Gia Đình, Tổ Ấm Yêu Thương

CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA THẤT- Năm B

GIA ĐÌNH, TỔ ẤM YÊU THƯƠNG- Trích Logos B

Năm 1915, tòa án đại hình Paris, nước Pháp đã kết án tử hình một cậu thiếu niên 15 tuổi phạm tội cướp của giết người. Trước khi lên đoạn đầu đài, cậu xin một đặc ân : Được ôm hôn vĩnh biệt người cha già.

Nhân viên của đội hành quyết đã chấp nhận lời cầu xin đó. Họ cho mời cha cậu tới. Với dáng điệu bơ phờ, nước mắt ràn rụa, người cha tiến đến bên người con trai. Cậu con trai với khuôn mặt hung bạo, đôi mắt đỏ ngầu, cúi sát vào mặt cha. Cậu muốn nói lời vĩnh biệt chăng ? Không, thay vì hôn người cha để từ biệt, thì cậu đã nghiến chặt hàm răng cắn đứt vành tai của ông. Rồi ngọn lửa căm hờn như hỏa diệm sơn bùng lên trong lòng cậu, cậu gào lên :

– Tôi tha thứ cho xã hội, tha thứ cho quan tòa, tha thứ cho mọi người, nhưng có một người tôi không thể tha thứ được. Đó là cha tôi, con người này đây. Ông đã giáo dục tôi trong sự nuông chiều nhu nhược. Ông đã dạy dỗ tôi bằng cuộc sống ăn chơi trác táng, để hôm nay, thảm kịch đau thương đã đổ xuống trên đầu tôi.

Câu chuyện trên chính là vở bi kịch đã xảy ra trong một gia đình, trong đó, người cha người mẹ đã thiếu quan tâm giáo dục con cái, thậm chí đã trở thành tấm gương xấu cho con cái trong gia đình. Hôm nay, ngày lễ Thánh Gia Thất, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào mẫu gương sáng của Gia Đình Thánh, trong đó Mẹ Maria và thánh Giuse xứng đáng là bậc cha mẹ lý tưởng cho các bậc cha mẹ noi theo.

Mẫu gương vâng phục.

Bài Tin Mừng theo thánh Matthêu hôm nay thuật lại 2 biến cố quan trọng đã xảy ra trong Thánh Gia Thất. Đó là cuộc chạy trốn sang Ai Cập và hồi hương về Nazareth. Trong cả hai biến cố, thánh Giuse và Mẹ Maria đã biểu lộ sự vâng phục trước thánh ý Thiên Chúa với sự mau mắn đầy tin tưởng, phó thác.

Khi được thiên thần Chúa báo mộng hãy đưa Mẹ Maria và Hài Nhi trốn sang Ai Cập và sau đó, khi vua Hêrôđê băng hà lại đưa 2 mẹ con về Nazareth, thánh Giuse lập tức “chỗi dậy” thi hành ý Chúa, dù là  giữa đêm khuya.

Thánh Giuse là gia trưởng trong gia đình. Vì thế, khi Thiên Chúa muốn nói gì với gia đình, đều nói qua thánh Giuse. Dù Mẹ Maria và Chúa Giêsu cao trọng hơn thánh Giuse, nhưng các Ngài luôn vâng lời thánh Giuse như vâng lời Thiên Chúa.

Chính việc vâng phục thánh ý Thiên Chúa đã làm nên sự thánh thiện tuyệt vời ở nơi thánh Giuse và Mẹ Maria. Cũng vì vậy, các Ngài đã xây dựng được một gia đình thánh.

Mẫu gương can đảm.

Để cứu Hài Nhi Giêsu thoát khỏi bàn tay khát máu của vua Hêrôđê, thánh Giuse và Mẹ Maria đã phải trải qua một cuộc hành trình gian khổ dài gần 500 cây số. Trên cuộc hành trình đó, các Ngài phải vượt qua sa mạc El – Arish dài 200 cây số toàn cát trắng, không một bóng cây, không một ngọn cỏ, không một giếng nước. Người và lạc đà phải mang đủ đồ ăn, nước uống để chịu đựng cả nửa tháng trời đi trong sa mạc cháy bỏng.

Qua những gian nan, thử thách, thánh Giuse và Mẹ Maria đã chứng tỏ mình là bậc gia trưởng và hiền mẫu đầy dũng cảm, đã hy sinh tận tuỵ trong việc chăm sóc và bảo vệ Chúa Giêsu. Lòng can đảm và nghị lực ấy được các Ngài kín múc từ Thiên Chúa là nguồn sức mạnh vô biên mà các Ngài hằng cậy trông.

Xây dựng một tổ ấm tình thương.

Hôm nay, ngoài mẫu gương sống động của thánh Giuse, Mẹ Maria là bậc gia trưởng và hiền mẫu lý tưởng, phụng vụ Lời Chúa còn mời gọi chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa dạy qua đoạn sách Huấn Ca. Đoạn sách này chính là lời giáo huấn quý giá về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.

Nền tảng của việc thảo kính cha mẹ là chính ý muốn của Thiên Chúa : “Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái, quyền lợi người mẹ, Ngài củng cố trên đàn con”. Ngoài ra, việc thảo kính cha mẹ đem lại rất nhiều ơn ích : Đó là đền bù tội lỗi của mình đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Hơn nữa, lòng thảo hiếu sẽ khiến cho con cái thu tích được một kho tàng quý giá. Kho tàng ấy là lòng hiếu nghĩa sẽ giúp cho người con được trưởng thành trong đạo lý làm người. Lòng hiếu thảo còn làm cho cha mẹ được an vui và nhờ vậy, được sống lâu giữa đoàn con cái xum vầy. Sau cùng, con cái thảo hiếu với cha mẹ, thì mai sau cũng được đáp trả bằng sự hiếu kính ở nơi con cái mình.

Đạo làm con còn giúp cho người ta trở nên tốt hơn trong đạo làm người, như câu chuyện sau đây :

Ông Mahatma Gandhi, vị lãnh tụ nổi tiếng của Ấn Độ, luôn tự hào là người không bao giờ nói dối. Ông có được đức tính ấy là nhờ mẹ ông.

Một hôm, Gandhi ở trường về, ông sợ mẹ trách mắng nên đã nói dối mẹ một việc nhỏ. Nhưng mẹ ông biết chuyện ấy. Vì thế, ngày hôm đó bà buồn rầu không ăn uống gì. Gandhi hết lời van nài, nhưng bà mẹ vẫn nhất định không chịu ăn. Cuối cùng, mẹ ông giải thích :

– Thà mẹ thấy con chết hơn là thấy con nói dối. Vì nói dối chính là biểu lộ một tâm hồn khiếp nhược. Có người con như thế là một mối nhục cho mẹ. Mẹ không muốn sống nữa. Nghe thế, Gandhi liền đứng dậy đi thẳng vào nhà bếp, lấy một cục than hồng đặt trên bàn tay và nói với mẹ :

– Con thề với mẹ, suốt đời con sẽ không bao giờ nói dối nữa !

Từ đó, Gandhi không bao giờ thất hứa với mẹ. Ông thường kể lại : “Vết sẹo trên bàn tay tôi là hình bóng của mẹ tôi, không bao giờ rời bỏ tôi. Đó là vị thần phù hộ tôi luôn sống ngay thẳng và trọng danh dự”.

Trong bài đọc II (Thư Colossê), thánh Phaolô kể ra những đức tính quý báu trong cuộc sống gia đình : Từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau.

Trong các đức tính ấy, thánh Phaolô đặc biệt lưu ý đến việc tha thứ cho nhau : “Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau”.

Gia đình giống như “ngôi nhà lý tưởng” được xây dựng trên một nền móng vững chắc. Nền tảng vững chắc đó không gì khác hơn là chính Thiên Chúa. Gia đình nằm ngoài nền móng ấy, sẽ lung lay và sụp đổ.

“Ngôi nhà” ấy sẽ có người cha, người mẹ dũng cảm và thánh thiện như mái nhà che chở đàn con. “Ngôi nhà” ấy cũng phải được xây dựng bằng những viên gạch yêu thương của mọi thành viên trong gia đình. “Ngôi nhà” ấy có nóc là người cha, có cột đỡ nâng là người mẹ, làm nên tổ ấm yêu thương. “Ngôi nhà” ấy có những cánh cửa luôn mở ra để đón tiếp mọi người trong tinh thần tương thân tương ái. “Ngôi nhà” ấy luôn hướng mặt về Thiên Chúa để đón nhận thánh ý Ngài và thi hành trong cuộc sống. “Ngôi nhà” ấy luôn có bếp lửa hồng tỏa hơi ấm tình thương, xua tan giá băng lạnh lẽo. “Ngôi nhà” ấy luôn có Chúa ở cùng, có phúc lộc tràn đầy. Gia đình luôn phải là một tổ ấm đầy tình yêu thương.

Nguồn: https://www.giaophanbaria.org