Sự Giằng Co Của Phận Người – Vài nét về nhân học của Blaise Pascal trong tác phẩm Pensées

Dẫn Nhập

Khi con người nhận thức được thế giới khách quan cũng là lúc nó bắt đầu đặt những vấn nạn về cuộc hiện hữu của mình. Tôi là ai? Tôi từ đâu tới? Tôi sống trên cuộc đời này để làm gì? Còn có điều gì đằng sau cái chết của tôi hay không? Có cái gì khác, trổi vượt hơn những gì đang phơi bày ra trước mặt tôi hay không?… Những câu hỏi như thế được con người đặt ra có lẽ một phần xuất phát từ nhận thức được cái hữu hạn nơi thân phận của mình, nhưng đồng thời cũng việc nghiệm biết cái vô hạn. Thật vậy, hữu hạn và vô hạn là hai chiều kích căn bản gắn liền với con người. Có lẽ vì thế mà hai chiều kích này trở nên nguồn gợi hứng suy tư cho nhiều người. Riêng với Blaise Pascal (1623-1662), trong tác phẩm Pensées, ông không chỉ nêu lên hai chiều kích hữu hạn và vô hạn nhưng còn nói lên sự giằng co giữa hai chiều kích ấy. Vậy, mối giằng co ấy được thể hiện như thế nào?

Hữu hạn nơi con người

Ý nghĩa của thuật ngữ hữu hạn

Nếu nhìn từ góc độ của việc phân tích từ ngữ, chúng ta thấy thuật ngữ “hữu hạn” không quá khó hiểu. “Hữu” có nghĩa là có, “hạn” là một mức độ nào đó. “Hữu hạn” là có một mức độ nào đó. Vấn đề mới được đặt ra ở đây là làm thế nào người ta tri nhận được khái niệm này? Có lẽ, người ta phải có kinh nghiệm về cái “vượt” hạn, cái không có giới hạn. Ví dụ, tôi nhìn thấy một cây mọc trong vườn chỉ cao 0,5 m, tôi nói chiều cao của cây này bị giới hạn ở mức là 0,5m Sở dĩ tôi dám nói chiều cao của cây đó là bị giới hạn vì tôi thấy có cây khác trong vườn cao 1m. Tất nhiên, ví dụ vừa nêu chỉ có tính chất loại suy mà thôi. Điều chủ yếu mà tôi muốn nói đến là khi chúng ta có được khái niệm về hữu hạn, một cách nào đó chúng ta đã nghiệm thấy được cái “vượt” hạn, cái vô hạn. Thực tế khi chúng ta nói về hữu hạn là chúng ta đang ngầm so sánh, đối chiếu với cái vô hạn rồi.

Như thế, ý nghĩa nội hàm của từ “hữu hạn” được mở rộng ra. Nó không chỉ nói về chính mức độ của thực tại mà còn nói đến cái mênh mông, cái trổi vượt bao trùm thực tại.

Chiều kích hữu hạn nơi con người được thể hiện như thế nào?

Khi nói về con người, Pascal muốn nói con người như là một tổng thể, bao gồm cả thể xác và linh hồn[1]. Nhưng khi nói đến chiều kích hữu hạn của con người dường như Pascal nhận thấy rõ hơn nơi thể xác. Chiều kích này sở dĩ dễ nhận thấy là vì nó gắn liền với cuộc sống của con người. Thật vậy, con người không những phải chịu tác động bởi quy luật tự nhiên mà còn lệ thuộc bởi tự nhiên. Ngoài ra con người cũng còn bị giới hạn cả về mặt nhận thức.

         2.1 Con người chịu tác động bởi quy luật tự nhiên

Thực sự, con người chỉ là một sự vật trong tự nhiên, nên con người cũng phải chịu tác động bởi các quy luật của nó. Trước hết, con người chịu tác động bởi quy luật của thời gian. Con người được sinh ra và sống trong thời gian. Với biến cố sự chết, con người bị chấm dứt hoàn toàn sự hiện hữu của mình trên cuộc trần này. Cái chết ấy chẳng tuân theo một quy tắc vận hành nào, nó luôn đe dọa ta từng thời khắc[2]. Nó nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Thế nên, con người không thể dành quyền chủ động về thời gian sống của mình. Con người dễ cảm thấy đời người thật ngắn ngủi. Thật vậy, nếu đem so sánh thời gian hiện hữu của con người với thời gian tồn tại của vũ trụ này, ta mới thấy thời gian của một đời người ngắn ngủi biết đến chừng nào. Bên cạnh đó, con người còn chịu tác động bởi quy luật của không gian. Con người thực tế luôn có một trương độ, một kích cỡ nào đó. Nó chỉ chiếm một phần vô cùng nhỏ bé so với không gian bao la của vũ trụ. Vì thế nó không thể hiện diện cùng một lúc tại nhiều địa điểm mà chỉ là một nơi chốn nhất định nào đó mà thôi. Vì chịu tác động bởi không gian nên con người cũng chịu tác động bởi các các sự vật khác trong thế giới. Con người có thể bị ngăn chặn hoặc bị thương tích bởi các sự vật khác. Ngoài ra con người cũng phải chịu tác động bởi chính các quy luật đang vận hành trong nội tại nơi con người. Đó là quy luật sinh hóa của các bộ phận, và các thành phần nơi cơ thể. Như vậy ta có thể nhận thấy, những quy luật của tự nhiên đã định mức giới hạn cho con người.

   2.2 Con người bị lệ thuộc vào tự nhiên

Khía cạnh khác biểu hiện chiều kích hữu hạn của con người là sự lệ thuộc của nó vào tự nhiên. Thật vậy, con người cũng giống như bao thụ tạo khác, nó không tự mình mà có. Nó được hiện hữu trên cuộc đời này là nhờ có cha, có mẹ[3]. Khi đã được sinh ra rồi nó còn phải tiếp tục cậy nhờ đến tất cả những gì đang có chung quanh để sống. Nó cần nước để uống, cần lương thực để ăn. Nó cần có cái che thân khi rét mướt, cần nơi trú ẩn khi mưa, nắng. Nó cần chỗ ngủ nghỉ[4]. Nếu không có các điều kiện cần thiết này chắc chắn con người không thể nào tồn tại được. Nhìn ở góc độ giới hạn này, ta nhận thấy con người thật tầm thường, chẳng có gì là lạ thường, và trổi vượt. Nó cũng như bao tạo vật khác trong vũ trụ.

2.3 Con người bị giới hạn về nhận thức

Khi nói đến sự trổi vượt của con người người ta vẫn thường nghĩ ngay đến sự nhận thức. Tuy nhiên ngay cả nơi cái trổi vượt này con người vẫn bị giới hạn. Cụ thể, đó là giới hạn sự nhận thức về chính nó. Con người thấy mình rơi vào tình trạng mù tối và khốn khổ vì không hiểu lý do gì đã khiến con người bị quăng ném vào thế giới này:

“…Tôi không biết ai đã đặt tôi vào thế giới này? Thế giới này là gì? Tôi rốt nát về tất cả mọi thứ. Tôi cũng chẳng biết cơ thể tôi là gì, cũng chẳng biết về những cảm giác của tôi, hay linh hồn tôi; ngay cả những gì tôi đang nói. Tôi chỉ thấy một không gian khủng khiếp của vũ trụ bao bọc lấy tôi. Tôi thấy mình bị buộc chặt trong một góc rộng lớn. Không hiểu vì lý do gì tôi được đặt ở nơi này chứ không phải nơi khác? Cũng chẳng hiểu tại sao tôi đang sống ở thời điểm này mà không phải là một thời điểm khác, mà thời gian ấy chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi….Tôi không biết tôi từ đâu tới và không biết đi tới đâu…”[5]

Không chỉ có sự giới hạn về nhận thức chính mình mà còn giới hạn về nhận thức sự vật chung quanh. Vì thế Pascal đã từng nhắn nhủ: “…Bạn biết rằng có nhiều cái bạn còn vô minh, nên đừng vội đưa ra kết luận cho những thực nghiệm của bạn. Hãy duy trì một mức vô hạn cho hiểu biết của bạn…[6]. Sở dĩ Pascal đưa ra lời khuyên như thế vì ông nhận thấy lý trí thực sự bất lực và yếu kém trong việc chứng minh những nguyên lý đầu tiên (không gian, thời gian và chuyển động). Ngoài ra, sự giới hạn còn được thể hiện ngay cả ở chiều kích nhận thức những gì là vĩ mô. Với lý trí được ban tặng, con người vươn mình để chiêm ngưỡng toàn bộ tự nhiên trong sự uy nghi hùng vĩ và trọn vẹn của nó. Nó thấy trái đất chẳng khác gì hạt bụi so với quỹ đạo rộng lớn mênh mông. Nhưng rồi con người nhận thấy ngay cả quỹ đạo này cũng chẳng khác gì một dấu chấm nhỏ so với quỹ đạo của những tinh tú đang xoay vần trong bầu trời. Con người đành phải chấp nhận sự hiểu biết của mình và để cho trí tưởng tượng đi xa hơn. Nhưng rồi trí tưởng tượng ấy cũng phải bải hoải khi muốn tiếp tục nhận thức thế giới. Thế nên con người đành thừa nhận toàn bộ thế giới khả biến này chỉ là một vết không thể nhận biết được trong lòng tự nhiên bao la[7]. Bên cạnh đó, sự giới hạn còn được thể hiện ngay cả ở chiều kích nhận thức những gì là vi mô. Chẳng hạn khi quan sát cơ thể tý hon của một con bọ, ta thấy có những bộ phận rất nhỏ bé như các đốt chân các mạch máu…Con người cứ tiếp tục phân chia với hết cả năng lực của trí tưởng tượng, nó sẽ thấy sự vật nhỏ bé nhất. Trong cái nhỏ bé này vẫn còn cả một khoảng trời bao la mà lý trí khó lòng có thể vươn tới được[8]. Như thế ngay ở nơi vạn vật cũng đã chất chứa sự cao vời được giấu kín trong tính huyền nhiệm, vượt xa tầm nhận thức của con người.

Như đã nói ở trên,  con người cảm thấy mình bị giới hạn trong việc nhận thức thế giới sự vật chung quanh. Vì thế, Pascal cũng cho rằng thật không dễ dàng gì để con người nhận thức về chính mình, đặc biệt ở khía cạnh luân lý. Ông nói con người thật khó để nhận ra chính mình là những kẻ đầy kiêu hãnh, tham vọng, ham muốn của xác thịt, yếu đuối, đau khổ và bất công[9]. Ngay cả khi chúng ta đã có ý thức rồi chỉ cần lơ là hay buông lỏng chúng ta lại có nguy cơ rơi xuống sự trụy lạc[10].

Nói tóm lại, chiều kích hữu hạn nơi con người quả thật rất lớn. Nó như bủa vây lấy con người ghì hãm, níu kéo con người, khiến con người không khó lòng có thể vươn lên được. Khi nghĩ về chiều kích này, Pascal đã ví “con người như một cây sậy yếu ớt[11].

 Vô hạn nơi con người

Ý nghĩa của thuật ngữ “vô hạn”

Nếu căn cứ trên sự phân tích về mặt từ ngữ thì “vô hạn” được hiểu là không còn giới hạn, không còn mức độ. Với cách hiểu này, ta có thể thấy được cả hai khía cạnh trong nội hàm của từ “vô hạn”. Thứ nhất là khía cạnh về lượng, tức là nhiều vô kể; thứ hai là khía cạnh về sự siêu vượt, không còn hệ ở số lượng. Đó là cái thuộc về tinh thần. Có lẽ khi nói về chiều kích vô hạn nơi con người Pascal có ý nói đến khía cạnh thứ hai nhiều hơn.

Chiều kích vô hạn nơi con người được thể hiện như thế nào ?

Dưới cái nhìn của mình, có lẽ Pascal đánh giá cao sự trổi vượt của con người so với các tạo vật khác chính là ở chỗ nó có lý trí. Chính nhờ lý trí mà con người có khả năng nhận thức. Ông nói:  “Sự vĩ đại của con người xuất phát từ chỗ nó biết rằng con người thật khốn khổ. Khi biết như vậy thì càng làm cho sự khốn khổ thêm khốn khổ. Nhưng nhờ biết như vậy mà con người trở nên vĩ đại[12].

Tuy nhiên lý trí cũng có giới hạn của nó, nhưng không vì thế mà con người chùn bước trong sự nhận thức. Con người vẫn có thể nhận thức bằng con tim. Con tim cũng có lý lẽ riêng của nó[13]. Trong thực tế có nhiều điều không thể được chứng minh bằng lý trí. Khi được quăng ném vào trong thế giới này, con người không ngừng nỗ lực nhận hiểu thế giới, thực tại khách quan. Không dừng lại ở đó, con người còn tiếp tục chất vấn về sự tồn tại của những thực tại ngoài thế giới hữu hình này. Những thực tại này lại không thể chứng minh bằng lý trí, chẳng hạn như sự hiện hữu của Thiên Chúa. Thế nên lý trí phải nhường chỗ cho con tim, không chỉ có như thế lý trí còn phải xuất phát từ con tim, và đặt toàn bộ biện luận của mình trên con tim. Nếu không làm như vậy người ta có nguy cơ rơi vào một trong ba hệ phái: chủ nghĩa hoài nghi, chủ nghĩa Plato (chủ nghĩa nhị nguyên) và chủ nghĩa giáo điều[14]. Quan điểm này của Pascal có lẽ quân bình hơn so với của Descartes, khi ông này quá đề cao lý trí của con người, đến mức lý trí ấy có thể chứng minh sự tồn tại của Thiên Chúa[15].

Mặc dầu vậy, nếu chỉ dừng lại ở con tim thôi thì vẫn chưa đủ, nhất là khi con người phải đối diện với những thực tại mênh mông bao la, siêu vượt. Con người cần có sự mở lòng với niềm tin. Pascal cho rằng đây chính là điều làm cho con người trở nên siêu vượt gấp bội, ông nói: “Thật là nghịch lý rằng con người có một lý trí yếu đuối, nhưng lại có khả năng siêu vượt chính nó cách vô hạn[16].  Sở dĩ con người làm được điều ấy vì con người được phú bẩm, được ban tặng cho có khả năng vươn đến cái vô hạn. Cái khả năng đó được đặt để bên trong con người khiến con người phải “khắc khoải”. Như chúng ta đã biết Pascal là một triết gia Ki-tô giáo nên khi nói đến tính vô hạn nơi con người, ông muốn diễn tả trong kinh nghiệm của lòng tin. Nhờ lòng tin, ông thấy được sự huyền nhiệm của người và vị thế của nó so với toàn thể vũ trụ, bởi vì nó được chính Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Người. Không những thế con người còn được Thiên Chúa quan tâm khi dùng các vị ngôn sứ để hướng dẫn dân tộc Do Thái. Sau cùng Thiên Chúa đã ban chính Đức Giê-su Ki-tô đến với con người để “ở cùng” và cứu độ nó[17].

Như thế ý nghĩa vô hạn nơi con người, theo cái nhìn của Pascal không phải được đo bằng số lượng khổng lồ, hay những cơ cấu tinh vi phức tạp nơi khía cạnh thể lý, nhưng là cái vô hạn trong chiều kích tinh thần, năng lực vươn tới, và khả năng mở ra với lòng tin để đón nhận thực tại siêu vượt đến với nó.

III.             Sự giằng co giữa hữu hạn và vô hạn của con người

Tại sao con ngươi bị giằng co?

         Con người đúng thật là hữu hạn, nhưng cũng thật là vô hạn. Tuy nhiên điều khó khăn cho con người là cả hai chiều kích đó cùng lúc hiện diện, thậm chí có những lúc tưởng chừng như đối kháng. Sở dĩ có tình trạng căng thẳng này là vì một mặt con người bị giới hạn níu kéo, giữ lại, mặt khác con người chưa thực sự đạt được cái vô hạn. Theo quan điểm của Martin Heidegger, nguồn cội của sự giằng co này là vì Dasein chưa đạt được cái tròn đầy của nó[18]. Đây chính là lý do khiến con người phải sống trong sự giằng co.

Con người bị giằng co như thế nào?

Như ở trên đã trình bày, vì con người chịu tác động bởi các quy luật của thời gian, và không gian, cũng như tất cả các quy luật tự nhiên khác, nên không có hy vọng gì cho con người để phá đổ các quy luật này. Hơn nữa nếu có thể phá đổ những quy luật đó thì không hẳn con người đã hết giằng co, vì giá trị của cuộc hiện hữu con người đâu có hệ ở số lượng nhiều về mặt thời gian, không gian; đâu có hệ ở việc tự tồn. Do vậy, điều khó khăn ở đây là làm sao con người vẫn có thể sống trong sự giới hạn nhưng vẫn sống đúng sự cao quý của mình. Trước hết, sự cao quý ấy là suy tư. Pascal cho rằng chính suy tư làm cho con người trở nên giá trị hơn sự vật khác, ông nói: “…con người chỉ là một cây sậy yếu đuối trong tự nhiên. Vũ trụ không nhất thiết phải dùng cả hai bàn tay mới nghiền nát được con người, chỉ cần một chất hơi, một giọt nước cũng đủ kết liễu cuộc sống của nó. Tuy nhiên con người cao quý vô cùng vì con người biết suy nghĩ. Vũ trụ thì bao la, hùng vĩ hơn rất nhiều so với con người nhưng lại chẳng biết gì về điều này…”[19]. Con người cũng là cái tồn tại đó như bao sự vật khác, nhưng con người có khả năng để biết mình có đó, mình hiện hữu. Chính cái biết này làm cho cuộc hiện hữu có giá trị, vì chỉ khi biết con người mới chịu trách nhiệm về hành vi của mình, chỉ có khi biết, con người mới có thể hành động và hành động theo chân lý. Thực ra trước Pascal, René Descartes (1596-1650) đã nói về suy tư, và ông đã xem nó như là cái quan trọng làm nên cuộc hiện hữu: “Cogito ego sum”[20]. Sau này, Martin Heidegger (1889-1976), tiếp tục khai triển giá trị của suy tư, ông cho rằng suy tư thể hiện mối tương quan giữa hiện hữu và yếu tính của con người[21]. Có lẽ theo cái nhìn của Pascal, suy tư là cửa ngõ để dẫn con người vào tình trạng giằng co.

Một khi con người biết suy tư là lúc con người có khả năng tiếp cận, và nắm bắt chân lý. Tuy nhiên con người lại vẫn có thể nghi ngờ. Có lúc con người cũng rơi vào tình trạng mù tối và lầm lẫn.

Khi nhìn con người ở khía cạnh luân lý, Pascal cũng cho thấy rõ sự giằng co khốc liệt. Con người khao khát sự công chính[22], và mong muốn tìm kiếm Thiên Chúa với tất cả trái tim[23]. Tuy nhiên đời sống của con người lại trái ngược với Thiên Chúa, nó không thích đức hạnh, nó dễ buông thả mình chiều theo những dục vọng, bất công, quyền lực. Con người chỉ yêu thích những gì có lợi cho nó.

Sự giằng co nơi con người còn được thể hiện ở khía cạnh tâm lý, đó là sự sợ hãi. Mặc dù con người có khả năng nhận thức đó, mặc dù con người có khao khát đi tìm chân lý, ước mong vươn tới sự cao vời, nhưng trước vũ trụ bao la, đặc biệt trước cái chết con người cảm thấy sợ hãi khôn cùng [24].

Tiếp nữa con người phải sống trong giằng co với những gì thuộc đòi hỏi của lòng tin và những gì thuộc thuần túy theo lý lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, khi nói về mối giằng co này, Pascal dường như không nói tới. Chỉ sau này, Soren Kierkegaard (1813-1855) mới bàn đến nhiều hơn. Thật vậy, trong tác phẩm “Âu lo và Run Sợ” [25], Kierkegaard nói đến “bước nhảy” trong hành vi của con người, từ hành vi của lý trí đến hành vi của lòng tin. Ông đã nêu ra một ví dụ điển hình là hành động của Abraham khi sát tế con mình. Một hành động hoàn toàn ngược với lý trí và mong muốn của ông, nhưng ông vẫn dám thực hiện vì ông tin. Để làm được điều này chính trong thâm tâm của Abraham cũng phải trải qua một cuộc giằng co gay cấn.

Nói tóm lại, qua những gì đã nêu ở trên, người viết nhận thấy rằng, sự giằng co nơi con người là một điều tất yếu, bởi vì con người cùng một lúc phải sống với hai chiều kích. Tuy nhiên sự giằng co cũng làm cho cuộc hiện hữu của con người thêm giá trị, làm cho con người trở nên lạ thường. Vì thế khi đưa ra nhận xét tổng quát về con người Pascal phát biểu rằng:

“…con người là gì? Là một sinh vật khác thường, một quái vật. Một đằng con người có thể chất chứa chân lý nơi mình, nhưng đằng khác con người lại chìm đắm trong nghi ngờ và lầm lẫn. Con người có thể nhận thức được sự vĩ đại, cao vời nhưng con người cũng dễ trở nên hư đốn. Tiếp nữa, một đằng con người hăng say tìm kiếm chân lý, nhưng đằng khác con người lại có lúc thờ ơ, sa đà vào những trò tiêu khiển; con người có khả năng cứu xét các vấn đề nhưng có lúc con người thật ngu xuẩn và yếu đuối. Con người chất chứa vinh quang, nhưng cũng là cặn bã của vũ trụ…[26]

Một vài thẩm định cá nhân về quan điểm của Pascal

Theo cái nhìn của Pascal về hai chiều kích hữu hạn và vô hạn nơi con người, xem ra cái hữu hạn là cái hạ cấp, cái không đáng tôn trọng, cái làm giảm đi phẩm giá của con người. Nếu là như vậy thì quả thực tư tưởng của Pascal khi nhìn về những cái hữu hạn cũng chẳng hơn gì so với cái nhìn của nhiều triết gia trước ông. Ông vẫn chưa thoát khỏi được cái nhìn truyền thống. Vì thế người viết muốn tìm hiểu xem thực sự, hữu hạn nơi con người có thể đóng góp gì trong việc hình thành nên giá trị của con người ?

Nếu đem so sánh những gì thuộc hữu hạn với những gì vô hạn để rồi từ đó xem nhẹ cái hữu hạn đó là một phép so sánh sai lầm. Bởi vì mỗi cái có khung giá trị riêng của nó. Theo thiển ý cá nhân người viết, tôi nhận thấy hữu hạn cũng làm cho con người khám phá thêm giá trị của nó. Con người dẫu cũng phải chung chia thân phận hữu hạn như bao thụ tạo khác nhưng con người lại chất chứa được cái vô hạn. Cái hữu hạn mà chất chứa cái vô hạn thì chẳng phải cái hữu hạn ấy  là một sự kỳ diệu sao? Từ nơi hữu hạn mà con người vươn lên vô hạn, thì thực sự con người thật tuyệt vời. Như vậy, phải chăng nhờ hữu hạn mà con người thêm phần giá trị?

Mặt khác, chính vì con người ý thức mình sống trong cái hữu hạn, nên con người phải sống một cách nghiêm túc, phải dấn thân triệt để trong từng giây phút mà không cho phép mình hời hợt, buông lỏng. Nếu giả như con người không còn bị bao bọc bởi giới hạn thì có lẽ con người không sống một cách có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Mà một cuộc sống như thế thì liệu có đáng còn để sống nữa không? Có lẽ, lúc đó con người chỉ là tồn tại, là “có mặt” mà thôi. Nó cũng chẳng biết khắc khoải chẳng biết thao thức, trăn trở cho cuộc sống của mình. Cuộc hiện hữu của nó trở nên vô ý nghĩa.

Như thế chính hữu hạn lại là động lực kích thích sự vươn lên của con người, giúp con người đi tìm đến thực tại huyền nhiệm được xem như cội nguồn của con người. Do vậy mà sự giằng co nơi con người không có gì là đáng phải quan ngại nhưng là cái tích cực, nó là dấu chỉ cho thấy con người còn đang muốn vươn đến những gì là cao quý. Hết giằng co cũng đồng nghĩa với việc sống trong tình trạng hạ đẳng. Con người lúc đó trở thành con thú mất rồi!

Kết luận

Pascal, một triết gia Ki-tô giáo, đã suy tư về con người dưới lăng kính của niềm tin. Tuy nhiên không vì thế mà ông nhìn con người một cách phiến diện. Pascal khởi đi từ những cái thực tế, đó là những cái hữu hạn mà con người đang phải đối diện, trong khi đó chiều kích vô hạn được xem là những giá trị tinh thần mà con người vươn tới. Vì sống với cả hai chiều kích nên con người phải sống trong sự giằng co. Đây cũng là tình trạng của cuộc hiện sinh nơi con người. Cái nhìn về sự giằng co sau này được các triết gia thuộc trường phái hiện sinh như Martin Heidegger, Kiekegaard… tiếp tục đào sâu.  Như thế, tư tưởng của Pascal tuy không có vai trò làm nền tảng cho việc suy tư về con người theo chiều kích hiện sinh, nhưng dẫu sao Pascal, với suy tư của ông về con người cũng góp phần khởi nguồn dòng suy tư này.

Học Viên Nguyễn Văn Chí S.J.

[1] BLAISE, Pascal, Pensées, Translated by W. F. Trotter,  (New York, E. P. Dutton & Co., INC, 1958), số 72.

[2] BLAISE, Pascal, Pensées, Translated by W. F. Trotter,  (New York, E. P. Dutton & Co., INC, 1958), số 94.

[3] Sđd, số 469.

[4] Sđd, số356.

[5] Blaise PASCAL, Pensées, Translated by W. F. Trotter, (New York, E. P. Dutton & Co.,INC, 1958), số 194.

[6] Sđd, số 231.

[7] Sđd, số 72.

[8] BLAISE, Pascal, Pensées, Translated by W. F. Trotter,  (New York, E. P. Dutton & Co., INC, 1958), số 72.

[9] Sđd 450 và  460.

[10] Sđd 380

[11] Sđd 347

[12] Sđd 114

[13] BLAISE, Pascal, Pensées, Translated by W. F. Trotter,  (New York, E. P. Dutton & Co., INC, 1958), số277.

[14] Sđd 109

[15] Sammuel ENOCH STUMPF,  Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề,  Đỗ Văn Thuận và Lưu Văn Hy chuyển dịch, (Hà Nội, Nxb Lao Động, 2004), tr198.

[16] Blaise PASCAL, Pensées, Translated by W. F. Trotter, (New York, E. P. Dutton & Co., INC, 1958), số 434.

[17] Sđd, 560.

[18] Martin HEIDEGGER, Being and Time, Translated bat Joan Stambaugh, (State University of New York), số 46.

[19] BLAISE, Pascal, Pensées, Translated by W. F. Trotter,  (New York, E. P. Dutton & Co., INC, 1958), số 347.

[20] Sammuel ENOCH STUMPF,  Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề,  Đỗ Văn Thuận và Lưu Văn Hy chuyển dịch sang Tiếng Việt, (Hà Nội, Nxb Lao Động, 2004), tr198.

[21] Martin HEIDEGGER, Basic Writings, edited bay David Farrell Knell, (Harper San Francisco), tr 369.

[22] BLAISE, Pascal, Pensées, Translated by W. F. Trotter,  (New York, E. P. Dutton & Co., INC, 1958), số 264.

[23] Sđd, 430.

[24] Sđd, 206

[25] Stanley ROSEN, Triết Học Nhân Sinh, (Nxb Lao Động, Hà Nội, 2004), tr140.

[26] BLAISE, Pascal, Pensées, Translated by W. F. Trotter,  (New York, E. P. Dutton & Co., INC, 1958), số 434.

Nguồn: http://dongten.net/noidung/13367