Suy niệm 02/12/2019 – Thứ Hai tuần 1 mùa vọng: Niềm tin đích thực.

Thứ Hai 02/12/2019 – Thứ Hai tuần 1 mùa vọng. – Niềm tin đích thực.

"Nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến trong nước trời".

 

Lời Chúa: Mt 8, 5-11

Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một viên đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt và đau đớn lắm!" Chúa Giêsu phán bảo ông rằng: "Tôi sẽ đến chữa nó". Nhưng viên đại đội trưởng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi; tôi bảo người kia đến thì anh đến; tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!"

Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

Suy Niệm 1Từ phương Đông phương Tây

Suy Niệm

Tín đồ Do thái giáo có tiếng về sống đức hy vọng.

Họ đã hy vọng và vẫn còn hy vọng Đấng Mêsia sẽ đến để đem ơn cứu độ.

Họ đã chờ và vẫn chờ từ bao ngàn năm nay.

Còn Kitô hữu chúng ta có tiếng về sống đức ái.

Tuy nhiên, tự bản chất Kitô giáo vẫn là tôn giáo của đức hy vọng.

Chúng ta tin Đấng Mêsia là Đức Giêsu đã đến rồi.

Ngài đến đem ơn cứu độ không phải cho riêng dân Israel,

nhưng cho mọi dân mọi nước trên toàn thế giới.

Nhưng Kitô hữu vẫn còn sống trong chờ đợi và hy vọng.

Chúng ta mong ngày trở lại trong vinh quang của Chúa Giêsu,

cũng là ngày thế giới này đi đến chỗ tận cùng, để sang một trang mới.

MARANA THA, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến (1 Cr 6, 22; Kh 22, 20).

đó là lời nguyện của các Kitô hữu trong Giáo Hội buổi sơ khai.

Đó cũng là lời nguyện khẩn thiết của chúng ta, đặc biệt trong Mùa Vọng.

Ngày quang lâm là ngày tận thế đáng sợ,

khi Chúa Giêsu trở lại xét xử kẻ sống và kẻ chết.

Nhưng đó cũng là ngày hội vui lớn nhất của nhân loại,

ngày mà niềm hy vọng của chúng ta được thành tựu viên mãn.

Ngày ấy “từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc

cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời” (c. 11).

Đức Giêsu ngỡ ngàng khi thấy niềm tin lớn lao của viên đại đội trưởng.

Ông thuộc dân ngoại mà lại có lòng tin lớn hơn các người Israel khác (c. 10).

Ông tin Đức Giêsu có thể chữa lành cho người đầy tớ yêu quý của ông.

Không cần Ngài đến nhà, chỉ cần một lời nói của Ngài thôi cũng đủ (c. 8).

Lòng tin mạnh mẽ và khiêm tốn của ông đã chinh phục Đức Giêsu.

Lời của viên sĩ quan dân ngoại đã trở nên lời ta đọc trước khi rước lễ.

“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con,

nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”

Đầy tớ của viên đại đội trưởng đã được chữa lành,

nhưng điều quan trọng hơn là chuyện ông có hy vọng được dự tiệc.

Đây là bữa tiệc cánh chung, bữa tiệc trong Nước Trời (x. Is 25, 6-8).

Một người dân ngoại được ngồi dự tiệc bên các tổ phụ Do thái.

Đây là điều hẳn làm cho nhiều người Do thái phải ngạc nhiên.

Mà không phải chỉ có viên đại đội trưởng,

có nhiều người từ tứ phương thiên hạ cũng được mời (c. 11).

Nước Trời như một bữa tiệc vui và thịnh soạn do Thiên Chúa thết đãi,

trong đó mọi dân tộc khác nhau cùng đến để chia sẻ và hiệp thông.

Mọi đau buồn, mọi cách ngăn đều bị xóa bỏ.

Màu tím là màu của phụng vụ Mùa Vọng,

nhưng đây không phải là màu buồn.

Mùa Vọng nhắc chúng ta về niềm hy vọng rất xanh tươi

mà Chúa Giêsu đã mang lại cách đây hai ngàn năm

và chúng ta có bổn phận vun đắp cho thành tựu.

Làm sao để ơn cứu độ của Ngài được mọi người trên thế giới nhận biết?

Làm sao để dân ngoại được ơn đức tin và ơn chữa lành như viên sĩ quan?

Làm sao để chẳng ai vắng mặt trong bữa đại tiệc của Nước Trời?

Mùa Vọng đưa ta về thế giới bao la của châu Á, với 3% người công giáo.

Nếu ngày mai tận thế, Chúa sẽ hỏi ta 97% kia đâu.

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha,

Cha muốn cho mọi người được cứu độ

và nhận biết chân lý,

chân lý mà Cha đã bày tỏ nơi Đức Giêsu, Con Cha.

Xin Cha nhìn đến hàng tỉ người

chưa nhận biết Đức Giêsu,

họ cũng là những người đã được cứu chuộc.

Xin Cha thôi thúc nơi chúng con

khát vọng truyền giáo,

khát vọng muốn chia sẻ niềm tin và hạnh phúc,

niềm vui và bình an của mình cho tha nhân,

và khát vọng muốn giới thiệu Đức Giêsu cho thế giới.

Chúng con thấy mình nhỏ bé và bất lực

trước sứ mạng đi đến tận cùng trái đất

để loan báo Tin Mừng.

Chúng con chỉ xin đến

với những người bạn gần bên,

giúp họ quen biết Đức Giêsu và tin vào Ngài,

qua đời sống yêu thương cụ thể của chúng con.

Chúng con cũng cầu nguyện

cho tất cả những ai đang xả thân lo việc truyền giáo.

Xin Cha cho những cố gắng của chúng con

sinh nhiều hoa trái. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Xin Ngài Chỉ Phán Một Lời

Trong quân đội Roma, danh từ "bách quan" hay "đại đội trưởng" dùng để chỉ những người có một trăm tên lính trong tay. Nếu ở chốn đế đô, họ chẳng là gì thì tại các vùng thuộc địa họ là những viên chức đầy uy quyền góp phần cai trị hà khắc của đế quốc. Có thể gọi họ là chất xúc tác và là thước đo lòng căm thù đế quốc của người Do Thái. Ðối với đế quốc cai trị, họ là những người trực tiếp áp đặt chính sách lên dân chúng.

Luật Do Thái đã khắt khe trong việc giao tế với dân ngoại thì lại càng khắt khe hơn đối với những người đang giày xéo lên mảnh đất Thánh của Giavê Thiên Chúa. Người Do Thái sẽ không bước vào nhà dân ngoại vì đó là những nơi không thanh sạch. Sách Midna đã viết: "Mọi nơi cư ngụ của dân ngoại đều là chỗ không thanh sạch", thế mà Chúa Giêsu lại không ngần ngại đi đến nhà viên bách quan để chữa bệnh cho gia nhân của ông. Chúa Giêsu có ý gì khi hành động như vậy? Nếu luật lệ Do Thái khắt khe với dân ngoại mà Chúa Giêsu và các tông đồ lại nghiêng về phía họ thì hẳn việc làm của Chúa Giêsu và các tông đồ phải mang một ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống.

Riêng về các viên bách quan, Kinh Thánh Tân Ước đã không ít lần lên tiếng khen ngợi hành vi của các viên bách quan như lúc Chúa Giêsu bị chết treo nhục nhã trên Thập Giá, một viên bách quan đã tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa. Một viên bách quan khác đã cứu tông đồ Phaolô thoát khỏi hình phạt đánh đòn, và một viên bách quan khác nữa đã giúp Phaolô thoát khỏi âm mưu giết hại của người Do Thái. Tuy nhiên nổi bật hơn hết là viên bách quan được nói đến trong bài đọc Tin Mừng hôm nay. Nơi ông đã hội tụ hai yếu tố căn bản mà mỗi người trong chúng ta cần phải có để khiêm nhượng trước mặt Chúa và bác ái với anh em. Một gia nhân hay đúng hơn một tên nô lệ chẳng là gì trước mặt viên bách quan, ông có thể sử dụng như một món đồ vật, không dùng thì quăng đi cần gì phải bận tâm. Thế mà ở đây ông lại quan tâm đến tên gia nhân cách đặc biệt. Ngoài ra theo đoạn Tin Mừng song song của Luca, ông còn là người giúp đỡ cho Hội Ðường Do Thái.

Lòng vị tha đã khiến viên bách quan vừa có uy quyền, vừa được mộ mến. Tuy nhiên dù là gì đi nữa, trước mặt Thiên Chúa và trước mặt Chúa Giêsu, ông vẫn phải giữ một thái độ hoàn toàn khiêm nhu: "Lạy Thầy, tôi không xứng đáng để được Thầy đến nhà". Ông không chỉ khiêm nhu nhưng lại đầy tin tưởng: "Xin Thầy hãy phán một lời thì gia nhân của tôi được lành mạnh".

Lời cầu khiêm nhu này đã trở thành lời kinh hằng ngày được tín hữu chuyên đọc, và niềm tin của viên bách quan khai mở một kỷ nguyên mới cho lịch sử ơn cứu độ: "Nhiều người từ Ðông chí Tây sẽ đến dự tiệc với Abraham, Isaac và Jacob, còn con cái trong nhà sẽ bị loại ra ngoài". Chúa Giêsu, Ngài đến để cứu chữa hết mọi người, chưa cần viên bách quan tuyên xưng lòng tin, Ngài đã nói lên ý định của Ngài: "Tôi sẽ đến chữa nó".

Luật Do Thái ngăn cấm bước vào nhà dân ngoại thì Chúa Giêsu vượt ra ngoài các cấm đoán của lề luật, vì Vương Quốc của Ngài không xây dựng trên nền tảng các luật cứng nhắc ấy nhưng trên thực hành niềm tin. Ngài cũng không đến để hủy bỏ lề luật nhưng để kiện toàn. Lề luật bây giờ phải được thể hiện trọn vẹn trong cuộc sống.

Viên bách quan không có các nghi thức để tuân giữ lề luật như: không rửa tay trước khi dùng bữa, không đến Hội Ðường vào ngày Sabat. Nhưng trước sự hiện diện của Chúa, ông tỏ một niềm kính sợ, trước tha nhân ông hết lòng yêu mến. Ông trở thành tiêu biểu cho các công dân Nước Trời. Chúa Giêsu đã khen ngợi và đã đón nhận ông vào nước của Ngài.

Chúa Giêsu nói với những kẻ theo Ngài lúc đó cũng như đối với chúng ta hôm nay: "Còn con cái trong nhà sẽ bị loại ra ngoài". Không phải được mang tước hiệu con cái là bảo đảm được dự phần vào Nước Thiên Chúa, nhưng phải là kẻ biết thực hành niềm tin. Tước hiệu Kitô hữu nếu không được nuôi dưỡng bằng sức sống của niềm tin thì chỉ là những bản án được công bố trước thời điểm mà thôi.

Bước vào Mùa Vọng, cùng với Giáo Hội với ý hướng chờ ngày Chúa đến, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta sẽ nhìn vào niềm tin của viên bách quan làm tiêu chuẩn sống cho mình. Mỗi người chúng ta hãy biết khiêm nhu trước Thiên Chúa và biết yêu mến anh em thì hy vong chúng ta sẽ được Thiên Chúa hài lòng đón nhận trong bàn tiệc Nước Ngài.

 

Suy Niệm 3: Mùa của đức cậy và đức tin

Khi Đức Giêsu vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm”. Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó”. Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh (Mt. 8, 5-8).

Điều gì đã thúc đẩy vị sĩ quan Rô-ma ra khỏi nhà từ sáng sớm? Thưa, ông hy vọng rằng ông ra đi ông sẽ gặp được điều tốt hơn là cứ luẩn quẩn trong nhà. Dù ông là một người đầy quyền thế, biết chỉ đạo mọi việc, nhưng cứ ở nhà, ông sẽ chẳng có thể làm gì để cứu chữa đầy tớ đang đau liệt. Ông phải đến với Đức Giêsu.

Ngày hôm nay, bạn cần phải ra khỏi con người bạn để khởi hành vào mùa vọng; mùa sẽ đưa bạn đầy tràn hy vọng đến với Chúa chúng ta. Bạn đã sẵn sàng chưa?

Niềm hy vọng tăng cao nhờ khát vọng mạnh, nhờ nhu cầu khẩn thiết. Niềm hy vọng của bạn hôm nay là gì? Khát mong của viên sĩ quan là: “Đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà tôi, đau đớn lắm”. Còn bạn, bạn có thể đồng cảm với nỗi đau đớn đó không?

Bạn đồng cảm rất dễ với chồng bạn, với vợ bạn, với con bạn, với ông bà cha mẹ, họ hàng và bạn bè của bạn. Bạn cần đồng cảm xa hơn nữa. Viên sĩ quan đã đồng cảm với những tên đầy tớ: một sự đồng cảm với những kẻ hèn mọn. Còn bạn, bạn có thể đồng cảm với bao nhiêu nỗi xót xa của những kẻ đi làm thuê, làm mướn, những kẻ quét đường, đổ rác đi qua nhà bạn mỗi sáng thứ hai không? … Đó là những tôi tớ của bạn, của cộng đồng, của xã hội.

Hôm nay bắt đầu mùa vọng, bạn cầu nguyện cho ai? Bạn hy vọng vị nào đến làm gì cho họ? Thật quan trọng khi bạn biết liệt kê ra những nhu cầu đó để khêu gợi cho mình có những niềm hy vọng, niềm cậy trông giúp bạn có đức cậy.

Hôm nay, bắt đầu mùa vọng, còn một việc nữa cần phân tích, đó là đức tin của chúng ta. Đức Giêsu nói với chúng ta: “Chính tôi sẽ đến cứu chữa nó”. Vị sĩ quan thưa lại: “Lạy ngài, tôi không đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh …”. Chúng ta có thể tin được như thế không? Bao giờ chúng ta mới có được đức tin như thế?

Chúng ta có tin Đức Giêsu có thể đổi mới tâm hồn chúng ta được không? Biết bao nhiêu tôi tớ trên trái đất này đang đau khổ cực độ. Chúng ta có tin Ngài đến cứu chữa họ không?

Bắt đầu mùa vọng, chính là để giúp chúng ta cậy trông và tin tưởng. Và cử hành Thánh lễ chính là để giúp chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu đến thực hiện công trình cứu độ.

C.G

 

Suy Niệm 4: CHÚA ƠI, XIN VỀ VỚI CON ĐI (Mt 8,5-11)

Trong lớp Giáo lý Dự tòng, có một bà năm nay đã gần 80 tuổi xin theo học. Bà góa chồng đã 7 năm. Từ ngày chồng bà chết, nhiều lần bà muốn theo đạo, nhưng vì nhiều lý do khách quan, bà không thực hiện được tâm nguyện của mình.

Đến nay, thuận lợi, bà xin học đạo để được gia nhập Giáo Hội. Trước khi ban Bí tích Rửa Tội cho bà, cha xứ có hỏi: “Bà có ý định theo đạo lâu chưa?”; Bà trả lời: “Khoảng 7 năm”; Cha xứ hỏi tiếp: “Thế bà muốn theo Chúa, nhưng bà có cầu nguyện với Chúa bao giờ không?” Bà nói: “Thưa có”; “Bà cầu nguyện thế nào”; “Thưa Cha, con cầu nguyện rằng: ‘Chúa ơi, xin Chúa về với con đi!’”. Cha xứ tỏ vẻ thán phục niềm tin chân thành và đơn sơ của bà, và ngài đã sẵn lòng Rửa Tội cho bà để bà được gia nhập Giáo Hội.

Câu chuyện của bà cụ rất trùng hợp với một nhân vật cũng khá đặc biệt trong bài Tin Mừng hôm nay, đó là viên sĩ quan, người dân ngoại. Ông là một người ngoại đạo, tức không thuộc về Dothái giáo, nhưng tâm hồn lại có đạo hơn ai hết bởi sự chân thành, đơn sơ nhưng mãnh liệt nơi ông. Vì thế, ông đã được thúc đẩy từ bên trong, nên ông nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, trong khi những người Dothái lại không nhận ra!

Khi nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, ông đã đặt niềm tin tuyệt đối nơi Ngài, vì thế, Đức Giêsu đã lên tiếng khen ngợi ông: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel”. Ơn thánh của Chúa đã thực sự bén rễ sâu trong tâm hồn người dân ngoại này, vì ông khiêm tốn và sẵn sàng mở lòng để cho ơn thánh của Chúa được tác sinh nơi ông.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mặc khải về ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa được dành cho hết mọi người. Vì thế, chúng ta không cất giấu hay để ơn Chúa vào nơi an toàn, mà phải vươn ra đến với hết mọi người, mọi nơi, nhất là những anh chị em chưa nhận biết Chúa.

Cần tránh lối suy nghĩ từ lâu: chỉ những người Công Giáo mới được ơn cứu độ! Những người ngoài Giáo Hội không xứng đáng để đón nhận hồng ân cứu chuộc của Thiên Chúa. Tránh sự kỳ thị, phe phái, tôn giáo, văn hóa xã hội, địa vị, nghề nghiệp..., để nhìn nhận cái hay, cái phải, cái tốt của tha nhân mà noi theo, học hỏi, nếu điều đó phù hợp với đạo lý Tin Mừng. Tránh thái độ hẹp hòi, cục bộ, mặc cảm, yên trí đến bất công, khiến chúng ta đi sai đường lối cứu độ của Thiên Chúa và xa cách tha nhân.

Bước vào Mùa Vọng, mỗi người chúng ta cùng nhau nhìn lại cuộc sống, cách cư xử của mình với anh chị em xung quanh: đã có lần nào vì hẹp hòi mà ta ngăn cản ơn Chúa đến với người khác không? Hay nhiều khi chúng ta không dám rời bỏ chốn an thân, an cư để đến với những người đang cần sự giúp đỡ của chúng ta?

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được yêu mến Chúa, tin tưởng vào Chúa, sống khiêm tốn, quảng đại với tha nhân. Amen.

Ngọc Biển, SSP

 nguon:http://gplongxuyen.org/News