Chúa Nhật 14/07/2019 – Chúa Nhật 15 Thường Niên năm C: Người anh em của tôi.

Chúa Nhật 14/07/2019 – Chúa Nhật 15 Thường Niên năm C. – Người anh em của tôi.

"Ai là anh em của tôi?"

 

Lời Chúa: Lc 10, 25-37

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người thông luật đứng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời". Người nói với ông: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?" Ông trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình". Chúa Giêsu nói: "Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống". Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?" Chúa Giêsu nói tiếp:

"Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho chủ quán mà bảo rằng: 'Ông hãy săn sóc người ấy và ngoài ra, còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về, tôi sẽ trả lại ông'. Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?"

Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy".

Và Chúa Giêsu bảo ông: "Ông cũng hãy đi và làm như vậy".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

1. Sống bác ái - ViKiNi

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

Năm 1983, để cứu sống một người 36 tuổi ở Liên Xô, Bác sĩ Sumadrúp đã nhận một quả thận của một em bé gái từ bệnh viện Hoa Kỳ do Bác sĩ Montona gửi tới. Nhưng phải nhờ bao nhiêu công việc của máy điện toán các nước Balan, Đức, Pháp, Anh, Ý, của hàng ngàn bác sĩ làm việc mới tìm được quả thận của em bé gái tử thương vì tai nạn xe hơi đã hiến cho bệnh viện để cứu sống ai cần. Quả thận chỉ sống được 72 giờ, làm sao từ Hoa Kỳ đến Liên Xô? Mọi luật lệ về kiểm soát an ninh, mọi thủ tục giấy tờ quá cảnh đều được các chính phủ bãi miễn để khẩn cấp đưa quả thận đến kịp cứu chữa một người. Mọi ranh giới chủng tộc, giai cấp và chế độ hận thù cũng dứt bỏ trước sinh mạng của một người.

Luật đạo, luật đời đều có mục đích bảo toàn sự sống con người, sự sống thật quý giá, không có ngọc ngà châu báo nào đổi được. Nhà hiền triết Dương Chu sống đồng thời với Lão Tử đã quả quyết: Dù mất một sợi lông chân được lợi cả thiên hạ, cũng không làm: “bạt nhất mao nhi lợi thiên hạ, bất vi”. Đức Giêsu nhiều lần nhắc nhở chúng ta: “Được lời lãi cả thế gian, mất mạng sống mình nào được ích gì”. Cho nên không lạ gì, người ta đều mơ ước được sống trường thọ, chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu, vẫn chưa đủ, dân tộc nào cũng cho mình phát sinh từ nguồn gốc thần linh bất tử với những chuyện thần tiên hạnh phúc muôn thuở.

Dân tộc Việt Nam tự hào mình là con rồng cháu tiên, với những truyện Từ Thức lên tiên, Lưu Nguyễn lạc vào động thiên thai. Người Tàu cho mình là con cháu ông Bành Tổ vĩ đại, người Nhật nhận thần mặt trời là tổ tông. Người Ấn là con cháu của ba thần chí linh Braluna, Vishnu và Shiva, Người Hy Lạp là con cháu thần Zeus và Apôllô: Thần mỹ thuật, âm nhạc, ánh sáng, trai trẻ và cường tráng. Đế quốc La Mã thờ thần Jupiter dũng mãnh tối cao.

Những khát vọng chung của các dân tộc và của mỗi người không phải là ảo tưởng, hay huyền thoại, nhưng nó là một thứ gen nào đó, một thứ tâm thức sâu thẳm trong vô thức. Nói theo kiểu nhà Phật, đó là những chủng tử nằm sâu trong tạng thức như một thứ bào thai để sinh ra một đời sống mới. Chính những ước vọng đó đã hướng tới sự phục sinh mà Đức Giêsu là đầu, là trưởng tử đã sống lại từ cõi chết để ban cho các tiểu tử, các chi thể của Người được sống đời đời.

Người luật sĩ hỏi Đức Giêsu: “Tôi phải làm gì để được sống đời đời”. Câu hỏi bộc lộ một tâm trạng băn khoăn lo lắng, một thao thức thắc mắc muôn đời, chưa có ai giải quyết nổi, chưa có ai mở đường dẫn lối chính xác, trừ một mình Đấng từ trời xuống nói cho người dưới đất biết những sự trên trời và chỉ đường về trời để được sống đời đời.

Theo Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chỉ cho ta con đường rất cụ thể tới sự sống đời đời, đó là con đường người Samari đã đi.

Đức Giêsu kể lại một câu truyện có lẽ xảy ra thường xuyên trên con đường từ Giêrusalem xuống Giêricô, dài chừng hơn hai mươi cây số, len lỏi qua rừng núi: Một người từ Giêrusalem đến Giêricô, có lẽ đi lễ về hoặc lo công việc làm ăn, chắc chắn có một số tiền của, nên bọn cướp để ý theo dõi. Chúng đã tàn nhẫn đánh người ấy đến nửa sống nửa chết giữa rừng. Tình cờ, có ba du khách đi qua, người thứ nhất là tư tế thấy vậy lách qua bên kia mà đi, người thứ hai là thầy trợ tế cũng thế. Người thứ ba là người Samari thấy cảnh tượng kẻ lâm nạn đang oằn oại đau đớn. Ông động lòng trắc ẩn, tiến lại gần dù biết kẻ lâm nạn là người Do Thái. Do Thái và Samari rất khinh bỉ nhau, họ không hề tiếp xúc với nhau. Nhưng lạ thay, trước cảnh nguy tử, mọi ranh giới chủng tộc, mọi luật lệ cấm cách, mọi kỳ thị truyền thống, đều chấm dứt, người Samari đã khẩn cấp cứu chữa kẻ thù. Ông đã coi kẻ thù là anh em của mình. Ông chỉ biết yêu thương và hết mình cứu sống. Ông đổ dầu, đổ rượu xoa bóp, băng bó những vết thương bầm tím rỉ máu. Dầu và rượu là phương thuốc kỳ diệu thời đó. Nhưng mới chữa tạm thời thôi. Ông cần phải đỡ người ấy đặt lên lưng lừa của mình, còn ông đi bộ dắt lừa, nhường yên lừa cho kẻ xấu số. Đến quán trọ, ông đã cõng bệnh nhân vào, trao tiền, xin chủ quán tìm thầy chạy thuốc cứu nạn nhân cho khỏi. Khi trở về ông trả mọi tốn kém khác nữa. Qua đoạn Tin Mừng này, chắc chắn Đức Giêsu muốn dạy chúng ta mấy bài học sống bác ái sau đây:

Bài học thứ I: Ai là thân cận, anh em với người rơi vào tay kẻ cướp? Thưa, không phải chỉ là đồng bào, đồng đạo như luật Do Thái dạy, không phải chỉ là ruột thịt, họ hàng, thân thuộc như chư dân đang sống. Nhưng là tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc, tiếng nói, giai cấp, tôn giáo, đảng phải, vì tất cả đều là con một Cha trên trời, Đấng đã dựng nên, cứu độ họ. Chừng nào nhân loại học được bài học bác ái này, chừng đó sẽ không còn kỳ thị, chia rẽ, hận thù, khủng bố, chiến tranh tàn sát. Lúc đó, thế giới này mới là thiên đường cho mọi người.

Bài học thứ II: Tôi đồng hành với ai trên con đường này?

Tôi không thể đồng hành với bọn cướp, vì đam mê tiền của đã làm chúng thành kẻ cướp của, giết người. Tôi cũng không thể đồng hành với tư tế, trợ tế, vì quen giết chiên bò để tế thần đã làm cho họ ra kiêu ngạo, chai đá, tàn nhẫn, lãnh đạm với đau khổ của đồng bào.

Tôi sẵn sàng đồng hành với kẻ lâm nạn đau khổ, nửa sống, nửa chết, vững tin vào Đấng cứu độ như người Samari nhân hậu, giầu lòng thương xót, sẽ đến cứu chữa ta, đưa ta về nhà tình thương Thiên Chúa.

Nhất là tôi phải luôn luôn đồng hành với người Samari nhân hậu có tấm lòng vàng cao thượng, cảm thông, cảm thương cứu chữa kẻ đau khổ, nghèo hèn, cô thế cô thân bị bỏ rơi trong xã hội.

Bài học thứ III: Con đường thiêng liêng đích thực là mến Chúa yêu người luôn đi song song với nhau: Thường xuyên lên Giêrusalem cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa, thấm nhuần tình yêu hy sinh của Chúa để trên đường về Giêricô, nơi đầy đau khổ, trộm cướp, chai đá, gặp gỡ họ an ủi, băng bó những vết thương, cải hóa những tật nguyền của họ, đưa họ vào nhà trọ tình thương của Chúa để chăm sóc, cứu chữa. “Anh hãy về và làm như vậy, thì được sống đời đời”. Đó là lời Chúa.

 

2. Người Samaritanô nhân hậu.

(Suy niệm của Lm. G.B. Trần Văn Hào SDB)

“Chỉ có loài vật mới nhẫn tâm ngoảnh mặt lại trước nỗi đau của đồng loại để chăm chút cho bộ lông mượt mà của nó, còn con người thì không”. Đây là lời phát biểu của ông Karl Marx, một triết gia vô thần. Tuy ông ta không tin vào Thiên Chúa, nhưng tự trong thâm tâm, ông vẫn tin vào sức mạnh của tình yêu, là đạo lý căn bản của cuộc sống làm người. Còn chúng ta thì sao? Là những người Công giáo, chúng ta tin vào Thiên Chúa, đấng có tên gọi là ‘Tình yêu’, nhưng chúng ta đã thực hành luật yêu thương cụ thể như thế nào? Qua dụ ngôn bài Tin mừng hôm nay, Chúa cảnh báo tất cả, từ các linh mục, tu sĩ đến giáo dân, để lay động lương tâm từng người. Người Samaritanô vốn chỉ là người ngoại đạo mà dân Do thái vẫn coi như thù địch, nhưng đã trở thành chuẩn mẫu để Chúa Giêsu đưa ra như một tấm gương soi. Sau khi thuật lại câu chuyện về người Samaritanô nhân hậu, Chúa nói với người thông luật đến hỏi Ngài, cũng như nói với chúng ta hôm nay: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy (c.37).

Một câu chuyện mang tính thời sự.

Ngày hôm nay, nếu Đức Giêsu đứng giữa chúng ta và cũng thuật lại giai thoại trên, Ngài sẽ đem ai ra để làm hình mẫu, bạn hay tôi, linh mục này hay tu sĩ nọ? hay Chúa lại tiếp tục đưa một người ngoại giáo nào đó ra để mời chúng ta bắt chước? Đức Cha Bùi Tuần khi đọc bài Tin mừng trên đã viết lại những dòng chia sẻ sau. “Cứ mỗi lần suy gẫm về câu truyện này, tôi cảm thấy xấu hổ và có chút gì mỉa mai làm tôi ray rứt. Tôi tưởng rằng khi đưa ra một mẫu gương bác ái, Chúa sẽ bảo chúng ta hãy nhìn vào gương sáng nơi vị linh mục này hay tu sỹ nọ, nhưng không, Chúa chỉ đưa ra một người ngoại giáo làm mẫu mực. Càng suy nghĩ tôi càng cảm thấy hổ thẹn.”

Thầy tư tế chuyên lo việc đền thờ, nhưng đền thờ đích thực nơi con người, những thụ tạo được Chúa dựng nên giống hỉnh ảnh Ngài, thì ông ta lại không màng. Cũng vậy, các thầy Lêvi thường hay đeo bảng khắc lề luật ở trước ngực, nhưng luật của tình yêu thì ông lại nhẫn tâm dẫm đạp, để mặc người bị nạn nằm đó chờ chết. Còn người Samaritanô ngoại giáo thì khác. Anh ta không biết chút gì về lề luật trên lý thuyết, nhưng trong thực hành, ông lại quá tuyệt vời.

Sự ích kỷ và vô tâm nơi mỗi người, thường xuất phát từ thái độ tự mãn mà chúng ta vẫn hay có. Trong Tin mừng Matthêu chương 18, Chúa nặng lời chỉ trích thái độ trịch thượng, khoe khoang của những người biệt phái và ký lục giả hình. Họ là những con người bề ngoài xem ra rất đạo đức nhưng trong lòng thì rống tuếch, chẳng khác gì mồ mả sơn phết bên ngoài. Cũng thế, hai ‘đấng bậc’ mà Chúa nhắc đến hôm nay, Thầy tư tế và Thầy Lêvi, đã hoàn toàn tỏ ra vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Họ vẫn tự cho mình là những người đạo đức, không dám sờ chạm đến xác chết vì sợ bị nhiễm uế. Nhưng sự vô cảm và ích kỷ lại chính là tình trạng nhiễm uế ghê tởm nhất từ chính bên trong tâm hồn của họ. Chúng ta cũng dễ rơi vào tình trạng giống vậy. Ông Wilberforce, một nhà tu đức đã nói: “Chắp tay lại để cầu nguyện thì rất tốt, nhưng biết mở tay ra để đến với anh em, nhất là những con người cùng khổ, thì vẫn tốt hơn.”

Cho thì có phúc hơn là nhận.

Đây là điều Chúa đã nói với Phaolô năm xưa, cũng như nói với chúng ta ngày hôm nay. Gương mẫu của người Samaritanô rất cụ thể và sống động, bởi vì ông ta đã biết cho đi. Nhưng trên hết, chúng ta hãy nhìn vào chính nguyên mẫu nơi Chúa Giêsu. Ngài đã cho đi tất cả, ngay cả mạng sống. Ngài không còn giữ lại chút gì cho mình. Triết gia vô thần Jean Paul Satre đã từng tuyên bố: “Tha nhân là hỏa ngục”. Ngược lại, Chúa Giêsu lại mạnh mẽ khẳng quyết: “Ai làm những điều tốt cho tha nhân là làm cho chính Ngài” (x. Mt 25). Trên Thập giá, Chúa bị mọi người hắt hủi và mỉa mai, từ những kẻ qua đường đến lính gác và đám đông. Những con người này đã hoàn toàn vô cảm trước nỗi thống khổ của Chúa. Chỉ duy nhất một mình ông Thánh ăn trộm đã tỏ lòng thương cảm đối với Ngài: “Còn ông này, ông có làm gì nên tội…” Từ trái tim biết rung lên giai điệu yêu thương ấy, tên trộm đã được biến đổi và trở nên một vị thánh lớn.

Kết luận

Tác giả Lý Thanh Thảo có viết một câu chuyện rất ngắn.

Trên một chiếc xe hơi đời mới, một bà mẹ trẻ đang dỗ đứa con.

- Ăn thêm một cái nữa đi con, mẹ thương.

- Ngán quá, con không ăn đâu, đứa bé phụng phịu.

- Ráng ăn một cái nữa, ngoan nào.

- Con nói không ăn mà, vứt đi, vứt nó đi.

Thằng bé lắc đầu quầy quậy, lấy tay gạt mạnh. Chiếc bánh kem văng ra khỏi cửa xe rơi xuống đường sát mép cống. Chiếc xe hơi láng bóng rồ máy chạy nhanh.

Hai đứa trẻ lem luốc đang móc rác gần đó, thấy chiếc bánh nằm chỏng trơ vội xô đến nhặt. Mắt chúng sáng rực dán chặt vào chiếc bánh thơm ngon. Thấy cái bánh lấm láp, đứa em gái nuốt nước miếng bảo thằng anh trai:

- Anh Hai thổi sạch rồi mình ăn.

Thằng anh phùng má thổi. Bụi đời đã dính chặt chẳng chịu đi cho. Đứa em cũng sốt ruột ghé miệng thổi tiếp. Cái miệng háu đói của chúng làm cái bánh rơi tõm xuống cống hôi hám.

- Ai bảo anh Hai thổi mạnh làm chi. Con bé nói rồi khóc thút thít.

- Ừ, thì tại anh. Nhưng kem còn dính tay anh đây này. Cho em 3 ngón, anh chỉ liếm 2 ngón thôi.

Những đứa trẻ đường phố tuy nghèo, nhưng rất thơ ngây và đầy ắp tình người. Chúng biết nhường nhịn và đùm bọc lẫn nhau.

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có sống quảng đại với nhau hay chỉ sống ích kỷ và hẹp hòi giống như thầy Lêvi hoặc Thầy tư tế mà Chúa nói tới hôm nay.

 

3. Ai là người thân cận của tôi?

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Đức Giêsu kể dụ ngôn người Samari từ thiện. Dụ ngôn trên đây trả lời cụ thể rõ rệt cho câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?”

Theo quan niệm người Do thái, thì: “Thân cận” là người có quan hệ tự nhiên gần gũi với mình như: cùng dân tộc, cùng gia đình, cùng thành phần giai cấp… còn đối với Chúa Giêsu, thì thân cận là người hiện lúc này đang cần đến tình yêu thương và sự giúp đỡ của ta. Nạn nhân bị quân cướp trấn lột, là người Do thái. Thấy anh nằm vệ đường, người Samari có thể bảo mình: đây là người ngoại quốc, tôi không biết hay đây là một kẻ thù, không đáng giúp đỡ. Nhưng ngược lại, người Samari đã động lòng thương xót, tiến lại gần, không phải để hỏi han qua loa, nhưng người ấy lại nhận lấy trách nhiệm giúp đỡ nạn nhân cho đến khi họ không cần thiết nữa.

Khi nói đến dụ ngôn này, Chúa Giêsu không phủ nhận mối liên hệ tự nhiên những người cùng gia đình, cùng dân tộc, cùng tôn giáo chặt chẽ hơn với người ngoài… Cứ lý ra, ông trưởng tế và thày phó tế kia phải là người thân cận thương giúp nạn nhân trước, vì các ông là đồng hương, đồng đạo với người Do thái này, nhưng người Samari ngoại bang đã đóng vai trò người thân cận, bởi vì thày trưởng tế và thày tư tế đã trốn trách nhiệm của mình. Như vậy, cứ lẽ thường thì “Thân cận” trước hết là những người có liên hệ tự nhiên chặt chẽ với nhau hơn, như cha mẹ với con cái, vợ chồng, an em bè bạn với nhau. Do đó, ta có bổn phận thương giúp nhau trước. Nhưng Đức ái không cho phép ta đặt một hàng rào ngăn cách hay bất cứ môt kỳ thị nào, dù là kỳ thị chủng tộc, tôn giáo hay giai cấp… Tất cả mọi kỳ thị đều không hợp Đức bác ái. Vì vậy, bất cứ ai cũng có thể là người thân cận ta, khi Chúa đặt ta trước sự hoạn nạn của họ và cho ta có điều kiện thương giúp họ.

Là người Kitô hữu, chúng ta mắc một món nợ, tức là nợ yêu thương đối với bất kỳ ai đang cần được giúp đỡ. Có người ở ngay sát nhà ta, nhưng họ không cần ta giúp đỡ, nên chưa phải là người thân cận ta, nhưng nếu người xa lạ gặp ta và cần sự giúp đỡ mà ta có khả năng đem lại cho họ, thì khi đó họ trở nên người thân cận của ta. Người đó cần tình yêu thương của ta. Tình yêu thương ấy ta phải thi hành đúng lúc, hữu hiệu và vô vị lợi.

- Đúng lúc, nghĩa là phải thi hành nhanh chóng kịp thời, tuỳ theo nhu cầu đòi hỏi không được chậm trễ. – Hữu hiệu, nghĩa là việc giúp đỡ phải đem lại kết quả thiết thực, không phải chỉ hình thức qua loa. – Vô vị lợi, nghĩa là giúp đỡ tận tình, không mang ích lợi riêng mình, không tính toán hơn thiệt, không nghĩ rằng: mình giúp đỡ như vậy để họ biết ơn và để trả mình. Sự giúp đỡ phải phát xuất từ tình yêu thương phổ quát, ôm ấp hết mọi người, không phân biệt chủng tộc, thành phần giai cấp, không xét là bạn hay thù. Người xứ Samari trong bài Phúc Âm hôm nay đã làm gương cho ta về những điểm đó. Người ấy đã thương giúp nạn nhân đúng lúc cần thiết, cần băng bó vết thương, cần cơm ăn nước uống, cần nơi nằm nghỉ… Nếu để chậm trễ, nạn nhân có thể chết được. Người Samari cũng thi hành sự giúp đỡ cách hữu hiệu, nghĩa là sự giúp đỡ cách đến nơi đến chốn, cho tới khi nạn nhân lành bệnh hoàn toàn. Người Samari còn giúp đỡ một cách vô vị lợi, không mong nạn nhân sẽ biết ơn và đền trả cho mình.

Đấy, tình yêu thương Chúa truyền dạy ta là như vậy. Do đó, mỗi khi gặp trường hợp cần giúp đỡ thì ta phải thi hành tuỳ khả năng, nếu không, ta sẽ mắc nợ “yêu thương” mà Chúa đòi ta phải đền trả.

Trong thực tế, có nhiều người cần ta giúp đỡ về phương tiện vật chất như miếng cơm manh áo, bát gạo đồng tiền, một buổi cấy gặt, một công làm nhà. Người khác cần ta giúp đỡ về mặt tinh thần, thí dụ: một lời an ủi động viên, một cuộc thăm viếng hỏi han, một sự hoà giải khôn ngoan, giúp họ thêm nghị lực để vượt qua những khó khăn thử thách, nếu không họ sẽ ngã lòng tuyệt vọng. Sau cùng, có rất nhiều người đang cần ta giúp đỡ phần linh hồn: họ như nạn nhân trong dụ ngôn, bị ma quỷ trấn lột mất mọi của thiêng liêng, đánh cho bị thương trầm trọng, bỏ nằm bên miệng hoả ngục. Họ đang cần ta giúp đỡ bằng cầu nguyện, bằng hy sinh, bằng lời khuyên bảo giáo dục, bằng mọi cách mà ta có thể làm được.

Thánh Phao-lô nhắc nhủ chúng ta rằng: “Anh em không mắc nợ nhau điều gì ngoài món nợ yêu thương, vì ai thương yêu, người đó giữ trọn lề luật”. Thực tế, tình yêu là nền tảng, là động cơ cho mọi sinh hoạt của con người. Nhân loại ngày nay, đầy dẫy nhưng chênh lệch bất công, những tội ác, kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra. Chỉ vì thiếu yếu tố tình yêu chân chính trong mối quan hệ giữa con người với con người. Ngày nào mà mọi người yêu thương nhau như Chúa yêu thương, thì bộ mặt thế giới sẽ biến đổi một cách kỳ diệu, vũ khí sẽ biến thành cày bừa, bom đạn biến thành dụng cụ sản xuất, người ta sẽ nhường cơm sẻ áo cho nhau, số người đói rách túng thiếu sẽ giảm đi, cảnh thái bình ấm no sẽ xuất hiện, dọn đường cho cảnh “ Trời Mới – Đất Mới” mà Chúa Kitô sẽ thực hiện ngày chung cùng của lịch sử.

Giờ đây, mỗi người chúng ta phải hỏi mình rằng: Ai là người thân cận của tôi? – Nói cách khác: Ai là người cần tôi giúp đỡ trong lúc này?

- Có khi là cha mẹ tôi già nua, yếu đau, túng thiếu mà tôi không chăm sóc? Biết đâu người thân cận lại là mẹ chồng, con dâu bất thuận đang cần giao hoà với nhau? Có khi là một bệnh nhân trong thôn xóm đang cần thuốc men thăm viếng? Có khi là một người khô khan tội lỗi trong gia đình, trong xứ họ, đang cần lời cầu nguyện khuyên bảo của ta để ăn năn thống hối.

Sau khi đã suy nghĩ và nhận ra người thân cận rồi, chúng ta tích cực hành động, theo gương người Samari nhân hậu mà Chúa nêu lên trong bài Phúc Âm hôm nay.

 

4. Tôi là người thân cận của ai? - Petrus.tran

Người Rôma xưa có câu “Homo homini lupus” nghĩa là “Con người đối xử với nhau chẳng khác gì chó sói”. Thoạt nghe câu nói trên, nó làm cho chúng ta có cảm tưởng lời nói đó quá khắt khe. Nhưng, quả thật, nhìn vào thực tế của xã hội hôm nay, chúng ta không khỏi giật mình vì cách đối nhân xử thế của con người. Chúng ta không khỏi bàng hoàng về phẩm hạnh của con người ngày một xấu đi.

Thật vậy, theo dõi trên truyền thông đại chúng, có thể nói, không ngày nào mà không có một án mạng xảy ra. Gần đây nhất, ngày 8/7/2013, là chuyện một người cháu trai “đi chơi về thấy cửa khoá nên leo cổng theo lan can lầu một vào trong và bị ông ngoại mắng. Tức giận, Tú (tên người cháu trai) đạp vào ngực và vật lộn với ông. Do khoẻ hơn nên đứa cháu bất nhân thắng thế, lấy máy nghe nhạc gần đó đập vào đầu rồi bóp cổ ông ngoại đến tắt thở”. (nguồn: vnexpress)

Xa hơn nữa là chuyện vợ giết chồng, mẹ giết con, rồi đến chuyện “mạng chó đổi mạng người” mà khi nghe đến, chúng ta không khỏi ngao ngán và tự hỏi: giữa con người với con người… “tình người” nay còn đâu?

***

“Tình người” hay nói đúng hơn “Tình yêu thương”… Vâng, đó là một trong những giáo lý căn bản mà một người Kitô hữu phải biết đến và thực thi. Trong Mười Điều Răn Đức Chúa Trời, chúng ta được truyền dạy rằng, “Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen”.

“Mến Chúa”… vâng, thật dễ dàng. Còn “Yêu người” quả là không dễ chút nào. Thế nhưng, nếu chúng ta chỉ Mến-Chúa mà không Yêu-người, như thế, chúng ta chưa làm trọn lệnh truyền của Chúa, chúng ta chỉ mới giữ một nửa điều răn của Chúa.

Kinh thánh đã dạy chúng ta rằng, “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20).

Nói tới “yêu thương người”… Tạ ơn Chúa vì Người đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc về “tình người” qua dụ ngôn “Người Samaria tốt lành”.

***

Câu chuyện “Người Samaria tốt lành” được chép trong Tin Mừng Luca (10, 25-37). Thật ra, nếu được phép, vâng, chúng ta có thể nói rằng, đây là một câu chuyện “2 trong 1”. Gọi như thế là bởi câu chuyện “Người Samaria tốt lành” là câu trả lời cho câu chuyện trước đó.

Câu chuyện trước đó được kể lại rằng, Có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp’” (Lc 10, 25).

Đây không phải là lần đầu tiên có người tìm đến Đức Giêsu để hỏi Ngài một câu hỏi với nội dung như thế. Trước đây, cũng đã có một chàng thanh niên giàu có đến với Đức Giêsu cũng với nhã ý nêu trên.

Với chàng thanh niên giàu có, Đức Giêsu đã đưa ra những lời khuyên anh ta, để nhờ đó, anh ta có thể đón nhận được điều anh ta muốn có. Ngược lại, với người thông luật, thay cho lời khuyên, Ngài đã đưa ra một câu hỏi, một câu hỏi ngầm ý như một lời trách cứ, rằng “Trong luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?”

Vâng, làm sao không trách cứ anh chàng thông luật này cho được. Người thông luật, chính là thầy thông giáo, thầy thông giáo chính là người am hiểu, rành rẽ luật Môse, luật Môse được ghi trong ngũ thư là những cuốn sách nói rất rõ về Mười Điều Răn, về lề luật, về lễ nghi thờ phượng Đức Chúa Trời.

Nói cách khác, là thầy thông luật, ông ta dư biết “đáp án” cho câu hỏi của ông ta. Thật vậy, sau khi nghe câu hỏi của Đức Giêsu, vị thông luật đã trả lời “ngọt sớt” rằng “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa Trời, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”.

Qua cách trả lời của ông ta như thể chính ông ta là người ra câu hỏi.

Thế nhưng, điều đáng trách hơn nữa, ông thầy thông luật này đã thâm hiểm khi biến câu trả lời của mình thành câu hỏi, một câu hỏi hóc búa, trước là để thử Đức Giêsu, sau là để chứng tỏ mình-có-lý.

“Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Ai! “Ai là người thân cận của tôi?”

Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, Đức Giêsu, một lần nữa, đã dùng một dụ ngôn, một dụ ngôn cho đến ngày nay, giới luật pháp quốc tế đã biến nó thành một đạo luật mang tên “luật người Samari nhân hậu”.

Lm. Jude Siciliano, OP. mở đầu bài giảng về chủ đề “người Samari nhân hậu” cho biết “Trong thế giới luật pháp có ‘luật người Samari nhân hậu’, luật này yêu cầu bảo vệ hợp pháp với những ai giúp đỡ chính đáng cho người khác khi người đó bị thương tích, đau yếu hoặc trong những tình cảnh hiểm nghèo. Luật người Samari nhân hậu này nhằm khuyến khích người khác trợ giúp những ai lâm cảnh hoạn nạn”.

Thì đây, câu trả lời của Đức Giêsu cho vị thông luật, qua dụ ngôn “người Samari nhân hậu” đã mô tả rõ nét “Ai là người thân cận của tôi”.

Ba nhân vật được đề cập trong dụ ngôn, lần lượt là thầy tư tế, rồi đến một thầy Lêvi, cuối cùng là một người Samari. Cả ba, kẻ trước người sau, đều đi trên một lộ trình, lộ trình từ “Giêrusalem xuống Giêricô” (x.Lc 10, 30).

Cả ba đều nhìn thấy cảnh bi đát của một người lữ khách. Anh ta “bị rơi vào tay kẻ cướp… bị lột sạch… bị đánh nhừ tử…” và bị quẳng ra nằm rên rỉ giữa ngã ba đường làng.

Không thể tin được! Dù trông thấy người lữ khách đang nằm “nửa sống nửa chết”… Nhưng cả thầy tư tế lẫn thầy Lêvi đều “tránh qua bên kia mà đi”.

Người Samari. Vâng, người Samari “cũng thấy và chạnh lòng thương”. Sự chạnh lòng thương của anh chàng Samari không dừng ở đôi mắt, không dừng ở tấm lòng, nó được lan tỏa tới đôi chân và đôi tay.

Chuyện kể rằng “Ông ta lại gần”. Lại gần làm gì? Để xem trên con người bất hạnh này còn thứ gì quý giá “hốt hụi chót” chăng! Thưa không. “Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10, 34)

Viết tới đây, tôi chợt nhớ lại, cách đây khá lâu, ngay tại Saigon (dường như ở bùng binh ngã sáu Chợ Lớn thì phải), có một người bị cướp, bọn cướp giật túi tiền của anh ta, anh ta giật lại được, nhưng xui xẻo thay! túi tiền đó bị rách do sự giằng co giữa anh ta và kẻ cướp, tiền văng tung tóe trên đường.

Lúc đó nhằm giờ tan sở, rất nhiều người dừng xe lại lượm tiền rơi vãi, thế nhưng, thay vì gom lại trả cho khổ chủ, tệ thật! những kẻ dừng lại lượm tiền coi đó như là “của trời cho” họ, họ ung dung đút tiền vào túi và lên xe “Dzọt”…

Hay như câu chuyện một ông bác sĩ lái xe gây ra tai nạn hàng loạt trên đoạn ngã tư đường Lý Thái Tổ - Sư Vạn Hạnh. Trong khi rất nhiều nạn nhân đang oằn oại rên siết vì chấn thương, thay vì nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu, nhiều người giở trò lưu manh lục soát ví tiền, cốp xe nạn nhân, cướp tiền cướp tư trang của họ.

Thật buồn thay! “tình người” trong thời buổi “xã nghĩa” là như vậy đó!

Trở lại câu chuyện dụ ngôn. Câu trả lời đã rõ.

“Ai là người thân cận của tôi?”. Đối với thầy thông luật cũng như toàn thể người Do Thái, họ quan niệm rằng “người thân cận” chính là người-đồng-đạo, đồng hương và đồng chủng tộc.

Với Đức Giêsu, qua dụ ngôn, Ngài không chỉ gửi đến thầy thông luật một “đáp án” mà còn để lại nơi ông ta một quan niệm mới về “tình người”.

“Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Thầy thông luật với một nhãn giới mới về “tình yêu thương” ông ta đã không ngần ngại trả lời rằng “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”.

****

Câu chuyện “người Samari nhân hậu”, qua lăng kính thần học, Lm. Charles E. Miller đã chia sẻ rằng, “Tội lỗi ‘mai phục’ trên đường đi của nhân loại, chực tước đoạt nhân phẩm của chúng ta, trấn lột chúng ta và cướp đi ân điển của Thiên Chúa. Tội đánh đập ta nhừ tử, rồi bỏ mặc ta dở sống dở chết. Chúa Giêsu đến nâng ta dậy, không phải để đặt lên lưng một con vật nào đó, mà là lên vai của Người và đưa ta về nhà Giáo Hội. Nơi đây, chúng ta được chăm sóc cho đến lúc Người lại đến trong vinh quang trong ngày chúng ta được sống lại”

Vâng, là một Kitô hữu, chúng ta chẳng khác gì người lữ khách đi trên con đường về Trời-Mới-Đất-Mới. Vẫn còn đó, những “bọn cướp” tìm đủ mọi cách để cướp đi cuộc-sống-đức-tin của chúng ta, bằng những chủ thuyết vô thần lừa lọc và dối trá, bằng những thú đam mê dục vọng, bằng tiền tài danh vọng, bằng một nền văn hóa sự chết.

Vì thế cho nên, đừng rời xa Giáo Hội, nơi mà “Nhờ máu (Chúa Giêsu) đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an” cho chúng ta, sự bình an đó giúp chúng ta có thể vững tin để trở nên “người Samari nhân lành”.

Một khi chúng ta trở nên “người Samria nhân lành”, dù ở một lãnh vực nào, ở một ơn gọi nào, chúng ta vẫn có thể nhận ra “ai là người thân cận của tôi” .

Nói cách khác, dù tôi là Giám Mục hay Linh Mục, là bác sĩ hay kỹ sư, là nông dân hay công nhân, là một người chồng hay người vợ, là sinh viên hay học sinh v.v… tôi vẫn có thể nhận ra “tôi là người thân cận của ai”.

 

5. Chúa Nhật 15 Thường Niên

Trong bài Phúc Âm hôm nay (Lc 10, 25-37) Chúa Giêsu nói về dụ ngôn "người Samari tốt lành" để trả lời cho chàng luật sư muốn gài bẫy Chúa khi đặt câu hỏi: "Ai là người thân cận của tôi" (Lc 10, 29). Người ta đã thấy Chúa làm niều điều hay lẽ phải, ăn nói khôn ngoan, tinh thông mọi điều. Vì thế, chàng luật sư này liền đến chất vấn Chúa Giêsu. Luật của người Do Thái đã giới hạn sự giao tiếp giữa người Do Thái với những người không phải là DoThái.

Chúa Giêsu thấy chàng luật sư chưa sống đời mình một cách thực tế, còn chờ đợi, xem ai là người anh chị em của mình để yêu thương giúp đỡ. Chúa Giêsu kể câu chuyện một người đi đường từ Giêrusalem xuống Giêricô, dọc đường chẳng may bị kẻ cướp lấy tất cả đồ dùng quần áo, đánh cho nửa sống nửa chết, vắt nằm lăn lóc bên đường. Một tư tế đi qua rồi một trợ tế đi qua nhìn thấy tránh sang một bên và thản nhiên tiếp tục con đường của mình.

Tư tế và trợ tế là những bậc vị vọng trong một dân tộc mà chính quyền và giáo quyền làm một như dân Do Thái thời bấy giờ và ai cũng muốn làm bạn cùng những người đó. Trái lại sau đó, một người xứ Samaria là một nước thù địch cùng nước Giuđa lúc bấy giờ vì nạn Nam-Bắc phân tranh, người đó đi qua và hết lòng tận tình săn sóc nạn nhân người Giuđa. Kể xong, Chúa Giêsu long trọng hỏi chàng luật sư đó: "Ai là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?". Dĩ nhiên câu trả lời là người tỏ lòng thương xót giúp đỡ. Và Chúa Giêsu đã kết luận cuộc đối thoại bằng một câu đáng giá ngàn vàng: "Vậy ông hãy đi và làm như thế". Hãy thực tế, đừng ngồi đó hỏi ai là anh chị em tôi để tôi yêu mến, để tôi lo lắng, để tôi săn sóc. Nhưng trước tiên hãy sống tỏ ra mình là người anh chị em của mọi người trước đã. Khả năng tỏ ra anh chị em của người khác ở trong tay của mình, đừng ngồi đó chờ mà hãy thực hành ngay.

Đối với chàng luật sư, luật cũ dựa trên nhân bản, lấy con người của mình làm tiêu chuẩn để cư xử: "Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình" (Lc 10, 27). Xét về mặt công bằng xã hội, nếu chúng ta tôn trọng nhân vị của người khác như chính bản thân mình, đó là điều tốt. Sách Giáo Lý Công Giáo cũng dạy: "Mỗi người hãy coi tha nhân, không trừ một ai như chính bản thân mình" (GLCG số1931)

Đối với Chúa Giêsu, dựa trên tinh thần đạo đức siêu nhiên, Ngài đã bổ túc luật cũ, lấy tiêu chuẩn hành động là Thiên Chúa; "Đây là điều răn của Thầy: " Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con" (Ga 15, 12; 13, 34). Công Đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Lumen Gentium đoạn 40 cũng nhắc nhở: "Bởi vậy, Người đã sai Thánh Thần đến với mọi người, để từ bên trong Ngài thôi thúc họ yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn cùng hết sức họ (Mc 12,30) và yêu thương nhau như Chúa Kitô yêu thương họ" (Ga 15, 12; 13, 34)

Chúa Giêsu đã không những chỉ dạy về sự chạnh lòng thương, mà chính Ngài là lòng thương xót, chính Ngài đã đóng vai trò của người Samari tốt lành. Nhân loại chúng ta là những nạn nhân bị đánh đập, cướp bóc, bị thương tích nửa sống nửa chết, bị bỏ rơi dọc đường trên cuộc hành trình tìm về sự sống vĩnh cửu. Tình yêu thương, sự chạnh lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện qua việc nhập thể, mang lấy thân phận làm người, cùng chịu đau khổ, chịu chết và sống lại. Chúa Giêsu đã đến gần chúng ta, săn sóc lo lắng cho chúng ta. Ngài từ phía trời cao, xuống thế, và tự đặt mình vào trong hoàn cảnh của chúng ta. Chính Ngài là người hàng xóm đã chạnh lòng thương chúng ta. Mặt khác, Người cũng chính là nạn nhân của nhân loại, đã bị đánh đập tàn nhẫn và chết thê lương trên thập giá mà không có ai cứu chữa (Mc 15, 34). Chúa Giêsu là Người tôi tớ rao giảng sự công chính, như con chiên bị sát tế cách bất công (Cv 8, 32; Is 50, 6). Chúa Giêsu đặt ra một thử thách lớn đối với những người đồng hương Do Thái của Ngài. Trong bối cảnh lịch sử thời ấy, người Do Thái và Samaria là những kẻ thù cay đắng của nhau. Người Do Thái nhìn người Samaria là loại công dân bậc hai hay ba, vì họ không còn mang dòng máu thuần khiết Do Thái nữa. Chúa Giêsu cũng muốn nói với chúng ta ngày nay rằng: "Mỗi người ở một lúc nào đó đều là thân cận, bởi mỗi người sẽ có lúc cần phải được giúp đỡ, ngay cả kẻ thù đáng ghét nhất của bạn. Hãy biểu tỏ lòng thương xót - chạnh lòng thương- qua việc phục vụ cho bất cứ ai đang cần giúp đỡ".

Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta phải thực tế, phải sống và tạ ơn vì những gì Chúa đã ban, phải vâng theo những lề luật Chúa ghi khắc trong tâm hồn và dạy phải tuân giữ. Hằng ngày chúng ta gặp những người cô đơn, bị bỏ rơi, thiếu tình thương và chăm sóc, bị ngược đãi, thất vọng, chán nản và mặc cảm tội lỗi. Họ kêu cứu trong bài đáp ca hôm nay "Tôi buồn sầu và đớn đau" chúng ta đừng bỏ qua. Hãy dừng lại và giúp họ. Có rất nhiều cách mà chúng ta có thể thực hiện như: một nụ cười chân thành, một lời chào vui vẻ, sự ân cần thăm hỏi có thể giảm bớt nỗi đau của một tâm hồn sầu muộn, một lời "cảm ơn" nồng nàn có thể khích lệ một người bị quên lãng, bị khinh khi. Tình yêu chân thành sẽ chỉ cho ta biết phải làm sao. Tình yêu có thể cảm hoá lương tâm và thay đổi cách sống của một người. Tình yêu có tác dụng trên tha nhân và làm cho họ trở nên tốt hơn.

Câu chuyện Chúa Giêsu kể hôm nay, chỉ cho chúng ta biết ai là người thân cận mà chúng ta phải yêu thương. Người cho chúng ta sức mạnh, sự khôn ngoan để yêu thương qua tình yêu của Ngài. Trong tuần này, để thực hành Lời Chúa, chúng ta cùng nhau làm những việc cụ thể như thay vì nghĩ xấu, nói xấu tha nhân thì chúng ta hãy nghĩ tốt nói tốt cho tha nhân, tìm cách giúp đỡ tha nhân một cách tận tình và bác ái hơn. Làm cha mẹ, hãy dạy cho con cái sống trong sạch, yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, vì chính Ngài là suối nguồn yêu thương, dạy cho ác em nhỏ biết kính trọng người lớn và chân thành yêu thương những người kém may mắn. Cuối cùng, mọi người hãy cầu nguyện để xin Chúa cho mình quảng đại yêu thương như Chúa Giêsu yêu thương.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng ta thành người Samaritanô nhân hậu, biết yêu thương và sẳn sàng giúp đỡ tha nhân bằng tình yêu mà Chúa muốn. Amen.

 

6. Chữa tận căn

Có một câu chuyện tưởng tượng, tiếp nối dụ ngôn người Samaria nhân hậu, đại khái như sau: Sau khi đã tận tình cứu giúp nạn nhân bị bọn cướp đánh và bỏ rơi, người Samaria này lại có dịp đi từ Giêrusalem xuống Giêricô. Lần thứ hai này, ông cũng gặp một nạn nhân khác và như lần đầu, ông cũng lại ra tay cứu giúp. Và rồi tiếp theo trong những lần có dịp đi qua con đưởng đó, ông đều gặp nạn nhân và đều cứu giúp, cho đến một ngày kia là lần thứ 2222, khi đến chỗ thường xảy ra những vụ cướp bóc, ông cũng lại gặp một nạn nhân. Như thường lệ, ông xuống lừa, băng bó vết thương. Xong xuôi đâu đó, ông đặt nạn nhân lên lưng lừa. Với thời gian, con lừa của ông dường như cũng quen đường cũ, đem nạn nhân đến quán trọ. Nhưng lần này ông chủ quán chỉ thấy nạn nhân nằm trên lưng con lừa cũ mà không thấy người Samaria đâu. Hơi ngạc nhiên, nhưng ông chủ quán vẫn tiếp tục chăm sóc nạn nhân như thường lệ. Điều mà ông chủ quán không ngờ mãi đến lần 2222 người Samaria mới có sáng kiến giúp các nạn nhân đến nơi đến chốn. Để giải quyết tận gốc rễ, ông đã tìm đến sào huyệt của bọn cướp với hy vọng thuyết phục họ, hoặc nếu được thì giúp đỡ để họ có thể trở về sống một cuộc đời lương thiện, từ bỏ những hành động trộm cướp và giết người.

Trong cuộc sống, rất nhiều lần chúng ta đã gặp phải những người đau khổ, nghèo đói, bệnh tật. Có thể là chúng ta đã đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ như thầy tư tế và lêvi. Có thể là chúng ta cũng đã giúp đỡ họ một cách đại khái cho qua lần đoạn lượt bằng một lời chào, bằng một nụ cười, bằng một sự an ủi khích lệ hay bằng một vài ngàn đồng bạc làm phúc bố thí, nhưng có lẽ chưa một lần chúng ta dừng lại, suy nghĩ và tìm hiểu xem chúng ta phải làm những gì để chữa tận căn, để diệt tận gốc, hầu đem lại cho họ sự bình an và hạnh phúc đích thực.

Người Samaria đã lặn lội tìm vào tận hang ổ của bọn cướp, để xóa đi sự hiện diện của họ, vốn đã từng gieo rắc kinh hoàng và khổ đau cho nhiều người. Còn chúng ta thì sao?

Gặp một người nghèo túng, thay vì cho họ một số tiền nào đó, chúng ta có thể chỉ bảo cho họ một nghề nghiệp, nhờ đó mà họ sẽ tự túc tự cường, tự mình kến sống. Gặp một gia đình bất hòa, thay vì đưa ra những lời khuyên một cách chung chung, chúng ta có thể tìm hiểu đâu là nguyên nhân gây ra sự bất hòa đó, để rồi tìm cách xóa bỏ cái nguyên nhân ấy đi. Đây là một việc làm không mấy dễ dàng, thế nhưng, để sự giúp đỡ của chúng ta thự sự mang lại lợi ích cho người khác, liệu chúng ta có cùng với họ xóa bỏ tận gốc rễ nguyên nhân làm cho họ phải khổ đau hay không?

 

7. Tội thờ ơ.

Tôi đã chứng kiến không chỉ một lần cảnh đám đông vây quanh một đánh đánh lộn bên đường phố. Có khi đó là hai thanh niên quyết ăn thua đủ với nhau. Có khi đó là một người đàn ông đánh đập tàn nhận một người đàn bà. Có khi đó là hai cô gái sừng sổ với nhau. Điều đáng nói là mọi người dường như có vẻ dửng dưng, như chứng kiến một cánh đấm đá trên màn ảnh? Phải chăng con người ngày nay đã xơ cứng trước nỗi thống khổ của kẻ khác?

Thực tế có lẽ không đến nỗi quá quắt như vậy. Người ta chỉ thờ ơ để khỏi mang vạ vào thân giữa một xã hội mạnh ai nấy sống. Tuy thế cũng thật đáng buồn và đáng suy nghĩ. Tôi chắc có nhiều người cũng như tôi, không hẳn là mình không muốn can ngăn những cuộc ẩn đả xảy ra ngoài đường phố hay trong khu xóm. Có điều cái thói thờ ơ, để khỏi bị liên luỵ và được yên lòng, đã chiếm lĩnh lối sống ích kỷ, cầu an cá nhân của mình. Sống với tâm trạng như thế, chúng ta đọc sao được câu chuyện người Samaria nhân hậu của Tin Mừng.

Người Samaria là một anh chàng không có đạo, mà không có đạo cũng đồng nghĩa với không thể sống bác ái lương thiện. Quan niệm Do Thái hẹp hòi và thiển cận ấy, như một mẫu mực để những ai muốn có cuộc sống đời đời phải nhìn đó mà noi theo. Người Samaria ngoại đạo đã trổi vượt hơn những người chính thống, đạo đức nhất của xã hội và Giáo Hội lúc bấy giờ là thầy Lêvi và vị tư tế. Trổi vượt trong lãnh vực yêu thương, cứu giúp những người gặp vận nạn hiểm nguy trong cuộc sống. Còn chúng ta thì sao?

Tôi xin thưa chúng ta cũng phải trở nên là những người Samaria nhân lành của thời buổi hôm nay. Có nghĩa là chúng ta không phải chỉ sống cho riêng mình mà còn sống cho người khác. Chúng ta không chỉ lo toan cho cá nhân mà còn quan tâm tới hết mọi người chung quanh. Chúng ta không chỉ nghiêm túc trong giờ phụng vụ mà còn nghiêm túc trong mọi lãnh vực kinh doanh và sản xuất.

Trong xã hội, kẻ thờ ơ với tha nhân cũng nhiều, nhưng những người Samaria hiện đại cũng không thiếu. Họ có khi mang danh hiệu Kitô hữu, có khi mang danh hiệu Phật tử, có khi mang danh hiệu cộng sản và có khi chẳng mang một danh hiệu nào cả. Nhưng họ giống như Đức Kitô đã sống và họ tiếp cận được với Thiên Chúa cũng như với tha nhân. Vậy thì để trở nên những người Samaria thời buổi hôm nay, chúng ta đã thực sự có được một trái tim mở rộng, một thái độ quan tâm đến mọi người, mọi việc kế cận với chúng ta hay chưa?

 

8. Suy niệm của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Chủ Đề: Luật trong lòng Người Samaria nhân hậu

I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

Hôm nay chúng ta sẽ nghe dụ ngôn về người Samaria nhân hậu. Qua hình ảnh người Samaria này, Chúa muốn chúng ta hãy quân tâm giúp đỡ chăm sóc người khác. Còn thầy tư tế và thầy lêvi thì xem ra chẳng làm gì nên tội, nhưng thực ra tội của họ chính là tội thiếu sót: họ đã không làm điều lẽ ra họ phải làm.

Trước khi cùng nhau dâng Thánh lễ, chúng ta hãy xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta, những tội trong lời nói, việc làm và cả những tội thiếu sót.

II. Gợi ý sám hối

Chúng ta rất ít quan tâm đến người khác.

Nhiều việc lành chúng ta có thể làm nhưng chúng ta đã bỏ qua không làm.

Chúng ta thường thờ ơ dửng dưng trước những người nghèo khổ bệnh tật.

III. Lời Chúa

1. Bài đọc I (Đnl 30, 10-14)

Để khuyến khích dân Do Thái thực thi những lệnh truyền của Thiên Chúa, ông Môsê lưu ý họ rằng: Những lệnh truyền của Thiên Chúa không quá khó khăn cũng không vượt quá sức con người, nhưng có thể thực hiện được vì chúng không ở trên trời hay ở bên kia biển cả mà ở sát bên con người, nơi miệng con người và trong lòng con người.

2. Đáp ca (Tv 68)

Tv này là lời kêu xin của người đang gặp cảnh khổ, mong được Thiên Chúa cứu giúp.

Những lời này có thể áp dụng cho nạn nhân trong bài Tin Mừng bị kẻ cướp hành hạ đến nửa sống nửa chết và bỏ nằm trên đường.

3. Tin Mừng (Lc 10, 25-37)

1. "Ai là người thân cận của tôi?" Câu hỏi này của vị Luật sĩ phản ảnh phần nào chiều hướng suy nghĩ của ông:

Ông muốn tìm một câu định nghĩa về "người thân cận". Người Do Thái thời đó hiểu "người thân cận" chỉ là những đồng bào Do Thái với mình.

Ông muốn nghe một câu trả lời có tính lý thuyết.

2. Dụ ngôn người Samari phản ảnh chiều hướng suy nghĩ của Chúa Giêsu:

Định nghĩa về "người thân cận" không quan trọng bằng thực thi bác ái với người thân cận (câu 37)

Người thân cận là bất cứ ai (không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, quan điểm... ). Hình như hai nhân vật chính trong dụ ngôn này một người là Do Thái một người là Samari.

Thay vì tìm hiểu ai là người thân cận, tốt hơn nên tỏ ra mình là người thân cận đối với những kẻ đang cần mình giúp đỡ (câu 36)

4. Bài đọc II (Cl 1, 15-20) (Chủ đề phụ)

Tín hữu Côlossê tuy đã tin vào Chúa Giêsu Kitô nhưng chưa an tâm, một mặt họ vẫn giữ lại những tập tục Do Thái giáo (như cắt bì, giữ luật ngày Sabát...), mặt khác họ tin thêm một số thần khác, làm thêm một số việc mê tín dị đoan. Họ nghĩ rằng như thế thì "chắc ăn" hơn.

Để bài trừ cách sống đạo "thập cẩm" này, thánh Phaolô đề cao vai trò tối thượng duy nhất của Chúa Giêsu:

Ngài là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình

Ngài là trưởng tử mọi thọ tạo

Mọi thọ tạo đều được tạo thành trong Ngài

Ngài còn là đầu của Hội Thánh

Thiên Chúa đã đặt tất cả mọi sự viên mãn trong Ngài

Tóm lại, Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu độ duy nhất. Bởi vậy, muốn được cứu độ thì chỉ cần tin vào một mình Chúa Giêsu Kitô, không cần nhờ bất cứ tôn giáo hay thần thánh nào khác.

IV. Gợi ý giảng

* 1. Các vai trong dụ ngôn

Thầy tư tế và thầy Lêvi là những người chỉ quan tâm đến bản thân mình: khi gặp một tình huống đặc biệt, họ nghĩ đến bản thân họ trước (không dừng lại chăm sóc người bị nạn vì sợ trễ giờ, vì sợ ô uế nếu đụng vào xác chết).

Người Samaria là người biết nghĩ đến người khác: khi gặp người bị nạn, anh chỉ biết tìm cách giúp đỡ nạn nhân, không ngại mất giờ, mất công và mất tiền.

Thầy tư tế và thầy lêvi chú ý giữ luật ghi trên sách vở (luật quy định về thanh sạch và ô uế); Người Samaria giữ luật trong tim (luật yêu thương)

Thầy tư tế và thấy lêvi không phạm tội nào về lời nói hay việc làm, nhưng phạm tội thiếu sót vì đã bỏ qua không làm điều mình phải làm.

* 2. Người chăm sóc

Người Samaria là một người chăm sóc

Loại người này rất hiếm thấy trong xã hội, vì trong xã hội ai nấy chỉ biết lo cho mình, ít ai để ý chăm sóc người khác, nhất là chăm sóc những người xa lạ không có quan hệ gì tới mình.

Nhưng loại người này rất hữu ích cho xã hội. Bằng những việc chăm sóc âm thầm, nhỏ bé, họ chính là muối và men làm cho xã hội bớt đau khổ, bớt xấu xa và thêm tốt đẹp.

Khi đề cao người Samaria, Chúa Giêsu muốn chúng ta cũng phải là những người chăm sóc. Con đường Giêrusalem tới Giêricô chính là đường đời, trên đó không thiếu những người bất hạnh cần được chăm sóc. Mỗi người cũng được Chúa ban có nhiều khả năng chăm sóc: một lời an ủi động viên, một cử chỉ thân ái, một giúp đỡ thiết thực chính là chút rượu và chút dầu xoa dịu những thương đau cho người anh em mình đang gặp đau khổ. (FM)

* 3. Lòng tốt tự phát

Có nhiều người làm một việc tốt cách hết sức tự nhiên và dễ dàng. Đó là những người mà luật yêu thương đã ăn sâu vào con tim mình, đã trở thành máu thịt và hơi thở của mình.

Người Samaria trong dụ ngôn này là một người như thế: khi gặp một nạn nhân trên đường, anh không cần suy nghĩ gì cả mà tự nhiên xuống lừa, cúi xuống lấy dầu và rượu xoa dịu những vết thương của nạn nhân, rồi chở nạn nhân đến quán trọ, bỏ tiền ra nhờ chủ quán tiếp tục lo cho nạn nhân.

Khác hẳn với Thầy tư tế và thầy Lêvi: hai người này cũng thấy cảnh đó, nhưng đắn đo suy tính thiệt hơn. Và sau khi suy tính, họ chọn giải pháp "đi qua". Họ thuộc luật rất nhiều đấy, nhưng luật chưa ăn sâu vào tim và chưa trở thành máu thịt và hơi thở của họ.

Làm thế nào để có lòng tốt tự phát như người Samaria? Việc này không phải muốn là được, không phải chỉ cố gắng tập một lần mà có, mà là kết quả của việc thực thi những việc tốt nho nhỏ cách đều đặn và kiên trì. Một hành động tốt cao cả là thành quả của nhiều hành động tốt nho nhỏ đã quen làm trước đó. Phần thưởng đích thực của một hành động tốt là nó giúp ta có thể làm thêm những hành động tốt khác một cách dễ dàng hơn.

* 4. Yêu rồi làm (Lc 10, 25-37)

Một vị ẩn sĩ sống trong một khu rừng luôn bị một cô gái làng chơi đến cám dỗ. Ngạc nhiên trước sự thanh thản của vị tu hành, nhưng đồng thời cũng nghi ngờ sự bất bình thường của người đàn ông, cô liền hỏi một câu chế nhạo:

- Thầy không biết yêu sao?

Vị ẩn sĩ trả lời:

- Chưa đến giờ đó thôi?

Câu chuyện bỏ lửng tại đó. Một lần kia, trong lúc đi khất thực, vị tu hành phát hiện người con gái hay đến phá phách mình đó bị bọn cướp trấn lột và đánh cho thừa sống thiếu chết bên lề đường. Ông bèn dừng chân lại săn sóc cô ta, chữa các vết thương và đưa cô về thành phố điều trị.

Cô gái sững sờ nhìn vị ân nhân mà chưa biết mở lời ra sao, thì vị ẩn sĩ mỉm cười nói:

- Đã đến giờ rồi đấy, giờ của lòng thương xót!

***

Người thông luật trong bài Tin Mừng hôm nay hỏi Chúa Giêsu: "Ai là người thân cận của tôi?" Thay vì trả lời, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người Samari tốt lành: Một khách bộ hành đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, bị bọn cướp đánh nhừ tử, trấn lột, rồi bỏ nằm nửa sống nửa chết bên lề đường. Trong khi hai thầy tư tế và Lê vi "tránh qua bên kia mà đi", thì người Samari ngoại đạo lại dừng chân, băng bó vết thương, đem nạn nhân về nhà trọ săn sóc.

Chúa Giêsu hỏi lại người thông luật: "Vậy ai là người thân cận của kẻ bị cướp?". Hỏi tức là trả lời. Và người thông luật đáp: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót". Chúa Giêsu bảo: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy" (Lc 10, 37).

Vị ẩn sĩ trong câu chuyện trên đây và người Samari nhân hậu đã sống luật yêu thương một cách tuyệt vời, đó là "yêu bằng việc làm". Yêu không chỉ trên đầu môi chót lưỡi, rồi phủi tay không làm gì cả, mà yêu chính là "miệng nói tay làm", làm thực sự với hết khả năng của mình. Những việc làm cụ thể thường hùng hồn hơn những lời nói suông. Con đường dài nhất là con đường từ trái tim đến đôi tay. Chúa Giêsu muốn chúng ta đi hết con đường đó: "Hãy đi và làm như vậy". Pascal đã nói: "Khuyết tật lớn nhất của một người là phục vụ quá ít cho những kẻ họ yêu thương".

Sở dĩ người ta không dám làm một cái gì đó cho những người anh em, là vì họ không có can đảm vượt qua nỗi sợ.

Sở dĩ thầy tư tế và thầy Lê vi "tránh qua bên kia mà đi" là vì các thầy sợ ô uế khi đụng vào xác chết, sợ bọn cướp còn ẩn nấp đâu đây, sợ rắc rối phiền hà đến bản thân.

Sở dĩ chúng ta không dám làm một cái gì đó cho người anh em khi họ cần giúp đỡ, là vì chúng ta sợ phải thiệt thòi, sợ tốn công sức, sợ mất thời gian, sợ phải trả giá, sợ đụng đến sự an toàn, tiện nghi của mình. Chúng ta muốn được yên thân! Thầy tư tế và thầy Lêvi đã tự hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra cho tôi, nếu tôi dừng lại và săn sóc người anh em bị đánh nhừ tử?". Trái lại, người Samari đã đảo ngược câu hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra cho người anh em bị đánh nhừ tử, nếu tôi không dừng lại và chăm sóc người ấy?" Người Samari tốt lành đã xả thân vào một hành động vị tha đầy nguy hiểm.

Yêu thương không phải là cho đi một cái gì, nhưng là cho đi chính bản thân. Yêu thương là hy sinh, là quên mình, là hiến thân phục vụ tha nhân: Kahil Gibram có một câu nói chí tình: "Bạn cho đi quá ít khi chỉ cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi". Càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất chính mình. Càng co cụm trong vỏ ốc ích kỷ của mình, con người càng chết dần mòn trong nỗi cô đơn. Càng muốn được yên thân, con người càng vong thân.

Nỗi khát khao hạnh phúc của con người chỉ có thể được lấp đầy khi họ biết đến gần, cúi xuống phục vụ tha nhân.

Con người chỉ thành đạt thực sự, con người chỉ thục sự là người khi họ dám sống chết cho anh em.

Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là con Chúa khi họ dám tiêu hao vì người khác. Mẹ Têrêsa Calcutta nói: "Ki tô hữu là người trao ban chính bản thân mình".

Yêu rồi làm. Khi đã yêu rồi chúng ta sẽ biết phải làm gì cho người anh em. Khi đã yêu rồi chúng ta sẽ có sáng kiến để xả thân vì mọi người, nhất là những người nghèo hèn đau khổ. Khi đã yêu rồi, chúng ta sẽ biết cách làm cho kẻ xa lạ nên người thân cận, kẻ thù địch nên người bạn tốt, chỉ cần chúng ta dám đừng lại, đến gần và cúi xuống trước anh em.

***

Lạy Chúa cuộc sống đạo của chúng con sẽ trở nên phù phiếm nếu cái cốt lõi của đạo là yêu thương chỉ là điều phụ thuộc.

Xin đừng để chúng con loay hoay với những tính toán ích kỷ; chai đá, dửng dưng trước những khổ đau của anh em. Nhưng xin dạy chúng con biết chạnh lòng xót thương và giúp đỡ những ai đang cần đến chúng con. Amen (Thiên Phúc )

5. Chuyện minh họa

a/ Lòng hiếu khách tự nhiên

Alaska là một vùng đất đẹp thu hút nhiều du khách, nhưng cũng là một vùng rộng lớn thưa dân.

Ngày kia, một du khách lái xe đi thăm các thắng cảnh thiên nhiên. Quá mãi mê ngắm cảnh, xe của ông lạc vào một vùng hoang vu. Rủi thay chính lúc đó xe ông bị hư. Sau một hồi lâu tìm kiếm, ông may mắn gặp được một nông trại và xin ông chủ nông trại ấy giúp sửa dùm chiếc xe. Người chủ nông trại nhanh nhẹn lấy đồ nghề ra. Nửa giờ sau xe chạy được. Người du khách móc ví tiền ra, hỏi:

- Tôi phải trả công cho ông bao nhiêu?

- Thôi, khỏi phải trả chi cả.

- Nhưng tôi thấy có bổn phận trả lại cho ông điều ông đã làm cho tôi.

- Thì ông đã trả rồi đó.

- Xin lỗi, tôi chưa hiểu ông muốn nói gì?

- Ở nơi hoang vu này, tôi rất cô đơn nên cần có bạn. Ông đã cho tôi có dịp làm bạn với ông suốt một giờ đồng hồ vừa qua.

b/ Bản năng giúp người khác

Larry Skutnik là một người có tính nhút nhát làm việc cho một công sở ở Washington. Chiều ngày 13 tháng giêng năm 1982, một trận bão tuyết rất lớn đổ xuống thành phố này. Xe anh đang trên đường về nhà thì bị kẹt trên cầu bắt qua sông Potomac. Lý do là có một chiếc máy bay chở 79 người đã đâm đầu xuống sông. Anh bước khỏi xe để quan sát và thấy có 3 người đang bám vào đuôi chiếc máy bay đang chìm dần xuống nước. Một chiếc trực thăng đã đến kịp. 3 người ấy leo lên trực thăng. Nhưng chỉ 2 người bám dính, còn người thứ ba, một phụ nữ, vuột tay rơi trở lại xuống nước.

Không chút ngần ngại, Larry Skutnik nhảy tòm xuống sông, lặn xuống dòng nước lạnh cóng để tìm kiếm nạn nhân. Một lúc sau anh đã tìm được và đưa bà này lên bờ.

Tất cả những diễn tiến của cảnh đó đều được thu hình và sau đó được đưa lên truyền hình. Mọi người đều ca ngợi anh là một vị anh hùng. Sáng hôm sau, một phóng viên tới phỏng vấn:

- Do đâu mà anh đã làm được một hành động anh hùng như thế?

- Quả thực hai chữ "anh hùng" làm tôi xấu hổ quá. Tôi đâu có cố gắng gì đâu, chỉ là phản xạ tự nhiên thôi.

Anh hùng thật là người làm hành động anh hùng một cách tự nhiên như phản xạ. Người tốt thật là người làm việc tốt một cách rất tự nhiên.

V. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến, đạo Chúa Kitô là đạo tình thương, chỉ dùng tình thương mà cảm hóa và chinh phục người khác. Với quyết tâm sống trọn vẹn đức bác ái yêu thương Chúa đã dạy, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:

1. Hội thánh là dấu chỉ tình thương của Chúa đối với nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành viên trong đại gia đình Hội thánh / biết luôn chân thành yêu thương / và tôn trọng hết thảy mọi người.

2. Trên thế giới ngày nay / chiến tranh và khủng bố / hận thù và bạo lực / vẫn còn đang hoành hành ở nhiều nơi / gây ra tang tóc và đau khổ cho biết bao gia đình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho đức bác ái của Chúa Kitô tác động đến mọi suy nghĩ / lời nói và việc làm của con người hôm nay.

3. Trong đời sống thường ngày / có một số người ngại phiền phức / sợ cực nhọc khi phải giúp đỡ người khác / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho tất cả mọi người Kitô hữu biết sống quảng đại / và sẵn sàng trợ giúp những ai đang lâm cảnh gian truân khốn khó.

4. Sống bác ái là chu toàn cả Lề Luật của Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết rộng rãi chia sẻ cơm áo cho những ai đói rách bần cùng.

Chủ tế: Lạy Chúa, đức tin đòi buộc chúng con phải sống đức ái. Vậy xin Chúa thương ban ơn trợ giúp để chúng con có thể sống trọn vẹn niềm tin của mình. Chúng con cầu xin.

VI. Trong Thánh Lễ

- Trước kinh Lạy Cha: Chúa Giêsu đã kêu mời chúng ta hãy yêu thương giúp đỡ nhau như những anh em cùng một Cha. Vậy chúng ta hãy cùng Ngài dâng lên Chúa Cha lời kinh say đây:

- Sau kinh Lạy Cha: "Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, đặc biệt là lối sống thờ ơ ích kỷ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an...

VII. Giải tán

Sau khi kể cho người thông luật nghe dụ ngôn về người Samaria nhân hậu, Chúa Giêsu đã bảo người đó: "Anh cũng hãy đi và làm như vậy". Trong Thánh lễ này, Chúa Giêsu cũng kể lại cho chúng ta nghe dụ ngôn ấy. Giờ đây Thánh lễ đã xong, Ngài cũng bảo chúng ta: "Chúng con hãy đi và làm như vậy". Chúc anh chị em ra về bình an.

 Nguồn:http://gplongxuyen.org/News