"Nước Thiên Chúa giống như cái gì?

Thứ Ba tuần 30 thường niên.

"Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to". 

Lời Chúa: Lc 13, 18-21

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó".

Người lại phán rằng: "Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men". 

Suy niệm 1: Lớn lên và trở thành

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Hai dụ ngôn trên đây tỏ ra lạc quan và hy vọng.

Nước Thiên Chúa đã được Đức Giêsu khai mở và loan báo.

Nước ấy cần có thời gian để lớn lên, để tác động trên con người.

Chắc chắn kết quả cuối cùng sẽ rất tốt đẹp.

Một người đàn ông ném vào khu vườn của mình một hạt cải nhỏ bé.

Ông có ước mơ mong mỏi gì không?

Vậy mà theo thời gian, hạt cải ấy đã lớn lên và trở thành một cây.

Cây vững đến nỗi chim trời đến làm tổ trên cành của nó được (c. 19).

Đức Giêsu muốn làm nổi bật sự phát triển mạnh mẽ của Nước Trời.

“Lớn lên và trở thành” là một tiến trình do Thiên Chúa dẫn dắt.

Bất chấp những khó khăn trong hiện tại, Nước Trời vẫn cứ lớn lên,

để rồi sẽ là nơi trú ngụ cho nhiều người ở khắp nơi tìm đến.

Một phụ nữ lấy men và vùi nó vào một lượng bột rất lớn.

Men không nhiều, lại được vùi sâu, nên có vẻ như không hiện hữu.

Nhưng trong thực tế, men đã có đó rồi và đang tác động trên bột.

Với thời gian, men làm cả khối bột dậy men.

Bấy giờ sức biến đổi của men mới được mọi người nhận biết.

Khối bột lên men đã sẵn sàng trở nên những ổ bánh ngon lành.

Đức Giêsu làm nổi bật sức mạnh của Nước Thiên Chúa

trong việc biến đổi thế giới này từ bên trong.

Chính sự tiếp xúc trực tiếp, sự thâm nhập của men vào bột

đã tạo ra sự biến đổi kỳ diệu ấy.

Những lời giảng của Đức Giêsu đã vang lên từ hai mươi thế kỷ.

Nước Thiên Chúa đã được Ngài khai mở và vun trồng mãi đến nay.

Kitô giáo vẫn là một tôn giáo lớn, chiếm một phần ba dân số thế giới.

Nhưng có những lúc chúng ta có cảm tưởng như nó bị chựng lại.

Khi có nhiều nhà thờ phải bán đi vì không có người đi lễ Chúa nhật,

khi các chủng viện hay dòng tu trở nên vắng vẻ, già nua,

khi ở nhiều nơi số linh mục thiếu một cách trầm trọng,

khi tỷ lệ tăng của Kitô hữu không bằng với tỷ lệ tăng của dân số thế giới.

Kitô giáo có tương lai không?Kitô giáo có thể bị tàn lụi không?

Những câu hỏi đó làm nhiều người bận tâm và lo lắng.

Hai dụ ngôn của Đức Giêsu hôm nay đem lại cho ta niềm lạc quan.

Nhưng đó không phải là thứ lạc quan vô trách nhiệm.

Làm cho Nước Thiên Chúa lớn lên và thâm nhập vào thế giới hôm nay,

đó không phải chỉ là chuyện của Thiên Chúa.

Đó là chuyện của từng Kitô hữu chúng ta.

Để hạt cải thành cây, cần một chút chăm bón.

Ai trong chúng ta cũng là một nhúm men nhỏ được vùi trong đống bột,

đống bột của trường học hay công ty, của một tập thể hay cộng đồng.

Làm sao để men của chúng ta tạo ra những tác dụng tốt?

Không cần phải làm những việc lớn lao để thay đổi bộ mặt thế giới.

Chỉ xin làm một nhúm men nhỏ để đến với những người tôi gặp hôm nay.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

xin thương nhìn đến Hội Thánh

là đàn chiên của Chúa.

Xin ban cho Hội Thánh

sự hiệp nhất và yêu thương,

để làm chứng cho Chúa

giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh

không ngừng lớn lên như hạt lúa.

Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,

đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

Ước gì Hội Thánh trở nên men

được vùi sâu trong khối bột loài người

để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.

Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp

để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

Xin cho Hội Thánh

trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,

nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con

biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,

nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,

nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

 

Suy niệm 2: Hạt cải và nắm men

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thật đời thường. Thật kỳ diệu. Nhưng cũng thật thâm sâu. Như hạt cải và nắm men Nước Trời khởi đầu thật bé nhỏ. Hạt cải li ti chẳng ai nhìn thấy. Nắm men nhỏ bé chẳng ai quan tâm. Hạt cải gieo xuống chìm sâu trong đất. Nắm men biến mất trong thúng bột khổng lồ. Tan biến đi. Nhưng không tàn lụi. Mà phát triển mạnh mẽ không ngờ. Cây cải mọc lên cao lớn. Chim chóc tìm đến trú ẩn. Cả thúng bột dậy men. Trở thành bánh thơm ngon cho người đời.

Có một biến đổi sâu xa. Nhỏ bé trở thành lớn lao. Yếu đuối trở thành mạnh mẽ. Có những đau xót âm thầm. Hạt cải vùi chôn và mục nát. Nắm men phân huỷ tan tành. Không còn là mình nữa.. Mất chính thân mình. Mất căn tính mình. Chẳng còn hiện diện. Không còn hạt cải. Không còn nắm men. Đem lại lợi ích lớn lao. Không cho mình nhưng cho tha nhân. Cho chim chóc đến trú ngụ. Cho người đời có bánh ăn.

Thư Rô-ma giải nghĩa hiện tượng chuyển hoá bằng thời kỳ người phụ nữ chuyển dạ. Cả thế giới đang chuyển dạ. Muôn vật đang rên siết đau đớn. Hạt cải và nắm men đang mục nát tan biến. Muôn loài phải trải qua kinh nghiệm hư vô. “Cho đến bây giờ, muôn loài htuj tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng”. Hạt cải Thần Khí đã gieo vào lòng ta. Đã gieo vào lòng thế giới. Để con người xác thịt tan biến đi. Để thế giới được Thần Khí hoá. Đau đớn lắm. Nhưng thánh Phao-lô xác quyết “những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (năm lẻ). Qua đau khổ sẽ đến hạnh phúc. Qua tủi nhục sẽ hưởng vinh quang.

Từ bỏ chính mình vì người khác. Hạt cải tan biến để chim chóc có chỗ nương thân. Nắm men tan biến để con người có tấm bánh thơm ngon. Con người cũng phải sống mầu nhiệm Nước Trời. Huỷ mình vì người khác. “Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”. Đó là mầu nhiệm tự huỷ mà Chúa Giê-su đã làm gương. Chúa Giê-su đã là hạt cải gieo vào lòng đất. Đã là nắm men vùi vào thúng bột thế giới. Chúa đã trở nên bé nhỏ. Đã tan biến đi. Trở thành cây cao bóng cả cho chúng ta trú ngụ. Trở thành tấm bánh thơm ngon nuôi sống chúng ta (năm chẵn).

Chúng ta hãy đi theo con đường của Chúa. Hãy chịu rên siết đớn đau. Để sinh ra một thế giới mới. Để Nước Trời ngự trị. Đó là vinh quang ta hằng ngong ngóng đợi chờ.

 

Suy niệm 3: Sức Mạnh Nội Tại Của Nước Chúa

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta Suy niệm hai dụ ngôn về Nước Trời: hạt cải và nắm men. Cả hai dụ ngôn làm nổi bật khởi điểm khiêm tốn nhỏ bé của Nước Chúa so với sự hoàn thành cuối cùng.

Dụ ngôn hạt cải nhấn mạnh sự phát triển theo chiều rộng: từ hạt cải nhỏ bé trở thành cây to, đến độ chim trời có thể đến làm tổ được. Dụ ngôn nắm men được đem trộn vào bột nhấn mạnh đến chiều sâu, tức phẩm chất của Nước Chúa: từ một chút men có thể làm dậy cả khối bột. Cả hai dụ ngôn đều nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của Nước Chúa, một sức mạnh chỉ được nhìn thấy bằng đức tin mà thôi. Thật thế, khi kể hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu không nhằm đến diễn tiến Nước Chúa đang xảy ra như thế nào trong lịch sử, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến tình trạng hoàn tất chung cuộc vào lúc cuối lịch sử: mặc cho những thử thách, những ngăn trở, Nước Chúa dù được bắt đầu một cách khiêm tốn nhỏ bé, nhưng chắc chắn sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn.

Hai dụ ngôn: Hạt Cải và Nắm Men trong bột, gởi đến chúng ta một sứ điệp hy vọng, nhất là khi phải đương đầu với trở ngại, thử thách trong đời sống đức tin. Nhìn thấy những điều tiêu cực luôn xảy ra trong Giáo Hội và trên thế giới, chúng ta có thể tự hỏi: Những hạt cải giá trị Kitô liệu còn có thể mọc lên và phát triển trong một thế giới ngày càng bị tục hóa và bị nhiễm tinh thần đối nghịch với Thiên Chúa không? Một chút men Lời Chúa có đủ sức thu hút và biến đổi con người nên tốt hơn không? Ðã hơn 2.000 năm kể từ khi Con Thiên Chúa nhập thể làm người và thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại qua cái chết trên Thập giá, nhưng thử hỏi nhân loại ngày nay có tốt đẹp hơn ngày xưa không?

Nếu suy nghĩ theo lý luận tự nhiên, chúng ta có thể dễ dàng rơi vào thất vọng. Tuy nhiên, những lời của Chúa Giêsu qua hai dụ ngôn trên đây không cho phép chúng ta bi quan ngã lòng. Chúng ta không nhìn thấy tương lai Nước Chúa sẽ như thế nào nhưng Chúa muốn chúng ta cộng tác vào đó, bằng sự cầu nguyện và dấn thân làm những gì có thể với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.

Xin Chúa mở rộng con mắt đức tin chúng ta, để chúng ta nhìn thấy tác động âm thầm của tình yêu Chúa trong những biến cố hằng ngày. Xin cho chúng ta luôn kiên trì trong thử thách và luôn hy vọng vào Chúa trong mọi sự.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 4: Sức Mạnh Của Nước Thiên Chúa

Hôm nay Giáo Hội chúng ta được mời gọi Suy niệm các câu 18-21 của chương 13 Phúc Âm theo thánh Luca, kể lại hai dụ ngôn ngắn của Chúa Giêsu về Nước Trời giống như hạt cải và giống như men được trộn với bột. Cả hai dụ ngôn đều làm nổi bật điểm khởi đầu khiêm tốn nhỏ nhoi của Nước Chúa so với sự hoàn thành cuối cùng.

Dụ ngôn về hạt cải nhấn mạnh đến sự phát triển theo chiều ngang, theo thể lượng từ hạt cải nhỏ bé trở thành cây có cành lá to lớn đến nỗi chim trời có thể đến đậu vào được; và dụ ngôn thứ hai về chất men được đem trộn vào bột, nhấn mạnh đến chiều sâu, đến phẩm chất sâu xa của Nước Chúa từ chất men có thể làm dậy cả thúng bột.

Cả hai đều nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của Nước Chúa, một sức mạnh mà chúng ta nhìn thấy nhờ đức tin mà thôi. Không có đức tin chúng ta sẽ không vượt qua được những thử thách xem ra như đang cản trở sự phát triển của Nước Chúa trên trần gian này. Chúng ta cũng lưu ý thêm là khi kể hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu không nhằm đến diễn tiến đang xảy ra của Nước Chúa như thế nào trong dòng lịch sử, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến tình trạng hoàn tất chung cuộc vào cuối cùng của lịch sử. Mặc cho những thử thách, những ngăn trở Nước Chúa dù được bắt đầu một cách hết sức khiêm tốn, nhỏ nhoi nhưng chắc chắn cuối cùng sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn.

Hai dụ ngôn trên của Chúa Giêsu gởi đến mỗi người chúng ta một sứ điệp hy vọng, nhất là khi chúng ta phải đương đầu với những trở ngại, những thử thách trong đời sống đức tin, khi chúng ta nhìn thấy những điểm tiêu cực không ngừng xảy ra trong Giáo Hội, trong Nước Chúa.

Những hạt cải giá trị Kitô liệu còn có thể mọc lên và phát triển trong một thế giới càng ngày càng bị trần tục hóa, càng ngày càng nhiễm tinh thần đối nghịch với Thiên Chúa hay không? Chất men lời Chúa có đủ sức mạnh thu hút con người và biến đổi con người trở nên tốt hơn hay không? Gần hai ngàn năm rồi, kể từ khi Con Thiên Chúa xuống thế thực hiện công việc cứu chuộc nhân loại qua cái chết trên thập giá và sống lại nhưng thử hỏi, nhân loại ngày hôm nay có tốt hơn ngày xưa không? Nếu suy luận theo cái lý tự nhiên, theo những toan tính phàm trần có thể chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào thất vọng. Nhưng lời dạy của Chúa Giêsu qua dụ ngôn trên không cho phép chúng ta bi quan ngã lòng, chúng ta không nhìn thấy tương lai Nước Chúa sẽ hoàn tất như thế nào nhưng hàng ngày chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa dạy và cầu nguyện: "Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời". Chúng ta hãy cầu nguyện và dấn thân làm tất cả những điều mình có thể với ơn Chúa soi sáng.

Lạy Chúa,

Xin mở rộng đôi mắt niềm tin chúng con để chúng con được nhìn thấy những tác động âm thầm của tình yêu Chúa trong những biến cố hàng ngày. Xin thương ban cho chúng con được kiên trì trong những thử thách và luôn luôn hy vọng vào Chúa trong mọi sự.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 5: Nước Trời Là Gì?

Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.

Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Lc. 13, 19-21)

Sau khi nói về ngày nước Thiên Chúa đến, Đức Giêsu muốn dân chúng hiểu rằng triều đại nước Chúa không phải là tai biến lớn của vũ trụ như các ngôn sứ loan báo. Ngày phán xét như Người đã nói trên, nhưng bắt đầu triều đại Thiên Chúa thì giác quan không thể thấy được. Đức Giêsu chỉ giới thiệu nước Thiên Chúa bằng những hành động chữa lành các bệnh tật và giải thoát khỏi thần dữ. Đó là những dấu chỉ nước trời. Qua dấu chỉ đó cho ta biết triều đại Thiên Chúa chính là sự sống đời đời trong con người và trong Giáo hội. Sự sống lành mạnh, không còn bệnh tật, đau khổ, chết chóc, sự sống thánh thiện, không còn dấu vết của sự dữ, của quỷ thần xấu xa tội lỗi.

Phát triển của sự sống nước trời

Hạt cải đen sấp sỉ lớn bằng đầu mũi kim khâu, ở bờ hồ Giê-nê-sa-rét. Cây nó cao lớn từ hai mét năm mươi đến ba mét (8-9 bộ). Lúc đầu, nó nhỏ nhất, bé bỏng nhất, lớn lên thật đáng ngạc nhiên, nếu vườn được trồng cấy quang đãng và tưới bón kỹ.

Đời sống đời đời trong mỗi Kitô hữu như hạt cải nhỏ bé được lớn lên nhờ ánh sáng lời Chúa, sức nóng ấm áp của tình yêu Thiên Chúa và nước hằng sống của Thánh Thần, như thế, nó có thể lớn lên tới mức cho “chim trời đến làm tổ trú ẩn”. Nghĩa là cho các nhân đức sinh sôi nảy nở, được chở che và nuôi sống.

Sự sống dậy men, lan rộng

Ban chiều, bà nội trợ lấy nắm men trộn vào ba mươi ký lô bột (ba đấu). Sáng hôm sau, tất cả khối bột đã dậy men và chuẩn bị đặt vào lò.

Hành động của Thiên Chúa trong Giáo hội cũng thế: Không thể thấy, không thể cảm được, lời Đức Giêsu thông ban sự sống cho mọi người qua nắm tay của các môn đệ cũng không thể thấy, không thể cảm được. Những người đó đang phát triển theo quyền năng biến đổi của men hằng sống và truyền thông sức mạnh đó sang người khác. Và cứ thế lan rộng, không gì có thể ngăn cản khối người đang phát triển đó. Chính vì thế, nước Thiên Chúa tiếp tục lớn mạnh, nhưng chẳng trông thấy sức sống mạnh mẽ đó từ khi khởi đầu cho đến tận thế. Chỉ có người đã nhận được sự khôn ngoan của Thiên Chúa nhờ đức tin, trong khiêm tốn và phó thác cho hành động của lời Chúa, mới có thể am tường được nước trời đã đến và ngày giờ đút lò sắp tới.

 

Suy niệm 6: Nhỏ mà vĩ đại

Xem thêm CN 11 TN B (Mc 4,26-34), thứ Sáu tuần 3 TN (Mt 13,31-32), Và thứ Hai tuần 17 TN

Ở đời, người ta thường xem nhẹ những điều nhỏ mọn và coi đó như là chuyện không cần bàn, vì thế cũng đâu cần quan tâm!

Tuy nhiên, những điều tưởng chừng như bé nhỏ ấy lại là nguyên nhân cần thiết để trở thành những điều lớn lao.

Thật vậy, nhà Phật có câu:

“Hãy nhìn một em bé

Xin người chớ xem thường

Trong em có chất liệu

Của một bậc đế vương”.

Hay là:

“Hãy nhìn một đốm lửa

Xin người chớ xem thường

Dù nhỏ bằng đầu đũa

Đốt cả rừng lẫn nương”.

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu muốn nói đến sự lớn mạnh của Nước Trời qua dụ ngôn hạt cải và nắm men.

Thật vậy, hạt cải của vùng Palestine là một loại hạt nhỏ bé nhất trong những loài thảo mộc, nhưng khi nó đã lớn, thân cây của chúng cao to, có thể là nơi chim trời về làm tổ trong những tán lá xum xuê. Còn khi nói Nước Trời như một nắm men, Đức Giêsu cho thấy Nước ấy cũng sẽ lớn mạnh như men làm cho bột dạy lên thế nào thì Đạo Thánh mà Ngài thiết lập cũng sẽ lan rộng như vậy.

Thật thế, ngày nay, nhìn ra thế giới, chúng ta nhận thấy rất rõ sự lớn mạnh này. Khởi đi từ một nhóm môn đệ ít ỏi và lại gặp biết bao thử thách từ trong trứng nước như: cấm cách, bắt bớ và giết chết bằng những hình thức hết sức tàn bạo, dã man... Tuy nhiên, càng thử thách bao nhiêu, càng phát triển bấy nhiêu, đôi khi có lúc âm thầm, nhưng như than hồng rực nóng hơn nhiều lần ngọn lửa thế nào thì Đạo của Chúa cũng mạnh mẽ và mãnh liệt như vậy. Lịch sử Giáo Hội Việt Nam của chúng ta cũng chứng minh rất rõ điều đó!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta biết cậy dựa và đặt niềm tin nơi Chúa. Tin tưởng rằng mình chẳng là gì, rất bé nhỏ, nhưng một khi đã gắn kết với Chúa trong sự khiêm tốn thì chắc chắc Chúa sẽ dùng vào những chuyện lớn lao cho chương trình của Ngài. Ví dụ như Phêrô; Phaolô; Âu tinh...

Khiêm tốn chính là vũ khí để chống lại những kẻ kiêu ngạo đang ngang ngược chống phá Giáo Hội. Chúng ta vững tin, sẽ có ngày chỉ một nắm men nhỏ, chúng ta sẽ làm cho cả khối bột dạy men nhờ ơn Chúa.

Điều quan trọng là hạt cải phải mục nát đi, men phải được hòa tan trong bột thế nào thì đời sống của người Kitô hữu cũng phải như vậy, tức là đời sống đạo của chúng ta phải chan chứa tình Chúa, tình người, sống công bằng, từ bi, nhân hậu, hiền hòa, nhẫn nại... Có thế, chúng ta mới làm cho hạt cải của niềm tin sống động làm chỗ dựa cho người khác. Làm cho men yêu thương lan tỏa để nhiều người yêu mến Chúa hơn.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm tốn và trung thành gắn bó với Chúa để can đảm ra đi làm chứng cho Chúa bằng khả năng nhỏ mọn đơn sơ nhưng chân thành. Xin Chúa đón nhận và làm cho đóng góp của chúng con được hữu hiệu trong tình yêu Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy niệm 7: Nước Thiên Chúa không ngừng lớn lên

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Nước Thiên Chúa hiện nay tuy nhỏ bé, nhưng vẫn không ngừng lớn lên và đang âm thầm biến đổi thế giới. Người Kitô hữu phải biết hy vọng và góp phần làm cho Tin Mừng ảnh hưởng sâu rộng trong thế giới hôm nay.

Cầu nguyệnLạy Chúa Giêsu, hai nghìn năm đã qua từ ngày Chúa đến trần gian để thực hiện công việc cứu độ. Thế mà con thấy kết quả dường như quá nhỏ bé. Bất công hận thù vẫn còn đó, tội và đau khổ vẫn gia tăng. Dường như Nước Thiên Chúa đang bị thu hẹp, và Tin Mừng chưa biến đổi được thế giới. Đôi lúc lòng tin của con chẳng còn vững vàng.

Lời Chúa hôm nay đã khơi dậy trong con niềm hy vọng vào tương lai. Chúa đã mở mắt con để con nhận ra Nước Chúa vẫn đang tăng trưởng, dù âm thầm, nhưng rất mạnh mẽ. Lời Tin Mừng mà Chúa gieo vào trần gian, ban đầu còn hạn hẹp nơi nhóm Tông đồ, nhưng nay đã được công bố khắp nơi, hơn nữa đang thấm nhập vào đời sống con người và biến đổi thế giới. Tình yêu của Chúa, hoạt động cứu độ của Chúa, ban đầu chỉ là những việc nhỏ bé, nhưng nay đã ăn sâu trong lòng người và đang lớn dần trong xã hội.

Lạy Chúa, xin Chúa giữ lòng con luôn tin tưởng, xin đừng để con thất vọng và mất kiên nhẫn. Xin giúp con biết góp phần làm dậy men Tin Mừng trong cuộc sống. Xin cho con biết sống Tin Mừng hằng ngày. Con tin rằng những việc tốt con làm, dù chỉ là việc âm thầm nhỏ bé, nhưng sẽ lan rộng và biến đổi gia đình con và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Xin Chúa giúp con can đảm sống Tin Mừng. Dù Tin Mừng có bị người đời chê là bảo thủ, khe khắt, ngược đời, nhưng con tin rằng Tin Mừng sẽ là niềm hy vọng cho nhân loại. Muôn dân sẽ đến núp bóng và làm tổ trên cành cây của Nước Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to”.

 

Suy niệm 8: Cái nhìn về thực tại nước Trời

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Báo Tuổi trẻ 96 có giới thiệu khuôn mặt của một nữ triệu phú: Chị đã thoát ra từ cuộc sống dường như đang ở bước đường cùng của mình, với hai bàn tay trắng cùng một tấm thân tật nguyền của chứng bệnh phong cùi mà mọi người xung quanh ai cũng ghê sợ. Chính chị cũng có lúc không biết sống để làm gì và làm gì để sống.

Nhưng cuối cùng, vì tình yêu dành cho con, chị đã đứng vững và thành công. Nhờ tình yêu và nghị lực của chị, người con trai của chị mới có thể thành đạt, thành công và thành nhân.

Suy niệm

Hai dụ ngôn ngắn gọn về hạt cải và men trong bột mở ra một cái nhìn rất lạc quan về thực tại nước Trời nơi tấm lòng của kiếp nhân sinh được Thiên Chúa cứu độ: Nếu có niềm tin nhỏ bé và ít ỏi, nhưng một khi vượt qua được những trở ngại để vươn lên, hạt cải nước Trời sẽ trở thành một cây lớn, làm chỗ nương tựa cho cuộc sống, niềm tin này giúp con người luôn vươn lên phát triển tâm hồn. Hạt giống đức tin có những khả năng không ngờ: Khi được gieo xuống đất, hạt giống bé tí xíu, bé nhất trong các loại hạt, nhưng khi nó mọc lên phát triển thành một cây to chim trời có thể làm tổ. Thật ra, tác nhân chính của sự việc, đó là Thiên Chúa. Chính Người làm nảy sinh điều bất ngờ. Cộng với niềm tin nhỏ bé được nuôi dưỡng, con người có men của lòng mến nước Trời, lòng mến sẽ biến đổi bột, kiếp nhân sinh một cách mãnh liệt, từ đó cho ra những tấm bánh thơm ngon cho nhân gian và làm của lễ dâng lên cho Thiên Chúa.

Với sức mạnh của ân sủng đức tin và lòng mến lan tỏa sẽ biến cánh đồng nhân sinh thành đồng ruộng tốt tươi đầy bông lúa chín vàng như trong Tin Mừng Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh ánh sáng đẩy lùi bóng tối: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối” (Ga 12,46).

Với sự nhẫn nại của Đức Kitô và niềm tin của Ngài nơi con người, qua hai dụ ngôn đức tin hạt cải và lòng mến dậy men: “Những kẻ dữ hiện hữu trong thế gian này hoặc là để được cải thiện hay là nhờ họ mà những kẻ lành có thể luyện tập đức nhẫn nại” (Thánh Âugustinô). Tôi và bạn đừng lo nguyền rủa bóng tối, cỏ lùng trong đời, hãy dấn thân thắp lên những ngọn nến sáng: Nến sáng của niềm tin, niềm tin hạt cải, nến ánh sáng của tình yêu, bóng tối trong tôi bị đẩy lùi, cỏ lùng trong tôi bị tiêu hủy...

Đức tin lớn mạnh và đức mến dậy men sẽ diệt được bóng tối trong cuộc đời… Thật thế, nếu đức tin bằng hạt cải và mến như nắm men nhỏ bé, nhưng đưa đến kết quả ngoài sức tưởng tượng. Nước Thiên Chúa cũng có sức mạnh để phát triển, làm sung mãn và biến đổi được tất cả.

Ý lực sống

Dẫu lòng mến của con “nhỏ hơn” nắm men, đức tin con nhỏ như hạt cải, con cũng nguyện xin Chúa cho con can đảm sống tin và sống vì yêu thương.

 

Suy niệm 9: Dụ ngôn hạt cải và nắm men

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Để dân chúng hiểu cách tổ chức và sinh hoạt trong Nước trời, Đức Giêsu thường dùng những dụ ngôn mà người ta quen gọi là “Dụ ngôn Nước trời”. Sự phát triển của Nước trời được ví như hạt cải, tuy nhỏ bé nhưng được nảy mầm và lớn lên phi thường. Cũng vậy, như nắm men vùi vào ba đấu bột, nắm men có sức mạnh làm dậy tất cả đấu bột. Hạt cải và nắm men tuy nhỏ bé, nhưng đưa đến kết quả ngoài sức tưởng tượng. Nước trời cũng có sức mạnh để phát triển, làm sung mãn và biến đổi được tất cả như vậy.

Sự tăng trưởng của Nước trời

Chúa ví Nước trời như hạt cải. Cải là một thứ rau bên Thánh địa có nhiều. Hạt cải rất nhỏ. Để nói về sự bé nhỏ của vật gì, người ta thường ví: nó to bằng hạt cải! nghĩa là vật ấy nhỏ lắm. Đức Giêsu cũng có lần nói đến sự bé nhỏ của hạt cải: “Nếu anh em có đức tin bằng hạt cải...”. Nhỏ bé thế mà gieo vào đất tốt, cây cải mọc cao lớn, cành lá xum xuê, chim trời đến đậu và có thể làm tổ được.

Hạt cải nhỏ bé thật nhưng có sức sống mãnh liệt bên trong, nhờ có sức sống bên trong, nó có thể mọc lên thành cây lớn. Hình ảnh cây cải ở Palestina chắc chắn khác cây rau cải ở Việt Nam, hạt cải thuộc lớp hạt rất nhỏ khi gieo xuống, nhưng khi mọc lên cây cải cao lớn, mà chim trời có thể đến nương náu dưới tán của nó được.

Đức Giêsu có ý nói: Nước trời ban đầu thật nhỏ bé trên dưới vài chục người với Đức Giêsu và các môn đệ quanh quẩn trong xứ Palestina nhỏ bé, nhưng trải qua lịch sử thăng trầm, đến bây giờ Hội thánh có trên một tỷ người có mặt khắp nơi trên thế giới. Chức năng của Nước trời, của Hội thánh, của Dân Chúa là phải lớn lên và trở thanh bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời.

Sự thấm nhập của nắm men

Dụ ngôn “Men trong bột” nói lên sức men thấm nhập toàn thúng bột, làm cho bột dậy men. Chúa không chú trọng đến số men dùng, mà chú trọng đến sức mạnh dậy men. Cũng như men pha vào bột làm cho nó dậy men có hương vị thì giáo lý Nước trời cũng sẽ thâm nhập vào thế giới làm cho nó sẽ trở nên tốt hơn và làm cho mọi người có khả năng nhận biết Tin mừng.

Tinh thần Bác ái Công giáo dạy chúng ta không nên khơi dậy sự tiêu diệt, sự trả thù mà hãy nghĩ đến việc hoán cải như thứ men nhỏ bỏ vào hũ bột. Tất cả bột sẽ dậy men. Như vậy, bổn phận người Kitô hữu là đem Tin mừng vào mọi cơ cấu gia đình và xã hội của mình, phải vận động để ảnh hưởng Tin mừng được thể hiện trong luật pháp, đoàn thể cũng như quốc gia và mọi sinh hoạt của xã hội.

Với dụ ngôn hạt cải và nắm men, Đức Giêsu muốn mời gọi chúng ta đi vào cái nhìn của Thiên Chúa. Một hạt cải nhỏ bé trở thành một cây lớn đến độ chim trời có thể nương náu được, một ít men có thể làm dậy cả khối bột. Sức mạnh của cái nhỏ bé, sức toả lan của cái âm thanh, đó là sức mạnh của chính Giáo hội Chúa Kitô. Chính Chúa Giêsu dùng những hình ảnh này để trấn an và khuyến khích các môn đệ. Những phương tiện nhỏ bé và hầu như vô hiệu các ông đang có trong tay quả thực làm cho các ông băn khoăn lo lắng, nhưng Chúa muốn các ông đặt tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa. Các Tông đồ đã đi rao giảng với hai bàn tay trắng, nhưng đó đã là sức mạnh nhào nặn Giáo hội từ 2000 năm qua (Mỗi ngày một tin vui).

Cả hai dụ ngôn hạt cải và nắm men đều nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của Nước Chúa. Một sức mạnh mà chúng ta nhìn thấy nhờ đức tin mà thôi. Không có đức tin chúng ta sẽ không vượt qua được những thử thách xem ra như đang cản trở sự phát triển của Nước Chúa trên trần gian này. Chúng ta cũng lưu ý thêm là khi kể hai dụ ngôn này Đức Giêsu không nhằm đến diễn tiến đang xảy ra của Nước Chúa như thế nào trong lịch sử, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến tình trạng hoàn tất chung cuộc vào cuối cùng của lịch sử. Mặc cho những thử thách, những ngăn trở Nước Chúa dù được bắt đầu một cách hết sức khiêm tốn, nhỏ nhoi nhưng chắc chắn sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn, cuối cùng.

Truyện: Thế giới chưa hoàn chỉnh

Có một phiên bản của câu chuyện sáng thế như sau: Khi Thiên Chúa dựng nên thế giới, Ngài dựng nên từ từ. Ngài tạo ra cây cối, cỏ hoa, sinh vật, chim cá... Khi Ngài làm ra những vật ấy, các thiên thần liền hỏi: “Thưa Chúa, vậy thế giới xong chưa ?” Thiên Chúa đáp lại với một từ “chưa” đơn giản.

Sau cùng Thiên Chúa đã tạo ra con người và nói với họ: “Ta mệt rồi, Ta muốn các con hoàn thành thế giới. Nếu các con đồng ý làm thế, Ta sẽ cộng tác với các con”. Họ đồng ý. Sau đó, bất cứ lúc nào các thiên thần hỏi Thiên Chúa thế giới đã hoàn thành chưa, câu trả lời vẫn là: “Ta không biết. Các ngươi phải hỏi những người cộng tác của Ta”.

Có những điều mà chúng ta có thể làm và phải làm, Thiên Chúa không làm điều đó thay chúng ta. Không phải vì Ngài không thể làm chỉ vì muốn chúng ta cộng tác với Ngài. Chúng ta phải gieo hạt giống, đó là phần việc của chúng ta. Nhưng khi làm điều ấy, chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta không thể làm mọi việc. Chúng ta không thể làm cho hạt giống mọc lên. Đó là phần việc của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa làm phần việc của Ngài. Không một chủ nông trại hoặc người làm vườn nào sẽ nói với bạn điều ấy.

Chúng ta có nhiệm vụ truyền bá Nước Thiên Chúa cho người ta trong hoàn cảnh thuận tiện cũng như không thuận tiện, cho những người muốn nghe cũng như cho những người không muốn nghe. Phần chúng ta cứ việc gieo Lời Chúa và để cho Lời Chúa âm thầm mọc lên.

 

Suy niệm 10: Nước Thiên Chúa sẽ giải phóng mọi người

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Đây là 2 dụ ngôn mà các chuyên viên gọi là những dụ ngôn sinh đôi, nghĩa là cùng một ý nghĩa.

- Hai hình ảnh: hạt cải được gieo xuống vườn, nắm men được vùi vào thúng bột.

- Những chi tiết có ý nghĩa:

a/ Nhỏ trở thành lớn;

b/ quá trình phát triển tuy âm thầm nhưng chắc chắn.

Những dụ ngôn về Nước Thiên Chúa này được Chúa Giêsu nói liền sau phép lạ chữa một phụ nữ còng lưng (Lc 13,10-21) nên cũng có liên hệ với nhau: Hiện tại xem ra Nước Thiên Chúa còn quá nhỏ bé, nhưng vì nó có sức phát triển nội tại nên chắc chắn sau này nó sẽ lớn mạnh. Việc giải thoát một người con cháu Abraham hôm nay là dấu chỉ cho việc Nước Thiên Chúa sẽ giải phóng tất cả mọi người sau này.

B.... nẩy mầm.

1. “Chúng ta chỉ nghe cây rừng đổ ngã mà không nghe được tiếng thì thầm của những mầm non đang mọc lên. Chúng ta tính toán dựa trên những con số mà không thẩm định dựa trên phẩm chất (...) Chúa Giêsu dùng những hình ảnh này để trấn an và khuyến khích các môn đệ. Những phương tiện nhỏ bé và hầu như vô hiệu các ông đang có trong tay quả thực làm cho các ông băn khoăn lo lắng. Nhưng Chúa muốn các ông đặt tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa. Các tông đồ đã đi rao giảng với hai bàn tay trắng. Nhưng đó đã là sức mạnh nhào nắn Giáo Hội từ 2000 năm qua” (Trích "Mỗi ngày một tin vui")

2. Tuy nhiên ta phải nhớ rằng hạt cải không tự động nẩy mầm, nắm men không tự động làm bột dậy lên. Muốn sinh hiệu quả, hạt cải phải được “gieo xuống” lòng đất và nắm men phải được “vùi vào” thúng bột.

3. 1 Cr 3,6: Phaolô nói “Tôi trồng. Apollo tưới. Nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên”.

4. “Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được”. (Lc 13,19)

Có anh thanh niên nọ được sinh ra trong một gia đình giàu có, sung túc chẳng thiếu thứ gì, nhưng anh vẫn cảm thấy buồn và cuộc sống dường như tẻ nhạt. Một hôm anh ta bắt gặp ngay đoạn Tin Mừng: “Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, rửa chân cho Phêrô, Giuđa,... “ và anh đã đọc được Lời Chúa nhắc bảo: “Các con hãy rửa chân cho nhau”. Chính hình ảnh ấy và câu nói đó đã thôi thúc anh ra đi phục vụ cho người khác. Anh xin tới những vùng xa xôi, những trại tỵ nạn để phục vụ. và chính lúc phục vụ anh đã tìm thấy niềm vui và cản thấy đời đáng sống hơn. Cuối cùng anh ta đã xin gia nhập đạo.

Lạy Chúa Giêsu, một khi con được Chúa cho thấm nhuần đời sống Tin Mừng thì con sẽ làm được những chuyện phi thường. Nguyện xin Chúa cho con biết đón nhận và sống lời Chúa. (Hosanna).

 

Suy niệm 11: Sự phát triển của Nước Trời

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

Với hai dụ ngôn vừa nghe, Chúa Giêsu muốn nói đến sự phát triển của Nước Trời.

1. “Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.” (Lc 13,19)

Tại một nghĩa trang bên Đức, có một ngôi mộ rất được chú ý đó là ngôi mộ được làm bằng đá hoa cương, bên dưới được xây bằng xi măng cốt sắt rất kiên cố. Ngôi mộ được nhiều người chú ý vì đó là ngôi mộ của một người đàn bà giàu có nhưng không tin có Chúa cũng chẳng tin có sự sống lại. Trong chúc thư, bà yêu cầu người ta xây cho bà một ngôi mộ kiên cố, để nếu có sự sống lại của người chết, thì bà vẫn nằm yên dưới mồ.

Trên mộ, bà ta xin được ghi: “Đây là ngôi mộ sẽ không bao giờ mở ra”.

Thời gian trôi qua, ngôi mộ xem ra vẫn kiên cố, thế nhưng một hôm, tình cờ có một hạt giống từ một con chim bay trên trời rơi vào khe đá của ngôi mộ, gặp đất bên dưới, nó bắt đầu nẩy mầm, lớn lên thành cây và rễ của nó đâm xuyên qua ngôi mộ để rồi cuối cùng, làm cho quan tài của người đàn bà vỡ ra.

Hạt cải cũng tương tự như hạt giống kể trên. Nó thật nhó bé nhưng có một sức sống mãnh liệt bên trong. Khi ví Nước Trời như hạt cải vô nghĩa kia, Chúa Giêsu cũng muốn nói tới sức sống bên trong của nó. Nhờ có sứ sống bên trong mà nó có thể trở thành một cây lớn, đến độ chim trời có thể đến ẩn náu dưới bóng nó được.

Nhìn vào con số ít ỏi những tín hữu ngày hôm nay trên thế giới (thí dụ tại Châu Á mới chỉ có chừng 2,8%) nhiều khi chúng ta thấy thất vọng. Chúng ta thất vọng vì chúng ta thường tính toán dựa trên những số lượng mà không để ý đến phẩm chất. Ngày xưa, lúc khởi đầu cũng như thế nên Chúa Giêsu đã dùng những hình ảnh này để trấn an và khuyến khích các môn đệ. Những phương tiện nhỏ bé và hầu như vô hiệu các ông đang có trong tay quả thực làm cho các ông băn khoăn lo lắng. Chúa muốn các ông đặt tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa.

Các tông đồ đã đi rao giảng với hai bàn tay trắng. Các ngài đã làm xong công việc của mình. Ngày nay trong Giáo Hội, Thiên Chúa cũng đang dùng những tâm hồn bé nhỏ, những nhóm Kitô hữu nhỏ làm hạt giống. Họ là những tâm hồn khiêm tốn nhưng siêng năng cầu nguyện; họ là những nhóm nhỏ trong giáo xứ đang cùng nhau học hỏi và sống Lời Chúa. Và chuyện quan trọng ở đây không phải nhỏ hay lớn, mà là sức sống. Sức sống ấy chính là Chúa Giêsu sống trong Giáo Hội: “Thầy sẽ ở với chúng con cho đến tận thế” (Mt 28,20).

2. Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Lc 13,21)

Dụ ngôn “Men Trong Bột” nói lên sức men thấm nhập toàn thúng bột, làm cho bột dậy men. Chúa không chú trọng đến số men dùng, mà chú trọng đến sức mạnh dậy men. Cũng như men pha vào bột làm cho nó dậy men có hương vị thì giáo lý của Nước Trời cũng sẽ thấm nhập vào thế giới làm cho nó sẽ trở nên tốt hơn và làm cho mọi người có khả năng nhận biết Tin Mừng. Tinh thần bác ái Công giáo dạy chúng ta không nên khơi dậy sự tiêu diệt, sự trả thù mà hãy nghĩ đến việc hoán cải như thứ men nhỏ bỏ vào hũ bột. Tất cả bột sẽ dậy men. Như vậy, bổn phận của người Kitô hữu là đem Tin Mừng vào mọi cơ cấu gia đình và xã hội của mình, phải vận động để tinh thần Tin Mừng thể hiện được trong luật pháp, đoàn thể cũng như quốc gia và mọi sinh hoạt của xã hội.

Ernest Gordon cô viết cuốn sách nhan đề “Ngang qua thung lũng sông Wai”, trong đó ông mô tả những chuyện có thật xảy ra tại trại tù binh Nhật dọc bờ sông Wai trong thế chiến thứ hai. Tại đây 12 ngàn tù binh chết vì bệnh tật, vì bị đối xử tàn nhẫn trong khi họ phải xây dựng một tuyến đường xe lửa. Họ làm việc cực nhọc dưới nắng nóng gần 50 độ, đầu trần, chân đất, quần áo tả tơi!..

Nhưng điều đau khổ nhất không phải do lao động mà do họ cư xử xấu với nhau. Họ chỉ điểm nhau, trộm cắp của nhau, đánh đập chửi mắng nhau như cơm bữa!...

Thế rồi một điều khó tin đã xảy ra. Hai tù nhân nọ tổ chức học hỏi Kinh Thánh với các tù nhân khác. Nhờ đó, họ khám phá Chúa Giêsu đang sống giữa họ, thông cảm với họ, vì Người đã từng chịu đói khát, phản bội, đòn vọt đến chết và chết treo trên khổ giá. Từ đó họ không còn chỉ điểm nhau, thù ghét nhau. Họ hoán cải rõ rệt và bắt đầu cầu nguyện cho nhau. Cả trại biến đổi lạ thường. Không còn tiếng than van oán trách mà chỉ còn lời ca tiếng hát vui vẻ, mặc dầu vẫn phải lao lực cực khổ hằng ngày.