WHĐ (31.05.2023) – Hôm 30. 5. 2023, tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, đã diễn ra cuộc họp báo trực tiếp và trực tuyến giới thiệu về Hiệp ước Gia đình Toàn cầu và Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp ra mắt Hiệp ước.
Những diễn giả của cuộc họp báo gồm có: Nữ tu Helen Alford, OP, Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh; Giáo sư Gabriella Gambino, Thứ trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống; Giáo sư Pierpaolo Donati, Nhà xã hội học và thành viên Hàn lâm viện Tòa Thánh. Vì không hiện diện, nên bài phát biểu của Đức hồng y Kevin Farrell, Bộ trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống do Giáo sư Gabriella Gambino đọc.
Trong phòng họp còn có sự hiện diện của Giáo sư Stefano Zamagni, Nguyên Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội, và Tiến sĩ Francesco Belletti, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Gia đình Quốc tế (CISF).
Dưới đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha:
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA
NHÂN DỊP GIỚI THIỆU HIỆP ƯỚC GIA ĐÌNH TOÀN CẦU
Anh chị em thân mến!
Trong Tông Huấn Amoris Laetitia, tôi bày tỏ niềm xác tín rằng: “Thiện ích của gia đình là điều có tính quyết định đối với tương lai của thế giới và Giáo hội” (Số 31). Với niềm xác tín này, tôi mong muốn hỗ trợ Hiệp ước Gia đình Toàn cầu, một kế hoạch hợp tác nhằm đưa việc chăm sóc mục vụ gia đình vào cuộc đối thoại với các trung tâm học tập và nghiên cứu về gia đình hiện có trong các trường Đại học Công giáo trên khắp thế giới. Đây là một sáng kiến của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống và Hàn lâm viện Tòa Thánh về Khoa học Xã hội, xuất phát từ các nghiên cứu và tìm kiếm về sự liên quan giữa văn hóa và nhân học của gia đình cũng như về những thách thức mới mà gia đình đang phải đối diện.
Mục tiêu là sự Hiệp lực: nhằm giúp cho việc chăm sóc mục vụ gia đình tại các Giáo hội địa phương được hưởng lợi từ nghiên cứu và các chương trình giáo dục và đào tạo trong các trường đại học Công giáo. Cùng nhau, các trường đại học và việc chăm sóc mục vụ có thể cổ võ hiệu quả hơn một nền văn hóa gia đình và sự sống trong thời điểm bấp bênh và thiếu hy vọng này. Một nền văn hóa dựa trên nền tảng thực tế như vậy sẽ giúp các thế hệ mới biết trân trọng hôn nhân và đời sống gia đình với những nguồn lực và thách thức của nó cũng như vẻ đẹp của việc phát sinh và bảo tồn sự sống con người. Tóm lại, điều cấp thiết là có “một nỗ lực với sự quảng đại và trách nhiệm nhiều hơn để trình bày các lý do và các động cơ cho việc chọn lựa hôn nhân và gia đình, ngõ hầu giúp người ta sẵn sàng đáp trả hơn nữa ân sủng mà Thiên Chúa ban cho họ” (Amoris Laetitia, 35).
Các trường đại học Công giáo có nhiệm vụ phát triển các phân tích chuyên sâu về thần học, triết học, pháp lý, xã hội học và kinh tế về hôn nhân và gia đình, nhằm phát huy tầm quan trọng của chúng trong các hệ thống tư tưởng và hành động đương thời. Các nghiên cứu đã cho thấy bối cảnh khủng hoảng trong các mối tương quan gia đình, bị thúc đẩy bởi cả những khó khăn ngẫu nhiên lẫn những trở ngại mang tính cấu trúc, mà nếu không có sự hỗ trợ đầy đủ từ xã hội, sẽ khiến việc hình thành một đời sống gia đình yên ấm trở nên khó khăn hơn. Đây cũng là lý do tại sao nhiều người trẻ hướng tới những hình thức quan hệ tình cảm không bền vững và không chính thức thay vì lựa chọn kết hôn. Đồng thời, các cuộc khảo sát cũng nêu bật cách thức gia đình tiếp tục là nguồn gốc chính của đời sống xã hội và cho thấy sự tồn tại của những thực hành tốt xứng đáng được chia sẻ và phổ biến trên phạm vi toàn cầu. Theo nghĩa này, chính các gia đình có thể và phải là chứng nhân và nhân vật chính của tiến trình này.
Thật vậy, Hiệp ước Gia đình Toàn cầu không phải là một chương trình tĩnh, nhằm kết tinh một số ý tưởng nào đó, mà là một tiến trình, được chia thành bốn bước, cụ thể là:
1. Kích hoạt tiến trình đối thoại và hợp tác nhiều hơn giữa nghiên cứu đại học và các trung tâm nghiên cứu về các vấn đề gia đình, nhằm làm cho các hoạt động của những cơ quan này hiệu quả hơn, đặc biệt bằng cách tạo ra hoặc phục hồi mạng lưới của các viện đại học được truyền cảm hứng từ Học thuyết xã hội của Giáo hội.
2. Kiến tạo sự hợp lực lớn hơn về nội dung và mục tiêu giữa các cộng đồng Kitô và các trường đại học Công giáo.
3. Cổ võ văn hóa gia đình và đời sống xã hội, để đưa ra những đề xuất và mục tiêu hữu ích cho các chính sách công.
4. Phối hợp và hỗ trợ các đề xuất được trình bày, để việc phục vụ gia đình được phong phú và duy trì về mặt thiêng liêng, mục vụ, văn hóa, pháp lý, chính trị, kinh tế và xã hội.
Chính nơi gia đình mà hầu hết những giấc mơ của Thiên Chúa dành cho cộng đồng nhân loại đều trở thành hiện thực. Do đó, chúng ta không thể cam chịu sự suy tàn của gia đình nhân danh sự bấp bênh, chủ nghĩa cá nhân, và chủ nghĩa tiêu thụ, vốn hình dung một tương lai của những cá nhân chỉ nghĩ đến bản thân họ. Chúng ta không thể thờ ơ với tương lai của gia đình với tư cách là một cộng đồng của sự sống và tình yêu; một giao ước bất khả thay thế và bất khả phân ly giữa người nam và người nữ; một nơi gặp gỡ giữa các thế hệ, và một nguồn hy vọng của xã hội. Chúng ta hãy nhớ rằng gia đình có những tác động tích cực đối với mọi người, vì gia đình là nguồn tạo ra công ích. Các mối tương quan gia đình lành mạnh thể hiện sự phong phú vô song không chỉ đối với vợ chồng và con cái, mà còn đối với toàn thể cộng đồng giáo hội và dân sự.
Tôi cảm ơn tất cả những ai đã và sẽ tham gia Hiệp ước Gia đình Toàn cầu, và tôi mời anh chị em cống hiến hết mình với sự sáng tạo và tự tin cho mọi sáng kiến có thể góp phần đưa gia đình trở lại trung tâm của cam kết mục vụ và xã hội của chúng ta.
Rôma, Đền Thánh Gioan Latêranô, ngày 13 tháng 05 năm 2023
PHANXICÔ
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (30.05.2023)
Nguồn: https://tgpsaigon.net/