MỤC ĐÍCH VÀ ƯỚC MONG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ về "NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
Thưa quý anh chị,
Đọc kỹ Tông Thư của ĐTC Phanxicô và đem đối chiếu với Tông Huấn Vita consecrata[1] của Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, tôi thấy Tông Thư là bản tóm kết tuyệt vời của Tông Huấn. Đề nghị các Anh các Chị đọc kỹ lại, nếu cần thì nghiên cứu, học hỏi và giúp đàn em của mình học hỏi Tông Huấn này. Hay vô cùng.
Không có mục đích học hỏi Tông Thư trong bài chia sẻ này, nhưng thấy tầm quan trọng của Tông Thư cho cuộc sống thánh hiến của mỗi người chúng ta, tôi sẽ trao đến mỗi anh mỗi chị một bản bỏ túi để sử dụng suốt 365 ngày kể từ hôm nay.
Ở đây tôi chỉ có thể tóm kết lướt mau Tông Thư của ĐTC Phanxicô qua hai mục 1 và 2, tôi bỏ qua mục 3 nói về “Những chân trời của Năm đời sống thánh hiến”. Trong mục 3 này, Đức Thánh Cha Phanxicô ngỏ lời với những ai ngài muốn gửi tông thư đến.
a- Ba mục tiêu của Năm Đời Sống Thánh Hiến
Ba mục tiêu của Năm Đời Sống Thánh Hiến đã được Đức Thánh Cha nêu ra rõ ràng: nhìn về quá khứ với niềm tri ân để say mê sống hiện tại và nhắm đến tương lai với niềm hy vọng.
Mỗi đặc sủng của Hội Dòng đều là một hồng ân của Chúa Thánh Thần, mỗi ơn gọi của từng cá nhân chúng ta đều là ơn ban do đó không bao giờ già cỗi, chỉ khi hồng ân đó, ơn ban đó đến với con người, với các cộng đoàn, thì nó mới gặp nguy cơ bị làm cho ra nguội lạnh, bị làm biến mất hương vị, mất sức nóng và niềm say mê. Thần Khí trách Hội Thánh Êphêsô, dù Hội Thánh này vẫn trung thành và quảng đại: "Ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu" (Kh 2, 4). Khi đánh mất lòng nhiệt thành sống ơn gọi của chúng ta trong hiện tại, thì chúng ta không thể nhìn về quá khứ với lòng biết ơn, và hướng về tương lai với niềm hy vọng.
Ba chiều kích của cuộc sống con người: quá khứ, hiện tại và tương lai liên kết chặt chẽ với nhau. Biết ơn đối với quá khứ và hy vọng hướng về tương lai là những tâm tình làm phát sinh lòng nhiệt thành trong hiện tại. Lòng nhiệt thành đối với hiện tại bao hàm và nuôi dưỡng lòng biết ơn và hy vọng. Viện phụ tổng quyền Dòng Xitô chúng tôi viết: "Câu hỏi đích thực chúng ta phải đặt ra, một câu hỏi duy nhất, vô cùng quan trọng để sống viên mãn đời sống thánh hiến, cũng như trọn vẹn đời sống kitô hữu, là làm sao có thể sống ơn gọi của chúng ta hôm nay với tất cả nhiệt thành. Dựa trên tông thư của Đức Thánh Cha, ngài trả lời: "Chỉ khi người ta làm sống động ngọn lửa tri ân và hy vọng"[2].
b- Năm mong đợi về Năm Đời Sống Thánh Hiến
Đức Thánh Cha chấp thuận thỉnh nguyện của 120 vị Bề Trên Thượng Cấp cho mở Năm Đời sống thánh hiến, dài tới ngày 13 tháng 2 này, với mong đợi thứ 5 là: "muốn chúng ta tự vấn về điều mà Thiên Chúa và nhân loại hôm nay, hơn bao giờ hết, đang đòi hỏi chúng ta". Vâng, đặc biệt trong suốt thời gian này, chúng ta phải tự vấn mình sống ơn gọi như thế nào, sống linh đạo của mình như thế nào. Tự vấn để hâm nóng lại tình yêu ban đầu. Chỉ khi chúng ta sống đẹp, sống trọn vẹn, sống trung thành, thì chúng ta mới có thể thực hiện 4 mong ước khác của Đức Thánh Cha:
1- Vui và đem niềm vui đến cho người: “Đâu có tu sĩ thì có niềm vui”.
2- Chính niềm vui sống của chúng ta mới có sức “đánh thức thế giới”, một thế giới mà chúng ta thường cho rằng đang mê ngủ, nhưng thực ra họ vẫn rất tỉnh - quá tỉnh là đàng khác -, tỉnh trong xáo trộn, tỉnh trong chia rẽ, tỉnh trong hận thù. Thức tỉnh thế giới để giúp đưa họ tìm về sống cuộc sống chân thực trong yêu thương, trong an bình, trong tình huynh đệ.
3- Để đánh thức người khác, dĩ nhiên chúng ta phải “tỉnh” trong cuộc sống cá nhân và cộng đoàn qua tình hiệp thông.
4- Cùng nhau chấp nhận hăng say thoát ra ngoài cái vỏ ốc khô cứng để “đi khắp tứ phương thiên hạ”.
Vâng, đó là 5 ước vọng Đức Thánh Cha Phanxicô đặt nơi mỗi cá nhân chúng ta và chung nơi cộng đoàn chúng ta: Vui và đem niềm vui đến cho người, đánh thức thế giới, sống hiệp thông, đi khắp tứ phương thiên hạ, thỉnh thoảng tự vấn về điều mà Thiên Chúa và thế giới đang đòi hỏi chúng ta.
SỐNG ƠN GỌI THÁNH HIẾN - TÌM CHÚA: "LẮNG NGHE VÀ ĐI THEO".
1/ TÌM CHÚA
Du khách vào tới trước nhà khách đan viện Mỹ Ca, đọc thấy hàng chữ thư pháp trên tảng đá lớn dựng phía bên phải: "Bạn đến đây làm gì", và quay sang bên trái, đọc câu trả lời: "Đời sống đan tu là một cuộc tìm kiếm Thiên Chúa". Bênađô de Clairvaux vẫn thường tự hỏi "ngươi đến đây làm gì"? Tự hỏi để luôn ý thức sống ơn gọi của ngài. Nếu du khách là tu sĩ, có lẽ sẽ mỉm cười tự nghĩ, tôi và tất cả các tu sĩ nam nữ khác sống đời thánh hiến, cũng tìm Chúa chứ, đâu phải chỉ riêng các ông đan sĩ! Vâng rất đúng như thế.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong tông huấn Vita consecrata (Đời sống thánh hiến) số 103 như sau: "Tất cả những ai đã ôm ấp đời sống thánh hiến thì, tự bản chất của lựa chọn đó, đều trở thành những tác nhân ưu tiên trong việc tìm kiếm Thiên Chúa, một điều mà lòng người từ bao đời vẫn khát khao và dẫn con người tới biết bao con đường khổ hạnh và tu đức"[3].
Vâng, tất cả chúng ta đều là những tác nhân ưu tiên trong việc tìm kiếm Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều là những người tìm Chúa, có khác chăng là môi trường sống, cách thế thể hiện cuộc sống tìm Chúa thôi. Ngay cả kitô hữu cũng tìm Chúa.
Thánh tổ Biển Đức, trong Tu Luật chương 58, câu 6 và 7, khi nói về việc tiếp nhận người vào tu, đã nhấn mạnh: "Hãy đặt một vị lão thành có khả năng thu phục lòng người để chăm chú quan sát họ (người đến xin tu), xem có thực tâm tìm Chúa, có mộ mến thần vụ, yêu thích vâng lời và ham chuộng sỉ nhục không". Cái khác của các đan sĩ Biển Đức chúng tôi với các ơn gọi khác, là "mộ mến thần vụ, yêu thích vâng lời và ham chuộng sỉ nhục"! Ham chuộng sỉ nhục? Nghe kinh quá! Khổ chế là một yếu tố không thể thiếu trong đời đan tu. Hơn nữa, đan sĩ phải sống khiêm hạ! Hình như ngày hôm nay, người ta ít, hay không thích, nói đến hy sinh, hãm mình, khổ chế.
Tìm Chúa. Nhưng hai từ “tìm Chúa” có vẻ quá mông lung, quá bao quát. Suy đi nghĩ lại về công việc này, công việc tìm Chúa, có lẽ chúng ta sẽ nhận ra rằng: tìm Chúa là tìm sự hiện diện của Chúa, tìm nhận biết Chúa, tìm kết hiệp thân tình mật thiết với Chúa, tìm điều Chúa muốn cho chúng ta, tìm lắng nghe Chúa nói với chúng ta. Tìm lời Chúa để biết rõ được Thánh Ý Chúa để thực hành.
Yêu mến Ngài thì vâng giữ lời Ngài. Cuộc sống đời thánh hiến của chúng ta, chung qui là thế và chỉ là thế. Tất cả các môn thần học, Kinh Thánh, tu đức trong chương trình huấn luyện đời tu, đều nhằm giúp chúng ta đạt được những mục tiêu đó.
Cha Thomas Merton, một nhà thần học tu đức nổi tiếng dòng Xitô nhặt phép, viết một tập sách nhỏ cho các đan sĩ với tựa đề “Bạn tìm ai”? Và dĩ nhiên câu trả lời ngắn gọn theo truyền thống, chính là “Tìm Chúa”. Sau khi trình bày những khía cạnh căn bản của việc tìm Chúa, cha kết luận': “Đó là tìm Chúa Kitô”.
2/ LẮNG NGHE
Để có thể đi theo Chúa Kitô, người môn đệ đã phải lắng nghe. Nhưng việc lắng nghe này còn kéo dài suốt cuộc sống “ở với” Thầy Giêsu vì đó chính là cuộc sống của những người được gọi mời sống đời thánh hiến. Lời gọi đầu đời tu, hầu hết chúng ta nghe được qua trung gian, nhưng một khi đã đến và đã theo Thầy, cho dù chúng ta vẫn luôn còn phải lắng nghe gián tiếp qua những trung gian, nhưng việc lắng nghe này chủ yếu là trực tiếp nghe Thầy nói với riêng cá nhân mình. Ở với Thầy, sống thân tình mật thiết với Thầy, đòi hỏi chúng ta luôn luôn phải lắng nghe Thầy. "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy" (Ga 14, 23), mà muốn vâng giữ lời Thầy thì phải lắng nghe Thầy để biết được Thầy muốn gì.
Khi Thầy Giêsu khởi sự truyền đạo, Mẹ Maria đã căn dặn người giúp tiệc cưới: "Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo" (Ga 2, 5). Khi Thầy Giêsu khai mạc đời truyền giáo, chưa rao giảng gì, Chúa Cha mới chỉ giới thiệu Con của mình, chứ chưa dặn phải vâng nghe Người. Tiếng từ trời chỉ nói vỏn vẹn: "Đây là Con yêu dấu của ta, Ta hài lòng về Người" (Mt 3, 17). Một hai năm sau, trong dịp Thầy hiển dung, Chúa Cha mới căn dặn: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời người" (Mt 17, 5). Chúa Cha dặn chúng ta phải nghe lời Con của Ngài, bởi vì Cha chỉ nói một Lời. Người Con đó là Ngôi Lời. Người Con đó chính là Lời của Cha. Người Con đã nói. 73 cuốn trong Pho Sách Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước chuyển tải đến cho chúng ta một số những Lời của Con. Chúng ta chỉ nghe được Lời khi chúng ta chăm chú tiếp nhận từ Sách Kinh Thánh. Trong Hiến Chế Tín Lý Mạc Khải số 25, Công Đồng Vaticanô II nhắc lại lời thánh Ambrôsiô: "Chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh"[4].
Tôi cần một tuần lễ, mỗi ngày 3 tiết, để nói về vấn đề lắng nghe trong việc thực hành Lectio divina. Cha Đại diện giám mục chỉ cho tôi vỏn vẹn 45 phút và dặn đi dặn lại đừng quá 50 phút (vì ngài biết tôi có học vị khá cao: tiến sĩ gây mê!). Vâng lời ngài, tôi chỉ xin nhắc qua vậy thôi. Trong phong bì sẽ trao đến mỗi anh mỗi chị, có kèm theo tờ bướm thực hành Lectio divina. Khi về tu viện hay nhiệm sở, các anh các chị cứ việc nghiên cứu và thực hành để sống linh đạo lắng nghe này.
Theo Thầy Giêsu trong đời sống thánh hiến, chúng ta ước muốn được làm môn đệ của Thầy, và rồi là “hiền thê” của Thầy. Thầy vẫn chưa hài lòng nếu chúng ta chỉ là người vợ “vô sinh”, Thầy lại còn muốn hơn nữa. Thầy muốn chúng ta là mẹ của Thầy: Thánh Luca viết: "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" (Lc 8, 20).
Để làm mẹ, trước hết phải “có bầu”, rồi sinh, rồi mới làm mẹ! Ai chả biết thế. Trong tiến trình trở nên mẹ của Thầy Giêsu, chúng ta cũng phải giống như Trinh nữ Maria: Mang thai Lời qua việc đọc, suy niệm và cầu nguyện với Kinh Thánh - Lectio divina đấy - Cưu mang Lời không phải chỉ hơn kém 9 tháng, mà suốt cả đời. Và rồi sinh Lời ra cho người khác, không chỉ một hai lần, mà là muôn vàn lần. Thầy muốn chúng ta như thế đấy, thưa các anh các chị.
3/ ĐI THEO
Tìm Chúa Kitô, Đấng là Emmanuel đang ở giữa chúng ta, có lẽ dễ thôi. Dễ, vì chính Chúa Kitô đang đi tìm chúng ta, chính Người kêu gọi chúng ta. Chúng ta chỉ cần nghe được tiếng Ngài và đi theo. Do vậy “Đi theo Chúa Kitô” (Sequela Christi) đã là cả một linh đạo căn bản cho ơn gọi kitô hữu. Đời tu thánh hiến của chúng ta là một cuộc sống tìm thực hiện ơn gọi này một cách đặc biệt.
Trong việc canh tân thích nghi đời tu, Giáo Hội đưa ra một nguyên tắc đầu tiên và tối thượng, là Sequela Christi mà nhiều bản dịch hay dùng cụm từ “Theo sát Chúa Kitô”.
Tôi xin trích dẫn:
- Giáo Luật Ðiều 573 - tiết 1: "Ðời sống tận hiến qua việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm là một lối sống bền vững, nhờ đó các tín hữu theo sát Ðức Kitô, dưới tác động của Thánh Linh, tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa như Ðấng đáng mến yêu tột bậc, ngõ hầu, một khi đã hiến thân, với một danh nghĩa mới và đặc biệt, cho việc tôn vinh Thiên Chúa, cho việc kiến thiết Giáo Hội và cho phần rỗi thế giới, họ nhắm tới đức ái hoàn thiện trong việc phục vụ nước Chúa, và trở thành dấu chỉ rực rỡ trong Giáo Hội tiên báo vinh quang trên trời".
- Giáo Luật 662: "Các tu sĩ hãy đặt mẫu mực tối cao của đời sống nơi việc theo Đức Kitô, như đã được đề ra trong Phúc Âm và diễn tả trong hiến pháp của dòng mình".
- Sách GLCG 916: "Trong đời sống thánh hiến, các kitô hữu dưới tác động của Thánh Thần, sẵn sàng theo sát Đức Kitô hơn"
- Sắc lệnh về canh tân thích nghi đời sống dòng tu PC 1 (Paul VI 28.10.1965 (216/2142 nghị phụ chấp thuận): "Ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội, đã có những người nam cũng như nữ, qua việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm, quyết tự nguyện theo Chúa Kitô với một tinh thần tự do thanh thoát hơn, bắt chước Người cách trung thành hơn, và mỗi người một cách, tất cả đều sống tận hiến cho Thiên Chúa".
Có lẽ khi nghe nói đến linh đạo Biển Đức, tất cả các anh các chị đều nghĩ ngay tới “Cầu nguyện và Lao động” (Ora et Labora). Thực ra, hai hạn từ này chỉ được gán ghép ở cuối thế kỷ XIX cho linh đạo Biển Đức đã có từ thế kỷ VI. Cầu nguyện và lao động, rất đúng! nhưng có vẻ hàm hồ và không nói lên được tất cả nội dung đời sống đan tu theo tinh thần Tu Luật của thánh tổ Biển Đức.
Ngay từ sau khi đắc cử viện phụ tổng quyền của Dòng Xitô vào tháng 8 năm 2010, viện phụ Mauro-Giuseppe Lepori đã bày tỏ ý tưởng đó và ngài đề nghị hai hạn từ khác: “Lắng nghe và đi theo”. Tôi nhận thấy hai hạn từ này rất đúng cho những người sống theo linh đạo Biển Đức, và cũng đúng cho quý Anh quý Chị sống bất kỳ linh đạo nào khác trong cuộc sống thánh hiến.
Việc đi theo, bắt đầu bằng lắng nghe được lời gọi, rồi tiếp nhận một ơn ban. Câu đầu tiên của Tu Luật, thánh Biển Đức viết: "Hãy lắng nghe, hỡi con"[5]. Một khi đã lắng nghe và đi theo thầy Giêsu, Thánh lập luật cho biết ở câu cuối cùng của Tu Luật: "Như thế, với sự trợ lực của Thiên Chúa, con sẽ đạt đến những đỉnh cao về giáo lý và nhân đức mà cha đã trình bày ở trên"[6]. Muốn đạt tới đỉnh cao thì phải lên đường, và lên đường trong ơn gọi thánh hiến là một cuộc đi theo. Theo Chúa Kitô.
Trong cuộc sống đi theo Chúa Giêsu, công việc chính yếu của chúng ta như thánh Augustin cho biết, đó là bắt chước Chúa Giêsu. Ngài viết: "Đi theo, có nghĩa là gì nếu không phải là bắt chước"[7]. Chính vì thế, việc “đi theo” bao gồm tiến trình bên ngoài và những quyết định bên trong, tỏ bày việc bước trên những bước chân của Chúa Kitô. Theo thánh Inhaxiô de Loyola và thánh Phanxicô Assisi, đỉnh điểm của việc “đi theo” là bỏ mọi sự để đáp lại lời gọi của Thầy Giêsu: “Hãy đến và theo tôi”; đỉnh điểm của việc “bắt chước” là sống với Chúa Cha bằng mối liên hệ như Thầy Giêsu đã có. Do vậy, Giáo Hội luôn nhắc cho chúng ta trọng yếu của đời tu, là theo Đức Kitô khiết tịnh, nghèo khó và tuân phục. Lý tưởng của chúng ta, như Thánh Phaolô nói: "Nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô" (x. Rm 8, 29), hay “có những tâm tình như chính Ðức Kitô Giêsu” (Pl 2, 5).
Tôi nghĩ trước khi khấn, tất cả những người theo sát Chúa Kitô, đều đã học biết, tìm hiểu những điều kiện để sống ơn gọi này và học biết lắng nghe Lời Thầy qua việc chuyên chăm Đọc Kinh Thánh trong tâm tình cầu nguyện. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta có say mê sống hiện tại và hướng về tương lai với niềm hy vọng như các mục đích của Năm Đời Sống Thánh Hiến mà Đức Thánh Cha Phanxicô nêu ra hay không.
BẢY CĂN BỆNH TRONG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
Thưa các anh các chị,
Trong khi tự vấn, xét mình về điều mà Thiên Chúa và nhân loại hiện đang đòi hỏi chúng ta, tôi đọc được 15 căn bệnh của Giáo Triều Roma mà chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã “vạch áo cho người xem lưng” trong buổi tiếp kiến sáng ngày 22-12-2014 dành cho các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh.
Xin để trong ngoặc đơn: Giáo triều Roma nhiều bệnh quá! Nhiều bệnh, nhưng Đức Thánh Cha không sợ. Chẩn đúng bệnh, thì lương y lành nghề như ngài, chắc chắn dần dần sẽ chữa trị khỏi hết thôi. Tôi suy đoán vị lương y này đang và sẽ gặp khá nhiều rắc rối, khá nhiều khó khăn và ngay cả những chống đối từ các con bệnh của ngài. Chúng ta cầu nguyện cho ngài và cho Giáo Triều Roma. Cầu nguyện để các con bệnh vâng lời lương y mà chịu uống thuốc! Hy vọng rằng “thuốc đắng đã tật”. Lạy Chúa xin nhậm lời chúng con cầu nguyện.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng 15 căn bệnh và cám dỗ ấy cũng là nguy cơ của mỗi kitô hữu, mỗi giáo xứ, cộng đoàn, dòng tu, các phong trào Giáo Hội, trên bình diện cá nhân và cộng đoàn.
Vâng đúng thế, tôi thấy các căn bệnh đó, chúng ta không ít thì nhiều, khi nào cũng có. Ở đây, tôi xin lựa ra 7 căn bệnh trầm kha nhất của những người sống đời thánh hiến Việt Nam chúng ta.
Một khi đã mắc những bệnh này thì coi như đã phạm tội, mà đã lỡ phạm tội thì cần phải đi xưng tội. Chính Đức Thánh Cha trong bài nói chuyện với Giáo Triều Roma, cũng đã nói: "Danh sách 15 căn bệnh này giúp chúng ta chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa giải, là một bước tiến tốt cho tất cả chúng ta để chuẩn bị lễ Giáng Sinh". Và tôi nghĩ danh sách 7 căn bệnh tôi chọn ra dưới đây, cũng có thể giúp chúng ta chuẩn bị lãnh nhận bí tích Hòa Giải, và là một bước tiến tốt cho tất cả chúng ta sống Năm Đời Sống Thánh Hiến này (và cũng là điều kiện để lãnh ân xá hay ơn toàn xá!).
Thưa các anh các chị,
7 căn bệnh này được rút ra từ bệnh án của Giáo Triều Roma và tôi mạo muội đề nghị những toa thuốc hợp cho từng căn bệnh:
1-1. Trước tiên là bệnh tưởng mình là bất tử, miễn nhiễm, hoặc thậm chí là không thể thiếu được, và lơ là những kiểm điểm cần thiết và thông thường. Đức Thánh Cha nói bệnh này thường xuất phát từ bệnh quyền bính, từ mặc cảm là những người ưu tuyển, từ thái độ tự yêu mình, say mê nhìn hình ảnh của mình mà không nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa in nơi khuôn mặt của những người khác, đặc biệt là những người yếu đuối và túng thiếu nhất.
Toa thuốc cho căn bệnh này mà Đức Thánh Cha xếp vào loại bệnh dịch: Cần xin "Ơn thánh, ơn cảm thấy mình là người tội lỗi và thành tâm nói rằng: ”Chúng ta chỉ là những đầy tớ vô dụng. Chúng ta đã làm những gì chúng ta phải làm” (Lc 17,10).
Riêng các đan sĩ Biển Đức Xitô chúng tôi sử dụng thêm thuốc “khiêm nhường” và phải uống đủ 12 viên, tức là “12 bậc khiêm nhường”. Chính Thánh Tổ kê toa thuốc này trong chương 7 Tu Luật của ngài. Ở đây, không dám đề nghị với các anh các chị. Chương 7 này có tới 70 câu.
2-2. Một bệnh khác, là bệnh Mát-ta, đến từ tên Mát-ta, làm việc thái quá: tức là những người chìm đắm trong công việc, và lơ là với phần tốt hơn, là ngồi bên chân Chúa Giêsu (x. Lc 10,38).
Bệnh này đến từ Mát-ta, nên số người mắc bệnh có lẽ, tôi nói có lẽ thôi, người bệnh phần đông là nữ tu và những người sống đời hoạt động (Xin lỗi các chị). Đức Thánh Cha viết: "Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ của Ngài ”hãy nghỉ ngơi một chút” (x. Mc 6,31), vì lơ là việc nghỉ ngơi cần thiết sẽ đi tới tình trạng căng thẳng và giao động. Ngài cũng nhắc các vị đã hết sứ mạng và về hưu, cần phải nghỉ ngơi, đừng để cho căn bệnh số 1 ảnh hưởng trên mình, tưởng mình là “không thể thiếu được”, nên cứ gắng sức làm, dù lực đã kiệt. Cũng nên nhường việc cho đàn em tu sĩ trẻ chứ ạ! Phải chuyển trao cờ sang tay họ, đúng thời đúng buổi. (Xin lỗi các vị cao niên).
Mấy tuần trước tôi nghe đọc trong nhà cơm tại đan viện, đoạn sau đây trong sách “12 bí quyết tăng cường sức sống tâm linh, những bài học đầy uy lực để trẻ mãi không già” của Richard P. Johnson, do Lm Nguyễn Ngọc Kính Ofm chuyển ngữ, nhà xuất bản Phương Đông 2011: Tôi đọc lại nguyên văn ở trang 97:
“Chúng ta đã tìm hiểu ý nghĩa của việc “ở với” người khác, và sự khác biệt giữa “ở với” và “làm cho” người khác. Đây quả là một bài học khó áp dụng trong cuộc sống chúng ta. Nhiều lần tôi đã thấy rằng, khi con cái chăm sóc cha mẹ lớn tuổi, họ đã không “ở với” cha mẹ, mà chỉ muốn “làm cho” cha mẹ. Nếu mối tương quan không ngừng đặt trọng tâm trên việc “làm cho” hơn là “ở với” cha mẹ trên bình diện cảm xúc, tâm lý và thiêng liêng, thì hậu quả tất yếu là họ sẽ kiệt sức trong việc chăm sóc cha mẹ”.
Thưa các anh chị, tôi nghĩ ngay tới các anh chị em chúng ta sống đời thánh hiến đã hoặc đang bị virus của căn bệnh Mát-ta gậm nhấm. Khi còn ở trong nhà tập, còn được huấn luyện, còn sống trong tập thể đông vui, chúng ta hồ hởi phấn khởi “sống với” Chúa, nhưng khi được sai đi, một số đông chúng ta lao vào hoạt động, quá hăng say nhiệt thành trong công việc mục vụ, bác ái xã hội, dần dà chúng ta chỉ còn biết “làm cho” Chúa, mà quên đi cái chính yếu, vẫn là “ở với” Chúa. Chúa Giêsu trách yêu Mát-ta có lẽ vì qua những lần cùng các môn đệ ghé thăm ba chị em, Chúa đã nhận ra như thế chăng. Xem ra Maria (đại diện cho giới chiêm niệm chúng tôi), có vẻ lười đấy, nhưng lại được Chúa âu yếm nhìn và khen hết mình: "Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi" (Lc 10, 42).
ĐHY P.X Nguyễn Văn Thuận viết trong Đường Hy Vọng: "Không phải Maria ngồi yên dưới chân Chúa vì làm biếng. Phúc âm không phong thánh người lười biếng. Maria chọn phần nhất: nghe Chúa, để lời Chúa thấm tâm can, lay chuyển mình, làm việc trong mình, với mình. Có gì hoạt động bằng sự lột xác, sự biến đổi ấy"[8]?
Trong tập sách nhỏ “5 Chiếc Bánh và 2 Con Cá”, Đức Hồng Y viết về chiếc bánh thứ hai: "Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn thánh ý Ngài, chứ đừng chọn việc của Chúa". Đức Hồng Y cho biết: điều quyết định này đã cho tôi cảm thấy trong lòng "một sự bình an mà thế gian không cho được".
Chúng ta dễ quên rằng chính yếu của đời sống thánh hiến, vẫn luôn là ở với Chúa hơn là bất cứ việc gì khác.
Toa thuốc: Các bề trên nên và phải giảm bớt công tác cho anh chị em mình, tăng thêm giờ nghỉ ngơi cho họ. Phải có thời giờ ngưng nghỉ để có thêm nhiều giờ đặc biệt dành cho Chúa, ở với Chúa. Nếu không, sẽ kiệt sức và dễ gẫy gánh giữa đường. Thực ra, tôi được biết hiện giờ, nhiều cộng đoàn đã thực hiện điều này, đã thu xếp mướn thêm người ngoài để các anh chị em mình được bớt việc, được thảnh thơi đôi chút. Nhưng cũng được biết là khi có thêm giờ nghỉ, vẫn không thêm giờ “ở với Chúa”, mà lại thêm nhiều giờ để ngồi lướt các trang web, ngồi chat, ngồi thư giãn với các thứ games.
Để có thể “ở với” Chúa, một toa thuốc đặc trị vô cùng hiệu nghiệm mà Giáo Hội luôn kê toa cho chúng ta. Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã kê lại toa thuốc này trong Tông Huấn Verbum Domini[9], Lời Chúa, đặc biệt ở các số 83, 86 và 87. Vâng, ngoài Thánh Thể qua cử hành Thánh Lễ, Chầu và viếng Thánh Thể, chúng ta còn có Lectio divina. Đây là giờ phút thánh thiêng mà các hiền thê có thể “ở với” Đức Lang Quân Giêsu của mình một cách thân thiết nhất. Chính trong những giờ phút này, chúng ta được Chúa Thánh Thần ấp yêu và cho thụ thai Lời. Thần sứ Gabriel nói với trinh nữ Maria: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà" (Lc 1,35). Maria đã thụ thai Lời vào lúc cô đang thực hành Lectio divina, chứ không phải lúc cô đi chợ, làm bếp hay ra giếng kín nước, cho dù lúc nào cô cũng kết hiệp rất mật thiết với Chúa! Họa sĩ vẻ cảnh truyền tin: Maria đang quỳ cầu nguyện với Sách Kinh Thánh đấy ạ. (Người đắp tượng cảnh truyền tin trên núi ở Bãi Dâu Vũng Tàu đã dấu mất Sách Kinh Thánh của Mẹ Maria!). Phải dành đủ giờ mỗi ngày để cảm hưởng hạnh phúc cao độ nhất trong giao ước hôn phối với Thầy Giêsu. Ai chưa biết bài thuốc này, ai chưa trải nghiệm hạnh phúc này, xin đọc và nghiên cứu tờ bướm “Lectio divina, Đọc Kinh Thánh trong tâm tình cầu nguyện” mà tôi có kèm theo trong phong bì. Toa thuốc chắc chắn là rất hay, nhưng không thể chữa được bệnh nếu không uống. Phải mua thuốc “Sách Kinh Thánh”[10] và uống mỗi ngày. Liều lượng tùy nghi. Vâng, mỗi ngày, cần phải uống kéo dài trong một thời lượng tối thiểu là 30-45 phút. Và cần tiếp sức cho thuốc ngấm sâu trong cơ thể suốt 24 giờ một ngày qua việc nhai đi nhai lại một câu Lời Chúa nào đó. Đấy là điều các thánh ẩn sĩ đã làm và các đan sĩ ngày nay được khuyên làm. Ai chưa thử, xin cứ can đản đảm thử, hiệu quả vô cùng.
3-6. Cũng có thứ bệnh “suy thoái não bộ tinh thần”, hay là quên đi “lịch sử cứu độ”, lịch sử quan hệ bản thân với Chúa, quên đi mối tình đầu (Kh 2, 4). ... Chúng ta thấy điều đó nơi những người không còn nhớ cuộc gặp gỡ của họ với Chúa, nơi những người hoàn toàn tùy thuộc hiện tại của họ, đam mê, tính thay đổi nhất thời, và những thứ kỳ quặc khác; ta thấy nơi những người kiến tạo quanh mình những bức tường và những tập quán, ngày càng trở thành nô lệ cho các thần tượng mà họ tạo nên. Tôi nghe nói không thiếu tu sĩ, nam cũng như nữ, từ lâu nay đã “trở thành nô lệ” cho các thần tượng mới: téléphone, trang mạng, "chat" và game...
Toa thuốc: Đức Thánh Cha không kê toa thuốc cho bệnh này vì biết rằng hôn ước tình yêu giữa chúng ta với Chúa Giêsu là chuyện riêng tư, biết bệnh là biết thuốc chữa...
Rất nhiều giáo xứ mở những khóa thăng tiến hôn nhân cho những cặp vợ chồng. Ngay từ tháng 8 năm 1986, cha Phêrô Chu Quang Minh đã tổ chức những khóa Thăng Tiến Hôn Nhân tại Kansas, bên Mỹ. Cha Minh đã đến Đan Mạch tổ chức nhiều khóa. Anh chị em ở Đan Mạch vui vẻ đặt tên cho những khóa này là khóa “hâm hôn”. Chúng ta cũng đã kết hôn với Chúa Kitô, hàng tuần, hàng tháng và hàng năm tu sĩ chúng ta dành ra nhiều giờ, một ngày, một tuần để hâm hôn với Chúa qua những kỳ tĩnh tâm. Hàng ngày, vào lúc trước khi nghỉ đêm, thường chúng ta nên dành ra 5, 3 phút kiểm thảo. Chủ đích của kiểm thảo này là nhìn lại ngày hôm nay tôi sống tình với Chúa như thế nào.
4-8. Bệnh tâm thần phân liệt trong cuộc sống. Đó là bệnh của những người sống hai mặt, hậu quả của sự giả hình về sự tầm thường và dần dần trở nên trống rỗng về tinh thần, mà các văn bằng tiến sĩ hoặc các bằng cấp khác không thể lấp đầy được.
Toa thuốc: Đức Thánh Cha viết như thế về căn bệnh này và chính ngài đã trích dẫn Tin Mừng Luca 15, 11-32 để kê toa thuốc: “Sự hoán cải là điều rất cần thiết và không thể thiếu được đối với thứ bệnh rất nặng này”.
Thánh Biển Đức kê toa riêng cho các đan sĩ: Lời khấn cải tiến trong số 3 lời khấn của đan sĩ chúng tôi: Vâng phục, cải tiến và vĩnh cư.
5-9. Bệnh “ngồi lê đôi mách”, lẩm bẩm và nói hành. Tôi xin tâu riêng với Đức Thánh Cha: Thưa Đức Thánh Cha, con cứ tưởng rằng căn bệnh này chỉ có ở nơi người Việt Nam chúng con, hóa ra cũng là bệnh trầm kha của những vị làm việc ở Giáo Triều. Chính Đức Thánh Cha viết: "Tôi đã nói nhiều về bệnh này và không bao giờ cho đủ. Đó là một bệnh nặng, thường bắt đầu bằng những cuộc chuyện trò, và nó làm cho con người thành người gieo rắc cỏ lùng cỏ dại như Satan, và trong nhiều trường hợp, họ trở thành người ”điềm nhiên giết người”, giết hại danh thơm tiếng tốt của đồng nghiệp và anh em cùng dòng".
Toa thuốc: Cám ơn Đức Thánh Cha đã nhắc chúng con: “Hỡi anh em, chúng ta hãy giữ mình khỏi những nạn khủng bố nói hành nói xấu”! Nhưng giữ mình bằng cách nào? Kinh nghiệm thực hành Lectio divina cho thấy: khi lấp đầy tâm, trí, lòng, bằng chính Lời Chúa, thì không còn chỗ cho những lời nói hành, nói xấu. Toa thuốc đặc trị bệnh Mát-ta cũng vô cùng hiệu nghiệm cho bệnh “ngồi lê đôi mách, lẩm bẩm và nói hành” này. Và cũng hiệu nghiệm cho tất cả các bệnh khác. Lectio divina đấy ạ. Thực hành Lectio divina được phép “lẩm bẩm”! Người thực hành phương thức cầu nguyện này được xếp vào “loài nhai lại”. Suốt ngày, cứ nhai đi nhai lại, nhâm nhi một câu Kinh Thánh, không phải chỉ trong trí trong lòng mà “lẩm bẩm” ngay trên môi miệng. Vấn đề là nội dung của những câu lẩm bẩm!
6-12. Bệnh có bộ mặt đưa đám. “Tức là những người cộc cằn và hung tợn, cho rằng để tỏ ra là nghiêm minh, cần có bộ mặt âu sầu, nghiêm khắc và đối xử với những người khác, nhất là những người cấp dưới, một cách cứng nhắc, cứng cỏi và kiêu hãnh”. Đức Thánh Cha khuyên chúng ta “đừng đánh mất tinh thần vui tươi, tinh thần hài hước, thậm chí tự cười mình, làm cho chúng ta trở thành những người dễ mến, cả trong những hoàn cảnh khó khăn”.
Toa thuốc: Đức Thánh Cha viết: “Một con tim đầy Thiên Chúa là một con tim hạnh phúc”. Tôi nghĩ nghe thế, đủ rồi, không cần bàn thêm. Hạnh phúc! Theo và ở với Chúa Giêsu thì dĩ nhiên là hạnh phúc. Một khi hạnh phúc thì sẽ có nét mặt tươi và dễ tạo niềm vui cho người.
7-14. Tôi lưỡng lự chọn căn bệnh thứ 7 và cuối cùng, giữa hai căn bệnh 14 và 15 mà Đức Thánh Cha kê ra: “Bệnh những nhóm khép kín” (bệnh 14) hay “Bệnh tìm kiếm lợi lộc trần tục và phô trương” (bệnh cuối cùng 15). Đang lưỡng lự thì nhận được điện thoại của một chị bề trên cấp cao của một Hội Dòng chia sẻ về tình trạng bác ái huynh đệ trong Hội Dòng của chị. Sau khi nghe, tôi quyết định chọn bệnh 14. Vâng, đó là bệnh mà Đức Thánh Cha kê ra trong giấy chứng bệnh: "Bệnh những nhóm khép kín".
Tôi đọc nguyên văn bệnh án do chính Đức Thánh Cha viết: "Trong đó, sự thuộc về một nhóm nhỏ, trở nên mạnh hơn thuộc về cả thân mình, và trong một số trường hợp, mạnh hơn thuộc về chính Chúa Kitô. Cả căn bệnh này cũng luôn bắt đầu bằng những ý hướng tốt, là tiêu khiển với các bạn bè, nhưng với thời gian, nó trở nên xấu, thành bệnh ung thư đe dọa sự hài hòa của thân thể và tạo nên bao nhiêu điều ác, gương mù, nhất là cho những anh em bé nhỏ hơn của chúng ta. Sự tự hủy diệt, hay là ”những viên đạn của bạn đồng ngũ”, chính là nguy hiểm tinh tế nhất. Đó là sự ác đánh từ bên trong, và như Chúa Kitô đã nói: "Nước nào chia rẽ bên trong thì sẽ bị tàn lụi" (Lc 11,17).
Hình như chúng ta có từ "cục bộ" để nói về căn bệnh này.
Đức Thánh Cha nhắc đến "sự thuộc về một nhóm nhỏ trở nên mạnh hơn thuộc về cả thân mình". Ngày xưa, khi học về linh đạo đời tu, người ta nhấn mạnh đến 3 lời khấn và ít bàn về đời sống cộng đoàn, nhưng khoảng từ Công Đồng Vaticanô II, yếu tố cộng đoàn, đời sống chung huynh đệ, được nhắc đến nhiều. Nếu không lầm, mãi đến năm 1994, mới chính thức có một tài liệu bàn sâu về vấn đề này. Đó là “Huấn Thị Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn”[11] Theo các tổ phụ Xitô (1098) để sống ơn gọi Xitô, đan sĩ phải có tình yêu kép 3: Amor Regulae, Amor Fratrum, Amor Loci: Tình yêu đối với Tu Luật, Tình yêu đối Anh em, Tình yêu đối với Nơi ở (Dòng). Cá nhân chủ nghĩa đã đột nhập nhà tu từ thời nào, làm cho đời sống chung huynh đệ bị lung lay quá chừng!
Toa thuốc: Tôi xin hiến cho các anh các chị toa thuốc tuyệt vời mà thánh tổ Biển Đức kê ra mấy lần trong Tu Luật của ngài cho các đan sĩ chúng tôi. Toa thuốc thì tuyệt vời đấy, nhưng có hiệu nghiệm hay không, lại còn tùy người uống và có muốn mình được khỏi hay không. Đó là: "Không quý gì hơn lòng mến Chúa Kitô". Tu Luật Biển Đức chương 4 câu 21 viết như thế. Nhưng ở chương 72 câu 11, Thánh Tổ quyết liệt hơn: "Tuyệt đối không lấy gì làm hơn Chúa Kitô". Xem ra Toa thuốc này rất đơn sơ, hơi nhẹ đô so với toa thuốc mà các chị Mến Thánh Giá thường dùng nhiều lần trong ngày: "Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đanh là đối tượng duy nhất của lòng trí con".
Thánh Biển Đức rất nhân bản và có lòng thông cảm với các con cái của ngài. Ngài chỉ yêu cầu "không lấy gì làm hơn Chúa Kitô" thôi. Ngoài ra, ngài còn kê thêm một toa thuốc bồi bổ nữa, đó là "Không lấy gì làm hơn việc Chúa" (TL 43, 3). “Opus Dei”, người ta dịch là “việc Chúa”", nhưng nếu dịch là “Thần Vụ” thì dễ nghĩ đến Kinh Nguyện Phụng Vụ hơn. Tôi suy đoán nếu các anh chị sống đời thánh hiến hoạt động tông đồ mà trung thành đọc kinh nguyện phụng vụ, thì cũng rất tốt để chữa trị bệnh đang nói đây. Ai mắc bệnh quái ác này, cứ thử trung thành uống hoài, sẽ thấy hiệu nghiệm vô cùng.
KẾT LUẬN
Thưa các anh các chị,
Chia sẻ dài quá rồi, tôi phải kết luận thôi.
Đức Hồng Y Joao Braz De Aviz, Tổng Trưởng Bộ về Đời Sống Thánh Hiến và các Hiệp Hội Tông Đồ, trong cuộc họp báo tại Roma ngày 31.01.2014, đã nói: "Chúng tôi nghĩ rằng Công Đồng đã thổi một luồng gió của Chúa Thánh Thần, không chỉ cho toàn thể Giáo Hội, nhưng, có lẽ, một cách đặc biệt, cho Đời Sống Thánh Hiến. Chúng tôi cũng nghĩ rằng trong 50 năm nay, Đời Sống Thánh Hiến đã trải qua một hành trình rất phong phú của việc canh tân, chắc là không thiếu các khó khăn và cực nhọc, trong sự dấn thân tuân theo những gì Công Đồng đã xin người thánh hiến".
Đức Hồng Y nhắc cho biết: trong Sắc Lệnh về Đời Thánh Hiến (Perfectae carittis), “Công Đồng đã xin người thánh hiến là trung thành với Đức Kitô, với Giáo Hội, với đặc sủng riêng của mình và với con người thời nay" [12].
Những chia sẻ đơn sơ mộc mạc trên đây, không ngoài mục đích của những cử hành trong NĂM VỀ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN. Chúng ta cầu nguyện để Chúa Thánh Thần giúp tất cả những người sống đời thánh hiến đáp trả điều Công Đồng xin chúng ta.
Chúng ta cũng xin Mẹ Maria, người nữ thánh hiến tuyệt vời, và là Mẹ của tất cả những người bước theo Con của Mẹ, bảo trợ chúng ta để chúng ta luôn trung thành với Giêsu. Trên đồi Canve hôm nay, phải có đông đủ chúng ta.
Tôi xin gợi ý: Cuối Tông Huấn Vita consecrata của Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, có hai kinh cầu nguyện cho những người sống đời thánh hiến: Một kinh dâng lên Chúa Ba Ngôi và một kinh dâng lên Đức Mẹ Maria. Các cộng đoàn tu và tất cả giáo dân nên đọc thường xuyên để cầu nguyện cho các anh chị em mình sống đời thánh hiến, không những trong năm nay, mà dài dài mãi mãi.
Xin cám ơn quý Quý Anh, Quý Chị và tất cả.
Fr. Marie Bảo Tịnh Trần Văn Bảo O.Cist
Mỹ Ca, ngày 26.01.2015
Lễ Ba Thánh Tổ Sáng Lập Dòng Xitô:Robert, Albéric, Etienne
Nguồn: http://tonggiaophanhue.net/