CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI, NĂM B
Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20
Nơi Chúa hẹn gặp ta.
Là con người sống trong không gian và thời gian, chúng ta thường suy nghĩ và tưởng tượng theo chiều kích của không gian và thời gian. Vì thế, khi Kinh Thánh nói “Chúa Giêsu lên trời” chúng ta cũng dễ hình dung Chúa Giêsu như một “phi hành gia” hoặc như “người bay” tự động cất bổng mình lên trời, để rồi không biết dừng lại ở hành tinh nào khi ra ngoài quỹ đạo của trái đất? Vậy thì sau khi sống lại 40 ngày, Chúa Giêsu đi về phương trời nào? Các phi hành gia đầu tiên vào vũ trụ cho biết họ chẳng thấy trời, cũng chẳng thấy Thiên Chúa!
Thời Trung cổ, có hai tu sĩ tình cờ đọc thấy trong một cuốn sách cổ chép rằng: ở tận cùng trái đất sẽ có một nơi mà trời đất gặp nhau. Họ quyết định ra đi tìm cho bằng được điểm gặp nhau ấy và thề quyết sẽ không trở về nhà nếu không tìm ra nơi ấy, vì họ đã đọc được trong quyển sách cổ rằng tại điểm giao nhau giữa trời và đất, một cánh cửa sẽ mở ra và họ sẽ nhìn thấy Thiên Chúa tỏ tường. Họ vượt thác băng rừng, không quản ngại hy sinh. Cuối cùng thì họ cũng đứng trước giao điểm ấy. Với tất cả xúc động, họ đưa tay gõ vào cánh cửa hẹn hò, cánh cửa mở ra và họ bỡ ngỡ nhận ra đó chính là căn phòng của mình. Họ chợt hiểu rằng nơi gặp gỡ giữa trời và đất, nơi hẹn hò giữa Thiên Chúa và con người không gì khác hơn là chính cuộc sống hằng ngày của họ.
Chúa Giêsu “được rước lên trời”: đó là một lối nói của Kinh Thánh nhằm diễn tả việc Chúa Phục Sinh từ giã trần gian để về cùng Thiên Chúa Cha. Ngài từ Cha mà đến và nay trở về với Cha. “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng đã-từ-trời xuống” (Ga 3,13). Câu chuyện Chúa lên trời được sách Công vụ Tông đồ kể lại ở bài đọc 1 hôm nay là một kiểu nói bình dân để diễn tả một mầu nhiệm của Chúa Kitô Phục Sinh: ngay sau khi được Phục Sinh, nhân tính của Chúa Giêsu đã được tôn vinh rồi, hay nói cách khác, đã được vào trong vinh quang. Tuy vậy vinh quang này vẫn còn bị che khuất. Chúa Phục Sinh hiện ra cho các môn đệ dưới dáng dấp của một người bình thường. Lần hiện ra cuối cùng của Chúa Giêsu đánh dấu một bước chuyển mới. Từ này nhân tính của Ngài được đưa vào trong vinh quang Chúa Cha, được đặt ngồi bên hữu Chúa Cha.
Lễ Chúa Thăng Thiên không phải là một cuộc chia ly, tiễn đưa Chúa Giêsu vào một phương trời xa lạ và cắt đứt tương quan với Ngài. Chúa về trời là để có thể ở lại với mọi thời, mọi nơi. Điều duy nhất mất đi là chúng ta không còn có thể thấy, đụng chạm, nghe Ngài bằng giác quan tự nhiên. Nhưng chúng ta vẫn có thể gặp gỡ Ngài bằng giác quan siêu nhiên của lòng tin. Chúa Giêsu khẳng định: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20). Tin Mừng hôm nay cho thấy các tông đồ có cảm nghiệm rằng “Chúa đang làm việc với họ và xác nhận lời họ rao giảng bằng những dấu lạ kèm theo” (Mc 16,20). Như thế sự vắng mặt hữu hình của Chúa Giêsu không cản trở việc Ngài tiếp tục hiện diện và hoạt động bên họ. Kitô giáo sống còn chính là nhờ Chúa Giêsu đang sống và hoạt động nhờ Thánh Thần của Ngài. Được tôn vinh trên trời không phải là để làm sứ vụ giữa lòng thế giới. Ngài là Thượng Tế cầu bầu cho chúng ta trên trời (Dt 7,25) và không ngừng thu hút, nâng dậy cả nhân loại (Ga 12, 32).
Mừng lễ Chúa Thăng Thiên là mừng ngày Đức Giêsu được tôn vinh. Có một con người mang tên Giêsu nay được hưởng vinh quang và danh dự của Thiên Chúa. Lễ Thăng Thiên thực hiện giấc mơ lớn nhất của con người. Tất cả chúng ta đều hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa, bên Chúa Giêsu, người Anh Trưởng. Trời là đích điểm của đời Kitô hữu. Nhưng trời đã bắt đầu rồi từ khi chúng ta bước vào vũ trụ của Chúa Giêsu Kitô, qua đức tin và các bí tích. Nói cho cùng, Kitô hữu chỉ có một cuộc đời. Chẳng có cuộc đời nào khác ngoài cuộc đời hiện tại và sẽ gắn liền với ta mãi mãi. Trời không khiến ta tránh né bổn phận ở trần gian. Trời không phải là nơi đến của một người chỉ biết chăm lo cho ơn cứu độ của mình một cách ích kỷ. Trời cũng không chỉ là phần thưởng cho con người, là sự “bù lỗ” cho những khốn khổ ở đời, là cớ khiến chúng ta tránh né việc xây dựng trái đất hay phá đổ bất công.
Sứ thần của Chúa hôm nay đã quở trách các môn đệ: “Hỡi người Galilê! Sao cứ đứng đó mà nhìn lên trời?”. Các môn đệ đã hiểu ý. Các ông đã trở về với nhiệm vụ của mình, hoàn thành công việc dang dở của Chúa ở trần gian, làm chứng về tất cả những gì các ông đã được nghe, được thấy. “Các ông đã ra đi khắp nơi, rao giảng Tin Mừng cho mọi người; có Chúa cùng hoạt động với các ông, củng cố lời rao giảng bằng các phép lạ kèm theo” (Mc 16,20).
Rõ ràng, Chúa lên trời không làm cho các môn đệ lên trời, không làm cho các môn đệ tê liệt, không giải nghệ các ông, mà còn thúc giục các ông lập tức bắt tay vào việc xây dựng Nước Trời ngay ở trần gian này và bảo đảm cho các ông thành công. Cũng vậy, đối với chúng ta ngày nay, Chúa lên trời nhắc chúng ta nhớ rằng: “Quê hương chúng ta ở trên trời… Anh em hãy tìm kiếm những sự trên trời” (Pl 3,20; Cl 3,1). Nói thế không có nghĩa là chúng ta phải “xuất thế”, phải xa lánh trần gian. Trái lại, cần phải nổ lực dấn thân “vào đời”, “nhập cuộc”. Có Chúa cùng hoạt động với chúng ta để “mở một tuyến đường lên trời từ mặt đất này” bằng những công việc xây dựng Nước Trời ngày này qua ngày khác; loại trừ những khổ đau, tội lỗi, tạo cho mọi người được sống ấm no, hiệp nhất, yêu thương nhau, cho mọi người được sống xứng đáng phẩm giá con người. Đó là con đường lên trời của chúng ta.
Vui sướng biết bao: “Chúa vẫn ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”. Ngài không bao giời rời bỏ chúng ta. Thật là ích lợi cho chúng ta khi Ngài khuất mắt chúng ta về phương diện thể lý để chúng ta khi gặp Ngài hiện diện ở khắp mọi nơi mọi lúc: trong kinh nguyện và hoạt động, trong bí tích và trong anh chị em. Đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, Chúa đến ở trong chúng ta, ban nguồn sinh lực giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nước Trời ở trần gian này, để một khi Nước Trời được hoàn thành Ngài sẽ trở lại trong vinh quang đón chúng ta lên trời về với Chúa Cha.
Trích từ Niềm Vui Chia Sẻ