Đi Tìm Cái Đẹp
ĐẶT VẤN ĐỀ
Ta khen bông hoa này đẹp, cô gái kia đẹp, ngôi nhà của bạn đẹp thật, bài hát này hay thật,... Nhưng khi được hỏi tại sao bông hoa này đẹp, cô gái kia đẹp, bài hát này hay? Cái đẹp đó xuất phát từ đâu? Do nhận định của mỗi cá nhân hay cái đẹp là bản chất vốn có trong bông hoa, trong cô gái, trong bản nhạc kia? Lúc đó, chúng ta lại rơi vào tình trạng lúng túng và khó khăn trong việc làm thỏa mãn những thắc mắc đó. Thật mừng khi tình cờ tìm đọc tác phẩm “Đi tìm cái đẹp” của hai tác giả Lê Ngọc Trà và Lâm Vinh được nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1984. Tác phẩm được chia làm bốn chương, gồm những nội dung mà bản thân nhận thấy nó mang lại những kiến thức rất hữu ích. Tuy không thể giúp bản thân có thể giải quyết hết những thắc mắc cách rốt ráo, song phần nào giúp tôi mở rộng kiến thức, có cái nhìn mới mang tính khoa học hơn về cái đẹp. Nội dung quyển sách gồm: Cuộc hành trình đi tìm cái đẹp, cái đẹp là gì? cái đẹp ở đâu? đến với cái đẹp. Nội dung quyển sách đã cuốn hút, hấp dẫn tôi và tôi muốn tiếp cận ngay với một tâm trạng thích thú những nội dung mà tác phẩm sẽ trình bày.
NỘI DUNG
Phần I: Cuộc Hành Trình Đi Tìm Cái Đẹp
Dường như thời nào, thế hệ nào cũng tìm cách trả lời các câu hỏi: “Cái đẹp do đâu mà có? Thần thánh hay con người? Do một ý niệm vô hình hay do bản thân cuộc sống? Do mỗi người nghĩ ra hay do hiện thực khách quan? Cái đẹp vốn có sẵn trong thiên nhiên hay có liên quan đến vai trò của con người? Cái đẹp, cái xấu chỉ tùy thuộc vào sở thích riêng, vào sự đánh giá của mỗi người hay còn tùy thuộc vào những tiêu chuẩn khách quan? Cái đẹp phải chăng cũng là cái tốt, cái thật, cái có ích, cái có lợi, hay còn có gì khác những cái đó? Nghệ thuật là một loại hình của cái đẹp nói chung, có gì khác với các hình thức khác?
Người ta cho rằng khoa học thẩm mỹ ra đời từ thời cổ đại, Plato và Aristote là hai ông tổ của khoa học thẩm mỹ. Hai quan niệm khác nhau về cái đẹp đã gây ra những tranh luận hàng ngàn năm nay. Chính cuộc tranh luận về cái đẹp thời cổ đại đặt nền móng cho khoa học thẩm mỹ. Đến thế kỷ XVIII một triết gia người Đức đã viết một cuốn triết học và lấy tên là mỹ học và cũng chính là tên mà người ta đặt cho khoa học về cái đẹp.
Quan điểm thẩm mỹ không chỉ xuất hiện trong những học thuyết được ghi trong sách của các nhà triết học nhưng nó đã vốn có nơi mỗi người. M. Gorki đã nói: “Con người bẩm sinh là nghệ sĩ, dù ở đâu, bằng cách này hay cách khác, đều muốn đưa cái đẹp vào cuộc sống của mình”. Những hình con thú được khắc trên tường trong các hang đá thời xa xưa. Những kiến trúc, những bức tượng, những câu ca dao hay những hình ảnh được trang trí nơi tôn nghiêm đã nói lên tính nghệ sĩ trong con người.
Cuộc tranh luận về cái đẹp và không đẹp cứ kéo dài bằng nhiều hình thức qua nhiều thời đại cho đến hôm nay, nhưng vẫn đang tiếp diễn. Từ viện hàn lâm, nơi bảo tàng cho đến các hiệu may mặc, phòng hớt tóc cho đến các cửa hàng bách hóa,…
Tuy tính chất trọng đại của những cuộc tranh luận này khác nhau nhưng đều giống nhau ở tiêu chuẩn lựa chọn cái đẹp. Những cuộc tranh luận này càng diễn ra phong phú và gay gắt hơn trong thế giới hiện đại. Khi mà khoa học phát triển, cách nhìn nhận, cảm nhận của mỗi người cũng phát triển, gu thẩm mỹ cũng khác nhau. Nhiều sản phẩm thẩm mỹ ra đời phục vụ cho đời sống nghệ thuật của con người kéo theo sự xuất hiện nhiều quan niệm khác nhau về cái đẹp và nghệ thuật.
Người ta có thể trả lời chính xác các câu hỏi vì sao và như thế nào đối với những hiện tượng thiên nhiên và xã hội nào đó. Nhưng đối với cái đẹp và nghệ thuật thì không thể giải đáp được, dù câu hỏi đơn gian như: tại sao thích hoa? vì sao hoa đẹp? vì sao và vì sao…Hiện nay, quan niệm cho rằng những nguồn gốc thần linh hay ý niệm đơn thuần có vai trò chi phối cái đẹp, theo lối duy tâm khách quan không phổ biến bằng quan điểm “khách quan” của chủ nghĩa duy vật siêu hình: hiện tượng, sự vật đẹp không lệ thuộc vào vai trò của con người, không có liên quan đến một nhân tố chủ quan nào. Cái đẹp chính ở màu sắc, đường nét, hình khối và âm thanh, hành động… Đó là đặc điểm vật lý của sự vật vốn đã có trước con người và ngoài ý nghĩ chủ quan của con người.
Phần II: Cái Đẹp Là Gì?
Cái đẹp kia đến từ đâu? Từ nó hay từ trong lòng bạn? Có ý kiến cho rằng cái đẹp đến từ trong tâm linh của mỗi người. Ngược lại, có ý kiến cho cái đẹp có cơ sở khách quan, không hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người. Vậy cái đẹp là gì?
Có tư tưởng cho rằng cái đẹp là sự hài hòa, sự phối hợp nhịp nhàng như thế nào đó giữa các phần trong tổng thể mà chúng tạo hình. Hài hòa là cơ sở tự nhiên của cái đẹp. Khi quan sát bất kỳ một vật gì trong tự nhiên vô cơ hay hữu cơ, chúng ta đều bắt gặp tính hài hòa trong cấu trúc của nó. Từ cấu trúc hài hòa của một bông hoa cho tới hình dáng con người, ta sẽ thấy nguyên lý tối ưu của sự sắp xếp và kiến tạo tự nhiên đã biểu lộ hết sức đầy đủ. Hài hòa không chỉ là cái phổ biến mà còn là quy luật của sự sống, nền tảng của mọi sự tồn tại âm dương, nóng lạnh, ý thức và bản năng,…
Ta thấy có cái hài hòa rất cụ thể và cái đẹp cũng rất cụ thể. Vậy ta có thể đo cái đẹp được không? Thưa có. Một bông hoa, một áng mây, một ngọn núi,…gợi lên trong chúng ta cảm giác thẩm mỹ và có thể đo được cái đẹp. Khi so sánh các giọng hát của một số ca sĩ người ta khám phá ra được vẻ đẹp bí ẩn của âm thanh,…Tuy nhiên nó cũng gặp những khó khăn, vì cái đẹp không chỉ thể hiện sự hài hòa cụ thể bên ngoài, nhưng còn nằm trong các mối liên hệ trừu tượng bên trong. Vì thế, sẽ không có cái đẹp hoàn thiện nếu không có cả sự hài hòa bên ngoài lẫn bên trong.
Cái đẹp ngoài do sự hài hòa của sự vật thì còn bắt nguồn từ ý niệm về giá trị, về ý nghĩa xã hội – thực tiễn của sự vật. Có người cho rằng sự vật đẹp khi nó mang lại những lợi ích, nhưng có người lại cho đó là do giá trị nhận thức. Ngoài ra còn nhiều ý kiến cho cái đẹp là cái thiện, lòng tốt,…
Phần III: Cái Đẹp Ở Đâu
Trong Thiên Nhiên
Nơi bắt nguồn của những cái đẹp. Trong đời sống con người, thiên nhiên chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Cái đẹp của thiên nhiên gần gũi với tất cả mọi người. Ai lại không thích một bông hoa đẹp, một đêm trăng,…vẻ đẹp thiên nhiên là thước đo đầu tiên của vẻ đẹp trong đời sống con người. Khi sáng tạo theo những quy luật của cái đẹp, con người đã mượn những thước đo, những khuôn mẫu của tự nhiên. Thiên nhiên còn là nguồn cảm hứng, là đối tượng mô tả mãi mãi cám dỗ nghệ thuật. Đối với chúng ta, thiên nhiên đẹp hai lần, một lần trong hiện thực, một lần trong tác phẩm.
Thiên nhiên đẹp và hấp dẫn, ai cũng thấy điều đó. Nhưng tại sao những cảnh vật thiên nhiên lại có giá trị thẩm mỹ, những cảnh vật được cho là đẹp lại là câu hỏi khó trả lời. Thời gian trôi qua, những cuộc tranh cãi lắng dần, vấn đề có vẻ rõ hơn, nhưng các câu trả lời hình như vẫn chưa làm ai thỏa mãn.
Từ Thiên Nhiên Thứ Nhất Đến Thiên Nhiên Thứ Hai
Biểu dương con người. Vì từ vẻ đẹp thiên nhiên thứ nhất, con người đã dùng óc sáng tạo của mình để tạo ra vẻ đẹp thiên nhiên thứ hai. Tuy nhiên vẻ đẹp của thiên nhiên thứ hai lại được xem xét ở mức độ tiện nghi, hiệu quả tối đa phục vụ con người. Ngoài tính chất phục vụ, tính dân chủ, những công trình và những sản phẩm còn mang tính chất dân tộc, mang tính truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trong môi trường sống nhân tạo, hàng ngày chúng ta nhìn ngắm vẻ đẹp của những kiến trúc nhà cửa, đền đài, của những đồ dùng và tiện nghi, nảy sinh những cảm xúc, không chỉ là tự hào và ngưỡng mộ về sức mạnh và tài năng của con người để chế tác những sản phẩm đó mà còn ưa thích vẻ đẹp hấp dẫn kỳ diệu nhờ hình thức của chúng.
Đó là sự hấp dẫn nhờ có ngôn ngữ riêng của các loại hình này. Từ hình dáng, đường nét, chất liệu cho đến tỉ lệ giữa các bộ phận với nhau. Trong tất cả những việc làm để tạo ra môi trường thiên nhiên thứ hai, quan trọng nhất là việc đưa quy luật của cái đẹp vào quá trình sản xuất.
Người Đẹp
“Đẹp như tiên” là lời khen cao nhất, nhưng nào ai biết tiên là gì, và tiên đẹp như thế nào. Thế mà bao đời nay trong tưởng tượng của chúng ta, tiên là đẹp nhất. Ở các nước, đẹp nhất cũng là các vị thần. Con người đẹp ở trần gian nếu có chăng theo quan niệm thời xưa thì một là phải nhờ trời sinh, hai là thuộc về giới “con trời”, phải là dòng dõi quý tộc. Để tìm một cách nghĩ khác về nguồn gốc con người đẹp không phải do ý muốn thần linh thật không phải dễ.
Người ta là hoa đất. Trước nay con người tự ví mình với hoa, lấy người nói về hoa và lấy hoa nói về người. Người ta là hoa đất để nói về cái đẹp của con người, trung tâm của mọi cái đẹp của thế giới. Người ta vẫn giải thích cái đẹp thông qua cái hài hòa, và trước hết đó là hài hòa giữa nội dung và hình thức. Ở con người sự hài hòa này càng đạt tới mức độ cao hơn. Khi lựa chọn con người đẹp, người ta thống nhất phải hội tụ cả nội dung lẫn hình thức.
Cách ăn mặc cũng như mọi cái đẹp khác, cần chú ý đến tính chất dân tộc, tìm hiểu thẩm mỹ truyền thống của dân tộc để biết kết hợp vẻ đẹp của dân tộc với vẻ đẹp mới tiếp nhận được từ bên ngoài. Cái đẹp của con người bao gồm các mặt: vẻ đẹp dung nhan, thể chất và vẻ đẹp tinh thần, đạo đức tình cảm. Vẻ đẹp thân thể là sự hài hòa do thiên nhiên và do sự rèn luyện lâu dài qua lao động mà con người đã đạt được. Nhưng điều quan tâm hơn vẫn là vẻ đẹp tinh thần.
Cái Đẹp Và Nghệ Thuật
Nghệ thuật, nơi hội tụ của cái đẹp, cái đẹp rất gần gũi và phổ biến. Nó có mặt ở khắp mọi nơi, có thể bắt gặp trong thiên nhiên, trong những sản phẩm do bàn tay con người tạo ra. Nhưng có lẽ không ở đâu, cái đẹp hiện ra đậm nét như là ở trong nghệ thuật.
Sáng tạo nghệ thuật dù cũng là một hoạt động thẩm mỹ như nhiều hoạt động khác, nhưng ở nó tỉ lệ thẩm mỹ cao hơn, vị trí của cái đẹp quan trọng hơn. Cái đẹp là một trong những điều kiện đầu tiên của nghệ thuật, người nghệ sĩ chính là những người cảm thấy điều đó sâu sắc hơn ai hết, nghệ thuật là nơi hội tụ cái đẹp. Tác phẩm nghệ thuật, ngoài việc phản ảnh vô vàn hiện tượng khác nhau trong đời sống, bao giờ cũng quan tâm ghi lại những gì hài hòa, đẹp đẽ trong cuộc đời. Hiện thực cuộc sống bao giờ cũng là nguồn nội dung vô tận của nghệ thuật.
Những đặc điểm của những cái đẹp trong nghệ thuật. Xét về phương diện thẩm mỹ thì tác phẩm nghệ thuật là những công trình phức tạp, tinh vi nhất, từ âm nhạc cho đến thơ ca. Đặc điểm thứ hai đó là tính biểu cảm, sức truyền cảm của nó.
Tìm cái đẹp trong nghệ thuật. Nghĩa là xét trong nghệ thuật, cái đẹp bộc lộ như thế nào, hiện ra ở đâu. Trước hết chúng bắt đầu trong nội dung tác phẩm, cái đẹp của lý tưởng xã hội, của tình cảm người nghệ sĩ và còn bộc lộ ở phương diện hình thức nghệ thuật. Hình thức tác phẩm muốn đẹp phải thật sự hoàn thiện, nghĩa là hoàn hảo về mặt kỹ thuật, kĩ xảo.
Chúng ta thường nói nghệ thuật là nơi tập trung cao nhất quan hệ thẩm mỹ của con người với hiện thực, và đã là nghệ thuật thì phải đẹp, không đẹp không thành nghệ thuật. Phải chăng cái đẹp và nghệ thuật cũng là một? Đây là một sự nhầm lẫn giữa cái đẹp và nghệ thuật. Trong thực tế từ “nghệ thuật” được hiểu theo những nghĩa khác nhau. Tình trạng những sự vật khác nhau được gọi tên bằng một tên dễ tạo ra cảm giác rằng chúng là một, nhưng thật ra đó chỉ là cảm giác mà thôi. Cái đẹp và nghệ thuật là hai khái niệm tuy có vẻ gần gũi nhau, nhưng thực chất rất khác nhau.
Cái đẹp là phạm trù chỉ những giá trị thẩm mỹ tồn tại khắp nơi, trong thiên nhiên, trong xã hội, ở con người, trong sản phẩm vật chất và tinh thần, trong nghệ thuật. Hoạt động thẩm mỹ là hoạt động nhằm tạo ra các giá trị thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu của con người về cái đẹp. Hoạt động này rất đa dạng, có mặt trong hầu hết các lĩnh vực thực tiễn của con người. Còn nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội, một hoạt động sáng tạo độc đáo, một hình thức giao tiếp đặc biệt của con người, một lĩnh vực của cái đẹp.
Những điều không nên lẫn lộn. Nói cái đẹp là nghệ thuật có đúng không? Rõ ràng cái đẹp rộng lớn hơn nghệ thuật. Cái đẹp không chỉ có trong nghệ thuật mà cả trong thiên nhiên, trong đời sống, trong sản xuất. Sáng tạo nghệ thuật chỉ là một bộ phận trong những hoạt động thẩm mỹ của con người mà thôi, song nghệ thuật không chỉ bó hẹp trong lãnh vực cái đẹp, không phải chỉ là một hiện tượng thẩm mỹ, nghệ thuật là một hoạt động đặc biệt của con người.
Nó thấm nhuần cái đẹp, đồng thời cũng chứa đựng những ý nghĩa và chức năng xã hội khác. Đồng nhất cái đẹp với nghệ thuật sẽ dẫn đến những sai lầm cả trong sáng tác và cảm thủ nghệ thuật. Tóm lại, nói đến nghệ thuật thì không thể không nói đến cái đẹp vì đã là nghệ thuật thì phải đẹp. Song nghệ thuật cũng không phải chỉ có vần đề cái đẹp: nó phải vừa đẹp lại vừa hay, vừa sâu sắc. Đó chính là những điều rất quan trọng nhưng cũng rất thường bị lẫn lộn.
PHẦN IV: ĐẾN VỚI CÁI ĐẸP
Những Con Đường Đến Với Cái Đẹp Hay Thực Chất Của Giáo Dục Thẩm Mỹ.
Đối với cái đẹp nghệ thuật cũng như với phẩm chất khác, mỗi người có thể tự rèn luyện. Nhưng việc rèn luyện tự phát sẽ kém hiệu quả hơn so với việc được hỗ trợ từ tập thể, xã hội. Giáo dục thẩm mỹ là giáo dục nâng cao trình độ văn hóa thẩm mỹ cả về ý thức lẫn hoạt động. Nói lý tưởng thẩm mỹ là mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục thẩm mỹ do tính phổ biến của nó. Là phẩm chất chung của mọi người từ người làm vườn, một kỹ sư thiết kế, một học sinh đến một nhạc công,…
Thị Hiếu Thẩm Mỹ, Mục Tiêu Trực Tiếp Và Năng Động Nhất.
Tình cảm và lý trí. Người ta sinh ra không ai giống ai, mỗi người có một nhu cầu, một sở thích riêng. Những sở thích riêng trong lĩnh vực thẩm mỹ gọi là thị hiếu thẩm mỹ. Hai tiếng “tôi thích” hàm hai ý nghĩa: đây là chuyện riêng và đây là vấn đề tình cảm. Từ đó mà có người cho rằng lĩnh vực thị hiếu là không nên bàn cãi. Một vẻ, cũng như khuôn mặt tính tình của một con người, chẳng có ai hoàn toàn giống ai. Thị hiếu được sinh ra trong điều kiện giáo dục nào đó, được nuôi dưỡng trong một hoàn cảnh thích hợp nào đó, vừa do tác động khách quan của hoàn cảnh, của giáo dục, vừa do điều kiện chủ quan của mỗi người.
Trong tâm lý con người, mối quan hệ tình cảm và lý trí là mối quan hệ phức tạp. Tình cảm bao giờ cũng gắn với hành động, là khâu tâm lý cuối cùng được chuyển thành hành động. Trong sinh hoạt thẩm mỹ, nhiều trường hợp lý trí và tình cảm phù hợp với nhau. Nhưng trong thực tiễn đời sống, trong sinh hoạt thẩm mỹ cũng có khi ta thấy hiện tượng lý trí và tình cảm hoàn toàn không phù hợp.
Cá nhân và xã hội. Khi bàn luận đến những đặc điểm xã hội của thị hiếu, ta có thể nói đến tính giai cấp, tính dân tộc. Đó là những đặc điểm chung có tính phổ biến. Bất kỳ một sự ưa thích, một sự lựa chọn nào trong lãnh vực thẩm mỹ cũng mang tính chất giai cấp, mang dấu vết xã hội. Tuy nhiên, khi nói đến yếu tố xã hội, không thể không nói đến yếu tố cá nhân, nhất là trong lãnh vực thẩm mỹ và nghệ thuật, vai trò và tính chất của cá nhân cũng rát quan trọng.
Trong mọi hiện tượng tình cảm hay thị hiếu thẩm mỹ, tính chất cá nhân và tính chất xã hội không thề tách rời được. Nội dung xã hội và cá nhân ta muốn đề cập ở đây chủ yếu là: xét xem trong hiện tượng thị hiếu, yếu tố nào có liên quan đến vấn đề xã hội và điều nào có ảnh hưởng đến cá nhân. Vì thế trong việc giáo dục thị hiếu thẩm mỹ, ngoài việc bồi dưỡng lý tưởng thẩm mỹ cho xã hội, cần chú ý đến cả sự ổn định và phát triển của cá nhân.
Hiện tượng thị hiếu thẩm mỹ cũng như mọi hiện tượng khác đều mang tính chất quy luật. Quy luật xã hội học của thị hiếu là quy luật của sự phát sinh phát triển và tiêu vong của các loại thị hiếu, quy luật của sự đổi mới không ngừng, quy luật lây lan của thị hiếu, quy luật tâm lý phổ biến là say mê cái đẹp và nghệ thuật, của sự ham thích những tình huống xung đột, gay cấn trong nghệ thuật, quy luật của cái hài hòa. Về mặt thẩm mỹ cần chú ý đến quy luật chi phối, tác động lẫn nhau giữa nội dung và hình thức.
Để có một thị hiếu tốt, tình cảm thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ là nét biểu hiện độc đáo của bản chất con người. Ngoài khả năng lao động sáng tạo, ngoài những năng lực, ngoài phẩm chất đạo đức thì tình cảm và thị hiếu thẩm mỹ đã làm cho bản chất con người phong phú thêm rất nhiều. Có ba yêu tố hình thành phẩm chất thẩm mỹ là di truyền, giáo dục và tự rèn luyện. Yếu tố di truyền có vai trò nhất định trong việc hình thành và phát triển thị hiếu thẩm mỹ.
Tuy vậy, yếu tố di truyền chỉ là một tiền đề, một điều kiện đầu tiên chưa đưa đến sự quyết định tạo ra một năng lực thẩm mỹ, cần phải có yếu tố giáo dục thì yếu tố di truyền mới lớn lên được. Nhưng dù có di truyền hay giáo dục mà bản thân con người không nỗ lực, không tự tu dưỡng thì cũng không thể phát triển năng lực thẩm mỹ.
Phần IV: Nhận Định
“Đi tìm cái đẹp” của Lê Ngọc Trà và Lâm Vinh cố gắng giới thiệu một số vấn đề cơ bản về mỹ học theo quan niệm chủ nghĩa Mác-Lênin. Đi từ những câu chuyện sinh động, tác giả dẫn dắt người đọc chẳng những nắm được những điểm mẫu chốt mà còn hiểu rõ con người mới sống như thế nào là đẹp, cái đẹp là gì, cái đẹp ở đâu và làm thế nào để xây dựng được nếp sống đẹp. Nội dung quyển sách rất phong phú và chi tiết nên thực sự đã gây không ít khó khăn cho người đọc và tóm tắt nó.
Quyển sách chỉ cho tôi không nên vội vàng đánh giá cái này đẹp hay cái kia xấu, vì ta chỉ quan sát đươc một khía cạnh nào đó của thực tại mà thôi. Ta cũng không thể đánh giá hay vét cạn hết cái đẹp của một thực tại nào đó như nó là, nhưng trong khía cạnh nào đó mà ta cảm nhận được. Hơn nữa, cái đẹp không chỉ phụ thuộc vào hình thức bề ngoài của thực tại nhưng còn nằm bên trong.
Chính vì thế phải rất thận trọng khi nhìn nhận, đánh giá. Ngoài việc có cái nhìn bề ngoài, ta nên dành thời gian để tìm hiểu nội dung bên trong thực tại đó, như thế ta sẽ có cái nhìn, đánh giá khách quan hơn. Thực tế cho ta thấy có rất ít những thực tại hoàn hảo trọn vẹn cả về mặt hình thức lẫn nội dung. Vậy nếu phải chọn một trong hai khía cạnh để đánh giá một thực tại đẹp hay không đẹp thì nên chọn cái đẹp bên trong hơn là hình thức bên ngoài.
Ngoài ra, quyển sách giúp tôi nhận thức rằng: để sở hữu một nét đẹp không chỉ phụ thuộc vào năng khiếu, phương pháp giáo dục nhưng còn cả sự khổ luyện nữa. Nếu giáo dục không đúng cách cũng như không có sự nỗ lực cách nghiêm túc thì yếu tố năng khiếu cũng trở thành vô ích mà thôi. Và nếu có cơ hội học tập mà không biết nỗ lực thì cũng bằng không. Vậy để sở hữu nét đẹp nào đó, như giọng hát, nhảy, múa, chơi nhạc cụ nào đó,…ta cần phải có phương pháp rèn luyện và nỗ lực hết mình thì mới mong thành công.
Anthony. Ngọc Hoàng. OH