Con thuyền đưa người ra khơi, ghé về thăm những hòn đảo lớn bé vùng biển cực Nam xa lắc. Những con sóng dập dồn, thuyền chòng chành giữa khơi dù vẫn đang lướt nhanh về bến đợi. Đứng trên thuyền trông về xa, những hòn đảo thấp thoáng sau màn sương mờ ảo, rồi rõ dần, xanh dần sau từng nhịp khắc thời gian và nhịp bước không gian. Bến đi và bến đợi, đất nhà và đảo xa, tựa người này và kẻ kia, tuy tách biệt mà lại nối kết thật gần.
“Không ai là một hòn đảo,”[1] Có lẽ câu này đã quá quen với nhiều người, đến nỗi họ chấp nhận nó như chuyện đương nhiên. Nhà thơ người Anh John Donne, tác giả của câu nói thời danh đã khẳng định chắc nịch bằng động từ “là” (to be) mang nghĩa tuyệt đối. Xem ra ông đã đúng khi có ý nhấn mạnh tính liên đới giữa người với người. Thật thế, câu nói này đã được chú giải, rằng con người không thể lớn lên khi tách lìa khỏi tha nhân.[2] Và dù là người Kitô hữu, quan điểm của Donne lại được nhiều tôn giáo khác thừa nhận, đặc biệt là Phật Giáo. Được sinh ra trong đời, chẳng có ai là không có cho mình những tương quan liên nhân vị như thế. Thế nên mới có triết gia cho rằng thể thức hiện hữu của con người là sự mở ra.
Nhưng, dường như Donne đã thiếu sót khi khẳng định chắc nịch không ai là một hòn đảo bao giờ. Thậm chí ông có thể sai lầm, vì dường như con người, một mặt liên đới chặt chẽ với đồng loại, mặt khác lại là những hòn đảo cô độc. Nói khác đi, mỗi người phải là những hòn đảo trước khi mở ra giữa biển khơi với anh chị em mình. Thật thế, hiếm có ai phủ nhận cõi lòng của mình là một thế giới riêng tư, tuy nhỏ bé những cũng bao la vô cùng. Nhỏ bé trong nội tại, và bao la đến độ chẳng thể xác định ranh giới. Thế giới ấy thật là một huyền nhiệm, đến nỗi chính người ấy cũng không dám chắc mình đã thấu tỏ những ngõ hẻm sâu kín bên trong hay chưa. Như thế, mỗi người là một hòn đảo, một cõi riêng tư của mình với mình, nơi tôi tìm về và gặp thấy chính mình. Hòn đảo cô độc cũng liên hệ tới sự cô độc mà triết gia Heidegger nói tới. Kinh nghiệm hiện hữu cơ bản cho thấy con người phải đối mặt với nỗi cô độc. Và trong sự cô độc, mỗi người được mời gọi tiến lên để làm đầy chính mình trước khi mở ra liên đới với người khác.
Con người thật lạ, họ vừa cô độc, lại vừa mở ra liên đới với anh chị em mình. Quan sát hòn đảo với đất liền, ta dễ dàng nhận thấy điều tương tự. Hòn đảo tự nó tách biệt, nhưng thật ra mọi hòn đảo và đất liền đều chia sẻ chung một nguồn cội. Xét cho cùng, tất cả đều nằm trên một quả đất. Chúng liên kết với nhau hoàn toàn, đến nỗi trở thành một. Thế nên làm gì có chuyện phân biệt ‘đất nhà’ và ‘đảo xa’. Đó chỉ là những cách gọi được quy ước mà thôi. Phải chăng vì con người thích hình thức, chỉ chú tâm vào cái to cái nhiều, còn cái nhỏ cái ít thì không màng đến nên mới có chuyện ‘đất liền’ – ‘biển đảo’?
Và không chỉ có chung nguồn cội, mọi ‘đất nhà’ và ‘đảo xa’ đều chung chia một biển nước mênh mông. Điều gì có thể sánh ví với biển nước kia khi xét đến tương quan giữa người với người? Điều gì có thể vừa len lỏi vừa ôm trọn, liên kết con người với nhau? Trả lời cho câu hỏi này, Kahlil Gibran trong tác phẩm The Prophet(Nhà tiên tri – người viết tạm dịch) đã minh họa thật ý vị: “Tương quan tình yêu giữa người với người giống như hai hòn đảo tách biệt và riêng lẻ, nhưng những bờ bến của chúng lại được gột rửa bằng những con nước thông chia của tình yêu.”[3]
Vậy ra, đảo xa hay đất nhà vừa cô độc lại vừa liên đới, vừa là một mà cũng là hai. Đảo có xa quá không? Hay đất nhà cũng thật xa? Cũng giống như tương quan liên nhân vị, xa hay gần, có lẽ tùy thuộc vào thái độ và cái nhìn của mỗi người. Dường như đảo ngoài khơi hay người quanh ta cũng thật xa vì chính “đất nhà” chưa hiểu nổi mình, chưa đảm nhận được nỗi cô độc của bản thân. Chỉ khi “đất nhà” gặp thấy đất nhà, may ra đảo xa mới trở nên một nhà.
Jos. Nguyễn Minh Vương, S.J.
[1] “No man is an island” – John Donne (1572-1631), Devotions upon emergent occasions and seuerall steps in my sicknes – Meditation XVII, 1624
[2] “Human beings do not thrive when isolated from others. Donne was a Christian but this concept is shared by other religions, principally Buddhism.”
http://www.phrases.org.uk/meanings/no-man-is-an-island.html
[3] “A love relationship should rather be like two islands that remain separate and distinct, but whose shores are washed by the shared waters of love.” – Kahlil Gibran, The Prophet.
Nguồn: http://dongten.net/noidung/65605