Chúa Nhật 13/09/2020 – Chúa Nhật 24 Thường Niên năm A. – Tha thứ như Chúa dạy.

Chúa Nhật 13/09/2020 – Chúa Nhật 24 Thường Niên năm A. – Tha thứ như Chúa dạy.

"Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy".

 

Lời Chúa: Mt 18, 21-35

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.

"Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

"Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".

 

* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ  link CGKPV

 

* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

 

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN  A

Lời Chúa: Hc 27,33 – 28,9; Rm 14, 7-9; Mt 18, 21-35

 

1. Hết lòng tha thứ.

(Trích trong ‘Manna’ - Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.)

Suy Niệm

"Và bạn nữa, người bạn của giây phút cuối cùng.

Bạn không hiểu điều bạn đã làm.

Cầu xin cho hai chúng ta là những người trộm lành

được gặp lại nhau trên Thiên quốc,...

Chúa là Chúa của hai chúng ta."

Đó là lời trối của cha Christian de Chergé

viết cho người Hồi giáo nào đó sẽ ám sát mình,

bởi cha biết cái chết là điều không sao tránh khỏi.

Ta không thấy có chút hờn oán nào.

Cha coi kẻ giết mình như một người bạn,

một người trộm lành như cha, và cha mong được sống với anh trên trời.

Tha thứ một cách phi thường và hồn nhiên,

đó là thái độ của người thấm nhuần Kitô giáo.

Các tôn giáo đều dạy sự tha thứ.

Tha thứ để làm cho oán tiêu tan,

để phá vỡ cái vòng oan nghiệt trói buộc con người.

Kitô giáo mời gọi tha thứ vì một lý do khác:

Tôi phải tha thứ cho anh em tôi vì Chúa đã liên tục tha thứ cho tôi.

Đời tôi là một chuỗi những vấp ngã,

được đan kết với bao thứ tha.

Ơn tha thứ như dòng suối chảy vào đời tôi,

nếu bị ngăn lại, nó sẽ thành ao tù,

nó chỉ trong lành khi được chảy đến tha nhân.

Tha thứ là khả năng của Thiên Chúa.

Tự sức riêng, ta không ra khỏi được vòng oán thù.

Chẳng ngày nào thế giới không có tiếng súng.

Luật mắt đền mắt là luật công bằng,

nhưng có thể làm cả thế giới hoá mù.

Chỉ sự tha thứ mới đem lại bình an.

Dám tha thứ là dám chịu thiệt thòi,

dám tin rằng cuối cùng tình thương sẽ thắng.

Qủa tim chai đá phải tan chảy trước tình thương.

Đức Giêsu mời gọi chúng ta tha thứ, không phải 7 lần, mà là 70 lần 7,

nghĩa là tha thứ như Thiên Chúa, tha vô giới hạn.

Cần biết chạnh lòng thương như Thiên Chúa,

để sẵn sàng tha cho bạn mình một món nợ nhỏ,

vì Chúa đã tha cho mình món nợ khổng lồ.

Chúng ta chỉ biết chắc mình đã được Chúa tha,

khi chúng ta không giữ ơn tha thứ cho riêng mình,

khi chúng ta mang quả tim thương xót của Đấng hay tha thứ.

Cha Chergé đã bị giết cũng với 6 đan sĩ khác.

Chắc nay cha hiểu rõ hơn câu này:

"Vì chính khi thứ tha, là khi được tha thứ."

Gợi Ý Chia Sẻ

Tha thứ cho người xúc phạm đến danh dự, tài sản, quyền lợi của bạn, bạn thấy điều đó có khó không? Bạn làm gì để vượt qua được ước muốn trả thù?

Ở Angiêri đã có 19 tu sĩ và giáo sĩ Công giáo bị nhóm Hồi giáo quá khích giết hại. Bạn có nghĩ rằng những cái chết hiền lành này sẽ khiến ai đó phải nghĩ lại không?

Cầu Nguyện

Xin hãy dẫn dắt con đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý.

Xin hãy dẫn dắt con đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác.

Xin hãy dẫn dắt con đi từ ghen ghét đến yêu thương, từ chiến tranh đến hoà bình.

Xin hãy đổ đầy bình an trong trái tim chúng con, trong thế giới chúng con, trong vũ trụ chúng con.

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

 

2. Hết lòng tha thứ cho nhau - ViKiNi

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

Lịch sử Việt Nam kể lại một cuộc tha thứ cho hàng vạn quân Minh như sau: “Lê Lợi sai tướng đem chiến lợi phẩm thu được ở trận Chi Lăng vào tận doanh trại của chủ tướng Tàu là Mộc Thạch. Mộc Thạch biết Liễu Thăng bị chết, đại quân bị bại, hoảng sợ chạy về Tàu. Vương Thông đóng quân ở Đông Quan, khiếp đảm, xin cầu hòa - Lê Lợi đồng ý, còn cung cấp lương thực, thuyền bè, sửa chữa cầu đường tạo điều kiện cho quân Minh nhanh chóng rút về nước. Nhờ sự tha thứ cho hàng vạn kẻ thù, dân nước được sống hòa bình thịnh vượng. Đó là kết quả của sự tha thứ trong lịch sử Việt Nam.

Còn một sự tha thứ vĩ đại hơn nữa trong lịch sử loài người, là sự tha thứ của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa xuống thế làm người được Gioan tẩy giả giới thiệu: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga. 1, 29).

Ngài là Đấng xóa tội trần gian, nên Ngài nói với người phụ nữ tội lỗi: “Tội chị đã được tha rồi” (Lc. 7, 48).

Ngài cũng tha tội cho người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi” và cho anh đứng dậy vác chõng về (Mt. 9, 2). Dù các kinh sư và Pharisiêu dựa vào luật Môisê kết án người phụ nữ ngoại tình, Ngài vẫn tha thứ cho chị: “Tôi không lên án chị đâu, chị cứ về và từ nay đừng phạm tội nữa”. Thế là Ngài đã tha tội, tha chết cho chị, và không ai có quyền lên án chị nữa (Ga. 8, 11).

Ngài đã tha thứ, và Ngài dậy chúng ta phải tha thứ như người cha tha thứ và vui mừng đón rước đứa con phung phá (Lc. 15, 11-32). Ngài dậy chúng ta phải cầu nguyện để biết tha thứ cho kẻ có nợ chúng ta như Chúa Cha đã tha nợ cho chúng ta (Mt. 6, 9-15).

Nhưng lòng con người quá hẹp hòi, cứng cỏi, cùng lắm chỉ tha được đến ba lần: “quá tam ba bận” hoặc hơn chút nữa như luật sĩ tha đến bốn lần. Phêrô tưởng mình tha đến bảy lần thì đã xứng đáng làm tông đồ của Thầy rồi. Không ngờ, Thầy dậy phải tha đến bảy mươi lần bảy: một con toán khổng lồ hàng tỉ lần, thời đó không thể đếm được. Cụ thể hơn nữa, cho ông và mọi người hiểu một cách thấm thía, lòng thương yêu tha thứ vô cùng của Thiên Chúa đối với con người, và lòng độc ác dã man của con người với con người. Qua câu chuyện đầy xúc động sau: Một đầy tớ nợ ông chủ 10.000 nén vàng, nếu bán hết vợ con, tài sản và y đi, cũng không trả đủ. Thế mà, y xin tha, chủ tha luôn. Nhưng bạn y, chỉ nợ y có 100 đồng bạc, chẳng đáng chút nào cái nợ y nợ ông chủ, thế mà bạn y xin khất ít lâu sẽ trả. Y không tha, lại túm lấy, bóp cổ, đánh đập, bỏ tù bạn y.

Không còn cái cảnh bi đát nào tả được lòng độc ác của con người không biết tha thứ cho nhau nữa!

Phêrô nghĩ sao? Chúng ta nghĩ sao? Khủng khiếp đến chừng nào khi không biết tha thứ cho anh em?

Hình như Phêrô cũng như chúng ta chẳng thay lòng đổi dạ gì khi nghe câu chuyện có thực trăm phần trăm đó. Vì chính Phêrô vừa mới rước Mình và Máu thánh Thầy đổ ra cho muôn người được tha tội, thế mà, ông đã hăng tiết rút gươm ra chém đứt tai kẻ đến bắt Thầy (Mt. 26, 27-51). ông không thể tha thứ được. Chỉ khi ông được Thầy tha tội chối Thầy (Mt. 26, 74-75), chỉ khi ông thấy Thầy bị treo trên Thập giá mà vẫn cầu nguyện xin tha cho kẻ thù của Thầy: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm chẳng biết” (Lc. 23, 34) và nhất là khi thấy Thầy sống lại đầy uy quyền mà Thầy vẫn không trách cứ ông, và không hề trả thù đứa quân dữ nào; chỉ khi đó Phêrô mới thấm thía sâu sắc: “Phải hết lòng tha thứ cho anh em”, chỉ khi đó Phêrô mới thực sự thuộc về Chúa Kitô, mới sống cho Chúa Kitô và cùng chết với Người (Rm. 14, 7-9 - Bài đọc II)

Lạy Chúa, xin cho con nhớ rằng: “Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy sự báo thù của Chúa. Kẻ nuôi lòng hờn giận, thế mà dám xin Chúa ban ơn lành, nó chẳng biết thương đồng loại, mà lại dám xin ơn tha tội cho mình” (Hc. 27, 30-28. 1-5 và Mt. 6, 14-15). Lạy Cha, xin cho con luôn luôn tụng niệm lời cầu xin của Đức Kitô: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ lầm chẳng biết”, để con được Cha tha tội cho con. Amen.

 

3. Tha thứ

Đọc lại Phúc Âm chúng ta thấy Chúa Giêsu đã dùng nhiều câu chuyện để xác quyết rằng: Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta một cách nhưng không. Đúng thế, khi người con hoang đàng đang kéo lê những bước chân mệt mỏi trở về, thì cha cậu, thoạt nhìn thấy, đã vội chạy tới, ôm choàng lấy cậu mà hôn, rồi lại còn truyền cho gia nhân đem áo cho cậu mặc, nhẫn cho cậu đeo, giày cho cậu đi, rồi giết con bê báo mở tiệc ăn mừng. Người cha đã tha thứ cho cậu một cách nhưng không.

Cũng thế qua đoạn Tin Mừng chiều hôm nay, tên đầy tớ mắc nợ ông chủ một món nợ khổng lồ. Hắn không có gì để trả. Thế nhưng ông chủ đã xoá bỏ tất cả cho hắn, để hắn được tự do trở về gia đình. Ông chủ đã tha cho hắn một cách nhưng không.

Trong cuộc sống của Chúa Giêsu, chúng ta cũng thấy Ngài đã tha thứ rất nhiều lần. Ngài đã tha thứ cho Madalena, cho người thiếu phụ ngoại tình, cho Phêrô và cho tên trộm vào những giây phút cuối cùng trên thập giá.

Tuy nhiên Chúa chỉ đòi hỏi chúng ta một điều kiện rất nhỏ mọn đó là chúng ta cũng phải biết tha thứ cho nhau. Trong kinh Lạy Cha, chúng ta vốn thường đọc: Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Trong câu chuyện hôm nay chúng ta thấy ông chủ đã xử trí như thế nào đối với tên đầy tớ độc ác? Vì hắn không tha cho bạn hắn món nợ cỏn con là 100 đồng, lại còn tống giam người bạn khổ sở ấy. Thì bây giờ ông chủ cũng sẽ đối xử với hắn như thế, nghĩa là tống hắn vào ngục cho đến khi trả xong món nợ kếch xù ấy. Và Chúa Giêsu đã kết luận: Thiên Chúa cũng sẽ đối xử với các ngươi như thế nếu các ngươi không biết tha thứ cho nhau. Nếu chúng ta không biết tỏ ra khoan dung tha thứ cho người khác, thì chúng ta sẽ chẳng được hưởng nhờ lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa.

Trong cuộc nội chiến xảy ra tại Tây Ban Nha vào năm 1936, có một vị linh mục bị bắt và bị tống giam. Trước khi ra mặt trận, đoàn quân muốn giết tất cả những tù binh mà họ giam giữ. Thế là một tốp lính được lệnh giải ngài tới một nghĩa trang để xử bắn. Thế nhưng trước khi hành quyết, ngài đã xin một đặc ân cuối cùng đó là được ôm hôn tất cả tốp lính sẽ bắn ngài. Hành vi này muốn nói lên một sự chân thành tha thứ, khiến cho một tên lính đã xúc động và sau này anh ta đã trở về với Giáo Hội. Cũng như Chúa Giêsu, trên thập giá Ngài đã tha thứ cho tất cả bọn lý hình đã nhúng tay vào máu Ngài: Lạy Cha xin Cha tha cho chúng vì chúng chẳng biết việc chúng làm.

Hãy tha thứ cho nhau để rồi Thiên Chúa mới sẽ tha thứ cho chúng ta.

 

4. Học tha thứ với Chúa Giêsu – Lm Ignatiô Trần Ngà

Khi bị người khác xúc phạm, có người cảm thấy bị tổn thương nghiêm trọng, nên lồng lên dữ dội như con thú bị trúng thương; có người cảm thấy máu sôi lên trong huyết quản, người nóng bừng lên, hơi thở dồn dập, mặt đỏ gay.

Trong hoàn cảnh đó, phản ứng thông thường của đa số là tìm cách trả đũa thật đích đáng. Thậm chí có người cho rằng thà chịu chết còn hơn chịu nhục. Thế là giông tố sẽ bùng lên, những trận đòn thù như vũ bão sẽ ập đến, hậu quả không biết đâu mà lường!

Trong khi đó, Chúa Giêsu, trong thân phận con người, và nhất là trong cuộc thương khó của Người, đã bình thản đón nhận mọi sỉ nhục, nhạo cười, lăng mạ, phỉ nhổ, chịu hành hạ, chịu đánh đòn, chịu đội mão gai, chịu vác thập giá, chịu chết trần truồng, chịu vô vàn đau thương chồng chất và chịu chết tủi nhục trên thập giá mà không hề oán hận hay nguyền rủa những con người bội bạc xúc phạm đến mình, trái lại còn đem lòng thương xót và cầu xin Chúa Cha tha thứ cho họ. (Luca 23, 33)

Đối mặt với vô vàn xúc phạm đủ mọi hình thức, Chúa Giêsu sẵn sàng tha thứ và kêu mời mọi người hãy tha thứ cho nhau, tha thứ liên tục không ngừng.

"Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?" Đức Giêsu đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy." Nói như thế có nghĩa là Chúa dạy hãy tha thứ liên tục không ngừng.

Quả là một đòi hỏi vượt quá sức người. Làm sao con người đầy sân hận lại có đủ bản lãnh và khí phách để thực hiện lời truyền dạy của Chúa Giêsu?

1. Con người mắc phải lầm lỗi vì mù quáng, vì thế họ đáng thương chứ không đáng trách.

Chúa Giêsu không những tha thứ mà còn yêu thương những kẻ kết án và đóng đinh Người vì Người biết họ hành động cách mù quáng, mà mù quáng thì đáng thương hơn là đáng trách. Họ mù quáng nên không nhận ra Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Họ tưởng rằng khi kết án Chúa Giêsu là họ bảo toàn vinh quang Thiên Chúa, không để cho uy danh Thiên Chúa bị xâm phạm bởi một người phàm làng Nadarét ngạo mạn xưng mình là Con Thiên Chúa.

Charlie Charplin nhận định: "người ta mắc phải lầm lỗi là do sự mù quáng của mình. Thế nên người ngu thì lên án họ; người khôn thì thương xót họ."

Không giống như bao nhiêu người thiếu hiểu biết thường vội vàng kết án người khác căn cứ vào hành vi lầm lỗi bên ngoài của tội nhân, Chúa Giêsu là Đấng khôn ngoan thấu suốt lòng dạ con người; Người biết rằng phần lớn những tội người ta phạm là do mù quáng, do thiếu hiểu biết mà ra, vì thế, thay vì lên án, Người thương xót những kẻ mắc phải lỗi lầm và tha thiết cầu xin Chúa Cha tha thứ cho họ. "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm." (Lc 23, 33)

2. Không ai cố tình làm điều ác.

Ngoài ra, nhà hiền triết Socrate cũng có cùng quan điểm như thế. Ông nhận định rằng: "không ai cố tình làm điều ác" và "sở dĩ người ta làm điều ác là vì mù quáng, thiếu hiểu biết"

Dale Carnegie, một học giả trứ danh người Mỹ nổi tiếng với nhiều tác phẩm bán chạy nhất thế giới quả quyết rằng: "Tôi đã bỏ ra gần 70 năm trong đời để khám phá ra chân lý nầy là dù người ta có lỗi nặng đến đâu, thì trong 100 lần phạm lỗi, thì có đến 99 lần người ta tự cho là mình vô tội." Phần lớn các phạm nhân cho rằng mình vô tội vì nghĩ rằng những hành động họ làm được thúc đẩy bởi lòng tốt chứ không phải bởi ác tâm.

Xét lại bản thân mình, chúng ta thấy rằng dù mỗi người chúng ta đã từng phạm nhiều lầm lỗi trong cuộc sống, nhưng chưa bao giờ chúng ta hành động vì ác tâm. Từ đó suy ra, trong phần đông nhân loại, không mấy ai cố tình làm điều ác. Vì thế chẳng nên kết tội người khác nhưng hãy sẵn sàng thứ tha cho họ.

Tóm lại, để có thể tuân giữ lời mời gọi tha thứ liên lỉ, tha thứ không ngừng của Chúa Giêsu, chúng ta cần xác tín như nhà hiền triết Socrate rằng: "Không ai cố tình làm điều ác", "sở dĩ con người phạm phải lầm lỗi là do sự mù quáng của mình".

Và hãy ghi tâm lời nhận định của Charlie Charplin: "con người mắc phải lầm lỗi là do sự mù quáng của mình. Thế nên, người khôn thì thương xót họ, người ngu thì lên án họ."

Và nhất là học theo gương Chúa Giêsu, cảm thông sâu sắc với người tội lỗi, cầu xin Chúa Cha tha thứ cho họ vì họ mù quáng, "không biết việc họ làm" (Lc 23,33).

 

5. Thông cảm để thứ tha

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

“Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?"

Khi đặt vấn đề như thế, Phêrô tưởng chừng như vậy là tốt lắm rồi, đáng được Chúa hài lòng rồi. Nào ngờ Chúa Giêsu lại nói: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” Nói như thế có nghĩa là Chúa dạy hãy tha thứ liên tục không ngừng.

Làm sao mà tha thứ cho nổi khi người khác cứ mãi xúc phạm đến ta?

Làm sao có đủ bản lãnh và lòng bao dung để thực hiện lời truyền dạy thứ tha không ngừng của Chúa?

Để có thể tha thứ cho người khác, trước hết ta nên biết rằng: sở dĩ con người mắc phải lầm lỗi là do sự mù quáng của họ, vì thế họ đáng thương hơn là đáng trách.

Người lầm lỗi thì đáng thương hơn đáng trách

Khi thấy một người mù quờ quạng dò đường đi mà không có ai dẫn dắt, nên có khi thì sa xuống hố bị trặc chân; khi thì xông vào bụi rậm bị gai nhọn châm chích khắp người; khi thì vướng vào hàng rào nên bị kẽm gai móc rách cả thịt da, quần áo… thì những người chung quanh có thái độ nào?

Trong hoàn cảnh đó, chỉ có những người ngu dốt, thiếu đạo đức mới la mắng nhiếc móc người đó; còn bất cứ ai có lương tri đều tỏ lòng thương xót và sẽ ân cần dìu dắt người ấy bước đi an toàn.

Tương tự như thế, khi có người vì bị mù, không phải là mù mắt, nhưng là mù tâm trí, còn gọi là mù quáng, nên không thấy đường ngay nẻo chính; vì thế phải sa xuống hố sâu lầm lạc hoặc phải đắm chìm trong vũng bùn tội ác, thì ta nên có thái độ nào?

Trong hoàn cảnh đó, chỉ có những người thiếu hiểu biết với tầm nhìn hạn hẹp mới lên án hay oán ghét người ấy; còn những ai có lương tri, hiểu biết và khôn ngoan đều tỏ lòng thương xót và sẵn sàng tha thứ cho người vì mù quáng mà phạm lỗi, vì người mù quáng còn đáng thương hơn kẻ mù lòa.

Con người mắc phải lầm lỗi là vì mù quáng.

Triết gia Socrate nhận định một cách chắc nịch rằng: “Không ai cố tình làm điều ác. Sở dĩ con người mắc phải lầm lỗi là vì không hiểu biết”, nghĩa là vì mù quáng.

Nếu tôi có đôi mắt tinh tường, tôi sẽ thấy rõ đường đi nước bước và tôi sẽ cứ đường ngay nẻo chính mà đi. Nhất định tôi không dại gì để cho mình bị sa xuống hầm, sập xuống hố, đâm vào bụi gai hay lội xuống sình lầy tanh hôi.

Tương tự như thế, nếu tôi không bị mù quáng, tức đôi mắt tâm trí tôi còn sáng suốt, thì tôi sẽ thấy điều hay lẽ phải và chắc chắn tôi sẽ không để cho mình sa vào hố sâu tội lỗi hoặc đâm vào bờ bụi sai lầm.

Chỉ khi nào đôi mắt tâm trí tôi bị mù quáng bởi lòng tham, bởi ích kỷ, bởi dục vọng đê hèn, bởi kiêu căng tham vọng… thì tôi mới phải rơi vào những hố sâu tội lỗi mà thôi.

Vì thế, người lầm lỗi cần được thương xót và thứ tha.

Diễn viên kiêm đạo diễn bậc thầy người Mỹ tên là Charlie Charplain nhận định: “Sở dĩ con người mắc phải lầm lỗi là do sự mù quáng của họ. Vì thế, người khôn thì thương xót họ, còn người ngu thì lên án họ.”

Chúa Giêsu cũng nhận định như thế nên khi bị hành hình đau đớn và nhục nhã, Người thừa biết những kẻ đóng đinh Người đều hành động vì mù quáng, không ai trong họ biết Người là Con Thiên Chúa mà lầm tưởng Người chỉ là người phàm tự xưng mình là Con Thiên Chúa… nên mới kết án Người. Vì thế, Chúa Giêsu không hề oán trách họ; trái lại còn hết lòng yêu thương họ nên đã khẩn khoản nài xin Chúa Cha tha thứ cho họ: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” (Lc 23, 34)

Lạy Chúa Giêsu,

Thật là độc ác khi con lên án người mù vì mang đôi mắt mù lòa mà phải sa hầm sập hố hay sa xuống chỗ sình lầy.

Và cũng thật là thiếu khôn ngoan và bác ái nếu con lên án những người khác vì họ mù quáng, tức mù lòa trong tâm trí, mà gây ra những vấp phạm đối với những người chung quanh.

Xin cho con luôn nhớ rằng: “Sở dĩ con người mắc phải lầm lỗi là do sự mù quáng của mình. Thế nên người khôn thì thương xót họ, còn người ngu thì lên án họ” để nhờ đó, con biết cư xử như một người khôn ngoan, biết thương xót và tha thứ cho những người lỗi phạm như Chúa đã nêu gương cho con. Amen.

 

6. Suy niệm của Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái

Chủ đề: Hãy tha thứ để được thứ tha (Mt 18,22)

I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến

Chúa Giêsu đã nói: "Khi con đi dâng lễ vật trên bàn thờ mà sực nhớ có người anh em đang bất hòa với con, thì hãy để lễ vật lại, trở về làm hòa với người anh em ấy trước đã, rồi mới trở lại dâng lễ vật sau". Ðó là một cách nói mạnh, nhằm khuyến khích chúng ta tha thứ cho người khác.

Chắc hẳn hiện giờ trong lòng anh chị em, ai cũng có một ít điều gì đó không vui đối với một vài anh chị em của mình. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta thêm lòng quảng đại để có thể tha thứ cho những người ấy. Ðây thực là một việc cần thiết phải làm trước khi chúng ta dâng Thánh lễ.

II. Gợi ý sám hối

Chúng ta hẹp lòng hẹp dạ không chịu tha thứ cho người khác.

Nhiều chuyện buồn rất lâu rồi mà chúng ta cữ giữ mãi trong lòng.

Chúng ta không tạo cơ hội cho kẻ có lỗi hòa giải với mình.

III. Lời Chúa

1. Bài đọc I (Hc 27,30-28,7)

Ðể khuyến khích người ta tha thứ, Ben Sira đưa ra nhiều lý lẽ:

Có tha thứ cho người khác thì khi ta cầu nguyện ta mới đáng được Chúa thứ tha.

Ðang tích lòng giận ghét người ta mà dám xin Chúa cứu chữa mình sao?

Chẳng thương xót người đồng loại mà còn cầu xin Chúa thương xót mình sao?

Người phàm xác thịt mà tích lòng thịnh nộ thì dám xin Chúa tha thứ sao?

Hãy nghĩ đến điều sau hết, tức là cái chết, để chấm dứt hận thù.

Hãy nghĩ đến giao ước của Chúa, tức là giao ước yêu thương, để bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác.

2. Ðáp ca (Tv 102)

Tv này ngợi khen tấm lòng từ bi bao la của Chúa: Ngài đã tha thứ tội lỗi cho ta, Người không xử với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta...

3. Tin Mừng (Mt 18,21-35)

Ðức Giêsu đưa ra một dụ ngôn về hai con nợ:

Một ông quan mắc nợ nhà vua một món tiền rất lớn (10 ngàn nén vàng), nhưng đã được nhà vua tha hết.

Khi ông quan này trở ra gặp một người bạn chỉ thiếu mình có 100 nén bạc (chỉ bằng 1 phần triệu số nợ đối với nhà vua) và đã khẩn thiết van xin bằng chính những lời lẽ mà ông quan đã xin với vua, ông quan ấy nhất định không tha.

Ðược biết việc ấy, nhà vua bắt giam ông quan cho tới khi trả hết đồng xu cuối cùng.

Dụ ngôn này muốn so sánh cho chúng ta thấy tội của chúng ta đối với Thiên Chúa nặng gấp triệu lần tội người khác phạm tới ta; đồng thời cũng muốn cho biết rằng nếu ta không tha cho người khác để đưa đến kết quả là Chúa không tha cho ta, thì quả là ta rất ngu dại.

4. Bài đọc II (Rm 14,7-9)

Văn mạch: Chương 14 của thư Phaolô đề cập đến hai trường hợp khiến các kitô hữu rôma hay xét đoán nhau: 1/ có người sợ ăn lầm nhằm đồ cúng nên không dám ăn thịt mà chỉ ăn rau, có người khác nghĩ rằng lương tâm mình vững vàng nên dám ăn mọi thứ, rồi người này chỉ trích người kia; 2/ Có người tin dị đoan nên cho rằng ngày này tốt ngày kia xấu, người khác không tin cho rằng ngày nào cũng tốt, rồi hai bên lại chỉ trích nhau.

Thánh Phaolô dạy: đừng để ý đến người khác, cũng đừng để ý đến mình, nhưng tất cả hãy quy chiếu vào Chúa, vì "không ai sống cho chính mình, cũng không ai chết cho chính mình... Chúng ta sống hay chết thì đều thuộc về Chúa".

IV. Gợi ý giảng

1. "Nợ" và "trả nợ"

Theo nguyên tắc, mắc nợ thì phải trả nợ, cho mượn nợ thì có quyền đòi nợ. Nợ - đòi - trả: đó là cách cư xử công bình.

Nhưng trên thực tế, có rất nhiều thứ nợ không thể trả nổi: chẳng hạn con nợ đã sạt nghiệp trắng tay, con nợ thiếu nhiều quá sức chi trả v.v. Gặp những trường hợp ấy, ngay cả tòa án cũng đành phải bó tay: cùng lắm là tịch thu tài sản bán được bao nhiêu trả bấy nhiêu, rồi bắt người thiếu nợ phải ngồi tù. Các chủ nợ dù muốn hay không cũng đành phải chịu mất hoặc nhiều hoặc ít. Trường hợp thứ hai này là: Nợ - không đòi được - đành bỏ: đây là cách cư xử không theo phép công bình.

Nghĩa là ngay cả trên bình diện cư xử tự nhiên, có nhiều trường hợp không thể xử công bình được. Huống chi trên bình diện đạo đức, siêu nhiên.

Nói cụ thể hơn, thiếu tiền nhau ("nợ" đúng nghĩa) thì còn có thể đòi nhau theo công bình, còn có tội, có lỗi với nhau ("nợ" theo nghĩa rộng hơn) thì khó tính toán công bình với nhau được.

Bài Tin Mừng này đề cập đến thứ "nợ" theo nghĩa rộng, nghĩa là những tội lỗi người ta phạm đối với Chúa và đối với nhau. Ðối với loại này, chỉ có cách là tha thứ.

Bài Tin Mừng đưa Thiên Chúa ra làm gương tha thứ trước: Tội lỗi chúng ta phạm đến Chúa là thứ nợ không thể nào trả hết được. Như lời Thánh vịnh "Nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vững được". Bởi vậy Thiên Chúa đã tha thứ.

Và bài Tin Mừng khuyến khích ta noi gương Chúa, đồng thời cho biết làm như thế chỉ có lợi cho ta mà thôi.

2. Những dây chuyền phản ứng khác nhau

Con người quen sống theo dây chuyền trả đũa: Mắt đền mắt, răng thế răng, phỏng đền phỏng, bầm đền bầm, sưng đền sưng, mạng đền mạng... Thứ dây chuyền này sẽ kéo theo hết mắt này đến mắt khác, răng này đến răng khác, mạng này đến mạng khác...

Trong Tin Mừng, có một dây chuyền ngược lại: Xin Cha tha cho chúng con - như chúng con cũng tha cho kẻ mắc nợ chúng con; Hãy tha - thì sẽ được tha lại; Hãy cho - thì sẽ được cho lại dư đầy . Thứ dây chuyền này dẫn đến tình nghĩa, tình yêu ngày càng đậm đà, nồng ấm.

Ðức Giêsu muốn các môn đệ mình đừng theo dây chuyền thứ nhất, mà hãy theo dây chuyền thứ hai.

3. "Hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù"

Ðó là một câu của Ben Sira, người có công sưu tập kho tàng khôn ngoan ngàn đời của nhân loại. Câu này rất chí lý.

Ta hãy ra nghĩa địa mà nhìn: những con người đã một thời ăn thua đủ với nhau nay đều nằm cạnh nhau, bất lực, im lìm - còn làm chi nhau được nữa!

Và nếu ta có thể nhìn lên cao, để thấy lúc những người ấy ra trình diện trước tòa phán xét của Chúa. Người nào người nấy cũng đầy nợ với Chúa nhưng đồng thời vẫn khư khư nắm chặt tờ giấy ghi nợ của người khác đối với mình. Quan toà nói sao? "Hỡi tên ác độc kia, Ta đã tha hết nợ cho ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như Ta đã thương ngươi", rồi quan toà tống giam kẻ ấy vào ngục cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng.

Sau đó ta hãy nhìn lại những nấm mồ ấy, và tự hỏi: Họ đã trả hết đồng xu cuối cùng chưa?

Bởi thế, Ben Sira khôn ngoan đã khuyên: "Hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù".

4. Xin lỗi

Bài Tin Mừng hôm nay nhắc đến một việc chúng ta cần làm trong mùa Chay, đó là tha thứ. Nhưng tha thứ là một việc song phương, nghĩa là không phải việc của một người mà của cả hai người: người tha và người xin tha. Trong những va chạm thường xuyên của cuộc sống chung, có khi chúng ta là người bị xúc phạm cho nên tư thế của chúng ta là người tha, có khi chính chúng ta là người gây xúc phạm nên tư thế là người phải xin tha.

Tha và xin tha, việc nào khó hơn? Thiết nghĩ, trong những tập thể khá đạo đức như một giáo xứ chẳng hạn thì tha là việc dễ hơn: mình bị một anh chị em nào đó xúc phạm. Nếu anh chị em đó tới xin lỗi mình thì chắc là mình tha liền. Việc khó hơn chính là việc xin tha. Vậy chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về việc này. Xin bắt đầu bằng một câu chuyện xảy ra ở nước Ba lan:

Trên một chuyến xe lửa chạy về Varsava có 3 thương gia ở chung một toa đang chơi đánh bài. Ðến một trạm nọ, thêm một người bước lên nữa. 3 thương gia thấy có thêm người liền rủ người ấy cùng chơi cho đủ 4. Nhưng người khách từ chối khéo. Họ cố mời mãi nhưng người khách vẫn cương quyết từ chối. Thế là họ nổi giận và chửi rủa nặng lời. Người khách cũng làm thinh. Khi tàu đến ga cuối, mọi người đều xuống. 3 thương gia thấy một đám người rất đông cầm hoa đến đón người khách ấy. Họ hỏi một trong những người đó: Ông ta là ai mà được nhiều người hâm mô thế? Người khách trả lời: Ðó là Rabbi Salomon, một Rabbi nổi tiếng khắp nước về lòng nhân từ và đạo đức. Khi ấy 3 thương gia mới hối hận vì những lời chửi rủa của mình. Một người tiến đến Rabbi Salomon ngỏ lời xin lỗi. Nhưng vị Rabbi quay mặt đi, chẳng chịu tha. Các tín đồ của ông ngạc nhiên quá, hỏi: "Thầy vốn là một người nhân từ và đạo đức. Nhưng sao thầy không tha cho một kẻ đã biết lỗi và xin lỗi thầy?". Vị Rabbi giải thích: "Kẻ mà anh ta đã chửi không là một hành khách tầm thường. Còn người mà anh ta xin lỗi là Rabbi Salomon. Anh ta đã xin lỗi lầm người rồi".

Câu chuyện có ý nói rằng: người ta dễ xin lỗi đối với những người có địa vị cao, có quyền lực lớn. Nếu thương gia nọ không biết người mình đã chửi là một nhân vật nổi tiếng thì chắc chắn anh ta không xin lỗi đâu.

Câu chuyện trên cũng dạy chúng ta bài học này là: muốn xin lỗi thì ta phải khiêm tốn, hạ mình:

Nhiều khi chúng ta không thể mở miệng xin lỗi được đối với những người nhỏ hơn mình. Ta cho rằng chỉ có người nhỏ xin lỗi người lớn chứ không bao giờ ngược lại.

Nhiều khi chúng ta không mở miệng xin lỗi được vì chúng ta còn tự ái, cho rằng làm như thế là nhục.

Nhiều khi chúng ta không mở miệng xin lỗi được vì cho rằng như thế là tự nhận rằng mình sai.

Ta tưởng rằng như thế là tự trọng. Nhưng đó là sự tự trọng không đúng chỗ và là biểu hiện của tính xấu kiêu ngạo. Satan chống lại Chúa. Sau đó nó biết lỗi nhưng nó không bao giờ xin lỗi. Giuđa sau khi bán Chúa cũng biết lỗi nhưng cũng không xin lỗi.

Cách đây vài năm, ÐGH Gioan Phaolô II đã ngỏ lời xin lỗi với cả thế giới về những lầm lỗi của Hội Thánh trong quá khứ. Trước khi ÐGH làm việc này, nhiều người trong Hội Thánh đã cản ngăn ngài vì nghĩ rằng làm như thế là hại đến uy tín của Hội Thánh. Tuy nhiên sau khi ÐGH làm việc đó thì lạ thay, người ta chẳng những không che cười, trái lại còn khen ngợi ngài; uy tín của Hội Thánh chẳng những không giảm mà còn tăng thêm.

Tóm lại, Lời Chúa hôm nay bảo chúng ta tha thứ. Nhưng Lời Chúa cũng bảo chúng ta làm một việc khác khó hơn, đó là biết xin lỗi. Muốn thế, chúng ta phải khiêm tốn hạ mình. Chúng ta nên biết rằng hạ mình xin lỗi không phải là nhục nhã, trái lại sẽ sinh nhiều kết quả rất tốt: đối với bản thân, nó làm tăng uy tín của mình, đối với cuộc sống chung, nó hàn gắn những vết thương do những va chạm gây ra và giúp cho cuộc sống chung được ấm êm hạnh phúc hơn.

5. Chuyện minh họa

a/ Tha thứ

Ngày nọ, Ðức giám mục John Selwyn thấy một cậu con trai người bản xứ cư xử thô bạo với các trẻ khác, ngài gọi cậu lại khiển trách. Chẳng những không chịu nghe, cậu ta còn vung tay đánh vào mặt vị giám mục. Mọi người thấy vậy đứng chết trân. Nhưng vị giám mục không cho họ làm gì. Rồi ngài quay lưng và lặng lẽ bỏ đi.

Nhiều năm sau, một nhà truyền giáo được mời đến với một bệnh nhân. Ông sắp chết và xin được rửa tội. Khi nhà truyền giáo hỏi anh muốn lấy tên thánh là gì. Anh đáp: "Xin đặt là John Selwyn, vì chính ngài đã dậy cho tôi biết Ðức Kitô là ai khi tôi đánh ngài."

b/ Xin tha

Satan phàn nàn với Chúa: "Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời." Chúa nói: "Ðã bao giờ ngươi xin tha thứ hoặc ăn năn chưa?".

V. Lời nguyện cho mọi người

CT: Anh chị em thân mến

Thiên Chúa là Cha nhân từ hay thương xót, lúc nào Ngài cũng sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm cho những ai thật lòng sám hối ăn năn. Luôn tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa, chúng ta cùng tha thiết nguyện xin.

1. Hội Thánh là một bà mẹ hiền / đầy lòng bao dung đối với lỗi lầm của con cái mình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử / biết luôn quảng đại tha thứ mọi xúc phạm / mọi đau khổ do kẻ khác gây ra cho mình.

2. Trong cuộc sống thường ngày / người ta vẫn còn có khuynh hướng ăn miếng tả miếng / sẵn sàng chém giết nhau / chỉ vì chưa tha thứ cho nhau như Chúa đã dạy / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho tinh thần tha thứ của Ðức Kitô / tác động đến mọi sinh hoạt thường ngày của xã hội.

3. Tha thứ / nhất là tha thứ luôn luôn / trong thực tế là một việc làm con người không thể thực hiện được / nếu không có ơn Chúa trợ giúp / Vậy Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban ơn giúp sức cho hết thảy các kitô hữu / để họ có thể tha thứ được như Chúa đã dạy.

4. Ðức Giêsu nói / "Hãy tha thứ để được thứ tha" / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của người khác / hầu xứng đáng lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa.

CT: Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải tha thứ cho nhau, nếu muốn được Chúa tha thứ mọi lỗi lầm. Nhưng lạy Chúa, nói tha thứ thì dễ, còn thực hành tha thứ thì rất khó. Vậy xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con có thể sống như Chúa đã dạy. Chúa hằng sống và hiển trị...

VI. Trong Thánh Lễ

Trước kinh Lạy Cha: Hôm nay chúng ta hãy hết sức thật lòng khi đọc câu "Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".

Chúc bình an: Qua cử chỉ chúc bình an, chúng ta hãy thật lòng tha thứ cho những kẻ làm mất lòng chúng ta, dù đang có mặt hay vắng mặt trong Nhà thờ này.

VII. Giải tán

Tuần này, chúng ta hãy cố gắng hòa giải với những người đã bất hòa với mình, và tha thứ cho những kẻ xúc phạm đến mình.

 

7. Lòng thương xót – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ.

Thiên Chúa là Đấng nhân từ và giầu lòng thương xót. Xưa nay Kitô-hữu biết như vậy, và thường dựa vào đó để nài xin Thiên Chúa nhân hậu tha thứ tội lỗi cho mình, nhưng ít khi ao ước khao khát trở nên nhân hậu theo mẫu tuyệt hảo là Thiên Chúa. Một khi con người sống nhân hậu thì họ trở nên hoàn hảo và sống hạnh phúc hơn.

1. Hận thù ghen ghét

Hận thù và ghen ghét, muốn làm hại người khác, muốn người khác khổ, muốn những tai họa đổ xuống trên đầu người mình thù ghét và những người thân của họ, không muốn người khác sung sướng hạnh phúc, điều này làm người khác và chính mình sống trong buồn bực lo lắng bất an.

Người hận thù cưu mang, nuôi dưỡng tư tưởng làm hại người khác trong lòng họ. Những giây phút họ thoải mái là những giây phút họ quên ý định hận thù, nhưng khi họ nhớ tới, là họ bị nung nấu và họ không thoải mái hạnh phúc. Có những người luôn nghĩ xấu cho người khác, cho rằng người khác luôn suy nghĩ và tìm cách làm hại mình, muốn điều xấu cho mình; khi cưu mang suy nghĩ như vậy, chính người đó cũng bất an cực khổ. Dưới một khía cạnh nào đó có thể nói, ai sống trong thù hận ghen ghét, luôn nghĩ xấu cho người khác, đã phần nào sống trong hoả ngục rồi, nếu hiểu hoả ngục là tình trạng không hạnh phúc, luôn bị dày vò day dứt đau khổ. Và cũng trong ý nghĩa này người ta nhận ra, Thiên Chúa không tạo nên hoả ngục, nhưng chính con người tạo ra hoả ngục cho chính mình.

Yêu thương là muốn điều tốt cho người khác, muốn người khác trở nên tốt lành hầu họ nhìn nhận đúng thực tại, để họ bình an và hạnh phúc hơn. Khao khát cho mình và cho người khác trở nên trọn lành, ngay cả những người không ưa hay ghét mình, là khởi đầu của tình yêu đối với tha nhân và đối với Thiên Chúa.

2. Không thương xót là không yêu thương

Trong Tin Mừng ngày hôm nay, Đức Yêsu cho chúng ta nghe một dụ ngôn về lòng thương xót. Một người mắc nợ chủ, không có gì để trả, đáng lẽ phải bị bán làm nô lệ để trả nợ; anh ta van xin và nhận được lòng thương xót của chủ, và anh ta đã không bị bán nữa mà còn được tha cả món nợ. Thế nhưng anh ta đã không thương xót người bạn, khi người bạn chỉ nợ anh ta một chút xíu so với cái nợ to lớn của anh ta đối với chủ mà anh ta đã được tha “nhưng không.” Anh ta đưa người bạn ra tòa, để rồi người bạn phải vào tù vì “thiếu công bằng,” vì đã không hoàn trả nợ khi đến thời hạn. Theo “luật” công bằng, anh ta có thể làm như vậy, vì ai mắc nợ thì phải trả; tuy nhiên khi làm như vậy, anh ta đã không có lòng thương xót như anh ta đã van xin lòng thương xót của chủ.

Không lòng thương xót, không động lòng trước nỗi khổ của người khác, không động lòng trước sự bất lực của người khác, đòi phải “công bằng” khi người ta không thể trả nợ được, là điều bất nhân. Công bằng đúng nghĩa, phải luôn luôn hàm chứa yêu thương. Nếu không có yêu thương, không có công bằng. Con người là một giá trị “tuyệt đối” theo một nghĩa nào đó. Lòng thương xót đòi phải thông cảm ngay cả những giới hạn yếu đuối của con người, ngay cả khi họ “sa ngã” phạm tội. Khi nói sa ngã, hàm chứa lúc yếu đuối họ làm như vậy nhưng bây giờ họ không muốn như vậy nữa. Thông cảm và tha thứ, là dấu chỉ của tình yêu. Ai không tha thứ, là không yêu thương, và như vậy không hành xử giống như Thiên Chúa, không là con của Thiên Chúa.

Thánh Yoan nói, Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương. Ai yêu thương là sống như Thiên Chúa, ai không yêu thương là không sống như Thiên Chúa, là không sống như con cái Thiên Chúa. Kitô giáo là đạo yêu thương, chính vì vậy thánh Phaolô nói: yêu thương là chu toàn tất cả lề luật. Đức Yêsu nói: “Thầy để lại cho anh em một giới răn mới, là hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Cái mới của giới răn Đức Yêsu dạy các môn đệ của Ngài, là hãy yêu thương như Ngài đã yêu thương. Ngài đã yêu thương đến hiến mạng sống cho người khác, cho tất cả mọi người bao hàm cả chúng ta; và đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta.

3. Tình thương và hạnh phúc

Thiên Chúa yêu thương con người. Ngài tạo dựng con người để cho con người chia sẻ hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài. “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm.2, 4). Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ tất cả lỗi lầm cho con người, mỗi khi con người trở lại với Ngài. Hơn nữa, chính Thánh Thần Thiên Chúa đang hoạt động nơi lòng mỗi người, mời gọi con người sống yêu thương, mời gọi thúc đẩy tội nhân sám hối trở lại với Thiên Chúa.

Thiên Chúa muốn tất cả được cứu độ, nhưng tuỳ con người. Ngài mời gọi, và con người có tự do. Ngài liên lỉ mời gọi con người hãy sống trong tình yêu của Ngài và với người khác, Ngài kiên nhẫn với con người, với tội nhân cho tới giây phút cuối đời mỗi người. Nếu ai cố tình từ chối lời mời gọi tình yêu, nếu ai cố tình sống trong thù hận như ma quỷ là những thần linh thù ghét Thiên Chúa và không muốn con người sống hạnh phúc, thì những người đó mới phải vào hoả ngục thôi. Và hoả ngục, cũng chính là do họ chứ Thiên Chúa không muốn con người đau khổ. Thiên Chúa không muốn ai đau khổ và bất hạnh.

Yêu thương là khởi đầu của một đời sống hạnh phúc. Yêu thương, thông cảm với nỗi khổ và yếu đuối của người khác, tha thứ khi họ xúc phạm đến mình, muốn cho người khác những điều tốt lành, tìm cách làm cho người khác được vui hơn, hạnh phúc hơn, đỡ cô đơn hơn, là cách hành xử của những người đang sống như con cái Thiên Chúa, đang sống trong yêu thương. Và chắc chắn những người sống như vậy, họ cảm nghiệm hạnh phúc, hạnh phúc khi làm cho người khác vui và hạnh phúc hơn.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Tha thứ, hệ tại điều nào?

2. Thiên Chúa có sẵn sàng tha thứ cho kẻ ngoan cố không? Tại sao?

3. Không yêu thương là bất hạnh. Bạn nghĩ sao về quan điểm này?

 

8. Tha thứ.

Ở bên Nhật, có một tên sát nhân khét tiếng đã từng giết hại nhiều người, hắn chẳng may bị bắt và bị tống giam trong ngục, chờ ngày lãnh nhận bản án tử hình. Thế rồi có hai phụ nữ đạo đức đã tới thăm viếng và trò truyện với hắn, nhưng hắn đã đáp lại bằng một cái nhìn hằn học. Trước khi ra về, họ đã để lại cho hắn cuốn Phúc âm với hy vọng mong manh là hắn sẽ đọc.

Quả thật, vì chẳng có việc gì làm, nên hắn đã tò mò mở ra, và rồi hình như có một sức thu hút nào đó, khiến hắn tiếp tục đọc, đọc mãi cho đến lời cầu của Chúa Giêsu trên thập giá:

- Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.

Hắn đã dừng lại và nói:

- Sự kiện trên đã làm cho tôi xúc động và tôi cảm thấy dường như sự hung dữ và tàn bạo của tôi đã tan biến, bởi vì tôi đã tin.

Câu chuyện trên làm cho chúng ta nhớ tới người trộm lành trên thập giá. Mặc dù quãng đời dĩ vãng chồng chất những tội lỗi, nhưng rồi anh đã được Chúa tha thứ. Chính Ngài đã nói với anh:

- Ta bảo thật, ngay hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với Ta.

Tên sát nhân ở Nhật Bản, cũng như người trộm lành đều là những kẻ tàn bạo, thế mà Chúa đã xót thương, cho ăn năn sám hối vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời, thì tự hỏi làm sao chúng ta lại khước từ, chẳng tha thứ cho nhau.

Chính Ngài đã khẳng định qua đoạn Tin mừng sáng hôm nay:

- Thầy không bảo các con phải tha thứ đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy lần, có nghĩa là phải tha thứ cho nhau mãi mãi.

Và để xác minh cho sự thật trên người ta đã đưa ra một câu chuyện cụ thể đó là câu chuyện về tên đầy tớ độc ác. Như chúng ta thấy, khi mắc nợ ai, chúng ta phải hoàn trả cho họ, đó là bổn phận của đức công bằng.

Cũng vậy, tên đầy tớ mắc nợ nhà vua mười ngàn nén bạc, mà hắn thì không có gì để trả, vì thế, nhà vua cứ dựa theo sự công bằng để ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con và tài sản mà trả nợ. Thế nhưng, nhà vua đã không hành động như thế. Ông đã không cư xử với hắn theo sự công bằng, mà theo lòng thương xót, bởi thế ông đã tha bổng cho y, và đòi y cũng phải thương xót đối với những người chung quanh:

- Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, thì đến lượt ngươi, ngươi cũng phải thương xót bạn ngươi như ta đã thương xót ngươi.

Trong mối liên hệ giữa người với người, chúng ta thấy công bằng phải đi trước bác ái và làm nền tảng cho bác ái, bởi vì nếu không có công bằng thì cũng chẳng có bác ái. Thế nhưng nhiều lúc chúng ta phải vượt lên trên cái nền tảng công bằng này để biểu lộ một tình yêu thương và tha thứ.

Còn chúng ta thì sao, liệu chúng ta có sẵn sàng tha thứ cho anh em để rồi bản thân chúng ta sẽ được hưởng nhờ lòng thương xót của Chúa hay không?

 

9. Hai người lính - Lm. Mark Link, SJ.

Chủ đề: "Khi nào chúng ta thấy khó lòng tha thứ cho kẻ khác thì chúng ta nên quay về Chúa Giêsu, cầu xin Ngài giúp đỡ.".

Corri ten Boom sống tại Amsterdam (Hoà Lan) trong thế chiến thứ hai. Gia đình cô làm một cửa tiệm đồng hồ. Khi bọn Ðức Quốc Xã xâm chiếm Hoà Lan, gia đình cô bắt đầu giúp đỡ dân Do Thái đang bị truy nã có hệ thống và bị đem đi đến các trại tử thần. Cuối cùng có kẻ đã tố cáo gia đình cô. Thế là gia đình cô bị gởi đến trại tập trung. Corrie và em gái cô là Betsy bị gởi đến trại Ravens ô nhục. Cả gia đình Corrien chỉ mỗi mình cô còn sống sót sau cơn thử thách. Sau chiến tranh, cô đi du lịch khắp Aâu Châu rao giảng về sự tha thứ và hoà giải. Sau một cuộc nói chuyện ở Munich thuộc Ðức, một người đàn ông đã tiến đến cám ơn cô về bài nói chuyện. Corrie không thể nào tin nổi vào mắt mình. Gã này chính là một trong những tên lính gác Quốc xã từng có nhiệm vụ coi sóc phòng tắm vòi sen của phụ nữ tại trại Ravensbruck. Gã ta tiến tới tính bắt tay Corrie. Corrie như đông cứng người lại không thể nào giơ tay ra bắt được. Sự ghê tởm trại tập trung kèm theo cái chết của người em gái chợt trở lại trong ký ức của cô. Lòng cô tràn ngập nỗi oán hờn và ghê tởm. Corrie không thể tin được cách trả lời của cô. Chính cô vừa mới giảng một bài thật cảm động về lòng tha thứ, thế mà bây giờ cô lại không thể nào tha thứ được. Cô bị xúc động quá đến nỗi không thể nào bắt tay gã lính gác nọ được.

Thỉnh thoảng trong cuộc sống, tất cả chúng ta đã từng cảm nghiệm đôi điều tương tự như Corrie. Chúng ta cảm thấy mình không thể nào tha thứ cho một kẻ nào đó. Chúng ta thấy tình cảm mình như bị chận đứng lại đối với một kẻ nào đó đã từng gây đớn đau thương tích cho chúng ta.

Ðiều này nêu ra một vấn nạn xốn xang đau đớn. Làm sao chúng ta có thể xử lý một vấn đề như thế? Chúng ta phải làm gì đây khi không thể nào tha thứ cho một ai đó? Làm thế nào để thoát ra khỏi sự bế tắc tình cảm đang bít kín mọi nỗ lực tốt nhất của chúng ta nhằm để tha thứ? Làm thế nào thi hành giáo huấn về sự tha thứ mà Chúa Giêsu đưa ra trong phúc âm hôm nay? Thái độ của chúng ta phải như thế nào trước những lời cảnh cáo trong bài đọc thứ nhất hôm nay. Lời cảnh cáo đó là: nếu chúng ta từ chối không xót thương anh chị em mình, thì đừng mong Thiên Chúa sẽ thương xót chúng ta.

Hãy trở lại với câu chuyện của chúng ta về Corrie. Hãy xem cô ta xử lý trường hợp của mình thế nào. Trong lúc người cô như bị đông lạnh co cứng. Corrie liền im lặng cầu nguyện: "Lạy Chúa Giêsu, con không thể tha thứ cho người này. Xin ban cho con sự tha thứ của Chúa". Ngay lúc đó, Corrie nói hình như có một sức mạnh của ai khác đẩy tới, tay cô bỗng nắm lấy tay gã lính gác trong niềm tha thứ thực sự. Và ngay lúc đó cô chợt khám phá ra một chân lý vĩ đại. Không phải dựa trên sự tha thứ của riêng chúng ta mà thế giới quanh ta được chữa lành mà chính là dựa trên sự tha thứ của Chúa Giêsu. Khi truyền bảo chúng ta yêu kẻ thù, Chúa Giêsu cũng trao cho chúng ta ân sủng cần thiết kèm theo để tha thứ cho họ. Như thế, phương cách thứ nhất để xử lý vấn đề không thể thứ tha cho một ai đó là cầu xin Chúa Giêsu ơn tha thứ. Phương cách thứ hai để xử lý vấn đề trên được nhắc đến trong bài phúc âm hôm nay, đó là làm điều mà viên chức nọ đã không làm, là tự mình ngồi xuống trước mặt Chúa Giêsu và nhớ lại Chúa đã tha thứ cho chúng ta không biết bao nhiêu lần. Ngài đã tha thứ cho chúng ta vô cùng nhiều hơn Ngài yêu cầu chúng ta tha thứ cho kẻ khác. Ðiều nhỏ nhất chúng ta có thể đáp lại là giơ tay ra tha thứ cho anh em mình. Và phương cách thứ ba để xử lý vấn đề trên là cố gắng nhìn kẻ thù mình trong một ánh sáng hoàn toàn mới mẻ, tức là nhìn họ không phải như kẻ thù mà là những con người đang đau khổ giống như chúng ta. Tôi xin cắt nghĩa rõ hơn điều tôi muốn nói:

Trong cuốn tiểu thuyết nhan đề "Mặt trận phía tây hoàn toàn yên tĩnh" (All quite on the Westem) có một cảnh đầy cảm động. Lúc đó cuộc chiến đang xảy ra dữ dội giữa đám lính Pháp và Ðức. Một chú lính Ðức trẻ nằm dưới một hầm đạn để tránh đạn pháo. Bỗng nhiên một người lính Pháp cũng nhảy vào cùng hầm ấy để tránh đạn pháo. Trước khi người lính Pháp kịp ra tay, thì chú lính Ðức đã đâm ngay người ấy vài nhát. Tuy nhiên người lính Pháp không chết liền mà nằm thoi thóp ra đó. Chàng lính Ðức, trẻ măng như một chú bé, chăm chú nhìn cặp mắt hãi hùng của người lính Pháp. Chú ta thấy miệng người lính Pháp này há hốc ra, đôi môi khô và nứt nẻ. Chú ta bèn động lòng thương và rút chai nước của mình ra cho người lính thù địch ấy uống. Cuối cùng khi người lính thù này qua đời, chú lính trẻ người Ðức cảm thấy ân hận sâu xa. Ðây là người đầu tiên bị chú ta giết. Chú thắc mắc không hiểu tên người này là gì. Trông thấy chiếc ví trong túi người chết, chú ta liền kính cẩn rút ra xem chiếc ví đựng vài tấm ảnh gia đình, một tấm có hình một người đàn bà và một đứa bé gái.

Chú lính Ðức vô cùng cảm động. Bỗng dưng, chú nhận thấy người lính đã chết không phải là kẻ thù, mà là một người cha, người chồng -- tức là một người biết yêu và được yêu y hệt như chú vậy. Ðộng lòng thương xót, chú liền lấy một miếng giấy và ghi vào đó địa chỉ người đã chết. Chú tính sẽ viết một lá thư cho vợ ông ta.

Ðiều gì đã xảy ra trong chiếc hầm đạn ấy? Phải chăng chú lính Ðức bất ngờ nhận ra bổn phận phải yêu thương đồng loại và chú tự bắt mình phải yêu thương người lính vừa mới chết? Không phải thế đâu!

Sự việc xảy ra như thế này: chú lính Ðức chợt nhìn thấy người từng bị xem là kẻ thù của chú bằng một ánh sáng hoàn toàn mới mẻ. Và chính sự thay đổi cách nhìn này là đã thay đổi thái độ của chú đối với người ấy.

Trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các kẻ hành hình Ngài bằng một ánh sáng khác hẳn chúng ta nhìn nhiều. Ngài nhìn vượt lên trên vẻ bề ngoài của họ. Ngài nhìn ra bản chất thực sự của họ là những đứa con lạc đường của Cha Ngài.

Nếu muốn tha thứ cho kẻ thù, chúng ta phải bắt đầu nhìn thấy họ bằng một ánh sáng mới. Chúng ta phải bắt đầu nhìn họ giống như Chúa Giêsu nhìn thấy họ.

Tóm lại để xử lý cho trường hợp không thể tha thứ cho kẻ thù.

Thứ nhất chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu ơn tha thứ giống như Corrie đã làm.

Thứ hai, hãy nhớ lại Chúa Giêsu đã tha thứ cho chúng ta vô cùng nhiều hơn là Ngài đang đòi chúng ta tha thứ.

Thứ ba, hãy cố gắng nhìn kẻ thù mình theo cách Chúa Giêsu nhìn quân thù Ngài, nghĩa là xem họ như những anh em đang lầm đường lạc lối.

Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta khám phá lại tương giao của mình với kẻ khác. Ðặc biệt với các thành viên trong gia đình mình. Bài phúc âm ấy mời gọi chúng ta tự vấn xem tương giao nào trong số này cần được cải thiện đồng thời mời gọi chúng ta khởi sự tiến trình chữa lành tương giao nào bị trục trặc.

Chúng ta hãy kết thúc với lời kinh cầu của thánh Phanxicô:

"Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem tin kính vào nơi nghi nan, đem hy vọng vào nơi thất vọng, đem ánh sáng vào nơi tăm tối, đem niềm vui đến chốn u sầu.

Xin hãy dạy con: tìm an ủi người hơn được người ủi an,

Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết

Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh.

Chính lúc thứ tha là khi được tha thứ.

Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời".

 

10. Suy niệm của Lm. Anthony Trung Thành

Từ những mâu thuẫn có khi rất nhỏ nhặt dẫn đến trả thù nhau ngày càng diễn ra ở mọi tầng lớp và mọi môi trường sống của con người: nơi gia đình, nơi học đường và ngoài xã hội. Hậu quả của những cuộc trả thù là: bị thương tổn về tinh thần cũng như thể xác, thậm chí có những cuộc trả thù gây ra án mạng.

Cách đây không lâu do những mâu thuẫn nhỏ nhặt theo kiểu học sinh và sự “tinh tướng” của lứa tuổi mới lớn, nhóm học sinh cùng trường thuộc huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang đã gây ra cái chết cho chính một người bạn học của mình. Nếu chúng ta gõ trên google chữ “trả thù” thì nó sẽ hiện ra những hàng tít như: Đi ‘báo thù’ cho em, đánh nhau loạn xạ, người anh trai bị đâm chết; Dùng 6 xe tải chở 120 côn đồ đi trả thù; Đi trả thù, con chết cha nhập viện; Anh vác dao đi đánh nhau, trả thù cho em rồi bị đâm chết: Biết trách ai?...

Lối sống và cách cư xử trên đây đi ngược lại với đời sống và lời dạy của Đức Giêsu. Thật vậy, cả cuộc đời của Đức Giêsu là bài học về sự tha thứ. Trong ba năm rao giảng Tin mừng, Ngài đã từng tha thứ cho những kẻ tội lỗi như ông Lêvi, ông Giakêu, người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Ngài từng bị chống đối và bách hại bởi các luật sĩ, biệt phái...Đặc biệt vào những ngày cuối đời, Ngài bị bắt, bị đánh đập, bị xỉ nhục, bị đội mão gai, chịu vác thập giá và đóng đinh trên thập giá…nhưng Ngài không một chút oán hận những kẻ làm hại mình, trái lại Ngài còn cầu nguyện cùng Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 33). Chỉ một lời cầu nguyện với lòng sám hối của kẻ trộm lành, Ngài đã tha thứ và cho anh ta vào Thiên đàng ngay ngày hôm đó. Sau khi sống lại, Ngài đã không nhớ đến tội của các môn đệ, nhất là tội chối Thầy của ông Phêrô. Ngài còn lập bí tích Giao hòa để tha thứ tội lỗi cho con người mãi cho đến tận thế.

Ngài không những sống tha thứ mà còn dạy các môn đệ và mỗi người chúng ta biết tha thứ cho mọi người. Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết, khi Phêrô đến hỏi Ngài: Phải tha thứ mấy lần, có phải bảy lần không? Ngài đã trả lời với Phêrô rằng: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22). Tha thứ bảy mươi lần bảy không có nghĩa là 490 lần, mà là tha thứ không có giới hạn, tha thứ mãi mãi. Để quảng diễn tư tưởng đó, Đức Giêsu đã kể dụ ngôn “Tên mắc nợ không biết thương xót” (x. Mt 18, 23-35). Trong dụ ngôn này, nhà vua chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa “là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân” (Tv 102,8). Ngài không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn thống hối để được sống (x. Ez 18,23). Trong thời Cựu Ước, dân Do thái đã bao lần phạm tội, lỗi giao ước, bội thề…nhưng hễ họ ăn năn sám hối trở về, Thiên Chúa lại tha thứ cho họ. Cùng với tâm tình đó, Đức Giêsu khẳng định: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.” (Lc 5,32). Đức Giêsu còn kể nhiều dụ ngôn để nói về lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa, trong đó có ba dụ ngôn (Lc 15): Con chiên bị mất, đồng bạc bị đánh mất và người cha nhân hậu. Đức Giêsu không chỉ dạy tha thứ cho kẻ thù mà còn dạy cho chúng ta phải cầu nguyện và làm ơn cho kẻ thù nữa. Ngài nói: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).

Vì sao Đức Giêsu sống tha thứ và dạy cho chúng ta bài học về sự tha thứ?

Thứ nhất, vì con người là bất toàn, hay sai lỗi như thánh Gioan nói: “Ai nói mình vô tội đó là kẻ nói dối” (x.1Ga 1,10). Có tội thì cần được tha. Tôi có tội cần sự tha thứ của anh em. Anh em có tội cần sự tha thứ của tôi. Chúng ta có tội cần sự tha thứ của Thiên Chúa. Như vậy, tha thứ rất cần thiết giữa con người với nhau và con người cần sự tha thứ của Thiên Chúa.

Thứ hai, khi thực hiện sự tha thứ là chúng ta nên giống Thiên Chúa, nên con cái của Cha chúng ta là Đấng ngự trên trời “vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45).

Thứ ba, tha thứ là điều kiện để Chúa nhận của lễ chúng ta dâng: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).

Thứ tư, tha thứ là điều kiện để được Chúa thứ tha: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em”(Mt 6,14-15). Trong Kinh Lạy Cha, Đức Giêsu cũng dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12). Sách Huấn Ca cũng dạy: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Hc 28,2).

Thứ năm, tha thứ sẽ đem lại bình an cho con người. Trái lại, hận thù sẽ làm cho con người mất bình an. Đúng như người ta nói: “Lấy oán báo oán, oán oán chập chùng, lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan.”

Như vậy, qua mẫu gương và lời dạy của Đức Giêsu, và vì những lý do trên, nên mỗi người chúng ta hãy cố gắng thực hiện sự tha thứ trong gia đình, trong cộng đoàn và mỗi môi trường chúng ta sống. Tuy nhiên, để thực hiện sự tha thứ không phải là chuyện dễ dàng. Vì thế, chúng ta hãy noi gương bắt chước Đức Giêsu. Ngoài mẫu gương của Đức Giêsu chúng ta hãy nhìn vào mẫu gương của các đấng bậc trong đạo ngoài đời: Gương của Thánh Stêphanô tha thứ cho Saolê và những kẻ giết mình; Gương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tha thứ cho kẻ sát thủ Mehmet Ali Agca; Gương của Thánh Maria Goretti tha thứ cho Alessandrô là kẻ làm hại mình; Ông Gandhi vị anh hùng dân tộc Ấn Độ cũng chủ trương rằng: “Luật vàng của xử thế là sự tha thứ lẫn nhau”…

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con luôn biết tha thứ cho anh chị em mình như Chúa đã tha thứ cho chúng con. Amen.

 

11. Tha thứ nét độc đáo nhất của người Công Giáo

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang)

Trong Cựu Ước, tội nhân là con nợ được Thiên Chúa tha thứ cho nhờ ơn tha thứ của Ngài. Thiên Chúa tha thứ sạch hết mọi tội, xem như Ngài vất ra sau lưng, đúng như Lời Chúa trong Thánh vịnh đáp ca chúng ta vừa mới đọc: “CHÚA tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà, ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc, khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng” (Tv 103,3-5).

Vâng, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người đã không ngừng loan báo sự bao dung, và kêu gọi tha thứ và chính Ngài đã thực hiện trước để chúng ta noi theo. Qủa thế, trong cuộc thương khó, Chúa Giêsu chịu biết bao nhiêu là khổ nhục: chửi mắn, sỉ vả, đánh đập, khinh khi... nhưng Ngài vẫn không thù vặt, sống không để bụng, chết cũng chẳng mang theo hay trả đủa dù Ngài làm được. Qủa thế, trên cây Thánh giá, trước khi tắt thở, Chúa Giêsu nói rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Lời nói chưa đủ, Ngài đã đổ máu mình ta để tha tội cho con người (Mc 14,24). Vì vậy, Chúa Giêsu là Tôi Tớ đích thực của Thiên Chúa, Người làm cho những kẻ được Người gánh tội trở nên công chính (1Pr 2,24).

Tha thứ của Chúa Giêsu là thế đó, tha vô điều kiện, tha vô hạn nên hôm nay Ngài dạy: "Thầy không bảo là tha thứ đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy" (Mt 18,22). Tiếc thay, chúng ta rất đỗi nhỏ nhen! Chúng ta thể hiện sự nhỏ nhen ấy ngay trong cách sống của mình: thù vặt, bất bao dung, giận hờn cay đắng hay từ nhau... Cho nên, trong cuộc sống biết bao nhiêu chuyện cay đắng, nghiệt ngã xảy ra từ trong gia đình ra xã hội: cha con chém giết nhau, vợ chồng ly dị, con cái đánh đập cha mẹ, anh chị em đánh đập nhau, bạn bè đánh nhau, đồng nghiệp chơi xấu nhau, rồi ngay cả trong tình yêu trai gái cũng chẳng chịu tha thứ cho nhau cho nên dù tình yêu đầu hay tình cuối thắm thía đến mấy cũng chia tay để rồi tuyệt vọng tự tử. Cho nên mới có chuyện: "Tình đầu hay tình cuối? khi một ngày một người đã ra đi... Tình đầu hay tình sau? khi cơn đau không biết đến bao lâu? Một ngày ta được yêu, rồi một ngày một mình ta buồn thiu. Biết trống vắng, biết thức trắng, và biết nếm trái đắng. Mà đời thì như chiêm bao, khi yêu nhau biết ra sao ngày sau? Tình đầu thường lên men đau, nên đôi khi trái tim như nhỏ máu. Đường tình nào biết đến phút cuối, bẽ bàng rồi lòng chất ngất tiếc nuối. Thì tình đầu chỉ còn trong kỷ niệm mà thôi... Em ơi! Em ơi, em đâu rồi... làm sao anh hôn dòng tóc rối? Em ơi! Em ơi, em đâu rồi... làm sao... làm sao ta có đôi? Em ơi! Em ơi, em đâu rồi... mộ bia đề tên em đó sao? Em ơi! Em ơi, em đâu rồi... để tình đầu là tình cuối đau lòng nhau?" (Lời bài hát Tình Đầu và Tình cuối)

Yêu nhau mà không tha thứ cho nhau dẫn đến cái chết đau thương thì cuộc đời còn gì là ý nghĩa, hạnh phúc và đáng sống. Vì vậy, hôm nay, Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta hãy sống nét độc đáo nhất của đạo Công Giáo đó là sự tha thứ, tha thứ cho hết mọi người kể cả kẻ thù chúng ta. Nhưng không ai trong chúng ta lại không cảm nhận nỗi khó khăn khi phải tha thứ cho người khác. Thế thì động lực độc đáo nhất của Kitô giáo thúc đẩy chúng ta dám tha thứ cho nhau là gì? Thưa đó là khi chúng ta cảm nhận chính mình được tha thứ, mình sẽ dễ dàng tha thứ cho người khác.

Cụ thể, hôm nay Chúa Giêsu dùng câu chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách... mà chúng ta vừa mới nghe để dạy chúng ta biết lòng bao dung, tha thứ vô điều kiện của Thiên Chúa với con người và sự độc ác nhỏ nhen của con người với nhau. Chúng ta được Thiên Chúa tha thứ cho món nợ rất lớn như thế, nhưng ngược, lại mình vẫn không chấp nhận tha thứ món nợ nhỏ cho anh em mình. Tai sao?

Thứ nhất, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói rằng vì con người ngày hôm nay đang dần dần đánh mất cảm thức về tội lỗi. Cho nên mình ăn gian nói dối, trộm cắp, phá thai, giết người... mà lương tâm mình bình thương không có gì là cắn rứt, không cần Chúa tha thứ (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, số 63). Thứ hai, con người quá yêu cái tôi của mình, cho nên những nhân đức của mình thì phóng cho to, còn những nét xấu giảm đến mức tối thiểu. Ngược lại, với người khác thì phóng đại cái tội lỗi người ta và giảm thiếu nhân đức của họ. Rồi, khi có lỗi với anh em, chúng ta chạy đến Chúa xưng tội, Chúa tha thứ hay là chúng ta chạy đến người mình phạm thôi, xin họ tha thứ; ngược lại họ lỡ phạm đến mình, chúng ta hậm hực không thể bỏ qua, “sống để bụng, chết mang theo”, hoặc bằng mặt chứ không bằng lòng. Hai lý do đó làm cho chúng ta mất cảm giác mình được Chúa tha thứ và cũng mất cảm giác bao dung tha thứ cho người khác.

Vậy phải làm gì? Lời Chúa trong bài đọc hai, Thánh Phaolô nói: “không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết” (Rm 14,7-9). Vâng, sống cho Chúa nghĩa là sống với Chúa trong cầu nguyện. Chính trong cõi thinh lặng ấy ta có thể lắng nghe tiếng Đấng đã nói với ta trước khi ta nói lên lời, Ngài đã chữa lành ta trước khi ta có thể giơ tay kêu cứu, đã giải thoát ta trước khi ta có thể giải thoát kẻ khác và đã yêu thương ta trước khi ta yêu thương tha nhân. Vì vậy, khi cầu nguyện với Thiên Chúa càng sâu xa bao nhiêu, chúng ta càng cảm nhận sự thánh thiện của Thiên Chúa bấy nhiêu, và ngược lại càng thấy mình khiếm khuyết và tội lỗi, chính lúc ấy chúng ta mới nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa, để rồi “cũng tha cho kẻ mắc nợ với chúng con” (Mt 6,12).

Bình thường chúng ta đối xử với nhau bằng sức mạnh: bạo lực, chính trị, đồng tiền, toan tính thủ đoạn; nếu ai tha thứ thì cho là kẻ hèn nhát. Di sản tinh thần lớn nhất trên thế gian không phải là sức mạnh của bạo lực, tiền bạc mà là tình thương, tha thứ, vì tha thứ là chất xi măng xây dựng tình hiệp nhất, “tứ hải giai huynh đệ”. Hơn thế nữa, Lời Chúa dạy: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, thánh hiến và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà, nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em, người này có chuyện phải trách móc người kia, Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13). Đó chính là chất keo tuyệt vời nhất kết dính mối tình chúng ta với nhau hiệp nhất với Chúa Cha trên trời, trong Chúa Giêsu Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần. Với đức tin ấy, mời quý ông bà và anh chị em đứng lên tuyên xưng đức tin.

 

12. Giá trị cục tẩy

(Suy niệm của Lm Giuse Tạ Duy Tuyền)

Có một cậu bé hỏi cha: Tại sao bút chì có tẩy?

Người cha ôn tồn trả lời: để xóa đi những chữ viết sai, viết chưa đẹp hoặc để xóa đi những gì không đúng trên trang viết!

Quả thực, cục tẩy thật cần thiết. Nếu không có nó thì trên trang giấy sẽ bề bộn những gạch xóa lem luốc. Cục tẩy sẽ làm mới lại những gì đã viết lên trang giấy không đúng. Cục tẩy sẽ chỉnh lại những lỗi viết sai hay ẩu thả của chủ nhân.

Cuộc đời con người cũng cần có một cục tẩy. Một cục tẩy của lòng bao dung và sự tha thứ. Một cục tẩy có khả năng xóa đi những sai lầm của người khác và của chính bản thân ta! Nếu cuộc đời chúng ta không dám sử dụng cục tẩy để xóa đi những bất hòa ghen tương, những hận thú tranh chấp, những lỗi lầm tội lỗi sẽ làm cho những trang giấy cuộc đời nhem nhuốc những dòng gạch và xóa! Muốn cuộc đời mình đẹp thì phải biết xóa đi những gì không đúng, không đẹp để trang giấy cuộc đời rạng rỡ hơn. Nhưng đáng tiếc, có rất nhiều người cho tới lúc tuổi già vẫn để cục tẩy của mình còn nguyên vẹn vì chúng ta ít can đảm xóa đi những hận thù.

Có một lần sau khi giảng về lòng bao dung tha thứ, vị linh mục hỏi các giáo dân của mình ai sẽ sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù. Khoảng một nửa trong số họ giơ tay lên. Chưa hài lòng, ông giảng thêm 20 phút nữa và hỏi lại câu hỏi cũ. 80% giáo dân giơ tay. Vẫn chưa hài lòng, ông giảng thêm 15 phút nữa và lặp lại câu hỏi trên. Nôn nóng về bữa ăn trưa tuyệt vời của ngày chủ nhật, tất cả giáo dân đều đưa tay lên trừ một ông lão.

- Ông Jones, ông không sẵn sàng tha thứ cho kẻ thù à?

- Tôi không có kẻ thù nào.

- Thật lạ lùng. Thế ông bao nhiêu tuổi rồi?

- 86.

- Ông Jones này, ông hãy vui lòng lên đây và cho mọi người biết bí quyết để một người sống đến 86 tuổi mà không có một kẻ thù nào cả.

Ông lão bước lên phía trước rồi từ từ quay lại:

- Dễ ợt. Chẳng qua là tôi sống lâu hơn chúng nó thôi

Hôm nay Chúa bảo chúng ta phải tha thứ cho nhau không phải là bảy lần mà là bảy mươi lần bảy, nghĩa là rất nhiều và mãi mãi. Nếu chúng ta không tha thứ nghĩa là chúng ta vẫn để cục tẩy còn nguyên vẹn, đó là lý do khi nhìn vào trang giấy cuộc đời mình thì lắm lem luốt bởi hận thù chua cay. Con người chúng ta “nhân vô thập toàn”. Chúng ta lớn lên trong sự tha thứ của người khác thì chính chúng ta cũng phải học tha thứ cho tha nhân. Thế nên, hãy sống bao dung. Hãy biết tha thứ để cục tẩy của chúng ta mòn dần theo năm tháng, đừng bao giờ để cực tẩy của mình ở mãi trong kho. Bởi vì nếu không sử dụng đến nó cuộc đời của chúng ta sẽ chi chít những vết gạch xóa sau những lần mắc sai lầm! Một tờ giấy như vậy chắc chẳng có gì tốt đẹp phải không?

Chúa Giêsu dạy ta biết tha thứ. Ngài đã sống điều đó. Ngài luôn cảm thông với những lầm lỗi của tha nhân. Ngài dùng tình thương tha thứ để sửa lại lỗi lầm con người. Tình thương ấy Ngài đã mang lại cuộc đời mới cho Gia-kêu, cho Ma-da-lê-na, cho Phao-lô... Ngài đã dùng cục tẩy của sự tha thứ một cách quảng đại. Ngài đã xóa đi những vết nhơ tỗi lỗi của con người. Ngài đã xóa đi những bụi đời trong thân phận yếu đuối của con người. Ngài đã đi đến tận cùng của sự tha thứ là tha cho kẻ đã hành hạ và kết án Ngài.

Là người ky-tô hữu chúng ta phải sống tình thương tha thứ. Tha thứ để sửa đổi anh em. Tha thứ để xóa đi những vết hận thù trong lòng chúng ta. Tha thứ để ta nên hoàn thiện hơn như Cha là Đấng hoàn thiện luôn cho mưa thuận gió hòa trên mọi người.

Tuy nhiên, tha thứ để rồi cũng biết nhìn nhận tội lỗi của bản thân. Không phải bao giờ mình cũng đúng mà có khi chính chúng ta là kẻ gây ra đau khổ cho tha nhân, thế nên, trong nhiều trường hợp chính chúng ta là người cần đến sự tha thứ của người khác.

Có một câu chuyện kể rằng:

A nói với B: "Khu nhà tôi vừa dọn về một ông hàng xóm bất lịch sự. Tối hôm qua, đã gần một giờ sáng rồi mà ông ta còn qua đập cửa nhà tôi rầm rầm". B hỏi: "Thế anh có báo cảnh sát không?". A trả lời: "Không, tôi mặc kệ ông ta, xem ông ta như thằng điên vì lúc ấy tôi đang tập thổi kèn saxophone".

Chuyện gì cũng có nguyên nhân, nếu biết trước lỗi của mình thì hậu quả sẽ khác đi. Tuy nhiên, chúng ta lại thường ít khi thấy mình sai, nhưng lại dễ dàng thấy người khác sai.

Xin cho chúng ta luôn biết hoàn thiện mình như Cha chúng ta. Hoàn thiện con người không làm điều gì tổn thương với tha nhân. Hoàn thiện còn để lòng mình xóa đi những ghen tương, đố kỵ để sống hòa hợp với nhau. Amen.

 

13. Bài học tha thứ

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Có một bác nông dân đã quá khổ sở vì sự thiếu trách nhiệm của những người hàng xóm. Mặc dù nhà không nuôi gà nhưng gà hàng xóm lại bới nát và phá hoại hoa màu của bác. Vốn bản tính hiền lành luôn "dĩ hòa vi quý", không muốn ăn miếng trả miếng như thói thường người đời. Bác đã nhiều lần van xin láng giềng vui lòng nhốt gà lại. Nhưng chẳng ai chú ý đến lời yêu cầu của bác. Bầy gà cứ thản nhiên sang vườn bác bới móc tìm mồi. Thế rồi, một buổi sáng đẹp trời, Bác ra chợ mua một ít trứng gà để vào một cái giỏ, rồi cứ vài ngày lại đưa sang cho những người láng giềng và giải thích rằng đó là trứng mà bầy gà của họ đã đẻ trong vườn của bác. Bác làm như thế liên tiếp ba lần. Quả thực kết quả đã diễn ra rất nhanh chóng. Chỉ trong một tuần lễ, người láng giềng nào cũng tự động rào dậu thật kỹ để giữ cho gà của mình không sang đẻ ở nhà bác nông dân nữa.

Vâng, Bác nông dân chỉ mất tiền mua ít trứng gà mà bác đã tránh được một cuộc tranh chấp vô ích có thể làm sứt mẻ tình hàng xóm. Cuộc sống chung là vậy, nếu biết nhịn nhục và kiên nhẫn một chút là ta có thể tìm ra nhiều giải pháp tốt nhất để gìn giữ sự hòa thuận, êm đềm cho gia đình, cho xóm làng chúng ta.

Trong cuộc sống chung đụng thường phải có va chạm với nhau. Chén bát để bên nhau, vô tình vẫn có những va chạm bể nát ra huống chi con người. Hôm nay Chúa muốn chúng ta hãy biết tha thứ cho nhau không phải là để cho qua chuyện hay nhịn đi cho xong, mà tha thứ cho nhau, là điều kiện để chúng ta được Thiên Chúa thứ tha. Vì chưng, tất cả chúng ta đều là con nợ của Chúa. Chúng ta nợ Chúa sự sống, nợ Chúa ân tình. Đã nhiều lần chúng ta khất lần khất lượt với Chúa, van xin Chúa hãy tha thứ, cứu giúp mình tai qua nạn khỏi sẽ trả nợ Chúa, sẽ dành vốn sống của mình để làm theo ý Chúa, để phụng thờ Chúa. Hứa đó rồi quên. Quyết tâm rồi lại thất hứa. Thế mà Chúa vẫn yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Dụ ngôn người con hoang đàng là một bằng chứng về lòng bao dung của Chúa. Người cha đã không cần hỏi mày dùng số vốn của tao làm gì? Bây giờ còn bao nhiêu? Chỉ cần thấy người con quay về là người cha đã quên hết quá khứ lỗi lầm của người con.

Hôm nay Chúa Giêsu nói với chúng ta: anh em đã lãnh nhận sự tha thứ của Chúa, thì cũng hãy tha thứ cho nhau. Không phải là một lần hay chỉ "quá tam ba bận" mà là tha thứ mãi mãi. Như vậy, tha thứ đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiên nhẫn để cho người xúc phạm đến ta có cơ hội, có thời giờ sửa đổi và làm lại cuộc đời. Đừng như ông quan độc ác kia đã đối xử quá khắt khe với những con nợ của mình. Ông đòi tính sổ với các con nợ và đòi cho đến đồng bạc cuối cùng. Đó cũng là cách đối xử chung của con người hôm nay. Người ta đòi công lý phải được báo thù. Người ta đòi mắt đền mắt răng đền răng. Người ta khó chấp nhận một sự bao dung tha thứ đối với kẻ thù của mình.

Mahatma Gandhi, người đã giải phóng Ấn Độ khỏi ách nô lệ của người Anh bằng cuộc tranh đấu bất bạo động, đã bị một thanh niên Ấn Giáo hạ sát, chỉ vì anh ta không thể chấp nhận được sự kiện Gandhi lại yêu thương và tha thứ cho người Hồi Giáo.

Khi loan báo tình yêu Thiên Chúa cho mọi người, Chúa Giêsu đã không loại trừ một hạng người nào. Được sai đến trước tiên cho người Do thái, Chúa Giêsu cũng đi đến với cả nhân loại. Chúa Giêsu chính là hiện thân lòng khoan dung của Thiên Chúa, một Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả mọi người, và muốn qui tụ mọi người vào trong gia đình của Ngài. Cả cuộc đời của Ngài là một chuỗi dài sự tha thứ. Ngài đã tha thứ cho lầm lỗi của người phụ nữ ngoại tình. Ngài đã tha thứ việc làm của Giakêu. Ngài đã tha thứ quá khứ tội lỗi của người trộm lành. Ngài đã đi đến tận cùng của sự tha thứ, là tha thứ cho kẻ làm nhục và giết hại Ngài.

Là con cái của Cha yêu thương và khoan dung, nguyên tắc sống của chúng ta cũng phải là yêu thương và khoan dung. Giữa một thế giới mà sự thù hận luôn đòi loại trừ nhau bằng khủng bố, bằng súng đạn, người kytô hữu phải thể hiện cho người ta thấy lòng bao dung và tha thứ vẫn còn tồn tại trên trần gian. Vì Chúa chúng ta vẫn có thể làm điều ấy. Vì Chúa chúng ta vẫn có thể tha thứ cho nhau. Tha thứ để được sự bình an tâm hồn. Vì nếu không tha thứ thì "oán báo oán, oán lại chập chùng". Tha thứ cho nhau để được nên nghĩa tử và là môn đệ chính danh của Chúa, vì người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy là "hãy yêu thương nhau". Một tình yêu đích thực luôn bao hàm sự bao dung và tha thứ vì "Yêu nhau củ ấu cũng tròn - Một trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa".

Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta luôn can đảm tha thứ cho nhau, luôn can đảm quên đi mọi hận thù, oán ghét, ghen tương để sống trong vòng tay thân ái giữa người với người và trong tình yêu tha thứ thẳm sâu của Chúa. Amen.

 

14. Tha thứ đến vô tận - Barbara E. Reid OP

(Văn Hào, SDB chuyển ngữ)

“Con phải tha thứ bao nhiêu lần” (Mt 18,21)

Một phụ nữ, đã từng hứng chịu bạo hành trong gia đình, chia sẻ với tôi kinh nghiệm của chị khi phải đấu tranh với chính mình để thực hiện giáo huấn của Chúa trong Tin Mừng hôm nay. Chị ta nói “Là một tín hữu Công giáo, tôi thấy có trách nhiệm và bổn phận phải tha thứ cho chồng tôi, khi anh ta dùng bạo lựcnhư thể muốn giết tôi. Tôi tin rằng tôi phải bắt chước hành vi yêu thương của Đức Giêsu trên Thập giá, trước khi Ngài dang tay đón nhận cái chết. Tôi phân vân tự hỏi, có lẽ thay vì tha thứ, tôi đã có cảm giác thù hận từ sâu tận trong tâm hồn, và tôi đã tự nguyền rủa chồng tôi, mong anh ta chết quách đi cho xong. Tôi sợ rằng tôi đã không tha thứ hoàn toàn cho anh ta trước khi tôi chết, và như vậy tôi sẽ bị trầm luân mãi mãi”.

Giáo huấn của Đức Giêsu hôm nay dạy chúng ta phải tha thứ đến vô tận. Có một điều khá gay go, là nếu chúng ta không thể tha thứ thì sao? Cái gì sẽ xảy ra, khi chúng ta muốn tha thứ, nhưng kẻ xúc phạm đến chúng ta lại không hối lỗi và không chịu đền bù thiệt hại. Có những khi, ví dụ trong trường hợp bạo hành xảy ra nơi gia đình, sự tha thứ còn là cớ giống như đổ thêm dầu vào lửa, sẽ phản tác dụng và không đem lại sự hòa giải và an bình thật sự. Tiến trình thực hiện việc tha thứ và hòa giải quả khá gian nan, và chúng ta không thể giản lược trong một vài chiêu thức giản đơn.

Bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, tiếp nối với đoạn Tin mừng của tuần trước, trong đó Chúa Giêsu vạch dẫn một lộ trình khởi đầu cho việc hòa giải, khi có những xúc phạm xảy ra trong cộng đoàn. Lộ trình này bắt đầu bằng việc cá nhân đến gặp gỡ cá nhân, rối tiếp theo là có thêm những trung gian, và bước cuối cùng là có sự tham gia của cả cộng đoàn. Đứng trước những chỉ huấn này, Phêrô đã hỏi tiếp Đức Giêsu, thế ông phải phải tha thứ bao nhiêu lần. Ông thấy ngay những khó khăn và trở ngại khi thực hiện tiến trình hòa giải như thế. Để trả lời, Chúa Giêesu đã khẳng định, việc tha thứ phải thực hiện một cách vô tận, không có một giới hạn nào cả. Có những sự việc gây nên nỗi đau triền miên và dai dẳng, vì thế cũng cần phải biết tha thứ vô giới hạn, đồng thời người phạm lỗi cũng cần phải hối lỗi một cách chânthực. Chúng ta phải luôn sẵn sàng thực hiện công việc đầy khó khăn này, để hóa giải những tan vỡ, và thực hiện việc giao hòa với nhau.

Trong dụ ngôn tiếp theo về người đầy tớ mắc nợ một số tiền lớn đã được nhà vua tha cho, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến món nợ khổng lồ như một gánh nặng. Món nợ đó biểu trưng cho những khó khăn trong việc hòa giải, và nó đã được cất đi khỏi tên đầy tớ. Điều này,Chúa cũng kêu mời chúng ta ý thức rằng: Sự hòa giải ở đây là một quà tặng được trao ban một cách nhưng không. Khi đón nhận món quà này, không phải do công lao của mình, chúng ta cũng phải ban trao lại một cách nhưng không giống như vậy. Tên đầy tớ không thể trả món nợ cho nhà vua, nhưng anh ta có thể sao chép lại cách thức mà nhà vua đã đối xử với anh ta, bằng cách cũng tha cho kẻ mắc nợ mình. Tuy nhiên anh ta đã không hành xử như thế. Anh ta làm ngược lại. Thế rồi nhà vua tức giận, đổi thay tình thế, rút lại sự tha thứ đã ban bố trước đây. Điều làm chúng ta cảm thấy chới với, đó là Thiên Chúa sẽ hành xử giống như thế. Ngài sẽ rút lại sự tha thứ của Ngài nếu như chúng ta không muốn thứ tha một cách sâu xa tận đáy lòng. Câu nói này của Chúa Giêsu gợi nhắc đến lời kinh Lạy Cha mà chính Ngài đã dạy các môn đệ cầu nguyện “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ mắc nợ chúng con (Mt 6,12). Lời kinh đó đi kèm theo lời khuyến cáo: Chúng ta chỉ được tha thứ khi chúng ta biết thứ tha cho nhau (Mt 6, 14-15).

Điểm nhấn ở đây, không phải là Thiên Chúa lật lọng, đổi thay thái độ, rút lại sự tha thứ đã trao ban, khi chúng ta không hành xử giống như Ngài đã nêu gương. Cũng không phải Thiên Chúa sẽ làm phương hại đến chúng ta, khi chúng ta không tuân theo lối bước của Ngài. Dụ ngôn chỉ muốn khuyến cáo một cách khá cứng rắn, để con tim chúng ta đừng trở nên xơ cứng khi không có lòng bao dung và phải luôn biết sẵn lòng tha thứ cho nhau. Một tâm hồn chai lỳ trong hận thù, dễ làm cho bạo lực tái bùng phát và tiếp diễn. Dụ ngôn chỉ muốn diễn tả một cách thái mà chúng ta phải chọn lựa để làm sao sự tha thứ luôn được chúng ta tâm đắc và thực hành. Chúng ta phải nỗ lực thứ tha, và cầu nguyện để tâm hồn chúng ta luôn biết trải rộng, sẵn lòng tha thứ cả khi việc thứ tha này chưa thực hiện được. Chúng ta khẩn cầu để xin Chúa giúp chúng ta biết mở toang cõi lòng hầu có thể nếm cảm lòng thương xót dịu dàng của Chúa đổ tràn trên chúng ta, giúp chúng ta cũng dễ dàng dàn trải lòng thương xót và sự đồng cảm giống như thế đến cho mọi người. Không cái gì có thể cất khỏi sự tha thứ của Chúa nơi chúng ta. Tuy nhiên,trong cách cư xử thường ngày, nhiều động thái chúng ta thực hiện làm cản che hiệu quả của lòng thương xót đó đang tuôn đổ xuống trên mỗi người chúng ta.

 

15. Hào quang của tha thứ - Thiên Phúc

Theo ABC News, ông Yigal Cohen, một người Itraen bị đau tim nặng vừa nhận được trái tim của một người Palestin trong cuộc phẫu thuật ngày 5-6-2000, Gia đình ông Mazen Joulani, người hiến tặng tim, cho biết ông vừa bi lnhững người Do Thái bắn hãi tại một tiệm cà phê ngoài trời.

Gia đình này quyết định hiến tim của Joulani vào thứ sáu tuần qua, ngay trong ngày mà cuộc nổ bom ở Tel Aviv làm thiệt mạng 21 người. Những phần nội tạng khác của Joulani cũng sẽ được ghép cho một số người Itraen khác.

Bác sĩ Lavie, người thực hiện ca mổ, nói khi ông cầm hai trái tim trong tay, ông nhận ra rằng tất cả những mâu thuẫn sắc tộc là hoàn toàn vô nghĩa.

***

Nếu chúng ta biết rõ mối thù truyền kiếp giữa người Itraen và người Palestin, nếu chúng ta nhìn thấy những cuộc xung đột đẫm máu thường xuyên xảy ra giữa hai dân tộc này trên truyền hình, báo chí, chúng ta mới thấy nghĩa cử hiến tặng trái tim để cứu sống kẻ thù, mới thật là nghĩa cả vô cùng cao đẹp. Không những anh chỉ tha thứ cho kẻ thù đã bắn chết mình, mà còn trao ban luôn trái tim và các phần nội tạng khác để cứu sống những kẻ đã sát hại dân tộc mình. Đối với những người không có tấm long khoan dung tha thứ thì đây là hành động điên rồ, thậm chí còn là việc ngu xuẩn. Nhưng với những người có niềm tin thì đó lại là bằng chứng hùng hồn của người môn đệ Đức Kitô: “Anh em phải thương yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ oán ghét anh em” (Lc 6,27).

Tin mừng hôm nay thuật lại:

“Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần” Có phải bảy lần không? “Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bẩy” (Mt 18,21-22).

Điều đó có nghĩa là phải tha thứ hoài, tha thứ mãi tha thứ đến vô cùng. Đó là nét mới trong dung mạo của Đức Giêsu. Mọi quốc gia, đảng phải, phong trào đều chống lại điều xấu, đề phòng kẻ gian ác, tiêu diệt kẻ thù, duy chỉ mình Đức Giêsu dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù”. Người đã chiếu tỏa nét cao quý ấy ngay trên thập giá, khi các kẻ thù hành hạ, chế nhạo, và đóng đinh Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

 

16. Tha thứ - Lm. Trầm Phúc

Sau khi Chúa Giê-su dạy về việc sửa lỗi cho nhau, Phê-rô hỏi thêm: “Thưa Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần, có phải đến bảy lần không ?” Có lẽ nhiều người ngạc nhiên không biết tại sao Phê-rô lại đặt vấn đề con số.

Đối với Luật Do Thái, mấy chuyên viên luật đã cho một bảng kê khai phải tha cho ai mấy lần tùy trường hợp đối với gia đình hay người ngoài. Thông thường thì tha ba lần là tối đa, do đó đối với Phê-rô, tha bảy lần là vượt mức. Đối với Chúa Giê-su, tha thứ không có hạn chế, không có ranh giới. Bảy mươi lần bảy có nghĩa là không biên giới và vô điều kiện.

Để minh họa điều đó Chúa Giê-su dùng dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe đọc. Dụ ngôn không khó hiểu, nhưng câu kết lại rất nghiêm trọng và như là một lời cảnh báo: “Nếu anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình thì Cha Thầy ở trên trời cũng cư xử với anh em như vậy.” Như thế, Chúa Giê-su cho chúng ta thấy rằng, thái độ của chúng ta đối với anh em đồng loại thế nào, thì Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế.

“Lấy đấu nào đong cho người khác thì Chúa sẽ đong lại cho chúng ta bằng đấu ấy.” Lời của Chúa Giê-su hôm nay sẽ trở nên án phạt cho chúng ta, nếu chúng ta không khoan dung đối với anh em chúng ta.

Thánh Phao-lô bảo: “Đừng theo thói thế gian.” Chúng ta thường thấy đời sống xã hội hôm nay là “ăn miếng trả miếng,” cũng như thời Mô-sê, luật báo oán vẫn được áp dụng: “Mắt đền mắt, răng đền răng.”Chúa Giê-su đòi buộc chúng ta vượt lên trên sự hèn hạ xấu xa của con người.

Trong dụ ngôn, Chúa Giê-su chứng tỏ lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với chúng ta vượt xa mọi tính toán của con người. Chúng ta lỗi phạm. Khối tội của chúng ta là một món nợ khổng lồ không thể trả được. Có ai trong chúng ta có thể lượng giá tất cả tội lỗi của chúng ta đối với Chúa không? Thánh vịnh nói: “Nếu Chúa tôi nhớ hoài tội lỗi, nào ai đứng vững được chăng?”

Thế nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ. Còn chúng ta, chúng ta lại bắt lỗi anh em từng lời nói, chúng ta trách phiền người nầy người nọ và có lúc lại hiềm khích hận thù. Món nợ của chúng ta với Chúa to lớn như thế nào, anh em chỉ lỗi phạm một vài điều nhỏ nhặt, chúng ta không đủ can đảm tha thứ. Chúng ta xin Chúa thứ tha thế nào?

Bắt lỗi nhau, hiềm khích nhau để được gì? Ích lợi gì cho chúng ta? Chúng ta chỉ gặt hái sự bực bội, khó chịu và cáu gắt mà thôi. Thỏa mãn một chút tự ái, chúng ta đánh mất sự bình an, và đánh mất cả hạnh phúc.

Hãy nhìn Chúa Giê-su. Ngài thanh thản nhẹ nhàng. Ngài yêu thương những người tội lỗi: Gia-kêu, Maria Ma-đa-lê-na, người phụ nữ ngoại tình… Chúa Giê-su cũng đối xử với chúng ta như thế. Ngài “tìm kiếm những gì đã hư mất,” Ngài phục hồi những tâm hồn hoen ố. Cũng như trên đỉnh đồi Can-vê, trong nỗi thống khổ tột cùng, Ngài nhìn thấy những kẻ thù của Ngài hả hê đắc thắng, ngạo nghễ, vui cười trên đau khổ của Ngài. Ngài xin Cha tha cho họ… Như vậy, thái độ của Chúa không đủ làm cho chúng ta suy nghĩ hay sao?

Chúng ta cần được Chúa thứ tha, vì trước mặt Chúa, chúng ta là những kẻ tội lỗi, những người không thể trả nợ, sao chúng ta lại có thể chứa chất trong lòng những tự ái, ích kỷ, ghen tỵ? Sao chúng ta không thể rộng lượng như Cha trên trời?

Đối với chúng ta việc tha thứ đôi khi rất khó, nó đòi hỏi ta phải có lòng yêu thương nhiều, đòi hỏi quên mình và khiêm tốn. Phải, đôi khi nó đòi hỏi chúng ta thật nhiều, nhưng đó cũng là điều kiện tiên quyết để được tha thứ.

Chúa Giê-su dạy chúng ta quên mình để tha thứ như Ngài: “Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…” Chúng ta là con của Thiên Chúa Tình Thương, nên chúng ta hãy cố sống yêu thương và học bài học hiền lành và khiêm nhượng của Chúa Giê-su, thì chúng ta sẽ dễ tha thứ và tạo bầu khí xung quanh trong lành và hạnh phúc.

Thế gian đầy dẫy hận thù, tranh chấp. Chúng ta không thể rót vào biển lửa hận thù đó một chút yêu thương sao? Chúng ta không thể xoa dịu những vết thương hận thù giữa anh em chúng ta, xây dựng một tình huynh đệ chân thành giữa anh em đang chung sống với chúng ta trong cuộc sống cam go nầy sao?

Chúng ta mơ tìm hạnh phúc, nhưng hạnh phúc không ở nơi hận thù ghen ghét. Hạnh phúc thật chỉ đến trong tình yêu. Thánh Phao-lô, trong nhiều bức thư đã khích lệ giáo dân của ngài sống yêu thương, tha thứ. Hôm nay, chúng ta vừa nghe trong đoạn thư gửi giáo đoàn Rô-ma những lời rất đặc biệt mà nhiều khi chúng ta không để ý: “Không ai sống cho chính mình cũng không ai chết cho chính mình. Sống là sống cho Thiên Chúa, và chết là chết cho Thiên Chúa”. Điều đó có nghĩa gì?

Nếu sống cho mình là sống theo bản năng và ý muốn của mình, thì chúng ta chỉ gieo rắc khốn khổ thôi. Sống cho Thiên Chúa là mở rộng Vương Quốc Tình Yêu của Ngài; nơi đó, chúng ta mới tìm được điều chúng ta mong ước là Hạnh Phúc.

Hôm nay, trong hiến lễ tình yêu nầy, chúng ta sẽ cùng với Chúa Giê-su cầu xin cho “Nước Cha trị đến”. Và Nước Cha chính là Nước Tình Yêu và tha thứ.

Chúng ta sẽ ăn lấy Đấng đã yêu thương chúng ta, tha thứ và liều mạng cho chúng ta, chúng ta hãy đem tình yêu vào gia đình, làng xóm và trong môi trường chúng ta đang sống…

Xin cho con biết:

“…đem thứ tha vào nơi lăng nhục,

đem an hòa vào nơi tranh chấp,…

đem niềm vui đến chốn ưu sầu”.

*******

Nhiên liệu để đi xa hơn:

Tha thứ

Mục sư Richard Wurmbrand, người Rumani, đã bị giam 14 năm vì danh Chúa. Ông đã ghi lại nhiều câu chuyện về bác ái của những Ki-tô hữu bị bách hại. Trong trại giam chung với ông có một linh mục; không hiểu vì sao ông ấy bị đem ra hành hạ và đánh đập một cách dã man nhiều lần. Một hôm, sau khi bị hành hạ dã man và bị đẫy vào phòng giam dở sống dở chết, những bạn tù tức tối chửi rủa những  anh lính kia; Nhưng vị linh mục nầy khoát tay bảo họ im đi và lấy hết sức còn lại, nói với anh em bạn tù: “Đừng chửi rủa họ vì họ không biết họ đang làm gì. Hãy thương họ là đúng hơn. Hãy cầu nguyện cho họ.”

Tha thứ

Cha Franz Stock là một linh mục người Đức và là tuyên úy lao xá trong thời Pháp bị nước Đức chiếm đóng. Trong thời kỳ ấy, Chính phủ Đức đã ra lệnh xử bắn nhiều tù nhân khác khi có một đồn quân Đức bị đánh, hay một lính Đức bị ám sát để trả đũa. Cha F.Stock luôn có mặt nơi pháp trường. Có những ngày ngài phải chứng kiến hàng trăm người bị xử bắn. Trước khibị bịt mắt, các tử tội được phép gặp cha tuyên úy để xưng tội, hay tạo những gì cho gia đình và thân nhân. Ngài kể lại, có lúc ngài thật cảm kích trước thái độ bác ái và bao dung của những người tù. Có người trao cho ngài một tấm giấy nhỏ cho thân nhân trong đó viết: “Hãy an tâm. Anh chết vì Tổ Quốc, vì Chúa. Xin đừng hận thù một ai”. Có người trước khi bị bắn, họ hô to: “Hoan hô Nước Pháp muôn năm! Lạy Chúa, con xin dâng mạng sống con cho Chúa, cho Tổ Quốc, cho những người xử bắn con. Xin tha cho họ”.

Một sĩ quan Pháp, trước khi bị xử bắn đi đến bắt tay từng người trong tiểu đội lý hình. Anh nói: “Các anh hãy làm nhiệm vụ của các anh. Nhiệm vụ của tôi đến đây là hết. Cám ơn các anh. Không hận thù. Giả từ tất cả”.

 

17. Tha thứ.

Thiên Chúa là Đấng tha thứ cho con người mọi tội lỗi, do đó, con người cũng phải biết tha thứ lẫn cho nhau.

Qua câu chuyện của Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta thấy được hai thái độ khác nhau của hai chủ nợ. Người chủ nợ thứ nhất tượng trưng cho Thiên Chúa. Còn người đầy tớ mắc nợ mười ngàn nén vàng, tượng trưng cho con người tội lỗi. Mười ngàn vàng là một con số quá lớn, vượt khỏi trí tưởng tượng của người nghe. Ý muốn ám chỉ một món nợ mà con nợ sẽ không bao giờ trả hết. Cam kết trả hết nợ chỉ là một lời hứa liều khi bị dồn vào bước đường cùng, không còn lối thoát nào khác. Biết vậy, nhưng người chủ nợ lại là người nhân ái, đã động lòng thương trước lời van xin của tên đầy tớ. Và người chủ nợ đã một việc hết sức bất ngờ, đó là trả tự do và tha hết nợ cho anh ta trong khi anh ta chỉ dám xin khất nợ mà thôi.

Cũng thế, tội lỗi của con người đối với Thiên Chúa quả thực là một món nợ khổng lồ. Bình thường thì chẳng tài nào xoá đi được. Nhưng Thiên Chúa đã chạnh lòng thương. Ngài đã tha thứ không chỉ bằng một lời phán hết nợ, mà còn bằng cách cho Con Một của Ngài xuống thế làm người, rao giảng Tin Mừng cứu độ và sau cùng đã chịu chết trên thập giá để giải thoát chúng ta.

Nếu như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta một cách nhưng không, thì bây giờ đến lượt chúng ta, chúng ta cũng có bổn phận phải tha thứ một cách nhưng không cho người khác. Món nợ của con người đối với nhau, quả thật là nhỏ bé, là tầm thường, so với món nợ đối với Thiên Chúa. Một nén vàng là mười ngàn đồng bạc. Như thế, một vạn nén vàng vị chi là một trăm triệu đồng. Một trăm triệu đồng mà đem so với một trăm đồng thì quả là một trời một vực.

Nhưng cách cư xử của tên đầy tớ vừa mới được tha hết nợ đối với bạn hắn thì lại hoàn toàn trái ngược với thái độ của người chủ nợ đối với hắn. Cũng một lời van xin, nhưng hắn không hề nhớ tới điều hắn đã được hưởng. Người mắc nợ hắn đã bị tống giam vào ngục cho đến khi trả nợ xong. Chủ nợ của hắn buộc lòng phải đối xử với hắn như hắn đã đối xử với bạn hắn. Có điều một trăm đồng bạc thì còn có khả năng trả được, chứ mười ngàn nén vàng thì vô phương cứu chữa. Người đầy tớ không phải chỉ là một kẻ vụng tính mà còn là một con người độc ác, không có được một chút tình thương đối với người bạn của mình.

Trong kinh Lạy Cha chúng ta vốn đọc hằng ngày: Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Phải chăng đó chính là lời Chúa mời gọi chúng ta hãy biết sống khoan dung và nhân ái đối với những người chung quanh để rồi chúng ta sẽ được hưởng nhờ lòng khoan dung và nhân ái của Chúa.

 

18. Tha thứ thật thà - Huệ Minh

Tin Mừng Mt 18, 21-35: Trang Tin Mừng hôm nay phải nói rằng đúng là: Trong cuộc đời của mỗi ngày chúng ta hai chữ thôi!  Nhưng rất khó làm đó là: Hai chữ tha thứ...

***

Kính thưa Cộng Đoàn

Phải nói rằng, ngày hôm nay, như ngôn ngữ của tuổi teen là chơi game gài. Trang Tin Mừng hôm nay phải nói rằng đúng là: Trong cuộc đời của mỗi ngày chúng ta hai chữ thôi! Nhưng rất khó làm đó là:

Hai chữ gì?

- Hai chữ tha thứ. Bởi vì, một người nào đó mà xúc phạm đến mình: vợ xúc phạm chồng, chồng xúc phạm vợ, khó tha thứ! Nó chỉ là lý thuyết thôi.

Bạn bè hay hàng xóm xúc phạm đến mình, mình còn tha thứ được, nhưng mà còn với người ruột thịt hay người thân mà xúc phạm thì khó lắm! “Thương nhau lắm, cắn nhau đau” mà! Bởi vì, tha thứ không phải đơn giản.

Người ta vẫn thường đi theo cái lối sống công bằng. Công bằng thôi! Ai mà vi phạm tới mình, thì mình trả thù.

Còn nếu mà trong cuộc sống mà cái sự ganh đua nó càng mạnh, thì cái sự tha thứ nó càng khó! Bởi vì không ai chấp nhận sự tha thứ, nhưng mà sự tha thứ đó sẽ làm cho con người được sự bình an.

Nếu như không tha thứ, thì người đó, đánh mất căn tính người Kitô hữu của mình. Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côlôxê, ngài nhắc nhở chúng ta: Anh em hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau. Như Đức Kitô đã tha thứ cho anh em, thì anh em hãy tha thứ cho nhau.

Nếu ai nào đó không tha thứ, thì không còn là mang trong mình căn tính của người Kitô hữu nữa.

Chúng ta thấy bài học của sự tha thứ nơi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không những nói nhưng Chúa Giêsu đã làm gương cho sự tha thứ.

Trên đỉnh đồi Canvê, không còn nỗi nhục nào bằng cái nỗi nhục nào! Không còn đòn roi nào kể xiết. Sự đau đớn mà người ta đánh cho một thân mình tội lỗi. Một thân mình đau đớn.

Đau quá! Đau Thể xác thì ít, mà đau phần hồn thì nhiều. Bởi vì, chính những con người mà mình làm phép lạ, chính những con người mình trao ơn cho họ, hóa bánh ra nhiều nuôi họ, lại là những người: Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào thập giá đi!

Chúng ta thấy, Chúa Giêsu ở trong Tin Mừng thánh Máccô đã dạy cho chúng ta về sự tha thứ, về sự hòa giải:

- Nếu anh em chuẩn bị đi đến mà dâng lễ vật, mà có sự bất bình với ai đó, thì hãy tha thứ đi.

Ở chương 5 thì thánh Maccô cũng dạy: - Anh em nếu có sự bất bình thì đi làm hòa đi!

Cái bầu khí mà hòa bình, tha thứ đó! Chúa Giêsu không chỉ rao giảng, mà Ngài thực hiện.

Còn nhớ đến Tin Mừng theo Thánh Mátthêu: - Tha cho anh em, thầy bảo anh em tha cho anh em.

Và ở chương 18 này, Chúa Giêsu nói: - Anh em hãy tha thứ.

Khi mà thánh Phêrô đã đưa ra vấn nạn tha thứ: “Cha thầy ở trên trời sẽ đối xử với anh em như là, anh em đối xử với người khác”.

Và nếu xét cho bằng cùng, tha thứ chính là tiêu chuẩn cần thiết, để được vào thiên đàng.

Bởi vì, nếu không tha thứ mà còn giận hờn có nghĩa là không yêu thương nhau. Mà không yêu thương nhau, thì làm sao sở hữu được nước thiên đàng.

Và điều này, thánh Phêrô, chúng ta cho thấy, một người xem ra rất là phóng khoáng. Con số 7 là con số tròn đầy của người Do Thái. Và thánh Phêrô rất là mạnh miệng: Con tha thứ 7 lần rồi!

7 lần là kinh khủng lắm! Nhưng mà, chúng ta thấy, Chúa Giêsu không chỉ 7 lần, mà là 70 lần 7.

Trên thánh giá người ta chế giễu mình, nhục mạ mình. Nhưng rồi: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”

Tha thứ có khi không phải chỉ là cái hành động nhất thời, nhưng mà phải là tha thứ mỗi ngày. Mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm và cái tiến trình tha thứ đó, nó phải được kéo dài trong cuộc đời của ta.

Mà nhiều lần, nhiều lúc trong cuộc đời, có khi, có người này, có người kia từ chối và khước từ sự tha thứ. Bởi vì, họ nghĩ rằng người khác sai và đáng trừng phạt như thế là do lỗi của họ.

Và có những người đặt mình ở chiếu trên, có quyền tha thứ, nhưng người kia không đáng được tha thứ, để rồi họ không tha thứ cho nhau.

Có những người có khả năng xin được tha thứ, nhưng người khác lại không tha, từ chối trách nhiệm không tha. Và khi đó người đó mặt lấy tâm tình của một con người kiêu ngạo.

- Làm trai phải đáng nên trai. Thực sự ra, có những con người đàn ông làm biếng và yếu nhược, nhưng rồi tự cao tự đại và không bao giờ cho mình sai. Và sau một thời gian sống, họ nhận ra sự thật. Và khi đó, họ cảm thấy con người họ thiếu sót và họ lại dễ tha thứ cho người khác. Còn nếu, họ nghĩ, họ là người chủ trong gia đình và họ sống theo kiểu “Chồng chúa, vợ tôi”, thì cái sự tha thứ đó rất khó.

Tha thứ cho vợ chồng, con cái, cha mẹ không phải dễ đâu!

Khi chúng ta muốn tha thứ, thì chúng ta phải xin cái ơn khiêm nhường. Để rồi, chúng ta thấy, chúng ta cũng là những con người tội lỗi, cũng là những con người yếu đuối, để xin cho chúng ta được khiêm nhường.

Và rồi, chúng ta, cái chuyện quan trọng nhất đó là:

Chúng ta phải đi làm hòa với nhau. Mà, Chúa mời gọi đó: “ Hãy đi làm hòa và hòa giải vô điều kiện.”

Gia đình nào cũng có nỗi khổ riêng.Gia đình nào cũng có những cái riêng của mình. Để rồi, không phải dễ, để mà tha thứ cho nhau.

Nhưng rồi, chúng ta thấy: Nếu chúng ta tha thứ cho anh chị em đồng loại, chúng ta sẽ đón nhận được sự bình an.

Và rất khó tha thứ, bởi vì chúng ta cứ phải bắt lỗi người này, người khác. Đừng bao giờ kể lỗi của người khác, thì chúng ta sẽ được tha thứ, và chúng ta tha thứ dễ dàng.

Chúng ta còn nhớ đến hình ảnh của Gia Kêu, Gia Kêu trèo lên cây sung và lòng chạm lòng mắt chạm mắt. Gia kêu đã thấy Chúa Giêsu và Chúa Giêsu không hề hạch tội. Tha thứ là tha thứ cho đến tận cùng. Và chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã tha thứ cho Gia Kêu đến tận cùng, khi không kết án ông. Dẫu rằng, người ta vẫn dán nhãn cho ông là một người thu thuế đầy tội lỗi.

Trong Kinh Hòa Bình, chúng ta thấy, lời Kinh Hòa Bình rất là hay:

Lạy CHÚA, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù. Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp... vì chính khi thứ tha, là khi được tha thứ.

Đó là hai vế của một phần mệnh đề: Nếu chúng ta tha thứ cho anh chị em đồng loại chúng ta, thì chúng ta cũng được tha thứ từ Chúa Giêsu. Bởi vì: Con người là lầm lỗi, lầm lỗi là con người.

Tha thứ là thần thánh, thần thánh là tha thứ.

Khi chúng ta mặc lấy con người yếu đuối, chìm trong cái con người, thì chúng ta không bao giờ nhận ra được lỗi của mình và khó tha thứ cho người khác. Còn khi chúng ta nhận ra yếu đuối của mình, để chúng ta tha thứ cho người khác, thì cái tiến trình làm thánh nó gần hơn con người của chúng ta. Con người mang trong mình căn tính là thánh thì dễ tha thứ cho người khác lắm. Còn nếu mình là con người thì mình sẽ không bao giờ chịu tha thứ cho người khác.

Tôi nói rằng tôi không tha họ, bởi vì tôi kiêu ngạo. Tôi nói rằng tôi không tha họ, bởi vì tôi thành toàn, tôi đạo đức hơn người khác.

Và nói tới đây, con nhớ đến một câu nói rất hay:

- Người đầu tiên biết xin lỗi là người dũng cảm nhất.

- Người đầu tiên biết tha thứ là người mạnh mẽ nhất.

- Người biết quên đi quá khứ đau buồn, đó là người hạnh phúc nhất.

Cầu chúc cho mỗi người chúng ta đặt mình trước mặt Chúa như Chúa Giêsu đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta, thì chúng ta phải yêu thương và tha thứ cho anh chị em đồng loại. Đặc biệt, người biết quên đi quá khứ đau buồn, là người hạnh phúc nhất!

Cầu chúc cho mỗi người chúng ta là người hạnh phúc nhất! Bởi vì, chúng ta sẵn sàng, chúng ta quên đi những cái quá khứ đau buồn trong cuộc đời của chúng ta. Amen.

 

19. Phải tha thứ – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

Gandhi nói: “Nếu áp dụng luật mắt đền mắt, thế giới sẽ chỉ toàn người mù”. Sẽ không thể sống được nếu thiếu sự tha thứ. Tha thứ cần thiết cho con người như khí trời. Kể dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu cho ta thấy tính cách cần thiết và cấp thiết của tha thứ.

Phải tha thứ vì con người là bất toàn. Có những xúc phạm cố ý. Nhưng rất nhiều khi xúc phạm chỉ là vô tình, thiếu ý thức. Chỉ cần một chút cảm thông, hiểu biết, tôi sẽ dễ bỏ qua, không chấp nhất. Nếu cứ mỗi lần bị xúc phạm tôi không thể nào nguôi ngoai thì chính tôi là người khổ nhất, vì tâm hồn mang nặng oán hờn sẽ không bao giờ bình an. Nếu tôi loại trừ tất cả những ai xúc phạm, thì sau cùng tôi sẽ chẳng còn sống với ai được. Tôi sẽ mất hết bạn bè. Thế giới sẽ chỉ toàn kẻ thù. Và tôi sẽ trở thành cô đơn.

Phải tha thứ vì chính ta cần được thứ tha. Tôi cần sự tha thứ của chính mình vì bản thân tôi có biết bao lầm lỗi. Nếu tôi không tự tha thứ cho mình thì lương tâm sẽ cắn rứt dày vò khiến tôi suốt đời buồn phiền. Tôi cần sự tha thứ của người khác vì tôi đã xúc phạm nhiều đến anh em. Nếu mọi người không tha thứ cho tôi thì tôi đã bị khai trừ khỏi xã hội. Tôi cần sự tha thứ của Chúa vì tôi đã lỗi phạm đến Chúa rất nhiều. Nếu Chúa thẳng tay trừng phạt những tội xúc phạm đến Người thì tôi đã chết từ lâu. Biết bản thân mình yếu đuối, nhiều lỗi lầm, cần được tha thứ, tôi sẽ dễ cảm thông tha thứ cho anh em.

Phải tha thứ vì đó là điều kiện để được thứ tha. Trong Tin Mừng, Chúa nhấn mạnh điều này rất nhiều lần. Khi dạy ta đọc kinh Lạy Cha, Chúa bắt ta phải hứa tha thứ cho anh em khi xin Người tha thứ lỗi lầm của ta. Ở cuối kinh Lạy Cha, thánh Matthêu còn thêm: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,14-15).

Dụ ngôn hôm nay không những nhắc lại điều đó, mà còn cho thấy, tội ta xúc phạm đến Chúa muôn ngàn lần nặng nề hơn anh em xúc phạm đến ta. Thế mà Chúa vẫn sẵn sàng tha thứ cho ta một cách mau chóng, nhẹ nhàng, chỉ với một điều kiện là ta cũng phải tha cho anh em những lỗi lầm ít ỏi anh em xúc phạm đến ta.

Sau cùng ta cần tha thứ để trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là người Cha rất nhân từ và rất hay tha thứ. Chúa Giêsu đã khắc họa rất rõ nét chân dung nhân từ của Thiên Chúa Cha trong dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”. Và Người không ngừng mời gọi ta hãy nên hoàn thiện như Chúa Cha.

Chúa Giêsu xuống trần gian cho ta được chiêm ngưỡng khuôn mặt hiền hậu nhân từ hay tha thứ của Chúa Cha. Suốt cuộc đời trần thế, Người không ngừng tha thứ cho kẻ tội lỗi. Nhất là những kẻ đã xúc phạm đến Người. Còn cảnh tượng nào đẹp hơn cảnh tượng Người bị treo trên thập giá mà trái tim vẫn mở rộng yêu thương tha thứ. Còn lời nào đẹp hơn lời Người cầu nguyện trong lúc đau đớn tột cùng mà vẫn nhớ đến người khác, không phải nhớ đến người làm ơn mà là nhớ đến những người xúc phạm, làm hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Và khi từ cõi chết sống lại, Người đã tha thứ cho Phêrô dù môn đệ thân tín này đã chối Người. Người đã tha thứ cho các môn đệ dù các ông đã bỏ mặc Người trong lúc gian nan.

Sự tha thứ làm nên vẻ đẹp của tâm hồn con người. Vẻ đẹp tự chế. Vẻ đẹp khoan dung. Vẻ đẹp của tâm hồn vượt lên trên chính mình. Vẻ đẹp đề cao giá trị con người.

Sự tha thứ làm nên vẻ đẹp của thế giới. Một thế giới cảm thông, chan hòa. Một thế giới chứa chan tình huynh đệ. Một thế giới mang vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa.

Lạy Chúa xin thương xót chúng con.

 

20. Hãy tha thứ vì ta cần được Chúa tha thứ

(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày câu hỏi nổi tiếng của Phêrô dành cho Thày Giêsu: “Lạy Thày, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bẩy lần không?” (Mt 18, 21). Ông hỏi Chúa Giêsu như thế vì ông tự nghĩ rằng: Theo các Thầy dạy luật, các Rabbi, thì những người công chính nên tha thứ cho những người xúc phạm tới mình 3 lần, sự bất quá tam. Đến lần thứ IV thì không buộc phải tha thứ cho họ nữa! Do đó, ông tự nghĩ: Tha cho anh em đến bẩy lần là điều quá sức, quá quảng đại và đã chứng tỏ rằng mình thực thi như thế là anh hùng và đáng Chúa khen ngợi rồi!

Thế nhưng, câu trả lời của Chúa làm cho ông chưng hửng, cảm thấy hổ thẹn khi so sánh đề nghị của ông với sự đòi hỏi của Chúa thì thấy mình còn quá xa sự trọn lành, xa đòi hỏi của Tin Mừng, Chúa trả lời: “Thầy không bảo con phải tha đến bẩy lần, nhưng đến bẩy mươi lần bẩy” (Mt 18, 22)

Để giải thích cho Phêrô tại sao cần phải luôn tha thứ, Đức Giêsu kể lại dụ ngôn những kẻ mắc nợ. Người đầu tiên được ông chủ tha hết nợ mặc dầu anh nợ ông chủ một số tiền lớn. Nhưng chính anh chỉ sau đó ít lâu lại không biết thương xót và tha cho người khác là kẻ chỉ mắc nợ anh một số tiền nhỏ.

Chúa Giêsu tuyên bố: “Cha Ta trên trời sẽ xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18, 35).

Tha thứ là một hành vi nghiêm chỉnh, nếu có thể thì rất khó đối với con người nhưng không phải không làm được. Tha thứ cho người khác vì lợi ích của chính ta, chính ta được tha thứ, điều ấy sẽ làm ta hạnh phúc hơn. Người ta không thể nói về sự tha thứ cách nông nổi, khi yêu cầu người bị xúc phạm tha thứ cho người đã xúc phạm đến mình. Các tôn giáo đều dạy sự tha thứ. Tha thứ là điều khó khăn nhất nhưng cũng là điều cao cả nhất. Tha thứ để làm cho oán tiêu tan, để phá vỡ cái vòng oan nghiệt trói buộc con người. Đức Phật cũng đã để lại một châm ngôn “Không phải với sự oán giận mà sự oán giận được xoa dịu; với sự không oán giận, sự oán giận mới được xoa dịu”. Tha thứ trong Kitô giáo vượt xa sự không bạo tàn và sự không oán hận. Kitô giáo mời gọi tha thứ vì một lý do khác: “Ngươi này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao?”(Sir 27, ). Tôi phải tha thứ cho anh em tôi vì Chúa đã liên tục tha thứ cho tôi. Ðời tôi là một chuỗi những vấp ngã, được đan kết với bao thứ tha. Ơn tha thứ như dòng suối chảy vào đời tôi, nếu bị ngăn lại, nó sẽ thành ao tù, nó chỉ trong lành khi được chảy đến tha nhân. Tha thứ một cách phi thường và hồn nhiên, đó là thái độ của người thấm nhuần Kitô giáo.

Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta cầu nguyện: “Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Đây là một phương trình phải luôn đi đôi với nhau. Nếu bạn không thể tha thứ, thì làm sao Thiên Chúa có thể tha thứ cho bạn? Ngài muốn tha thứ cho bạn, nhưng nếu bạn đóng cửa lòng, thì lòng thương xót không thể bước vào. Có người sẽ hỏi rằng: ‘Thưa cha, con tha thứ nhưng con chẳng thể quên được điều tồi tệ mà người đó làm cho con…’. Đây lại là một vấn đề khác. ‘Hãy khẩn cầu Thiên Chúa để Ngài giúp bạn quên điều đó đi.’ Thật vậy, người ta có thể tha thứ nhưng để quên đi lỗi lầm thì không luôn luôn thành công. Đôi khi chúng ta nói rằng tôi tha thứ cho bạn nhưng thật ra ý tôi là muốn bắt đền bạn; bạn phải trả giá. Tha thứ kiểu này thật sự không được. Hãy tha thứ như Thiên Chúa tha thứ: đó là tha thứ đến tận cùng.

Ước gì mỗi người chúng ta, để đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa. Nhận lãnh sự tha thứ và rồi chúng ta cũng phải tha thứ cho người khác nữa - tha thứ thật lòng. Có lẽ bạn sẽ không bao giờ chào tôi khi gặp nhau trên đường nữa, nhưng tự thâm tâm tôi đã tha thứ cho bạn rồi. Và như thế chúng ta xích lại gần điều vĩ đại của Thiên Chúa, đó chính là lòng thương xót. Khi tha thứ, chúng ta mở tâm hồn ra để lòng thương xót của Thiên Chúa đi vào và tha thứ cho chúng ta, vì tất cả chúng ta đều cần phải khẩn nài sự tha thứ. Tha thứ và rồi chúng ta sẽ được thứ tha. Chúng ta hãy có lòng thương xót người khác, và chúng ta sẽ cảm nhận được lòng thương xót đó nơi Thiên Chúa, là Đấng một khi đã tha thứ thì hoàn toàn quên hết lỗi lầm của chúng ta.

Lạy Thiên Chúa là Đấng Xót Thương và hay tha thứ, xin dạy con bài học nhân ái, độ lượng và thứ tha, để con không giữ lòng hiềm thù, oán hờn và ghen ghét bất cứ ai đã xúc phạm, gây ra đau khổ cho con, xin giúp con luôn tha thứ cho mọi người vô tình hay hữu ý xúc phạm tới con. Amen.

 

21. Một Tin Mừng khó giữ – Achille Degeest.

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)

Sau lúc đem ra một số lời giáo huấn về đời sống cộng đồng, Chúa đã nhấn mạnh đến bổn phận tha thứ. Bài Phúc âm tự nó đã rõ ràng. Tuy thế cũng cần phải nói rõ thêm một vài điều. Ta biết rằng danh từ “bảy mươi bảy lần” của Phúc âm có nghĩa là vô cùng. Hơn nữa còn phải đọc thêm dụ ngôn người đầy tớ tàn nhẫn để tìm ra bài học chính yếu mà Chúa Giêsu muốn dạy ta, mà không dừng lại ở các chi thiết của câu chuyện để tìm cho cái chi tiết ấy một ý nghĩa. Bài học chính yếu để sự tha thứ của loài người liên quan với sự tha thứ của Thiên Chúa. Các chi tiết của câu chuyện tả lại cho chúng ta một khía cạnh của triều đình Đông phương vào thời Chúa Kitô, nhất là những gì liên quan đến quyền tùy nghi quyết định của nhà vua trên thường dân. Chúa Giêsu đi từ một sự thực có sẵn trong óc của mọi người để xây dựng câu chuyện và rút ra một bài học: Chúa Cha ở trên trời sẽ hành động giống như ta suy nghĩ và hành động với các anh chị em khác. Lúc suy nghĩ về sự tha thứ Phúc âm, ta thấy Thiên Chúa có tham vọng nâng chúng ta lên ngang hàng với sự cao cả riêng Ngài. Sau đây là một vài điểm dùng làm mốc để suy nghĩ.

1) Không nên giam hãm một ai trong sự xúc phạm đã qua. Khi chúng ta phải tha thứ, thì thường là liên quan đến một sự xúc phạm nằm trong quá khứ. Nhưng kẻ xúc phạm, tác giả của sự xúc phạm, đang sống trong hiện tại. Con người ấy trong giây phút hiện tại không cùng là một con người như lúc xúc phạm nữa. Do đó chúng ta phải nhìn người ấy một cách khác. Tha thứ là chấp nhận kẻ khác như họ đang sống bay giờ, chứ không phải là xua đuổi họ, như họ đã đối xử trong quá khứ.

2) Người ta sẽ bảo rằng: nếu kẻ ấy lại quay làm thiệt hại ta như trước, nếu kẻ ấy tái phạm ta phải đối xử như thế nào? Phúc âm trả lời: vẫn tha thứ. Điều này không có nghĩa là ta khỏi phải đề phòng. Tuy nhiên Phúc âm cấm ta không được làm hại họ, hơn nữa lòng ta còn phải đi xa tới chỗ lấy ân đền oán. Có lẽ sẽ bảo là muốn làm được như thế phải có chí anh hùng. Thiên Chúa đã hành động với chúng ta như thế nào? Chúng ta là những người có tội hay sa đi ngã lại mà Thiên Chúa vẫn luôn luôn tha thứ khi có dấu hiệu mảy may là chúng ta hối cải. Thiên Chúa không ngớt mong muốn điều lành cho chúng ta.

3) Người ta thường nói: tha thứ thì được mà bỏ quên thì không. Sự tha thứ mới là đối tượng của giới răn chứ đâu phải là sự bỏ quên. Bỏ quên lỗi của kẻ khác nằm ngoài quyền hạn của ý chí và phải chăng đó là điều đáng mong ước? Khi chúng ta nhớ lại một ân huệ đã lãnh nhận, chúng ta có thể lợi dụng đó để khơi dậy lòng biết ơn và đó là điều rất tốt. Khi nhớ lại một sự thiệt thòi đã chịu, chúng ta lợi dụng đó để tha thứ một lần nữa và làm cho sự tha thứ càng lớn mạnh. Trong cả hai trường hợp trí nhớ có thể giúp chúng ta làm điều thiện. Khả năng nhớ lại đặt chúng ta gần với tư tưởng của Chúa vì Người thu gọn tất cả quá khứ của thế giới trong cái hiện tại vĩnh viễn nhưng là để yêu mến.

4) Sự tha thứ mà Phúc âm đề xướng là một món quà cho không, ngay cả với những người không xứng đáng. Điều này cũng có nghĩa là phải cầu nguyện, để kêu cầu ơn Chúa là sức mạnh phi thường và linh thiêng khiến lòng người có khả năng lướt thắng chính mình, đến nỗi thực hiện được những công việc quá sức loài người.

 

22. Tha thứ là được thứ tha

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Liền sau Thế chiến thứ hai chấm dứt, bà Corrie-Ten-Boom, với những vết thẹo trên thân thể, tàn tích của những khổ hình mà bà phải chịu trong trại tập trung Đức Quốc Xã, đã dấn thân đi khắp các nước Âu Châu để rao giảng sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình. Bà rao giảng sứ điệp tha thứ với niềm xác tín là chính mình đã thực sự tha thứ cho tất cả những ai đã hành khổ bà trong trại tập trung.

Nhưng vào trong một ngày Chúa Nhật kia, sau khi đã kêu gọi mọi người tha thứ cho nhau trong nhà thờ của thành phố Munich, ở Đức, bước ra ngoài, bà Corrie-Ten-Boom bất ngờ đối diện với một gương mặt quen thuộc, đó là dung mạo của người lính đã hành khổ bà và hàng ngàn nữ tù nhân khác trong trại tập trung Đức Quốc Xã. Những tiếng than khóc, những cảnh tra tấn phút chốc xuất hiện trong tâm trí bà. Những tiếng kêu trả thù nổi dậy mạnh mẽ trong tâm trí bà. Người đàn ông tiến lại gần khiêm tốn đưa tay ra vừa muốn bắt lấy tay bà vừa nói: “Thưa bà, tốt rất cảm ơn những lời đẹp đẽ bà đã kêu gọi cho sự tha thứ, xin bà tha thứ cho tôi”.

Lúc đó, bà Corrie-Ten-Boom như chết điếng người, vì trước đây nhiều lần bà đã cầu nguyện và đã nhất quyết với Chúa là đã tha thứ thật sự cho kẻ hành khổ mình, nhưng giờ đây phải đối diện với một người cụ thể đã từng tra tấn mình, bà Corrie-Ten-Boom đứng lặng im, hai bàn tay không thể nào đưa ra bắt lấy đôi tay của người đến xin bà tha thứ.

Sau này, vào năm 1971, khi kể lại biến cố trong tập sách có tựa đề: “Nơi ẩn trốn”, bà Corrie-Ten-Boom đã cho biết như sau: “Trong giây phút thinh lặng đó, tôi đã cố gắng dâng lên Chúa một lời cầu nguyện thầm: “Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho người đã hành khổ con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để con có thể tha thứ như Chúa”. Và chính trong lúc đó, bà đã hiểu là con người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi nhìn nhận tình thương yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến,

* Tại sao phải tha thứ cho nhau?

Không phải chỉ bây giờ chúng ta mới đặt ra câu hỏi này. Khi Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng của tình thương và sự tha thứ, thì các môn đệ cũng đã đặt ra câu hỏi tương tự như vậy.

* Tại sao phải tha thứ và tha thứ bao nhiêu lần?

Dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay đã trả lời cho câu hỏi chúng ta vừa đặt ra: Tại sao phải tha thứ và phải tha thứ bao nhiêu lần? – Chúng ta phải tha thứ cho nhau, vì Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Chúng ta cần tha thứ luôn luôn cho anh em, vì Thiên Chúa luôn luôn tha thứ cho chúng ta.

Như thế, tha thứ là sống noi gương Thiên Chúa Cha, Đấng đầy lòng nhân từ và giàu lòng thương xót. Tình thương tha thứ là một phát minh tuyệt vời của Thiên Chúa để giúp con người sống hiệp thông với Ngài và hiệp thông với nhau, để xây dựng tốt đẹp cộng đoàn xã hội.

Nếu như từ đầu, khi con người phạm tội xa cách Ngài mà Thiên Chúa đã không có biện pháp tha thứ, thì chắc chắn sẽ không có tương lai gì tốt đẹp cho con người, nhưng kể từ giây phút có sáng kiến thực hiện chương trình tha thứ cho con người, thì từ giây phút đó nhân loại có thể hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, nếu nhân loại biết vâng phục lắng nghe lời dạy của Ngài mà tha thứ cho nhau.

Vậy mỗi lần ta tha thứ cho anh chị em là mỗi lần ta để tâm hồn mình hòa điệu với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng nhân từ và hay tha thứ. Mỗi lần ta tha thứ cho anh chị em là mỗi lần ta thoát ra khỏi cảnh nô lệ cho những giới hạn ích kỷ của con tim mình, để hòa mình với những tâm tình yêu thương tha thứ vô biên của Thiên Chúa.

Trong câu chuyện dụ ngôn, Chúa cho thấy món nợ của con người với Chúa thật to lớn, đời đời không trả được. Nhưng Chúa là tình yêu, Ngài sẵn sàng tha thứ tất cả. Còn món nợ giữa con người với tha nhân tương đối nhỏ, có thể hoàn trả được, thế nhưng con người không biết chờ đợi, không biết yêu, nên không tha thứ cho nhau được.

Con người không biết tha thứ cho anh em, đối xử với anh em tàn tệ là tự chuốc lấy cho mình cơn thịnh nộ của Thiên Chúa: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì người đã van xin ta; con ngươi, sao không chịu thương hại bạn ngươi như ta đã thương hại ngươi?”và Chúa kết luận: “Vậy Cha Ta trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu anh em không hết lòng tha thứ cho nhau”. Như thế, từ chối tha thứ cho anh em là ngăn chặn ơn tha thứ đang dào dạt tuôn chảy vào tâm hồn mình vậy. “Vì chính khi thứ tha là khi chúng ta được Thiên Chúa tha thứ”.

Thưa anh chị em,

Trong đời sống thực tế, muốn biết thật lòng tha thứ thì hãy biết quên đi những lỗi lầm của anh em. Đừng nhắc đi nhắc lại, đừng nhớ dai, đừng tích chứa trong lòng. Chuyện ngày xửa ngày xưa, ba bốn đời… khi vui, thuận vợ thuận chồng, thì không nói, khi không bằng lòng nhau thì lôi chuyện cũ xào nấu lại làm cho nhau đau khổ. Còn Chúa, đã tha thứ thì Ngài tha luôn, vì “nếu Chúa tôi nhớ hoài tội lỗi, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 129).

Chúng ta hãy cầu nguyện như Bà Corrie-Ten-Boom khi thấy mình không thể tha thứ được: “Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ được cho anh em con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để con có thể tha thứ như Chúa”. Amen.

 

23. Chính khi thứ tha là khi được tha thứ – Anmai

Trang Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe tiếp liền với ý nghĩa của trang tin mừng Chúa nhật 23 thường niên tuần trước. Tuần trước, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta một cách hết sức tế nhị khi sửa lỗi với anh chị em đồng loại. Hôm nay, Chúa mời gọi mỗi người chúng ta tha thứ cho anh chị em đồng loại nếu như anh chị em đồng loại xúc phạm đến chúng ta.

Thánh Phêrô vốn dĩ là một con người mang trong mình dòng máu nóng, tính bộc trực nên vừa khi nghe nói vấn đề gì đó Ngài không chịu suy xét, Ngài không trầm lắng đủ để giải quyết vấn đề. Ruột của Ngài thẳng như ruột ngựa vậy, bụng nghĩ sao là nói vậy ngay chứ không hề suy tính thiệt hơn. Nói về việc anh em đồng loại xúc phạm đến mình, Ngài rất hào phóng, rất rộng rãi. Tha một lần đã là quá đáng lắm rồi, theo như cách suy nghĩ của nhiều người. Ngài hào phóng, Ngài nói với Chúa Giêsu là Ngài tha bảy lần tưởng chừng là được Thầy Giêsu khen nhưng đáng tiếc Thầy Giêsu đã nói với Ngài không phải là tha bảy lần nhưng lại là bảy mươi lần bảy. Bảy mươi bảy lần: có bản ghi là 77 lần 7, trong câu trả lời này, Chúa Giêsu đã đưa vào bài ca báo thù của Lamek nơi sách sáng thế 4,24 "Cain được báo thù gấp 7, nhưng Lamek tới 70 lần 7". Nhưng thay vì nói báo thù thì Chúa Giêsu lại nói tha thứ. Cả hai cách nói đều có ý nói số lần là vô hạn vì thế ở đây Chúa dạy là phải tha thứ luôn.

Luật xưa dạy người ta mắt đền mắt răng đền răng nhưng Chúa Giêsu đến Chúa Giêsu đã sửa luật cũ đó. Sự tha thứ cho đồng loại để được Chúa nghe lời cầu xin được đề cao. Chúng ta được sinh ra và sống thời Tân Ước - thời của Chúa Giêsu - khác với những gì Cựu Ước đã dạy nhưng lòng chúng ta cứ xử với anh chị em đồng loại như thời Cựu Ước vậy. Chúng ta vẫn mang trong mình cái máu đòi nợ máu của anh chị em đồng loại khi anh chị em đồng loại xúc phạm đến chúng ta.

Một câu chuyện có thật, nó mang đầy tính nhân đạo, đầy tình người trong phòng xử án của Tòa Án Nhân Dân Thành phố HCM: Người đàn ông khoảng hơn 70 tuổi, mái tóc bạc trắng, lững thững bước lại chiếc bàn dành cho đại diện hợp pháp của người bị hại. Đưa ánh mắt đau xót, khắc khoải nhìn bị cáo đang cúi gằm mặt trước vành móng ngựa một hồi lâu, rồi ông cất giọng chậm rãi: "Ngày con tôi chết, tôi bồng con trên tay, điếng người". Cả phòng xử im lặng lắng nghe. Không gian như ngưng đọng. Tôi có cảm giác phạm nhân đang gồng mình chờ đợi, một cách cam chịu, những lời lẽ trách cứ đầy oán giận từ người nhà nạn nhân. Hít một hơi thở thật sâu, cha của nạn nhân khó nhọc nói tiếp: "Hôm nay tôi đến đây để xin tha tội chết cho kẻ đã giết con tôi. Tôi không muốn có thêm một người cha, người mẹ phải đau khổ khi chứng kiến cái chết của con mình". Nhiều tiếng thì thầm từ phía bạn bè, người thân của phạm nhân. Họ đang hy vọng.

Cách nay không lâu, Tòa Án Nhân Dân Thành phố HCM đã đưa vụ án giết người của kẻ thủ ác ra xét xử sơ thẩm. Lần ấy, Phạm nhân bị tuyên án tử hình. Mẹ phạm nhâà nội ngất lịm, tưởng như có thể chết cùng đứa con trai duy nhất. Bạn bè phạm nhân khóc vì thương người bạn hiền lành, tốt bụng, tài năng. Còn 15 ngày kháng cáo, họ chạy ngược xuôi mong tìm kiếm những tình tiết có thể xin giảm nhẹ hình phạt cho phạm nhân. Bản thân phạm nhân, nghĩ đến ngày phải vĩnh viễn ra đi khi nhiều mơ ước vẫn chưa thực hiện bỗng thấy yêu da diết cuộc sống. Phạm nhân làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Đứng trước Tòa Phúc thẩm Tối cao, phạm nhân không nói gì nhiều để biện minh cho hành vi tàn nhẫn của mình. Lời nói sau cùng, phạm nhân xin lỗi gia đình nạn nhân, cám ơn những người đã vì phạm nhân mà chịu nhiều đau khổ, vất vả. Trong trường hợp không được khoan hồng, phạm nhân xin hiến toàn bộ nội tạng cho ngành y và bộ xương cho Trường Đại Học Mỹ thuật Thành phố HCM. Nghe phạm nhân nói, nhiều người bạn của phạm nhân đã bật khóc. Cuối cùng, phạm nhân đã trở về con người thật của mình. Yêu nghề, yêu trường và sống vì người khác.

Tâm sự với tôi, cha của nạn nhân nói: "Vì tình thương yêu đối với con, tôi không bao giờ tha thứ cho kẻ đã giết con gái mình. Con tôi chết, bao nhiêu tiền bồi thường cũng không thể trả lại mạng sống cho nó, huống chi số tiền gia đình phạm nhân đưa không đủ để tôi nuôi con tôi học trong một năm. Nhưng một lần nói chuyện với mẹ phạm nhân qua điện thoại, bà ấy nói: "Không có người mẹ nào có thể chịu được hình ảnh người ta cột con mình vào một cái cây để bắn. Như thế, thà tôi chết trước còn hơn". Vậy là tôi quyết định, dù điều đó thật không dễ với tình cảm của tôi cùng sự phản đối quyết liệt của gia đình". Để có thể dự phiên tòa hôm nay, từ 3 giờ sáng, ông phải một mình đi xe máy từ miền quê nghèo miền sông nước lên Thành phố HCM. Tôi bảo, ông có thể viết một lá đơn xin miễn tội chết cho phạm nhân đến tòa vẫn được. Ông lắc đầu: "Giúp người phải giúp cho trót. Tôi phải lên đây nói cho rõ, may ra Hội đồng Xét xử mới tin mà xem xét cho nó. Mong là nó biết hối lỗi, biết thương mẹ mà sống có ích".

Cuối cùng, Hội đồng Xét xử cũng chấp nhận kháng cáo của phạm nhân, tuyên phạt án chung thân. Phạm nhân sẽ tiếp tục được sống để sửa chữa sai lầm và để có cơ hội cống hiến tài năng của mình cho nghệ thuật. Nghe xong bản án, cha của nạn nhân vội vã ra bãi gửi xe. Trước mắt ông là quãng đường về nhà dài dằng dặc cùng nỗi đau mất con không dễ nguôi ngoai dù thời gian có trôi qua...

Câu chuyện thật giữa đời thường và hết sức thường này gợi lên cho chúng ta về lòng bao dung, về tình người, về lòng nhân đạo, về sự tha thứ... Người cha trong câu chuyện này ắt hẳn là người không phải là người Công giáo nhưng ông mang trong mình tâm tư của người Công giáo và ông đã sống theo lời Chúa Giêsu dạy dù ông không biết Chúa Giêsu là ai. Người cha trong câu chuyện này đã sống tột đỉnh của lòng bao dung của sự tha thứ. Ông cũng không ngại bộc bạch rằng sự tha thứ ấy không dễ chút nào với tình cảm của ông cũng như sự phản đối quyết liệt của gia đình về quyết định tha thứ của ông. Sự tha thứ của ông tưởng chừng như đơn giản nhưng thử hỏi mỗi người chúng ta khi đứng vào vị thế của ông, chúng ta dẫu là người Công giáo, thấm nhuần lời giáo huấà nội của Chúa chúng ta có can đảm tha thứ cho kẻ đã giết đứa con thân yêu của chúng ta không? Hay là chúng ta đòi người khác phải đền nợ máu cho chúng ta, người khác phải trả cho chúng ta đến đồng xu cuối cùng.

Trở lại với trang tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu phải nói là người có biệt tài về dùng ví dụ cũng như phóng đại tính chất nghiêm trọng trong ví dụ của mình. Dừng lại một chút chúng ta sẽ thấy khập khiễng làm sao ấy giữa hai món nợ. Một bên thì nợ vua mười ngàn nén vàng, một bên thì người bạn nợ một trăm quan tiền. So sánh giá trị giữa một trăm quan tiền và mười ngàn nén vàng chúng ta thấy một khoảng cách xa vời vợi. Điều này Chúa Giêsu muốn nói rõ cho mỗi người chúng ta là chúng ta nợ Chúa quá nhiều và Chúa tha cho chúng ta còn anh chị em chúng ta nợ chúng ta quá ít mà chúng ta lại đòi anh em chị chúng ta trả cho bằng hết như trong ví dụ của Chúa Giêsu.

Đừng nói gì đến lòng mến, lòng bác ái. Chỉ cần nói đến sự công bằng thôi thì chúng ta thấy chúng ta sống quá ư là bất công. Bất công không chỉ với Chúa mà con bất công với anh chị em đồng loại. Kinh Lạy Cha chúng ta vẫn thường râm ran: Xin tha cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Miệng thì đọc thế nhưng lòng có thật sự tha hay không? Hay là miệng thì đọc nhưng lòng cứ muốn đòi nợ máu anh chị em đồng loại của mình.

Lời Chúa trong thư Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma chúng ta vừa nghe nhắc nhớ mỗi người chúng ta: không ai trong chúng ta được sống cho mình... chúng ta có sống là sống cho Chúa, chết là chết cho Chúa... Dù sống dù chết chúng ta thuộc về Chúa vì chưng Chúa đã sống, đã chết là để làm chúa kẻ sống và người chết. Chúa là Chúa của mỗi người chúng ta vậy mà nhiều lúc chúng ta tước đoạt quyền làm Chúa trên cuộc đời chúng ta. Tước đoạt quyền làm chúa của Chúa là chuyện hết sức là bi hài. Chỉ có Chúa mới làm chúa, làm chủ cuộc đời mỗi người chúng ta vậy mà chúng ta muốn làm chúa, làm chủ cuộc đời người khác và bắt người khác phải làm tôi, phải trả nợ cho chúng ta.

Nếu đọc thêm một câu của đoạn thư Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Rôma nữa chúng ta sẽ thấy Ngài nói: "Còn ngươi, tại sao ngươi xét đoán anh em ngươi? - Hay ngươi, tại sao ngươi khinh anh em ngươi? Vì ta hết thảy sẽ ra trước tòa Thiên Chúa". (Rm 14,10). Chúng ta thường mang cái bệnh xét đoán anh em, kết án anh em và ra hình phạt với anh em. Và thường hơn nữa trong cuộc sống thường nhật chúng ta hay mang trong mình chứng bệnh khinh thường anh chị em đồng loại khi họ nghèo hơn chúng ta, khi họ khổ hơn chúng ta, khi họ bất hạnh hơn chúng ta, khi họ yếu đuối hơn chúng ta, khi họ vấp phạm điều gì đó mà cộng đoàn đều biết. Thế nhưng Thánh Phaolô nhắc chúng ta rằng: hết thảy chúng ta sẽ ra trước toà Thiên Chúa. Khi và chỉ khi ra trước toà Thiên Chúa thì khuôn mặt thật của chúng ta, tấm lòng thật của chúng ta sẽ phải bị phanh phui ra trước mặt Chúa thôi. Hiện giờ thì chúng ta còn lấp liếm, còn giấu những sự ác, những sự gian tà, những hận thù, ghen ghét anh chị em đồng loại nhưng khi ra trước toà Chúa chúng ta không thể nào giấu được.

Vậy, phải chăng qua trang tin mừng ngắn ngủi, qua ví dụ nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa của Chúa Giêsu hôm nay chúng ta liệu liệu mà tha thứ cho những người mắc nợ chúng ta có một trăm quan tiền để hầu mong Chúa Giêsu tha cho chúng ta là những con nợ đang mắc nợ Chúa với số nợ quá lớn là cả ngàn nén vàng. Chúng ta muốn Chúa tha thứ cho chúng ta thì điều kiện cần, điều kiện trước hết là chúng ta phải biết tha thứ cho anh chị em đồng loại. Nếu chúng ta bắt đền, đòi nợ anh chị em đồng loại thì nào Chúa lại tha cho chúng ta. Chúng ta cứ ngẫm nghĩ thử xem có phải là chính lúc chúng ta thứ tha là lúc mà chúng ta được tha thứ hay không?

Nguyện xin Chúa Giêsu là Đấng giàu lòng bao dung, chậm bất bình và giàu ân sủng thương xót và tha thứ cho chúng ta những món nợ mà chúng ta nợ Chúa cũng như nợ anh chị em đồng loại. Nguyện xin Chúa Giêsu mở lòng mỗi người chúng ta để chúng ta cũng biết tha thứ cho anh chị em đồng loại để hầu mong Chúa cũng dễ dàng tha thứ những món nợ mà chúng ta nợ Chúa. Amen.

nguon:http://gplongxuyen.org/News