng, giây phút bàn giao giữa năm cũ và năm mới. Mà sao không lạ lùng và hồi hộp khi năm cũ nhường bước cho những giây phút linh thiêng nhất, giây phút đẹp nhất cho một năm mới khởi đầu. Và Hàn Mạc Tử đã không ngần ngại viết những câu thơ thật truyền cảm, nhẹ nhàng như đưa hồn cao người vào chốn linh thiêng, tuyệt diệu:” Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu. Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ! Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt. Như đón từ xa một ý thơ “.

GIÂY PHÚT LINH THIÊNG CỦA MỘT ĐÊM KHAI MÀO NĂM MỚI: Sự linh thánh của đêm giao thưa như gợi trong trí của mỗi người về giây phút hết sức huyền diệu, giây phút hết sức linh thánh, giây phút đong đưa giữa cái cũ và cái mới. Lời thánh vịnh:” Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Sion ” (Tv 133, 3).

Lời thánh vịnh này là lời khẩn cầu Thiên Chúa tưới xuống muôn hồng ân để con người, mỗi người được sống trong niềm vui, hạnh phúc và sự an bình.Giây phút giao thừa vẫn là giây phút đẹp, giây phút thiêng liêng, giây phút mà mỗi người đều cảm thấy như có một cái gì đó thôi thúc, như có một cái gì đó níu kéo con người và làm cho con hướng tâm hồn lên cao, hướng tâm hồn lên Thiên Chúa để xin Thiên Chúa gia ân giáng phúc cho cho mọi người, mọi nhà hầu con người được sống trong hòa bình và sống trong yêu thương. Đêm giao thừa, người ta vẫn có tục lệ khấn vái cầu xin ơn trên đổ muôn ơn hồng phúc xuống cho con người. Đối với với người công giáo, đêm giao thừa sẽ là đêm người Kitô hữu ngước mặt lên Chúa và cầu khẩn nguyện xin:” Trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Thánh “. Giây phút giao thừa là giây phút trời đất giao hòa: Năm cũ nhường cho năm mới. Một năm mới đã mở ra và mọi người sống giây phút này trong niềm tin, trong hy vọng và sống trong sự yêu thương bởi chính Thiên Chúa là tình yêu.

GIÂY PHÚT GIAO HÒA GIỮA THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI: Trong đêm giao thừa, trong giây phút linh thiêng, con người đứng trước bàn thờ, dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân vì muôn vàn hồng ân Thiên Chúa đã ban cho con người, đã ban cho từng người trong suốt một năm qua. Giây phút giao hòa trời đất là giây phút con người gặp gỡ Thiên Chúa, con người gặp gỡ Đấng vô cùng thánh thiện. Thiên Chúa đang ở với con người, sống với con người và sống vì con người.Trong giây phút Thiên Chúa gặp con người và con người đối diện với Thiên Chúa. Con người hiệp với Hội Thánh ca tụng tình thương vô biên của Thiên Chúa:” Lạy Cha Chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Trong Cha chúng con được hiện hữu, được sống và hoạt động. Ngay trên cõi đời này, chẳng những chúng con hằng nghiệm thấy hiệu quả tình thương của Cha, mà còn nhận bảo chứng sự sống muôn đời. Quả vậy, chúng con được nhận lãnh ân huệ mở đầu là Chúa Thánh Thần, nhờ Người, Cha đã cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết; do đó, chúng con hy vọng, muôn đời được sống lại từ cõi chết”

(Lời Tiền Tụng Chúa Nhật IV thường niên). Giây phút Thiên Chúa và con người là giây phút thánh thiêng, giây phút hạnh phúc nhất vì Thiên Chúa là Tình Yêu, là Mùa Xuân vĩnh cửu.

MUÔN ĐỜI VẪN LÀ LỜI CẢM TẠ: Cảm tạ là một hồng ân. Chính vì thế, con người, mỗi người luôn phải nói lời tri ân cảm tạ. Bởi vì, Thiên Chúa không cần lời cảm tạ của chúng ta, nhưng nói lên lời cảm tạ lại là một hồng ân Chúa ban.

Chúng ta cảm tạ Chúa vì Chúa ban sự sống cho chúng ta.

Chúng ta cảm tạ Chúa vì phép lạ lớn nhất Thiên Chúa đang làm cho chúng ta là cho chúng ta còn sống tới giờ phút này.

Chúng ta cảm tạ Chúa vì Chúa còn cho chúng ta thấy ngày khởi đầu của một năm mới.

Chúng ta cảm tạ Chúa vì Chúa còn cho chúng ta gặp gỡ mọi người.

Tình thương của Chúa đời con ca tụng (Tv 88). Lời Thánh vịnh này luôn thúc bách chúng ta hãy tạ ơn tình thương vô biên, tình thương tuyệt vời của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, trong giây phút giao thừa linh thiêng đêm nay, xin củng cố đức tin cho chúng con, để chúng con luôn nhìn ra tình thương tuyệt vời của Chúa và để chúng con nhận ra những giây phút mở đầu của ngày mới là giây phút quý hóa nhất cho một năm mới tốt đẹp và trong lành. Amen.

 

8. Cầu bình an cho năm mới – Mt 5, 1-10 (Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi)

Thánh lễ giao thừa là những giây phút thật cảm động, linh thiêng, bởi vì đây là giờ phút năm cũ và năm mới giao thoa, là giây phút năm cũ sắp sửa bàn giao cho năm mới.Vị chủ tế dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân của Ngài và của toàn thể bà con giáo dân trong xứ đạo bởi vì suốt một năm cũ mọi người đã nhận lãnh biết bao ân huệ từ nơi Thiên Chúa. Thi sĩ Hàn Mạc Tử đã viết một câu thơ thật chí lý, thật ý nghĩa:” Đây phút linh thiêng đã khởi đầu…”.

Trong giờ phút thật linh thiêng, Chủ tế và bà con giáo dân cùng nhau dâng lời tạ ơn. Thánh vịnh đáp ca viết:” Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời “. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Thessalonica:” Hãy cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh”. Thánh vịnh 133,3 lại viết:” Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Sion “. Giây phút linh thiêng nhà thơ họ Hàn viết là giây phút huyền diệu, giây phút linh thánh. Trời và đất giao hòa. Những giây phút này là giây phút cảm tạ ngợi khen. Tình thương Chúa đời đời con ca ngợi. Giây phút linh thiêng như Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận là giây phút Ngài muốn thưa với Chúa rằng:” Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa, cuộc sống của con sẽ luôn luôn là ” một giao ước mới và giao ước vĩnh cửu ” với Chúa.

Mỗi giây phút con muốn hát lên cùng với toàn thể Giáo Hội:” Vinh danh Cha, và Con và Thánh Thần ‘. Giây phút linh thiêng, giây phút mới của những giây phút đầu tiên sẽ là khoảnh khắc đầu tiên, khoảnh khắc cuối cùng, khảnh khắc duy nhất.

Vâng, những giây phút khởi đầu của một năm mới mở ra những giây phút ân lộc. Và chúng ta hãy ký thác đường đời cho Chúa. Giây phút giao thừa là giây phút mở ra một chân trời mới, mở ra niềm tin, niềm hy vọng và cậy trông bởi vì tất cả đều là hồng ân, đều là ân lộc của Chúa như lời nguyện nhập lễ diễn tả:” Lạy Thiên Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh danh Chúa “.

Như Đức cố Hồng y Phanxicô Xavie Thuận, chúng ta hãy tín thác cho Chúa những gì thuộc về quá khứ.

” Ôi phút hiện tại, ngươi hoàn toàn tùy thuộc ở nơi ta.

Ta ước muốn sử dụng ngươi trong quyền hạn của ta.

Vì thế, con tín thác nơi lòng nhân từ Chúa,

Con tiến bước trong đời con như một trẻ em.

Và mỗi ngày con dâng cho Chúa trái tim con

Nồng cháy tình yêu để danh Chúa được cao cả hơn”

Giờ linh thiêng là những giây phút hiện tại, Giờ con mèo lui đi để con rồng hiện diện. Đó là nói theo cách thông thường của người trần. Còn xét theo mặt linh thiêng. Giây phút giao thừa là giây phút Chúa đang nhìn ngắm con người và ngược lại con người đang cầu khẩn Chúa. Kinh tiền tụng thánh lễ giao thừa viết: ” Trong Cha, chúng con được hiện hữu, được sống và hoạt động. Ngay trên cõi đời này, chẳng những chúng con nghiệm hằng thấy hiệu quả tình thương của Cha, mà còn được nhận lãnh bảo chứng sự sống muôn đời. Quả vậy, chúng con được nhận lãnh ân huệ mở đầu là Chúa Thánh Thần, nhờ Người, Cha đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết; do đó, chúng con hy vọng muôn đời được hưởng ơn Phục Sinh “.

Trong Đức Giêsu, chắc chắn mùa xuận Nhầm Thìn sẽ mang lại nhiều hạnh phúc bởi vì Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời (Dt 13, 8)

Lạy Chúa, trong đêm giao thừa này, Chúa đã cho cộng đoàn chúng con được tham dự tiệc thánh. Xin nhìn đến lòng tin của chúng con mà luôn luôn che chở giữ gìn hầu suốt cả năm nay, chúng con được sống trong tình thương của Chúa (Lời nguyện hiệp lễ, lễ Giao thừa, cầu bình an cho năm mới).

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1. Thánh lễ Giao thừa nói lên gì?

2. Giây phút linh thiêng là giây phút gì?

3. Tại sao lại nói Trời Đất giao hòa?

4. Đầu năm mới người ta thường chúc cho nhau những gì?

5. Ân lộc là gì?

 

9. Thánh Lễ Giao Thừa

Trong những ngày này và cách riêng trong những giờ phút linh thiêng của năm cũ sắp qua đi, nhường chỗ cho thời gian năm mới đến, tự nhiên mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội đều muốn có cái nhìn tổng kết mọi mặt về một năm đã qua. Tất nhiên anh chị em cũng muốn chúng tôi trình bày một bản báo cáo tổng kết về Giáo Xứ để định hướng cho tương lai. Nhưng những báo cáo tổng kết chúng ta thường thấy dường như không phản ảnh những gì mà Lời Chúa đòi hỏi.

Trước hết Bài Sách Dân Số, chúng ta vừa nghe công bố, muốn khẳng định cuộc sống mỗi người, mỗi gia đình và của cả Dân Tộc, tất cả đều tùy thuộc vào CHÚC LÀNH của Thiên Chúa. Nói cách khác thời gian là HỒNG ÂN Thiên Chúa trao ban cho con người. Và vì thế cũng là Thời Gian mà con người phải công bố Phúc Lành của Thiên Chúa cho mọi người. Hơn thế nữa, Lời Chúa còn xác định thật rõ ràng: Chúc Lành của Thiên Chúa chính là việc “Chúa tỏ Nhan Thánh Chúa”, là việc “Chúa ghé mặt lại”. Nhan Thánh Chúa là Nhan Thánh của lòng thương xót, khuôn mặt Chúa là khuôn mặt của bình an. Tất nhiên, những công trình vật chất như nhà cửa, ruộng vườn, công ăn việc làm, những ngày lễ, ngày hội… tất cả đều có thể là những dấu chỉ của hồng ân, nhưng không phải là chính Hồng Ân nếu chúng không vén mở cho chúng ta thấy NHAN THÁNH CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ KHUÔN MẶT CỦA BÌNH AN của Chúa. Với quan điểm ấy, chúng ta thấy trong năm đã qua, Chúa đã tỏ Nhan Thánh Lòng Thương Xót Chúa qua rất nhiều cơ hội cách đặc biệt dành cho Giáo Xứ chúng ta. Nhưng khi đón nhận Hồng Ân Nhan Thánh, chúng ta cách nào đó lại đã che lấp Nhan Thánh mà phô trương khuôn mặt trần tục vinh vang của xác thịt. Chúng ta đã xúc phạm Nhan Thánh.

Để thấy rõ sự sai lạc của mình, chúng ta hãy nghe Thánh Phaolô minh giải về các Hồng Ân Chúa ban. Theo thánh Tông Đồ, mọi Hồng Ân đều đã được ban tặng cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô. Và Hồng Ân trong Đức Giêsu chính là Thánh Thần và Lời Thiên Chúa. Hồng ân Thánh Thần và Lời Thiên Chúa nhằm thanh tẩy chúng ta, biến đổi chúng ta nên một thân thể trong Đức Kitô. Lẽ ra khi đón nhận những dấu chỉ của Hồng Ân, thánh Phaolô nói chúng ta phải tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức, và giữ lại những điều gì tốt, nhưng thực tế xem ra không được như thế: khi sự dữ càng ngày càng xâm chiếm cuộc sống chúng ta.

Hồng ân Chúa nhằm đưa cuộc sống của Chúa Giêsu Kitô vào trong cuộc sống chúng ta để chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Người. Con người mà chính Người đã diễn tả trong bài Tin Mừng: đó là một người nghèo, một người hiền lành, một người than khóc, một người đói khát công chính, một người biết thương xót, một người trong sạch, một người kiến tạo hòa bình, một người chấp nhận bị bách hại vì lẽ công chính. Thế nhưng, mặc dù có thể được qúa nhiều dấu chỉ của hồng ân, nhưng chúng ta lại biến những dấu chỉ trở thành quyền lực của bản thân, để tự cao tự đại, để áp bức và khinh khi tha nhân! Và nhất là làm suy giảm sự hiệp nhất trong Giáo Xứ.

Vậy làm sao tôi có thể làm bản tổng kết của Giáo Xứ này trong năm qua. Thánh Phaolô cũng từng nói với giáo dân của mình “Anh chị em chính là triều thiên của tôi, anh chị em chính là chứng thư của tôi trước Nhan Thánh Chúa”. Nhưng triều thiên tôi có, chứng thư tôi cầm trong tay là gì đây?

Nhìn lại năm cũ thực tế là như vậy, nhưng tôi không bi quan, tôi vẫn hướng về năm sắp tới với tâm tình tri ân và đền tạ, đồng thời vẫn kiên vững trong niềm hy vọng Chúa là Đấng Trung Tín, chính Người sẽ thực hiện điều Người muốn cho Giáo Xứ.

Dẫu sao trong tư cách là chủ chăn riêng của Giáo Xứ, tôi nhận mình có phần trách nhiệm chính yếu về những yếu kém của Giáo Xứ, do những thiếu sót và tội lỗi của chính mình. Vì vậy lẽ ra như thư Do Thái đã viết, hằng ngày tôi phải dâng của lễ đền tội bản thân đã lỗi phạm và cũng đền tội cho dân chúng nữa. Nhưng có lẽ chính những lễ dâng đền tội này chưa đủ đẹp lòng Chúa, vậy tôi xin anh chị em tha thiết cầu nguyện cách riêng cho tôi ngay từ giây phút này và trong năm mới biết dâng lên những lễ tế xuất phát từ “tấm lòng tan nát giày vò” để Chúa chẳng khinh chê mà ban cho Giáo xứ rực rỡ ánh Tôn Nhan Thương Xót và Bình An của Người, để Giáo Xứ trở nên dấu chỉ và thực tại của sự hiệp nhất yêu thương của Chúa giữa lòng xã hội hôm nay. Amen

 

10. Giao Thừa Đoàn Tụ – Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Tết là khởi đầu của một năm, là dịp lễ quan trọng và linh thiêng nhất trong một năm. Ngày Tết ai cũng ao ước khởi đầu lại. Ai cũng muốn rũ bỏ những gì không tốt đẹp của năm qua để đón nhận một luồng sinh khí mới. Thế nên, mọi người đều cố gắng vui vẻ độ lượng với nhau, bỏ qua hiềm khích cũ. Sống tình thân ái trong những ngày Tết. Lòng người ai cũng tràn đầy hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới.

Ngày tết với những giờ phút rất linh thiêng gọi là giao thừa. Một thời khắc giao thoa giữa cũ và mới. Giữa quá khứ và hiện tại. Một thời khắc con người như muốn chuyển mình cùng vạn vật, hoà mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao nỗi ưu tư, vất vả truân chuyên trong cuộc sống. Một thời khắc tràn đầy niềm lạc quan hy vọng cho một năm mới an bình, hạnh phúc và thịnh vượng.

Ngày Tết còn là dịp để gia đình dòng tộc sum họp. Dù ai đi ngược về xuôi cũng muốn trở về đoàn tụ với gia đình trong giây phút linh thiêng ấy. Quây quần bên bàn thờ, thắp lên nén hương trầm trên bàn thờ tổ tiên để tưởng nhớ tới ông bà, cha mẹ những người đã nuôi nấng sinh thành ra mình nay đã khuất. Vì cây có cội, nước có nguồn. Con người cũng phải nhớ về tổ tiên để tỏ lòng tri ân và cầu mong các ngài chúc phúc cho một năm mới bình an.

Trong giây phút giao thừa, mỗi thành viên trong gia đình thường lần lượt chúc tuổi nhau. Con cháu chúc mừng ông bà mạnh khoẻ sống lâu. Ông bà cha mẹ mừng tuổi lại con cháu chăm ngoan, học giỏi, thảo hiếu, vâng lời. … Ngày tết người lớn thường không quên lì xì cho con cháu với một ý nghĩa tượng trưng, mong sang một năm mới con cháu sẽ gặt hái được nhiều điều tốt đẹp.

Một việc làm trong Ba ngày tết có lẽ không thể thiếu chính là lễ hội tâm linh. Ngày tết người Phật Giáo rủ nhau đi Chùa. Người Công Giáo đến Nhà Thờ như muốn hoà vào dòng người đi lễ để cảm nhận được sự giao hoà của trời đất. Để gởi gắm vào chốn linh thiêng những ưu từ hoài bão lên Đấng Tạo Thành. Chính nơi đây, con người cũng tìm thấy sự thanh thoát, nhẹ nhàng cho tâm hồn như những làn khói nhẹ bay vào chốn không trung.

Người Công Giáo chúng ta luôn nhìn nhận Thiên Chúa là chủ thời gian. Thiên Chúa sắp đặt mọi vận hành của trời đất và con người. Thế nên, gửi gắm tâm tình lên Đấng Tạo Thành trời đất là lẽ thường tình. Chỉ có Ngài mới làm cho “con tạo xoay vần” theo chu kỳ của nó. Chỉ có Ngài mới giúp con người đạt được ước nguyện của mình.

Thế nên, hôm nay trong giây phút giao thừa, mỗi người hãy để lòng mình thanh thản nương theo thánh ý Chúa. Hãy trao vào tay Chúa những ưu phiền lắng lo. Hãy đặt niềm tin trọn vẹn vào Thiên Chúa có thể xoay vần cuộc đời theo như ý Ngài. Xin phó thác mọi sự trong tay Ngài. Và trước thềm một năm mới, chúng ta cùng kính chúc nhau:

Vừa đủ HẠNH PHÚC để giữ tâm hồn luôn ngọt ngào

– Vừa đủ THỬ THÁCH để luôn kiên nhẫn trung kiên

– Vừa đủ HY VỌNG để luôn hạnh phúc

– Vừa đủ THẤT BẠI để luôn khiêm nhường

– Vừa đủ THÀNH CÔNG để luôn nhiệt tâm

– Vừa đủ BẠN BÈ để được an ủi

– Vừa đủ VẬT CHẤT để đáp ứng mọi nhu cầu

– Vừa đủ NHIỆT TÌNH để đời thêm hân hoan

– Vừa đủ NIỀM TIN để xua tan thất bại

Xin cầu chúc cho nhau một đêm giao thừa ấm áp Tình Chúa – Tình Người. Amen

 

11. Bàn giao năm cũ – Mt 5, 1-10 (Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi)

Giây phút huyền nhiệm của đêm giao thừa như có một sự gì đó hết sức linh thiêng vì năm cũ chuyển giao cho năm mới. Đây là giây phút trời với đất gặp nhau, trời và đất giao hòa như lời Thánh vịnh 133,3 viết:” Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Sion “. Lời khẩn cầu ấy phải là lời nguyện xin của mỗi người, mỗi gia đình khấn van Chúa tưới đổ muôn hồng ân xuống năm mới để người người, nhà nhà được an bình, thịnh vượng và hạnh phúc.

Với truyền thống của người Việt Nam, đêm giao thừa là đêm thánh thiêng, đêm con người gặp gỡ thần linh, đêm con người gặp gỡ trời và đất. Thường người lớn trong gia đình đứng trước bàn thờ tổ tiên, ông bà để khấn vái tổ tiên, khấn xin người trên ban cho gia đình được nhiều hồng phúc, ban cho gia đình được dồi dào sức khỏe, may mắn và bình an. Đối với các Kitô hữu, giây phút giao thừa là giây phút con người gặp gỡ Thiên Chúa để nói lời cảm tạ tri ân Ngài vì muôn ân phúc Ngài đã ban cho con người, cho mỗi người, cho gia đình trong suốt một năm qua. Do đó, giây phút giao thừa là giây phút linh thiêng nhất: Thiên Chúa gặp gỡ con người và con người gặp gỡ Thiên Chúa. Giây phút linh thánh trời và đất gặp nhau, Thiên Chúa đang ở với con người và con người đang đối diện với Thiên Chúa. Giây phút huyền diệu này con người không biết diễn tả sao cho hết tình Chúa thương yêu con người. Trong giây phút ấy, con người chỉ biết hợp cùng Giáo Hội ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa:” Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Trong Cha chúng con được hiện hữu, được sống và hoạt động. Ngay trên cõi đời này, chẳng những chúng con hằng nghiệm thấy hiệu quả tình thương của Cha, mà còn nhận bảo chứng sự sống muôn đời. Quả vậy, chúng con được nhận lãnh ân huệ mở đầu là Chúa Thánh Thần, nhờ Người, Cha đã cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết; do đó, chúng con hy vọng, muôn đời được sống lại từ cõi chết ” (Lời Kinh Tiền Tụng Chúa Nhật IV Thường niên). Chúng ta có thể nói không ngoa vì giây phút này là giây phút tuyệt hảo, giây phút hạnh phúc nhất con người gặp gỡ Đấng vô cùng chí thánh, giống như giây phút trên núi Sinai, Môsê không dám nhìn vào bụi gai đang cháy khi Thiên Chúa đang ở đó. Môsê phải cúi mặt xuống, không dám nhìn vào Chúa.

Vâng, mỗi nước, mỗi dân tộc có một tập tục, một cách thể hiện để đón năm mới, nhưng dù với cách nào, với tập tục nào, truyền thống nào, người môn đệ Chúa luôn coi giây phút giao thừa là giây phút linh thiêng, giây phút năm cũ sẽ nhường chỗ cho một năm mới tới. Người môn đệ Chúa luôn ước mong năm mới sẽ đẹp hơn, tốt hơn năm cũ. Người môn đệ Chúa sẽ xua đi tất cả những gì được coi như xui xẻo, coi như không được may mắn của năm cũ và đón chào những gì tốt hơn, quí hơn của năm mới mà Thiên Chúa sẽ trao ban cho họ.

Lạy Chúa Giêsu, trong giây phút linh thánh của đêm giao thừa, xin cho mọi người môn đệ Chúa luôn biết nói lời cảm tạ tri ân Thiên Chúa vì những ơn huệ đã nhận lãnh và nhận ra những hồng ân mà Ngài sẽ ban cho nhân loại, cho con người, cho mỗi gia đình trong năm mới bắt đầu này. Amen.

 

12. Xuân Tạ Ơn (Mt 5, 1-10) (Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi)

Giây phút linh thiêng của những giờ phút của đêm giao thừa luôn có một ý nghĩa nhiệm mầu. Giây phút mà Hàn Mặc Tử đã viết:” Đây phút linh thiêng đã khởi đầu…”Giây phút giao thoa giữa năm cũ và năm mới. Giây phút mà những cái cũ được đẩy qua một bên để nhường cho những giây phút linh thiêng nhất, quí hoá nhất. Giây phút dành để cho Thiên chúa vì chỉ có mình Người là Đấng tạo dựng vũ trụ, tạo dựng con người. ” Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời ” như thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Do Thái 13, 8 đã viết. Do đó, những giờ phút quan trọng của đêm giao thừa là để tạ ơn Thiên Chúa.

TẠ ƠN LÀ ĐIỀU TỐI CẦN THIẾT: Sống trên gian trần, chúng ta mọi người đều mang ơn nhau, nặng nợ với nhau. Do đó, việc tri ân cảm tạ là điều cần thiết mọi người phải có với nhau. Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa chúng ta trả ơn không bao giờ cho cân xứng, Thiên Chúa không cần chúng ta cảm ơn Ngài, nhưng cảm tạ lại cần thiết và sinh ơn cứu độ cho chúng ta vì như lời nguyện nhập lễ chúng ta đọc thấy:” Lạy Thiên Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Thánh”. Thiên Chúa là Đấng tạo thành trời đất, chúng ta phải biết ơn Ngài và luôn luôn hướng về Ngài để cảm tạ tri ân Ngài và cầu khẩn Ngài vì ” Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời “.Chính vì thế, giây phút giao thừa là giây phút huyền nhiệm, linh thiêng để chúng ta dừng lại tạ lỗi với Chúa vì những thiếu xót trong năm vừa qua và kính dâng Chúa năm mới với những cố gắng của mỗi người chúng ta với sự bảo trợ của Mẹ Maria và thánh cả Giuse. Một phút quay lại với tâm tình thống hối và những quyết tâm với những ước mơ mới. Tạ ơn Thiên Chúa là điều tối cần thiết vì những hồng ân vô giá Thiên Chúa trao ban cho con người, cho loài người, cho mỗi người:” Lạy Thiên Chúa chí nhân chí thánh, Chúa là Đấng tạo thành vạn vật. Thời gian không gian là của Chúa, Chúa ban cho chúng con được hưởng dùng. Nay, trước thềm một mùa xuân mới, chúng con đến dâng lời tán tụng. Cùng với lời cảm mến tri ân. Năm cũ vừa qua được an bình, năm mới sắp tới muôn phần tốt đẹp. Chúng con xin cúi đầu cảm tạ”.

LỜI CẦU NGUYỆN TRI ÂN: Lạy Chúa, trước thềm năm mới, năm Đinh Hợi, chúng con cầu xin cho ánh sáng của Chúa chiếu toả khắp nơi trên vũ trụ, trần gian. Xin ơn hòa bình ngự trị mọi tâm hồn của những con người thành tâm thiện chí ” Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương “. Xin cho Quê Hương, Đất Nước chúng con luôn được niềm hạnh phúc của mùa xuân vĩnh cửu ngự trị và muôn dân được ấm no hạnh phúc.

Lạy Chúa, xin cho mọi tâm hồn của con người luôn được thanh luyện trong Thánh Thần. Xin cho tất cả mọi người có niềm tin và không có niềm tin đều ước nguyện một mùa xuân vĩnh cửu không bao giờ tàn úa.

Xin cho những Kitô hữu luôn biết sống lời Chúa và yêu thương phục vụ.

Xin cho chúng con luôn biết hiếu đễ để mọi người luôn biết nói lời cảm tạ tri ân. Xin cho chúng con luôn là những dòng suối mát vun tưới cho cành xuân của chúng con được nở rộ trong mùa xuân vĩnh cửu, mùa xuân như ý, mùa xuân cứu độ.

Lạy Chúa, trước thềm năm mới Đinh Hợi, chúng con xin cảm tạ tri ân Chúa vì những ân huệ quí báu Thiên Chúa ban cho chúng con nhưng không. Xin cảm tạ Chúa vì mùa xuân bất diệt Chúa tặng ban cho nhân loại, cho con người, cho gian trần.

Xin cho giây phút giao thừa của xuân Đinh Hợi mang lại cho chúng con ơn bình an và hạnh phúc.

 

13. Tám Mối Phúc (Mt 6,25-34) (Lm. Trần Bình Trọng)

Tư tưởng cũng như văn chương bình dân Việt Nam hàm chứa những quan niệm về thời giờ như: Thời giờ là vàng bạc; thời giờ thấm thoắt tựa thoi đưa, cứ đi đi mãi, không chờ đợi ai. Thường khi người ta nhìn tới thì thấy lâu dài, nhưng khi nhìn lại thì thấy mau lẹ. Người ta nói mới ngày nào đó, chúng mình thế nọ thế kia, mà nay đã hai mươi năm, ba mươi năm rồi. Khi bận rộn với công việc làm hay chương trình hoạt động, người ta cảm thấy thời giờ đi mau lẹ. Những lúc nhàn rỗi hay không bị hoàn cảnh thúc ép, người ta lại cảm thấy thời giờ đi chậm. Cho dù người ta cảm thấy thời giờ đi mau hay chậm, thời giờ vẫn xoay đều không thay đổi. Người ta không thể đi trước thời giờ, cũng không thể kéo dài thời gian.

Cho dù Tết đến sớm hay muộn, mùa Xuân đến mau hay chậm, người ta cũng phải theo chu kì tuần hoàn của vũ trụ mà đón nhận giây phút bàn giao của thời giờ mới cũ ở lúc không giờ của đêm giao thừa, là giây phút tống cựu nghinh tân. Người Việt xưa kia coi đêm giao thừa là giây phút linh thiêng, giao hoà giữa trời và đất. Gần đến giây phút giao thừa, người ta cứ ngồi đợi để hoà nhịp với giây phút giao hoà của trời đất, không được nói hay làm gì. Vừa tới lúc giao thừa thì họ vỗ tay vang động hay cho nổ pháo: đạch, đạch… đạch, đùng. Đạch, ĐÙNG… ĐÙNG… Đốt pháo để mừng xuân mới sang. Đốt pháo theo quan niệm của nhiều người Việt trước đây còn để xua đuổi ma qủi. Có người còn nghĩ: pháo nổ càng lớn, ma quỉ càng sợ. Vậy phải đốt pháo cối.

Người Công giáo thì coi ông trời là Thượng Đế, là Thiên Chúa và chỉ có Chúa mới làm chủ được thời giờ và thời gian. Chúa là Chúa của tứ thời bát tiết, của Xuân, Hạ, Thu, Đông. Chúa có quyền trên mưa nắng, sóng gió, bão táp… như trong lời nguyện đầu lễ Giao thừa, linh mục chủ tế cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Đấng vô thuỷ vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc.

Bài Tin Mừng lễ Giao thừa bàn về Tám mối Phúc thật. Vào dịp Tết, mọi người đều chúc cho nhau những điều tốt đẹp, thì Giáo Hội cũng dùng những lời Thánh Kinh có chứa đựng những lời chúc phúc của Thiên Chúa. Trong khi thiên hạ chúc cho nhau mọi sự giàu sang phú quí và may mắn, thì Thiên Chúa chúc phúc cho những người sống Tám mối Phúc thật trong đó có một lời chúc cho những ai sống tinh thần nghèo khó. Thật là một điều nghịch lý và mâu thuẫn! Có một người dự tòng kia hỏi linh mục chánh xứ nọ: Thưa cha khi cha giảng về Tám mối Phúc thật, con không thể chấp nhận được bởi vì những điều Chúa dạy trong Tám mối Phúc thật đi ngược lại với quan niệm của người đời và ngược lại với những gì con đã sống. Nhưng rồi con vẫn tiếp tục đi lễ, nghe cha giảng Lời Chúa. Bây giờ thì con đã chấp nhận. Mỗi lần sau khi dâng thánh lễ, con cảm thấy được bình an trong tâm hồn.

Chúa chúc phúc cho những người sống Tám mối Phúc thật. Và không phải họ chỉ được hạnh phúc đời sau, nhưng còn được hưởng hạnh phúc ngay tại đời này. Hạnh phúc đó là một tâm hồn bình an, thư thái. Được Chúa chúc phúc là được tất cả: đời này cũng như đời sau. Có những người có thể hiểu lầm cho rằng Chúa muốn người ta sống nghèo khó, khắc khổ. Thực sự thì Chúa đến giải thoát con người khỏi cảnh nghèo đói. Chúa bảo: Nào những kẻ được Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa, Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống (Mt 25,34-35).

Người đời còn cho rằng Giáo Hội dùng mối Phúc thật thứ nhất để cổ võ đời sống nghèo khó. Sự thực thì Giáo Hội không chủ trương như vậy. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II có lần đã tố cáo chính sách cấm vận của Hoa kỳ khiến cho dân nghèo Cuba càng nghèo, thiếu những phương tiện tối thiểu cho nhân phẩm con người. Trước đó ngài còn kêu gọi dịp Tết dương lịch 1998 hoàn cầu hoá việc phát triển kinh tế và phát triển kinh tế phải nằm trong vòng liên đới các quốc gia chứ không nhắm đến việc ăn mảnh và đánh lẻ. Đức Thánh Cha còn khuyến khích những quốc gia giàu mạnh xoá nợ cho những quốc gia nghèo đói. Như vậy Giáo Hội không khuyến khích thực tại nghèo khó, nhưng là sống tinh thần nghèo khó, nghĩa là tinh thần siêu thoát, không để lòng dính bén vào của cải trần thế.

Trong thư gửi tín hữu Galát, thánh Phaolô chúc cho họ như sau: Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn (1Tx 5,23). Trong bài trích sách Dân Số, Chúa dạy Môsê chúc phúc cho dân chúng như sau: Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện xin Thiên Chúa tươi nét mặt gìn giữ anh em, và dủ lòng thương anh em! Nguyện xin Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em (Ds 6,24-26).

Đọc Thánh Kinh Cựu Ước, ta thấy dân được chọn kêu cầu đến Chúa mà chúc lành lẫn cho nhau. Bố cũng chúc lành cho con cái như ông Raguên chúc lành cho con rể là Tôbia và con gái là Xara như sau: Con đi mạnh giỏi và bình an! Xin Chúa trời cho con và Xara vợ con thành đạt, và ước gì cha được nhìn thấy con cái của chúng con trước khi nhắm mắt (Tb 10,11). Bà Étna cũng nại đến Chúa để chúc lành cho con gái và con rể như sau: Trước mặt Chúa, mẹ kí thác Xara cho con, con rể của mẹ! Suốt đời con, đừng bao giờ làm cho nó phải buồn (Tb 10,13).

Chúc Tết và chúc tuổi cho nhau mà nại đến Thiên Chúa và kêu cầu đến ân sủng và quyền năng của Chúa là đặt người mà mình cầu chúc dưới sự che chở và bảo vệ của Chúa. Việc cầu chúc cho nhau mà nói ra tiếng để người được cầu chúc có thể nghe thấy còn có tác dụng tâm lý là khiến cho người được chúc phúc cảm động và tự cố gắng thế nào để lời cầu chúc được thực hiện nơi mình.

Để áp dụng thực hành, ta nguyện xin Chúa chúc lành cho ông bà cha mẹ, anh chị em họ hàng. Và nguyện xin Chúa chúc lành lẫn cho nhau trong năm mới. Ta cũng không quên xin Chúa tha thứ những lỗi lầm, những thiếu sót trong năm cũ, những lúc ta phí phạm thời giờ Chúa ban, cũng như việc tiếc rẻ và lạm dụng thời giờ. Xin Chúa tha thứ những lần ta không dành thời giờ cho Chúa, cho gia đình: cha mẹ, vợ chồng và con cái; những lần ta không dành thời giờ cho chính mình để suy tư về thân phận làm người trong mối tương quan với Đấng tác thành nên mình.

Lời nguyện xin Chúa chúc lành cho Năm mới:

Lạy Chúa, Chúa là Chúa của tứ thời bát tiết, của Xuân Hạ Thu Đông. Chúng con xin tạ ơn Chúa cho thời giờ, năm tháng Chúa ban trong năm cũ. Xin Chúa tha thứ những lần chúng con phí phạm thời giờ hoặc tiếc rẻ và lạm dụng thời giờ. Xin Chúa thánh hoá thời giờ chúng con xử dụng để chúng con biết dùng thời giờ làm vinh quang nước Chúa. Amen.

 

14. Những nét đẹp Tin Mừng của ngày tết (ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Mùa Xuân đến làm đẹp đất trời. Những cành đào đua nhau khoe sắc. Những chồi non bụ bẫm nhú ra khỏi cành cây khô khẳng. Chợ búa đông vui và đẹp đẽ với những hàng hoá đủ mọi loại. Những tà áo mới tha thướt làm đẹp phố phường. Trong khung cảnh vui tươi tấp nập ấy, khuôn mặt mọi người như rạng rỡ tươi cười. Mùa Xuân đem đến nhiều vẻ đẹp. Cao quý nhất là những nét đẹp văn hoá dân tộc đậm đà mầu sắc Tin Mừng.

Ngày Tết có nét đẹp của lòng biết ơn. Năm hết Tết đến, người Việt nam thường nhớ đến công ơn của những người đã giúp đỡ mình trong năm qua. Biết ơn là một nét đẹp văn hoá đáng trân trọng và cũng là một điều hợp lý. Năm 2000 phải biết ơn 1999 năm qua. Dòng sông lớn phải mang ơn những con suối nhỏ. Hạt lúa phải nhớ ơn những hạt mưa, hạt nắng, hạt phân. Ngày hôm nay phải biết ơn ngày hôm qua. Thế hệ này phải nhớ ơn thế hệ trước. Đời sống ta chịu ơn biết bao người. Cảm nghiệm sâu xa chân lý này, nên mỗi dịp Tết đến, người Việt nam ta thường bày tỏ lòng biết ơn với ông bà, cha mẹ và các ân nhân. Những món quà nho nhỏ nhưng thắm đượm tình nghĩa làm vui cả người nhận lẫn người cho. Riêng với người Công giáo, bày tỏ lòng tri ân đối với Thiên chúa là một bổn phận không thể thiếu. Vì Thiên chúa chính là tổ tiên đã sinh thành nên ta. Vì Thiên chúa là ân nhân lớn nhất đời ta. Chính Người đã ban cho ta món quà cao quý nhất: đó là sự sống. Chính Người tiếp tục chăm sóc gìn giữ ta từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây. Biết ơn là việc làm của lương tri, cổ võ cho một thế giới mới chan chứa tình người. Biết ơn cũng là một giá trị đạo đức được Chúa Giêsu đề cao trong Tin Mừng.

Ngày Tết có nét đẹp của sự cho đi. Ta gửi đi những cánh thiệp như những sứ giả của tình cảm yêu thương. Ta gửi đi những lời cầu chúc như tâm tình mến yêu tha thiết dành cho nhau. Ta sửa sang quét dọn nhà cửa để đón tiếp nhau. Ta dành thời giờ viếng thăm nhau để xiết chặt thêm tình thân ái. Ta ăn mặc tề chỉnh để tỏ lòng kính trọng nhau. Ta nói năng tế nhị để làm vui lòng nhau. Ta rộng rãi tặng tiền mừng tuổi cho con cháu. Tóm lại, tất cả những gì ta làm trong ngày Tết đều vì người khác và cho người khác. Đặc biệt trong lãnh vực ăn uống. Ngày Tết, nhà nào cũng chuẩn bị sẵn đồ ăn thức uống cho gia đình, nhưng nhất là để mời khách. Khách vào nhà bao giờ cũng được mời thưởng thức ấm chè mới, nếm kẹo bánh ngon. Sự chiếu cố của khách làm vui lòng cho chủ. Sự vui vẻ của người nhận là hạnh phúc của người cho. Có niềm vui cho đi và có niềm vui lãnh nhận. Những niềm vui ấy tạo cho ngày Tết một nét đẹp đầy mầu sắc Tin Mừng: nét đẹp của sự quên mình, của sự quảng đại cho đi, của sự khiêm tốn đón nhận, của tình liên đới.

Ngày Tết có nét đẹp của sự đổi mới. Thiên nhiên đổi mới với sự hồi sinh của cây cỏ. Phố phường đổi mới với những căn nhà mới, với những gian hàng mới và với quần áo mới. Hoà vào cái mới của đất trời, của xã hội, lòng người cũng nôn nao trong niềm hy vọng đổi mới bản thân và cuộc đời. Ai cũng mong tống tiễn những điều xấu vào quá khứ. Ai cũng mong đón nhận một tương lai tươi đẹp. Niềm mong ước đổi mới được thể hiện qua những cố gắng giữ vẻ mặt tươi cười, không tức giận, không nói những lời thô tục, những điều rủi ro, nhưng chỉ nói những điều tốt đẹp, đối xử hoà nhã với mọi người trong những ngày Tết. Phút giao thừa thật thiêng liêng. Nó đánh dấu một khởi đầu mới. Người ta tin rằng sống tốt đẹp những giây phút đầu tiên sẽ có ảnh hưởng tốt đến cả năm. Nên mỗi dịp Tết là một lần khuyến khích ta cố gắng đổi mới đời sống, đổi mới bản thân.

Đổi mới đời sống là điều Chúa Giêsu tha thiết mong muốn nơi ta. Người không ngừng mời gọi ta hãy từ bỏ con đường tội lỗi xưa cũ, bước vào con đường mới, con đường tự do, thánh thiện của con cái Thiên chúa. Người không ngừng mời gọi ta trở thành bầu da mới để có thể chứa đựng thứ rượu mới là giáo lý của Người. Ngày Tết chính là một cơ hội cho ta thực hành Lời Chúa dạy, tích cực đổi mới đời sống nên tốt đẹp hơn.

Với tất cả những nét đẹp trên đây, tinh thần ngày Tết cổ truyền dân tộc rất gần gũi với Tin Mừng. Rõ ràng nét đẹp văn hoá Việt nam đã chất chứa những giá trị Tin Mừng. Rõ ràng Tin Mừng đang đi vào cuộc sống của người Việt nam.

Vì thế, người Việt nam Công giáo không những có trách nhiệm gìn giữ những nét đẹp văn hoá của ngày Tết cổ truyền mà còn phải biến những nét đẹp ấy thành những trang Tin Mừng sống động. Khi ta sống tâm tình biết ơn trong ngày Tết, đừng chỉ giữ hình thức bề ngoài hay chỉ chú ý tới khía cạnh vật chất. Hãy có tâm tình biết ơn sâu xa. Hãy nhìn thấy ơn Chúa ban qua mọi ân huệ nhận được. Khi ta cho đi trong ngày Tết, đừng chỉ cho đi như một hình thức xã giao hay như một thói tục bắt buộc. Hãy cho đi với tâm tình yêu mến, kính trọng thực sự. Hãy đón tiếp khách thăm viếng như đón tiếp chính Chúa. Khi ta muốn đổi mới đời sống, đừng chỉ giữ như một hình thức và không chỉ giữ trong những ngày Tết, nhưng duy trì sự cố gắng đổi mới trong suốt cả đời với quyết tâm thực sự đổi mới đời sống.

Khi ta sống tinh thần Tin Mừng trong những phong tục ngày Tết, ta góp phần xây dựng một mùa Xuân mới, một mùa Xuân dân tộc, một mùa Xuân tình thương. Mùa Xuân ấy sẽ vĩnh cửu vì sẽ dẫn đến mùa Xuân Nước Trời.

Lạy Đức Kitô là mùa Xuân đích thực, không bao giờ tàn úa, xin đổi mới tâm hồn con. Amen.

Nguồn: http://gplongxuyen.org