Huyền nhiệm ơn gọi linh mục nhìn từ ơn gọi của Abraham

Lịch sử cứu độ là một thiên tình sử, nơi đó những tiếng gọi phát xuất từ Thiên Chúa đã trở nên nhiệm mầu mà con người bao thế hệ vẫn không tài nào lý giải được. Mỗi tiếng gọi, mỗi ơn gọi là một sự thể hiện cụ thể của tình yêu huyền nhiệm của Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng đã ‘bước vào’ lịch sử nhân loại và miệt mài tìm kiếm con người, không gì khác hơn là để yêu thương, trao ban chính mình. Lịch sử cứu độ là ân ban nhưng không, lạ lùng và vô biên của Thiên Chúa. Người chưa bao giờ bỏ cuộc trước sự chìm nổi, thất thường của con người. Bằng sáng kiến tự do, Thiên Chúa lại kêu mời những con người từ trong nhân loại chìm nổi ấy cộng tác vào chương trình cứu độ tình yêu của Người. Đây chính là chủ đề nổi bật trong lịch sử cứu độ. Quả vậy, nổi bật nhất trong Cựu Ước không phải là ‘cứu độ’ mà là ‘tuyển chọn’, hạn từ ‘tuyển chọn’ diễn tả tính ưu việt và tuyệt đối của ân ban, nó là phạm trù đầu tiên diễn tả về ơn cứu độ. Trong chuỗi dài của những tiếng gọi ấy, ta dễ dàng nhận ra một con người mà ơn gọi của ông chẳng những là khởi đầu cho một lịch sử mà còn là mẫu mực cho ơn gọi có tính huyền nhiệm mãi mãi về sau, đó là ơn gọi của Apraham.

1- Thiên Chúa tuyển chọn Abraham: ơn gọi là một huyền nhiệm đến từ Thiên Chúa

Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi”(St 12,1). Đó là những lời đầu tiên và nhẹ nhàng mà Thiên Chúa đã ngõ với Apram (sau này là Apraham), một người đã luống tuổi, con ông Therac, vừa rời thành Ur lên định cư tại Kharan. Từ một con người vô danh ở một thị tộc vô danh, ông đã trở nên một bất hủ, khai mở một giai đoạn mới trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Quyết định ra đi của ông đã làm lịch sử sang trang và chương trình cứu độ đã khởi sự. Điều gì nổi bật nơi con người vô danh ấy để được Thiên Chúa chọn và để ông có thể đảm nhận vai trò lớn lao cho vĩ nghiệp của Người mai này? Và, làm sao con người lại có thể là đối tác, là cộng tác viên của Thiên Chúa được? Thánh Kinh đã không cho ta câu trả lời thỏa đáng bởi đã chẳng mô tả nét gì đặc sắc về ông: một người du mục, một gia đình son sẻ và đã cao niên. Như thế, để có câu trả lời đầy đủ nhất, ta phải nại đến khái niệm ‘mầu nhiệm’. Vâng, ơn gọi của Abraham là một mầu nhiệm, một huyền nhiệm phát xuất từ Thiên Chúa, hoàn toàn do sáng kiến và ý định tự do của Người, một ý định khôn dò khôn thấuvà không ai theo dõi được (Rm 11,33). Một tiếng gọi bất ngờ và lạ lùng nhưng không hề ngẫu nhiên và nhầm lẫn. Abraham hoàn toàn phó thác cuộc đời cho sáng kiến tự do và quyền năng của Thiên Chúa. Người đã chọn ông và dẫn đưa ông đến vùng đất không hề biết (Dt 11,8). Đây thực sự là sáng kiến của tình yêu. Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã tỏ ra rất thân mật và quảng đại đối với ông, những lời hứa của Người vẽ nên một tương lai sáng ngời. Thế nhưng, thực tại trước mắt có vẻ trái ngược với những viễn cảnh ấy. Trước mặt ông chưa có gì là chắc chắn, tương lai của ông phụ thuộc hoàn toàn vào quyền năng và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Như thế, từ đây Thiên Chúa bắt đầu “bước vào” cuộc đời ông, nhẹ nhàng mời gọi ông bước vào hành trình mới, hành trình đức tin.

Thiên Chúa đã chọn Abraham vì tình yêu. Thiên Chúa chọn ông chỉ vì Người muốn, đó là lời giải thích duy nhất có thể được, và điều này vẫn xảy ra như thế xuyên qua bao thế hệ. Thiên Chúa chọn ai mặc ý Người: Isaac chứ không phải Ismael, Giacob mà không là Exau, Đavid chứ không phải những người anh cao lớn, Maria mà không là một trinh nữ khác, … và có thể bản thân tôi mà không phải ai đó tài năng, giỏi giang, đạo hạnh hơn tôi! Bao giờ quyền tuyển chọn cũng chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa,[1] do sáng kiến hoàn toàn tự do của Người. Người luôn luôn đi bước trước: “không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16); và chắc chắn Người không bao giờ nhầm lẫn: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi” (Gr 1,5). Huyền nhiệm là thế, bởi “tiêu chí” Người đặt ra thật khó lý giải vô cùng, chẳng phải vì thánh thiện, giàu sang, tiếng tăm hay uyên bác; và cách thức gọi hầu như cũng không ai giống ai: trực tiếp như với Abraham, Môsê, Matthêu,… gián tiếp qua người khác như với Nathanael,.. qua tiếng thì thầm trong tâm hồn như với Antôn ẩn tu, Phanxicô Xavie,… hay qua một biến cố cuộc đời mà đôi khi thật ‘chẳng đáng’ tý nào..vv.. Ơn gọi là một huyền nhiệm cao siêu, lạ lùng mà không ai có thể tự tạo nên hay có thể đòi hỏi, mua bán hay đổi chác.[2] Nó cũng không tùy thuộc sở thích hay cảm quan riêng của mỗi người. Tuy họ hoàn toàn tự do và ý thức khi lựa chọn, nhưng sáng kiến đó không bắt đầu từ họ mà từ Thiên Chúa. Ơn gọi linh mục cũng không là chuyện may rủi, không là một tuyển chọn máy móc, nhưng là một sự bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa.[3] Vâng, ơn gọi linh mục cũng là một huyền nhiệm quá cao vời và không sao hiểu nổi. Đức Gioan Phaolô II đã từng nói: “Nơi mức độ sâu thẳm nhất, mỗi ơn gọi linh mục là một mầu nhiệm lớn lao.”[4] Ai trong chúng ta có thể hiểu được điều gì nơi mình ‘thuyết phục’ được Chúa để Người chọn, cũng không ai dám ‘vỗ ngực’ cho rằng mình xứng đáng. Thật khập khiễng vô cùng giữa sự cao cả của ơn gọi với thực tại của bản thân vốn đầy những giới hạn, bất toàn. Ơn thiên triệu thực sự “là một món quà vượt quá giới hạn của con người, đứng trước sự cao cả của món quà đó, các linh mục cảm thấy sự bất xứng của mình.”[5] Chúng ta chỉ có thể sống đời linh mục chứ làm sao hiểu hết ơn gọi linh mục bằng phân tích trí tuệ, cha thánh Vianey khẳng định “nếu ai hiểu rõ linh mục trên trần gian này, người ấy sẽ chết không phải vì sợ hãi mà vì yêu mến” (GLHTCG, 1589). Huyền nhiệm không những hệ tại ở việc tuyển chọn mà còn là Thiên Chúa hành động ngang qua con người, phụ thuộc và thậm chí nên một với con người vốn mang nơi mình những yếu hèn, dễ vỡ (2Cr 4,7). Thiên Chúa cũng biết rõ tôi và có thể Người cũng đang mời gọi tôi bước vào huyền đó. Người đang kiên nhẫn chờ tôi đáp trả với tất cả thiện chí của mình như tổ phụ Abraham đã đáp trả.

2– Sự đáp trả, điều kiện thành toàn của ơn gọi

Thiên Chúa chọn Abraham quả là bất ngờ và càng ngạc nhiên hơn khi những lời hứa có tính ‘chào mời’ của Người quá xa rời thực tế, một điều xem ra bất khả thi và vô định. Thế nhưng, phản ứng của ông thật đơn giản: “Ông Abraham ra đi như Đức Chúa đã phán với ông” (St 12,4). Một cách tự nhiên có lẽ không ai trong chúng ta dám chấp nhận mạo hiểm như thế. Vậy, điều gì khiến ông có chọn lựa mau lẹ và dứt khoát đến vậy? Thưa đó là NIỀM TIN, niềm tin là chìa khóa của tất cả. Ông tin vào Thiên Chúa, tin vào lời hứa và sự trung tín của Người. Tin và lên đường dẫu “đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8); tin vào lời hứa về dòng dõi đông đúc cả khi đã già mà vẫn còn ‘son sẻ’, đến khi có con duy nhất lại phải đem đi sát tế. Dẫu thực tại có tối tăm, nhưng với một sự tín thác triệt để vào quyền năng và tình thương của Người, ông đã mạnh dạn ra đi không toan tính, không do dự và nghi nan. Niềm tin của ông đã là điều kiện duy nhất cho tất cả; chẳng những là điều mà Đấng gọi ông đòi hỏi, mà còn là nền tảng cho mọi chọn lựa, mọi hoạt động của cuộc đời ông. Dĩ nhiên, niềm tin của Abraham không là một sự ‘gật đầu’ đơn điệu, một đức tin ‘chết’, nhưng là một đức tin ‘sống động’ bao hàm sự đánh đổi và cố gắng lớn lao để vượt qua những thử thách đến khó tin nhất. Tin là thay đổi và lên đường, là chấp nhận để Thiên Chúa đổi tên (St 17,5), biến đổi con người và cả cuộc đời. Lên đường là từ bỏ những gì đã thân quen, là chấp nhận tách biệt, là bắt đầu một hành trình mới với hành trang duy nhất đó là đức tin. Thiên Chúa mời gọi và dĩ nhiên Người cũng đòi hỏi, đó chính là hai chiều kích của ơn gọi. Với Abraham, Thiên Chúa hứa và đồng thời Người cũng đòi hỏi ông chẳng những tin mà còn phải thánh thiện (St 17,1), thuộc về Người (St 17,7-19), chấp nhận cắt bì (St 17,10).[6]Chặng đường từ Abram đến Abraham quả là khắc nghiệt, Thiên Chúa làm tất cả những gì có thể để tạo nên một khí cụ vừa tay Người. Đổi lại, Abraham cũng đã đáp lời bằng tất cả thiện chí, khả năng và tự do của mình. Đó là điều cần thiết chẳng những trong ơn gọi của tổ phụ Abraham mà trong ơn gọi của mỗi chúng ta. Thiên Chúa tự do mời gọi và Người cũng muốn chúng ta tự do đáp trả với lòng tin như thế. Tự do là yếu tố quan trọng làm nên giá trị của chọn lựa. Tôi có thể đáp trả để lên đường như Abraham và tôi cũng có thể chối từ như chàng thanh niên giàu có trong Tin Mừng (Mt 19,16-22).

Thiên Chúa cũng đang gọi tôi và Người cũng đang đợi tôi đáp trả. Cũng như Abraham, Người đòi hỏi tôi trước hết là phải tin cả khi cuộc đời trở nên tăm tối, vô vọng nhất bởi vì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Bởi thế, “đức tin có một vai trò quan trọng nhất trong công việc cứu độ.”[7] Phải có niềm tin làm nền tảng, khi đó mọi hành vi đáp trả mới trở nên có giá trị và vững chắc. Tin không là một biến cố nhưng là cả tiến trình, không đơn thuần là hành vi xác tín nhưng là cả một lối sống thuộc về Đấng mình tin và sống trong mối thông hiệp với Người. Vì vậy, “Ai muốn trở thành linh mục, trước tiên phải là người của Thiên Chúa”, và “điều quan trọng nhất trong hành trình tiến về chức linh mục và trong cuộc đời linh mục là quan hệ bản thân với Thiên Chúa trong Đức Kitô.”[8] Quan hệ đó, thiết tưởng phải được xây dựng trên nền tảng của một đời sống cầu nguyện với Thánh thể là nhựa sống, với Lời Chúa làm hành trang; học cách sống trong sự tiếp xúc liên lỉ với Thiên Chúa, chọn Người làm điểm tham chiếu cho đời sống mình. Chừng nào đời sống cầu nguyện bị xem nhẹ, ấy là hành trình đáp trả của tôi đang lạc hướng, Đức Gioan Phaolô II khẳng định: “sự cầu nguyện tạo nên linh mục, đồng thời mỗi linh mục tạo nên chính mình qua sự cầu nguyện.”[9] Phải ở với Chúa rồi mới được Người sai đi (x.Mc 3,14), phải nên giống Đức Kitô rồi mới thi hành tác vụ của Ngài. Đàng khác, trước ơn gọi là một quà tặng, một ân ban nhưng không của Thiên Chúa, chẳng những ta phải khiêm nhường mà còn phải biết trân quý và cố gắng để làm vơi bớt đi sự bất xứng nơi mình. Điều này thể hiện nơi thái độ và thiện chí của bản thân trong việc cộng tác với ơn Chúa, với Chúa Thánh Thần là “nhà đào tạo” chính yếu để trưởng thành hơn, để mỗi ngày một nên giống khuôn mẫu Đức Kitô, nơi Ngài quy chiếu tất cả những gì linh mục phải là, phải có và phải làm. Nên giống Ngài là mặc lấy những tâm tính của Ngài, là phản ánh nơi chính mình trong mức độ có thể sự hoàn hảo của Ngôi Lời Nhập Thể. Muốn vậy, thiết tưởng không thể thiếu một sự trưởng thành nhân bản làm nền tảng. Bởi vì “nếu không có đào tạo nhân bản thỏa đáng thì việc đào tạo linh mục trong toàn bộ sẽ bị thiếu hụt mất nền tảng cần thiết…”[10] Trong tiến trình đào tạo và tự đào đó, nếu chiều kích nhân bản không được chú trọng, có thể thay vì đào tạo nên những Chúa Kitô khác (Alter Christus), lại có thể cho “ra lò” những “sản phẩm” khác Chúa Kitô. Bên cạnh đó, sự đáp trả còn là thái độ sống biết ơn: biết ơn Chúa là cố gắng làm sao để cho ơn của Người không trở nên vô hiệu; biết ơn Giáo Hội tôi sẽ cố gắng để những gì Giáo Hội dành cho tôi không trở nên hoang phí; biết ơn người khác, tôi phải làm sao để những lời cầu nguyện, tình thương, mồ hôi nước mắt đang hướng về sự thành tựu của ơn gọi nơi tôi trở nên có giá trị và ý nghĩa….

Đáp trả còn là thái độ hướng đến phục vụ, vì “ơn gọi nơi những ứng sinh chỉ có thể thành toàn khi nó được hướng tới lý tưởng phục vụ như Đức Kitô.”[11] Điều này sẽ nhắc tôi phải ý thức hơn trong rèn luyện, đặc biệt là thái độ học tập của mình. Ngày mai được đúc kết từ những gì tôi cố gắng hôm nay. Ngay lúc này, tôi phải cố gắng để cho nên một ‘chủng sinh’ đúng nghĩa: một đời sống thiêng liêng thấm đượm mà không phải là một ‘máy thờ phượng’ chỉ đúng và đủ giờ; là đón nhận và tập sống kỷ luật như phương thế gọt dũa, rèn luyện lớn lên mà không gượng ép; là sống tình huynh đệ mà mỗi người là một khác biệt có tính cá vị; là tinh thần từ bỏ những gì không phù hợp hay không cần thiết cho sự triển nở của ơn gọi mình…. Tuy vẫn biết rằng, giữa ước mong và thực tại là cả một khoảng cách vô cùng lớn, và tinh thần thì hăng hái còn thể xác thì nặng nề[12] nhưng thiết nghĩ điều Chúa cần là thiện chí cộng tác của bản thân, nếu nổ lực hết mình, tin chắc Chúa sẽ hoàn tất những gì chính Người đã khởi sự.

Tự bản chất, con người không là một hệ thống đã hoàn chỉnh hay một cơ cấu đã được kiện toàn nhưng là một thực thể hướng đến sự hoàn thiện, luôn cần phải cải tiến và thay đổi. Đáp trả ơn gọi cũng vậy, phải là một tiến trình cố gắng liên lỷ và trọn cả cuộc đời. Dấn thân theo Chúa là chấp nhận vác thập giá đi trên con đường hẹp. Để chu toàn được hành trình ấy, bên cạnh nhà đào tạo và tác nhân chính là Chúa Thánh Thần, thiết nghĩ “không ai có thể trám chỗ cho tự do hữu trách của mỗi người với tư cách là ngôi vị độc nhất.”[13] Vì thế, người chủng sinh phải sống và rèn luyện thế nào, hầu có thể chu toàn sứ vụ linh mục “là người phải tháp tùng tha nhân trong suốt hành trình cuộc sống và cho đến cánh cửa sự chết, để là cầu nối chứ không là chướng ngại vật.”[14] Chúng ta được mời gọi không phải để cho riêng mình, nhưng là sống cho Thiên Chúa và tha nhân.

3- Abraham cho Thiên Chúa, cho một dân tộc và cho nhân loại

Thiên Chúa chọn gọi Abraham trước hết là vì yêu thương ông, và những lời hứa thánh cũng nhắm tới ông trước hết, nhưng đó không là mục đích tối hậu của việc chọn lựa này. Ông được chọn để từ nơi ông một dân tộc thánh được hình thành, để muôn dân được chúc phúc và để nhân loại nhận được ơn cứu độ. Abraham được chọn cho một khởi sự mới, ơn cứu chuộc cho cả nhân loại bắt đầu được giao mầm. Ông như người đại diện của nhân loại trước mặt Thiên Chúa. Vị tổ phụ đã đứng ra đối thoại với Thiên Chúa trước ý định phạt các thành phố tội lỗi (St 18,16-33). Ông được xem như người mang phúc lành đến cho nhân loại, “vì dòng dõi ngươi mà tất cả các dân tộc sẽ được chúc phúc” (St 22,18). Về sau, trong những thời khắc lịch sử đe dọa sự tồn vong của Israel, các Ngôn Sứ đã tìm được niềm tin khi nhớ lại ơn gọi của Abraham (Is 51,18; Nk 9,7) và đã nại đến danh của ông để kêu cầu Giavê Thiên Chúa (1V 18,36; Nk 7,20).[15] Như thế, vinh quang ấy nằm ở dòng dõi Abraham và cả nhân loại cứu độ chứ không phải một mình ông.

Ơn gọi linh mục cũng thế, không chỉ cho riêng mình, gia đình mình mà hơn cả là cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội và cho toàn thể nhân loại. Linh mục phát xuất từ Thiên Chúa và cho Thiên Chúa, đó là căn tính của ơn gọi linh mục. Chính chức tư tế của Đức Kitô là nguồn cội duy nhất và là bản mẫu của chức tư tế linh mục. Như thế, ơn gọi của tôi cũng được định hình, được lượng giá và được nhìn qua lăng kính của Thiên Chúa, nó xác định tôi đang là ai và đang ở đâu. Chừng nào trên hành trình tiến tới, bản thân chưa ý thức được điều đó là mình đang gắng sức để ‘làm linh mục’ mà chưa phải để ‘là linh mục’. Thiên Chúa cần những linh mục chứ không cần những ‘công chức linh mục’. Thuộc về Thiên Chúa phải luôn là thao thức trong suốt hành trình đáp trả ơn gọi của tôi.

Linh mục không nhân danh bản thân nhưng hành đồng trong Chúa Kitô và nhân danh Giáo Hội(in persona Christi et in nomine ecclesiae). Vì thế, linh mục còn là người đại diện của Giáo Hội: “Họ được chọn trong số người phàm và được đặt lên làm đại diện cho loài người trong các mối tương quan với Thiên Chúa (Dt 5,1). Đàng khác, linh mục còn là sứ giả, là cánh tay nối dài và là chính Giáo Hội. Do đó, linh mục chẳng những phải luôn thuộc về Giáo Hội mà còn phải thể hiện nơi chính mình căn tính của Giáo Hội. Đặc biệt, linh mục thuộc về Thiên Chúa và Giáo Hội để cho mọi người. Điều nổi trội trong sứ vụ linh mục chính là phục vụ, thể hiện trọn vẹn đức ái mục tử theo gương Thầy Chí Thánh “đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình” (Mc 10,45), “đến để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). “Ơn gọi không bao giờ tách biệt chúng ta ra khỏi cộng đồng tín hữu để ‘ăn trên ngồi trước’ hay để sống xa cách, nhưng để ở giữa họ và phục vụ họ. Lý do sự hiện hữu của linh mục là để phục vụ dân Chúa. Chức linh mục không phải là một bước đi lên trong bậc thang xã hội, nhưng là một sự dấn thân đặc biệt, trong khiêm nhường phục vụ, đến với con người để trở thành ‘một người ở giữa mọi người’.”[16] Đó là sự trao hiến hoàn toàn tự do trong bổn trách, là trở nên tất cả cho mọi người, hầu cứu được nhiều linh hồn (1Cr 9,22). Như thế, linh mục phải là khí cụ của Chúa, là người phục vụ Tin Mừng. Điều này nhắc tôi tránh thái độ ‘quy ngã’, hay năng nổ trong công việc của Chúa mà quên đi Chúa của công việc. Mặc dù ơn gọi có tính cách cá nhân, nhưng không phải chỉ cho cá nhân, vì thế, đáp trả ơn gọi tuy có tính cá vị nhưng kết quả của nó ảnh hưởng vượt xa chiều kích cá vị. Ước gì đó sẽ luôn là trăn trở của bản thân trong suốt hành trình đáp trả, tiến trình trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, trở nên khí cụ vừa tay của Thiên Chúa trong ý định cứu độ tình yêu của Người.

Kết luận

Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Đọc lại lịch sử cứu độ, cách riêng trên phạm trù ‘tuyển chọn’ ta nhận thấy tình yêu đó thật nhiệm mầu. Ơn gọi là một huyền nhiệm, một quà tặng lớn lao và nhưng không của Thiên Chúa. Trong ơn gọi, Người luôn đi bước trước và chờ đợi con người đón nhận và đáp trả. Sự thành toàn của ơn gọi hệ tại ở cả hai: Thiên Chúa và con người. Mỗi chúng ta, hãy như Abraham vâng phục và lên đường với tất cả sự tín thác vào Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã mời gọi chúng ta bằng tình yêu và cho chúng ta cộng tác vào chương trình cứu độ của Người. Không ai trong chúng ta được sinh ra trong tình trạng trưởng thành nhưng là tình trạng ấu thơ, rồi theo năm tháng cùng với những ‘nếp nhăn’ thậm chí là ‘bầm dập’ của sự cố gắng và nổ lực, ta được lớn lên. Hành trình gắn bó và biến đổi để nên giống Đức Kitô cũng vậy, không phải ngẫu nhiên nhưng là cả một tiến trình phấn đấu không ngưng nghỉ. Nhờ đó mới có thể đáp trả, sống trọn thiên chức của mình, vì “chức linh mục là một ơn gọi chứ không là một nghề nghiệp, một tái xác định chứ không chỉ là một thừa tác vụ mới, một lối sống chứ không phải một công việc, một tình trạng về bản chất chứ không phải một chức năng, một sự dấn thân vĩnh viễn chứ không phải một kiểu phục vụ tạm thời”.[17]

Phaolô Lê Văn Hùng 

[1] Neal M. Flanagan, Lịch Sử Cứu Độ – dẫn vào Thánh Kinh, n.d. Võ Đức Minh, 24
[2] Fx Lê Văn Hồng, Giảng tĩnh tâm linh mục Huế, (lưu hành nội bộ, 2008)
[3] Pet Lê Quang Phú, “Ơn gọi linh mục”2009, http://tnttvn.com, truy cập ngày 25/11/2011
[4] Gioan Phaolô II, Ân huệ và mầu nhiệm (không nhớ rõ các thông tin khác)
[5] Gioan Phaolô II, Ân huệ và mầu nhiệm
[6] Tanila Hoàng Đắc Ánh, Lịch sử cứu độ, (Sài gòn: NXB học viện Đa Minh, 2004), 26

[7] Neal M. Flanagan, Lịch Sử Cứu Độ – dẫn vào Thánh Kinh, 27
[8] Bênêđictô XVI,”Thư gửi các chủng sinh”,2010, n.d.Trần Đức Anh,http://vietcatholicnews.com, truy cập ngày 22/10/2010
[9] Timothy M.Dolan, Linh mục cho ngàn năm thứ ba, n.d. Trần Đình Quảng, (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2009), 34
[10] Gioan Phaolô II, Pastores Dabovobis, 1992, 43
[11] Bênêđictô XI, Sứ điệp ngày thế giới cầu cho ơn gọi, n.d Trần Đức Anh, 2010, http://vietcatholicnews.com, truy cập ngày 27/11/2011
[12] Mc 14,30.
[13] Gioan Phaolô II, Pastores Dabovois, 69
[14] Bênêđictô XVI, “Thư gửi các chủng sinh”http://vietcatholicnews.com
[15] Nguyễn Trí Dũng, “Từ Vựng Thần Học Kinh Thánh”2011http://www.dunglac.org, truy cập ngày 30/11/2011
[16] http://tnttvn.com
[17] Timothy M.Dolan, Linh mục cho ngàn năm thứ ba, 34

Nguồn: http://lamhong.org