Suy niệm 02/05/2019 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 2 Phục Sinh: Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Thứ năm 02/05/2019 – Thứ Năm đầu tháng, tuần 2 Phục Sinh – Thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ. – Tình yêu thương.

"Đức Chúa Cha thương mến Con Ngài, nên ban toàn quyền trong tay Con Ngài".

 

* Thánh nhân sinh năm 295 tại A-lê-xan-ri-a. Người cộng tác, rồi kế vị giám mục A-lê-xan-ri-a. Thánh nhân chỉ có một mục đích: bảo vệ tín điều về thần tính của Chúa Kitô. Tín điều này đã được xác định tại công đồng Ni-xê-a. Cũng vì đó người bị công kích khắp nơi. Nhưng dù gặp những giám mục nhút nhát, dù bị săn lùng, dù năm lần bị đày ải, người vẫn giữ được tính khí khái; nhất là giữ được lòng yêu mến đối với Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người. Người đã viết nhiều tác phẩm vừa để làm sáng tỏ vừa để bảo vệ đức tin chân truyền. Người qua đời năm 373

 

Lời Chúa: Ga 3, 31-36

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Đấng từ trên cao mà đến thì vượt trên hết mọi người. Kẻ bởi đất mà ra, thì thuộc về đất và nói những sự thuộc về đất. Đấng từ trời mà đến thì vượt trên hết mọi người. Điều gì Người thấy và nghe, thì Người làm chứng về điều đó. Nhưng lời chứng của Người không ai chấp nhận. Ai chấp nhận lời chứng của Người, thì quả quyết Thiên Chúa là Đấng chân thật. Đấng được Thiên Chúa sai đến thì nói lời của Thiên Chúa, vì được Chúa ban cho thần linh khôn lường. Cha yêu mến Con, nên đã ban mọi sự trong tay Con. Ai tin vào Con thì có sự sống đời đời. Còn ai không tin vào Con, thì sẽ không được thấy sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên người ấy".

 

 

SUY NIỆM 1: Tình yêu thương

“Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban Con Một Ngài cho thế gian, để những ai tin vào Con của Ngài thì không phải chết, nhưng được sống đời đời".

Ðó là một sự thật quan trọng được Chúa Giêsu mạc khải cho ông Nicôđêmô trong cuộc đối thoại ban đêm, được ghi lại nơi chương 3, Phúc Âm thánh Gioan. Lời quả quyết trên về tình thương của Thiên Chúa đối với con người được Chúa Giêsu lập lại một lần nữa trong bữa Tiệc Ly như sau: "Thật vậy, Thiên Chúa Cha đã yêu thương các con vì các con đã yêu mến Thầy và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến" (Ga 16,27).

Thử hỏi, có ai có uy tín hơn Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, để mạc khải cho chúng ta biết tình thương của Thiên Chúa Cha đối với thế gian, đối với toàn thể tạo vật đã được dựng nên và nhất là đối với tất cả mọi người đã được dựng nên giống hình ảnh của Ngài?

Lý trí tự nhiên của con người qua những suy tư triết học khó có thể, nếu không muốn nói là không bao giờ có thể đạt đến kết luận chắc chắn rằng Thiên Chúa là Tình Yêu và Ngài yêu thương con người đến mức độ cho đi điều quí nhất là chính Con Một Thiên Chúa, để cứu chuộc con người khỏi nô lệ tội lỗi, khỏi phải chết. Chỉ nhờ mạc khải của Chúa Giêsu Kitô, con người chúng ta mới nghe được sự thật đầy an ủi này, Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, Thiên Chúa Cha hằng yêu thương con người. Lý do thôi thúc hành động của Thiên Chúa cứu rỗi con người chính là tình yêu thương, và Chúa Giêsu đã chứng tỏ cho mọi người biết và cho cả ông Nicôđêmô, là người có đủ uy tín để nói như vậy, bởi vì Người từ nơi Thiên Chúa Cha mà mạc khải cho chúng ta biết.

Những lời tâm sự trên xác nhận căn cứ và nguồn gốc của Chúa Giêsu từ trên cao, từ Thiên Chúa Cha. Những lời này nhắc cho chúng ta nhớ lại những suy tư cao sâu của tác giả Phúc Âm theo thánh Gioan, nơi khởi đầu sách Phúc Âm của ngài như sau: "không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ. Nhưng Con Một Ngài là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Thiên Chúa Cha, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu Kitô". Làm cho những sự thật được Chúa mạc khải cho con người có được giá trị trỗi vượt hơn mọi lý thuyết, hơn mọi lẽ khôn ngoan do trí khôn con người nghĩ ra. "Kẻ từ đất mà ra thì thuộc về đất và nói những chuyện dưới đất. Ðấng từ trên trời mà đến thì ở trên mọi người". Người làm chứng về những gì Người đã thấy và đã nghe trực tiếp từ Thiên Chúa Cha, vì Người hằng ở cùng Thiên Chúa Cha, được sai xuống trần gian để mạc khải cho con người biết.

Ðáp lại mạc khải của Chúa Giêsu, con người cần khiêm tốn, vâng phục và kính tin. Ðây là điều Chúa mời gọi ông Nicôđêmô ngày xưa và mọi người ngày nay hãy thực hiện: "Ai tin vào Con Thiên Chúa thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời".

Chúng ta đã đáp lại mạc khải của Thiên Chúa như thế nào?

Thảm trạng của con người bắt đầu khi con người tin không có Thiên Chúa và nếu có Thiên Chúa thì họ vẫn lãnh đạm thờ ơ không tin vào Thiên Chúa, và cũng không tin, không quí trọng sự thật được Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, mạc khải nữa. Nhưng thử hỏi, con người có thể dập tắt khát vọng hướng về Thiên Chúa đã ăn rễ sâu trong tâm hồn của mình hay không?

Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha vô cùng vì đã ban cho chúng con Chúa Giêsu Kitô để chỉ cho chúng con biết con đường sống như những con cái Cha, và trở về cùng Cha an toàn. Xin thương giúp cho chúng con trưởng thành trong đức tin mỗi ngày một hơn. Xin củng cố đức tin chúng con trước những thách đố của môi trường xã hội trần tục, không ngừng tìm cách chối bỏ Chúa cũng như cố ý làm méo mó và cười nhạo những sự thật do Chúa mạc khải.

Lạy Cha, xin thương củng cố đức tin của chúng con.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Hướng nhìn lên cao

Tạp chí Time số tháng 4/95 có ghi lại chứng từ rất cảm động của một cựu tù nhân Mỹ tại Việt Nam, ông Avares. Là một phi công Hải quân, ông đã bị bắn hạ trong một phi vụ dọc theo duyên hải Bắc Việt ngày 5/8/1964. Ông đã bị giam tại Hoả lò trong vòng 8 năm rưỡi. Năm 1993, một nhà sản xuất phim mời ông và một nhóm cựu tù binh Mỹ trở lại Việt Nam để thực hiện một cuốn phim tài liệu. Avares đã trở lại căn phòng nơi ông bị giam, điều duy nhất ông muốn nhìn lại là hình Thánh giá trên bức tường đàng sau phòng giam mà ông đã nhìn lên đó để cầu nguyện. Lời cầu nguyện đã nâng đỡ ông trong những tháng ngày dài thiếu thốn và cô đơn. Ngày nay bức tường đã được tô vôi, cây Thánh giá đã bị một lớp sơn vẽ chồng lên, và ông cho biết có một cái gì đó đã được chôn chặt trong ông, đó không phải là hối hận hay căm thù, mà là tâm tình tri ân Thiên Chúa đã cho ông về với gia đình và đã ban cho ông ơn biết tha thứ và quên đi.

Chứng từ của Avares cho thấy khi con người biết nhìn lên cao, con người sẽ cảm nhận được ơn Chúa trong cuộc sống của mình. Đó có lẽ là ý tưởng mà Tin mừng hôm nay gợi lên cho chúng ta. Thánh Gioan ghi lại hai cái nhìn về Chúa Giêsu: một của Nicôđêmô và một của Gioan Tẩy giả. Nicôđêmô nhìn vào Chúa Giêsu với những hiểu biết uyên bác nhưng hoàn toàn phàm tục của ông; ông lượng giá về Chúa Giêsu theo thước đo thông thường của loài người, đó là cái nhìn từ dưới đất. Trong khi đó, Gioan Tẩy giả mời gọi các môn đệ ông vượt qua cái nhìn từ dưới đất để có cái nhìn từ trên cao. Và thánh Phaolô đã nói: “Anh em hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô”. Với tâm tình của Chúa Kitô, nghĩa là với cái nhìn của tin yêu và hy vọng, người ta có thể đứng vững trong mọi nghịch cảnh và thử thách; với tâm tình của Chúa Kitô, người ta sẽ cảm nhận được ơn Chúa ngay những lúc như bị bỏ rơi và đánh mất tất cả; với tâm tình của Chúa Kitô, người ta sẽ cảm nhận được tình thương và tha thứ ngay giữa nơi chỉ có hận thù và chết chóc.

Nguyện xin Chúa gìn giữ chúng ta trong tâm tình ấy.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Trời và đất bất hòa sao?

Đấng từ trên cao mà đến,

Thì ở trên mọi người;

Kẻ từ đất mà ra,

Thì thuộc về đất

Và nói những chuyện dưới đất.

Đấng từ trời mà đến,

Thì ở trên mọi người;

Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe,

Nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người.

Ai nhận lời chứng của Người

Thì xác nhận Thiên Chúa là Đấng chân thật. (Ga. 3, 31-33)

Từ Công đồng Vatican 2 đã cho chúng ta ý thức lại giá trị và tự trị của những thực thể trái đất thuộc dự tính của con người. Trái đất không phải là thung lũng nước mắt, vật chất và thân xác không là đồ bỏ. Ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô phải ảnh hưởng tới tất cả mọi thực thể. Thánh Phao-lô đã nói: “Toàn thể tạo vật đang rên xiết mong chờ sự giải thoát”.

Kitô hữu không thể núp mình trong phạm vi hoàn toàn tinh thần và trong thế giới bên kia. Marx đã tố cáo loại người này, họ lãnh đạm trước đau khổ trên trái đất để đi tìm chỗ tốt hơn nơi cao xa, họ còn chẳng làm gì trước bất công và tàn ác, vịn lẽ rằng Thiên Chúa sẽ phạt kẻ giàu và thưởng kẻ nghèo.

Thực ra, rất khó phân lìa và liên kết đất và trời, cũng như những giá trị đất và trời. Hôm nay, Đức Kitô phân biệt một cách như sau: Người nói rằng trời và đất có ngôn ngữ riêng của nó.

Tiếng nói của đất dễ giải nghĩa, vì nó thuộc giác quan của ta. Nhờ đó chúng ta nhận được kiến thức và thông truyền kiến thức.

Tiếng nói của trời khá khó lãnh hội, đó là thứ tiếng chứng từ: Chỉ có Đấng từ trời xuống làm chứng về điều đã thấy, đã nghe, chứng nhận, xác quyết về sự này, điều kia là thực. Còn ngay cả những người được nghe những lời chứng đó cũng không thấy được, biết được sự này, Đấng kia thế nào. Họ cũng không được sống trong diễn biến đó.

Đức Giêsu là chứng nhân của Thiên Chúa, Người đã kể lại những gì đã tồn tại trong Thiên Chúa. Đến lượt chúng ta, chúng ta trở nên chứng nhân của Thiên Chúa, nếu chúng ta là thành phần trong thân thể của Đức Kitô.

Tiếng nói trong Thánh lễ là tiếng làm chứng rằng: Đức Kitô hiện diện trong cộng đồng, chứng thực Thiên Chúa đang hành động qua các dấu chỉ của Thánh lễ. Và người ta sẽ không hiểu gì về những dấu chỉ này trong Thánh lễ hàng ngày và Chúa nhật, nếu người ta không đón nhận tiếng nói của chính Thiên Chúa.

C.G

 

SUY NIỆM 4: GIỮ LẤY BẢN SẮC CỦA MÌNH (Ga 3, 31-36)

Ngày nay, trên thế giới, người Việt Nam của chúng ta gần như có mặt hầu hết nơi các quốc gia! Để gợi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đã có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về nguồn gốc, văn hóa Việt!

Trong các buổi hội họp đó, gần như không thể quên, người ta luôn nhắc nhớ nhau hãy giữ gìn bản sắc, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt, cho dù hiện diện ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì!

Tại sao vậy? Thưa, con người chỉ có thể lớn lên cách quân bình khi người ta còn giữ được bản chất, văn hóa, truyền thống của dân tộc mình. Nếu không, họ là một người thiếu trưởng thành!

Là người Công Giáo, ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở thành Kitô hữu, tức là chúng ta mang trong mình hình ảnh Đức Kitô. Nói cách khác, chúng ta thuộc về Đức Kitô. Vì thế, bổn phận của chúng ta phải làm sao cho Đức Kitô được hiện tại hóa trong lời nói, hành động và cử chỉ của chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải khước từ những gì không phù hợp với bản chất của mình.

Hôm nay, vẫn trong trình thuật giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô, nhưng câu chuyện ngày càng đi sâu vào cốt lõi của vấn đề, đó là, Đức Giêsu cho Nicôđêmô biết được bản chất của Ngài và những công việc Ngài làm do được lãnh nhận từ Chúa Cha, Ngài nói: “Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người” (Ga 3, 34 - 35).

Với câu chuyện trên, qua Nicôđêmô, Đức Giêsu mở rộng ra cho mọi người thấy được tầm quan trọng và giá trị cho những ai được hạnh phúc thuộc về Đức Giêsu, đồng thời cũng mạc khải cho biết hậu quả của những kẻ không tin: “Ai tin vào người Con, thì được sự sống đời dời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con, thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy” (Ga 3, 36).

Xin Chúa ban cho chúng ta biết luôn luôn ý thức mình thuộc về Đức Kitô và phải có trách nhiệm làm cho Đức Kitô lớn lên và rạng ngời ngang qua cuộc sống của chúng ta. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Đấng từ trên cao mà đến

Suy niệm :

Giêsu ơi! Ngài từ đâu đến?

Tôi là Đấng từ trên cao mà đến.

Tôi là Đấng từ trời mà đến (c.31).

Tôi sinh ra trên đất, sống trên đất, chết trên đất.

Nhưng tôi không thuộc về đất, đất không phải là gốc của tôi.

Gốc của tôi ở nơi cung lòng Thiên Chúa (Ga 1, 18).

Dù cư ngụ trên mặt đất, tôi vẫn luôn hướng về Cha tôi trên trời.

Khi làm xong sứ mạng, tôi sẽ trở về với gốc của tôi.

Giêsu ơi! Ngài làm gì vậy?

Tôi làm chứng về điều tôi đã thấy và đã nghe (c. 32).

Tôi làm chứng về Thiên Chúa là Cha của tôi.

Tôi đã thấy việc Người làm và đã nghe tiếng Người nói.

Nhiều vĩ nhân diễn tả rất hay, rất đúng về Thiên Chúa

và cũng có kinh nghiệm rất sâu về Người.

Nhưng họ không phải là Con như tôi.

Họ chẳng thể nào gần mầu nhiệm Thiên Chúa như tôi.

Chẳng ai biết Cha bằng Con, không ai biết Cha trừ ra Con (Lc 10, 22).

Chỉ mình tôi mới có thể vén mở trọn vẹn khuôn mặt Thiên Chúa.

Giêsu ơi! Ngài là ai?

Tôi là người được Thiên Chúa sai đến với nhân loại trên mặt đất (c. 34).

Chẳng có giây phút nào tôi quên mình là Con, người được sai.

Chẳng có giây phút nào tôi quên Cha tôi là Đấng sai tôi.

Khi nhận mình triệt để tùy thuộc vào Cha, tôi chẳng hề xấu hổ.

Tôi đáng tin vì chính sự tùy thuộc đó.

Tôi chẳng làm điều gì tự mình,

tôi chỉ làm điều tôi đã thấy Cha tôi làm (Ga 5, 19).

Tôi chẳng nói điều gì tự mình,

tôi chỉ nói điều tôi đã nghe Cha tôi nói (Ga 8, 26).

Chính khi tôi tùy thuộc trọn vẹn vào Cha mà tôi được tự do.

Giêsu ơi! Ngài có hạnh phúc không?

Tôi hạnh phúc vì tôi yêu và được yêu.

Cha tôi yêu mến tôi và tôi ở lại trong tình yêu của Cha (Ga 15, 10),

Người vẫn ở với tôi và không để tôi cô độc (Ga 8, 29).

Người yêu mến tôi vì tôi dám hy sinh mạng sống cho đoàn chiên (Ga 10, 17).

Tình yêu của Cha thể hiện qua việc Người trao phó mọi sự trong tay tôi (c. 35).

Tôi có quyền phán xét, quyền cho sống lại ngày sau hết, quyền trên mọi xác phàm.

Bởi vậy tôi mới nói mọi sự Cha có là của tôi (Ga 16, 15).

Hãy đón nhận lời chứng của tôi (c. 33).

Hãy tin vào tôi để được sự sống vĩnh hằng ngay từ đời này (c. 36).

Hãy đến với tôi để được chia sẻ cùng một sứ mạng và vinh quang.

 

Cầu nguyện :

Lạy Cha,

con phó mặc con cho Cha,

xin dùng con tùy sở thích Cha.

Cha dùng con làm chi, con cũng xin cảm ơn.

Con luôn sẵn sàng, con đón nhận tất cả.

Miễn là ý Cha thực hiện nơi con

và nơi mọi loài Cha tạo dựng,

thì, lạy Cha, con không ước muốn chi khác nữa.

Con trao linh hồn con về tay Cha.

Con dâng linh hồn con cho Cha,

lạy Chúa Trời của con,

với tất cả tình yêu của lòng con,

Vì con yêu mến Cha,

vì lòng yêu mến

thúc đẩy con phó dâng mình cho Cha,

thúc đẩy con trao trọn bản thân về tay Cha,

không so đo,

với một lòng tin cậy vô biên,

vì Cha là Cha của con. Amen. (Charles de Foucauld)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 Nguồn:http://gplongxuyen.org