Suy niệm 03/05/2019 – Thứ Sáu đầu tháng, tuần 2 Phục Sinh: THÁNH PHILIPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, Tông Đồ. Lễ Kính.

Thứ sáu 03/05/2019 – Thứ Sáu đầu tháng, tuần 2 Phục Sinh – THÁNH PHILIPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, Tông Đồ. Lễ Kính. – Ðến với Chúa.

"Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin, Thầy sẽ làm cho".

 

Thánh Philipphê quê ở Bét-xai-đa. Ban đầu người là môn đệ của thánh Gioan Tẩy Giả, sau đó, người theo Chúa Giêsu.

Còn thánh Giacôbê, người là anh em bà con với Chúa và là con của ông Anphê. Người đã lãnh đạo giáo đoàn Giêrusalem và đã giúp cho nhiều người Do thái đón nhận đức tin. Người còn để lại một bức thư. Người chịu tử đạo năm 62.

 

Lời Chúa: Ga 14, 6-14

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng Tôma rằng: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người".

Philipphê thưa: "Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con".

Chúa Giêsu nói cùng ông rằng: "Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư? Philipphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha. Sao con lại nói: 'Xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha?' Con không tin Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy ư? Những điều Thầy nói với các con, không phải tự mình mà nói, nhưng chính Cha ở trong Thầy, Ngài làm mọi việc. Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy. Ít ra các con hãy tin vì các việc Thầy đã làm. Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm được những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha. Và điều gì các con nhân danh Thầy mà xin Cha, Thầy sẽ làm, để Cha được vinh hiển trong Con. Nếu điều gì các con nhân danh Thầy mà xin cùng Thầy, Thầy sẽ làm cho".

 

SUY NIỆM 1: Philipphê và Giacôbê tông đồ

Kính nhớ thánh Giacôbê Hậu, con ông Alphê, anh em họ với Đức Giê-su. Ngài làm Giám Mục cộng đồng Kitô ở Giê-ru-sa-lem và là thánh tử đạo thứ 36 thánh Stêphanô và Giacôbê tiền anh của thánh Gioan. Cần đọc lại bức thư với lời giới thiệu để tôn vinh Ngài, vì Ngài đã bàn đến nhiều vấn đề.

Tên của Thánh Philip được ghi rất sớm trong Tin Mừng của Thánh Gioan. Ngài được kể là Tông Đồ thứ tư cùng với Thánh Gioan và hai Thánh Anrê và Phêrô dân thành Betsaida xứ Galilê (Ga 1, 43-44), Ngài giới thiệu mấy người Hy Lạp xin gặp Đức Giê-su (12, 21), trước khi làm phép lạ bánh hóa nhiều, Đức Giê-su hỏi Ngài: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn?... Ngài đáp: thực có mua đến 200 đồng bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút (6, 5-7) và ở bữa tiệc ly, Philíp nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. (14, 8). Người ta cho rằng Philíp sống hiện thực, giống như những người tiến bộ khoa học thời chúng ta: ông sống theo kinh nghiệm nên đòi được xem, sờ, cảm thấy Chúa Cha, cùng với óc tính toán của ông: có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ mỗi người một chút!

Không, Đức Giê-su không mua 200 đồng bánh, cũng không làm cho Chúa Cha hiện ra. Đức Giê-su có tất cả mọi sự để nuôi tất cả thính giả, để mặc khải Chúa Cha: chỉ mình Người tỏ cho thấy rõ quyền phép của Người và tình yêu của Thiên Chúa. Trong Người, chúng ta có tất cả. Chỉ mình Người nắm giữ tất cả để với những cử chỏ của Người, Người ban cho chúng ta những cảm nghiệm về Thiên Chúa nhờ những dây liên kết của Người với chúng ta.

Hãy nhìn ngắm Đức Giê-su sống thì hiểu biết được Thiên Chúa. Hãy tin vào Đức Giê-su, thì chúng ta sẽ được bảo phải làm gì để đi vào chương trình cứu độ.

Nhờ sự cảm nghiệm của bản thân mình về đức tin chúng ta sẽ cảm nghiệm thẩm sâu toàn diện Tin Mừng Thánh Gioan kết hợp với những khuynh hướng hiện đại cũa chúng ta. Các bạn trẻ chúng ta đã cảm nghiệm được những điều thích thú trong sách của Thánh Gioan, thì cần đào sâu những cuộc đàm thoại trong Tin Mừng của Thánh Gioan để khởi đi từ câu thứ nhất: “Hãy theo tôi” mà Thánh Philíp chắc chắn đã thấm thía với tất cả ý nghĩa thâm sâu của câu đó, để rồi: “Thấy Thầy, là thấy Cha” và “Thế là được mãn nguyện”.

L.P

 

SUY NIỆM 2: Làm những việc lớn hơn nữa

Suy niệm :

Sau khi ông Tôma hỏi Thầy Giêsu về đường (Ga 14, 5),

thì ông Philípphê lại xin Thầy cho các môn đệ thấy Chúa Cha (c. 8).

Không rõ Philípphê muốn thấy Thiên Chúa theo kiểu nào,

bởi lẽ theo niềm tin chung của người Do thái

không ai thấy Thiên Chúa chí thánh mà sau đó còn sống được (x. Xh 33, 20).

Dù sao khát vọng được thấy Thiên Chúa là ước mơ chính đáng.

Thiên Chúa đã thỏa mãn ước mơ mà Ngài đã đặt vào lòng con người.

Nơi Đức Giêsu, là Ngôi Lời nhập thể và là Con Thiên Chúa,

chúng ta có thể thấy được Thiên Chúa bằng mắt phàm.

“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (c. 9).

Nhìn ngắm khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu

chúng ta chẳng những không phải chết, nhưng được sống.

Theo quan niệm của người Do Thái,

sứ giả là đại diện trọn vẹn cho người sai mình.

Đức Giêsu đã là sứ giả cho Cha một cách tuyệt vời.

Ngài là một với Thiên Chúa, Đấng sai Ngài:

“Thầy ở trong Chúa Cha, và Chúa Cha ở trong Thầy” (c. 11).

Các lời Ngài nói, Ngài không tự mình nói.

Các việc Ngài làm, Ngài không tự mình làm.

“Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy,

chính Người làm những việc của mình” (c. 10).

Nhìn những việc Đức Giêsu làm, chúng ta nhận ra đó là việc của Cha.

Cha làm việc của Cha qua Con của mình là Đức Giêsu.

“Ai tin vào Thầy, người đó sẽ làm được những việc Thầy làm.

Người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa,

bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (c. 12).

Chúng ta vẫn ở trong mùa Phục sinh, mùa của sự sống chiến thắng.

Đức Giêsu đã về với Chúa Cha và được vào trong vinh quang.

Khi tin vào Ngài, khi gắn bó với một Đấng phục sinh quyền năng như thế,

chúng ta có thể làm được những điều như Ngài đã làm:

trừ quỷ, chữa bệnh, hoàn sinh kẻ chết (Mc, 16, 17-18; Cv 9, 34.40).

Và như Đức Giêsu, điều vĩ đại mà chúng ta có thể làm cho thế giới hôm nay

là yêu thương, yêu như Thầy đã yêu, yêu đến hiến mạng.

Hãy mạnh dạn nhân danh Đức Giêsu mà xin,

vì biết thế nào Ngài cũng làm cho người gắn bó với Ngài.

Tất cả để Cha được tôn vinh nơi Con (c. 14).

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con biết con,

xin cho con biết Chúa.

Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,

quên đi chính bản thân,

yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

Xin cho con biết tự hạ,

biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.

Ước gì con biết nhận từ Chúa

tất cả những gì xảy đến cho con

và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.

Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.

Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.

Và để con hưởng nhan Chúa đời đời. Amen. (Thánh Âu-Tinh)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 3: Thánh Philipphê và Giacôbê tông đồ

(http://tinmung.net)

Thánh Philipphê là một trong những Tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu, ngài sinh tại Galilê. Ngay trong những ngày đầu loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã kêu gọi ông theo Người. Có lẽ ngài đã giảng Tin Mừng ở Bắc biển Đông và tử đạo ở Tiểu Á.

Thánh Giacôbê Hậu là người có họ hàng với Chúa Giêsu. Ngài lãnh đạo cộng đoàn tiên khởi tại Giêrusalem. Theo truyền thuyết ngài bị dân Do thái ném đá đến chết vào năm 62 tại Giêrusalem.

Cả hai vị Tông đồ là những mẫu gương tuyệt vời về niềm tin. Các ngài đã hiến thân rao giảng Tin Mừng cho mọi người nhận biết Chúa mà được hạnh phúc. Các ngài là những người trực tiếp chứng kiến việc Chúa Giêsu chịu tử nạn và phục sinh vinh hiển. Các ngài giúp cho mọi người nhận ra Đức Giêsu là Đấng cứu độ qua lời giảng và mạng sống của mình.

Thánh Philipphê xưa kia xin Chúa Giêsu cho được thấy Chúa Cha, chứng tỏ các ngài vẫn chưa hiểu được Thầy đúng mức. Hôm nay đúng ra chúng con đã biết nhiều về Chúa hơn, có kiến thức về triết học, thần học… và nghe mọi lời Chúa dạy dưới ánh sáng Phục Sinh. Tuy nhiên, rõ ràng là các Tông đồ có cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Cha và Chúa Giêsu đối với mình thế nào, còn con hôm nay nhiều lúc chỉ tìm kiến thức suông thay vì đi tìm chính Chúa. Xin Chúa cho chúng con biết nhìn lên Thập Giá Chúa và lắng nghe lời giảng của Chúa để hiểu được tình yêu Chúa và chương trình Chúa muốn dành cho từng người chúng con.

Chúa Giêsu luôn ở trong Chúa Cha. Ngài hiện hữu từ đời đời và cùng với Chúa Cha sáng tạo vũ trụ. Hôm nay ngài đến cứu độ chúng ta và cho thấy tình thương của Chúa Cha đố với loài người chúng ta. Thật lạ lùng khôn xiết! Qua Chúa Con, Chúa Cha nhận tất cả mọi người làm con. Phần chúng con phảI biết tin giữ lời Chúa, luôn gắn bó với Chúa Con để khi chúng con chết trong Ngài thì cũng được phục sinh với Ngài và hưởng hạnh phúc thanh nhàn cùng Ngài trên Thiên Quốc.

Thánh Philipphê là người trung gian giới thiệu Chúa cho mọi người: vừa khi được Chúa kêu gọi đã tin vào Chúa Giêsu và tìm Nathanael để giớI thiệu về Chúa Giêsu cho Nathanael cũng được diễm phúc làm môn đệ Chúa. Khi những ngườI Hy lạp muốn gặp Chúa Giêsu, chính Philipphê cùng Andrê dẫn họ đến vớI Chúa Giêsu. Chính ngài cũng xin Chúa Giêsu cho ngài và các Tông đồ thấy Chúa Cha.( Ga 14,7-9).

Về hạnh Thánh Giacôbê, chúng ta thấy :sau khi Chúa Giêsu về trời ngài đã lên tiếng cho những người ngoại giáo được gia nhập Kitô giáo mà không phải cắt bì (Cv 15, 13 -21). Ngài đã đem nhiều người Do thái và cả dân ngoạI trở về chính đạo… Noi gương các ngài, chúng con ý thức nhiệm vụ giớI thiệu Chúa cho mọi người. Xin các ngài giúp chúng con biết kết hiệp với Chúa Giêsu trong mọi việc làm, lời nói và ý tưởng, thông phần vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu để được chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa đời này và đời sau.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con trở nên những chứng nhân cho Chúa trước mặt mọi người, sẵn sàng làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người chúng con gặp gỡ bằng lời nói hay bằng việc làm trong đời sống hàng ngày: sống đồng tâm nhất trí với nhau trong gia đình, họ đạo vì Chúa Giêsu, biết chia sẻ với anh em vì lòng yêu mến Chúa, biết làm cho gia đình mình hạnh phúc, xã hội được ấm no.

 

SUY NIỆM 4: Philipphê và Giacôbê tông đồ

(GKGĐ Giáo Phận Phú Cường)

“Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”.

Giáo Hội mừng kính hai thánh Tông đồ Philipphê và Giacôbê. Hai vị thánh này xuất thân từ Bếtsaiđa, cùng quê với Phêrô và Anrê thuộc nhóm môn đệ của Gioan Tẩy Giả, và trở thành những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu.

Nếu như Giacôbê tiền là anh của Gioan, là con của ông Dêbêđê, thì Giacôbê chúng ta mừng kính hôm nay là Giacôbê hậu, con của ông Anphê. Tiền và hậu chỉ sự phân biệt chứ không nói lên đặc tính gì quan trọng.

Còn thánh Philipphê là người đã giới thiệu ông Nathanaen cho Chúa Giêsu; đồng thời cũng là người giới thiệu nhóm người Hy Lạp khi họ xin được gặp Chúa Giêsu.

Hai vị thánh được Giáo Hội mừng kính hôm nay nếu chỉ dựa trên những gì Sách Thánh nói, thì không có gì nổi trội đặc biệt. Thế nhưng, họ đã được chọn làm Tông đồ của Chúa, chứng tỏ nơi tâm hồn các ông đã có sẵn lòng nhiệt thành và sự sốt sắng đáp trả khi được ơn kêu gọi. Với thánh Philipphê khi xin Chúa: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”; và thánh Giacôbê, vị Tông đồ được sánh bước với Thầy và được thấy những việc Chúa làm. Như thế đủ thấy các ngài được chọn là để thấy, để nghe, để ra đi và để làm chứng cho chính Chúa.

Mỗi người chúng ta cũng được Chúa chọn qua bí tích Rửa Tội; và vì vậy, chúng ta cũng được diễm phúc: thấy những việc Chúa làm trong cuộc đời mình; nghe những lời Chúa nói qua Tin Mừng, qua Giáo Hội; được sai đi loan báo Tin Mừng và làm chứng bằng đời sống gương mẫu về công bình, bác ái, niềm tin, lòng trông cậy và tình mến Chúa.

Lạy thánh Philipphê và thánh Giacôbê, xin chuyển cầu cho chúng con được trở thành những tông đồ tuy vô danh nhưng hữu dụng trong việc xây dựng Nước Chúa ở trần gian. Amen.

 

SUY NIỆM 5: THẤY THẦY LÀ THẤY CHA

(Lm. Đaminh Trần Công Hiển)

Được sống với Thầy, được nghe những bài giảng của Thầy về Chúa Cha, Philipphê nhận ra Chúa Cha là Đấng cao cả nhưng cũng rất tốt lành, là nguồn hạnh phúc, cho nên ông và các tông đồ khác đã ước ao được thấy Chúa Cha: Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện ! Qua đó, chúng ta thấy được tấm lòng khao khát tìm kiếm chân lý của Philipphê và các Tông đồ.

Ước nguyện ấy lại được Chúa Giêsu đáp ứng một cách dễ dàng không ngờ : ai Thấy Thầy là thấy Cha! Một ước vọng có vẻ cao sang nhưng lại được được đáp ứng quá nhanh chóng đến độ bất ngờ như thế, thực sự là một Tin vui hạnh phúc cho loài người chúng ta trên hành trình tìm kiếm chân lý, nhưng nhiều khi cũng vì quá dễ dàng, nên chân lý vĩ đại này lại thường bị bỏ quên. Người ta thích đi con đường dài và  hiểm trở (để quan trọng hóa vấn đề) hơn là chọn con đường có vẻ quá đơn giản như thế. Người ta đi tìm Chúa nơi nao trong khi Chúa ở rất gần, ở bên cạnh, ở trong lòng ta thì lại không biết, không thấy ! Người ta thích suy tư lý luận dài dòng phức tạp nhưng lại quên rằng Thiên Chúa của chúng ta và đường lối của Ngài lại rất đơn sơ.

Có lẽ Philipphê và Giacôbê cùng các Tông đồ sau khi được Chúa dạy dỗ bài học hôm nay, đã ý thức để sống thân mật với Chúa hơn, lãnh nhận chân lý với niềm tin yêu, và sau này các Ngài đã đổ máu đào để làm chứng cho chân lý ấy.

Đối với chúng ta hôm nay, chúng ta có khát khao tìm kiếm chân lý, tìm kiếm hạnh phúc đích thực không? Có người vất vả đi tìm hạnh phúc tạm bợ, giả tạo nơi tiền bạc, danh vọng, lạc thú…; có người đi tìm ở triết thuyết này, đạo pháp kia; có người biết là phải đi tìm Chúa nhưng không biết tìm ở đâu! Thì đây, Chúa Giêsu cho chúng ta câu trả lời đễ dàng đến bất ngờ : Thầy là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. Thì ra gặp Chúa Giêsu là gặp Chúa Cha nguồn Sự thật, thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha nguồn sự sống, yêu mến Chúa Giêsu là yêu mến chính Thiên Chúa là nguồn tình yêu. Mà làm thế nào để tìm biết Chúa Giêsu?

Nếu anh biết Thầy, anh cũng sẽ biết Cha. Khổ nỗi, cho đến hôm nay nhiều người trong chúng ta vẫn chưa biết Chúa Giêsu, mặc dù ta mang danh là Kitô hữu, ta vẫn nghe Kinh Thánh mỗi ngày, vẫn rước Chúa mỗi ngày! Nếu một người lương dân hỏi: Chúa Kitô là ai? Có lẽ phần đông chúng ta cũng gặp khó khăn trong câu trả lời đấy! Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại cách sống đạo của chính mình, kẻo chúng ta cũng bị trách như Chúa Giêsu trách Philipphê: Thầy ở với anh bấy lâu mà anh không biết thầy ư? Phải chăng chúng ta cần tiếp cận Kinh Thánh một cách ý thức hơn, dành thời giờ học hỏi Kinh Thánh nhiều hơn, để biết đọc, biết suy, biết cảm nếm, để chúng ta có thể gặp được Đức Kitô Phục sinh đang sống động trong từng trang, từng Lời Kinh Thánh và để chính Đức Kitô sống động trong cuộc sống thường ngày của ta.

Nhiều anh chị em sau khi tham gia những khóa học Kinh thánh đã phải thốt lên : bây giờ tôi mới biết Đức Kitô là ai, bây giờ tôi mới cảm nghiệm tình Chúa yêu tôi như thế nào! Trước đó họ vẫn đọc Kinh Thánh chứ, vẫn nghe Kinh Thánh, vẫn học giáo lý, vẫn nghe giảng dậy hàng ngày, nhưng có lẽ những hiểu biết, Đức Tin, lòng yêu mến có được chỉ là vay mượn, không đích thật là của mình, cho nên nó hời hợt, không có chiều sâu và dễ bị nghiêng ngả chao đảo khi gặp thử thách đau khổ. Chỉ khi nào chính mình khám phá, trải nghiệm thì Đức Tin vào Đức Ki tô mới kiên vững, tình mến vào Chúa Kitô mới nồng nàn, và như thế chúng ta sẽ gặp được Chúa Cha là nguồn chân lý, bình an và hạnh phúc, và khi đó, chúng ta có thể làm được những điều như Chúa Giêsu đã làm, đó là làm nhân chứng cho Tin Vui phục sinh ở mọi nơi, để Chúa Cha được tôn vinh nơi Chúa con, để nhân loại được hạnh phúc trong Tình yêu của Chúa Ba Ngôi.

Nguyện xin hai thánh Tông đồ Philipphe và Giacôbê cầu thay nguyện giúp để chúng con noi gương các Ngài, khao khát tìm Chúa, siêng năng học hỏi Kinh Thánh, rước Thánh Thể một cách ý thức hơn để chúng con thực sự găp được Chúa, có được cuộc sống thân mật với Chúa Kitô, từ đó chúng con trở thành nhân chứng sống động, dám sống và chết cho Tin mừng Phục sinh. Amen

 

SUY NIỆM 6: Philipphê và Giacôbê tông đồ

(tonggiaophanhanoi.org // Enzo Lodi)

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Theo truyền thống, việc cử hành lễ này bắt nguồn từ việc cung hiến đại thánh đường dâng kính Mười hai vị thánh Tông Đồ tại Rôma ngày 1 tháng 5 năm 565. Nhân dịp này, có lẽ người ta đã đặt dưới bàn thờ thánh tích của các Tông Đồ Philípphê và Giacôbê. Vì thế, ở Tây Phương, người ta mừng lễ chung cả hai thánh.

Thánh Philipphê (tiếng hy-lạp = Philippos = người thích ngựa), là một trong nhóm Mười hai, quê quán tại Betsaide, cùng thành phố với Anđrê và Phêrô (Ga 1,44). Trong danh sách các Tông Đồ, ngài luôn chiếm vị trí thứ năm, và trong sách Tin mừng của Gioan, ngài xuất hiện ba lần trong tư cách người bạn tâm giao của Đức Giêsu. Ngài đã nói với Nathanael: Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: Đó là ông Giêsu... Cứ đến mà xem (Ga1,45 –46). Rồi cùng với Anđrê, ngài tham gia vào hai việc quan trọng: lúc đầu, lúc Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều và trước ngày Chúa chịu khổ nạn – đó là ngày Đức Giêsu vinh quang tiến vào Giêsusalem; lần sau, khi ngài làm môi giới cho các khách hành hương Hy Lạp muốn gặp Đức Giêsu (Ga12, 20 –21). Tin mừng của Gioan còn cho ta thấy ngài tại bàn Tiệc Ly, ngài nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha ...” (Ga 14, 8 tt).

Theo truyền thuyết, có lẽ Philípphê đã rao giảng Tin Mừng cho miền Tiểu Á và chịu đóng đinh tại Hiérapolis, vùng Phrygie. Nghệ thuật ảnh tượng thường minh họa ngài với cây thập giá trong cuộc tử đạo, hay đang lúc chịu đóng đinh.

Giacôbê – được gọi Hậu hay Tiểu huynh – cũng là một trong nhóm Mười hai. Người ta thường đồng hóa ngài với Giacôbê, người anh em của Chúa (Gl 1,19, Mc 6,3), là giám mục Giêrusalem và nhân vật hàng đầu của Hội thánh tiên khởi (Cv 15). Đức Giêsu hiện ra cho ngài sau khi Người đã phục sinh (Cv 15, 1- 8) và có lẽ ngài cũng là tác giả của thư Giacôbê.

Theo lưu truyền, Giacôbê Hậu chịu tử đạo tại Giêrusalem. Sau khi đẩy ngài từ trên cao Đền thờ xuống, người ta kết liễu đời ngài bằng cuộc ném đá. Nghệ thuật ảnh tượng minh họa ngài với một cái chùy cối xay, hay cuốn sách.

2. Thông điệp và tính thời sự

a. Lời cầu xin của Philípphê với Đức Giêsu: Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha; như thế là chúng con mãn nguyện (Phúc Âm ngày lễ: Ga 14,6-14) và lời đáp của Thầy: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha, tất cả đều là trọng tâm của lời kinh Phụng Vụ.

Lời nguyện nhập lễ gợi lại mục đích đời sống Kitô hữu: là “được thông phần vào cuộc Khổ nạn và Phục Sinh” của Đức Kitô để “được chiêm ngưỡng vinh quang của Người”. Quả vậy, chính Đức Kitô là đường dẫn đến Chúa Cha: Thầy là Đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến với Cha mà không qua Thầy... Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha Thầy (câu 6 và 9). Các câu này trở đi trở lại nhiều lần trong Thánh lễ và trong các giờ kinh Phụng Vụ.

b. Cả Philípphê lẫn Giacôbê đều được thấy Đấng Phục Sinh và đã làm chứng về Người. Giacôbê được thánh Phaolô nhắc đến (1 Cr 15,8) như là một nhân chứng về sự sống lại của Chúa: ... sau đó, Ngài cũng hiện ra cho Giacôbê (bài đọc một trong Thánh lễ).

Lời nguyện trên lễ vật gợi lại lòng đạo đức đích thật được các Tông Đồ Philípphê và Giacôbê giảng dạy và chúng ta được mời gọi “thực thi cách tinh truyền và không có gì đáng trách”. Như thế, chúng ta cũng nhớ đến Thư của thánh Giacôbê – Theo lưu truyền được gán cho Giacôbê, người anh em của Chúa – qua đó chúng ta đọc: Lòng đạo đức tinh truyền và không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa Cha, là thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian (Gc 1,27). Vậy sự tôn thờ đích thật, phù hợp với lời giảng dạy của các ngôn sứ, không thể tách rời khỏi lẽ công bình và lòng yêu mến các kẻ “Hèn mọn”: ... Hãy tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ (Is 1,17)

 

SUY NIỆM 7: THÁNH PHILÍPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ

(Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

Ca nhập lễ ngày lễ hai thánh Philípphê và Giacôbê tông đồ có viết rằng: ”Đây là những vị thánh, Chúa đã lấy tình thương chân thành mà tuyển chọn và đã cho các Ngài được vinh quang muôn thuở”. Hại thánh Philípphê và Giacôbê đã được Chúa yêu thương cất nhắc, mời gọi để các Ngài trở nên cột trụ và nhân chứng cho Giáo Hội Chúa Kitô.

ƠN GỌI CỦA CÁC NGÀI

Chúa kêu gọi ai, tuyển chọn, cất nhắc người  nào là do tình thương nhưng không của Ngài.Trường hợp của hai thánh tông đồ Philípphê và Giacôbê nói lên tình yêu thương vô biên của Chúa. Chúa đã mời gọi hai Ngài và tất cả hai Ngài, đã bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu. Thánh Philípphê ở Betsaiđê cùng quê với thánh Phêrô và Anrê, một làng quê trên bờ biển Tibêriát. Thánh Philípphê đã theo thánh Gioan tiền hô và sau này trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Thánh Philípphê đã bảo cho Nathan biết Đấng Cứu Thế đã đến và dẫn Nathan đến gặp Chúa Giêsu. Tin Mừng đã thuật lại những sự liên hệ mật thiết giữa Chúa Giêsu và thánh Philípphê. Trước khi Chúa Giêsu làm phép lạ cho bánh và cá hóa nên nhiều, Ngài đã thử hỏi xem Philíphê có tìm đâu ra thức ăn cho số đông người ăn hay không ? Chính Philíphê trong bữa tiệc ly đã xin Chúa cho thấy Cha của Ngài: ”Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha. Và như thế là chúng con mãn nguyện rồi”. Chúa Giêsu trả lời: ”Anh Philípphê. Ai xem thấy Thầy là thấy Cha của Thầy” (Ga 14, 6-9).Thánh Philípphê cũng được số đông lương dân xúm lại hỏi han Ngài, xin Ngài cho họ xem Đấng Cứu Thế. Sau khi Chúa về trời, được Chúa Thánh Thần tác động, đổi mới, thánh Philípphê đã rao giảng, loan báo Tin Mừng và giới thiệu Chúa Kitô cho toàn thể dân thành Sitti . Rồi Thánh Nhân đến rao giảng cho dân Hiêrapoli, xứ Rigie và cũng như Thầy mình, Ngài được phúc tử đạo, bị đóng đinh vì danh Chúa Kitô. Xác thánh nhân được dân chúng mai táng ở Rigie, sau đó được cải táng về Roma, chôn cất cạnh thánh Giacôbê. Thánh Giacôbê hậu là anh em họ với Chúa Giêsu. Sở dĩ gọi Ngài là Giacôbê hậu để  dễ phân biệt với thánh Giacôbê con ông Alphê. Thánh nhân trở thành giám mục tiên khởi cai quản thành Giêrusalem. Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã hiện ra với Ngài và chính Ngài đã viết một bức thư còn lưu lại trong Tân Ước. Thánh nhân luôn trung thành với đức tin, bảo vệ Giáo Hội và vững tay chèo vững tay lái trên ngai giám mục. Vì ghen tương, đố kỵ, thánh nhân bị bọn biệt phái và một số người cứng lòng, ngạo mạn tố cáo và kết án. Thánh nhân bị bọn chúng bắt, đưa lên nóc nhà thờ, xô Ngài xuống đất và ném đá Ngài cho đến chết. Trước khi lià cõi đời, thánh nhân đã quì gối cầu nguyện, xin Chúa tha thứ cho những kẻ thù hãm hại mình.

CHÚA TRAO MŨ TRIỀU THIÊN CHO CÁC NGÀI và GIÁO HỘI TÔN PHONG CÁC NGÀI:

Như Thầy của mình, các môn đệ đã liều mình, hy sinh mạng sống của mình để làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh. Các Ngài nhất nhất chết cho tình yêu. Đúng như Chúa Giêsu đã nói: ”Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13). Như Chúa Giêsu các Ngài đều nhất loạt cầu nguyện cho kẻ thù làm hại các Ngài: ”Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34). Các Ngài đã cảm nghiệm sâu sắc thế nào là tình yêu đến tự Thiên Chúa như Henri J.M Nouwen đã viết: ”Khi tình yêu đến từ Thiên Chúa, thì tình yêu đó bền bỉ”.

Lạy Chúa, hằng năm Chúa cho chúng con được hân hoan mừng lễ hai thánh tông đồ Philípphê và Giacôbê. Xin Chúa thương nhận lời các Ngài cầu thay nguyện giúp mà cho chúng con biết thông phần vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu để được chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa muôn đời (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Philípphê và Giacôbê, tông đồ).

 

SUY NIỆM 8: Philipphê và Giacôbê tông đồ

(Theo vết chân Người)

Giáo hội tôn kính hai vị tông đồ này trong cùng một ngày, vì vào thế kỷ thứ V, xác các thánh được đưa về Rôma với nhau và đặt ở đền thờ các thánh tông đồ. Ngày dời xác các Ngài là ngày 01 tháng 5. Nhưng vì trùng với lễ thánh Giuse thợ, cho nên lễ kính các Ngài được dời vào ngày 03 tháng 5.

Thánh GIACÔBÊ (hậu)

Chỉ có một chỉ dẫn Tân Ước cung ứng cho chúng ta về vị tông đồ thứ hai mang tên Giacôbê: Ngài “là con ông Alphêô” (x. Mt 10,3 – Mc 3,18 – Lc 6,15 – Cv 1,13). Vậy không đáng ngạc nhiên gì, khi có nhiều cố gắng đồng hóa Ngài với một hay nhiều người cùng mang tên là Giacôbê ở trong Tân Ước. Có Giacôbê “người anh em của Chúa” (x. Cl 1,19).

Có lẽ Ngài đã được thấy Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra (x. 1Cr 15,7) và chắc chắn Ngài là thủ lãnh Giáo hội Giêrusalem (x. Cv 12,17 – 15,13 – 21,18). Sau cùng, người được đồng hoá với người anh em của Chúa được nhắc đến trong Phúc Âm (x. Mt 13,55 – Mc 6,3). Đó là ý kiến của Thánh Hiêrônimô và được nhiều người chấp nhận, nhưng các học giả ngày nay muốn phân biệt hai người khác nhau và Phúc Âm chỉ giản dị ghi lại tên Ngài.

Dầu cho các sách Phúc Âm không nói nhiều tới thánh nhân nhưng Ngài đã giữ được một địa vị sáng giá trong Giáo hội sơ khai, Thánh Phêrô khi được cứu thoát khỏi tù đã nói: “Hãy đem tin cho Giacôbê và các anh em được biết” (x. Cv 12,17).

Khi tiếp xúc với các tông đồ, Thánh Phaolô đã đến gặp Giacôbê. Sau này Thánh Phaolô nói: “Giacôbê, Kêpha (Phêrô) và Gioan, những vị có thế giá như cột trụ ấy đã bắt tay tôi và Barnaba tỏ dấu hợp thông.” (x. Gl 2,9)

Tại công đồng Giêrusalem, Giacôbê đã lên tiếng sau Phêrô, tóm kết diễn từ về việc rao giảng Phúc Âm cho dân ngoại (x. Cv 15,13-31). Lần sau cùng về Giêrusalem, thánh Phaolô đã đến gặp thánh Giacôbê đang họp với hàng niên trưởng (x. Cv 21,18).

Để diễn tả sự thánh thiện của Giacôbê, thánh Eusêbiô và Hiêrônimô đã nói rằng: thánh nhân giữ mình đồng trinh suốt đời và con người hiến mình cho Thiên Chúa này không uống rượu, kiêng thịt, đi chân không và chỉ có một chiếc áo. Quì cầu nguyện nhiều, đầu gối Ngài chai cứng như da lạc đà.

Năm 62, các luật sĩ lo lắng vì sự rạng rỡ Giacôbê mang lại cho Kitô giáo. Họ triệu vời thánh nhân đến ở trước công nghị để tra vấn xem Ngài nghĩ gì về Chúa Kitô. Trên sân thượng ngoài đền thờ, họ bắt thánh nhân công khai nói lời bội giáo cho dân nghe, Ngài nói: “Chúa Giêsu là con người đang ngự bên hữu Thiên Chúa quyền năng và đến một ngày kia sẽ đến trên mây trời.”

Dân chúng đồng loạt lên tiếng tôn vinh Chúa Giêsu trong khi các luật sĩ và biệt phái xông vào thánh nhân. Họ đã quyết định ném đá Ngài.

Thánh PHILIPPHÊ

Thánh Philipphê là người Bethsaida (x. Ga 1,44). Trên đường đi Galilêa, Chúa Giêsu đã gọi ông. Đến lượt mình chính Philipphê lại giới thiệu Chúa Giêsu cho Nathanael: “Đấng mà Môisê trong lề luật cùng các tiên tri chép đến chúng tôi đã gặp rồi” (x. Ga 1,45).

Và ông còn khích lệ thêm: “Hãy đến mà xem” (x. Ga 1,46).

Khi hóa bánh ra nhiều Chúa Giêsu đã tin tưởng và ông hỏi: “Ta mua đâu được bánh cho họ ăn” (x. Ga 6,5).

Như vậy Chúa Giêsu đã kết hiệp với ông trước hết trong việc chuẩn bị cho phép lạ này.

Dịp lễ vượt qua sau cùng của Chúa Giêsu, các lương dân đã nhờ Philipphê xin Chúa cho họ được gặp Người: “Thưa ông, chúng tôi muốn gặp Chúa Giêsu” (x. Ga 12,21).

Sau cùng, trong cuộc đàm đạo thân mật sau bữa Tiệc Ly, Philipphê lên tiếng hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thày, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, thế là đủ cho chúng con rồi”.

Chúa Giêsu nói với ông: “Đã lâu rồi, Ta ở với các ngươi, thế mà, Philipphê, ngươi đã không biết Ta ư? Ai thấy ta là đã thấy Cha. Làm sao ngươi nói: Xin tỏ cho chúng con thấy Cha (x. Ga 14,8-9).

Các tông đồ chỉ hiểu được chiều kích rộng lớn của những lời này khi Chúa Thánh Thần soi sáng cho các ông.

Đó là tất cả những gì mà sách Phúc Âm nói với chúng ta về thánh tông đồ Philipphê. Sau này truyền thống cho chúng ta biết thánh Philipphê đã đi rao giảng Phúc Âm ở Scythia và Phrygia. Nhưng rất có thể người ta đã lầm thánh nhân với vị phó tế cũng có tên là Philipphê. Về cái chết của Ngài, không có gì là chắc chắn. Có tài liệu nói rằng: Ngài tử vì đạo. Có tài liệu lại cho rằng: Ngài chết già.

 

SUY NIỆM 9: Philipphê và Giacôbê tông đồ

(http://conggiao.info // Lm. Anthony Trung Thành)

Thánh Philipphê là người Bétxaiđa, cùng quê với Thánh Anrê và Thánh Phêrô (x. Ga 1,44). Trước khi theo Chúa Giêsu, Ngài là môn đệ của Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài đã giới thiệu Chúa Giêsu cho  ông Nathanael (x. Ga 1,45-46). Trước câu hỏi của Chúa Giêsu: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? Philipphê trả lời: Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút" (x. Ga 6,5). Trong bài Tin mừng hôm nay ông đã mạnh dạn xin Chúa Giêsu “Cho thấy Chúa Cha” (x. Ga 14,8). Chúa Giêsu đã cho ông biết: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (x. Ga 14, 9). Sau ngày lễ Ngũ Tuần, Ngài đi truyền giáo tại Sitti, rồi giảng dạy ở Hiêrapoli, xứ Rigie và chịu đóng đinh vì danh Chúa tại đây.

Thánh Giacôbê, còn gọi là Giacôbê hậu, là anh em bà con với Chúa Giê-su (x. Mt 13,55 - Mc 6,3) và là con của ông Anphê (x. Mt 10,3 - Mc 3,18 - Lc 6,15 - Cv 1,13). Ngài được Chúa Kitô phục sinh hiện ra cách riêng (x. 1Cr 15,7). Ngài đã từng lãnh đạo giáo đoàn Giêrusalem (x. Cv 12,17 - 15,13 - 21,18) và giúp cho nhiều người Do thái đón nhận đức tin (x. Cv 15,13-31). Ngài có một địa vị quan trọng trong cộng đoàn sơ khai. Nhờ đâu, chúng ta khẳng định như vậy? Thứ nhất, khi Phêrô được thiên thần giải thoát khỏi ngục tù đã nói: "Hãy đem tin cho Giacôbê và các anh em được biết" (x. Cv 12,17). Thứ hai, sau khi trở lại, Thánh Phaolô đã từng gặp Giacôbê, và lần cuối cùng gặp Giacôbê khi ông đang họp với hàng niên trưởng (x. Cv 21,18). Thứ ba, Thánh Phaolô cũng nhắc đến Giacôbê trong thư Côlôsê: "Giacôbê, Kêpha (Phêrô) và Gioan, những vị có thế giá như cột trụ ấy đã bắt tay tôi và Barnaba tỏ dấu hiệp thông" (x. Gl 2,9). Thánh Gia-cô-bê để lại một bức thư. Ngài chịu tử đạo năm 62.

Trên đây là một vài điểm quan trọng, liên quan đến cuộc đời của hai vị thánh mà Giáo hội cho chúng ta mừng kính hôm nay. Hai vị Thánh vinh dự được Chúa Giêsu trực tiếp chọn vào số các Tông đồ. Các Ngài được chính Chúa Giêsu huấn luyện trong suốt ba năm, được nghe những lời Giáo huấn của Chúa, được thấy những phép lạ Chúa làm. Đặc biệt, các Ngài được chứng kiến cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Thầy mình. Chính vì vậy, cũng như các Tông đồ khác, các Ngài đã dấn thân không mệt mỏi trong công cuộc rao giảng và làm chứng về những gì mắt thấy tai nghe. Các Ngài đã ý thức được trách nhiệm phải trao ban những gì mình đã lãnh nhận.  Đó cũng là tâm tình của Thánh Phaolô nói với các tín hữu ở Côrintô mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ I, Ngài nói: “Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh: đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng theo như lời Thánh Kinh. Người được mai táng và ngày thứ ba Người đã sống lại đúng theo như lời Thánh Kinh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi sau với mười một vị. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em trong một lúc; nhiều người trong số anh em đó hãy còn sống tới nay, nhưng có vài người đã chết. Thế rồi Người hiện ra với Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau cùng, Người cũng hiện ra với chính tôi như với đứa con đẻ non” (1Cr 15, 3-8).

Vì đã lãnh nhận trách nhiệm làm Tông đồ, nên qua mọi thời đại, Giáo hội cũng tiếp tục dấn thân làm chứng cho Chúa bằng nhiều cách thế khác nhau. Thư chung của HĐVMVN năm 2003 diễn tả: "Từng đoàn người vượt suối băng rừng. Từng đoàn người ra khơi giữa biển rộng sóng lớn. Biết bao người bỏ mạng nơi rừng sâu núi thẳm. Biết bao người bỏ xác ngoài biển khơi. Nhưng lớp này nằm xuống, lớp khác đứng lên nối tiếp nhau đem Tin mừng đến tận cùng thế giới".

Sứ mạng của Giáo hội cũng là sứ mạng của mỗi người kitô hữu chúng ta. Cũng trong thư chung năm 2003, HĐGM Việt Nam mời gọi: “Sứ mạng loan báo Tin mừng được đặc biệt trao vào tay chúng ta. Chúng ta hãy tiếp bước các vị thừa sai đầy nhiệt tình tông đồ, hãy phát huy truyền thống kiên cường của các bậc tiền nhân anh hùng tử đạo. Ta hãy đáp lại kỳ vọng của Hội thánh đem Tin mừng cho anh em trên lục địa mênh mông này. Và đặc biệt đem Tin mừng cho anh chị em sống ngay trên quê hương Việt nam".

Nhưng phải loan báo Tin mừng bằng cách nào?

Như Philipphê đã giới thiệu Chúa cho Nathanael, chúng ta cũng hãy giới thiệu Chúa cho những người xung quanh chúng ta. Nhưng để giới thiệu Chúa cho người khác thì chính chúng ta phải gặp gỡ Chúa trước, phải hiểu biết về Ngài, phải có niềm xác tín vào Ngài là Thiên Chúa: Gặp Chúa qua việc đọc và suy niệm Kinh Thánh; gặp Chúa qua việc lãnh nhận các Bí tích; gặp Chúa qua đời sống cầu nguyện…Để khi có người nghi ngờ về lời giới thiệu của chúng ta, chúng ta có thể nói với họ như Philípphê đã nói với Nathanael rằng: “Hãy đến mà xem” (x. Ga 1,46).

Như Philipphê dẫn người Hilạp đến gặp Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta cũng có trách nhiệm dẫn người khác đến gặp gỡ Chúa. Cha xứ dẫn đoàn chiên trong giáo xứ tới gặp Chúa. Thầy cô giáo lý viên dẫn dắt học sinh tới gặp Chúa qua các giờ giáo lý. Cha mẹ dẫn con cái của mình tới gặp Chúa. Người kitô hữu dẫn những người lương dân tới gặp Chúa…

“Đức Tin không có hành động quả là đức tin chết”(Gc 2,17), thánh Giacôbê đã nói như vậy. Vì vậy, mỗi người kitô hữu chúng ta không những rao giảng Tin mừng bằng lời nói mà còn bằng những hành động cụ thể trong cuộc sống hằng ngày. Để nhân loại nhận ra Chúa qua chúng ta.

Trong một thánh lễ kính các tông đồ, tôi nhớ mang máng nội dung một bài hát như thế này: “Tông đồ là người mang Chúa Kitô, để qua ta, để trong ta, Người đến với mọi người. Tông đồ là người mang Chúa Kitô, để qua ta, để trong ta Người đến với mọi nơi”.

Ý nghĩa của lời hát trên nói lên tất cả sứ mạng của người làm Tông đồ. Thật vậy, người Tông đồ cần phải có Chúa Kitô trong mình mới có thể mang Chúa Kitô đến cho những khác. Mang Chúa đến với người khác bằng cách sống như Đức Kitô đã sống để người khác thấy Chúa Kitô nơi người Tông đồ. Thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).  Mang Chúa đến với người khác bằng cách sống bác ái yêu thương. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Cứ dấu này mà người ta nhận ra các con là môn đệ của Thầy là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35). Mang Chúa đến với người khác bằng cách sống công bằng, chân thật. Vì Chúa Giêsu từng nói: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6).

Cũng như Chúa Giêsu Kitô đã hoạ lại hình ảnh của Chúa Cha, để ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha (x. Ga 14, 9). Người Tông đồ cũng phải hoạ lại hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô nơi chính lời nói và việc làm của mình, để ai thấy người Tông đồ là thấy Chúa Giêsu Kitô.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, để tiếp tục công việc cứu độ thế gian, Chúa đã chọn Thánh Philipphê và thánh Giacôbê Tông đồ và hai thánh đã chu toàn xuất sắc bổn phận Chúa trao phó. Làm Tông đồ cũng là sứ mạng Chúa trao phó cho Giáo hội và mỗi người chúng con. Xin giúp chúng con cố gắng chu toàn bổn phận ấy, để qua chúng con Chúa đến được với mọi người. Amen.

 

SUY NIỆM 10: Philipphê và Giacôbê tông đồ

(http://donboscoviet.info)

–  Bài Tin Mừng hôm nay, Lễ Kính các thánh Tông Đồ Philípphê và Giacôbê, thì giống như bài Tin Mừng chúng ta suy niệm trong tuần thứ tư Phục Sinh, và kể lại lời yêu cầu của thánh Tông Đồ Philípphê thưa với Chúa Giêsu:  “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con”. 

–  Ga 14:6:  Thầy là đường, là sự thật và là sự sống:  Tôma thưa với Chúa Giêsu:  “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?” (Ga 14:5).  Chúa Giêsu đáp:  “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống.  Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.”  Ba chữ quan trọng.  Không có đường, chúng ta không thể đi lại được.  Không có sự thật, người ta không thể có một sự chọn lựa tốt.  Nếu không có sự sống, thì chỉ có cái chết!  Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa này.  Người là đường, bởi vì không ai “đến được với Cha mà không qua Thầy”.  Người là cửa, mà các con chiên ra vào (Ga 10:9).  Chúa Giêsu là Sự Thật, bởi vì nhìn vào Người, chúng ta trông thấy hình ảnh của Chúa Cha.  “Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy!”  Chúa Giêsu là Sự Sống, bởi vì đi theo Chúa Giêsu chúng ta sẽ được kết hợp với Chúa Cha và sẽ có sự sống trong chúng ta!

–  Ga 14:7:  Biết Chúa Giêsu là biết Chúa Cha.  Tôma thưa với Chúa Giêsu:  “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?”  Chúa Giêsu trả lời:  “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống.  Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.”  Và Người thêm rằng:  “Nếu các con biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy.  Ngay từ bây giờ, các con biết và đã xem thấy Người”.  Đây là câu đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay.  Chúa Giêsu luôn nói về Chúa Cha, bởi vì sự sống của Chúa Cha xuất hiện trong mọi việc Chúa Giêsu nói và làm.  Việc nhắc đến liên tục này về Chúa Cha đã khiến cho ông Philípphê đưa ra câu hỏi.

–  Ga 14:8-11:  Philípphê thưa:  “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con xem thấy Cha và như thế là đủ cho chúng con!”  Đó là niềm ao ước của các môn đệ, niềm ao ước của nhiều người trong cộng đoàn người Môn Đệ Chúa Yêu và đó cũng là niềm ao ước của nhiều người ngày nay.  Người ta làm gì để được thấy Chúa Cha, Đấng mà Chúa Giêsu nhắc đến nhiều như thế?  Câu trả lời của Chúa Giêsu rất tuyệt vời và còn giá trị cho đến ngày nay:  “Thầy ở với các con bấy lâu rồi, thế mà con chưa biết Thầy ư?  Philípphê, ai thấy Thầy là xem thấy Cha!”  Người ta không nên nghĩ rằng Thiên Chúa thì xa vời với chúng ta, ngăn cách và xa lạ.  Bất cứ ai muốn biết Thiên Chúa Cha ra sao, thì chỉ cần nhìn vào Chúa Giêsu là đủ.  Người đã mặc khải trong lời nói và cử chỉ của cuộc đời mình!  “Các con hãy tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha ở trong Thầy!”  Qua sự vâng phục của mình, Chúa Giêsu đã hoàn toàn xác định căn tính của mình với Chúa Cha.  Tất cả những gì Người làm là làm theo ý của Chúa Cha (Ga 5:30; 8:28-29, 38).  Đây là lý do tại sao trong Chúa Giêsu, mọi việc là sự mặc khải về Chúa Cha!  Và những dấu lạ hay việc làm của Người là việc làm của Chúa Cha!  Như người ta nói rằng:  “Người con là khuôn mặt của cha!”  Đây là lý do tại sao trong Chúa Giêsu và vì Chúa Giêsu, Thiên Chúa ở giữa chúng ta.

–  Ga 14:12-14:  Lời hứa của Chúa Giêsu.  Chúa Giêsu đã hứa rằng sự gần gũi với Chúa Cha không phải là một đặc quyền chỉ dành riêng cho Người, mà nó có thể dành cho tất cả những ai Tin vào Ngài.  Chúng ta cũng thế, nhờ Chúa Giêsu, cũng có thể làm những điều tốt đẹp cho người khác như Chúa Giêsu đã làm cho người ta vào thời của Người.  Chúa Giêsu cầu bầu cho chúng ta.  Tất cả mọi việc mà người ta cầu xin cùng Người, Người xin với Chúa Cha và sẽ được, luôn luôn nếu đó là để phục vụ.  Chúa Giêsu là Đấng bàu chữa cho chúng ta.  Chúa ra đi nhưng Người không để chúng ta đơn côi.  Chúa hứa rằng Người sẽ xin cùng Chúa Cha và Chúa Cha sẽ sai một Đấng Bảo Trợ và An Ủi khác, đó là Chúa Thánh Thần.  Chúa Giêsu thậm chí còn nói rằng thật là cần thiết để Chúa đi, bởi vì nếu không thì Chúa Thánh Thần sẽ không đến (Ga 16:7).  Và Chúa Thánh Thần sẽ thực hiện đầy đủ những việc của Chúa Giêsu trong chúng ta, nếu chúng ta hành động nhân danh Chúa Giêsu và tuân theo các giới răn trọng nhất của việc thực hành tình yêu thương.

 Nguồn:http://gplongxuyen.org