Suy niệm 02/06/2018 – Thứ Bảy tuần 8 thường niên: Do quyền phép nào?

Thứ Bảy 02/06/2018 – Thứ Bảy tuần 8 thường niên. – Do quyền phép nào?

"Ông lấy quyền nào làm sự đó?"

 

Lời Chúa: Mc. 11, 27-33

 

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ lại đến Giêrusalem. Và trong khi Chúa Giêsu đi lại trong đền thờ, thì những trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão đến hỏi Người: "Ông lấy quyền nào mà làm sự đó? Và ai đã ban quyền cho ông để làm như vậy?"

Chúa Giêsu đáp: "Tôi sẽ hỏi các ông một câu thôi, hãy trả lời cho Tôi thì Tôi sẽ bảo cho các ông hay Tôi lấy quyền nào mà làm việc đó: Phép rửa của Gioan bởi trời hay bởi người ta? Hãy trả lời Tôi đi". Họ liền bàn riêng với nhau rằng: "Nếu chúng ta trả lời "Bởi trời", ông ấy sẽ nói: "Vậy sao các ông không tin Người?" Nhưng nếu chúng ta nói "Bởi người ta", chúng ta sợ dân chúng, vì mọi người đều coi Gioan thật là một tiên tri.

Vậy họ thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Chúng tôi không biết". Và Chúa Giêsu bảo họ: "Vậy thì tôi cũng không nói cho các ông biết bởi quyền phép nào Tôi làm sự đó".

  

Suy Niệm 1: Chất vấn về quyền

Theo Tin Mừng Marcô, Chúa Giêsu đã bắt đầu tranh luận với những người Do thái không tin khi Chúa Giêsu lên Yêrusalem lần cuối cùng. Bầu không khí đối đầu giữa Chúa và các vị lãnh đạo Do thái khởi sự với biến cố Chúa đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Ðền Thờ. Ngày hôm sau, khi Chúa và các môn đệ trở lại Ðền Thờ, các Thượng tế, Luật sĩ và Kỳ mục đến chất vấn Chúa: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?". Tin Mừng hôm nay ghi lại cuộc tranh luận đầu tiên trong năm cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các vị lãnh đạo Do thái, trước khi Chúa Giêsu bước vào cuộc tử nạn của Ngài.

Tinh thần chân thành và đối thoại vốn là tinh thần của Phúc Âm. Là con người hiếu hòa, Chúa Giêsu cũng tỏ ra chân thành và thích đối thoại. Tuy nhiên, khi những người đối thoại với Ngài tỏ ra gian manh, thì Chúa Giêsu lại giữ thái độ yên lặng, như khi Ngài đứng trước Caipha, Hêrôđê, Philatô. Nhưng trường hợp những kẻ đối thoại bắt bẻ điều gì, thì Chúa lại chứng tỏ sự trổi vượt của Ngài. Ngài cũng đáp lại bằng một phương thế khác, khi những người đối thoại muốn gây áp lực để buộc Chúa phải trả lời, như khi họ hỏi Chúa có nên nộp thuế cho hoàng đế Cesar không, hoặc có nên ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tính không?

Hôm nay, chúng ta chứng kiến một cảnh đối ngoại, nhưng thật ra đó chỉ là một cách gài bẫy để bắt bẻ Chúa: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?" Chúa Giêsu nhận thấy thái độ không thành thật của họ nên Ngài hỏi vặn lại: "Phép rửa của Gioan là do Trời hay do người ta?". Cách thức trả lời của những kẻ chống đối Chúa cho thấy họ đã tìm ra giải đáp cho câu hỏi họ đặt ra. Họ không thể chối cãi sự kiện phép rửa của Gioan là từ Trời, do quyền của một vị Tiên tri. So sánh phép rửa của Gioan với những việc làm và những phép lạ của Chúa Giêsu mà họ đã chứng kiến, thì chắc chắn những phép lạ của Chúa hơn phép rửa của Gioan. Do đó, theo lý luận nghiêm chỉnh và thành thật, những kẻ chống đối Chúa phải biết Chúa đã lấy quyền từ đâu để làm các điều ấy.

Như thế, câu hỏi của Chúa Giêsu: "Phép rửa của Gioan là do Trời hay do người ta?" là câu hỏi để đánh thức lương tâm và kêu gọi đến sự thành thật nơi những kẻ chống đối Ngài. Chỉ những ai chấp nhận đi theo con đường sự thật với lòng chân thành, người đó mới vào được Nước Chúa và được cứu rỗi. Ðể có thể vào Nước Chúa, những kẻ chất vấn Chúa trong Tin Mừng hôm nay, cần phải canh tân đời sống, cần phải có lòng chân thành, lương tâm ngay chính và tinh thần phục thiện.

Chúng ta hãy nhìn về cuộc sống của mình và xét xem chúng ta đã sống thế nào? Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta nhận biết sự thật, khiêm tốn đón nhận và sống sự thật của Chúa cho đến cùng.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Thượng Hội Đồng chào thua

Đức Giêsu và các môn đệ lại vào Giê-ru-sa-lem. Người đang đi trong đền thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Hay ai đã cho ông quyền đó để ông làm các điều ấy?” (Mc. 11, 27-28)

Việc tẩy uế đền thờ đến tai nhà chức trách tôn giáo Do thái, không phải chuyện chơi. Người ta cử một phái đoàn chính thức của Thượng hội đồng (gồm các trưởng tế, luật sĩ và trưởng lão) đến điều tra sự việc. Thoạt nhìn, cuộc điều tra có vẻ “lô-gích”. Chúa Giêsu qua hành động mới đây đã đòi cho mình có quyền đối với Nhà Chúa, còn đối với những người Do thái thì đây là một đòi hỏi ngạo mạn chưa từng có. Thực tế, những người đến điều tra đều là những quan tòa nặng óc thành kiến. Họ đến không phải để tìm biết một sự thật, mà là để gài bẫy. Chúa Giêsu trả lời không phải để lẩn tránh vấn đề, nhưng cốt lột cái mặt nạ che dấu tính xảo quyệt của họ: “Vây, phép rửa của ông Gioan là do Trời hay do người ta?” Sau khi cân nhắc ảnh hưởng lợi hại của câu trả lời, những người được sai đi ấy không dám bày tỏ ý kiến riêng, bởi lẽ biết sự thật về ông Gioan thì họ cho là điều ít quan trọng, điều quan trọng đối với họ là phải giữ thể diện. Bởi họ có thái độ như thế, nên Chúa Giêsu nghĩ có nói cho họ biết ý nghĩa thật về sứ mạng của Người thì cũng vô ích. Bởi Người đến không phải để thỏa mãn óc tò mò của con người. Người đến làm cuộc đổi thay những cuộc đời, và để có được sự đổi thay này, bước đầu của con người là phải mở rộng tâm hồn mình ra.

Chúa Giêsu không muốn mở những cuộc phỏng vấn

Kitô giáo không phải là một cuộc đọ tài giữa những kẻ tài trí như những đấu thủ quần vợt giao banh khéo léo và hiểm hóc. Người ta sẽ không tìm đưa ra những lý lẽ chứng minh chân lý đức tin cho những con người không muốn tin. Ai không tự mình khâm phục bản thân con người Đúc Giêsu, thì cũng đừng nghĩ rằng những lý luận hay ho sẽ làm cho người ấy chịu thuyết phục.

Nếu Chúa Giêsu không để cho người ta phỏng vấn hôm nay và giải thích quan niệm của Người về cuộc sống, về thế giới, Người cũng sẽ không bắt ai phải chịu phục Người, bởi lẽ không phải vì những lời giảng giải hay nói truyện của Người mà người ta gắn bó với Người, mà vì Người là ai, sống như thế nào và đã làm gì. Chúng ta không phải là những nhà kỹ thuật đã sáng nghĩ ra một mô hình sống cao hơn, chúng ta là những chứng nhân hèn mọn của AI ĐÓ đã sống đời mình như là Thiên Chúa, đã yêu thương con người đến chết vì con người, nên Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi sự chết và đã ban tặng Người “một Tên cao trọng hơn mọi tên”.

Chúng ta coi chừng đừng ỷ mình hiểu biết về Chúa mà thay đổi được lòng người, chính khi yêu thương mà chúng ta sẽ là những chứng nhân của Tình yêu.

 

Suy Niệm 3: AI HƠN AI? (Mc 11, 27-33)

Sau khi đánh đuổi con buôn trong đền thờ, Đức Giêsu bị các vị lãnh đạo Dothái đến chất vấn Ngài về nội dung việc đuổi dân chúng ra khỏi đền thờ. Đây cũng chính là một trong 5 cuộc tranh luận sôi nổi giữa Ngài với những người lãnh đạo Dothái trước khi chịu chết.

Khởi đi từ việc họ cất tiếng hỏi Đức Giêsu: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?”. Đây là câu hỏi ranh mãnh và đầy nguy hiểm. Nếu Đức Giêsu trả lời là Ngài tự ý lấy quyền của riêng mình mà làm vậy, thì họ ngay lập tức có lý để bắt Ngài vì những lời nói đầy ngông cuồng. Nếu Ngài nói là lấy quyền của Thiên Chúa thì họ cũng thừa cớ để loại trừ Ngài vì những lời nói lộng ngôn.

Tuy nhiên, tình thế được lật ngược khi Đức Giêsu đặt họ vào một thế bí khi thức tỉnh lương tâm bằng câu hỏi: "Theo ý các ông, thì công việc của Gioan Tẩy giả là theo ý người ta hay theo ý muốn của Thiên Chúa?". Câu hỏi này đã đẩy họ vào đường cùng, khiến họ gặp phải một nan đề khó giải quyết, bởi lẽ, nếu trả lời là đến từ Thiên Chúa thì họ đoán trước có thể sẽ bị Đức Giêsu nói rằng: tại sao các ông lại chống? Hay nếu đến từ Thiên Chúa thì tại sao không tin Gioan đã làm chứng về Ngài? Và tại sao không công nhận Ngài là Mêsia? Còn nếu nói là đến từ con người thì chắc chắn họ bị dân chúng chống đối và phản loạn, bởi vì Gioan được coi như Ngôn Sứ và là chứng nhân. Đứng trước tình thế bí bách đó, họ chỉ còn biết thốt lên: chúng tôi không biết!

Khi sự thật lên ngôi thì những sự gian trá ranh mãnh phải lui về vị trí của chúng.

Trong xã hội hôm nay vẫn còn đó những người sống giả hình, man trá, tránh né hoặc trốn chạy sự thật. Khi không chấp nhận chân lý, thì họ chỉ còn sống trên sự tàn ác, độc địa, giã tâm khi bóp méo sự thật, bẻ cong ngòi bút để dồn anh chị em chúng ta vào chân tường.

Tuy nhiên, cũng như những nhà lãnh đạo Dothái thời bấy giờ. Nếu không dám đối diện với sự thật và nâng đỡ nhau trong chân lý, thì ắt sẽ lãnh nhận hậu quả là rơi vào trong tình trạng tuyệt vọng và đáng xấu hổ, lầm lũi ra về.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay sẽ đánh thức lương tâm của mỗi người, nếu chúng ta đang sống trong sự giả trá, thiếu chân thành và không phục thiện.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết sống đơn sơ, chân thành để gặp được Chúa và thuộc về Chúa để được sống đời đời. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Chúng tôi không biết

Suy niệm :

“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy

hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” (c. 28).

Ba giới chức cao nhất của Do Thái giáo

đã đặt câu hỏi như vậy với Đức Giêsu khi Ngài đi đi lại lại

trong Đền Thờ Giêrusalem vào những ngày cuối đời.

Ông lấy quyền nào mà dám đuổi những kẻ buôn bán ở đây?

Ông lấy quyền nào mà lật bàn của những người đổi tiền,

và xô đổ ghế của những người bán bồ câu? (c. 15).

Tất cả những người làm chuyện buôn bán

đều nhằm phục vụ cho nhu cầu tế tự của Đền Thờ.

Nếu không cho buôn bán ở đây thì người dân lấy gì mà dâng cúng?

Có phải ông định phá hoại các sinh hoạt ở Đền Thờ không?

Tại sao ông dám nói nơi Thánh này đã trở nên hang ổ của bọn cướp ?

Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục muốn giết Đức Giêsu (c. 18).

Họ nghiêm chỉnh đến gặp Ngài và đòi Ngài phải trả lời câu hỏi của họ.

Họ muốn biết người nào đã cho Đức Giêsu quyền đó.

Đức Giêsu dùng phương pháp của các rabbi,

trả lời một câu hỏi bằng cách đặt ngược một câu hỏi khác.

“Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi.

Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết

tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy” (c. 29).

Ngài đặt cho họ câu hỏi về nguồn gốc của phép rửa bởi Gioan:

“Phép rửa của ông Gioan là do Thiên Chúa hay do loài người?” (c. 30).

Câu hỏi tưởng như đơn giản này lập tức đưa họ vào thế kẹt.

Nếu trả lời phép rửa của Gioan là bởi Thiên Chúa

thì họ sẽ bị tố cáo vì đã không tin vào lời giảng của Gioan.

Hơn nữa khi tin vào Gioan, họ cũng phải tin vào Đức Giêsu,

Đấng đã được Gioan hết lòng khiêm cung làm chứng.

Nếu trả lời phép rửa của Gioan là bởi loài người

thì họ sẽ vấp phải sự chống đối từ phía dân chúng,

vì họ tin Gioan là một vị ngôn sứ đích thực.

Như thế câu hỏi của Đức Giêsu đã đưa họ vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Câu hỏi của Ngài dồn họ vào thế phải trả lời:

“Chúng tôi không biết.” (c. 33).

Có thật họ không biết hay chỉ là né tránh sự thật?

Họ đã không tin Gioan, vì sợ tin Gioan sẽ phải tin cả Giêsu nữa.

Nhưng họ lại sợ không dám nói ra điều đó cho dân chúng biết.

Nỗi sợ bị mất uy tín, mất chỗ đứng, khiến họ trở nên câm lặng.

Câu hỏi của Đức Giê su đòi họ trở về với lòng mình

để tự tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi của họ: “Ông lấy quyền nào?”

Quyền của Đức Giêsu là quyền năng của Thánh Thần Thiên Chúa.

Làm thế nào để chúng ta thoát khỏi thành kiến và nỗi sợ hãi

để có được sự tự do khi trao đổi với nhau?

Làm thế nào để chúng ta không tìm cách tránh né sự thật,

dù chấp nhận sự thật đòi chúng ta phải thay đổi tận căn và trả giá?

Làm thế nào để chúng ta can đảm nhận mình sai để lại bắt đầu?

 

Cầu nguyện :

Lạy Cha,

xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau

trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.

Xin cho chúng con đến với nhau

không chút thành kiến,

và tin tưởng vào thiện chí của nhau.

Khi cộng tác với nhau,

xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,

nhờ đó chúng con vượt qua

những tự ái nhỏ nhen,

những tham vọng ích kỷ

và những định kiến cằn cỗi.

Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,

để tìm kiếm chân lý

ở mọi nơi và mọi người,

nhất là nơi những ai khác quan điểm.

Lạy Cha,

xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,

để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,

và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.

Nhờ sống mầu nhiệm cộng tác,

xin cho chúng con được triển nở không ngừng

và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 Nguồn: http://gplongxuyen.org