Suy niệm 01/10/2019 – Thứ Ba tuần 26 thường niên: Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su, Trinh Nữ, Tiến Sĩ Hội Thánh. Bổn mạng các xứ truyền giáo. Lễ kính.

Thứ Ba 01/10/2019 – Thứ Ba tuần 26 thường niên – THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, TRINH NỮ, TIẾN SĨ HỘI THÁNH. Bổn mạng các xứ truyền giáo. Lễ kính. – Con đường thơ ấu thiêng liêng.

"Nếu không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời".

 

* Thánh nữ sinh năm 1873 tại A-lăng-xông, nước Pháp. Người nhập đan viện Cát Minh ở Li-di-ơ, lúc tuổi còn rất trẻ, và nhận tên là Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Chị đã sống đời khiêm tốn, đơn sơ theo tinh thần Tin Mừng và hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa theo “con đường thơ ấu”.

Chị cũng đã dùng lời nói và gương sáng để hướng dẫn các tập sinh trong Dòng. Chị qua đời ngày 30 tháng 9 năm 1897 trong niềm khao khát được hiến dâng mạng sống để các linh hồn được ơn cứu độ và Hội Thánh được tăng triển.

 

LỜI CHÚA: Mt 18, 1-4

Khi ấy, các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?"

Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: "Thật, Thầy bảo các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

SUY NIỆM 1: Bí mật của Thánh Têrêsa Hài Đồng

(http://dongcatminh.org)

Bạn đã bao giờ nghe về Thánh Thérèse hay Thánh Têrêsa Hài Đồng và những bí mật về thánh nữ? Bạn có biết tại sao có rất nhiều người chọn ngài làm thánh quan thầy, và là người bạn gần gũi nhất của mình không?

Chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu…

Câu chuyện của Thérèse Martin

Thérèse Martin sinh ra trong một thị trấn thuộc Alencon, Pháp vào ngày mùng 2 tháng 1 năm 1873. Chị ấy là con gái út trong gia đình gồm 5 chị em gái. Khi chị ấy còn rất nhỏ, mẹ của chị ấy mắc căn bệnh ung thư. Vào thời đó, họ không có thuốc và sự điều trị tốt như ngày nay. Các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng căn bệnh của bà Martin vẫn ngày càng nặng thêm. Bà ấy đã mất khi Thérèse mới chỉ 4 tuổi.

Đó là khi bố của Thérèse quyết định tốt hơn nên chuyển nhà đến Lisieux, một thị trấn khác, nơi có nhiều người thân sinh sống. Ở đó có tu viện Carmelite, một tu hội dòng kín, nơi mà các thiếu nữ làm một công viêc đặc biệt đó là cầu nguyện cho toàn thế giới. Khi Thérèse được 10 tuổi, một chị gái của chị là Pauline đã xin nhập dòng Carmelite ở Lisieux. Điều đó thật khó khăn cho Thérèse vì chị Pauline giống như người mẹ thứ hai của Thérèse, chăm sóc và dạy dỗ chị ân cần như mẹ chị đã từng làm. Thérèse nhớ chị Pauline đến phát ốm. Suốt cả tuần sau đó chị vẫn chưa khỏi, các bác sĩ không biết chị ấy đã gặp vấn đề gì. Bố và 4 chị gái của Thérèse đã cầu xin Thiên Chúa giúp. Một ngày sau, tượng Đức Mẹ trong phòng ngủ của Thérèse bỗng dưng mỉm cười với Thérèse và chị ấy hoàn toàn bình phục!

Một lần khác, Thérèse nghe tin về một người đàn ông đã gây ra ba vụ giết người và thậm chí còn không biêt hối lỗi. Chị ấy quyết định cầu nguyện và làm một việc hy sinh để cầu nguyện cho ông ấy (như từ bỏ một cái gì đó mình thích hay làm một việc nào đó mà mình không thích). Chị ấy cầu xin Chúa thay đổi tâm hồn người đàn ông ấy. Trước khi người đàn ông đó chết, ông ta hỏi về cây thánh giá và hôn lên hình Chúa Giêsu. Thérèse cảm thấy rất hạnh phúc, chị biết rằng ông ta đã tin vào Chúa và nhân đón nhân ơn sám hối.

Thérèse rất yêu mến Chúa Giêsu. Chị muốn dâng hết cả con người mình cho Chúa. Chị  muốn gia nhập dòng Camelô để có thể dâng hiến đời mình để làm việc và cầu nguyện cho mọi người, nhất là những người còn chưa biết đến lòng thương xót Chúa. Nhưng Thérèse  gặp một trắc trở. Chị ấy còn quá trẻ, chị cần phải cầu nguyện và chờ đợi thêm. Cuối cùng thì chị  cũng được 15 tuổi, được phép gia nhập vào tu viện.

Chị Thérèse đã làm gì trong thời gian ở tu viện? Không gì đặc biệt cả. Bí mật của chị ấy là:  YÊU MẾN. Có một lần Thérèse nói rằng: “Thiên Chúa không muốn chúng ta phải làm điều này điều kia cho Ngài, mà Ngài muốn chúng ta yêu Ngài là đủ”. Vì thế, Thérèse đã ước muốn và thực hành đời sống yêu mến Chúa. Chị tập kiên nhẫn và ân cần với mọi người, điều đó thật không dễ chút nào. Trong thời ấy, lúc các chị đang giặt quần áo bằng tay (lúc đó máy giặt chưa được phát minh!).  Có một chị luôn làm bắn tóe nước bẩn vào mặt chị Thérèse. Nhưng Thérèse chẳng bao giờ tỏ ra bực bội. Thérèse thường hay giúp đỡ một chị lớn tuổi có tính cáu gắt và luôn phàn nàn về mọi thứ, bởi vì chị Thérèse không cảm thấy thích việc đó. Thérèse muốn đối xử với chị ấy như với chính Chúa Giêsu. Chị biết rằng khi mình yêu những người khác tức là mình đang yêu chính Chúa Giêsu. Tình yêu khiến Thérèse trở nên hạnh phúc.

Thérèse chỉ sống đời tu 9 năm. Căn bệnh lao đã xảy đến với chị, nó khiến chị phải chịu rất nhiều đau đớn. Không có sự điều trị đối với căn bệnh ấy, các bác sĩ cũng không thể giúp được nhiều cho chị. Thérèse qua đời khi mới chỉ 24 tuổi. Nhưng trước khi chết, chị đã hứa sẽ không từ bỏ điều bí mật của mình. Chị hứa sẽ luôn yêu thương và giúp đỡ mọi người khi về quê trời. Trước khi mất, Thérèse đã nói: “Tôi sẽ gửi mưa ơn lành từ trời xuống mặt đất”. Và chị ấy đã làm được điều đó! Tất cả mọi người trên thế giới, những người đã nhờ thánh Thérèse Lisieux cầu xin đến Thiên Chúa đều nhận được sự đáp trả qua lời cầu nguyện của họ.

Bí mật của Thánh Têrêsa Hài Đồng

Thérèse đã khám phá ra “con đường nhỏ” để đến với Thiên Chúa: Thérèse muốn nên Thánh. Ngài biết Thiên Chúa rất muốn giúp đỡ mình và đặt hết mọi tin tưởng nơi Thiên Chúa và yêu Chúa hết cả tấm lòng, sau đó ngài quan tâm, đối xử tốt với mọi người xung quanh, từ những việc đơn giản nhất. “Con đường nhỏ” của Thérèse là làm mọi việc bạn có thể làm cho người khác vì yêu mến Chúa. Đó chắc chắn là cách để bạn có thể nên thánh.

 

Suy Niệm 2: Sống Lời Chúa

Qua phần tìm hiểu sáng hôm nay, tôi muốn nhìn thánh nữ Têrêsa như là một mẫu gương sống Lời Chúa.

Thực vậy, trước hết thánh nữ Têrêsa rất yêu mến Kinh Thánh, ngài thường mang Phúc Âm đêm ngày trên ngực và năng đọc Phúc Âm đến nỗi gần như đã thuộc lòng. Mẹ Agnes de Jésus kể lại rằng: Ngày 12.9.1897, tức là 18 ngày trước khi qua đời, thánh nữ xin mẹ đọc cho nghe bài Phúc Âm Chúa nhật. Vì không có sách lễ nên Mẹ bề trên nói với Têrêsa: Đó là đoạn Phúc Âm Chúa dạy chúng ta không được làm tôi hai chủ. Bấy giờ thánh nữ bèn bắt chước giọng một em bé bị khảo bài, đã đọc từ đầu đến cuối đoạn Phúc Âm đó.

Không những siêng năng đọc Kinh Thánh mà ngài còn cố gắng tìm hiểu Lời Chúa, và nhất là dùng Kinh Thánh làm đề tài để suy niệm. Một hôm chị Genevière vào phòng thánh nữ Têrêsa và ngỡ ngàng trước thái độ chăm chú hồi tâm của ngài. Chị thấy Têrêsa đang may vá nhanh nhẹn mà vẫn như đắm chìm trong một cuộc chiêm niện sâu xa, nên đã hỏi xem Têrêsa đang suy nghĩ những gì, thì Têrêsa trả lời: Em suy niệm kinh Lạy Cha. Thật êm ái biết bao khi được gọi Thiên Chúa là cha của mình. Vì năng suy gẫm Kinh Thánh như vậy, nên ngài đã khám phá ra những ý nghĩa tiềm ẩn trong Kinh Thánh và biết ứng dụng một cách thật lạ lùng vào đời sống. Trong một bức thư, thánh nữ đã viết: Chỉ một lời Kinh Thánh mà thôi cũng đã mở ra cho con những chân trời vô biên.

Đọc Kinh Thánh, tìm hiểu Kinh Thánh, suy niệm Kinh Thánh mà thôi vẫn chưa đủ, điều quan trọng là Têrêsa đã sống Lời Chúa. Chính ngài đã cho chúng ta biết ngài đã tìm ra con đường thơ ấu thiêng liêng như thế nào. Ngài luôn nghĩ rằng chỉ trong Kinh Thánh ngài mới có thể tìm ra điều giúp đỡ ngài thẳng tiến trên con đường thánh thiện. Ngài mở Kinh Thánh và đọc thấy lời này trong sách Châm Ngôn: Ai thật bé nhỏ thì hãy đến với Ta. Một trực giác siêu nhiên cho Têrêsa biết là đã tìm thấy điều mong ước. Một người khác, không phải Têrêsa, có lẽ đã ngừng lại đó, nhưng Têrêsa chưa lấy làm đủ, ngài muốn biết điều Chúa sẽ làm cho kẻ thật bé nhỏ, đã đáp lại tiếng Chúa. Têrêsa tiếp tục tìm kiếm và đã gặp trong sách Isaia lời sau đây: Như một người mẹ nâng niu con mình thế nào, Ta cũng sẽ an ủi con như thế. Ta sẽ ôm con vào lòng và ru con trên đầu gối. Têrêsa đã thấy được điều muốn tìm. Nếu dừng lại ở đây, chỉ coi những lời vừa đọc như là những tư tưởng cao đẹp, thì có lẽ Têrêsa đã không nên thánh. Nhưng Têrêsa quyết tâm sống Lời Chúa, đem Lời Chúa mới được khám phá thể hiện trong cuộc sống hằng ngày.

Với ơn Chúa soi sáng, với những suy tư và với chính cuộc đời của mình, Têrêsa đã tìm ra cách sống của những tâm hồn bé nhỏ. Ngài viết: “Ở bé nhỏ là không coi những nhân đức mình luyện tập được như là của mình. Không nghĩ tự mình có thể làm được việc gì, nhưng nhận biết rằng Chúa đã đặt kho tàng đó trong bàn tay người con nhỏ để sử dụng khi cần. Sự thánh thiện không hệ tại làm việc đạo đức nay hay việc đạo đức kia, nhưng hệ tại ở tâm tình bên trong làm ta trở nên khiêm nhường và bé nhỏ”. Trong Phúc Âm chính Chúa đã nói: Nếu các con không trở nên như trẻ nhỏ thì sẽ không được vào Nước Trời. Và: Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ người ấy sẽ là kẻ lớn nhất trong Nước Trời. Nói đến trẻ nhỏ là chúng ta nghĩ ngay tới một cái gì đơn sơ và trong trắng, tin yêu và phó thác. Chính vì thế, noi gương thánh nư, chúng ta hãy siêng năng đọc Kinh Thánh, nhất là Tin Mừng, suy gẫm và thực thi những điều Chúa truyền dạy, nhất là sống tinh thần ấu thơ trong tin yêu và phó thác, nhờ đó chúng ta sẽ được Chúa yêu thương và chúc phúc.

 

Suy Niệm 3: Con Ðường Nhỏ

Ðây quả thật là một sự trùng hợp hay ho vì chúng ta được dịp suy nghĩ hai lần theo hai biểu tượng khác nhau về thái độ sống như trẻ nhỏ để vào Nước Trời. Tác giả Phúc Âm theo thánh Luca nhắc đến chi tiết này: các môn đệ còn suy nghĩ trong lòng xem ai là kẻ lớn nhất và Chúa Giêsu đã hiểu thấu tâm tư của các ông nên Chúa gọi một trẻ nhỏ đến và dạy các ông bài học nên giống như trẻ nhỏ. Hôm nay, mùng 1/10, đúng ngày lễ kính thánh Têrêsa Hài Ðộng Giêsu, Giáo Hội chọn đọc Phúc Âm theo thánh Mátthêu nói về cùng một vấn đề nhưng trong viễn tượng khác. Theo tác giả Phúc Âm theo thánh Mátthêu thì các môn đệ không còn suy nghĩ trong lòng nữa nhưng đã tranh luận với nhau mà không tìm được câu trả lời nên mới đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?” Hai viễn tượng này không đối nghịch nhau nhưng bổ túc cho nhau và mô tả cho chúng ta tâm thức quá ư phàm trần của các môn đệ lúc đó, khi các ngài chưa được Chúa Thánh Thần ngự xuống. Không những các môn đệ đã suy nghĩ trong lòng mà còn đem ra thành đề tài tranh luận nữa. Hành động này diễn tả thái độ nội tâm, lòng đã nghĩ xấu rồi, đã có sự ganh tị rồi nên mới đưa đến sự ganh tị với nhau. Các môn đệ chưa nhận được Chúa Thánh Thần, chưa được thanh luyện để trở nên con người mới, trở nên như trẻ nhỏ, có tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn, trong sạch để làm việc cho Chúa.

Ðọc đoạn Phúc Âm này, chúng ta lưu ý thêm chi tiết này nữa, đó là Chúa Giêsu không trả lời liền câu hỏi mà các môn đệ đặt ra: “Ai là kẻ lớn nhất?”, nhưng Chúa nói tới việc phải sống như trẻ nhỏ trước rồi sau đó mới trả lời: “Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này thì người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời”. Chúa Giêsu không nói đến địa vị lớn nhỏ nhưng nói về giá trị tinh thần của con người sống như trẻ nhỏ, dễ dàng gần gũi thân tình với Chúa trước. Chính tình thương và ân sủng của Chúa mới làm cho con người được cao trọng chứ không phải những công việc do sức riêng của con người tạo nên.

Thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu mà chúng ta mừng lễ hôm nay đã nêu gương cho chúng ta về điểm này khi thánh nữ đề ra con đường nhỏ để sống thánh thiện đẹp lòng Thiên Chúa. Cùng với thánh nữ chúng ta hãy cầu nguyện như sau:

Lạy Chúa của con,

Con muốn biết điều mà Chúa thực hiện cho kẻ bé nhỏ nhất đáp lại lời mời gọi của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chiếc thang máy để đưa con lên đến trời cao là chính đôi tay Chúa, vì thế con không cần lớn lên mà hiện tại con cần phải ở lại trong tâm tình bé nhỏ, cần phải càng ngày càng trở nên bé nhỏ hơn nữa.

Lạy Chúa của con, Chúa đã cho con nhiều hơn điều con hy vọng là con muốn hát lên chúc tụng tình thương nhân từ của Chúa. Xin Chúa thương ban cho con một tâm hồn đơn sơ tươi trẻ, luôn tin tưởng phó thác vào Chúa như trẻ nhỏ phó thác vào cha mẹ và lúc nào cũng sống an vui, chân thành yêu Chúa và anh chị em.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Truyền giáo

Nhìn vào cuộc đời của thánh nữ Têrêsa, chúng ta không thấy được những hành động to tát hay những mẫu gương sáng chói. Con đường thánh nữ đã đi là con đường ấy thơ, ngập tràn những bông hoa của tin yêu và phó thác. Thánh nữ luôn sống dưới cái nhìn trìu mến của Thiên Chúa và cố gắng chu toàn những bổn phận tầm thường, những công việc không tên của một nữ tu dòng kín.

Vậy tại sao Giáo hội lại tôn kính thánh nữ như một bậc đại thánh và đặt thánh nữ làm bổn mạng các xứ truyền giáo?

Thực vậy, với hai mươi bốn tuổi đời, không bước chân ra khỏi những bức tường của tu viện, không bôn ba nơi những vùng đát xa lạ để rao giảng Tin mừng cho dân ngoại, như thánh Phanxicô Xaviê, người đã hiến trọn cuộc đời cho những hành trình truyền giáo, từ Nhật Bản cho tới Ấn Độ, thế nhưng Têrêsa đã được đạt ngang hàng với Phanxicô. Sở dĩ như vậy là vì Giáo hội đã thực sự nhìn thấy giá trị tuyệt vời của con đường thánh nữ đã đi, của phương thế thánh nữ đã dùng để dẫn đưa các linh hồn trở về cùng Thiên Chúa.

Vậy con đường ấy, phương thế ấy là gì?

Trước khi đề cập tới con đường và phương thế truyền giáo của thánh nữ, chúng ta cùng nhau tìm hiểu sơ qua về bổn phận tông đồ của mỗi người chúng ta.

Phúc Âm kể lại: ngày kia, khi đi ngang qua một cánh đồng, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn những bông lúa vàng và nói với các môn đệ:

- Lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít. Vậy các con hãy xin chủ sai thợ đi gặt lúa về.

Rồi trước khi về trời, Ngài đã chính thức trao cho các ông sứ mệnh lên đường truyền giáo:

- Các con hãy đi giảng dạy muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Mơ ước của Ngài là mơ ước của một ngọn lửa. Thực vậy. Ngọn lửa thì nhỏ bé, nhưng mơ ước của nó thật lớn lao vì nó muốn thiêu đốt tất cả. Chúa Giêsu cũng muốn mọi người nhận biết Ngài để rồi qui tụ về với Ngài, hầu chỉ còn một đàn chiên và một chủ chiên.

Vì thế, bổn phận truyền giáo không phải chỉ là một bổn phận dành riêng cho các linh mục và tu sĩ, nhưng còn phải là một bổn phận chung của hết mọi người tín hữu chúng ta. Bởi vì một khi đã sống trong lòng Giáo hội, chúng ta có trách nhiệm phải làm cho Giáo hội được lớn mạnh, được phát triển không ngừng. Một khi đã là con cái Thiên Chúa, chúng ta có bổn phận phải làm cho mọi người nhận biết Ngài.

Để chu toàn bổn phận và trách nhiệm này, chúng ta có thể dùng lời nói để rao giảng Tin mừng như các thánh tông đồ và như các vị thừa sai. Tuy nhiên, đây không phải là phương thế của thánh nữ Têrêsa, bởi vì thánh nữ luôn sống trong khuôn viên nhà dòng.

Chúng ta có thể dùng việc làm, dùng đời sống gương mẫu để làm chứng cho Chúa. Và đây phải là phương pháp của mổi người chúng ta, bởi vì sống giữa lòng cuộc đời, chúng ta phải trở nên như ánh sáng trong đêm tối, như men trong bột và như muối trong thức ăn. Tuy nhiên, đây cũng không phải là phương thế của thánh nữ Têrêsa.

Phương thế chính yếu thánh nữ đã sử dụng đó là cầu nguyện và hy sinh.

Thực vậy, ngay từ hồi còn tấm bé, thánh nữ đã muốn vào dòng kín để chịu đau khổ và cầu nguyện cho Giáo hội, cho các linh mục, cho các thừa vị sai và cho các linh hồn.

Trong cuốn tự thuật mang tựa đề “Chuyện một tâm hồn”, thánh nữ đã ghi lại ước vọng sâu xa muốn được sang sống tại nhà kín Hà Nội, một xứ truyền giáo đầy triển vọng. Có lẽ vì thế mà chúng ta, những tín hữu Việt Nam, đã dành cho thánh nữ những tình cảm đặc biệt?

Lời cầu nguyện và những hy sinh của thánh nhân là như một sự yểm trợ rất cần thiết cho những hoạt động tông đồ gặt hái được những thành quả tốt đẹp.

Mừng kính thánh nữ Têrêsa, chúng ta hãy tự vấn lương tâm xem chúng ta đã làm được những gì để cứu vớt các linh hồn, cũng như để góp phần nhỏ bé vào công cuộc truyền bá đức tin của Giáo hội?

 

Suy Niệm 5: “Cha ơi, tên con trên trời”

Trong xấp hình chụp ở Lisieux hè năm 1997, tôi thích nhất tấm hình chụp tại góc vườn nhà thánh nữ Têrêsa, hiện nay là nhà trưng bày những kỷ vật thời thơ ấu của ngài.

Thích tấm hình ấy không phải vì khung cảnh rộng lớn, vì chỉ là một vuông cỏ chừng một trăm mét vuông; không phải vì góc máy đẹp hay kỹ thuật chụp hình độc đáo; mà thực ra chỉ vì tấm ảnh chụp cảnh sống động bên tượng Têrêsa đứng bên cạnh cha, tay chỉ lên trời. Người ta bảo chỗ đặt tượng hiện nay là chỗ năm xưa cha con Têrêsa đã ngồi trò chuyện buổi tối. Tấm ảnh xem ra có “tiếng nói”. Câu nói hôm ấy chính là lời Têrêsa nói với cha mình khi chỉ tay lên chòm sao hình chữ T: “Cha ơi, tên con trên trời”.

Xin dựa trên câu nói đượm chất mộc mạc đơn sơ của trẻ thơ nhiều ước mơ ấy để chia sẻ về con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ Têrêsa.

1. “Cha ơi!” cho thấy con đường thơ ấu thiêng liêng khởi đi từ một hiện thực.

Têrêsa là con út trong một gia đình toàn là nữ. Ngài mất mẹ lúc lên bốn tuổi. Tuổi còn quá nhỏ để có thể ghi nhận nỗi đau, nhưng cũng đủ để ghi nhớ sự mất mát không gì bù lấp được. Từ đó thánh nữ dồn hết tình cảm cho người cha yêu quý. Và cũng từ đó, người cha phải kiêm luôn vai trò và trách vụ của người mẹ gia đình. Nếu “gà trống nuôi con” trong tiếng Việt Nam nói lên nỗi đau lận đận của người đàn ông lẻ bóng bên cạnh đàn con, thì nơi nhà Buissonnets nó đã trở thành một tình yêu khả thi khả kính và khả ái. Chính cô út mít ướt Têrêsa đã cảm nghiệm điều này hơn bất cứ thành viên nào khác của gia đình. Khúc hát tâm tình nhất của Têrêsa lúc ấy chính là hát về người cha, giống như những bài hát Việt Nam gần đây như “Bố là tất cả” hoặc “Ba sẽ là cánh chim đưa con đi thật xa…”. Đó là một hiện thực.

Từ hiện thực tưởng như mất mát, thiếu hụt bi quan ấy, Têrêsa rất tự nhiên sống lấy và đảm lĩnh trọn vẹn để sau này chuyển hóa và diễn tả về tình yêu Thiên Chúa, Đấng là CHA muôn đời. Nếu còn cha còn mẹ đầy đủ trong một gia đình hạnh phúc đủ đầy mọi sự, khi xưng Chúa là Cha, có lẽ ta chỉ có tâm tình một nửa, còn với Têrêsa thì khác, xưng Chúa là CHA với cả tâm tình dành cho người bố. Bố là tất cả, Chúa là tất cả.

Chính khởi đi từ hiện thực ấy, Têrêsa đã từng ngày đi sâu và đi xa trên con đường phó thác: phó thác mọi chuyện đời lớn nhỏ trong tay cha mình và phó thác chuyện một đời trong tay Thiên Chúa là Cha giàu lòng nhân ái, quảng đại yêu thương. Nếu lúc nhỏ Têrêsa ngồi bệt ở cầu thang khiến cha mình phải cúi xuống bồng lên, thì khi lớn Têrêsa nghiệm ra: người con nào càng nhỏ bé yếu đuối khiêm nhường phó thác, càng được Cha trên trời yêu mến bế bồng nâng đỡ dìu đưa.

2. “Tên con” cho thấy con đường thơ ấu thiêng liêng dệt bằng những bước đơn sơ mang đậm cá tính.

Đường thơ ấu thiêng liêng của Têrêsa khởi đầu là thế, với những tiếng “Bố ơi” dệt nên ngày sống và những tiếng “Cha ơi” làm nên cuộc đời. Đó là những bước chân bé nhỏ trên hành trình dài. Và thánh nữ đã thực hiện tuần tự không bằng “đôi hia bảy dặm” của phép màu dễ dãi, cũng chẳng bằng “tấm thảm biết bay” thênh thang rộng rãi hoặc bằng “đũa thần” nhẹ nhàng vung vít, nhưng bằng tấm lòng đơn sơ nhỏ bé.

Ngày nay Têrêsa được nâng lên bậc Tiến Sĩ Hội Thánh, người ta tưởng đời ngài làm bằng những việc vĩ đại. Không, rất bình thường. Trong chín năm Dòng Kín Lisieux lặng lẽ, ngài chỉ làm những việc vô cùng bình thường như những người khác, nhưng cách thế ngài làm quả là khác thường đến độ phi thường. Cách ngài làm là cách của tình yêu lớn. Việc lớn mà tình yêu nhỏ là việc thắt lại, việc nhỏ mà tình yêu lớn là việc triển nở sinh sôi. Têrêsa là Têrêsa nhỏ vì đời nhỏ việc nhỏ, nhưng Têrêsa vĩ đại vì tình yêu ngài sống khó ai có thể vượt qua.

Nhiều lúc xem ra ngài còn muốn “đánh lừa” cả Chúa nữa, như khi gặp chuyện trái ý hoặc tâm sự buồn, ngài vẫn cố gắng giữ bộ mặt tươi cười như không có chuyện gì xảy ra, không phải để các chị em trong cộng đoàn khỏi để ý hoặc bề trên hỏi han lôi thôi mất công giải thích phiền phức, mà để Chúa “khỏi biết” kẻo Chúa đau buồn. Chúa đã chịu đau khổ nhiều vì chuyện lớn lao cứu độ nhân loại rồi, dám đâu phận cỏ rơm lại làm phiền lòng Chúa vì những chuyện nhỏ. Xem ra cách chọn lựa đơn sơ và cũng trẻ thơ quá phải không?

Khi bị bề trên quở vô lý, Têrêsa rất vui vì có dịp hy sinh. Khi lượm được cọng rác lạc lõng nơi hành lang, Têrêsa rất thích vì có dịp cầu nguyện vòi vĩnh Chúa giải thoát cho một linh hồn. Khi nhìn bông hoa được ngắt chưng trên bàn thờ, Têrêsa nghĩ về niềm dâng hiến. Tất cả là bình thường tự nhiên, nhưng đã trở thành cơ hội để thánh nữ được thánh hóa trong tình yêu. Đặt “tình yêu” nhỏ của mình trong “TÌNH YÊU” vĩ đại của Chúa, sẽ hóa nên tình yêu lạ thường có sức làm cho những điều bình thường đem lại những hiệu quả phi thường.

3. “Trên trời” cho thấy con đường thơ ấu thiêng liêng vươn mở tới những ước mơ lành thánh.

Têrêsa lìa trần lúc mới hai mươi bốn tuổi. Quá trẻ cho một đời người để trở thành một vị thánh trẻ cho toàn thế giới. Nhưng nét xuân trẻ nơi Têrêsa đâu căn cứ vào tuổi tác, mà đúng ra là dựa trên tâm hồn. Trẻ vì dung dị gần gũi và cũng trẻ vì những ước mơ bay bổng. Tết Trung Thu, thiếu nhi mơ lên cung trăng gặp chị Hằng, thăm thằng Cuội, nhìn Thỏ ngọc, ngồi gốc đa nghe sáo thổi vi vu điệu nhạc nên thơ … Đó là ước mơ đơn sơ tuổi thơ ngây dại đi liền với những hình ảnh mang màu văn hóa, nhưng ước mơ của Têrêsa dẫu đơn sơ mà cao vượt, dù nên thơ mà vẫn không xa rời thực tế.

Khi Têrêsa ước mơ sẽ là tình yêu trong Giáo Hội, thì cùng lúc ngài cũng đón nhận vào mình những hy sinh của sự chia lìa đối với người thân và những biểu lộ của cơn bệnh ngặt nghèo. Khi Têrêsa ước mơ thao thức trở thành vị truyền giáo đặt chân đến những nơi thật xa thật lạ mà đem về cho Chúa thật nhiều linh hồn, lại là lúc ngài phải liệt giường liệt chiếu để mãi được gọi mời thể hiện ước mơ truyền giáo bằng việc cầu nguyện và hy sinh. Khi Têrêsa ước mơ sẽ rải mưa hoa hồng làm đẹp cuộc sống nhân thế chính là lúc ngài đang lặng lẽ nghĩ về những cánh hoa hồng được trải lên đường kiệu Mình Thánh Chúa.

Cuộc đời rộng mà không ước mơ, cuộc đời ấy sẽ bị thắt buộc trở nên hẹp hòi. Cuộc đời hẹp mà biết ước mơ, nhất là với những ước mơ lành thánh, cuộc đời ấy sẽ mở ra thênh thang cho Giáo Hội được nhờ và cũng cho Nước Trời được hiện tỏ. Nếu ước mơ là dấu hiệu của sự trẻ trung thì rõ ràng Têrêsa với những ước mơ không vơi cạn đã là một vị thánh trẻ hôm qua và sẽ còn là mùa xuân trẻ trong lòng mộ mến của Giáo Hội hôm nay.

Tóm lại, “Cha ơi, tên con trên trời” chỉ là một câu nói trẻ thơ đơn sơ đột xuất, nhưng đã toát lược những bước hành trình dệt nên con đường thơ ấu thiêng liêng của Têrêsa. Tất nhiên, con đường ấy đã được Chúa Giêsu khai sinh khi tuyên bố “Ai không trở nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”, nhưng thực hiện con đường ấy như thế nào lại là một dấu ấn ký tên Têrêsa. Con đường ấy phổ quát mở ra cho mọi người mọi thời, con đường ấy vừa tầm với mọi bậc sống

Cầu chúc mọi người hôm nay thanh thản bước đi trên đường thơ ấu thiêng liêng và cũng nhận được những “hoa hồng” trìu mến của thánh nữ Têrêsa từ con đường ấy.

 

SUY NIỆM 6: Têrêsa HĐGS: Con đường thơ ấu thiêng liêng

(http://tgpsaigon.net//Anmai CSsR)

Têrêsa Hài Đồng Giêsu sinh năm 1873, qua đời năm 1897, quả là một vị thánh rất trẻ, chỉ sống được 24 tuổi đời. Một vị thánh rất hợp thời. Một vị thánh rất gần với chúng ta. Cũng là một trong những khuôn mặt lớn của Giáo Hội công giáo, đã được Đức Piô XI tôn phong làm Bổn Mạng các xứ truyền giáo, ngang hàng với thánh Phanxicô Xaviê của mấy thế kỷ trước. Thánh nữ được phong tiến sĩ Hội Thánh 1997.

Trong đêm thứ sáu Tuần Thánh năm 1896, chị bị ho ra máu lần đầu tiên. Mười tám tháng cuối cùng là một cuộc tử đạo triền miên. Chị qua đời ngày 30.9.1897, hưởng dương 24 tuổi, với tiếng thì thào: “Lạy Chúa, con yêu Chúa!”

Chúng ta biết được con đường nội tâm của thánh nữ nhờ vào quyển “Lịch sử một tâm hồn” và “Các lời nói” do bà chị ruột cũng là bề trên sưu tập. Têrêsa đi vào cái trọn vẹn, cái vĩ đại: chị muốn yêu mến Chúa Giêsu hơn bất cứ ai trên thế giới; chị muốn dâng mình cho tình yêu nhân từ của Chúa như của lễ toàn thiêu; chị muốn yêu tất cả mọi người, như Chúa Giêsu đã yêu. Chống lại kiêu ngạo, chị luôn nhận thức mình hoàn toàn bất lực và nếu có làm được gì, đó là do sức mạnh tình yêu của Chúa ban cho.

Đức ái đã cho Têrêsa chìa khóa, để tìm ra ơn gọi và chỗ đứng của chị trong Hội thánh.

Nên thánh bằng đường thơ ấu thiêng liêng

Từ trước tới nay, chúng ta cho việc nên thánh là khó và chỉ có những linh hồn đặc biệt mới nên thánh được, vì các thánh đã nên thánh bằng những cách thức khác nhau, nhưng cách nào cũng khó khăn, vượt trên khả năng của chúng ta. Nhưng nay thánh nữ đã vạch cho chúng ta con đường mới để nên thánh, đó là “đường thơ ấu thiêng liêng”.

a) Con đường mới

Chúng ta gọi là con đường mới vì con đường nên thánh này khác hẳn với lối nên thánh cổ truyền mà chúng ta đã biết. Con đường này có những đặc tính tiêu cực và tích cực như ta sẽ thấy dưới đây. Dù tích cực hay tiêu cực, nó cũng khác với đường lối xưa và thích hợp cho hết mọi người để nên thánh. Chúng ta có thể nói được rằng đây là con đường nên thánh của thời đại mới, của thế kỷ 20.

Về phương diện tiêu cực, ta thấy Đường thơ ấu thiêng liêng này có những đặc điểm sau đây:

+ Không có những việc hãm mình kỳ lạ

Ngày xưa, các thánh được kể lại bằng những câu chuyện về việc hy sinh hãm mình của các ngài. Và ngày nay trong giới giáo hữu thơ ngây, đôi khi người ta còn thích đồng hóa sự thánh thiện anh hùng với những việc khổ hạnh đẫm máu. Đối với họ, một vị thánh tức là một người không ăn, không uống, không ngủ, kiệt sức vì thức khuya, vì đánh tội đủ mọi cách và hủy diệt hay hành hạ thân xác trong những công việc nặng nhọc để chỉ lo nghĩ đến việc rỗi linh hồn. Không còn sự sai lầm nào tác hại hơn! Một số đông tín hữu nghĩ mình không thể nên trọn lành được vì không thể ăn chay, không thể thức khuya và không thể mặc áo nhặm.

Riêng vị đại thánh thành Lisieux, chị đã nhất định gạt bỏ những điều mà thánh nữ quen gọi là “những khổ hạnh của các thánh nhân”. Hơn thế, chị còn tỏ thái độ đối lập rõ rệt, ngoại trừ vài rường hợp đặc biệt. Thoạt đầu Têrêsa đã tưởng là phải dấn thân vào con đường khổ hạnh vượt sức mình ấy... Không cần bàn cãi, nhiều bản văn đã chứng tỏ thánh nữ đã loại ra khỏi đường thơ ấu thiêng liêng của Ngài những hãm mình phạt xác kỳ lạ và những lối quá khổ hạnh của các thánh. (Philipon. Op, Sứ điệp của thánh Têrêsa thành Lisieux)

+ Không có những đặc ân thần bí

Nơi Têrêsa Hài đồng hoàn toàn không có xuất thần, dấu thánh, thị kiến, trừ qủi hay phép lạ. Con người cần phải trở nên nhà pháp thuật kỳ tài nhất của “thế hệ tận hiến” lại không thực thi một dấu lạ nào trong đời sống. Điều này là điều trái ngược với đa số tiểu sử các thánh, chỉ dựa trên những ân thần bí thuộc đủ mọi loại: xuất thần, thị kiến, m ạc khải, in dấu thánh, thần thuật trừ qủi, có thiên thần hiện ra, hiểu biết mọi tâm hồn. Ơn nói tiên tri và làm phép lạ...

Thật ra chúng ta cũng tìm ra những dấu vết, những hiện tượng lạ thường, ít ra là năm sáu hiện tượng nếu để ý quan sát đời sống thánh nữ. Nhưng nhiều nếp sống tầm thường cũng có thể có bằng ấy hiện tượng lạ! Những bằng chứng nêu lên trong tòa án phong thánh đủ để các khía cạnh tiêu cực này, khía cạnh rất đặc sắc về sự thánh thiện của Têrêsa Hài đồng.

+ Không có phương pháp cầu nguyện

Đời sống cầu nguyện là linh hồn của việc tu đức cho nên vấn đề chúng ta đề cập ở đây thật quan trọng. Nó mạc khải cho chúng ta cái bí thuật kết hợp với Thiên Chúa của các thánh hơn tất cả yếu tố khác.

Chị Têrêsa Hài đồng đã đọc đi đọc lại trong các tác phẩm của Mẹ thánh những đoạn viết rất hay về các điểm: cầu nguyện bằng lời, cầu nguyện bằng trí, cầu nguyện tâm niệm, cầu nguyện tĩnh niệm, cầu nguyện kết hợp. Theo thánh Têrêsa Avila, người cải tổ có công nhất của dòng Kín,” cầu nguyện là tất cả”. Theo Mẹ thánh, bảy nơi ở các linh hồn cũng là bảy bậc thang chính của đời sống cầu nguyện và kết hợp, kể từ những hình thức sơ luợc của sự cầu nguyện hoạt động, đến những phân tích tỉ mỉ về những bậc sống cao siêu trong hôn ước thiêng liêng. Nơi Têrêsa Hài đồng không có một dấu vết của một cấp bậc, một tầng lớp, một thứ hạng nào nhất định! Truyện Một tâm hồn không giống cuốn Lâu đài linh hồn, vì tuy hai thánh nữ cùng thuộc về một dòng nhưng năng khiếu thiên phú rất khác nhau.

Về điểm căn bản của đời sống cầu nguyện này, cũng như của đời hy sinh khổ hạnh và những đặc ân thần bí, Têrêsa phải là khuôn mẫu thích hợp với “mọi linh hồn thơ ấu”. Phúc âm là linh hồn đời sống cầu nguyện của chị. Đối với chị và số đông linh hồn Kitô hữu, tìm về với Chúa bằng con đường thông thường, thì cầu nguyện phải là “một đà tiến của trái tim”, một cái nhìn ngây thơ hướng về trời, một tiếng gọi tri ân và yêu mến, thốt ra trong cơn thử thách cũng như giữa lúc an vui; nghĩa là một sự gì cao thượng siêu nhiên, có sức phấn khởi linh hồn và nối kết linh hồn vơi Thiên Chúa.

+ Không có những hoạt động hiển hách

Giữa lớp người có “thế lực hoạt động và ăn nói” có nhiều vị hiển thánh đã sống theo hình ảnh của Thầy chí thánh. Chính các ngài có công rất nhiều trong việc thực hiện những tổ chức cơ sở bác ái, đã có ảnh hưởng sâu xa trong việc hướng dẫn vận mạng quốc gia và xã hội. Chúng ta phải ngỡ ngàng trước thánh Albertô cả, trước sự thông thái phi thường của thánh Augustinô, và thánh Tôma Aquinô... trước chiến công lẫm liệt của thánh nữ Jeanne d’Arc, trước sức mạnh của lời rao giảng và những phép lạ huy hoàng của thánh Vinh sơn Phêriê, trước lòng nhiệt thành truyền giáo của thánh Phanxicô Xaviê, và sau cùng hoạt động cảm hóa dân chúng bằng gương sáng của cha sở họ Ars... Chúng ta còn có thể kể những bằng chứng rõ ràng của các nhà truyền giáo và các thánh tử đạo, của một số lớn các vị lập Dòng. Đời sống thánh thiện của các ngài vẫn còn sáng chói như một thành quả vô song của nhân loại.

Trái lại, trong cuộc sống âm thầm của chị dòng Kín thành Lisieux không có lấy một hoạt động hiển hách hay một công trình bên ngoài nào. Ngay ở toà án phong thánh, chỉ vỏn vẹn một trang kể lại những việc làm nhỏ mọn của chị trong suốt đời dòng kín: lần lượt chị đảm nhận chu đáo những việc nhà giặt, phòng ăn, phòng khách và giữ cửa. Nhiệm vụ đáng chú ý nhất của chị là – chức vụ không được chỉ định rõ – làm phụ tá coi sóc ba hoặc bốn chị đệ tử và tập sinh khó tính. Sống với các chị này, Têrêsa phải luôn luôn cố gắng tận tụy và giữ thái độ cởi mở vui tươi.

Người ta đã lầm trước sự tương phản giữa vẻ tầm thường của những việc Têrêsa làm hằng ngày với sự trọn hảo thần linh thánh nữ dùng để kiện toàn công việc thường nhật ấy. Rồi người ta có thể tự hỏi xem ngoài tấm gương trinh nữ Nazareth, còn có mẫu đời nào cũng siêu vời thánh thiện như những công việc bên ngoài rất tầm thường như thế không?

b) Đặc tính của con đường mới

Trong các đặc tính của con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ, ta thấy có mấy đặc tính nổi vượt, đó là: bé nhỏ, đơn sơ, khiêm nhường và vui vẻ chấp nhận mọi hy sinh gian khổ.

+ Bé nhỏ, đơn sơ, khiêm nhường

Thánh nữ luôn suy niệm lời Chúa với câu:”Hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Với một trực giác kỳ lạ về địa vị thiết yếu của đức khiêm nhường trong đời sống thiêng liêng, thánh Terêsa đã nhấn mạnh về sự thực hành nhân đức này. “Hãy luôn sống như trẻ thơ” theo ý muốn của Chúa Giêsu trong Phúc âm, Ngài chẳng muốn nói với ta rằng:”Nước Trời thuộc về người giống như trẻ nhỏ” sao? Người có đặc ân của Chúa Giêsu là kẻ bé thơ.

Tự đáy lòng, Têrêsa cảm thấy rằng chướng ngại đầu tiên và lớn nhất của sự thánh thiện là tính kiêu ngạo. Kẻ thù mạnh nhất của chúng ta là bản ngã riêng của ta. Để đưa ta đến sự trọn lành, ta quá tin tưởng vào sức riêng và tưởng phải làm những việc kỳ lạ, cho đến khi sa ngã, ta mới có kinh nghiệm là mình bất lực và hư vô. Chỉ lúc đó ta mới hiểu lời Thầy Chí thánh “Không có Thầy các con không thể làm gì được”. Trẻ nhỏ đã ý thức được sự yếu hèn của mình, nó cảm thấy mình nghèo khó, thiếu thốn mọi sự và hoàn toàn lệ thuộc.

Chiếm hữu được chân lý nền tảng này, thánh nữ đã lấy TRẺ THƠ làm mẫu mực cho đến cuối đời.

Chị hướng dẫn các linh hồn đến sự thánh thiện là bằng đức tính khiêm nhường như Chúa đã chẳng nói:”Kẻ giống trẻ nhỏ sẽ lớn nhất trong nước trời” sao? Và khi người ta bảo rằng điều đó không hợp với mọi người, Têrêsa trả lời:”Nếu tôi chết lúc, tám, mười tuổi, nếu tôi ở trong nhiều tu viện, lãnh nhiều trách nhiệm, tôi cũng cảm thấy rõ ràng tôi vẫn nhỏ bé như ngày nay”. Người ta có thể được cất lên địa vị rất cao mà vẫn nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa.

+ Từ bỏ mình

Thánh nữ quên mình đi, coi mình là hèn mọn hư vô và đặt tất cả sự tin tưởng của mình vào tình thương vô biên của Chúa. Người muốn sống để làm đẹp lòng Chúa, yêu mến và làm cho người ta yêu mến Chúa. Nhưng muốn được thế, thánh nữ đã sống hết sức quảng đại đối với Chúa, đã từ bỏ mình đi để sống cho Chúa và với chị em. Thánh nữ luôn ví mình như bông hoa hồng được dâng tiến Chúa:

Chúa ơi, này đóa hoa hồng,

Trên bàn thờ Chúa hương nồng sắc tươi,

Con đây mơ ước này thôi:

Tách từng cánh một, Chúa Trời, hiến dâng.

Thánh nữ đã cảm nghiệm thấy lời Chúa “Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Ta” là cần thiết, nên việc cắt tỉa ý riêng mình là cần thiết để cho phù hợp với ý Chúa. Người làm vườn mà vì thương hại cây hồng không muốn bạo tay cắt những cành sâu đi, thì không phải là một người làm vườn khéo: cây hồng được “nuông chiều” như thế cũng không thể nở hoa được... Người không muốn quên mình cũng không bao giờ có ý chí vững chắc.

Người ta nói: 3 với 4 là 7, có đúng không? Chưa đúng. Muốn thực hiện 3 với 4 là 7 thì phải làm sao cho tan rã hai con sô 3 và 4, rồi đúc nó lại thành con số 7 mới được. Chớ cứ để 3 với 4 kề nhau mãi thì làm sao thành 7 được, mà vẫn là 3, 4. Thánh Têrêsa đã biết quên mình đi, hòa tan ý riêng của mình vào thánh ý Chúa để hoàn toàn sống cho Chúa và chỉ làm những điều gì Chúa muốn.

Sự từ bỏ mình đã thúc đẩy Têrêsa yêu mến thánh giá như ngài đã viết trong Một tâm hồn:”Khi ai muốn đạt tới đích kỳ vọng, dĩ nhiên người ấy phải dùng phương thế, Đức Giêsu đã cho con biết phương thế cứu rỗi các linh hồn là THÁNH GIÁ, cho nên càng gặp nhiều thánh giá, lòng ái mộ, chịu đau khổ của con càng thêm nồng nàn hăng hái. Trong 5 năm qua, con đã bước đi con đường ấy, con đi thì con biết, chớ chẳng ai biết con đi. Ấy chính là một hoa mọn mọc nơi xó xỉnh chẳng ai thèm biết tới mà con muốn dâng tiến Chúa đấy. Hoa mọn này còn chút hương thơm nào, chỉ bốc theo đường thẳng lên trời thôi”. (Một tâm hồn, tr 132)

+ Chấp nhận trong vui tươi

Đường lối nên thánh của thánh nữ gạt bỏ tất cả những việc hãm mình lớn lao mà mình tự tạo ra, trái lại, Têrêsa chỉ cố gắng chấp nhận tất cả mọi sự việc trong hiện tại, dù muốn hay không. Thái độ đó là thái độ CHẤP NHẬN. Nhưng chấp nhận có thể là thái độ chấp nhận miễn cưỡng hay tự ý, vui tươi hay rầu rĩ! Đối với thánh nữ, việc gì xẩy đến cũng là do thánh ý Chúa, cho nên Ngài nhận lấy cách thực tình và vui tươi. Tinh thần vui tươi phấn khởi trước những hy sinh còn được thánh nữ ghi lại trong nhiều vần thơ:

Nếu Chúa chẳng đoái hoài ve vuốt,

Con vẫn tươi cười trước khổ đau.

Mỉm cười với Chúa tôi thờ,

Đó là thiên quốc thỏa mơ ước rồi.

Thiết tưởng không cần làm gì thêm để hãm mình, để nên thánh, cứ vui lòng chấp nhận cảnh sống hiện tại với muôn vàn việc xẩy đến vui cũng như buồn, vừa ý cũng như trái ý. Nên thánh ở chỗ chấp nhận mọi hy sinh đau khổ mà nét mặt vẫn vui tươi, không cho ai biết mình đang phải đau khổ. Chính Terêsa ở vào trong hoàn cảnh đó: ai cũng cho là Têrêsa sung sướng vì có chị làm Mẹ Bề trên chắc chắn được nuông chiều, hơn nữ nét mặt của Têrêsa lúc nào cũng tỏ ra vui tươi hớn hở; nhưng Têrêsa cho biết: chính cái đó cũng làm cho mình đau khổ thêm mà không ai biết.

THẦN HỌC VỀ SỰ BÉ NHỎ

Thiên Chúa đã chọn những gì bé nhỏ, yếu hèn. Nhìn sâu vào mầu nhiệm nhập thể, mầu nhiệm thánh giá, mầu nhiệm Thanh Thể, chúng ta thấy Thiên Chúa đã chọn những con đường rất khiêm hạ. Thiên Chúa mặc khải chính mình trong những hình thức không chút gì là quyền lực. Chúa mặc khải tình yêu của Ngài. Tình yêu là một sức mạnh mà không một phạm trù nào về quyền lực có thể diễn tả được, nhưng lại rất hùng hồn khi tự hạ hy sinh.

Chúa chọn những sứ giả tình yêu để họ cộng tác vào việc xây dựng Nước Tình Yêu của Ngài. Đây cung là những chọn lựa do lòng thương xót của Ngài, chứ không do công phúc và áp lực của bất cứ ai. Ngài có thể chọn những con người bé mọn yếu hèn. Trong cuốn Tự Thuật, Têrêsa kể lại: Một hôm, trong phòng, Têrêsa tình cờ mở Phúc Âm và gặp ngay đoạn viết: "Chúa Giêsu lên núi, Ngài kêu gọi những kẻ Ngài muốn; và họ đã đến với Ngài" (Mc 3, 13). Đó là mầu nhiệm ơn gọi của tôi… Chúa đã không gọi những người xứng đáng, nhưng kêu gọi những người Chúa muốn, như thánh Phaolô đã viết: "Chúa thương xót những người Chúa ưa thích và Chúa xót thương kẻ Chúa muốn xót thương. Như thế sự được ơn không phải là công trình của kẻ muốn hoặc kẻ chạy chọt, nhưng là của Chúa thương xót mà thôi" (Rm 9, 15-16).

Têrêsa rất ý thức chân lý đó, Ngài còn đi xa hơn, khi khẳng định rằng: Chúa thương Ngài không phải vì Ngài có công phúc gì, mà chính sự yếu đuối bé nhỏ của Ngài. Hơn nữa Têrêsa còn quả quyết: "Cuối đời, con sẽ tay không ra trước mặt Chúa. Bởi vì lạy Chúa, con không xin Chúa đếm các việc con làm. Con biết tất cả các việc công chính của chúng con đều mang vết nhơ trước mặt Chúa." Têrêsa nhận biết sự khó nghèo thiêng liêng và bé nhỏ của mình, ngài chỉ trông cậy vào ơn thương xót Chúa mà thôi.

Qua thánh nữ Têrêsa, Chúa đang kêu gọi mọi người, nhất là những người tự mãn cho mình là đạo đức, hãy trở về tinh thần khiêm tốn, khó nghèo và bé mọn. "Ai hạ mình xuớng như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong nước Thiên Chúa" (Mt18, 4). Lời Chúa trên đây ghi lớn trên trần nhà nguyện Dòng kín Carmel là một bài thần học rất quan trọng cho Hội Thánh tương lai.

Kết luận

Têrêsa đã vui lòng chịu đau khổ trong tăm tối bởi vì Ngài đã nhận ra rằng trong nhiều cách Ngài rơi vào cảnh tăm tối mà trong đó có nhiều thử thách vây kín. Ngài nhận ra với những người không tin, những người mà Ngài gọi là “anh chị em” của Ngài, gần gũi họ hơn nữa. Ngài đã làm cho nhận thức của Ngài đối về họ cách rõ ràng hơn trong câu chuyện về một vương quốc tăm tối, đã không nhận ra Vua của Ánh Sáng đã đến ở giữa họ trong 33 năm:

Lạy Chúa, con cái Chúa đã hiểu về ánh sáng thánh thiêng của Ngài và xin Ngài tha thứ cho những anh chị em đó. Thiên Chúa đã trao cho Thánh nữ chén đắng; Ngài đã không ước mong được thoát khỏi những đắng cay mà Thiên Chúa dành cho những tội nhân đáng thương phải chịu. Ngài không thể nói là nhân danh cá nhân Ngài mà là nhân danh những anh chị em của Ngài, “Xin thương xót con cùng, lạy Chúa, vì chúng con là những tội nhân đáng thương”. Ôi! Lạy Chúa đừng xét xử chúng con. Có thể tất cả những ai mà không được ngọn lửa đức tin soi sáng thì một ngày nào đó sẽ được ánh sáng chiếu soi. Ôi lạy Chúa Giêsu! Nếu cần thiết thì xin Ngài hãy thanh tẩy những kẻ gây ra tội lỗi vì một linh hồn yêu mến Ngài, kế đến con ước ao được đón nhận thử thách vì những lỗi lầm đó đến khi mà Chúa sẵn sàng mang con đi vào trong vương quốc Ánh sáng của Ngài. Ân sủng duy nhất con van xin Ngài đó là đừng để con bao giờ xúc phạm đến Ngài.

Têrêsa thật sự là một vị thánh thời đại, là một mẫu gương của thời đại – bởi vì Ngài đã chết trong sự tăm tối của ngờ vực mà nhiều người đương thời của Thánh nữ đã lạc lối. Thánh nữ sẵn sàng vào cõi âm ti nếu Thiên Chúa được tán dương ở đó. Những lời cầu nguyện của Thánh nữ đã được đáp trả. Nhưng địa ngục mà Thiên Chúa đã cho Thánh nữ chính là cơ hội để công bố lòng tin và tình yêu của Thánh nữ là khía cạnh tăm tối trong thời đại của Ngài.

 

Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng

Một hôm nhà đạo sĩ Beroca cùng với người môn đệ là Elia bước ra khỏi trại, nhà đạo sĩ đưa mắt nhìn ra đám đông người, giữa khu phố ồn ào náo nhiệt, rồi lên tiếng hỏi môn đệ: Con nghĩ sao giữa những người bon chen nơi phố chợ này? Sẽ có ai được hưởng hạnh phúc đời đời trên thiên đàng không?

Thoạt đầu Elia lắc đầu bi quan trả lời là: không có ai cả. Một lúc sau người môn đệ đưa tay chỉ về phía hai người đang đứng đó và nói: thưa thầy, con nghĩ rằng hai người này thế nào cũng sẽ được chia sẻ phần hạnh phúc đời đời.

Nhà đạo sĩ cho gọi hai người ấy đến và hỏi xem họ làm nghề gì?

Họ thưa: thưa thầy, chúng con chỉ biết làm nghề mua vui cho người ta thôi. Khi thấy ai buồn sầu, chúng con tới làm cho họ vui lên. Khi họ gây lộn cãi vã nhau, chúng con tìm mọi cách giúp họ làm hòa và sống an bình với nhau hơn. Chúng con không biết làm gì hơn ngoài những việc nhỏ mọn như thế thôi.

Nhà đạo sĩ trả lời: các anh nói rất đúng, vì những việc các anh làm tuy bé nhỏ nhưng thực sự lại rất lớn lao, bởi vì chính Chúa Giêsu đã nói: "Ai không trở nên đơn sơ bé nhỏ sẽ không được vào Nước Trời".

Thiên Chúa là Cha nhân từ giàu lòng xót thương, không những với các tội nhân mà thôi, Ngài còn đặc biệt để mắt nhân từ đến với những tâm hồn đơn sơ, những người hèn hạ hoặc bị khinh dể ít được ai biết tới, nhất là các trẻ nhỏ. Ngài là Cha nhân từ không muốn cho một ai trong những kẻ bé nhỏ phải hư mất. Chính Chúa Giêsu lại còn đồng hóa mình với những kẻ bé nhỏ thấp hèn và còn quả quyết rằng: "Mỗi lần các con làm một việc tốt lành cho những người bé nhỏ nhất, tức là làm cho chính Chúa vậy. Trái lại, khi ta từ chối không làm một điều tốt lành cho người bé nhỏ nào thì cũng không làm cho Chúa vậy". Vì thế Chúa Giêsu cảnh cáo và nhắc nhở ta đừng bao giờ khinh dể những người bé mọn, cũng chớ làm gương xấu cho trẻ nhỏ. Bởi vì họ là những người gần gũi Thiên Chúa và được Ngài yêu thương cách đặc biệt.

Trong xã hội hưởng thụ, những người bị khinh thường coi rẻ hơn cả là những người thấp kém về tuổi tác, văn hóa, khả năng, tiền bạc, bằng cấp... Nhưng đối với Chúa Giêsu thì hoàn toàn trái ngược, tiêu chuẩn và cái nhìn của Chúa không phải là tiêu chuẩn và cái nhìn thiển cận của loài người. Những người bé mọn lại là những người được Thiên Chúa Cha yêu thương và mạc khải cho những sự khôn ngoan, cho họ hiểu biết những điều bí nhiệm mà sự khôn ngoan thế gian không thể nào hiểu biết được.

Chúa Giêsu tự coi mình là người bé mọn và tự đồng hóa mình với họ, nên Ngài đã sung sướng thốt lên rằng: "Lạy Cha, Con cảm tạ Cha vì đã giấu không cho những kẻ thông thái mà lại cho những kẻ bé mọn hiểu được những điều bí nhiệm về Nước Trời. Vâng lạy Cha, vì đó là Thánh Ý Cha..." (Mt 11,25-26; Lc 10,21-22).

Những người bé mọn Chúa Giêsu muốn nói tới đây là ai? Phải hiểu sự bé mọn ấy như thế nào? Bé mọn về thể xác hay về sự hiểu biết hoặc về tinh thần? Sự bé mọn về thiêng liêng có ý nghĩa gì?

Những Kẻ Bé Mọn Là Ai?

Có thể nói được rằng sự bé mọn mà Chúa Giêsu nói tới trong Phúc Âm, thực thi tới mức hoànhảo trong đời sống. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã được Giáo Hội chính thức nhìn nhận và nhiều người trong chúng ta đã được nghe biết tới. Hơn nữa nhân ngày truyền giáo thế giới 19/10/1997, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nâng thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu lên bậc Tiến Sĩ Giáo Hội, như thánh nữ Catharine Sienna và thánh nữ Têrêsa Avila.

Với tước hiệu này, Giáo hội chính thức nhìn nhận thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu thuộc vào những tâm hồn đơn sơ bé nhỏ, nhưng được Thiên Chúa kén chọn và tỏ lộ cho những điều vượt xa tầm hiểu biết trí khôn loài người, như lời thánh Tông Đồ Phaolô quả quyết rằng: "Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần khí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Để nói về những điều đó, chúng tôi không dùng những lời lẽ khôn ngoan đã học được nơi trí khôn loài người, nhưng dùng những lời lẽ học được nơi Thần Khí. Chúng tôi dùng những lời lẽ Thần Khí để diễn tả những thực tại thuộc Thần Khí".

Thật vậy, thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã có một tâm hồn đơn sơ hồn nhiên, đã có thể nói lên rằng: "Trong Phúc Âm, thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã tìm thấy mọi chân lý và sự thật". Cũng nhờ Phúc Âm mà người đã khám phá ra những khámphá mới ẩn giấu trong Phúc Âm.

Thánh nữ viết: "Theo thiển nghĩ của tôi thì tất cả mọi người cảm nhận được những gì ThiênChúa đã ban tặng cho tôi, thì quả thật Thiên Chúa không còn phải là ông vua đáng phải khiếp sợ nữa, nhưng trái lại là người Cha đáng mến vô cùng và sẽ không còn dám làm điều gì xúc phạm đến Người nữa. Tuy nhiên tôi vẫn biết rằng không phải mọi người đều giống hệt nhau cả, mỗi người đều có một đặc điểm cá biệt để nói lên sự hoàn hảo muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa, và đồng thời cũng là dịp tốt để mỗi người một cách và tất cả mọi người cùng hiệp lời ca ngợi sự thánh thiện khôn ngoan của Thiên Chúa cách phong phú dồi dào hơn. Riêng đối với tôi, Ngài đoái thương cho tôi cảm nghiệm được lòng nhân từ yêu thương vô biên của Ngài, và cũng nhờ đó tôi được dịp chiêm ngắm và tôn thờ những sự hoàn hảo thánh thiện khác của Ngài nữa. Đối với tôi tất cả đều tỏa sáng sự khôn ngoan, tình thương vô biên của Chúa, ngay đến sự công minh chính trực của Chúa cũng chỉ là sự công chính của tình yêu mà thôi".

Hiểu Sự Bé Mọn Ấy Như Thế Nào?

Sự hiểu biết về lòng nhân từ xót thương của Chúa không phải chỉ là sự hiểu biết của trí khôn trên bình diện hiểu biết mà thôi, nhưng thực sự là kinh nghiệm sống trong cuộc sống cá nhân của Người. Đặc biệt hơn cả là sức mạnh của ơn thánh đã được cảm nghiệm năm Têrêsa lên mười bốn tuổi.

Khi còn nhỏ Têrêsa vốn là cô bé được nuông chiều, nên thường nương theo bản tính ích kỷ dễ hờn giận. Lớn lên Têrêsa dần dần được thay đổi và trưởng thành hơn về mặt tình cảm.

Một biến cố đã thay đổi hẳn cả hướng đi cuộc đời của Têrêsa. Hôm đó là ngày lễ sinh nhật (năm 1886), Têrêsa được ơn Chúa thúc đẩy và soi sáng cho thấu hiểu cách sâu xa hơn về mầu nhiệm Giáng Sinh, Con Một Chúa quyền phép vô cùng, nhưng chỉ vì tình yêu nhân loại đã muốn mặc lấy thân phận con người thấp hèn như tất cả mọi người, ngoại trừ tội lỗi.

Tất cả mầu nhiệm như một luồng ánh sáng soi chiếu cả cuộc sống Têrêsa, chính trong sự yếu ớt của đứa bé thơ sinh nằm trong máng cỏ hèn hạ của loài súc vật, Têrêsa cảm thấy được mặc cho một sức mạnh phi thường. Từ ngày đó, Têrêsa bắt đầu đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác trong việc khắc phục những tính hư nết xấu của mình. Têrêsa cũng ý thức được sự cao cả của ơn thánh mà Thiên Chúa đã ban cho người một cách nhưng không. Têrêsa hoàn toàn không có công trạng gì ngoài công nghiệp duy nhất là sự yếu hèn, nhưng đầy lòng tin tưởng phó thác của người. Vì thế Têrêsa có lý khi viết:

"Chính vì tôi bé mọn mà Cha là Thiên Chúa nhân từ đã cúi xuống trên tôi và chỉ bảo tôi những điều cao cả mầu nhiệm về tình thương Thiên Chúa. Nếu như các nhà thông thái thế gian trông thấy tôi, họ sẽ ngạc nhiên về những gì Thiên Chúa đã muốn tỏ lộcho một cô bé mười bốn tuổi như tôi về tình thương của Ngài. Đó là tất cả những điều bí ẩn mà sự khôn ngoan thông thái của họ cũng không thể nào hiểu được.Bởi vì để được hiểu biết những điều cao cả đó, trước hết họ cần phải có lòng đơn sơ và tinh thần khó nghèo bên trong".

Bé Mọn Về Thể Xác hay Về Sự Hiểu Biết Hoặc Về Tinh Thần?

Con đường nên thánh và đúc kết sự khôn ngoan của Têrêsa được gọi là Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng. Đây không phải là sự thơ ấu khờ dại của đứa trẻ, cũng không phải là việc tầm thường hóa những giá trị Phúc Âm, trái lại Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trước hết dựa trên thái độ khiêm tốn nội tâm, biết tự hạ chấp nhận thân phận thấp hèn trước mặt Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, đồng thời cũng là Cha nhân từ đầy lòng xót thương.

Đặc điểm trước tiên của con đường nên thánh của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu là lòng tin tưởng phó thác. Đó là hoa trái của lòng trông cậy, như người con thơ chỉ biết đặt lòng tin cậy phó thác vào bàn tay chăm sóc của người Cha đầy tình yêu thương.

Từ sự tin tưởng vào tình thương cha mẹ và anh chị em trần gian nơi gia đình, Têrêsa tiến tới trong sự tin tưởng vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa là Cha. Lòng tin tưởng đưa Têrêsa đến sự phó thác hoàn toàn trong tay Chúa về tất cả cuộc sống của người, không phải là thứ phó thác thụ động lười biếng một cách suy luận sai lầm của con người, nhưng là sự phó thác linh động, sẵn sàng thi hành tất cả những gì tình yêuChúa đòi hỏi, cả khi phải hy sinh với giá cao và chấp nhận từ bỏ những gì mình ưa thích nhất, nhưng có thể là sự nguy hiểm trong bước đường tiến tới sự kết hiệp thân mậtvới Chúa. Vì thế, tin tưởng phó thác là hoạt động của tình yêu, là cao điểm của lòng kính mến Chúa trên hết mọi sự, đồng thời cũng rất gần gũi với tha nhân để chia sẻ tình yêu Chúa đổ tràn trong tâm hồn mọi người, để lôi kéo người khác đến gần tình yêu Chúa hơn.

Ý Nghĩa Thiêng Liêng Về Sự Bé Mọn

Đây là bí quyết sức mạnh và hiệu lực Tông Đồ của thánh nữ, người được đặt làm quan thầy các vị thừa sai truyền giáo khắp nơi trên thế giới, mặc dù thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu không bao giờ bước chân ra khỏi bốn bức tường của Tu Viện và cũng không hề lên tiếng giảng dạy cho ai. Nhưng thánh nữ đã khôn khéo khám phá ra chỗ đứng của mình trong lòng Giáo Hội, chỗ đứng đó là tình yêu, là biết yêu thương, là hoàn toàn phó thác tin tưởng cho tình yêu thương của Thiên Chúa là Cha nhân từ đầy lòng xót thương.

 

SUY NIỆM 7: LỄ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, trinh nữ

(Lm Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

Sống ở trần gian chỉ có 24 tuổi đời, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã để lại cho trần gian một con đường nên thánh xem ra đơn sơ, giản dị, nhưng cũng là một linh đạo tuyệt vời: “con đường thơ ấu thiêng liêng”. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là ai ?

Con đường thơ ấu thiêng liêng nói gì cho ta ?

MỘT CON NGƯỜI. MỘT CUỘC ĐỜI: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, con ông Louis Martin và bà Maria Guérin. Người sinh ngày 2 tháng 1 năm 1873 tại Alencon nước Pháp. Gia đình Ông bà Louis Martin sinh được 9 người con. Tuy nhiên 4 người con đã qua đời, chỉ còn lại 5 chị em gái. Tất cả 5 chị em gái sau này đều bước vào đời tận hiến trong các Dòng tu. Têrêsa mồ côi mẹ từ lúc chưa tròn 4 tuổi. Nỗi buồn mất mẹ cứ hằn sâu trong cuộc đời của Têrêsa. Ông Louis Martin bỏ Alencon lui về Lisieux với cả gia đình. Với truyền thống của một gia đình đạo đức và với tấm lòng đơn sơ, yêu mến Chúa, Têrêsa đã nhất quyết chọn cho mình một con đường. Do đó, thánh nhân đã xin vào tu viện nhà kín Cát Minh tại Lisieux vào tháng 4 năm 1888 lúc Người mới chưa tròn 15 tuổi. Thánh Têrêsa luôn cảm nghiệm sâu xa tình yêu của Thiên Chúa và Người đã sống cái diệu cảm của một con người đầy ắp Chúa. Tâm hồn của Người thật đạo đức, thánh thiện. Người cảm thấy ơn gọi của Người thật kỳ diệu vì chính vào đêm giáng sinh năm 1886, một biến cố làm cho Người quay trở về với Chúa và Người nhận thấy con người của mình được biến đổi hoàn toàn. Từ đây, ơn gọi yêu mến Chúa và yêu tha nhân thôi thúc Têrêsa. Người đã có thể nói như thánh Phaolô tông đồ: “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi “. Đời sống trong tu viện Cát Minh càng lúc càng nung đốt tâm hồn của thánh nhân. Đời sống nội tâm của Têrêsa càng ngày càng lên cao. Người đã có mối liên hệ mật thiết với Chúa ở một tầm cao mới, chiều sâu mới, quan hệ tình yêu. Thánh nhân cảm thấy càng ngày càng phải kết hợp với Chúa trong cuộc thống khổ của Ngài. Thánh nhân coi thánh kinh là sách gối đầu và là sách duy nhất giúp Người nên thánh và gần gũi Chúa. Tuy nhiên sự thử thách nội tâm và sự đau khổ thể xác diễn ra hằng ngày trong đời sống của thánh nhân đã làm cho thánh nhân càng ngày càng cảm nghiệm sâu xa mầu nhiệm tình yêu cao vời của Chúa.

Năm 1896 trong đêm thứ sáu tuần thánh, Têrêsa bị ho ra máu lần đầu tiên. Thánh nhân đã sống những tháng ngày trong sự đau khổ triền miên của bệnh tật. Có thể nói, mười tám tháng cuối cùng của cuộc đời Người là một cuộc tử đạo không ngừng. Thân xác bị đau đớn, nội tâm bị thử thách. Nhưng, thánh nhân đã sống hết mình vì tình yêu. Người lìa trần vào ngày 30 tháng 9 năm 1897, hưởng thọ 24 tuổi. Cái tuổi còn đầy sinh lực và nhựa sống. Người ra đi trong tiếng thì thào: “Lạy Chúa, con yêu Chúa”. Đức Giáo Hoàng Piô XI nâng Người lên bậc hiển thánh và đặt Người làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

CON ĐƯỜNG THƠ ẤU THIÊNG LIÊNG CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU: Thánh Têrêsa đã bỏ cõi đời để đi vào cõi sống vĩnh hằng, Người đi vào cái trọn vẹn, cái lớn lao: yêu Chúa hơn bất cứ người nào trên dương thế này; Têrêsa muốn dâng mình cho tình yêu vô vị lợi, tình yêu nhân từ vô biên của Chúa như của lễ dâng hiến toàn thiêu; Têrêsa muốn yêu mọi người như Chúa Giêsu đã yêu nhân loại.

Người đã sống trọn vẹn con đường tình yêu của Chúa. Người đã chọn một linh đạo cho cuộc đời mình, linh đạo tình yêu nhỏ bé. Con đường của Người là con đường thơ ấu thiêng liêng. Têrêsa tựï ví mình như trẻ nhỏ, mà nhỏ nghĩa là yếu đuối, hèn mọn, không thể tự sức mình làm được gì; nên phải yêu mến thật nhiều, yêu mến không giới hạn để đạt được điều mình ao ước, mong chờ. Quan niệm của Têrêsa giống như những người nghèo của Thiên Chúa mà đặc biệt là thái độ của Mẹ Maria trong kinh Magnificat. Têrêsa đã cảm nghiệm được con đường nên thánh qua thái độ, cử chỉ của Đức Mẹ. Têrêsa đã hiểu được bí quyết nên thánh theo thánh kinh: “trở nên người lớn nhất phải trở nên bé nhỏ nhất”. Đây là kinh nghiệm sống của Têrêsa trong cuộc sống hằng ngày. Con đường nên thánh của Người là con đường thơ ấu thiêng liêng. Muốn đi con đường ấy, bí quyết thật giản dị: “ Hãy dâng mình yêu Chúa, hãy chấp nhận đau khổ hy sinh vì Chúa, hãy chia sẻ tâm tình của Chúa cứu độ đang đau khổ trong các chi thể của Hội Thánh để cứu rỗi thế gian”.

Hãy yêu Chúa và yêu tha nhân thật nhiều. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đang mời gọi mọi người nên thánh bằng con đường tình yêu, con đường thơ ấu thiêng liêng…Nên thánh không phải là làm những việc vĩ đại, nhưng con người trở nên thánh bằng con đường nhỏ bé thiêng liêng. Têrêsa đã ví chiếc thang máy bác lên Trời là tình yêu. Con người chỉ có thể đạt được Nước Trời khi họ sống bé nhỏ và yêu thương.

Lạy thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, với tư tưởng phong phú, đầy thánh thiện và đạo đức của Người, xin cho chúng con hiểu được con đường nhỏ bé đầy tình yêu của Người. Xin Người làm rơi hoa hồng là những ân huệ từ Trời xuống thật nhiều cho chúng con. Amen.

 

SUY NIỆM 8: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, trinh nữ

(http://tinmung.net//Lm hạt Xóm chiếu dịch)

I. Ghi nhận lịch sử - phụng vụ

Chị Têrêxa Hài Đồng Giêsu qua đời tại tu viện Carmel ở Lisieux, ngày 30 tháng 9 năm 1897, được phong thánh năm 1925; từ đó lễ kính thánh nữ được mừng vào ngày 1 tháng 10. Thánh nữ được chọn làm bổn mạng thứ hai của nước Pháp, cùng với thánh Jeanne d'Arc, và bổn mạng các xứ truyền giáo, cùng với thánh Phanxicô Xavie.

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu tên thật là Marie Françoise Thérèse Martin, sinh tại Alençon (Normandie, Pháp) ngày 02 tháng 01 năm 1873, con gái út của một gia đình đã có bốn cô con gái. Ông Louis Martin, cha cô, là một thợ sửa đồng hồ đã nghỉ việc; bà Zélie Guérin, mẹ cô, gánh vác gia đình bằng việc trông coi một cửa hiệu đăng-ten. Bà qua đời khi Têrêxa chưa đầy năm tuổi. Ông Martin cùng năm cô con gái dời đến ở Lisieux; Têrêxa trở nên cô bé tính khí thất thường, bối rối và hay dằn vặt, lại được cha và các chị nuông chiều. Giáng sinh năm 1886, một cuộc "hoán cải" diễn ra nơi cô: những thái độ trẻ con và bối rối nơi cô biến mất; cô đạt được sự trưởng thành lúc mới 14 tuổi. Cô xin vào sống trong tu viện Carmel ở Lisieux, tại đây đã có hai chị gái của mình đã là nữ tu. Cô được nhận vào dòng năm 15 tuổi với tên gọi là Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Thánh-Nhan (Thérèse de l'Enfant-Jésus et de la Sainte-Face). Têrêxa sống trong tu viện Carmel ở Lisieux được 9 năm, cho tới khi qua đời; tu viện này có 25 nữ tu, tất cả đều già hơn chị rất nhiều, trừ hai người. Kinh Thánh – đặc biệt sách Diễm Ca và các sách Tin Mừng – và các thi ca thần bí của thánh Gioan Thánh Giá nuôi dưỡng linh đạo của chị nữ tu trẻ bây giờ đã sớm đạt tới một mức thánh thiện rất cao. Năm 1893, chị Têrêxa được cử trông coi việc đào luyện các tập sinh, và năm 1894, mẹ Agnès yêu cầu chị viết hồi ký tuổi thơ của chị; một năm sau, tập hồi ký này được xuất bản cùng với các bài viết khác của chị trong cuốn Tiểu Sử Một Tâm Hồn. Tác phẩm này về sau được in ra hàng triệu bản, vạch cho toàn thế giới một phương pháp nên thánh đơn sơ nhưng anh hùng, "con đường nhỏ", và góp phần biến Lisieux thành một nơi hành hương được cả thế giới công giáo biết đến.

II. Thông điệp và tính thời sự

Các bản văn phụng vụ diễn tả khoa linh đạo siêu vời của thánh nữ Têrêxa, bắt đầu bằng Ca Nhập lễ, lấy ý tưởng trong Đệ Nhị Luật (32, 10-12) . . . "Tựa chim bằng giương cánh đỡ con và cõng trên mình, duy một mình Thiên Chúa dẫn dắt dân."

a. Lời Nguyện của ngày lấy ý tưởng trong Mt 11, 25, cầu xin Thiên Chúa – Đấng mở cửa Nước Trời "cho những người bé mọn"– cho chúng ta "biết theo chân thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, bước đi trên con đường phó thác". Ngay từ 3 tuổi, Têrêxa đã hứa không bao giờ từ chối Chúa Giêsu điều gì; giờ đây con đường chị đi đã dẫn chị tới chỗ dâng hiến đời sống làm lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa tình thương, qua sự bỏ mình và phó thác hoàn toàn. Đó là "con đường nhỏ" mà thánh nữ nói đến trong Tiểu Sử Một Tâm Hồn: "Con là tạo vật hèn mọn nhất, con biết sự khốn nạn và yếu hèn của con, nhưng con cũng biết các tâm hồn cao quí và quảng đại yêu thích làm điều thiện biết bao. Vì vậy con nài xin Chúa, Đấng toàn phúc ở trên trời, xin nhận con làm con Chúa . . . Ôi Người Yêu của con, con nài xin Ngài ghé mắt đoái nhìn vô số những tâm hồn bé mọn; con nài xin Ngài thương chọn trong thế giới này một đạo binh những nạn nhân bé mọn đáng dược Ngài yêu thương."

Điệp ca của bài Benedictus: " . . . hãy trở nên giống trẻ thơ" làm vang lên Tin Mừng của thánh lễ (Mt 18, 1-4): Thật, tôi bảo thật anh em: Nếu anh em không hoán cải và trở nên giống trẻ thơ . . . "Trẻ thơ" đối với thánh Têrêxa Lisieux là người "chấp nhận tất cả", với thái độ vâng phục và phó thác của Người Đầy Tớ đau khổ (xem sách Isaia) không ngừng thưa lên: Này con đây ! Chương trình sống này đã có khi Têrêxa chọn tên mình lúc vào dòng Carmel: Têrêxa Hài Đồng Giêsu và Thánh-Nhan. Đủ loại thử thách không ngừng giúp thanh luyện chị và dẫn chị tới mức độ thánh thiện ngày càng cao hơn. Đời sống hằng ngày trong tu viện, "cái lạnh chết người", tình trạng khô khan thiêng liêng, những cám dỗ về đức tin, những cơn đau do xuất huyết phổi . . . "Hồi ấy con không hề nghĩ phải chịu đau khổ rất nhiều để đạt sự thánh thiện ...", chị viết trong Tiểu Sử Một Tâm Hồn (Thủ bản A). Tất cả điều này làm chứng một tâm hồn thanh tịnh và mạnh mẽ phi thường, hoàn toàn phó thác cho tác động của Thánh Thần và hoàn toàn dâng hiến cho Tình Yêu nhân từ của Chúa. "Ôi, con yêu Chúa ... . lạy Chúa .. con yêu Chúa !" là những lời cuối cùng của chị.

b. Lời Nguyện trên lễ vật gợi lên một khía cạnh khác của hy tế thầm lặng trong "đời sống đơn sơ và can đảm" của thánh Têrêxa Lisieux. Chính vào lễ Chúa Ba Ngôi ngày 9 tháng 6 năm 1895, thánh nữ được Chúa soi sáng để hiến mình cho Tình Yêu nhân từ. Không lâu sau khi thực hiện cuộc dâng hiến này, khi bắt đầu con đường thánh giá, chị cảm thấy như có một "thương tích tình yêu" giống như hiện tượng in dấu thánh thần bí của thánh nữ Têrêxa Avila.

Têrêxa Lisieux ước muốn đón nhận và đáp lại tất cả các ơn gọi: "Con cảm thấy ơn gọi làm chiến binh, linh mục, tông đồ, bác sĩ, tử đạo", với "ước muốn thực hiện mọi hành vi anh hùng nhất . . ." Thế rồi một ngày kia, khi đọc Thư 1 Côrintô, chị hiểu rằng "mọi ân điển hoàn hảo nhất cũng chẳng là gì nếu không có đức ái . . . Đức ái là con đường tuyệt hảo chắc chắn dẫn đến Thiên Chúa." Sau cùng, đây là câu trả lời và là "sự yên nghỉ" đối với thánh Têrêxa: "Con hiểu rằng đức ái bao gồm mọi ơn gọi, đức ái là tất cả . . . Lúc đó, lòng tràn ngập niềm vui ngây ngất, con la lên: Ôi Giêsu, tình yêu của con . . . ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm ra, ơn gọi của con là tình yêu ! Vâng, con đã tìm ra vị trí con trong Hội Thánh. Ôi lạy Chúa, chính Chúa ban ơn gọi này cho con . . . trong lòng Hội Thánh, Mẹ của con, con sẽ là tình yêu . . . như thế con sẽ là tất cả . . ." (Thư thánh Têrêxa viết cho chị Maria Thánh Tâm, trong Bài đọc Giờ Kinh Sách).

c. Lời Nguyện sau hiệp lễ nhấn mạnh một tính cách đặc trưng khác của thánh Têrêxa, đó là niềm say mê "vì phần rỗi mọi người". Sau khi qua cuộc kiểm tra theo giáo luật để tuyên khấn trong dòng (8 tháng 9 năm 1890), chị đã tuyên bố chị vào dòng Carmel để "cứu rỗi các linh hồn và nhất là để cầu nguyện cho các linh mục". Năm 1895, chị được cử làm "chị linh hướng" cho một chủng sinh có ý hướng đi truyền giáo, thầy Bellière, và năm sau, thầy này có thêm một "anh linh hướng", cha P. Roulland, thuộc Hội Truyền Giáo. Tháng 11 năm 1896, chị làm tuần chín ngày kính thánh tử đạo Théophane Vénard († 1861) để xin ơn được đi truyền giáo ở Đông Dương, nhưng không lâu sau chứng xuất huyết phổi của chị tái phát. Chị trút hơi thở cuối cùng ngày thứ năm 30 tháng 9, 1897, lúc 7 giờ 20 tối, sau một cơn hấp hối kéo dài hai ngày. Đức giáo hoàng Piô XI phong thánh cho chị này 17 tháng 5 năm 1925 tại Đại Thánh Đường Phêrô ở Rôma, và ngày 14 tháng 12 năm 1927, ngài công bố thánh nữ Têrêxa là bổn mạng tất cả các nhà truyền giáo, nam cũng như nữ, và của tất cả các xứ truyền giáo trên toàn thế giới. Ngày 3 tháng 5 năm 1944, Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố thánh Têrêxa là bổn mạng phụ của nước Pháp, ngang hàng với thánh nữ Jeanne d'Arc.  Nhân dịp Ngày quốc tế giới trẻ lần thứ 12 diễn ra tại Paris, Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II đã tôn phong Thánh nhân lên bậc Tiến Sỹ Hội Thánh vào ngày 19 tháng 10 năm 1987.

ENZO LODI

 

SUY NIỆM 9: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1873 – 1897)

(dongten.net)

Ngày 19 tháng 10 năm 1997, thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu được ĐGH Gioan Phalô II trao tặng danh hiệu Tiến sĩ Hội thánh. Ngài là người trẻ nhất (24 tuổi) trong 3 vị nữ thánh được trao tặng danh hiệu này.[1]

Nhìn vào cuộc đời của chị Têrêsa chúng ta chắc không khỏi ngạc nhiên thắc mắc: “Đâu là điều khiến chị có được danh hiệu ấy?”; bởi cuộc đời chị quá đơn giản và bình thường, chẳng có chi là nổi trội. Thậm chí có người còn nhận xét: “Có lẽ với cuộc đời ấy chị đã chìm vào quên lãng, nếu không để lại cuốn tự thuật ‘Truyện một tâm hồn’ mà chị viết vì vâng phục.”[2]

Thật vậy, Têrêsa được sinh ra (1873) và được nuôi dưỡng trong một bầu khí đầy mộ đạo của một gia đình truyền thống nước Pháp. Nét mộ đạo truyền thống ấy được biểu hiện qua việc cả 5 chị em gái trong gia đình đều là nữ tu cả. Được hít thở trong bầu khí đạo đức kia, năm 15 tuổi (1888), Têrêsa gia nhập Dòng kín Carmel ở Lisieux. Ở đây, với bầu khí êm ả, lành thánh của tu viện kín, chị sống tiếp 9 năm còn lại của cuộc đời vắn vỏi. Có lẽ biến cố đáng kể nhất trong 24 năm sống mà chúng ta nhìn thấy được nơi chị là 18 tháng cuối đời chị phải chiến đấu với bệnh lao phổi nặng.[3] 

Thế nhưng, sự vĩ đại của một vị thánh đâu hệ ở những biến cố hay những công trạng vang dội, song cốt ở việc họ thuộc về Chúa[4] đến mức nào mà thôi. Chị Têrêsa Nhỏ đã minh chứng cho chân lý ấy cách mạnh mẽ và đầy hồn nhiên bằng những dòng nhật ký của mình.

Chị viết xuống ước mơ của chị:

“Phần con, con vẫn một lòng quả cảm muốn làm đại thánh. Con không cậy công con, có đâu mà cậy; con hoàn toàn cậy trông ở Chúa là sức mạnh, là chính sự thánh thiện. Những cố gắng nhỏ nhặt của con cũng làm Chúa vui lòng. Người sẽ nâng đỡ con lên tới Người, Người sẽ lấy công nghiệp cực trọng Người mà bù đắp cho con. Người sẽ làm con nên thánh.”[5]

Không chỉ mơ mộng suông, Têrêsa còn sống lý tưởng kia trong đời thực bằng những hy sinh, tập rèn nhân đức. Có bận, khi đang giặt đồ, một Soeur cứ làm bắn nước bẩn vào mặt Têrêsa. Têrêsa vô cùng khó chịu. Chị muốn lùi ngay ra, lau mặt như để “giằng mặt” Soeur ấy. Nhưng rồi chị cố nén mình, không tỏ vẻ khó chịu gì hết, và cứ để nước bẩn ấy bắn lên mặt. Chị giải thích nguyên do như sau: “Con là một linh hồn rất nhỏ mọn, chỉ biết dâng lên Chúa những việc rất nhỏ mọn thế thôi. Thật là việc hèn mọn chẳng đáng gì, song đã mang lại cho con được bình an vui vẻ trong lòng.”[6] Một lần khác, khi đang là phụ tá giáo tập, Têrêsa đã “được” các chị em nhà Tập “góp ý” cách thẳng thắn về những khuyết điểm cũng như những điều các chị em ấy không ưa không thích nơi Têrêsa. Têrêsa đã đau khổ gọi nó là “một đĩa rau trộn, trộn rất nhiều giấm và thêm thắt nhiều vị đắng chát… đĩa rau trộn chẳng thiếu gì, chỉ thiếu chất dầu, một chất không có không thành rau trộn, chỉ thành một món chưa có tên gọi.”[7] Đối mặt với “đĩa rau trộn” này, chị Têrêsa lại coi đó như là “cách thức Chúa chăm sóc gìn giữ chị. Chúa chỉ muốn chị phải nén lòng bên trong, phải khiêm nhượng thật trong linh hồn.”

Với những tập rèn nho nhỏ ấy suốt 8 năm ròng trong tu viện, Têrêsa đã có thói quen “mỉm cười trước và trong đau khổ”. Thế nên, trong những ngày tháng cuối đời trên giường bệnh, dù liên tục ho ra máu, dù đau đầu như thể không làm chủ được mình, chị thánh vẫn hằng giữ được nụ cười trên môi. Bởi tận sâu trong thâm tâm mình, chị xác tín một điều rằng: “Một trinh nữ muốn hy sinh cho Tình Ái mà còn ghê sợ chút quà Bạn Thánh gởi cho sao? Lúc nào chịu nổi ngần nào, Bạn Thánh gởi cho ngần ấy, không bao giờ phải lo quá, giả như chốc nữa Người gởi thêm đau đớn, Người cũng sẽ gởi thêm sức chịu đựng. Tuy nhiên, chẳng khi nào con dám xin Chúa gởi cho đau khổ cả thể, vì sức con hèn yếu lắm. Con mà xin như thế, những đau khổ ấy sẽ thuộc về con và riêng sức con phải gánh lấy; nhưng sức riêng con có làm nên trò trống gì bao giờ?”[8]

Như thế đấy, nếu ví cuộc đời chị thánh với một bản nhạc, thì chắc bản nhạc ấy đều đều, buồn buồn, trầm trầm. Song, dường như trong từng nốt nhạc lại chuyên chở rất nhiều tâm ý của người nữ nhạc sĩ Têrêsa. Hay nói khác đi, chị đã thổi được hồn vào trong những chuỗi âm thanh đơn điệu kia. Cái hồn ấy là ao ước nên thánh, là mối tình của chị với Thiên Chúa là Đấng Thánh duy nhất.

Cuộc sống là thế, luôn cần những tâm hồn, luôn cần những tấm lòng. Và sự rung động của tâm hồn này sẽ gợi hứng và làm cho những tấm lòng khác cũng vỗ nhịp theo. Có phải vì thế mà Trịnh Công Sơn đã hát lên đầy xúc cảm rằng: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình, chỉ lặng nhìn không nói năng.”[9] ?

-----------------------

[1] Hai vị khác là: thánh Têrêsa thành Avila (1515-82), và thánh Catarina thành Siêna (1347-80).

[2] David Hugh Farmer, The Oxford Dictionary of Saints, 2nd edition, (Oxford: Oxford University Express, 1987), p. 405.

[3] http://en.wikipedia.org/wiki/Thérèse_of_Lisieux (19 September 2013, 21h30).

[4] “Thánh” có nghĩa là: thuộc về Chúa, dành riêng cho Chúa.

[5] Truyện Một Tâm Hồn, quyển 1, chương 4.

[6] Truyện Một Tâm Hồn, quyển 2, chương 10.

[7] Như trên.

[8] Truyện Một Tâm Hồn, quyển 2, chương 12.

[9] Lời ca khúc “Để Gió Cuốn Đi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Bảo Ân, SJ.

 

SUY NIỆM 10: THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU (1873-1897)

(http://loichua.donboscoviet.net)

"Tôi thích chấp nhận sự buồn tẻ của việc hy sinh âm thầm hơn là trải qua những trạng thái xuất thần. Nhặt một cây kim vì tình yêu cũng có thể hoán cải một linh hồn." Ðó là những lời của thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, một nữ tu dòng Camêlô thường được gọi là "Bông hoa nhỏ," người đã sống một đời âm thầm trong tu viện ở Lisieux, nước Pháp. Và quả thật, những hy sinh âm thầm của ngài đã hoán cải các linh hồn. Không mấy vị thánh của Thiên Chúa nổi tiếng như vị thánh trẻ trung này. Cuốn tự truyện của ngài, Chuyện Một Linh hồn, được cả thế giới đọc và yêu chuộng. Tên thật của ngài là Thérèse Martin, gia nhập tu viện năm 15 tuổi và từ trần năm 1897 lúc 24 tuổi.

Ðời sống tu viện dòng kín Camelô không có sức cuốn hút bởi các biến cố lớn, mà phần lớn chỉ gồm sự cầu nguyện và làm các công việc trong nhà. Nhưng thánh Têrêsa có được trực giác sâu sắc về sự thánh thiện của những bông hoa tình yêu nhỏ bé để cứu chuộc quãng thời gian thường ngày ấy, bất kể có nhàm chán đến đâu. Ngài nhìn thấy sự đau khổ có khả năng cứu chuộc trong chính sự đau khổ âm thầm, sự đau khổ chính là sứ mạng tông đồ của ngài. Thánh nữ nói ngài gia nhập tu viện Camêlô là "để cứu vớt các linh hồn và cầu nguyện cho các linh mục." Và không lâu trước khi chết, ngài viết: "Tôi muốn dùng thời gian ở thiên đàng để làm những điều tốt lành cho trần gian."

Vào ngày 19-10-1997, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố ngài là Tiến sĩ Hội Thánh, là người phụ nữ thứ ba trong Giáo hội được nhìn nhận là tiến sĩ dựa vào ánh sáng của sự thánh thiện và tầm ảnh hưởng của lời ngài dạy về đời sống thiêng liêng trong lòng Hội Thánh.

Lời bàn

Thánh Têrêsa có nhiều điều để dạy thời đại chúng ta, thời đại của sự hào nhoáng bề ngoài và của “sự thất vọng”. Chúng ta đã trở thành những con người sống một thứ ý thức về bản thân mình theo một hướng rất nguy hiểm: Một đàng ta biết cái nhu cầu là mình phải được hoàn thành trọn vẹn, nhưng đàng khác ta biết mình chẳng phải là thế, thế rồi ta đâm trở nên thất vọng. Thánh Têrêsa, cũng như bao vị thánh khác, đã tìm cách phục vụ người khác, thực hiện những gì ở ngoài bản thân mình, quên mình đi trong những hành động thầm lặng của tình yêu. Ngài là một trong những tấm gương vĩ đại của những con người đã biết ôm ấp lấy cái nghịch lý của Tin Mừng là chiếm lại cuộc sống của mình khi mình chấp nhận mất nó đi, là nên như hạt giống ném vào lòng đất để chịu chết thối đi hầu nảy mầm sự sống mới (Xem Ga 12).

Sự lo lắng đối với bản thân đã tách biệt con người nam nữ thời nay với Thiên Chúa, với đồng loại và thực sự xa rời với chính mình. Chúng ta phải học cách quên mình, để suy niệm về một Thiên Chúa là Ðấng mời gọi chúng ta thoát ra khỏi sự ích kỷ để phục vụ người khác. Ðây là cái trực giác sáng suốt của thánh Têrêsa Lisieux, và ngày nay trực giác này có giá trị hơn bao giờ hết.

Lời trích

Thánh Têrêsa phải chịu đau khổ vì bệnh hoạn trong suốt cả cuộc đời. Khi còn là một thiếu nữ trẻ, ngài phải trải qua ba tháng đau từng cơn, mê sảng và ngất xỉu. Sau đó, dù yếu ớt nhưng ngài làm việc vất vả trong phòng giặt quần áo và phòng ăn của tu viện. Về phương diện tâm linh, ngài phải trải qua một thời kỳ tăm tối khi ánh sáng đức tin dường như tắt ngúm. Năm cuối cùng của cuộc đời, ngài chết dần vì ho lao. Tuy nhiên, không lâu trước khi chết vào ngày 30-9, ngài thì thào "Tôi không muốn bớt đau khổ."

Thực sự ngài là một phụ nữ dũng cảm, không rên rỉ vì bệnh tật và    lo âu. Ðây là một người nhìn thấy sức mạnh của tình yêu, mà sự biến đổi của Thiên Chúa có thể thay đổi mọi sự kể cả sự yếu đuối và bệnh tật thành sức mạnh phục vụ và Cứu chuộc cho người khác. Không lạ gì ngài là quan thầy của công cuộc truyền giáo. Còn ai có thể thay đổi thế giới ngoài những người ôm ấp sự đau khổ của mình với tình yêu?

Đaminh Xuân Uyển SDB

 

SUY NIỆM 11: Những Dòng Khôn Ngoan từ Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu

(http://dongcatminh.org)

Gần đến lễ mừng kính thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, xin mời mọi người chúng ta cùng lược đọc chút ít tâm sự và chọn lựa từ “ái nữ của Hội Thánh”. Đây thực sự là những tâm sự hết sức khôn ngoan từ chị thánh.

Têrêsa vào đan viện Cát Minh lúc tuổi đời chỉ mới mười lăm, và đã qua đời chín năm sau đó vào ngày 30 tháng 9 năm 1897. Chị hoàn toàn không được thế giới biết đến bên ngoài vòng tròn những người thân trong gia đình và các nữ tu trong đan viện. Tuy thế, cuộc đời của chị đã được biết đến qua tác phẩm Truyện Một Tâm Hồn.

Dưới đây xin được trích đoạn về cách thức vị thánh vĩ đại này đã chọn sống ơn gọi mình ra sao:

“Em đã mở các thư của Thánh Phaolô ra để tìm phương giải cứu. Các chương 12 và 13 của thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô đập ngay vào mắt em. Em đọc thấy rằng không phải mọi người đều là tông đồ, ngôn sứ và tiến sĩ, v.v… rằng Hội Thánh là một thân thể gồm nhiều bộ phận khác nhau và mắt không thể đồng thời là tay. Câu trả lời đã rõ nhưng không làm thỏa mãn các ước vọng của em, nó không mang lại cho em bình an…. Nhưng như thánh Gioan Thánh Giá đã nói, “nhờ cúi xuống tận đáy thẳm hư vô của mình, em vươn lên cao mãi cho tới khi em đạt tới mục đích của mình.” Em tiếp tục đọc và gặp được câu này: “Hãy tha thiết tìm kiếm những ơn cao trọng. Và đâytôi xin chỉ cho anh em đường trổi vượt hơn cả.” (1 Cr 12:31). Và thánh Tông Đồ cắt nghĩa tại sao mọi ơn cao trọng nhất đều chẳng là gì cả nếu không có Tình Yêu và Đức Ái là con đường trổi vượt dẫn tới Thiên Chúa một cách chắc chắn. Cuối cùng em đã tìm thấy được sự nghỉ yên.

Khi suy nghĩ về Thân Miình Mầu Nhiệm của Hội Thánh, em không nhận ra mình trong bất cứ bộ phận nào mà thánh Phaolô miêu tả, hay đúng hơn em muốn nhận ra mình trong tất cả các bộ phận… Đức Ái cho em chìa khóa của ơn gọi em. Em hiểu rằng nếu Hội Thánh có một thân thể, gồm các bộ phận khác nhau, không thể thiếu bộ phận cần thiết nhất, cao trong nhất, thì em cũng hiểu rằng Hội Thánh có một Trái Tim, và Trái Tim này chính là Tình Yêu bốc lửa. Em hiểu rằng chỉ có Tình Yêu làm cho các bộ phận của Hội Thánh hoạt động, rằng nếu Tình Yêu ấy tắt đi, thì các Tông Đồ sẽ chẳng còn rao giảng Tin Mừng nữa, các vị Tử Đạo sẽ từ chối đổ máu mình ra… Em hiểu rằng Tình Yêu bao gồm mọi Ơn Gọi, rằng Tình Yêu là tất cả, nó bao trùm mọi thời gian và mọi không gian… tóm lại, Tình Yêu là Vĩnh Cửu!

Thế là trong vui sướng mê mẩn tột độ, em đã la lên: Ôi Giêsu Tình Yêu của em… cuối cùng em đã tìm thấy ơn gọi của em, ơn gọi của em chính là tình yêu!… Trong Trái Tim của Hội Thánh là Mẹ con, con sẽ là Tình Yêu…vì thế con sẽ là tất cả… vì thế giấc mở của con sẽ trở thành hiện thực!… Tại sao em lại nói đến một niềm vui sướng mê mẩn, không, nói thế này không đúng, đúng hơn là sự bình an thanh thản và thư thái của người đi biển khi nhìn thấy ngọn hải đăng sẽ dẫn họ đến bến…. Ôi ngọn Hải Đăng sáng rực của Tình Yêu! Em đã biết làm thế nào để đến được với Người rồi, em đã tìm ra được bí quyết để chiếm đoạt ngọn lửa của Người rồi.

Những hành động vĩ đại không thích hợp với em. Em không thể giảng về Tin Mừng cũng chẳng thể đổ máu mình ra,- nhưng điều có hệ gì? Vì những người anh em của em đã lao nhọc thay em rồi. Phần em, một đứa trẻ, em chỉ ở gần ngai tòa của Thiên Chúa và em yêu mến thay cho những ai đang chiến đấu.

Không có điều chi làm em sợ hãi nữa…. Nếu những áng mây dày đặc che khuất Mặt Trời, và dường như không có gì tồn tại bên ngoài bóng đêm của cuộc đời này, thì thật ra đó phải là khoảnh khắc của niềm vui tuyệt hảo, khoảnh khắc để cảm nhận niềm tin tưởng trọn vẹn và để ở thật yên lặng, an toàn trong sự nhận biết rằng Mặt Trời đáng tôn thờ của em vẫn chiếu sáng phía bên kia đám mây.”

 nguon:http://gplongxuyen.org/News