"Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".
LỜI CHÚA: Mc 1,7-11
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Gioan rao giảng rằng: "Có Đấng đến sau tôi, nhưng quyền lực hơn tôi, tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Người. Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Người, Người sẽ rửa anh em trong Thánh Thần."
Và đã xảy ra là trong những ngày đó, Chúa Giêsu từ Nadarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Khi vừa lên khỏi nước, Người liền thấy trời mở ra, thấy Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".
Suy Niệm 1: Người con yêu quý
Vào thế kỷ thứ IV, Ario truyền bá một lạc thuyết vô cùng nguy hại. Ario chủ trương rằng Đức Kitô không thực sự là Con Thiên Chúa. Hoàng đế Theôđôsiô đỡ đầu cho lạc thuyết này. Cũng vào lúc ấy hoàng đế phong cho hoàng tử mới 16 tuổi của ông được cùng trị vì trên ngai vàng với ông. Trong những khách được mời đến dự buổi lễ phong vương, có Đức Giám mục Amphilôcô. Đức Giám mục chỉ nói vài lời chúc mừng rồi chuẩn bị ra về. Hoàng đế giận dữ hỏi: Ngài không quan tâm đến hoàng tử sao? Ngài không biết rằng ta phong cho hoàng tử cùng trị vì với ta hay sao? Vị Giám mục bình tĩnh trả lời: Tâu hoàng thượng, hoàng thượng phật ý trước sự giả bộ thờ ơ của tôi đối với hoàng tử, vì tôi đã tỏ ra không tôn kính hoàng tử như bệ hạ mong muốn. Vậy Thiên Chúa sẽ nghĩ sao về hoàng thượng, khi hoàng thượng giáng cấp Người Con ngang hàng và cùng hiện hữu với Ngài dưới danh hiệu Con Thiên Chúa.
Từ câu chuyện trên chúng ta thấy: Ngày nay có nhiều người, kể cả một số người mệnh danh là Kitô hữu, đã chối bỏ hoặc nghi ngờ thiên tính của Đức Kitô. Thiết tưởng những người ấy hãy lắng nghe lời Chúa Cha tuyên phong trong đoạn Tin Mừng sáng hôm nay: Con là Con yêu quý của Cha, Cha hài lòng về Con.
Việc Đức Kitô chịu phép Rửa bởi Gioan đánh dấu bước khởi đầu công cuộc cứu độ của Ngài. Công cuộc trọng đại này là hành động của cả Ba Ngôi, vì chúng ta thấy Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống, đồng thời Chúa Cha phán bảo. Biến cố này rất quan trọng, nên Giáo Hội muốn chúng ta mừng kính riêng trong Chúa nhật hôm nay, tựa như ngày đăng quang của Đức Giáo Hoàng hay ngày nhận chức của một tổng thống.
Đặc điểm chúng ta cần nhấn mạnh đó là Chúa Cha trên trời hài lòng về Người Con yêu quý của Ngài, là Đức Kitô. Có người cha nào lại không vui mừng khi người con của mình khởi sự một chức vụ quan trọng: người cha của một bác sĩ, người cha của một tân linh mục, người cha của chú rể trong ngày cưới. Niềm vui ấy càng lớn lao hơn khi người con ấy vâng phục và tôn kính cha mình.
Đức Kitô là một người con yêu mến và vâng phục Chúa Cha. Đồng thời Ngài luôn khoan dung và khiêm tốn như một kẻ tôi tớ, vì thế, Chúa Cha luôn hài lòng về Ngài. Còn chúng ta thì sao?
Với bí tích Rửa Tội đã lãnh nhận, chúng ta được mời gọi để nhận biết, yêu mến và phụng sự Cha trên trời, khi chúng ta cố gắng chu toàn thánh ý Ngài giữa lòng cuộc đời, khi chúng ta cố gắng sống mầu nhiệm của bí tích Rửa Tội, khi chúng ta cố gắng noi theo Người Con Chí Thánh trong sự khiêm tốn và vâng phục, thì chúng ta cũng làm hài lòng Cha trên trời, để rồi trong ngày cuối cùng, chúng ta cũng sẽ được Chúa Cha tuyên phong, như ngày xưa Ngài đã tuyên phong Đức Kitô bên bờ sông Giođan: Con là Con yêu quý của Cha, Cha hài lòng về Con.
Suy Niệm 2: Công dân Nước Trời
Ngày xưa người ta có một quan niệm rất ngộ nghĩnh về vũ trụ. Họ chia vũ trụ thành ba tầng chồng lên nhau. Tầng trên cùng là trời hay thiên đàng, nơi Thiên Chúa cư ngụ. Tầng giữa là đất, nơi loài người và muôn vật sinh sống. Tầng chót là âm phủ, nơi con người sẽ đến sau khi chết.
Từ khi Adong Eva phạm tội, thì tầng giữa, tức thế giới sinh vật ngày càng trở nên tồi tệ. Vì thế, các thánh luôn cầu xin Chúa từ trời ngự xuống để cứu giúp nhân trần. Chẳng hạn tiên tri Isaia đã nài van: Sao Ngài không xé bầu trời mà ngự xuống với chúng con.
Từ quan niệm trên, chúng ta đi vào đoạn Tin mừng sáng hôm nay, chúng ta sẽ dừng lại ở ba sự kiện:
Sự kiện thứ nhất, đó là bầu trời mở ra. Và như thế lời cầu xin của các vị thánh ngày xưa đã được chấp nhận. Thiên Chúa đã đến với nhân loại, khởi đầu cho một kỷ nguyên mới trong lịch sử.
Sự kiện thứ hai, đó là Thần khí Chúa dưới hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài. Sự kiện này nhắc cho chúng ta nhớ lại lúc bắt đầu công cuộc tạo dựng. Thần khí Chúa cũng đã bay lượn trên nước. Và như thế, cùng với Đức Kitô, Thiên Chúa thực hiện việc tái tạo, việc canh tân thế giới hay nói cách khác, Ngài thực hiện một công cuộc tạo dựng mới.
Và sau cùng, sự kiện thứ ba, đó là tiếng nói từ trời: Này là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Sự kiện này muốn xác quyết rằng: Đức Kitô là Con Thiên Chúa, là Adong mới, là trưởng tử của công cuộc tạo dựng mới này, như lời thánh Phaolô đã viết: Người thứ nhất là Adong từ đất mà ra nên thuộc về đất. Còn người thứ hai là Đức Kitô từ trời mà đến. Chúng ta đã mang trong mình hình ảnh con người bởi đất, tức Adong cũ thế nào, thì chúng ta cũng phải mang lấy hình ảnh con người bởi trời, tức Adong mới như vậy.
Từ đó chúng ta đi tới kết luận: Chúng ta là công dân của hai thế giới, bởi vì chúng ta mang trong mình hình ảnh của Adong thứ nhất cũng như của Adong thứ hai. Chúng ta chia sẻ sự sống với cả hai vị này. Kinh nghiệm cho thấy: Chúng ta đã từng bị lôi cuốn về mặt xác thịt của Adong thứ nhất, nhưng đồng thời cũng được sự thôi thúc về tinh thần của Adong thứ hai. Chúng ta thường bị xâu xé giữa sự thiện và sự ác, để rồi sự thiện chúng ta muốn thì chúng ta lại không làm, còn điều ác chúng ta ghét thì chúng ta lại làm.
Ý thức được như vậy, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta luôn bước đi trên đường nẻo của Ngài, thực thi những điều Ngài truyền dạy, để nhờ đó chúng ta cũng sẽ được Ngài tuyên phong vào ngày sau hết: Này là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.
Suy Niệm 3: Đức Giêsu chịu phép rửa
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Đức Giêsu chịu phép rửa. Thêm một lần nữa Kitô-hữu nhận ra Đức Giêsu sống trọn thân phận con người, khi Ngài nhận mình đồng hàng với con người cần lòng thương xót của Thiên Chúa. Mặt khác, chính khi Ngài yêu thương và đồng hóa mình với anh em, thì Thiên Chúa xác chuẩn Ngài là Con Yêu Dấu của Thiên Chúa. Ngài tỏ lộ chân tướng của Ngài qua hành vi và cung cách cư xử của Ngài.
1) Đức Giêsu chịu phép rửa
Đức Giêsu được sinh ra trong chuồng chiên cừu, lớn lên và làm việc tại Nazaret. Ngài ăn cùng thức ăn như họ, cùng hưởng bầu không khí như họ, hưởng một nền giáo dục như bao trẻ em làng Nazaret thời đó, đặc biệt nền giáo dục về tôn giáo. Đức Giêsu đã trưởng thành từ làng quê Nazaret, và là người Do Thái hoàn toàn. Khi nghe tin Gioan xuất hiện như một tiên tri, rao giảng mời gọi toàn dân nhận lãnh phép rửa diễn tả lòng sám hối để đón chờ Thiên Chúa can thiệp cứu dân Người, có lẽ Đức Giêsu đã xin phép mẹ Người, tới với Gioan xin ông thanh tẩy cho.
Đức Giêsu đã cùng với bao người Do Thái khác, lắng nghe Gioan giảng dạy, và lần lượt tới để được thanh tẩy trong dòng sông Giordan. Đức Giêsu đã sống như bao người trẻ khác ở Nazarét, và giây phút ở sông Giordan này, Đức Giêsu cho thấy Ngài chia sẻ thân phận con người hoàn toàn, Ngài là người giữa bao người, Ngài hành xử như tất cả mọi người.
Con người, với thể xác và linh hồn, là thực tại vô cùng cao quý. Con người được mời gọi vươn lên thành con người trọn vẹn, thành thánh, chia sẻ sự sống và hạnh phúc với Thiên Chúa. Con người hình thành chính mình qua cung cách cư xử và chọn lựa của mình. Qua hành vi “xin vâng,” Đức Maria trở nên con người tuyệt vời; qua cách hành xử “của ăn của Ta là làm theo Đấng đã sai Ta,” Đức Giêsu cho thấy Ngài là một với Thiên Chúa trong tất cả.
2) Ngài vượt trên tôi, sao Ngài lại đến với tôi?
Theo đức tin của Kitô-hữu, Đức Giêsu là Ngôi Lời nhập thể, là Con Thiên Chúa giáng trần, là Đấng vô tội, vậy tại sao Ngài lại chịu phép rửa? Nếu bảo rằng Ngài chịu phép rửa để làm gương cho con người khi Ngài không cần phải chịu phép rửa, phải chăng hàm chứa nói Ngài “giả hình”, “làm bộ.” Khiêm nhường là sự thật, giả hình hay làm bộ, chẳng làm gương sáng cho ai, mà chỉ là gương xấu.
Đức Giêsu chịu phép rửa thống hối, vì Ngài cần phải chịu phép rửa. Đức Giêsu không làm bộ hay giả hình. Ngài chịu phép rửa, vì Ngài đại diện con người, Ngài mang nơi mình tội của tất cả con người, nên Ngài thống hối nhân danh tất cả con người: “đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.” Ngài chịu phép rửa thống hối không phải vì Ngài, nhưng vì Ngài “gánh tội trần gian,” Ngài đại diện con người xin Thiên Chúa tha thứ lỗi lầm của tất cả con người.
Gioan đã nói: “Sao Ngài lại đến với tôi? Tôi mới là người phải đến với Ngài chứ.” Gioan tiền hô đã nhận ra Đức Giêsu là con người đặc biệt, trổi vượt trên mình. Ngày nay, người ta nhận biết chân tính của Đức Giêsu nhờ ánh sáng biến cố phục sinh, nhưng ở thời điểm của Gioan tiền hô, người ta chưa biết điều này. Khi Gioan nhận ra mình “không đáng cởi dây giầy” cho Ngài, Gioan đang làm chứng cho thấy phần nào chân tướng của Đức Giêsu. Đức Giêsu là con người rất đặc biệt.
3) Này là Con Ta rất yêu dấu
Đa số người ta hiểu rằng, Đức Giêsu biết mình là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Thiên Chúa nhập thể, nên Ngài biết hết mọi sự. Tuy nhiên có một số nhà thần học, và ngay cả một số tác giả tin mừng cho thấy Đức Giêsu chia sẻ trọn vẹn thân phận con người, nghĩa là, Ngài không biết trước mọi chuyện, có nhiều điều Ngài không biết. Những người này chủ trương, là người thì không ai biết tất cả tương lai mình, nếu Đức Giêsu biết trước hết mọi chuyện thì Đức Giêsu không chia sẻ trọn thân phận con người. Mà theo đức tin Kitô, Đức Giêsu là người trọn vẹn, nên có nhiều điều Đức Giêsu không biết khi Ngài đang sống tại trần gian.
Là người, là chấp nhận đi trong đêm tối của đức tin. Như Abraham ra đi trong niềm tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa, cho dù không biết tương lai mình như thế nào, chỉ tin vào Thiên Chúa và lời hứa của Ngài mà cất bước ra đi. Đức Maria thưa tiếng “xin vâng,” cũng không biết rõ tương lai đời mình, chỉ tin tưởng rằng những gì Thiên Chúa phán với mình sẽ được thành sự. Đức Giêsu cũng không biết rõ tương lai đời mình, nên cũng phải sống trong niềm tin tưởng phó thác như bất cứ con người nào khác. Khi Đức Giêsu chịu phép rửa, là Ngài hành xử theo tiếng gọi của tình yêu, Ngài yêu thương con người đến độ muốn mang vác tất cả tội lỗi cho con người. Đây là một hành vi yêu thương và đẹp tuyệt vời, yêu thương con người ngay khi người tội lỗi: bất toàn và gian ác.
Thiên Chúa đã chuẩn nhận hành vi của Đức Giêsu: “Con là Con Ta rất yêu dấu, Ta hài lòng vì Con.” Theo tin mừng Mác-cô, tiếng này nói cho chính Đức Giêsu. Là người, Đức Giêsu cũng cần một lời chuẩn nhận của Thiên Chúa như bao người khác cần Thiên Chúa chuẩn nhận khi họ được sai gởi thi hành ý định của Thiên Chúa. Hành vi của con người diễn tả chân tướng của họ. Qua hành vi “chịu phép rửa” này, Đức Giêsu biểu lộ chân tính của Ngài: Con Yêu Quý của Thiên Chúa. Đức Giêsu tiếp tục sống, và qua chính cung cách hành xử “yêu thương đến hiến dâng chính mạng sống mình,” Đức Giêsu cho thấy tình yêu của Ngài đối với con người, và cũng mặc khải tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Bạn nghĩ sao về quan điểm: con người hình thành chính mình qua cung cách hành xử và chọn lựa của mình?
2. Bạn có thể trở thành người tuyệt vời không? Bằng cách nào?
Suy Niệm 4: Chúa Giêsu chịu phép rửa
(Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Chủ đề: Người đời thường chạy tội, đổ lỗi cho người khác, còn Chúa Giêsu lại sẵn sàng gánh tội cho hết mọi người.
Một trong những thói xấu nghiêm trọng gây thiệt hại không nhỏ cho xã hội là thói đổ lỗi cho người khác, không chịu nhận trách nhiệm về mình.
Căn bệnh nầy đã xuất hiện ngay từ khởi thuỷ loài người.
Sau khi hai ông bà nguyên tổ phạm tội ăn trái cấm bất tuân lệnh Chúa (St 3, 1-18), Thiên Chúa đến hạch tội A-đam: "Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?"
A-đam bèn đổ lỗi cho cả Thiên Chúa lẫn E-và: Tại vì "người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con mới ăn." Nói như thế, A-đam cho rằng cả Chúa cũng có trách nhiệm trong vụ việc nầy, tại vì Chúa đã trao người đàn bà nhẹ dạ nầy cho ông; giá như Chúa không dựng nên E-và và trao nàng cho Ađam thì đâu đến nỗi nầy).
Bấy giờ Chúa quay ra hỏi tội E-và: "Ngươi đã làm gì?" Người đàn bà liền trút tội cho con rắn: Tại vì "con rắn đã lừa dối con, nên con đã ăn". (St 3, 9-13)
Có vô số dê tế thần để người ta trút hết tội lỗi lên đầu chúng: tại ông, tại bà, tại trời, tại đất, tại gió, tại mưa... Bao nhiêu hậu quả và trách nhiệm đáng phải chịu vì lầm lỗi của mình, người ta đùn đẩy qua cho người khác. Tìm đâu ra con người dũng cảm dám đứng ra nhận lấy phần lỗi của mình và gánh lấy hậu quả do mình gây ra?
Trong khi đó, mặc dầu Chúa Giêsu được Gioan giới thiệu là Đấng quyền thế lớn lao, thậm chí Gioan không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người; là Đấng sẽ cử hành một phép rửa ngàn lần cao trọng hơn phép rửa của Gioan - "Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước; còn Người, Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần" - vậy mà Chúa Giêsu lại đến với Gioan như một người tội lỗi, chăm chú nghe Gioan rao giảng, hoà mình với những người thu thuế, những tên cướp của giết người, những hạng người đàng điếm, côn đồ và với bao nhiêu người tội lỗi khác để chờ đến phiên mình bước xuống dòng sông Gio-đan, nhờ Gioan làm phép rửa cho.
Nhưng, Chúa Giêsu là Đấng không hề vướng tội, thì sao lại phải chịu phép rửa bởi Gioan?
Chúa Giêsu chịu phép rửa không phải vì tội lỗi của Người nhưng vì tội lỗi của nhân loại mà Người đã mang vào thân. Người là "Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta" (2Cr 5, 21). Người đến làm con "Chiên của Thiên Chúa" gánh lấy tội lỗi thế gian (Ga 1,29) thay cho các con chiên đền tội thời Cựu Ước.
Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, Chúa Giêsu trở thành tội nhân, nên Người phải hoà mình với những tội nhân khác để cho ngôn sứ Gioan làm phép rửa cho Người.
Chính vì mang lấy tội lỗi nhân loại vào thân, Người đã bị kết án chết thảm thương trên thập giá để đền thay tội lỗi muôn người. "Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá. Để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành". (1 Pr 2, 24).
Cao đẹp thay, quảng đại thay hành vi hạ mình gánh lấy tội lỗi nhân loại của Chúa Giêsu. Người mãi mãi là gương mẫu của chúng ta và đáng cho chúng ta khâm phục tôn thờ.
Lạy Chúa Giêsu,
Biết đến bao giờ con mới chừa bỏ được thói trút tội lên đầu người khác và chối bỏ trách nhiệm của mình?
Biết bao giờ con mới có đủ bản lãnh và can trường để đứng ra chịu trách nhiệm về những thiệt hại mình đã gây ra?
Ước gì tấm gương khiêm nhường của Chúa hạ mình xuống nhận phép rửa dưới dòng sông Gio-đan vì tội lỗi nhân loại sẽ luôn là động cơ giúp con sửa chữa thói chạy tội vô trách nhiệm của mình.
Nguồn: http://gplongxuyen.org/