"Khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống trên mình Người".
Lời Chúa: Mt 3, 13-17
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan can Người rằng: "Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?" Chúa Giêsu liền đáp lại: "Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế". Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người.
Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người.
Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán: "Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta".
* Đọc GIỜ KINH PHỤNG VỤ link CGKPV
* Các BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Suy Niệm 1: Con yêu dấu
(Trích từ ‘Manna’)
Xếp hàng chung với những người thu thuế, tội lỗi,
Đức Giêsu chờ đến phiên mình được Gioan làm phép rửa.
Gioan bối rối, khước từ.
Đấng ông không đáng xách dép, Đấng là thẩm phán quyền uy,
Đấng sẽ ban phép rửa trong Thánh Thần, Đấng ấy lại cúi mình xin ông làm phép rửa sám hối.
Đức Giêsu mời gọi ông cứ làm, dù ông không hiểu,
vì đó là điều hợp với ý muốn của Thiên Chúa.
Câu nói đầu tiên của Đức Giêsu trong Tin Mừng Matthêu (3,15)
tóm gọn cả cuộc đời tương lai của Ngài.
Ngài chỉ muốn giữ trọn, làm trọn điều Thiên Chúa muốn.
Đức Giêsu hạ mình trước mặt Gioan,
và Ngài còn dìm mình thật sâu trong dòng nước.
Ngài chia sẻ cùng một dòng nước với những hối nhân.
Ngài liên đới với sự hoán cải của cả dân tộc.
Chính lúc Ngài tự hạ vì vâng phục, Thiên Chúa lại muốn long trọng tôn vinh Ngài.
"Vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra."
Tầng trời mở ra là dấu hiệu Thiên Chúa muốn ngỏ lời.
"Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống và ngự trên Người." Đức Giêsu đã được thụ thai nhờ Thánh Thần, nay Ngài lại nhận được Thánh Thần để bắt đầu sứ vụ.
"Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người." Chúa Cha trìu mến giới thiệu cho ta Con của Ngài. Cha tấn phong Ngài làm Mêsia, nhưng theo kiểu một Tôi Tớ.
Đức Giêsu hiểu những gì Cha mới vén mở cho mình.
Qua bao năm cầu nguyện, Ngài đã được Cha tỏ lộ về căn tính và sứ mạng thiên sai của Ngài.
Nhưng hôm nay, nơi sông Giođan, Cha đã chuẩn nhận một cách long trọng và dứt khoát. Cả con người Ngài bừng lên ánh sáng và sức mạnh.
Đức Giêsu biết giai đoạn ẩn dật ở Nadarét đã kết thúc. Đã đến lúc Cha muốn Ngài lên đường.
Kinh nghiệm bên sông Giođan, Đức Giêsu chẳng thể quên. Kinh nghiệm ấy được sống và lớn lên trong suốt đời Ngài.
Ngài không chỉ đứng chung với tội nhân, Ngài còn gần gũi họ, nâng dậy và gánh tội của họ.
Ngài chết với những tội nhân và chết như một tội nhân.
Các tầng trời đã mở ra và không bao giờ khép lại. Sự hiện diện, lời nói, hành động của Ngài đã luôn là một vén mở về khuôn mặt của Thiên Chúa.
Thần Khí Thiên Chúa đã ngự trên và ngự trong Ngài. Thần Khí là bạn đường, hướng dẫn Ngài vào hoang địa, đưa Ngài đi giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật.
Thần Khí làm Ngài hớn hở mừng vui cất lời ca ngợi.
Nhờ Thánh Thần, Ngài đã luôn sống như Con của Cha, luôn làm điều đẹp lòng Cha và sống đơn sơ phó thác.
Phép rửa ở Giođan chuẩn bị cho phép rửa nơi thập giá.
Chúng ta được mời gọi sống phép Rửa mình đã lãnh nhận. Mai táng cái tôi ích kỷ và rạng rỡ trong cái tôi tự do.
Gợi Ý Chia Sẻ
Theo ý bạn, đâu là khuôn mặt của một Kitô hữu lý tưởng? Tương quan của người này với Ba Ngôi, với Hội Thánh và với thế giới có những nét đặc biệt nào?
Đối với Đức Giêsu là một chuỗi những tự hạ vì vâng phục Cha và yêu thương con người. Bạn có thể kể một số tự hạ của Ngài không? Bạn nghĩ gì về sự tự hạ của bạn?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, sám hối không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Đấng vô tội mà lại đứng chung với các tội nhân, chờ Gioan ban phép rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng hành với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.
Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh lối nghĩ và lối sống của mình, tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng, thành thật để khỏi tự dối mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải, dám đi đến những hành động cụ thể, và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau. Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con niềm vui của Giakêu, hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.
Suy Niệm 2: Chọn lựa
Chúa Giêsu chịu thanh tẩy hẳn không phải là để thú nhận tội lỗi. Tin Mừng cho thấy: Là người Do Thái, Chúa Giêsu đã giữ trọn tất cả những gì lề luật đòi hỏi nơi một người Do Thái. Sinh ra được 8 ngày, Ngài đã chịu phép cắt bì. Rồi khi đã đủ ngày, Ngài được dâng tiến cho Thiên Chúa tại đền thờ. Và năm 12 tuổi, Ngài đã theo cha mẹ đi Giêrusalem vào những dịp lễ lớn. Vì thế, chúng ta cũng không ngạc nhiên khi Chúa Giêsu xuất hiện bên bờ sông Giođan để chịu phép rửa.
Tuy nhiên, đọc lại Tin Mừng chúng ta có thể nhận ra điều này là tuy tham dự tất cả những nghi lễ theo luật dạy, nơi Chúa Giêsu vẫn có một cái gì khác, vượt ra ngoài điều các nghi lễ muốn ám chỉ, khiến cho những nghi lễ ấy có một cái gì mới mẻ hơn, hoàn thiện hơn.
Chẳng hạn khi Ngài chịu cắt bì và được đặt tên. Nhưng tên được đặt cho Ngài lại là tên do thiên thần gọi trước khi Ngài đầu thai trong lòng mẹ. Khi tiến dâng nơi đền thờ, Ngài đã được đón chào như ánh sáng chiếu soi muôn dân.
Hiện tượng vượt khung này lại càng tỏ rõ hơn qua việc Chúa chịu phép rửa ngày hôm nay. Thực vậy Tin Mừng cho chúng ta thấy có sự tương phản giữa Gioan và Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là người đến sau nhưng lại là người quyền thế hơn, mạnh sức hơn. Còn Gioan người đi trước thì chỉ là kẻ tôi tớ, không xứng đáng cởi dây giày cho Ngài. Việc thanh tẩy của Gioan chỉ là một thứ thanh tẩy bằng nước, trong khi đó việc thanh tẩy của Chúa Giêsu lại chính là thanh tẩy bằng Chúa Thánh Thần.
Tuy nhiên, chóp đỉnh của sự kiện này đó là việc giới thiệu Chúa Giêsu, Đấng vừa chịu phép rửa, là Con Thiên Chúa, Đấng sẽ đến để cứu chuộc nhân loại. Đúng thế, công cuộc cứu chuộc không thể được hiểu như một cái gì có thể đạt được qua công nghiệp, nhưng qua cuộc sống. Chúa Giêsu đã sống ơn cứu chuộc nơi mình Ngài. Bởi đó, Ngài đã xuống sông Giocđan như mọi kẻ tội lỗi khác, nhưng lại với tính cách là Con Thiên Chúa. Cả cuộc hành trình cứu chuộc được thu gọn lại nơi việc Chúa Giêsu chịu thanh tẩy.
Sở dĩ như vậy là vì các chi tiết trong việc thanh tẩy đã gợi lại những gì diễn ra trong những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu: Ngài xuống dưới nước như xác Ngài bị chôn trong mồ. Trời mở ra như bức màn của đền thờ bị xé. Thánh Thần đáp xuống với tiếng từ trời phán ra gợi lại việc Chúa phục sinh, ngự bên hữu Đức Chúa Cha và sai Chúa Thánh Thần xuống.
Với chúng ta cũng vậy, là người Kitô hữu, chúng ta đã được chịu phép thanh tẩy, không phải bởi tay Gioan, nghĩa là bằng nước, mà từ sự chết và sống lại của Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Phép thanh tẩy này không chỉ là một nghi lễ tẩy sạch tội tổ tông, mà còn là một biến cố mở đầu cho một cuộc hành trình, hay nói đúng hơn, một cuộc đấu tranh và chiến thắng tội lỗi. Như thế, con đường cứu rỗi là một sự lựa chọn dứt khoát: chọn Thiên Chúa thay vì ma quỷ, chọn điều thiện thay vì điều ác. Phép thanh tẩy như thế không phải chỉ là một bí tích được chịu một lần rồi thôi, mà còn là chính cuộc sống người Kitô hữu nữa.
Suy Niệm 3: Chúa Giêsu chịu phép rửa
(‘LÀM NỤ HOA TRẮNG’ – ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống)
Tuần trước là lễ Ba vua cũng gọi là lễ Hiển Linh. Một em bé đến với tôi tâm sự và cho biết: gọi là lễ Ba Vua thì em hiểu có ba vua dâng của lễ như Phúc Âm đã tường thuật và như Hang đá thường trình bày, nhưng gọi là Hiển Linh thì em không hiểu. Em xin giải thích cho em hiểu “hiển linh” là gì. Tôi giải thích bằng cách cắt nghĩa chữ đơn giản: hiển là tỏ lộ ra, linh là linh thánh (là Thiên Chúa); hiển linh là Chúa tỏ mình ra. Em “vâng dạ”, nhưng nhìn vào mắt em tôi biết em chưa hiểu.
Trên bàn tôi lúc đó có tấm phim nhựa nhỏ và tấm ảnh màu rửa cỡ lớn. Tôi đưa tấm phim cho em xem và hỏi em có nhìn thấy không. Em xoay ngược xoay xuôi xoay ngang xoay dọc biết rằng có hình người nhưng chịu không nhìn rõ ai cả. Tôi đưa tiếp cho em tấm ảnh mới rửa từ tấm phim ấy và em reo lên mừng rỡ đồng thời kể tên vanh vách những người trong ảnh. Thấy em vui tôi cũng vui lây. Và trong niềm vui ấy tôi tiếp tục giải thích cho em về chữ “hiển linh” một cách cụ thể. Thiên Chúa vẫn có đó như hình vẫn có ở trong phim, nhưng ta chỉ thấy Ngài khi Ngài tự tỏ mình ra như hình được in rõ ra trong tấm ảnh vậy. Tôi thấy mắt em cười và bước ra khỏi phòng tôi trong tư thế nhảy chân sáo như vừa khám phá ra một điếu gì lớn lao lắm. Tôi nhìn theo em và thầm nghĩ: có lẽ Thiên Chúa đang tỏ mình ra cho em.
Thiên Chúa tỏ mình ra là một chủ đề lớn đã trở thành mối bận tâm cho mọi người Kitô hữu trên đường tìm Chúa, mà em bé tôi kể ở trên chỉ là một điển hình; đồng thời đó cũng là chủ đề xuyên suốt cả toàn bộ Kinh Thánh. Trong Cựu Ước, các chiến tích lẫy lừng, và cũng rất thường trong những biến cố kinh thiên động địa như biến cố “Vượt Qua” với vách nước vựng đứng mở lối cho dân Do Thái ra đi trên biển, rồi cột lửa soi sáng ban đêm và áng mây tạo bóng mát ban ngày… Nhưng từ ngày Con Chúa làm người, Thiên Chúa lại chỉ tỏ mình ra qua con đường tự hạ. Bài Phúc Âm hôm nay là khởi đầu cuộc đời công khai, Chúa Giêsu tự hạ chịu phép Rửa và tỏ mình trong vinh quang Ba Ngôi là một ví dụ rõ rệt. Nhưng Chúa Giêsu tự hạ thế nào và tỏ mình ra sao trong suốt cuộc đời của Người? Ngày nay Chúa còn tỏ mình ra cho con người hay không?
Tự hạ.
Ngày Giáng Sinh, Thiên Chúa đã tự bỏ trời cao bước xuống thế trần để nhận lấy kiếp người trong Hình hài một thơ nhi bé bỏng, lại sinh ra trong cảnh thiếu thốn nghèo hèn. Ngài là Thiên Chúa vinh quang nhưng đã để vinh quang đó lại trên trời như lời hoan ca của các thiên thần xác định, mà chỉ ôm hai chữ “bình an” xuống thế làm một con người bình thường giữa muôn người bình thường khác.
Thiên Chúa sinh ra mọi loài nay chịu sinh ra bởi một người phụ nữ. Thiên Chúa vô hình nay bước xuống hữu hình, Thiên Chúa vô biên nay đón nhận mình vào những giới hạn. Thiên Chúa giàu sang nay tự hạ làm kẻ nghèo hèn.
Khởi đầu cuộc sống công khai, Thiên Chúa làm người ấy – Chúa Giêsu, lại tự hạ hơn một bước nữa khi rước vào đời mình kiếp sống tội nhân đến song Giođan và xin ông Gioan chịu phép Rửa. Người chấp nhận bầu bạn và đánh chén với những người tội lỗi đã đành như Phúc Âm vẫn kể, Người còn chịu nhận mình là một tội nhân xếp hàng đứng chung với những tội nhân khác để đợi tới phiên mình cuối đầu xin ơn tha thứ. Thiên Chúa đã thánh thiện mà nhận mình là người tội lỗi, Thiên Chúa tuyệt đối không mang tì vết mà lại cầu xin ơn tha thứ làm lại cuộc đời như một người hư hỏng. Sự tự hạ của Chúa thật không hiểu nổi. Chưa hết, kết thúc cuộc đời trần thế, trên đỉnh Núi Sọ cũng gọi là cao điểm tuyệt đối của sự tự hạ, Chúa Giêsu chịu chết nhục hình giữa hai tên trộm cướp. Người bị giết như một kẻ tử tội. Cái chết thê thảm mà ngày nay các tượng thánh giá bằng kim loại quý đeo trên ngực hay được vẽ vời đánh bóng trong các giáo đường không diễn tả được. Phúc Âm kể: Người chết dữ.
Thiên Chúa quyền uy đã để cho người ta trói lại và xét xử. Thiên Chúa hằng sống đã tự hạ để người ta giết chết. Ôi lạ lùng!
Tỏ mình.
Nhưng tự hạ lạ lung đến thế để làm gì? Nếu để phô trương danh thế tiếng tâm thì chỉ là dại dột mà kẻ dại nhất trong loài người cũng không dại dột đến thế. Sự tự hạ của Chúa Giêsu là một phương tiện để Người tỏ mình ra:
Sinh ra như một trẻ nghèo hèn giữa cánh đồng trong Hang đá Bêlem, Người tỏ mình ra là một Thiên Chúa vinh quang, như lời hát đồng thanh của các thiên thần trong đêm Giáng Sinh: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời…”
Bước xuống đất đen của con người cần được thanh tẩy và xếp hàng đứng chung với các tội nhân chờ được dìm xuống trong nước, Người tỏ mình ra là Thiên Chúa thánh thiện tuyệt đối có quyền quyết định trên trời dưới đất, như Phúc Âm mô tả: “các tầng trời mở ra”. Lãnh nhận phép Rửa trong nước, Người tỏ mình ra là Đấng sẽ khai sinh phép Rửa trong Thánh Thần, như hoạt cảnh Tin Mừng trình bày: “Chúa Thánh Thần ngự xuống trên người như chim bồ câu”. Mang vào mình thân phận tội lỗi nhân loại đến tận gốc nguồn là sự phản bội của Adam, Người tỏ mình ra là Con Chí Ái của Chúa Cha từ thuở đời đời, như tiếng từ trời giới thiệu: “Này là con Ta yêu dấu hằng làm đẹp lòng Ta”.
Và chính khi trần trụi bên dòng nước cầu ơn tha thứ, Người xuất hiện là một ngôi vị trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa ngời sáng uy linh. Nếu có bài hát “lung linh lung linh hai tiếng gia đình”, thì ở đây có lẽ phải hình dung là ca khúc “uy linh uy linh gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi”.
Cuối cùng, chết nhục hình như tên tử tội bị kết án, Người tỏ mình ra là Thiên Chúa hằng sống, Đấng ban ơn cứu độ giải xá cho hết mọi người.
Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình.
Thiên Chúa vinh quang tỏ mình ra cho nhân loại bằng con đường tự hạ. Cái sang của đạo dường như ấn giấu trong bức màn tăm tối, đúng như Lão tử nhận xét về một đạo chân chính: “Minh đạo nhược muội”. Nếu lịch sử cứu độ là lịch sử của Thiên Chúa tỏ mình ra, thì ngày nay Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình ra cho ta, dĩ nhiên trong Phụng Vụ, Bí Tích và Giáo Hội, nhưng Ngài còn thích hơn khi tỏ mình ra cho ta qua cuộc sống thường nhật, qua những biến cố, những sự kiện, qua những con người ta gặp gỡ và qua những bổn phận âm thầm mỗi ngày. Cánh Ngài tỏ mình ra cũng vẫn là cách tự hạ khiêm nhường nhỏ bé tối tăm và thầm lặng.
Trời chỉ mở ra với vinh quang Ba Ngôi Thiên Chúa khi Chúa Giêsu vì yêu thương đứng chung với hàng ngũ tội nhân và cầu nguyện. Muốn gặp thgấy Thiên Chúa tỏ mình, chúng ta cũng phải liên kết với Ngài bằng sám hối cầu nguyện và bằng tinh thần liên đới yêu thương chia sẻ cuộc sống với những người khác.
Giữa năm 1984, ở Thụy Sĩ người ta đã phát thử thành công tivi màu với hình ảnh nổi, nghĩa là có chiều sâu của khung cảnh và người xem dường như thấy mình đang góp mặt trong khung cảnh ấy. Nhưng muốn thưởng thức, phải mang một gọng kính có hai tròng mắt khác màu nhau, một xanh một đỏ và phải ngồi đúng vị trí đối diện trực tiếp với màn ảnh. Thiên Chúa vẫn tỏ mình nổi bật trên cuộc sống từng người. Muốn gặp Ngài, hãy ngồi vào vị trí đức tin và đeo gọng kính với hai tròng cầu nguyện và yêu thương.
Suy Niệm 4: Chúa Giêsu chịu phép rửa
(Trích từ ‘Sống Lời Chúa’ – Damiano)
Thánh lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay mang một ý nghĩa quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, mở đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu như là Đấng Messia, thời kỳ cuối cùng của chương trình cứu độ.
Có người thắc mắc: Chúa Giêsu có tội tình gì mà phải chịu phép rửa?
Vì Chúa đến gánh tội trần gian,
Vì Chúa lập Bí tích rửa tội thật, phép rửa trong Chúa Thánh Thần, mà phép rửa của Gioan chỉ là phép rửa thống hối chuẩn bị cho phép rửa này mà thôi. Phép rửa này được Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần công nhận: Trời mở ra, Chúa Thánh Thần đáp xuống như chim bồ câu và có tiếng Chúa Cha phán: đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người.
Thánh Grêgôriô viết: Chúa Giêsu chịu phép rửa để chôn vùi trọn vẹn con người Adam cũ trong dòng nước.
Khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, tầng trời liền mở ra. Tội Adam đã đóng cửa trời lại, nay phép rửa của Chúa Giêsu, Adam mới, là chìa khóa lại mở cửa trời ra, mở đầu cho một giai đoạn mới.
Thánh Gioan Tẩy Giả nói với Chúa Giêsu: Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa. Và thánh giáo phụ Grêgôriô viết: đó là đèn nói với mặt trời, tiếng nói với Lời, phụ rể nói với chàng Rể, người cao trọng nhất trong số người do người nữ sinh ra nói với Trưởng Tử mọi loài thọ sinh, người nhảy mừng trong dạ mẹ nói với Đấng được thờ lạy từ trong lòng mẹ, người tiền hô hiện tại và tương lai nói với Đấng vừa xuất hiện và sẽ xuất hiện.
Chim bồ câu xưa kia đã báo tin cho ông Noê là đại hồng thủy đã bắt đầu bị đẩy lùi, Bồ câu hôm nay từ trời đến cũng để nói lên rằng thời kỳ hồng thủy của tội lỗi đã bắt đầu bị đẩy lùi, đem đến niềm vui cho nhân loại. Thiên Chúa lại đến với xác phàm để con người trong xác phàm trở thành con cái Thiên Chúa. Nhờ Đức Kitô, Đấng đẹp lòng Thiên Chúa mọi đàng mà con người chúng ta có khả năng sống đẹp lòng Thiên Chúa.
Phép rửa của Chúa Giêsu thúc dục mọi người chúng ta tiếp tục thanh tẩy mình sạch mọi vết nhơ tội lỗi. Việc thanh tẩy này đòi hỏi chúng ta phải hy sinh và từ bỏ rất nhiều, như Đức Kitô phải chịu thanh tẩy trong máu sau nầy.
Cuộc đời Kitô hữu là để hoàn thành những gì mà phép rửa tội đã mở đầu, là tiếp tục thống hối ăn năn để thánh hóa con người chúng ta. Những đau khổ thử thách trong cuộc sống chỉ mang bộ mặt tiêu cực đối với mọi người, nhưng đối với người Kitô hữu lại có giá trị cứu chuộc vì nó đang giúp ta hoàn thành phép rửa của chúng ta. Bởi lẽ khi chịu phép rửa, người Kitô hữu hứa bước theo Đức Kitô, chiến đấu với tội lỗi, chấp nhận mọi đau thương của cuộc đời như Đức Kitô đã chấp nhận những đau khổ của cuộc đời Ngài để thánh hóa chúng ta.
Thánh lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay mời gọi mọi người chúng ta dứt khoát với tội lỗi, lên đường xông vào cuộc chiến với Đức Kitô, tự thánh hóa mình mỗi ngày.
Vui vì được giải phóng.
Trong một trại giam những người nô lệ ở Nam Mỹ, những người da đen ban ngày thì lam lũ làm việc quần quật trên nương mía, dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt, ăn không đủ no, bị hành hạ đánh đập như một đàn vật; ban đêm lại bị lùa vào giam trong trại như một đám tù nhân. Bổng một đêm nọ một người trong bọn họ rỉ tai với những người chung quanh rằng một người da đen đang tìm cách để giải thoát họ. Dấu hiệu để nhận ra người đó là một cây Thánh Giá trên trán người ấy. Niềm hy vọng dâng trào trong tâm hồn của tất cả mọi người; mấy đêm liền họ không sao chợp mắt được, sống trong hồi hợp đợi chờ. Rồi giây phút đó đã đến: trong đêm khuya, một người da đen, đã đến, lẻn vào mở cửa và giải thoát họ, dẫn họ chạy, chạy suốt đêm và cuối cùng họ đã đến miền đất tự do. Rồi người da đen đó biến mất. Đêm hôm sau, sau một buổi nhảy múa vì niềm vui được tự do, mọi người an giấc thì bổng một luồng ánh sáng giữa đêm khuya làm sáng rực cả cánh rừng nơi họ đang ngủ. Mọi người choàng tỉnh dậy, thì thấy Chúa Giêsu hiện đến với họ với cây Thánh Giá trên trán. Họ liền nhận ra người đã đến giải thoát cho họ chính là Chúa Giêsu.
Bị giam hãm trong cảnh nô lệ tội lỗi, chúng ta cũng đã được Chúa đến giải thoát, nhưng ta có sẵn sàng chạy theo Chúa Giêsu đến miền đất tự do hay không? Hay ta lại làm như một người Israel đã ra khỏi đất nô lệ Ai cập nhưng lại muốn quay trở lại với những củ hành Ai cập xưa?
Suy Niệm 5: Khai mở thời đại mới
(Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)
Thưa qúy OBACE, Báo chí thế giới trong những ngày cuối năm 2012 đã bầu chọn 10 gương mặt quyền lực có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2012, thì người đứng đầu danh sách là Tổng thống Mỹ, kế đến là Thủ tướng Đức, Tổng thống Nga, Bill Gates và kế đến là Đức Giáo Hoàng Benedicto 16. Những con người này được ghi nhận đã có những ảnh hưởng lớn nhất trên toàn thế giới trong năm qua. Riêng đối với Đức giáo Hoàng, Ngài không phải là một nhà lãnh đạo chính trị hay quân sự, cũng không phải là người đứng đầu một quốc gia giàu có to lớn như nước Mỹ, Ngài cũng không phải là nhà điều hành kinh tế như Bill Gates, vậy mà tiếng nói và ảnh hưởng của Ngài vẫn lan rộng trên thế giới và góp phần xây dựng hòa bình cho thế giới và làm thay đổi bộ mặt thế giới. Vậy thì quyền lực và sức mạnh của Đức Giáo Hoàng đến từ đâu? Thưa quyền lực và sức mạnh ấy đến từ chính Đức Giêsu, và sứ mạng của ngài là tiếp nối sứ mạng của chúa Giêsu là đem tình yêu thương cứu độ và bình an đến cho toàn thế giới.
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa để khai mở một thời kỳ mới, một sứ mạng mới. Nếu như với màu nhiệm Giáng Sinh, Đức Giêsu đã đến trần gian trong âm thầm đơn sơ dưới hình hài của một em bé, và liền sau đó là những năm sống đời ẩn dật một cách bình thường tại thôn làng Nazareth, thì hôm nay, với biến cố chịu phép rửa tại sông Giodan, Chúa Giêsu đã chính thức, và công khai bắt đầu sứ mạng rao Giảng Tin Mừng của Nước Thiên Chúa cho mọi người.
Tin Mừng Luca hôm nay đã phân biệt rõ ràng cho chúng ta về sứ mạng của Gioan và sứ mạng của Chúa Giêsu, cũng như phép rửa của Gioan và của Chúa Giêsu sau này. Sống trong một thời kỳ khao khát Đấng Cứu Thế, thì việc xuất hiện của Gioan, với lời giảng mạnh mẽ và cương quyết, với sự thu hút đám đông và việc làm phép rửa, thì nhiều người đã nghĩ rằng Gioan chính là Đấng Mesia. Gioan đã không ảo tưởng về mình, ông cũng không vượt quá giới hạn của mình, chỉ là người dọn đường, vì thế ông đã không ngại ngần để thanh minh cho mọi người khỏi sự lầm tưởng khi quả quyết với họ rằng: Tôi không phải là Đấng Mesia. Ông đã nói về sự giới hạn của mình để làm nổi bật sứ mạng và sự vô hạn của Đấng đến sau ông: Tôi rửa anh em bằng nước, nhưng có Đấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi… sẽ rửa anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa. Như thế Gioan đã xác định cho thấy phép rửa của ông không có sức mạnh tha tội, mà chỉ là một dấy hiệu bày tỏ lòng sám hối để đón chớ một phép rửa thực sự bằng thánh Thần và bằng lửa, tức là một phép rửa trong quyền năng và lòng yêu mến.
Giữa đám đông như thế, Chúa Giêsu - Đấng không hề có tội, lại khiêm nhường bước xuống dòng sông, đứng chung hàng với tội nhân và cũng xin được chịu phép rửa từ tay Gioan. Việc làm này không chỉ diễn tả sự hạ mình thẳm sâu của Thiên Chúa, mà còn là đánh dấu một thời đại mới, thời mà Thiên Chúa không còn ở xa, nhưng Ngài đã bước đến để tìm kiếm con người để gánh vác tội lỗi con người. Thánh Luca đã thuật lại: Đang khi Người cầu nguyện thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu. Tác giả muốn nhấn mạnh rằng chính lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đã khiến cho cửa trời mở ra, hình ảnh này gợi nhớ lại ngày xưa khi Adam Eva cắt đứt mối dây liên hệ với Thiên Chúa, phá hủy các cuộc chuyện trò với Thiên Chúa, đã làm cho cửa trời đóng lại, thì hôm nay Đức Giêsu là Adam mới đã nối lại mối dây thân tình với thiên Chúa, qua những cuộc trò chuyện và cầu nguyện thân mật với Thiên Chúa. Cửa trời được mở ra kể từ đây, qua Chúa Giêsu,Thiên Chúa có thể dễ dàng đến với con người và con người cũng có thể dễ dàng đến với Thiên Chúa.
Kể từ biến cố này sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu đã bắt đầu, và sứ mạng này đã được ghi dấu bởi sức mạnh và sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, đó là sứ mạng yêu thương và phục vụ, tha thứ và cứu chữa, tìm kiếm và chăm sóc cho nhân loại chúng ta. Tiếng từ trời phán: Con là con yêu dấu của cha, cha hài lòng về con, vừa là lời Thiên Chúa cha giới thiệu Đức Giêsu của cho toàn thể nhân loại, vừa là lời xác định về sứ mạng mà Thiên Chúa cha đã trao phó cho Ngài mà Đức Giêsu đã hoàn toàn vâng phục đón nhận. Chính từ sự hài lòng về sứ mạng của Chúa Giêsu và hiến tế của Ngài mà Thiên Chúa Cha đã ban ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.
Sứ mạng của Chúa Giêsu đã mở ra một thời kì mới và có ảnh hưởng trên toàn thể thế giới cho đến ngày tận thế, tuy nhiên để có thể tiếp nhận và sống trong thời đại mới, thì cũng cần phải có những con người mới, thích ứng được với những đòi hỏi mới như lời Isai đã kêu gọi: Thời nô dịch thời hủy diệt đã mãn, và hãy mở một con đường thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi, để cho Thiên Chúa ngự đến. Lời kêu gọi này là một đòi hỏi canh tân đổi mới, uốn nắn lại cuộc đời và sống cho ngay thẳng trước mặt Thiên Chúa và mọi người, vì để tiếp nhận được Tin mừng của Đức Kitô, đòi mỗi người phải chấp nhận một cuộc biến đổi, lột xác để trở nên con người mới, con người của Tin mừng, để có thể sống trong tình yêu thương chăm sóc của vị mục tử Giêsu.
Bài đọc hai, Thánh Phaolô đã chỉ rõ cho chúng ta phải sống con người mới của Tin mừng như thế nào. Tất cả chúng ta đã lãnh nhận phép rửa trong Thánh Thần và lửa của Đức Kitô, và được tha thứ tội lỗi và được đón nhận vào nhà Thiên Chúa, chính vì thế Thánh Phao lô mời gọi chúng ta phía từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, sống chừng mực công chính và đạo đức ở trần gian này.
Thưa quý OBACE, qua Bí Tích Rửa tội, chúng ta đã được cứu chuộc, được tái sinh và trở nên con cái Thiên Chúa, đó là một ân phúc Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Tuy nhiên ân phúc này sẽ chỉ sinh hiệu quả và đem lại hạnh phúc cho chúng ta khi chúng ta tích cực cộng tác và làm cho những ơn này trổ sinh trong cuộc đời mỗi người. Trở nên con cái Thiên Chúa đòi chúng ta phỉ sống cho xứng đáng với vinh dự ấy, tức là phải loại trừ những gì là phàm tục tầm thường ra khỏi cách sống, cách suy nghĩ và hành động của chúng ta, và phải tích cực làm nhiều việc thiện việc tốt cho mình và cho mọi người; là những người được cứu chuộc, chúng ta không thể để mình bị rơi lại vào sự ràng buộc của tội lỗi dục vọng và tật xấu, vì Thiên Chúa đã ban cho ta sức mạnh Thánh Thần của Ngài giúp ta chiến đấu và chiến thắng trước những ràng buộc lôi kéo đó, hãy dựa vào sức mạnh của Thánh Thần để chống trả lại những tấn công của ma quỷ và cám dỗ.
Mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay nhắc cho mỗi người nhớ đến sứ mạng của mình trong đời sống thường ngày, là những bậc cha mẹ, chúng ta cũng cần tẩy rửa chính bản thân mình khỏi những đam mê như rượu che cờ bạc, cá độ, lô đề… nó đang bôi bẩn hạnh phúc và sự bình an của gia đình, thanh tẩy khỏi gia đình mình khỏi sự gian dối, chửi bới cãi vã, mà thay vào đó là sự quan tâm thông cảm chia sẻ với nhau nhiều hơn, và mỗi người hãy góp phần làm cho gia đình nên ấm cúng thuận hòa, cùng nhau vun đắp cho hạnh phúc gia đình mình bằng những giờ kinh những giờ cầu nguyện sớm tối, sống như thế là chúng ta đang chung tay đổi mới gia đình và con cái nên những con người được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc.
Ngày lễ này cũng nhắc cho các bạn trẻ nhớ rằng mỗi người chúng ta đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội và thuộc về Đức Kitô, vì thế chúng ta không thể để mình thuộc về hay là rơi vào tay của ma quỷ và sự xấu, nhưng đòi mỗi người phải dám sống cho xứng đáng là một người Kitô hữu trong xã hội hôm nay, tự hào vì mang danh là Kitô hữu. Vì đã thuộc về Đức Kitô, nên chúng ta cũng phải thi hành sứ mạng mà Chúa trao phó cho mỗi người, tùy theo hòan cảnh môi trường sống của mình, sứ mạng ấy là tiếp tục đem tình yêu thương đến cho thế giới, cùng nhau xây dựng một môi trường sống tốt đẹp hòa bình, cùng nhau làm cho tinh thần của Tin Mừng lan tỏa trong xã hội hôm nay, nơi nhà trường, nơi xí nghiệp, nơi gia đình của mỗi người.
Khi mỗi người chúng ta cố gắng sống với một quyết tâm đổi mới bản thân, gia đình và xã hội, hoàn thành tốt sứ mạng Chúa đang trao phó, thì Nước Trời cũng sẽ mở ra cho chúng ta và cho mọi người và chính Thiên Chúa cũng sẽ nọi với ta rằng: Con là con yêu dấu của ta, ta hài lòng về con. Amen
Suy Niệm 6: Chúa Giêsu chịu phép rửa
Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, đánh dấu sự xuất hiện công khai và bắt đầu cuộc đời rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa của Ngài. Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại và là Đấng hoàn toàn vô tội, nghĩa là không vướng một khuyết điểm hay một tội lỗi nào. Ngài bị cám dỗ nhưng không bị sa ngã. Vậy mà trong bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu lại đến với Gioan để xin lãnh nhận phép rửa. Theo suy luận bình thường, thì Ngài đâu phải lãnh phép rửa của Gioan, vì phép rửa là một dấu hiệu sám hối chỉ dành cho kẻ có tội. Có tội mới cần sám hối, có nhơ bẩn mới cần tẩy rửa, và chính Gioan Tẩy Giả cũng đã thắc mắc điều này. Nhưng ở đây, việc Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan mang một ý nghĩa đặc biệt. Cá nhân Ngài hoàn toàn vô tội nhưng Ngài mang một sứ mạng là gánh tội trần gian và chịu chết để đền tội cho nhân loại. Nếu Ngài chịu chết để đền tội thay cho toàn thể nhân loại chứ không phải cho riêng Ngài thì cũng vậy, Ngài lãnh nhận phép rửa của Gioan là để lòng sám hối cho cả nhân loại chứ không phải cho bản thân Ngài, vì Ngài luôn luôn và mãi mãi là Đấng hoàn toàn vô tội.
Nếu khởi đầu cho mầu nhiệm nhập thể, Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã chấp nhận mang một thân xác yếu hèn, thì khởi đầu cho một sứ mạng công khai Ngài chấp nhận cho một thân phận tội lỗi, thân phận của người tôi tớ mà đã được ngôn sứ Isaia diễn tả trong bài đọc I: “Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn”. Và đó cũng chính là thân phận của người Con yêu dấu mà Chúa Cha hài lòng về Người. Thánh Giám mục Maximo đã nói: “Nếu Ngài giáng sinh, Ngài sinh ra làm Người từ một trinh nữ thì hôm nay, Ngài sinh ra trong bí tích của mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa”.
Khi tầng trời được mở ra với sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần qua hình ảnh chim bồ câu và tiếng nói của Chúa Cha. Chúa Giêsu đến sông Giođan và Ngài muốn thanh tẩy trong giòng nước không phải để giòng nước thánh hóa Ngài, nhưng để Ngài thánh hóa giòng nước. Và từ đây, giòng nước mang một ý nghĩa thanh tẩy mới trong bí tích rửa tội của Gioan. Khi Ngài bị dìm xuống thì chúng ta được cứu vớt, nhưng khi Ngài bị treo lên chúng ta được giải thoát và khi Ngài chịu chết thì chúng ta được cứu sống.
Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay nhắc chúng ta xác tín hơn vào mầu nhiệm nhập thể làm người của Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô đang ở giữa chúng ta, một Thiên Chúa đã kết thân với con người và gần gũi với nhân loại. Tầng trời bị che lấp bởi tội lỗi nay được mở ra với Đấng Cứu Thế để Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Đấng mà Chúa Cha yêu thương và gọi là “Con Yêu Dấu”. Chính biến cố này còn nhắc nhở chúng ta về ơn phép Rửa Tội mà chúng ta đã lãnh nhận. Chúng ta được tái sinh để trở nên người mới, nghĩa là chúng ta đã thực sự trở nên con cái của Thiên Chúa, đồng thừa tự với Chúa Giêsu. Chúng ta không còn phải là kẻ xa lạ mà là người nhà của Thiên Chúa. Vì chính qua bí tích Thánh Tẩy chúng ta đã được tháp nhập làm chi thể mà Chúa Giêsu là Đầu, chúng ta còn được tham dự vào các chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Giêsu. Những gì Chúa Giêsu đã sống như là “Con Yêu Dấu” duy nhất của Chúa Cha thì tất cả loài người chúng ta cũng đang được mời gọi như thế để sống đúng với con cái của Thiên Chúa.
Xin cho mỗi người chúng ta luôn luôn sống vững mạnh với đức tin để chúng ta mãi mãi là con yêu dấu của Thiên Chúa.
Suy Niệm 7: Chúa Giêsu chịu phép rửa.
Một biến cố quan trọng, một lời tuyên bố chính thức từ trời cao đóng ấn vào công cuộc cứu thế của Ngôi Lời đã xảy ra trong hoang địa vắng vẻ, qua sự khiêm nhường và hạ mình của hai người trong cuộc là Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu. Đang lúc toàn dân nóng lòng chờ đợi Đấng Mêsia, thì Gioan xuất hiện rao giảng thanh tẩy thống hối để được tha thứ tội lỗi. Nhìn vào đời sống thánh thiện và khổ hạnh của Gioan, dân chúng đã lầm tưởng ông là Đấng Mêsia, nên đã vội tuôn đến với ông. Để tránh sự ngộ nhận đó, ông đã vội vàng cải chính: “Sẽ đến sau tôi, Đấng quyền thế hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi giây giầy Ngài”.
Thế nhưng khi Chúa Cứu thế Giáng sinh ở Belem thì chẳng có ai nhận ra Ngài, ngoại trừ các mục đồng và các đạo sĩ.
Các sách Tin Mừng không nói nhiều về thời niên thiếu của Chúa Giêsu tại Nazarét. Điều đó cho thấy quãng thời gian 30 năm ẩn dật của Chúa vẫn là thời gian bị quên lãng. Nhưng rồi một ngày kia, Ngài xuất hiện công khai ở bờ sông Giodan, nơi Gioan đang làm phép rửa, lúc đó Ngài đã 30 tuổi.
Chúa đến với Gioan và xin ông làm phép rửa cho mình. Được ơn soi sáng. Gioan biết mình đang đứng trước mặt Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần, nên ông đã từ chối: “Chính tôi cần được Ngài thanh tẩy cho, thế mà Ngài lại đến với tôi”. Nhưng Chúa Giêsu đã thuyết phục Gioan hãy làm theo thánh ý Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu vừa lên khỏi nước, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa lấy hình bồ câu đậu xuống trên Ngài, và có tiếng tự trời: “Con là Con chí ái của Ta, kẻ Ta đã sủng mộ”.
Phép rửa mà Chúa Giêsu đã lãnh nhận đã khai mào cho sứ vụ và con đường cứu thế của Ngài: con đường của người tôi tớ đau khổ. Mỗi kitô hữu chúng ta cũng đã lãnh nhận phép rửa trong Chúa Thánh Thần, nhờ đó chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. Phép rửa đó đã biến chúng ta thành một tạo vật mới, và chính cuộc sống mới này đòi hỏi chúng ta phải đi vào con đường của Chúa Giêsu: trở thành tôi tớ của Thiên Chúa, đồng thời trở thành tôi tớ mọi người, hiến thân phục vụ vì hạnh phúc của mọi người.
Suy Niệm 8: Giúp đỡ Đức Kitô
Ngôi thánh đường trong làng được xây cất sắp hoàn thành, chỉ còn việc gắn cây Thánh Giá lên đỉnh tháp chuông. Thế nhưng giàn ráo lại không lên tới nơi. Một thanh niên khỏe mạnh và cao tới 1m8 tình nguyện kiệu người thợ hàn trên đôi vai của mình. Mọi người đứng dưới sân nín thở theo dõi.
Sau cùng, công việc cũng đã kết thúc, cả hai đều leo xuống. Nhưng khi vừa đặt chân tới đất, chàng thanh niên lực lưỡng bị ngất xỉu, bởi vì hai tay và vai anh đều bị phỏng. Tại sao vậy? Bởi vì khi người thợ hàn cây thánh giá, chì sôi từng giọt rớt xuống trên vai anh. Mặc dầu rất đau đớn, nhưng anh không dám cử động, bởi vì bất kỳ một cử động nào trong hoàn cảnh như thế sẽ có nguy cơ làm cho anh thợ hàn rơi xuống. Phải mất mấy tuần lễ những vết phỏng mới chữa lành.
Từ câu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng sáng hôm nay và chúng ta nhận thấy một người còn nhiệt tình và can đảm hơn thế nữa. Đó là Gioan Tiền Hô.
Ông đã chịu đau khổ: Mặc áo nhặm, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ông đã chấp nhận bị chỉ trích và bị bắt bớ, cuối cùng chính ông đã hy sinh mạng sống để làm chứng cho sự thật. Ông là một sứ giả, một tiền hô được sai đi trước để dọn đường cho Đấng Cứu thế. Sứ mạng của ông là là loan báo cho mọi người được biết Đức Kitô chính là Đấng Cứu Thế, được mong đợi từ hàng ngàn năm về trước. Ông đã nâng cao Đức Kitô lên để Ngài có thể cứu chuộc chúng ta bằng cây thập giá. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta cũng được mời gọi để làm một công việc như thế.
Đoạn Tin Mừng còn cho thấy: Đức Kitô đã khởi đầu cuộc sống công khai của mình bằng cách chịu phép rửa của Gioan. Dĩ nhiên phép rửa của Gioan không phải là một bí tích mà chỉ là một nghi thức sám hối, để đánh dấu sự chỗi dậy quay trở về cùng Chúa. Sở dĩ Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa của Gioan là vì Ngài muốn đồng hóa mình với thân phận tội nhân. Ngoài ra, cũng nhờ đó, Ngài thánh hóa nước để dùng trong bí tich Thánh Tẩy sau này.
Chính vì thế, biến cố ngày hôm nay còn nhắc nhở cho chúng ta về bí tích rửa tội mà chúng ta đã lãnh nhận. Chúng ta cũng được mời gọi cộng tác với Đức Kitô, loan báo cho mọi người nhận biết Ngài chính là Đấng Cứu thế, đồng thời tiếp tay với Ngài trong công cuộc cứu độ trần gian bằng mầu nhiệm thập giá.
Là những người cha và những người mẹ, chúng ta hãy nói cho con cái chúng ta những điều Đức Kitô đã nói va đã làm. Như thế, chúng ta cũng đang loan truyền Đức Kitô cho con cái chúng ta vậy.
Là người giáo dân, chúng ta hãy cố gắng sống theo tinh thần Phúc âm, và như thế chúng ta cũng đang giúp đỡ Đức Kitô rồi đó.
Ngoài ra chúng ta còn có thể cộng tác và chia sẻ công việc với Ngài bằng cách dạy giáo lý, cầu nguyện và hy sinh cho việc truyền giáo, bố thí và giúp đỡ những kẻ nghèo đói và bất hạnh. Mỗi việc chúng ta làm nhân danh Kitô hữu là chúng ta cộng tác với Ngài để đem sức sống và sức mạnh của Ngài cho nhân loại. Cần phải có những Gioan Tiền hô để dọn đường Chúa đến. Cần phải có những người như anh thanh niên sẵn sàng hy sinh để giúp đỡ, để cộng tác với Ngài trong chương trình cứu độ.
Nói tóm lại, mỗi người chúng ta cần phải biết chu toàn thánh ý Ngài giữa lòng cuộc đời, để rồi trong ngày sau hết, chính Chúa Cha sẽ tuyên phong chúng ta, như ngày xưa Ngài đã tuyên phong Đức Kitô bên bờ sông Giocđan: “Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng”.
Suy Niệm 9: Sống trọn ơn gọi làm người
(Trích từ ‘Sống Tin Mừng’ – R. Veritas)
Một hiện tượng đáng lo ngại cho Giáo Hội tại Áo bên Âu Châu, đó là sự kiện con số những người tuyên bố rút tên khỏi Giáo Hội Công giáo ngày càng gia tăng. Dĩ nhiên về nghĩa vụ, rút tên ra khỏi Giáo Hội có nghĩa là mỗi năm không còn phải đóng thuế tôn giáo nữa. Về quyền lợi, người tuyên bố rút tên ra khỏi Giáo Hội cũng sẽ tự rút phép thông công, nghĩa là chấm dứt mọi tham gia vào cac bí tích và đời sống của Giáo Hội. Nói cách khác, rút tên ra khỏi Giáo Hội cũng đồng nghĩa chối bỏ mọi cam kết khi chịu Phép Rửa Tội.
Nói chung, thế giới phương tây vốn được mệnh danh là Kitô giáo, hiện nay đã trở thành một vùng truyền giáo mới. Thật thế, trong những nước có con số người theo Kitô giáo, phép rửa thường chỉ còn là một nghi thức xã hội không hơn không kém. Người ta chỉ có lý khi nói rằng, suốt một đời nhiều người Tây Phương chỉ đến nhà thờ có ba lần, lần đầu khi chịu phép rửa để gia nhập vào một xã hội vốn được mệnh danh là Kitô giáo. Lần thứ hai để cử hành Hôn Phối cho long trọng. Lần thứ ba cũng là để cử hành tang lễ cho long trọng.
Khi Giáo Hội chỉ được mời để có mặt ba lần như thế trong cả một đời người, thì quả thật người ta chỉ mang danh hiệu Kitô nhưng không sống trọn những cam kết của phép rửa. Hôm nay kỷ niệm Chúa Giêsu chịu phép rửa, Giáo Hội muốn mời gọi các Kitô hữu hãy đào sâu và ý thức về những cam kết khi chịu phép rửa tội. Trái với lối sống đạo cả đời đến nhà thờ chỉ có ba lần của người Tây Phương, các tín hữu Kitô Việt Nam chúng ta lại tập trung đời sống đạo vào nhà thờ. Trái với những nhà thờ hầu như trống rỗng tại Tây phương, các nhà thờ Việt Nam chúng ta hầu như lúc nào cũng đông nghẹt người. Tuy nhiên, biết đâu những đám đông chật ních trong các nhà thờ ấy lại không là những con người có lối sống hoàn toàn xa lạ, hay ngược lại với giáo huấn của Giáo Hội và Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Biết đâu đám đông sốt sắng cầu kinh ra rả trong nhà thờ ấy lại chẳng là những con người không hề biết đến thế nào là công bình, là bác ái, là tình liên đới, là quảng đại, sợ chia sẻ lòng cảm thông và sợ tha thứ. Nói tắt một lời, nếu chúng ta chưa sống cho ra người thì sự hiện diện đông đảo trong nhà thờ, những lời cầu kinh ra rả, hay những cuộc biểu dương long trọng chưa hẳn đã là thể hiện đích thực của lòng tin.
Khi đến nhận phép rửa của Gioan tại sông Giordan, nghĩa là khi đến dìm mình trong dòng nước, Chúa Giêsu đã muốn thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể, Ngài muốn sống trọn thân phận con người mà thành phần tất yếu là cái chết. Qua cử chỉ này, Chúa Giêsu muốn nói lên sự vâng phục trọn vẹn với Chúa Cha, Ngài đón nhận cái chết như thể hiện tận cùng của tình yêu.
Sống như một con người như Chúa Giêsu đã từng sống, chính là sống yêu thương và yêu thương đến độ sẵn sàng thí ban mạng sống mình. Đức Chúa Cha đã gọi Đức Chúa Giêsu là Người Con chí ái đẹp lòng Ngài mọi đàng, bởi vì Chúa Giêsu đã sống trọn ơn gọi làm người của Ngài. Đây chính là ý nghĩa của phép rửa mà Chúa Giêsu đã thiết lập và ủy thác cho Giáo Hội qua phép rửa ấy. Người tín hữu Kitô được mời gọi để sống trọn thân phận làm người như chính Chúa Giêsu đã từng sống. Thật thế, chỉ trong Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy được thập giá và ơn gọi cao cả của con người. Chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới thấy được thế nào là sống cho ra người. Chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới hiểu thế nào là sống yêu thương.
Thập giá vừa là biểu hiện cái chết của Chúa Giêsu, vừa là dấu chứng tình yêu của Ngài. Với phép rửa chúng ta được ghi dấu Thánh Giá trên người, chúng ta làm dấu Thánh Giá mỗi ngày và biết bao nhiêu lần trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta treo Thánh Giá khắp mọi nơi, chúng ta đeo Thánh Giá trên người, và ước gì Thánh Giá ấy không chỉ là thứ trang sức trên ngực, trên cổ hay trên tai của chúng ta, mà phải là một nhắc nhở về tình yêu của Đấng đã yêu thương chúng ta đến độ thí ban mạng sống của Ngài cho chúng ta. Ước gì Thánh Giá luôn là động lực thúc đẩy chúng ta ngày càng sống cho ra người hơn.
Nguyện xin các thánh Tử Đạo Việt Nam, những người đã thà chết hơn là bước qua Thánh Giá để chối bỏ Chúa Giêsu, nay nguyện giúp cho chúng ta để chúng ta được luôn luôn trung thành với đức tin, thể hiện đức tin ấy bằng cuộc sống chứng tá, đó là giá trị của Tin Mừng.
Suy Niệm 10: Lời chứng của Gioan
(‘Cùng Nhau Suy Niệm’ – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)
Có ai đó đã nói rằng: "Thà thắp lên một ánh nến còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối". Lời này thật đúng vào thời Chúa Giêsu tại thế. Lúc đó dân tộc Israel đang sống trong bóng tối lầm than, đoạ đầy. Họ ao ước Đấng cứu tinh sẽ tới để giải thoát họ khỏi kiếp nô lệ cho ngoại bang. Họ chờ mong Đấng cứu tinh sẽ đến để xoay chuyển vận mạng cho dân tộc và cho chính bản thân của từng người khỏi kiếp sống lầm than. Và một tia hy vọng đã bừng sáng lên khi Gioan xuất hiện. Ông xuất hiện như một nguời hùng của dân tộc, như một nhà cách mạng giải cứu cho dân tộc. Ông đưa ra một phương thế có thể thay đổi vận mạng dân tộc: đó là hãy ăn năn sám hối, hãy trở về với Thiên Chúa Giavê và hãy trung thành với giao ước của Người. Đó cũng là cách để tránh khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa vì: "cái rìu đã kề sẵn gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị đốn chặt đi". Vì ngày thanh luyện trần gian đã đến. Thiên Chúa sẽ dùng nia mà sàn lọc, phân loại tốt xấu. Kẻ tốt sẽ được trọng thưởng, kẻ xấu sẽ bị quăng vào lửa trầm luân muôn đời.
Lời rao giảng của Gioan đã thức tỉnh lương tâm hàng vạn, hàng vạn người. Người ta thấy trong số đông lũ lượt kéo xuống dòng sông Gioađan năm ấy để lãnh phép rửa có đủ mọi thành phần. Từ anh chàng cù bất cù bơ không cửa không nhà đến hạng quyền qúy cao sang, nhà cao cửa rộng. Từ những con người có chức có quyền đến hạng dân đen thấp cổ bé miệng đều cảm thấy mình cần phải sám hối hầu tránh khỏi cơn thịnh nộ của trời đất, của Đấng tạo thành.
Dòng sông hôm ấy dường như náo nhiệt hơn mọi ngày, vì dòng người tấp lập, vì những lời bàn tán xôn sao về ngày thanh luyện trần gian đã tới. Nhưng một sự kiện còn làm họ bàng hoàng kinh ngạc hơn nữa, khi bầu trời trong sáng lạ thường hơn, cửa trời như được mở toang. Ánh sáng từ trời đã tập trung vào một con người đang nài xin Gioan làm phép rửa cho mình.
Gioan đã lưỡng lự, phân vân, vì ông biết đây chính là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội gian trần. Ông không hiểu nổi tại sao Con Thiên Chúa, Đấng thánh thiện vô cùng lại cần đến phép rửa của ông. Ông tự biết mình đâu xứng đang cởi dây giầy cho Người thì làm sao ông có diễm phúc đổ nước trên đầu một con chiên không tỳ vết, chính là Thiên Chúa của ông. Nhưng rồi, ông đã vâng lời để đổ nước cho Đấng mà bản thân ông phải nhỏ bé đi để Người được lớn lên trong ông. Tức thì ông nghe một tiếng nói từ trời phán ra. Không phải là tiếng xót xa tìm kiếm ngày nào của Giavê khi Adam lẩn trốn vì phạm tội. "Ađam - Ađam ngươi đang ở đâu?". Đó cũng không phải là lời luận tội vì tội Ađam mà luỵ đến con cháu muôn đời. Nhưng đó là lời giao hoà của Thiên Chúa với con người: "Đây là con Ta yêu qúy, hãy nghe lời Người".
Kính thưa, quý Ông Bà Anh Chị Em
Ngày chúng ta lãnh nhận phép rửa tội, là ngày chúng ta được nhận làm con yêu qúy của Thiên Chúa. Qua cha mẹ và những người đỡ đầu, ánh sáng của đức tin đã được thắp lên trong cuộc đời chúng ta. Nhưng liệu với tuổi đời chồng chất theo thời gian năm tháng. Ta có còn là con yêu qúy của Thiên Chúa và Thiên Chúa có hài lòng về cuộc sống của ta hay không? Hay ta đã bán đi tất cả gia sản của cha mình để buông mình trong những đam mê lầm lạc, trong bóng tối của sa đoạ, tội lỗi, trong những hư danh của trần gian và khước từ ân huệ là con của Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm nay không chỉ mời gọi chúng ta gìn giữ ân huệ cao cả được làm con Thiên Chúa mà còn mời gọi chúng ta hãy trở thành một Gioan cho thời đại hôm nay.
Thế giới hôm nay rất cần một con người như Gioan để thức tỉnh nhân loại hãy ăn năn sám hối, hãy trở về với Thiên Chúa hòng tránh cơn thịnh nộ của Đấng tạo hoá chí công.
Thế giới hôm nay rất cần một con người như Gioan dám hy sinh vì chân lý, vì tin mừng cho dù phải trả giá bằng sự nghèo đói, đoạ đầy và cả tính mạng của mình.
Thế giới hôm nay rất cần một con người như Gioan để giới thiệu Chúa cho tha nhân, ngõ hầu muôn dân khắp mặt đất cùng một tâm tình, một ước nguyện, một lời kinh dâng lên Đấng tạo thành trời đất và muôn vật. Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết khiêm tốn để Chúa được tỏ hiện trong đời sống của chúng ta. Amen.
Suy Niệm 11: Con yêu dấu
Có một người bị rơi xuống hố sâu, tối tăm. Anh cố gắng trèo lên, vượt ra khỏi cái hố, nhưng lại bị tụt xuống. Tình cờ Đức Khổng Tử đi tới. Ngài nhìn xuống hố thấy anh bèn thương hại bảo: “Thật tội nghiệp cho con, nếu con chịu khó nghe lời ta dạy bảo, con đâu bị rơi xuống hố như vậy”. Nói rồi ngài lại tiếp tục bước đi. Sau đó Đức Phật Thích Ca đi đến. Ngài cũng nhìn xuống hố thấy anh và nói: “Thật tội nghiệp cho con, nếu con leo lên được trên này, ta sẽ giúp con”. Nói rồi ngài lại tiếp tục bước đi. Sau cùng Chúa Giêsu xuất hiện. Ngài nhìn xuống hố rồi nói: “Thật tội nghiệp cho con!” Rồi Ngài nhẩy xuống hố, nâng anh lên, và giúp anh trèo ra khỏi cái hố.
Qua phép rửa, Chúa Giêsu bước xuống dòng sông Giođan, biểu tượng cho chiều sâu của tội lỗi và sự chết, để cứu nhân loại.Đức Giêsu không cần phải chịu phép rửa vì Ngài là Thiên Chúa, nên không có tội. Hơn nữa Ngài lại tràn ngập ơn Chúa Thánh Thần ngay từ lúc đầu thai trong lòng Đức Maria. Tuy nhiên qua phép rửa, bằng sự dìm mình trong dòng nước sông Giođan:
Ngài chấp nhận và bắt đầu sứ mạng người đầy tớ đau khổ của Ngài. Ngài tự xếp mình vào số những tội nhân, và Ngài đã là “Chiên con của Thiên Chúa xóa tội trần gian”. Ngài đã làm trước kỳ hạn cuộc “rửa” bằng cái chết đẫm máu của mình… vì tình yêu, Ngài đã ưng nhận phép rửa của sự chết để tha thứ tội lỗi của chúng ta.
Ngài đã nêu gương sáng về nhân đức khiêm nhường, và đã khởi sự sứ mạng phục vụ đối với những người nghèo khổ, bị bỏ rơi, và tật nguyền.
Ngài đã bày tỏ “sự hư vô hóa bản thân mình” để trọn vẹn vâng phục thánh ý Chúa Cha trong sứ mạng Thiên Sai. Vì thế, Chúa Cha đã lên tiếng nói rằng Ngài rất thỏa lòng về Con của Ngài. Đây là dấu hiệu bề ngoài chứng thực rằng Chúa Giêsu đã được chỉ định là Đấng Cứu Thế của nhân loại. Và bây giờ, Ngài sẵn sàng cho sứ mệnh của một Đấng Thiên Sai.
Nhân ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chúng ta suy nghĩ về phép rửa tội của chúng ta. Nhà chú giải Thánh Kinh nổi tiếng Raymond E. Brown, đồng thời cũng là thần học gia, đã đưa ra nhận xét: “Ngày một người được nhận bí tích Thanh tẩy thì quan trọng hơn ngày người đó được truyền chức linh mục hay giám mục”.
Theo giảng huấn của Công đồng Vatican II, phép rửa tội đã sát nhập chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô, để trở nên giống Ngài, và tham dự vào các chức vụ của Chúa Kitô: tư tế, tiên tri và vương giả.
Sách Giáo lý Công giáo số 1213 cũng nói lên sự quan trọng của phép rửa tội như sau: “Bí tích Rửa tội là nền tảng của tất cả cuộc sống Kitô giáo, là cửa mở vào sự sống trong Chúa Thánh Thần, và là lối dẫn vào các bí tích khác. Nhờ phép rửa tội, chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi, được sinh lại làm con của Thiên Chúa, được trở thành các chi thể của Chúa Kitô, được gia nhập vào thân thể Giáo Hội và tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội. Phép rửa tội là bí tích của sự sinh lại bởi nước và trong Lời Chúa”.
Thường thường được lãnh phép rửa tội từ khi mới sinh, chúng ta dễ bị quên đi ý ngĩa sâu xa về tầm mức quan trọng của bí tích này. Đồng thời cũng đã không có cơ hội trải qua những kinh nghiệm nội tâm của ơn gọi được tái sinh, những cảm nghiệm về ơn phúc được mời gọi làm con cái Thiên Chúa, và cái giá phải trả khi quyết định lãnh phép rửa tội.
Qua Bí tích Rửa tội, mỗi người Kitô hữu đã được Thiên Chúa nhận làm con cái của Ngài rồi. Nhưng ước gì trong đời sống chứng nhân của người Kitô hữu chúng ta cũng cảm nghiệm được tiếng Thiên Chúa Cha phán riêng với chúng ta rằng: “Nầy là con yêu dấu của Ta, con đẹp lòng Ta”.
Suy Niệm 12: Làm chứng
Câu chuyện đã xảy ra cách đây khá lâu. Ngôi thánh đường nhỏ bé trong một thị xã của vùng Trung Tây Hoa Kỳ đã xưa cũ, cần phải được sửa chữa lại, nhất là ngọn tháp. Cây thánh giá trên đỉnh ngọn tháp này phải được hàn lại cho chắc chắn để chịu đựng nổi sức gió thổi và sự xoi mòn của nắng mưa sương tuyết. Nhưng giàn ráo không thể bắc lên cao cho tới cây thánh giá được, chỉ gần tới mà thôi. Có một công nhân lực lưỡng, cao ráo, vai u thịt bắp, sẵn sàng đứng chịu cho người thợ hàn leo lên vai của anh để làm việc. Việc làm này thật nguy hiểm cho tính mạng của cả hai người!
Từ bên dưới, đám đông nhìn lên nín thở. Sau cùng, công việc hàn lại cây thánh giá cũng hoàn tất. Người thợ hàn bò xuống khỏi đôi vai nở rộng và khỏe mạnh của anh công nhân. Rồi anh công nhân cũng chậm rãi leo xuống khỏi giàn ráo. Khi vừa xuống tới đất, anh nằm bật ngửa ra nền nhà. Đôi vai và hai cánh tay vạm vỡ của anh đầy những vết phỏng.
Cái gì đã xảy ra? Trong khi người thợ hàn lại cây thánh giá, những giọt kim loại nóng bỏng đã nhiễu xuống đôi vai và hai cánh tay của anh công nhân đang cố gắng giữ chặt lấy người thợ hàn. Mặc dù đau đớn và xót xa cực độ, nhưng anh đã không dám nhúc nhích. Bất cứ một phản ứng nào cũng có thể làm cho người thợ hàn ngã xuống và chết tại chỗ. Phải mất vài tuần lễ những vết phỏng mới được lành hoàn toàn.
Qua phép rửa tội, chúng ta cũng được gọi để làm chứng minh cho Tin Mừng. Làm chứng nhân cho chân lý đòi hỏi phải hy sinh, và đôi khi phải trả giá bằng chính mạng sống của mình như Gioan tẩy giả đã làm. Làm môn đệ của Đức Kitô phải thường xuyên đấu tranh với những khuynh hướng xấu nơi bản tính của con người, chống lại sự dữ, tội lỗi và ma quỉ. Đó là cuộc tử đạo kéo dài suốt đời người.
Trong cuốn “Tiếng Chim Ca”, cha Anthony De Mello, S.J. đã dùng dụ ngôn “Tiệm Bán Chân Lý” để nói lên cái giá phải trả của những người môn đệ theo Chúa Giêsu:
Tôi hoa mắt lên khi thấy tên cửa tiệm: “Tiệm Bán Chân Lý”. Cô bán hàng rất lễ phép: tôi muốn mua loại chân lý nào đây, toàn diện hay từng phần – phiếm diện? Chân lý toàn diện, dĩ nhiên rồi. Đối với tôi, nhất định không có lừa bịp, không có khống chế, không có giải thích quanh co. Tôi muốn chân lý của tôi phải thuần khiết và minh bạch. Cô bán hàng vẫy tay ra hiệu chỉ cho tôi phía đằng kia tiệm sách.
Cậu bán sách ở đó lấy ngón tay chỉ cái nhãn hiệu có ghi giá cả. Cậu ta nói: “Thưa ông, giá rất đắt”. Tôi hỏi: “Giá bao nhiêu?” Vì tôi cương quyết mua cho bằng được cái chân lý toàn diện, cho dù phải trả bằng bất cứ giá nào. Cậu trả lời: “Thưa ông, giá của sự an toàn của ông đấy “. Tôi ra khỏi tiệm với con tim nặng trĩu. Tôi đang cần sự an toàn cho những niềm xác tín bất khoan nhượng của tôi.
Vì làm chứng nhân cho chân lý nên thánh Gioan Tẩy giả đã bị chém đầu, Chúa Giêsu đã phải chết trên cây thập giá. Phải trả bằng giá của mạng sống, vì thế Chúa Cha đã phán: “Nầy là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta”.
Qua Bí tích Rửa tội, mỗi người Kitô hữu đã được Thiên Chúa nhận làm con cái của Ngài rồi. Nhưng ước gì trong đời sống chứng nhân của người Kitô hữu chúng ta cũng cảm nghiệm được tiếng Thiên Chúa Cha phán riêng với chúng ta rằng: “Nầy là con yêu dấu của Ta, con đẹp lòng Ta”.
Suy Niệm 13: Con Thiên Chúa
Ngày kia, có một ông vua đi săn trong rừng, bỗng dưng ông nghe thấy tiếng khóc của trẻ thơ. Ông đi tới và thầm nghĩ: - Chắc hẳn em nhỏ bất hạnh này bị cha mẹ bỏ rơi.
Ông ẵm đứa nhỏ lên, đem về hoàng cung, tắm rửa và mặc cho những bộ quần áo đẹp.
Khi em bé lớn lên, ông đã nói với em:
- Kể từ nay, ta sẽ gọi ngươi là con của ta và ngươi sẽ gọi ta là ba của con.
Có lẽ chúng ta ngạc nhiên về lòng thương xót của ông vua, nhưng nếu suy nghĩ về bí tích Rửa tội, chúng ta còn phải ngạc nhiên hơn nữa.
Thực vậy, em nhỏ mặc dù được gọi nhà vua là cha, nhưng trong huyết quản em vẫn không có lấy được một giọt máu của hoàng tộc. Thực tế em vẫn chỉ là con của một kẻ nghèo túng.
Nhưng đối với chúng ta thì khác, nhờ dòng nước rửa tội, chúng ta được tẩy sạch khỏi mọi vết nhơ tội lỗi đã đành, mà hơn thế nữa chúng ta còn được mặc lấy tấm áo ơn sủng. Thiên Chúa thông ban cho chúng ta sự sống của Ngài, để khi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, thì đó không còn là một danh từ trống rỗng và vô nghĩa, nhưng là một sự thật:
- Thiên Chúa là Cha chúng ta và chúng ta là con của Ngài.
Chúng ta hãy vui mừng và cảm tạ Thiên Chúa đã dành cho chúng ta một địa vị cao cả như thế, và nhất là hãy cố gắng sống cho xứng đáng với địa vị cao cả ấy.
Có một cậu bé hoàng tử chẳng may bị bọn cướp bắt cóc. Sau khi đã lấy hết những thứ quí giá trên mình, chúng trói câu vào một gốc cây. Nhưng may thay có một bác tiều phi đi ngang qua, đã cởi trói và đem cậu về nhà nuôi.
Nhiều năm sau, nhân một cuộc đi săn, vua cha đã dừng chân trước căn nhà nhỏ bé của bác tiều phu. Bác tiều vui rất lấy làm vinh dự được dẫn những đứa con của mình ra trình diện nhà vua. Khi đến cậu hoàng tử, bỗng nhà vua xúc động mạnh. Ông thầm nghĩ:
- Phải chăng đây chính là hoàng tử, con ta đã bị bắt cóc.
Ông hỏi bác tiều phu về gốc gác cậu bé và nói:
- Nếu ở bên vai phải có dấu ấn ta đã ghi, thì đúng là hoàng tử.
Với bàn tay run run, ông vạch chiếc áo và mừng rỡ kêu lên: - Trời ơi, con ta.
Và cậu bé cũng kêu lên: - Ba ơi.
Làm sao chúng ta có thể hiểu được sự đổi thay trong lòng cậu bé. Từ trước đến giờ, cậu cứ tưởng mình là con bác tiều phu nghèo nàn với quần áo rách rưới và nhà cửa xiêu vẹo. Bỗng chốc cậu nhận ra mình là hoàng tử, được sinh ra tại hoàng cung và thuộc hoàng tộc.
Kể từ nay, dù ở bất cứ nơi nào và làm bất cứ việc gì, cậu đều ý thức mình là một hoàng tử, là con của đức vua, nhờ đó cậu luôn có được những lời nói và những cử chỉ xứng hợp.
Với chúng ta cũng vậy. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con Thiên Chúa, thế nhưng chúng ta có ý thức được địa vị cao cả ấy không?
Người nào ý thức về địa vị cao cả ấy sẽ không bảo:
- Tôi đi nhà thờ.
Nhưng nói: - Tôi đi gặp gỡ và tâm sự với Chúa, bởi vì cầu nguyện chính là lúc người con thố lộ tâm tình với cha mình.
Đây là một việc làm kỳ diệu và tuyệt vời,bởi vì một con người tầm thường và xấu xí như chúng ta mà lại được tiếp xúc, trò chuyện với Thiên Chúa.
Một người luôn ý thức về địa vị cao cả ấy, thì dù có làm việc gì cũng không baso giờ quên Thiên Chúa là cha của mình. Người ấy sẽ luôn thầm nhủ:
- Tôi sẽ làm vui lòng Cha tôi ở trên trời.
Khi chiêm ngắm những cảnh sắc hùng vĩ của thiên nhiên, người đó sẽ nghĩ ngay đến Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên tất cả.
Nhờ đời sống ơn sủng được chuyển thông qua bí tích Rửa tội, chúng ta trở nên con Thiên Chúa. Địa vị cao cả này đòi buộc chúng ta ở mọi nơi và trong mọi lúc phải có những lời nói và những việc làm thích hợp.
Bởi đó, phải sống làm sao cho xứng đáng với địa vị cao cả ấy, để rồi trong ngày sau hết, Thiên Chúa sẽ nói về chúng ta như ngày xưa Ngài đã nói về Đức Kitô bên bờ sông Giócđan:
- Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng.
Suy Niệm 14: Hoàng đế cầu nguyện - Hoàng đế chịu phép rửa
Tại một thành phố bên Tiệp Khắc, giữa những di tích cổ người ta thấy có một chiếc cầy từ thế kỷ 18. Người ta truyền tụng câu truyện như sau: Một hôm Hoàng đế Josephh II cùng đoàn tùy tùng đến viếng thăm một ngôi làng trong vùng. Đi qua một cánh đồng, Hoàng đế thấy một nông dân đang ngồi nghỉ mệt bên một chiếc cầy. Ông đến trò chuyện với người nông dân và xin được cầy thử vài luống.
Người nông dân rất đỗi ngạc nhiên vì có một người sang trọng lại xin tra tay vào cầy và ông phá lên cười khi thấy những luống cầy vụng về. Với tất cả thành thực, người nông dân lắc đầu và nói: "Xin lỗi ông, hạng người như ông thì làm sao có thể tra tay vào cày để kiếm sống được". Nghe thế, một người trong đoàn tùy tùng mới nói nhỏ cho người nông dân biết người đang cầm chiếc cầy của ông chính là Hoàng đế. Lập tức, người nông dân như muốn độn thổ, ông không thể tưởng tượng được một vị Hoàng đế lại có thể tra tay vào cầy của ông.
Sự hạ cố của vị Hoàng đế làm cho người nông dân cảm động, thán phục đến nỗi kể từ đó ông không sử dụng đến chiếc cầy ấy nữa; ông lau chùi và đánh bóng nó, rồi cất giữ một cách trân trọng như một báu vật. Về sau chiếc cầy này được mang đến trưng bày tại một cuộc triển lãm ở Vien, Áo quốc.
Sự việc Chúa Giêsu chịu phép Rửa cũng thật khó hiểu và khó chấp nhận như mầu nhiệm Thập giá. Nên ông Gioan là người đã biết Chúa Giêsu Kitô là ai, ông liền can ngăn Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép Rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi". Ở đây, Chúa Giêsu muốn chịu phép Rửa của Gioan để nhìn nhận công việc này là do Thiên Chúa như là sự chuẩn bị cuối cùng đưa vào thời đại Messia, giai đoạn mà Chúa bước vào cuộc đời công khai ra đi rao giảng ơn cứu độ. Đức Kitô biết rằng có thi hành ý muốn của Thiên Chúa Cha trong việc này, thì Ngài mới lập nên được nền công chính mới, đất trời mới đã giao hòa. Chính Thần khí xức dầu cho Đức Giêsu, tấn phong Người làm Đấng Messia với Lời của Thiên Chúa Cha ban tặng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người".
Chúng ta thấy trong suốt cuộc đời của Người, Ngài đã tự coi mình như "Con Người đến để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người". Ngài muốn tham dự vào cuộc sống của con người, muốn nói rằng Con Thiên Chúa đã thực sự đến trần gian và đã hạ mình xuống lãnh nhận Phép Rửa từ một người.
Những thái độ khiêm hạ của vị Hoàng đế trần gian và Hoàng đế Nước Trời đã làm cho dân chúng cảm phục và ngưỡng mộ khi họ nhận ra đó là một người có uy quyền trong một nước và một Vua cao trọng hơn hết các vua ở trần gian này. Một cử chỉ cao đẹp của Chúa đã làm cho cửa Trời mở ra, ơn trời tuôn đổ, ơn cứu độ được trao ban và loan truyền.
Lạy Chúa, chúng con là những người đã được lãnh nhận phép Rửa tội và từ ngày đó chúng con được tham dự vào hàng tư tế, bậc vương giả và ơn tiên tri. Xin giúp chúng con biết nhận ra những hồng ân cao cả đó để chúng con luôn vang lời ca cảm tạ, hăng say rao giảng Tin Mừng cứu độ và vui vẻ phục vụ Chúa trong hết mọi người qua các đặc ân trên.
Suy Niệm 15: Này con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa. Chúng ta biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngài là Đấng vô tội và luôn trung thành chu toàn thánh ý Chúa Cha trong suốt cuộc đời trần thế. Vậy mà tại sao Chúa Giêsu lại chịu phép Rửa bởi Gioan ở sông Giođan? Bởi vì Chúa Giêsu không tự cho mình cao trọng vượt trên người khác, Ngài muốn chứng tỏ cho chúng ta biết rằng Ngài luôn luôn liên đới với hết mọi người, bằng cách sống trung thành với lề luật và chia sẻ thân phận làm người trong mọi chiều hướng.
Sau khi Chúa Giêsu chịu phép Rửa, Ngài liền thấy trời mở ra và Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài.
Những hình ảnh "trời mở ra và Thánh Thần như chim bồ câu" có thể làm chúng ta ngạc nhiên, bởi vì thế hệ chúng ta ngày nay thích những gì có tính cách khoa học hơn là những câu văn bóng bảy nên thơ.
Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta đành chối bỏ sự hiện hữu của Thần Linh Thiên Chúa, luôn kết hiệp với Đức Kitô và cũng rất cần thiết cho cuộc đời của chúng ta. Ngay từ thuở khai thiên lập địa, Thần linh Chúa bay là trên mặt nước, giờ đây Người cũng hiện diện lúc Chúa Giêsu chịu phép Rửa.
Đồng thời, hình ảnh "trời mở ra" mang đầy ý nghĩa: các tầng trời bị che lấp bởi tội lỗi của nhân loại, giờ đây được mở ra trước mặt Đấng Cứu Thế để Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Đấng mà Thiên Chúa Cha yêu thương và gọi là "Con yêu dấu". Chúa Giêsu là Đấng đến để làm cho trần gian chúng ta đang bị khép kín vì tội lỗi phải mở toang ra để đón nhận ơn cứu độ.
Từ nay, nhờ phép Rửa của Chúa Giêsu, Thiên Chúa không còn là xa lạ, mà rất gần gũi nhân loại, đất với trời thông đạt với nhau, thiên đình và hạ giới không còn cách biệt. Những gì Chúa Giêsu đã sống như là Con yêu dấu duy nhất của Chúa Cha, thì loài người chúng ta cũng đang được mời gọi sống đúng như là con cái của Thiên Chúa.
Thông thường, sống trong hoàn cảnh xã hội thiêng liêng về vật chất, chúng ta hay có những cái nhìn thật phàm trần. Thế giới tân tiến ngày nay đe dọa đánh đổ nhân cách con người và nhìn con người trong chiều kích vật chất trần tục: hạnh phúc, tương lai, và sự cứu độ chỉ nằm trong kỹ thuật. Ví dụ: Muốn có người yêu hãy dùng loại nước hoa này, muốn giữ gìn sắc đẹp và trị các vết nhăn hãy thoa loại kem kia, muốn giàu sang hạnh phúc nên dùng phương thức nọ... nên bảo vệ môi sinh thì chúng ta sẽ sống lâu bền... hãy thay đổi quy chế xã hội thì chúng ta sẽ sống ấm no hạnh phúc v..v..
Những điều trên đây không phải là không đúng, nhưng rất hạn hẹp và giảm giá trị con người trong tầm mức vật chất, quên đi đức tính siêu việt.
Chính vì đắm chìm trong thế giới kỹ thuật vật chất trần tục, mà có nhiều người vẫn tiếp tục sống coi như là không có Thiên Chúa, sống mà không biết rằng nhờ Đức Giêsu Kitô, mọi người đều là con Thiên Chúa.
Chúng ta thử nghe câu chuyện nầy:
Dũng, một thanh niên 15 tuổi, đang học đệ tam, hỏi cha mẹ:
- Con đã được Rửa tội chưa?
Cha mẹ trả lời là chưa.
- Vậy thì ba má?
- Có chứ, và còn đi học giáo lý nữa, rồi còn làm đám cưới ở Nhà thờ nữa kia.
- Vậy tại sao ba má không xin Rửa tội cho con?
- Vì muốn con tự do lựa chọn.
- Nhưng mà làm sao biết lựa chọn, khi con không hiểu một tí gì về Thiên Chúa, phải biết mới lựa chọn được chứ!
Qua câu chuyện nầy, chúng ta thấy trong những năm gần đây, có những bậc phụ huynh, theo trào lưu Âu Mỹ hiện đại, viện cớ là vì tôn trọng tự do của đứa bé, để sau này nó tự quyết định, nên không đưa đứa bé đi Nhà thờ Rửa tội.
Ý hưởng tôn trọng tự do này được coi như đúng với điều kiện là khi lớn khôn, đứa bé phải có đủ phương tiện học hỏi, có người hướng dẫn giúp nó hiểu biết và suy nghĩ để định đoạt... bằng không thì thật nguy hại, vì đó là chính sách san bằng đoản hậu.
Làm sao đón nhận Thiên Chúa khi mà chưa được nghe nói đến Ngài? Tại sao một đàng chúng ta lại tự quyết định thay cho đứa bé bằng cách ghi danh cho nó học môn này chương trình nọ (piano, tennis v...v...) và đàng khác ta lại nói là để cho nó tự do lựa chọn. Thật là mâu thuẫn! Chúng ta đừng quên rằng đạo lý và tôn giáo không phải là việc riêng tư, nhưng có cả tầm vóc xã hội, sự chối từ đường hướng đạo đức sẽ là nguồn gốc cho sự bạo động và khước từ người khác. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi thấy thế hệ trẻ ngày nay hoặc thiếu lý lẽ sống hoặc sống trong bạo động...
Chính vì vậy mà mỗi người chúng ta cần phải nói với những người khác rằng "tất cả chúng ta không phải là con cái của tăm tối, mà chúng ta được sinh ra để nhận biết Thiên Chúa và đón nhận hồng ân của Ngài, nhờ đó chúng ta có một cuộc sống hoàn hảo, vì chúng ta là con cái của Thiên Chúa."
Những bài Phúc âm không phải là những chuyện cổ tích thuộc về quá khứ, nhưng luôn mang tính cách hiện tại, chính hôm nay, bởi lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa mà các tầng trời sẽ mở ra cho chúng ta, để Thần Linh Chúa ngự xuống trên từng người một và được nghe tiếng Chúa Cha vang dội: "Này là con yêu dấu của Ta. Ta đặt trọn vẹn yêu thương trên ngươi".
nguon:http://gplongxuyen.org/News