Chúa Nhật 06/05/2018 – Chúa Nhật tuần 6 Phục Sinh năm B. – Yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con.

 Chúa Nhật 06/05/2018 – Chúa Nhật tuần 6 Phục Sinh năm B. – Yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con.

"Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình".

 

Lời Chúa: Ga 15, 9-17

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.

Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn.

Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con.

Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình.

Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết.

Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là các con hãy yêu mến nhau".

 

1. Yêu thương anh em

Ở mọi nơi và trong mọi lúc, các tôn giáo thường chỉ quan tâm tới mối liên hệ giữa Thượng Đế và con người. Còn mối liên hệ giữa con người với con người, nếu không bị bỏ quên, thì cũng bị coi nhẹ. Bởi vì tự bản tính loài người, chúng ta ai cũng ích kỷ chỉ lo cho mình mà thôi.

Thế nhưng với Chúa Giêsu thì khác, Ngài đã lập lại thế quân bình giữa hai mối liên hệ: giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Thật vậy, khi người ta hỏi Ngài xem điều răn nào là điều răn quan trọng nhất, thì Ngài đã xác quyết: Mến Chúa và yêu người, cả hai đều giống nhau, nghĩa là có giá trị bằng nhau.

Hơn thế nữa, với Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta có cảm tưởng như Chúa Giêsu chỉ chú trọng điều điều răn thứ hai mà Ngài gọi là điều răn mới. Ngài nói đây là điều răn của Thầy: Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con. Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống của mình vì bạn hữu. Thực ra Chúa Giêsu không có ý bảo chúng ta rằng: Từ nay khỏi cần phải nghĩ tới chuyện kính mến Thiên Chúa, chỉ cần yêu thương anh em mà thôi. Nhưng sở dĩ Ngài không nói tới lòng kính mến đối với Thiên Chúa là vì mọi tình yêu thứ thiệt điều bắt nguồn từ Thiên Chúa, vì Ngài chính là Tình yêu.

Nước chảy phải có nguồn. Chặn nguồn lại thì nước sẽ không thể chảy xuống sông ngòi mà đi vào ruộng đồng. Với niềm tin, chúng ta thấy nếu không có lòng kính mến đối với Thiên Chúa, thì cũng không thể có tình yêu thương đối nhau thực sự được. Bởi thế, trong điều răn mới đã bao gồm điều răn thứ nhất rồi.

Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Bản chất của tình yêu ấy luôn luôn là trong sạch, vui tươi và viên mãn. Thế nhưng khi vào đời, tình yêu ấy cũng như dòng nước chảy, nhiều khi uốn khúc quanh co, nhiều khi đụng phải những chướng ngại vật và phải chảy qua cả những chỗ sình lầy dơ bẩn. Nhưng cuối cùng, thì chính tình yêu sẽ thanh tẩy tất cả, sẽ biến đổi tất cả, để rồi hướng mọi dòng chảy, nghĩa là hướng mọi thứ tình yêu con người chảy vào lòng đại dương bao la là chính tình yêu của Thiên Chúa.

Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta tình yêu, để rồi nhờ chúng ta mà mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc sẽ được trở về với Thiên Chúa, bởi vì Ngài là Alpha và Ômêga, là khởi thuỷ và cùng đích của mọi tạo vật.

 

2. Yêu thương nhau

Những lời nói cuối cùng trong cuộc đời của một người thường là những lời nói tâm huyết, bộc lộ cả một tấm lòng chân thực. Chúa Giêsu cũng vậy, trước khi ra đi chịu chết, Ngài đã cùng với các môn đệ dùng bữa tối. Trong bữa ăn này, sau khi đã làm một cử chỉ đầy ý nghĩa, đó là quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, Ngài đã nói với các ông tất cả những gì cần nói.

Trong cuộc trao đổi này, Chúa Giêsu đã xác định các ông là những người bạn hữu của Ngài, bởi vì các ông được Ngài cho biết tất cả những gì Cha Ngài đã nói với Ngài. Cũng trong cuộc trao đổi ấy, Chúa Giêsu không ngừng lặp đi lặp lại với các môn đệ một lệnh truyền quan trọng, đó là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con.

Bằng chính cuộc đời của mình, Chúa Giêsu đã để lại cho các môn đệ mẫu gương sáng chói của tình thương yêu. Chính Ngài đã đi tới tận cùng của lòng thương yêu ấy như Ngài đã từng nói: Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người hiến mạng sống mình vì bạnhữu. Quả thực, nếu cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là chóp đỉnh tình thương yêu của Ngài đối với Thiên Chúa, thì cũng là chóp đỉnh tình thương yêu của Ngài đối với con người. Đó cũng chính là mẫu mực, chính là nền tảng cho tình yêu thương huynh đệ.

Hơn thế nữa, ở đây Chúa Giêsu còn đặt tình yêu thương giữa các tông đồ vào trong mạch thương yêu xuất phát từ Thiên Chúa: Như Cha đã yêu mến Thầy, thầy cũng yêu mến các con. Vậy các con hãy yêu mến nhau. Chính nhờ tình thương yêu này mà các môn đệ ở trong tình thương yêu của Chúa Giêsu, cũng như vì lòng thương mến các môn đệ, mà Chúa Giêsu ở trong tình thương của Chúa Cha.

Chúng ta có thể nói: với lệnh truyền này, Chúa Giêsu đã đưa các môn đệ đi vào cối lõi của chương trình cứu độ, tức là đưa mọi người vào lại trong tình thương của Thiên Chúa và trong tình thương yêu lẫn nhau. Hai vế của tình thương này không thể tách rời nhau như lời thánh Gioan đã khẳng định: Kẻ nói mến Chúa mà không thương người, thì chỉ là kẻ nói dối. Với lòng thương yêu này, các tông đồ sẽ được nếm thử niềm vui ơn cứu độ, đồng thời còn phản ảnh được lòng mến Chúa của chúng ta nữa như lời Chúa Giêsu đã phán: Nếu các con yêu thương nhau thì mọi người sẽ biết các con là môn đệ của Thầy.

Điều Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ ngày xưa, cũng là điều Ngài truyền cho chúng ta hôm nay. Đạo của Đức Kitô chính là đạo của tình thương, của lòng yêu mến. Tất cả mọi tổ chức, mọi lập trường, mọi quan điểm của Giáo Hội cũng như của chúng ta, nếu không thực sự phục vụ tình thương đều là những gì nằm ngoài Kitô giáo. Ngược lại, việc rao giảng Tin Mừng, và làm chứng tá cho Chúa một cách hữu hiệu nhất, không gì bằng thực hiện giới luật của Chúa, đó là hãy yêu thương nhau như chính Chúa đã yêu thương chúng ta.

 

3. Yêu mến – Lm. Giuse Phạm Quốc Phong

“Thầy đã nói với anh em … để niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,11)

Một ước muốn duy nhất và cũng là điều hạnh phúc nhất trong sâu thẳm con tim của mỗi người chúng ta, không có gì khác, đó chính là “yêu” và “được yêu”. Điều này đúng ngay cả đối với những người cứng cỏi và nguội lạnh nhất, những người bị đang bị tổn thương cũng như những người đang trong thất vọng, những người bi quan và mỏng giòn, ước muốn “cho đi” hay “lãnh nhận” “Tình Yêu” này hiện diện trong mỗi chọn lựa và trong từng nỗi đau đớn của chúng ta. Chúng mong ước yêu thật nhiều và được yêu thật nhiều, và rồi chúng ta đau khổ, bởi vì chúng ta không đạt được ước muốn đó: “yêu và được yêu”, mặc dù chúng ta đã cố gắng tìm đủ mọi cách thức để có được nó. Vậy thì làm cách nào chúng ta có thể yêu và được yêu?

Tin Mừng hôm nay của Thánh Gioan trả lời cho chúng ta rất rõ ràng câu hỏi ở trên. Tình yêu trước tiên đó là một tiến trình đón nhận Tình yêu của Thiên Chúa, chấp nhận để được yêu, ở lại trong tình yêu mà mình khám phá ra. Tình yêu do đó, trước là “ý thức” và rồi “cảm nhận”, sau đó “rung cảm” rồi đến “cảm xúc”. Chính những đặc tính đó làm thước đo cho tình yêu như thánh Tông đồ đã chỉ cho chúng ta. Chúng ta, và nhất là người trẻ ngày nay, thường hay hiểu lầm từ ngữ “Tình yêu”. Tình yêu không chỉ là “đam mê” và “dấn thân vào đam mê đó”, nó không chỉ là hương thơm của hoa Violet hay “niềm hạnh phúc vô tận”, nó không chỉ là “cảm nhận mình có giá trị” và được người nào đó “tìm kiếm” (một người tình, một người con, hay một người bạn). Tình yêu còn phải mang những thuộc tính: cụ thể và thực tại, mỗi ngày một cách đều đặn, mệt mỏi và lao nhọc, trung thành nhất là trong lúc khó khăn và thử thách, và có khỉ là “cuộc khổ nạn”. Tất cả những thuộc tính này, chúng ta đều tìm thấy nơi “Con Người” Giêsu một cách trọn vẹn.

“Hãy để cho chúng ta được yêu!” nhưng bằng cách nào? Thông thường tình yêu của chúng ta bị gián đoạn, có khi bị hủy diệt bởi sự chậm trễ hay đóng kín cõi lòng chúng ta, hoặc bởi sự mệt mỏi và tội lỗi của chúng ta. Tất cả những thứ này làm chúng ta mệt mỏi và xấu hổ với chính mình, sợ hãi và ngại ngùng trước Thiên Chúa. Chúng ta phải hiểu rằng: Thiên Chúa chỉ đòi hỏi chúng ta: hãy để cho chúng con được yêu, hãy để cho lòng Nhân Từ của Cha đến được với chúng con, hãy để cho Tình yêu của Cha đến và ở lại với chúng con trong sự quan phòng và sự hiện diện của Người. Đức Thánh Cha Phanxicô luôn nhắc nhở nhiều lần với chúng ta: “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha tội cho chúng ta, chỉ có chúng ta mới mệt mỏi khi phải đi hòa giải với Ngài mỗi khi chúng ta phạm tội, rằng lòng từ bi tha thứ của Thiên Chúa là Vô hạn lượng”. Và một cách tất yếu rằng: Tình yêu sẽ biến đổi chúng ta.

“Thầy đã nói với anh em … để niềm vui của anh em được nên trọn vẹn”. Chúa Giêsu mong muốn niềm vui, một niềm vui đích thực, một niềm vui tròn đầy. Kitô giáo là một tôn giáo của niềm vui: niềm vui vì càm nhận mình được yêu và có khả năng yêu. Có thể rất nhiều lần, chúng ta đã để mình đi vào con đường của sự buồn chán, lo lắng hay rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần. Những khó khăn, những vấn đề rắc rối, sự yếu đuối, sự đau khổ làm cho chúng ta chao đảo, và có khi làm chúng ta ngã quỵ. Chúng ta phải tự đặt ra câu hỏi để phản tỉnh: “vậy chúng ta được gì, nếu cứ mãi ở lại trong sự đau khổ và buồn bã đó”? Thiên Chúa sẽ biến đổi “sự than khóc của tôi thành điệu ca”, nghĩa là Ngài biến đổi và ban cho chúng ta niềm vui đích thật. “Hãy đến với Ta hỡi những ai đang mang gánh nặng nề, Ta sẽ bổ sức cho…” lời mời gọi yêu thương đầy thông cảm của Chúa Giesu phải là một lời nhắc nhở mỗi khi chúng ta cảm thấy chùng chân mỏi gối trên đường lữ thứ trần gian, và Lời ấy chính là Ngài, một Thiên Chúa luôn yêu thương và đồng hành với mỗi người chúng ta, một Thiên Chúa luôn cảm thông và tha thứ luôn luôn cho chúng ta, bởi vì Ngài muốn: “để niềm vui của anh em được nên trọn”.

 

4. Yêu như thầy yêu – Lm. Giuse Trịnh Ngọc Danh

Yêu và muốn được yêu là khát vọng ngàn đời của con người.

Nhưng… tình yêu phát xuất từ đâu? Thế nào là yêu và được yêu?

Thánh Gioan trong thư thứ nhất của ngài đã cho chúng ta biết: “Thiên Chúa là Tình yêu. Tình yêu bởi Thiên Chúa mà ra. Ai yêu thương thì sinh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa”.

Như thế nguồn gốc phát sinh ra tình yêu là Thiên Chúa. Ngài là người yêu thương chúng ta trước và chúng ta là người được yêu: “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta trước” và Ngài đã biểu lộ tình yêu ấy đối với chúng ta là Ngài “đã sai Con Một Ngài đến trong thế gian, để nhờ Người Con Một ấy mà chúng ta được sống”.

Về phần con người, nếu chúng ta yêu thương thì chúng ta mang bản chất của Thiên Chúa và chúng ta nhận biết Ngài là Cha yêu thương. Yêu thương là dấu chỉ để thế gian nhận biết chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Yêu Chúa, yêu người là hai giới răn quan trọng, tóm kết những giới răn khác. Như thế, là con cái Thiên Chúa, là Kitô hữu chúng ta phải có bổn phận biểu lộ bản chất yêu thương với Thiên Chúa và với mọi người.

Tình yêu của Thiên Chúa lan tỏa đến con người tựa như một cây nho mà gốc và thân cây nho là Thiên Chúa và cành nho là con người như lời Thầy Giêsu đã nói: “Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng…anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga. 5:1, 5). Chúa Cha yêu thương Chúa Con bằng nhựa yêu thương là Chúa Thánh Thần thúc đẩy và nuôi dưỡng cây nho lớn mạnh và phát triển sinh nhiều hoa trái: “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga. 15: 9) và “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga. 15: 12)

Nhưng chúng ta phải yêu Thiên Chúa, yêu con người như thế nào?

Hôm nay, qua đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan (Ga. 15: 9-17), Thầy Giêsu đã đưa ra cho chúng ta một mẫu gương yêu thương: Yêu như Thầy yêu.

Để cho cây nho yêu thương phát triển và lớn mạnh và sinh nhiều hoa trái, thì cả thân lẫn cành phải ở lại, phải gắn liền, phải liên kết từ gốc đến cành bằng nhựa yêu thương, phải chịu cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái,tức là tuân giữ lệnh truyền, tuân giữ giới răn mà tình yêu đòi hỏi, và hy sinh mạng sống vì người mình yêu.

Khi yêu, không ai lại muốn đem điều xấu, điều bất hạnh đến cho người mình yêu. Hơn thế, Thiên Chúa là tình yêu, là Cha nhân lành thì chắc chắn không bao giờ Ngài bắt con người tuân giữ những lệnh truyền, những giới răn đưa con người đến bất hạnh và khổ đau; còn hơn thế, Chúa Cha đã hy sinh Người Con Một yêu dấu mình, Chúa Con đã hy sinh mạng sống cho người mình yêu.

Như Cha Thầy yêu Thầy, Thầy Giêsu cũng yêu thương anh em.

Như Thầy yêu thương anh em, anh em hãy yêu thương nhau.

Tình yêu Chúa Cha và Chúa Con đã lan phát sinh ra tình yêu con người và từ tình yêu con người lại lan toả ra tình yêu giữa con người với con người.

Thầy đã thể hiện tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha bằng “đã tuân giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong tình yêu của Ngài”.

Chúng ta không biết Chúa Cha yêu Chúa Con đến mức độ nào, nhưng qua lời công bố của Chúa Cha: “Này là Con Ta rất yêu dấu và đẹp lòng ta, các con hãy vâng nghe lời Ngài” và qua lời xác nhận của Thầy Giêsu: “Thầy yêu anh em như Cha Thầy yêu Thầy”, chúng ta tin Chúa Cha và Chúa Con yêu thương nhau rất thắm thiết, yêu nồng nàn, yêu chứa chan hơn bất cứ một tình yêu nào khác!

Chúa Con đã yêu thương Chúa Cha bằng vâng theo ý Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được thì cho con khỏi uống chén đắng này, nhưng không theo ý con mà xin theo ý Cha”.

Vâng theo ý Cha là tuân giữ lệnh truyền của Cha, thực thi ý muốn của Cha, và như thế là làm đẹp lòng Cha và ở lại trong tình yêu của Ngài: Chúa Giêsu đã chấp nhận xuống thế làm người, chịu đau khổ,chịu chết để đem con người vào cõi phúc trường sinh. Đó là tình yêu của Thầy Giêsu dành cho con người. Đến lượt chúng ta, chúng ta lại yêu thương nhau nhưThầy đã yêu thương chúng ta.

Theo gương của Thầy Giêsu, chúng ta lại phải yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng ta, mà muốn yêu thương anh em, chúng ta phải ở lại trong tình yêu của Thầy như Thầy ở lại trong tình yêu của Cha Thầy và muốn ở lại trong tình yêu của Thầy, chúng ta lại phải giữ giới răn Thầy truyền dạy: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến ngưới ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga. 14,23-24), và hy sinh mạng sống mình vì anh em. Hy sinh mạng sống mình vì anh em là biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người, là đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…. Hy sinh mạng sống vì người mình yêu là tột đỉnh của tình yêu: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu mình”. (Ga. 15,13)

Khi chúng ta yêu Thiên Chúa là chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, là anh em cùng một Cha, nhưng khi chúng ta cùng Chúa Cha và Chúa Con yêu thương đồng loại, yêu thương những người chưa nhận biết Thiên Chúa, thì chúng ta đã trở thành môn đệ, là bạn hữu như lời Thầy Giêsu đã nói: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga. 15,15).

Xin kể một câu chuyện về bạn hữu ở đời thường như sau:

Bão Thúc (tức Bão Thúc Nha, còn có tên là Bão Tử, người tài giỏi việc nước của nước Tề) đã cắt cử Quản Trọng cho Hoàn Công dùng. Quản Trọng tên thật là Di Ngô, người nước Tề, một tướng giỏi.

Bão Thúc chết, Quảng trọng thương tiếc, khóc như mưa, ướt đầm cả vạt áo. Có người hỏi:

- Ông với Bão Thúc không phải là người họ hàng thân thích, sao ông thương tiếc ông ta quá vậy?

Quản Trọng giải thích:

- Ngươi không rõ ngọn ngành đâu! Để ta nói cho mà nghe. Ta lúc nhỏ khốn khổ, thường buôn bán chung với Bão Thúc; lúc chia lãi, bao giờ ta cũng lấy phần hơn, nhưng Bão Thúc không cho ta là tham, biết ta gặp cảnh túng bấn không biết xoay xở thế nào cho đủ tiền để tiêu dùng nên mới làm thế. Ta ở chỗ chợ búa thường hay bị lắm kẻ bắt nạt, Bão Thúc không coi ta là người hèn nhát, nhưng biết ta rộng lượng, không chấp những điều người ta đối xử với mình. Ta bàn việc với Bão Thúc, nhiều lúc việc hỏng, Bão Thúc không cho ta là ngu, mà cho là việc thành công hay thất bại là do có lúc may mắn, có lúc không. Ta, ba lần ra làm quan, ba lần bị bãi nhiệm, Bão Thúc không cho ta là người chẳng ra gì, mà lại coi ta là người chưa gặp thời, chưa tìmđược vua giỏi. Ta ra trận ba lần, đánh thua cả ba, Bão Thúc không cho ta là bất tài, nhưng biết ta còn có mẹ già phải phụng dưỡng. Ta nhịn nhục thờ vua Hoàn Công, Bão Thúc không cho ta là người vô liêm sĩ, người không biết xấu hổ, mà biết ta không giữ những chuyện nhỏ mọn, có chí làm lợi ích cho cả thiên hạ...

Sinh ra ta là cha mẹ, hiểu biết ta là Bão Thúc. Với người hiểu biết mình, thì đem cả tính mạng ra mà đền đáp còn chưa đủ huống chi thương khóc thế này thì đã thấm vào đâu! (Thuyết Uyển. Cổ Học Tinh Hoa)

Thật là người bạn đồng thanh, đồng khí, đồng chí, đồng tâm với mình, người bạn tri kỷ!

Tình bạn giữa con người chưa mang dấu ấn của tình yêu Thiên Chúa mà còn được thán phục như thế, thì kết qủa của tình bạn hữu giữa Thiên Chúa và con người lại càng cao trọng và đáng thán phục hơn nhiều Yêu thương anh em như chính mình đã khó, yêu thương anh em như Thầy Giêsu yêu chúng ta lại càng khó hơn! nhưng đó là những nỗ lực chúng ta cần phải đạt tới để được xứng đáng là Kitô hữu, là bạn hữu của Thầy Giêsu. Điều kiện để yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta là giữ giới răn Chúa truyền dạy, là ở lại nơi Thầy và hy sinh mạng sống mình vì anh em, cụ thể hơn là đọc và nghe tiếng nói của Thiên Chúa qua Tin Mừng và ở lại, sống kết hợp với Chúa trong phép Thánh Thể.

Chúng ta đã đồng thanh, đồng khí, đồng chí, đồng tâm với Thầy Chí Thánh của chúng ta như thế nào để được xem là bạn hữu của Thầy Giêsu!

 

5. Yêu thương anh em.

Sống trong cuộc đời, chúng ta phải yêu thương nhau. Đó là điều dễ hiểu. Bởi vì nếu không yêu thương nhau, xã hội sẽ bất ổn và bản thân chúng ta cứ phải nơm nớp lo sợ trước những hận thù chồng chất. Thế nhưng, phải yêu thương nhau như thế nào?

Qua đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ra cho chúng ta một khuôn mẫu để noi theo và bắt chước. Ngài phán: Các con hãy yêu thương nhau, như Thày đã yêu thương các con. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta như thế nào, để rồi chúng ta sẽ lấy tình yêu của Ngài làm tiêu chuẩn hướng dẫn cho mọi hành động, làm khuôn vàng thước ngọc để đo mọi việc làm của chúng ta?

Không cân phải nói, hẳn chúng ta cũng đã quá rõ: Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã xuống thế làm người, sinh ra nơi máng cỏ Bêlem, lớn lên trong xưởng thợ Nagiarét. Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã sống một cuộc sống vất vả và nghèo túng. Ở nhà thì phải lao động cực nhọc. Đi rao giảng Phúc âm thì vất vưởng nay đây mai đó, không có lấy cả một nơi để gối đầu và nghỉ ngơi. Nhất là Ngài đã chết một cái chết ê chề và nhục nhã, như lời Ngài đã phán: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu. Liệu chúng ta có thể biểu lộ tình yêu thương của chúng ta bằng những hành động cụ thể như vậy hay không? Liệu chúng ta có dám chấp nhận những hy sinh và ngay cả cái chết cho những người mình thương mến hay không?

Hẳn chúng ta còn nhớ một Maximilianô Kolbê đã chết thay cho một bạn tù ở trại tập trung của Đức Quốc Xã trong cuộc thế giới đại chiến lần thứ hai. Hẳn chúng ta còn nhớ một Đamiêng, vị tông đồ người hủi, đã đến hải đảo Molokai, đã sống giữa họ và đã chết giữa họ, để nâng đỡ và xoa dịu những đớn đau họ phải chịu do chứng bệnh phong cùi gây nên. Và còn biết bao nhiêu tu sĩ nam nữ đã âm thầm hy sinh cuộc sống của mình để chăm sóc cho những người già cả, đau yếu và bất hạnh.

Ngày kia, tại một ngôi làng nhỏ bên Tàu, có một em bé đói rách, tiều tụy và mắc bênh phong cùi. Em bị dân chúng đánh đập và đuổi ra khỏi làng. Trước cảnh tượng ấy, một nhà truyền giáo phương xa đã bế em trên tay, che chở em khỏi gậy gộc phũ phàng. Thấy có người chịu mang em đi, dân làng mới thôi không đánh đập em nữa, nhưng miệng thì vẫn không ngớt rủa xả. Giờ đây, những giọt nước mắt chảy xuống trên gò má em. Không phải là những giọt nước mắt đau buồn và tủi hận, nhưng là những giọt nước mắt vui mừng và tin tưởng. Em đã hỏi: Tại sao ông lại lo lắng cho tôi? Nhà truyền giáo trả lời: Vì ông trời đã tạo nên cả hai chúng ta. Em là em gái của tôi và từ nay em sẽ không còn phải đói khổ, long đong vất vả nữa. Suy nghĩ một hồi, em hỏi tiếp: Vậy tôi phải làm gì? Nhà truyền giáo trả lời: Em hãy tro tặng cho người khác tình yêu của em, càng nhiều càng tốt. Từ đó cho đến khi qua đời, trong suốt ba năm, em luôn chăm sóc, giúp đỡ, băng bó vết thương và đút cơm cho các bệnh nhân trong trại cùi mà nhà truyền giáo đã đưa em vào. Tới năm mười một tuổi, khi em qua đời, các bệnh nhân đã khóc và nói với nhau vói tất cả niềm thương nhớ: Bầu trời bé nhỏ đang xa lìa chúng ta.

Lề luật của Chúa được gồm tóm trong hai điều, đó là mến Chúa và yêu người. Chúng ta hãy cố gắng thực thi hai điều ấy với niềm xác tín rằng: qua những yêu thương nho nhỏ, chẳng hạn như một ánh mắt dịu hiền, một nụ cười cảm thông, một lời nói an ủi, một việc làm giúp đỡ…chúng ta sẽ trở nên là những môn đệ đích thực của Chúa. Bởi vì như lời Chúa đã xác quyết: Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thày, là các con yêu thương nhau.

 

6. Chúa Nhật 6 Phục Sinh

Anh chị em thân mến. Trải qua hằng bao nhiêu thế kỷ, các văn nhân, thi sĩ, tốn rất nhiều giấy mực để ca tụng một vấn đề rất cổ xưa nhưng cũng rất hiện đại, và có lẽ vấn đề nầy sẽ còn rất nhiều người nói đến mãi, cho đến khi nào không còn con người hiện diện trên trái đất nầy mới thôi. Đó là vấn đề Tình Yêu. Trong trào lưu ca tụng tình yêu, cố thi sĩ Xuân Quỳnh cũng có bài thơ đã được phổ nhạc mang tên: "Thuyền và Biển."

Trong đó có mấy câu dể gây cảm xúc cho người nghe:Chỉ có thuyền mới hiểu,Biển mênh mang nhường nào.Chỉ có biển mới biết,Thuyền đi đâu về đâu.Những ngày không gặp nhau,Biển bạc đầu thương nhớ.Những ngày không gặp nhau,Lòng thuyền đau - rạn vỡ.

Thuyền và biển làm cho nhau thêm phong phú. Nếu không có thuyền trên biển, biển sẽ yên lặng trong cô đơn, hay chỉ là những cơn cuồng nộ giận dữ. Nếu không có biển thì con thuyền cũng trở nên vô dụng, vì không thể phát triển được những gì của con thuyền đòi hỏi.

Chúa Giêsu luôn kêu gọi mọi người sống trong tình yêu. Hôm nay một lần nữa chúng ta lại nghe Ngài nói về tình yêu một cách cụ thể hơn. Ngài kêu gọi mọi người hãy đến và ở lại trong tình yêu bao la của Thiên Chúa Cha. Điều làm cho con người được phong phú: Đó là tình yêu. Tình yêu bao la của thiên Chúa bao bọc con người, để cho con người có thể ngụp lặn trong biển tình tuyệt vời đó. Sống trong tình yêu Thiên Chúa, con người được trở nên phong phú, cuộc đời mới có giá trị. Nếu tách rời khỏi biển tình yêu Thiên Chúa, con người sẽ trở nên vô dụng, cuộc đời sẽ từ từ đi vào cỏi chết. Sống mà không có tình yêu thì không phải là sự sống đích thực."Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy."

Con thuyền cuộc đời của chúng ta, được Thiên Chúa trang bị thật đầy đủ, để có thể ra khơi trong biển Tình yêu bao la của Thiên Chúa. Chẵng lẽ con thuyền ra khơi mà không định hướng, không mục đích. Không lẽ con thuyền ra khơi mà trên thuyền không mang theo một vật dụng gì hết. Không thể chấp nhận được, khi con thuyền đi vào biển cả mà không có một sự chuẩn bị nào cho xứng đáng.

Ra khơi trên biển Tình Yêu của Thiên Chúa, con thuyền phải được trang bị bằng những chất liệu của Tình Yêu. Từ chất liệu của con thuyền cho đến những thứ hành trang mà con thuyền mang theo.

Nhìn lại con thuyền cuộc đời của mỗi người chúng ta, Thiên Chúa đã trang bị bằng chất liệu Tình Yêu thật hoàn hảo. Con người chúng ta Thiên Chúa đã tạo dựng bằng Tình Yêu thương của Ngài. Những chất liệu đó giờ đây, có lẽ nó đã bị biến chất phần nào, nó đã bị hao mòn với thời gian, nó không còn đủ mạnh và vững chắc để có thể ra khơi cách an toàn. Nên nhiều khi chúng ta ngại không dám ra khơi trong biển Tình của Thiên Chúa. Chúng ta sợ nó bị hao mòn, chúng ta cũng sợ nó bị chòng chành vì những cơn sóng tình. Một sự sợ hãi còn lớn lao hơn nữa, là chúng ta sợ bị mất hút trong biển Tình yêu bao la của Thiên Chúa. Khi đó vì chúng ta chỉ biết nghĩ đến chính mình, chỉ biết lo cho mình, bảo vệ bản thân, nên chúng ta quá lo sợ.

Chính vì thế mà chúng ta không thể sống đúng được lệnh truyền của Tình Yêu. Những lúc như thế, chúng ta chỉ biết yêu thương có chính mình, ngoài ra, chúng ta chẵng biết yêu thương ai hết. Như thế thì cuộc đời chúng ta giống như con thuyền thật tốt đẹp, thật hoàn hảo, chính vì sự tự hào với dáng vẽ tốt đẹp đó, mà nó sợ không dám đưa mình xuống nước để hoạt động, nên nó mãi ở trên nơi khô cạn. Suốt đời nó cũng là vô ích, mặc dù nó tốt đẹp, nhưng nó không hoạt động được, vì thế nó là một con thuyền chết, là đồ phế thải, vì nó vô dụng. Chẵng lẽ con thuyền cuộc đời của chúng ta lại trở nên vô dụng như thế sao. Chẵng lẽ con thuyền chúng ta không dám ra khơi để lênh đênh trong biển tình của Thiên Chúa sao?

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng ta biết dùng Tình Yêu để sống với nhau, để con người của mình được ở trong Chúa như con thuyền trong biển cả.

 

7. Anh em hãy yêu thương nhau - ViKiNi

(Suy niệm của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm – trong ‘Xây Nhà Trên Đá’)

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa là nguồn gốc tình yêu. Con người muốn được Thiên Chúa thương yêu, con người phải biết thương yêu nhau như Thiên Chúa đã yêu thương ta. Thánh Gioan đã quả quyết: “Tình thương bắt nguồn từ Thiên Chúa”.

1. Khi Thiên Chúa dựng nên Evà, thì Adong nói “nàng là xương tự xương tôi, thịt là thịt tôi” (St. 2, 23). Tình yêu đồng loại chớm nở từ đó. Từ lúc Thiên Chúa dựng nên hai người, hai người đã chân thành thương yêu nhau như chính mình, coi nhau như một xương một thịt. Ngày nay chúng ta thường nói “đồng bào ruột thịt”. Đồng bào nghĩa là cùng chung một bào thai sinh ra, đồng một nguồn gốc, một máu mủ, ruột thịt. Nói khác đi, ta nhận nhau như chính mình.

Nhưng thảm hại thay, tình thương một xương một thịt đó chẳng được bao lâu, khi con người sa ngã. Thiên Chúa đến hỏi, thì Adong đã đổ lỗi cho Evà (St. 3, 12). Mọi tội lỗi đã trút đổ lên đầu nhau, còn mình vô tội. Lúc này, không còn phải là một nữa, mà là hai, không còn xương tự xương tôi, thịt là thịt tôi. Nó đã tách rời nhau, xa lìa nhau. Một kẻ là tội phạm, một kẻ rửa tay. Hai kẻ đối kháng nhau, thù ghét nhau. Trong cảnh gia đình chia rẽ, oán hận nhau, con cháu trở thành kẻ thù nhau: Cain đã giết em mình là Abel. Esau đã thù Giacob. Các con Giacob đã bán em là Giuse sang Ai cập. Bao lâu tình yêu chỉ bắt nguồn từ xương thịt bấy lâu còn chia rẽ, hận thù.

2. Ban đầu, Thiên Chúa trao ban tình yêu của Ngài trực tiếp cho loài người, nhưng đã thất bại, loài người không thể thương yêu nhau như Thiên Chúa yêu thương con người. Lần này, Thiên Chúa nhờ chính Con Một Ngài là Đức Giêsu thông truyền tình yêu Thiên Chúa cho loài người: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” để “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Tình yêu của Chúa Cha truyền sang Chúa Con, và Chúa Con truyền sang chúng ta, như thế, tình yêu này mang bản chất Thiên Chúa, chứ không mang tính xương thịt như ban đầu nữa. Chúa Con đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa để chúng ta noi gương Chúa Con mà yêu thương nhau.

Thứ nhất, Chúa Con đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa bằng tuân giữ lệnh truyền của Chúa Cha, thực thi giới răn của Chúa Cha: “Thầy đã tuân giữ giới răn của Cha Thầy và ở trong tình thương của Ngài”. Vì thế chúng ta muốn ở trong tình thương của Thiên Chúa, chúng ta phải giữ giới răn của Ngài: “Nếu anh em giữ giới răn của Thầy, anh em sẽ ở trong tình thương của Thầy”.

Thứ hai, Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa bằng hy sinh mạng sống mình để cứu độ chúng ta. Người đã dám gánh tội của chúng ta, đã chịu chết đền tội cho chúng ta. Người không trút tội lỗi của chúng ta lên đầu chúng ta. Đây là thứ tình yêu rộng lượng tha thứ, vô cùng lớn lao, quảng đại: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”.

Con Thiên Chúa vô cùng cao cả đã yêu thương chúng ta đến cùng tận, còn chúng ta là đồng bào, đồng phận xương thịt với nhau, sao không dám hy sinh cái thân phận hèn hạ của mình cho nhau? Chỉ có hy sinh cho nhau, chúng ta mới biết mình ở trong tình yêu của Thiên Chúa.

Thứ ba, Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu Thiên Chúa bằng tình yêu chọn chúng ta làm bạn hữu của Người: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Còn anh em, Thầy gọi anh em là bạn hữu”.

Thực sự, chúng ta không thể nào đáng là tôi tớ của Thiên Chúa. Chúng ta vừa là loài thụ tạo, vừa kém hơn loài thụ tạo, vì đã phạm tội, xúc phạm đến Đấng tác tạo nên ta. Mọi loài thụ tạo đều vâng phục Thiên Chúa một cách triệt để theo một trật tự hoàn hảo. Vĩ đại như tinh tú, mặt trời, mặt trăng đã tuân theo lệnh Thiên Chúa sắp đặt xoay vần, không hề sai trái. Nếu chúng sai trái, loài người và muôn vật bị tiêu hủy. Còn chúng ta đã không vâng lệnh Thiên Chúa, đáng lẽ chúng ta đã bị tiêu diệt. Làm sao dám làm bạn hữu của Người. Chỉ vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta đã cho chúng ta được vinh dự vô cùng đó. Noi gương Đức Giêsu, chẳng những chọn mọi người làm bạn hữu của ta, mà còn phải tôn trọng mọi người hơn ta, ta mới xứng đáng với tình thương của Người, mới mong thu được nhiều kết quả và đáng Chúa Cha nhận lời chúng ta nài xin.

Thánh Phêrô, đã noi gương Thầy Chí Thánh, đến thăm nhà ông Cônêliô. Phêrô không kỳ thị dân ngoại, không khinh thị quân Rôma xâm lăng, như lối sống kỳ thị của truyền thống Do thái, Phêrô kính trọng gia đình Cônêliô, đã đỡ ông lên: “Xin ông đứng dậy, vì tôi cũng chỉ là người phàm”. Còn ông Cônêliô, dù là một sĩ quan của đế quốc Rôma vĩ đại, là người cai trị dân, ông đã hạ mình xuống “ra đón và phủ phục dưới chân Phêrô mà bái lạy”. Trước những cử chỉ hy sinh bỏ mình đi, hạ mình xuống và chân thành kính mến nhau như vậy, làm cho người Do thái kinh ngạc, và Thiên Chúa đã yêu thương các ông mà ban Thánh Thần tình yêu tràn trề xuống cho Phêrô và gia đình Cônêliô, để nhận nhau làm bạn hữu muôn thuở trong Đức Giêsu Kitô (Bài đọc 1).

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con cảm nghiệm tình thương bao la của Chúa, tình thương đồng hóa, đồng phận với mọi người cùng khổ, tình thương hy sinh mạng sống để cứu độ muôn dân.

Sao chúng con không biết thương người như Chúa thương chúng con và mọi người.

 

8. Chúa Nhật 6 Phục Sinh

Có một tác giả nọ nhận định như thế này: "Nếu bạn có thực phẩm để ăn, có quần áo để mặc, có một mái nhà che đầu và một nơi để nghĩ qua đêm, là bạn đã giàu hơn 75% dân số trên thế giới này. Nếu bạn có tiền trong ví để xài, có tiền ban phát cho người nghèo, có tiền để dành trong ngân hàng, là bạn đang ở trong 8% những người giàu nhất trên thế giới.

Thưa anh chị em! Chẳng biết điều đó có chính xác hay không, nhưng chúng ta cũng thấy được rất rõ rằng: Giữa người giàu và người nghèo có một khoảng cách rất là xa khi mà thế giới đang theo đuổi cái xu hướng mà người ta gọi là Toàn Cầu Hóa. Và cái nghèo mà người ta nói tới nhiều nhất là cái nghèo về cơm áo gạo tiền. Người ta lo sợ rằng: Với một đà tăng dân số như ngay hôm nay thì sẽ có lúc trái đất này không còn đủ lương thực cho con người nữa.

Thế nhưng, nếu nhìn kỹ một chút, chúng ta sẽ thấy rằng, đó không phải là điều đáng sợ lắm, mà cái đáng sợ hơn hết là cái nghèo đói tình thương trong thế giới ngày hôm nay. Vì nghèo đói tình thương cho nên chiến tranh chưa bao giờ kết thúc. Vì nghèo đói tình thương cho nên mới có cái cảnh "Người ăn không hết, kẻ lần không ra". Vì nghèo đói tình thương cho nên những xung đột, những cãi vã, những tranh giành vẫn xảy ra hàng ngày ở chung quanh chúng ta.

Lời Chúa trong Thánh Lễ chiều hôm nay mời gọi từng người trong chúng ta hãy can đảm dùng một chút thiện chí của mình để góp phần đẩy lùi nạn đói tình thương đang hoành hành nơi bản thân và nơi môi trường sống của chúng ta, qua việc thực hiện lời gọi của Đức Kitô Phục sinh, vị sứ giả của tình thương: "Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con". Và cũng kể từ đây, giới luật yêu thương đã trở thành giới luật mới quan trọng nhất. Nói là kể từ đây có nghĩa là giới luật này nó đã có từ rất lâu. Nơi Cựu Ước chúng ta đã nghe là: "Hãy yêu thương đồng loại như chính mình".

Tôi yêu bản thân tôi như thế nào thì cũng phải yêu người khác như vậy. Nhưng trong Tân Ước, Đức Giêsu đã đẩy những đòi hỏi của giới luật này lên đến một cấp đột mà có lẽ không ai dám nhìn tới: "Hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương các con". Như vậy giới răn mà Chúa gọi là giới răn mới này đòi hỏi chúng ta không phải là lấy chính mình để làm tiêu chuẩn nữa. Bởi vì tiêu chuẩn của con người dù có hào hoa rộng rãi đến đâu đi nữa, thì cũng có yếu tố chủ quan và tiêu cực trong đó, mà phải lấy Chúa làm tiêu chuẩn:"Yêu người như Chúa yêu". Muốn biết đựơc Chúa yêu thương như thế nào, chúng ta phải nhìn lại cuộc đời dương thế của Chúa, mà rõ ràng nhất là trong ba năm rao giảng Tin Mừng: "Không có ai đến với Chúa mà phải ra về tay không, phải ra về trong cay đắng thất vọng cả: Người mù đựơc sáng mắt, kẻ què đi được, người chết được sống lại, kẻ tội lỗi được thứ tha".

Đối với Đức Giêsu, tất cả những kẻ đang đứng trước mặt Người đều là những người rất quan trọng và rất đáng thương. Và sau cùng, Đức Giêsu đã tự nguyện chấp nhận một cái chết tủi nhục trên thập giá để muôn đời trở nên một kiểu mẫu tình yêu cho mọi người: "Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống mình vì bạn hữu". Tình yêu của Chúa đẹp đẽ quá, lý tưởng quá, làm sao tôi có thể trở nên giống như Người được? Thế nhưng bao lâu chúng ta còn hiện diện trong cuộc đời này là bấy lâu chúng ta được Chúa mời gọi: "Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con".

Thưa anh chị em! Có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt đến cấp độ "Như Thầy yêu thương" một cách hoàn hảo đâu. Bởi vì Chúa thì quá tuyệt vời thánh thiện, còn chúng ta thì ngược lại có quá nhiều giới hạn, nhiều thiếu sót mà giáo lý nhà Phật gọi là "tham, sân, si".

Thế nhưng, chúng ta không vì thế mà tự cho phép mình xao lãng hay miển chuẩn giới răn đặc biệt quan trọng đó. Chúa không đòi hỏi chúng ta phải tự treo mình trên Thánh Giá vì anh chị em, Chúa cũng không buộc chúng ta phải trở nên một Têrêsa Calcutta vĩ đại suốt đời lo lắng cho người khác, hay một cha Thánh Maximilianô Kolbê anh hùng chết thay cho người bạn tù của mình.

Thế nhưng, chúng ta lại có rất nhiều dịp để thể hiện tình thương của mình cho người khác, để sống cho tha nhân. Mà sống cho tha nhân là chết cho chính mình. Chúng ta không thể chết như Chúa được thì hãy chết trong mồ hôi và nước mắt, chết trong những hy sinh âm thầm hằng ngày qua những lần chúng ta rộng rãi thể hiện sự bác ái của mình đối với tha nhân. Có một thanh niên nọ, trong lúc chờ đón xe về Thành Phố Cần Thơ, bỗng nhìn thấy có một chiếc xe đạp đang từ phía Cần Thơ chạy về hướng Vĩnh Long. Và có lẽ không chú ý hay như thế nào đó mà cô bạn sinh viên điều khiển chiếc xe đạp ấy ngang nhiên đâm vào một chiếc xe Honda đang dừng trước mặt. Vì xe đạp chạy không nhanh lắm nên chẳng ai có hề hắn gì cả, chỉ có chiếc xe Honda bị bể chiếc vè sau mà thôi.

Trước những lời bắt chẹt thô thiển và cái giá phải bồi thường mà chủ xe Honda đã đưa ra thì cô bạn sinh viên đó chỉ còn biết đứng khóc mà thôi. Hơi ngập ngừng một chút và vì biết chắc rằng một cách bất ngờ như thế thì cô bạn sinh viên ấy không thể có đủ số tiền để bồi thường. Anh thanh niên đó đã mạnh dạn tiến tới ra tay nghĩa hiệp trả tiền chiếc vè sau mới, thay cho cô bạn kia.

Anh thanh niên này quyết định làm chuyện đó hoàn toàn không phải vì cô ấy trẻ, cô ấy là sinh viên, mà bởi vì lúc đó tự nhiên anh ta cảm thấy có một cái gì đó thúc đẩy anh ta phải làm việc bác ái này. Vả lại anh ta quyết định làm việc đó một phần cũng là vì muốn nói với chủ xe Honda rằng: "Chúng ta đừng nên hiếp đáp bắt chẹt những con người yếu thế hơn mình". Anh thanh niên hơi tào lao đó chính là người đang đứng trước mặt anh chị em đây.

Thưa anh chị em! Hoàn toàn không bao giờ dám coi đó là một kinh nghiệm tốt lành để gọi là khoe khoang với người ta, nhưng con muốn chia sẽ một tình huống cụ thể của bản thân mình đó, để mạnh dạn lặp lại một lần nữa bài học này: "Ngày nào bạn từ chối thắp lên ngọn lửa yêu thương, ngày đó sẽ có nhiều người chết vì giá lạnh".

 

9. Như Thầy đã yêu – Thiên Phúc

(Trích trong “Như Thầy Đã Yêu”)

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 16-9-1999 đã đưa tin: "10.645 người nghèo đã khỏi mù". Theo Hội Bảo Trợ Bệnh Nhân Nghèo TP. HCM từ đầu năm 1999 đến nay các đoàn phẫu thuật ghép thủy tinh thể nhân tạo của thành phố và các quận huyện đã đem lại ánh sáng cho 10.645 người nghèo bị mù (đạt 88% kế hoạch 1999). Trong tháng 8-1999 đã có 108 lượt tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đóng góp hơn 2 tỷ đồng ủng hộ quỉ hội (tăng 205% so với tháng 7-1999). Hội cũng đã tài trợ cho Bệnh viện Nhi Đồng 2 trên 79, 5 triệu đồng giúp phẫu thuật cho 21 trẻ em không có hậu môn bẩm sinh, và giúp Trung Tâm Răng Hàm Mặt phẫu thuật cho 178 trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch tại Bình Định.

***

Hầu như đọc bất cứ tờ báo nào, chúng ta cũng thấy nhan nhản các tổ chức, cá nhân đầy lòng quảng đại từ tâm. Những tâm hồn biết chăm lo cho người nghèo đói, bất hạnh. Những con tim tràn đầy yêu thương dã cùng nhịp đập với Thầy Giêsu. Những tấm lòng mau mắn đáp lại tiếng mời gọi tha thiết của Người: "Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con" (Ga. 15, 12).

Kể từ khi Ngôi Hai nhập thể để bày tỏ tình yêu của Ngôi Cha dành cho con người, thì mối liên hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại hoàn toàn thay đổi: Không còn là Tạo hóa và thụ tạo, không còn là Thượng đế và phàm nhân, không còn là Chủ ông và tôi tớ, nhưng chính là "Bạn hữu thân tình".

Tình yêu đã khiến Thiên Chúa hạ mình xuống với con người, cảm thông và chia sẻ với thân phận thụ tạo: "Tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết" (Ga. 15, 15). Tình yêu đó đã đến chỗ tuyệt đỉnh, đến nỗi thánh Gioan viết: "Người đã yêu thương họ đến cùng" (Ga. 13, 1). Yêu thương đến cùng có nghĩa là yêu cho đến chết, và chết trên thập giá. Thánh Bênađô dạy: "Mức độ của tình yêu là yêu không mức độ".

Nguồn tình yêu ấy phát xuất từ Cha xuống Con, và không dừng lại như nước ao tù, nhưng luân chuyển đến mọi trái tim con người trên toàn thế giới. Nếu tình yêu đã liên kết chúng ta với Chúa, thì cũng chính tình yêu ấy sẽ liên kết cha lại với nhau: "Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con" (Ga. 15, 12), vẫn biết rằng, con người chẳng bao giờ yêu nhau tới mức "Như Thầy đã yêu". Nhưng lời mời này vẫn giục giã chúng ta hướng lên mãi theo đường Thầy đã đi.

Đức Gioan Phaolô II trong Thông điệp Ánh Sáng Rạng Ngời Chân Lý, số 20 viết: "Chữ "như" này đòi hỏi phải bắt chước Đức Giêsu, tình yêu của Người, mà việc rửa chân cho các môn đệ là một dấu chỉ cụ thể# Chữ "như" cũng chỉ mức độ mà Đức Giêsu đã yêu thương các môn đệ của mình, và các môn đệ của người cũng phải yêu thương nhau bằng mức độ ấy.

Thế giới ngày nay khao khát tình yêu đích thực. Người tín hữu Kitô phải là nhân chứng của tình yêu ấy. Chúng ta không có dịp để chết cho tha nhân như Đức Kitô, nhưng chúng ta có rất nhiều dịp để sống cho tha nhân. Sống cho tha nhân là chết cho chính mình. Chết trong những hy sinh âm thầm hằng ngày. Chết không đổ máu, nhưng đổ mồ hôi và nước mắt. Chết không chỉ một lần, nhưng chết dần chết mòn cho hạnh phúc của tha nhân, Kahil Gibran viết: "Bạn cho đi quá ít khi chỉ cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi".

***

Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương chúng con rất nhiều, nhưng chúng con đáp lại chẳng được bao nhiêu. Chúa đã đặt tha nhân bên cạnh chúng con, để chúng con có thể làm cho họ điều mà chúng con không thể làm cho Chúa. Xin cho chúng con nhận ra khuôn mặt Chúa nơi tha nhân, để chúng con yêu thương họ như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen.

 

10. Chúa Nhật 6 Phục Sinh

"Đây là điều răn của Thầy, chúng con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương chúng con." (Ga 15,12)

Tình yêu đẹp biết bao! Vì thế, người ta đã tốn biết bao giấy mực, bài hát để ca tụng nó, nhưng tình yêu thực sự chỉ đẹp khi có sự tự hiến, hy sinh đi kèm. Chim Pelican tự mỗ bụng mình ra để cho con đang cơn đói, ăn chính thịt mình mà sống. Còn cảnh nào cao đẹp hơn? Chúa Kitô vì yêu chúng ta đã chết cho chúng ta. Bài Tin Mừng hôm nay muốn cho ta suy niệm về chủ đề này.

1. Gợi ý:

a. Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá, là cái chết cho Tình Yêu. Điều này minh chứng Thiên Chúa chính là Tình Yêu. Vì yêu nhân loại, Thiên Chúa sẵn sàng nộp chính Con Yêu của mình làm của lễ hiến tế, để cho ta được sống, để ta trở nên bạn nghĩa thiết với Chúa. Thật lạ lùng quá! Nhờ đó, ta mới thấy rõ lòng của Thiên Chúa tốt biết bao, tốt hơn con người tưởng nhiều; rồi nhìn lại con người chúng ta, ta thấy lòng mình tệ quá, tham lam, nhỏ nhen, ích kỷ, bè phái... Nhìn lên TC, rồi nhìn lại chính mình, tự thâm tâm làm sao ta không hổ thẹn, bởi vì con người có chi để so bì với TC, để đòi Thiên Chúa phải yêu thương ta. Vậy mà Ngài vẫn muốn làm bạn với ta, muốn trở thành thân hữu với ta, muốn ta ngang hàng với Ngài. Ôi, lạ lùng và cao cả làm sao, Tình Yêu của Thiên Chúa!

b. Cha Maximilien Kolbe đã chết thay cho bạn tù. Ta có thể coi đó là hành động điên rồ, nhưng thực ra là điên vì Tình Yêu Chúa Kitô. Đây không phải là câu trả lời cho cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh giá sao? Vào năm 1981, ĐGH Gioan Phaolô II đã bị bắn một viên đạn vào ngực, suýt chết; vậy mà sau khi lành bệnh, ngài đến nhà tù thăm chính người đã bắn mình và giơ tay lên tha tội cho anh ta. Hình ảnh này không chỉ làm ta cảm động, nhưng còn nói lên nhiều điều: vì Đức Kitô mà người ta có thể tha thứ cho kẻ thù của mình, và còn yêu mến họ nữa.

Thánh Têrêsa đi tu khi còn nhỏ, mới 15 tuổi; chín năm sau đã từ trần; vậy mà đã để lại cho hậu thế một đường lối nên thánh tuyệt hảo, gọi là con đường nhỏ, một tấm gương sáng về lòng nhiệt thành yêu mến Chúa và yêu mến các linh hồn. Têrêsa nói: "chỉ khi nào người ta hy sinh chính mình, mới thật là yêu."

Mẹ Têrêsa Calcutta, đặc biệt thương yêu trẻ em và người nghèo khổ. Mẹ là một Thần tượng của Thiên Niên Kỷ mới và được nhiều người biết đến.

2. Suy niệm:

"Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em". Ngày hôm nay, tin vào Lời nói, tin vào một con người đã chết cách đây hơn 2000 năm, có phải là lỗi thời và không cần thiết không? Một cái xác chết trên thập giá, buồn tẻ, xem ra thất bại. Vậy cái chết để minh chứng Tình Yêu, liệu có còn đánh động ta không? Câu trả lời thẳng thắng: Có. Qua 20 thế kỹ, hàng hàng lớp lớp các anh hùng tử đạo, các bậc hiển tu đã dám đem cả mạng sống mình để minh chứng cho Tình Yêu này. Họ là những nhà bác học, nông dân... đủ mọi thành phần, và ngay cả trong thời đại văn minh của chúng ta, như những vị được nêu ở trên đây. Như vậy chưa đủ minh chứng cho bạn sao?

"Thầy không gọi các con là tôi tớ, mà là bạn hữu, Hãy ở lại trong Tình Yêu của Thầy": Chúa Giêsu tha thiết mời gọi chúng ta tham dự vào sự sống thân hữu của Chúa, vào tình yêu nghĩa thiết ngọt ngào của Ngài; vì Ngài xem ta là bạn hữu của Ngài cho dù chúng ta bất xứng. Ta có ngạc nhiên không? Tại sao ta từ chối, khi hiểu tình yêu của Ngài dành cho ta thật quảng đại và lớn lao?

 

11. Yêu như Chúa yêu – ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Yêu là một từ ngữ được sử dụng nhiều nhất, nhưng lại là một từ ngữ dễ gây hiểu lầm nhất. Vì người ta hiểu từ ngữ này theo những cách khác nhau. Có người hiểu yêu là những quan hệ thân xác. Có người hiểu yêu là quản lý chặt chẽ. Có người hiểu yêu thuộc lĩnh vực cảm tính. Để tránh những hiểu lầm, khi truyền cho ta yêu thương, Đức Giêsu đã đưa ra một khuôn mẫu cho tình yêu. Khuôn mẫu đó là: yêu như Chúa yêu.

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương anh em”. Không còn nhầm lẫn nào nữa. Muốn làm môn đệ Chúa, không phải yêu bằng bất cứ tình yêu nào, nhưng phải yêu như Chúa. Tình yêu của Đức Giêsu không phải tự Người nghĩ ra, nhưng phát xuất từ Chúa Cha: “Như Cha đã yêu mến Thày thế nào, Thày cũng yêu mến anh em như thế”. Thế là đã rõ. Tất cả bắt nguồn từ cùng một tình yêu. Đức Chúa Cha là nguồn cội. Từ nguồn mạch ấy, tình yêu tràn ra, lan toả đến mọi người. Mọi tình yêu, muốn chân thực, phải quy chiếu về trái tim Chúa Cha.

Tình yêu của Chúa Cha như thế nào? Đọc trong Tin Mừng, ta thấy Đức Giêsu đã nói nhiều về tình yêu Chúa Cha.

Trước hết tình yêu của Chúa Cha là một tình yêu phổ quát. Khác với tình yêu bình thường của con người chỉ yêu những người yêu mình, thù ghét những người ghét mình, chỉ yêu những người nào dễ yêu, ghét những người dễ ghét, chỉ giới hạn tình yêu vào một số người thân quen. Tình yêu của Chúa Cha là một tình yêu phổ quát. Tình yêu ấy lan tới tất cả mọi người không phân biệt tốt xấu. Tình yêu ấy không loại trừ một ai dù lành dù dữ. Thế nên “Người cho mặt trời mọc lên soi kẻ lành cũng như người dữ. Và cho mưa rơi xuống trên cả người công chính lẫn kẻ gian ác” (Mt 5,45). Tình yêu ấy lan toả tới súc vật cỏ cây: “Hãy xem chim trời, chúng không gieo không gặt, thế mà Cha trên trời vẫn nuôi chúng. Hãy xem bông huệ ngoài đồng. Chúng không dệt không may, thế mà Cha trên trời mặc cho chúng bộ áo đẹp hơn cả áo vua Salomon” (Lc 12,24-27).

Tình yêu Chúa Cha là một tình yêu hy sinh. Vì yêu thương, Đức Chúa Cha đã dựng nên con người. Vì yêu thương, Người đã nhận con người làm con, cho hưởng hạnh phúc với Người. Nhưng loài người vô tình không những không yêu mến mà còn muốn chống lại Thiên Chúa. vì thế, loài người đã bị phạt. Nhưng Đức Chúa Cha vẫn yêu thương loài người, nên đã có kế hoạch cứu độ loài người. Chính ở điểm này ta nhận biết tình yêu vô cùng tha thiết của Đức Chúa Cha. Không những Ngài không giận ghét loài người, không tự ái vì bị loài người xúc phạm, mà còn bày tỏ một tình yêu thương mãnh liệt không ai dám ngờ tới. Tình yêu thương mãnh liệt ấy đã thúc đẩy Ngài hy sinh Con Một yêu dấu để chuộc tội cho loài người. Vì yêu thương Chúa Cha đã hy sinh tất cả những gì có thể để cứu chuộc loài người.

Tình yêu Chúa Cha là một tình yêu tha thứ. Tha thứ là dấu hiệu của tình yêu. Khi yêu, người ta sẵn sàng tha thứ. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu nói nhiều về tình yêu tha thứ của Đức Chúa Cha. Cảm động nhất là dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu. Tóm tắt như sau: Người Cha có hai con trai. Đứa út xin Cha chia gia tài cho nó. Được rồi, nó cầm tiền, bỏ nhà ra đi, ăn chơi phung phí. Khi nó tiêu hết tiền thì vùng ấy xảy ra nạn đói. Đói bụng nó phải đi chăn lợn. Nó muốn ăn cám lợn mà chủ không cho. Bấy giờ nó hối hận và nghĩ: ở nhà cha mình các đầy tớ còn được ăn no, còn mình ở đây phải chết đói. Thế rồi, nó chỗi dậy, trở về nhà. Cha nó ngày nào cũng ra đầu ngõ chờ mong con trở về. Khi thấy nó về, ông chạy lại ôm lấy nó mà hôn lấy hôn để, rồi ông gọi gia nhân mang áo đẹp, nhẫn, giầy ra cho cậu và ra lệnh mở tiệc ăn mừng (cf Lc 15). Người cha ấy là hình ảnh Đức Chúa Cha. Thật là kỳ diệu tình yêu Người. Người quên hết những lỗi lầm của ta. Người yêu yêu ta trước khi ta yêu Người. Người tha thứ cho ta trước khi ta xin lỗi Người.

Đức Giêsu muốn chúng ta hãy noi theo tình yêu của Chúa Cha. Biết đối xử với nhau như Chúa Cha đối xử với chúng ta. Hãy yêu thương hết mọi người không loại trừ một ai. Nhất là hãy yêu thương những người bé nhỏ, cùng khổ, bất hạnh. Hãy biết tha thứ những lỗi lầm của người khác. Tha thứ không phải chỉ một lần mà tha thứ rất nhiều lần. Và hãy dám hy sinh, chấp nhận chịu thiệt thòi vì tình yêu. Yêu như Chúa yêu. Đó mới là tình yêu đích thực. Chỉ có tình yêu bắt nguồn từ Chúa mới bền vững và đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

Lạy Cha, xin cho con hiểu được tình yêu của Cha. Xin cho con trở nên giống Cha, biết yêu thương bằng tình yêu của Cha. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1- Từ trước tới nay, bạn hiểu tình yêu thế nào?

2- Mỗi khi nghĩ đến Đức Chúa Cha, bạn nghĩ đến đặc tính nào của Người: yêu thương, quyền năng, thưởng phạt công minh…?

3- Đối với bạn, yêu thương người khác dễ hay khó?

4- Hãy kể ra những đặc tính của tình yêu của Chúa Cha.

 

12. Ý- Tâm - Thân hòa điệu – An Phong, OP

Tin mừng hôm nay nhắc đến Luật Vàng Kitô giáo là "Mến Chúa yêu người". Hai chiều kích "hiệp thông" (mến Chúa) và hướng tới (yêu người) này làm nên toàn bộ thái độ sống Kitô giáo.

Con người, nếu có một sự hòa điệu tuyệt vời giữa mình với chính mình, sẽ sống bình an, hạnh phúc. Thật vậy, cuộc sống con người thường được nói đến như là "một bãi chiến trường"; là sự "giao tranh giữa điều muốn làm và điều phải làm"; hoặc sống trong tình trạng "điều tôi muốn, tôi không làm; điều tôi không muốn tôi lại làm"; hoặc "điều thiện và điều ác giành giật cắn xé nhau trong tôi"; đó là nguyên nhân của sự bất an, hỗn độn, thậm chí hủy hoại nữa.

Nói khác, Ý chỉ đạo, Tâm cởi mở lòng ra và Thân hành động cho được, đó là một sự hoà điệu lý tưởng của con người. Ý phán đoán ngay chính, Tâm đón nhận bao dung, thì Thân mới có thể diễn đạt nên hành động "yêu người"; Ý tốt, Tâm tốt thì hành động sẽ tốt.

Đó cũng là cửa ngõ để con người có thể sống hòa điệu với người khác; có thể nói nếu có hòa điệu của Ý-Tâm-Thân sẽ có hòa điệu giữa ta với Chúa, ta với người và ta với chính mình.

Nhưng nói thì dễ, sống được mới khó. Bi kịch của nhân loại bắt đầu từ đây. Có khi Ý phán đoán nghiệt ngã, phê bình khắc khe; có khi Tâm thiếu bao dung, tị hiềm; và Thân thì tìm sung sướng cho mình chứ không hành động để xây dựng. Giữa cuộc đời, vẫn còn có nhiều người nghĩ (ý) rất hay nhưng không hề "giơ ngón tay lay động" (thân). Hoặc người ta dễ dàng mủi lòng, thậm chí rớt vài giọt nước mắt (tâm) nhưng lại chỉ là tình cảm thoáng qua, nhất thời, không dễ gì khơi dậy hành động (thân).

Làm sao cho Ý ta sáng, Tâm ta bao dung và Thân ta hành động quảng đại? Làm sao để ta sống giữa cuộc đời trong sự hài hòa của tình yêu thương nhân ái? Chúa Giêsu mở một con đường để mời gọi chúng ta đạt đến sự hài hòa tuyệt vời ấy: "Anh em hãy ở trong tình thương của Thầy; nếu anh em giữ các giới răn của Thầy, anh em sẽ ở trong tình thương của Thầy; như Thầy đã giữ các giới răn của Cha Thầy và ở trong tình thương của Người".

Với tình yêu của Chúa Giêsu, chúng ta được sống hòa hợp với Chúa, với mình và với anh chị em.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa để lại cho chúng con một giới răn thôi,

giới răn của tình yêu;

Nhưng chỉ một giới răn đó thôi,

chúng con cũng không làm nổi.

Xin Chúa đổ xuống trên chúng con tình yêu của Chúa,

tình yêu lớn lao trong tấm bánh nhỏ nhoi này;

để chúng con không sợ yêu;

không lùi bước trước những thách đố của tình yêu;

để chúng con được "ở trong Chúa", và "Chúa ở trong con".

 

13. Chúa Nhật 6 Phục Sinh

Trong Cựu Ước, Môsê đã dạy luật yêu thương: "phải yêu thương tha nhân như chính mình". Tới khi Chúa Giêsu xuống thế làm người, Ngài đã giảng dạy yêu thương và thực hiện yêu thương cách trọn vẹn tuyệt vời. Điều đặc biệt mới mẻ trong luật yêu thương Chúa Giêsu dạy là Ngài đã nâng luật yêu người lên ngang hàng với luật mến Chúa, đồng thời coi những hành động yêu thương như dấu chỉ để mọi người nhận ra môn đệ Ngài và đây cũng là tiêu chuẩn để xét xử chúng ta sau này.

"Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Đây là lệnh truyền của Chúa Giêsu cho hết thảy những ai bước đi theo Ngài. Có lẽ không một ai dám lấy mình làm tiêu chuẩn, làm tấm gương cho người khác trong mọi lãnh vực, nhất là trong lãnh vực yêu thương như Chúa Giêsu. Sở dĩ Chúa Giêsu dám nói như vậy vì Người đã chứng minh cách tuyệt đối tình yêu thương của Người cho tất cả nhân loại chúng ta bằng cái chết và sự Phục Sinh vĩ đại của Người.

Sách Phúc âm miêu tả một Chúa Giêsu biết cảm thương, đó là một xúc cảm khiến người ta ruột gan xáo trộn. Thật vậy, Đức Giêsu xúc động thể lý và cảm nghiệm nỗi đau khổ, trái tim Người rướm máu trước dân nghèo, bị ruồng bỏ, bị xua đuổi, bị chà đạp. Có cái gì đó ở trong Người khiến Người không chịu nỗi thái độ giả hình và thói bất công đối với người thấp hèn, tàn tật, yếu đuối, túng thiếu.

Đức Giêsu động lòng thương khi thấy người phong cùi kêu xin Ngài cứu chữa. Người cùi bị mọi người xua đuổi, khai trừ, đi đến đâu đều phải lắc cái chuông nhỏ, cảnh báo cho người ta biết mà tránh xa. Không ai được đến gần họ, vì sẽ bị lây nhiễm mà trở nên ô uế. Người cùi lớn tiếng van xin: "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi được sạch". Đức Giêsu giơ tay ra, chạm đến anh như cử chỉ chào đón và tôn trọng nhân phẩm của anh, rồi chữa cho anh lành mạnh. Nhất là Người còn chữa lành con tim tan vỡ và lòng tự trọng đã bị sứt mẻ của anh.

Đức Giêsu luôn biết cảm thông và tha thứ. Nhiều người bị giam hãm trong mặc cảm tội lỗi, tâm hồn họ tan rã vì sợ Thiên Chúa, sợ bị trừng phạt. Họ còn bị ruồng rẫy bởi những người tự coi mình là thanh sạch. Đức Giêsu đến là để bày tỏ dung mạo khoan dung của một Thiên Chúa luôn thương xót và tha thứ, chứ không phải một Thiên Chúa kết án và trừng phạt những vi phạm lề luật.

Một ngày kia những người Pharisêu và kinh sư bắt tại trận một phụ nữ đang ngoại tình. Như đàn sói hung hãn đang săn mồi, họ tóm lấy người phụ nữ còn mình trần, lôi đến trước mặt Đức Giêsu, lúc đó đang giảng dạy trong đền thờ.

Họ hỏi Chúa Giêsu: "Ông Môsê dạy hạng đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình này phải bị ném đá cho chết. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? Bọn người hung dữ, cuồng tín giữ luật này nghĩ rằng họ giăng bẫy Đức Giêsu. Đức Giêsu không nói gì, chỉ cúi xuống viết trêt cát. Họ gặng hỏi: "Thầy nghĩ sao? Chúa đứng dậy ra giọng đĩnh đạc nói: "Ai vô tội thì hãy ném viên đá đầu tiên đi". Bọn họ thẹn thùng bỏ đi hết. Chúa Giêsu nhìn người phụ nữ nói "tôi không kết án chị, hãy đi và đừng phạm tội nữa". Người phụ nữ ra về, được tình thương đổi mới, hết bị mặc cảm tội lỗi ràng buộc và sống một cuộc đời mới.

Chúa Giêsu đã sống yêu thương và dạy chúng ta phải biết đối xử với người khác bằng sự yêu thương, có nhiều cách thể hiện sự yêu thương đối với nhau nhưng chúng ta cần phải đi từng bước và có những thực hành cụ thể. Xin gợi lên những thực hành giúp chúng ta thực hiện sự yêu thương trong đời sống mình: hãy đối xử nhân hậu với nhau, đừng nóng nảy tức giận nhau, đừng bao giờ nói hành nói xấu nhau.

 

14. Gieo gì gặt ấy – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Tục ngữ có câu “có gieo có gặt”, nhưng thành quả gặt hái lại tuỳ theo loại giống mà chúng ta gieo trồng. Vì “gieo gì gặt ấy”. Mình gieo yêu thương sẽ tìm được hạnh phúc an bình. Mình gieo thù hận sẽ phải đón nhận sự trả đũa oán hận, vì “gieo gió ắt gặp bão”.

Có thể nói cuộc đời là một chuỗi ngày dài gieo giống. Mỗi ngày ta gieo một vài lời nói, một vài hành động và rồi năm tháng trôi qua chúng ta sẽ có ngày gặt hái những gì chúng ta đã gieo vãi. Mặc dù là khoảng thời gian có thể là rất xa. Một năm. Hai năm. Hay có khi cả đời. Nhưng chắc chắn một điều là mùa gặt sẽ tới. Có những điều chúng ta sẽ phải gặt trước khi từ giã cõi đời, nhưng cũng có điều chúng ta phải gặt ở cõi đời sau.

Có một người đàn ông rất giầu có đã đến tuổi về hưu. Ông trao ban gia tài cho đứa con trai duy nhất, chỉ mong được sống an nhàn tuổi già bên con cháu cho đến hết cuộc đời. Thế nhưng, người con dâu lại không muốn bố chồng ở mãi trong nhà. Cô đã đề nghị chồng phải đưa bố đi ở nơi khác. Người con không muốn mất tình cảm với vợ, nên đã quyết định đưa cha vào viện dưỡng lão, nhưng lại là nơi rẻ tiền nhất theo lời căn dặn của vợ.

Một tuần sau đó, hai cha con đi bộ đến nơi mà người cha sẽ ở. Đi được một lúc bỗng nhiên người cha già bật khóc. Lương tâm người con không chịu nổi, anh nghẹn ngào nói lời xin lỗi cha. Sau một vài phút, người cha bị hắt hủi nghẹn ngào nói: “Con ơi! Cha không khóc vì con đưa cha vào đây. Cha khóc vì cách đây bốn mươi năm trước, cha cũng bước đi trên lối này với ông nội của con, và cũng đưa ông nội con vào viện dưỡng lão tồi tàn này. Cha chỉ “gieo gì gặt ấy thôi!”.

Thực vậy, “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”. Những gì chúng ta đã và đang nhận trong cuộc đời này hoàn toàn tuỳ thuộc vào những điều chúng ta đã gieo vãi, vun trồng ngày hôm qua. Cùng một môi trường nhưng có người nhiều bạn bè, và ngược lại có người chẳng được ai chơi. Có người được yêu thương, đùm bọc. Có người chỉ nhận được sự khinh bỉ, dửng dưng xem thường. Có người được hàng xóm bao bọc “tối lửa tắt đèn có nhau”. Có người lại bị anh em loại trừ. Có người vui vì sự chơi đẹp của tha nhân. Có người dở khóc dở cười vì sự chơi xấu của tha nhân. Tất cả điều đó cho thấy, những gì chúng ta nhận được là do chính chúng ta đã gieo vãi vun trồng tuỳ theo cách sống của chúng ta.

Hôm nay, Chúa bảo chúng ta hãy đi gieo vãi yêu thương. Chúa cầu mong chúng ta sinh hoa kết trái. Chính Chúa đã gieo vào lòng chúng ta hạt giống yêu thương. Chúng ta được lớn lên trong tình yêu thương của Chúa. Chúng ta được sống trong tình yêu quan phòng của Chúa. Chúa còn tuyển chọn chúng ta nên bạn hữu của Chúa. Chúa còn làm tất cả để chúng ta được hạnh phúc. Chúa đã quên cả chính mình để chúng ta được sống. Chúa không đòi chúng ta đền đáp cho Chúa. Chúa chỉ mong chúng ta hãy theo gương Ngài mà đối xử với nhau trong yêu thương. Chúa bảo chúng ta “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Yêu như Thầy đã yêu là tiếp tục gieo vãi hạt giống yêu thương của Chúa cho muôn người. Hãy đem yêu thương vào nơi oán thù. Hãy trồng cây yêu thương vào trong thế gian để thế gian được hái những trái ngọt của hạnh phúc, của tình người.

Nhưng có mấy ai đã thực sự sống yêu thương mà không toan tính, hay pha chút ích kỷ, nhỏ nhoen? Có mấy ai đã yêu tha nhân như chính mình để rồi có thể chia sẻ buồn đau với tha nhân? Có mấy ai đã vì bạn hữu mà quên mình? Có lẽ có, nhưng chắc chắn có rất ít!

 

Nhìn lại những gì đang diễn ra nơi gia đình, nơi xứ đạo và trên thế giới, dường như những nghĩa cử yêu thương đang thiếu dần, mà thay vào đó là sự ích kỷ, là độc đoán, là lỗi bác ái yêu thương tràn lan. Có mấy ai đã tự vấn lương tâm để thấy rằng mình làm hại anh em thì nhiều mà làm điều tốt thì ít? Có mấy ai dám tự trách mình vì những lời mình nói, vì những việc mình làm đã mang lại khổ đau cho anh em? Có mấy ai đã dám nói lời xin lỗi với gia đình, với cộng đoàn vì sự tắc trắc của mình mà làm cho gia đình xào xáo, bất đồng ý kiến, đố kỵ và ghen tương? Có mấy ai đã thực sự dấn thân để xây dựng hoà bình khởi đi từ những nghĩa cử yêu thương và tôn trọng tha nhân?

Nhân loại hôm nay rất biết ơn những con người biết xây dựng hoà bình từ yêu thương. Năm 1963, tại Washington, khoảng 200.000 người đã lắng nghe Martin Luther King, vị mục sư da đen, người đoạt giải Nobel hoà bình nói chuyện. Ông nói rằng: “Tôi ước mơ một ngày kia, trên những cánh đồng miền Georgia, con cháu của những người nô lệ và của những chủ nô sẽ ngồi chung với nhau trong một bàn tiệc huynh đệ. Tôi ước mơ một ngày kia, 4 người con của tôi về sống trong một nước mà chúng không còn bị xét xử vì màu da nữa, nhưng vì công lao...”

Ước mơ của ông cũng là ước mơ của hàng triệu con người trên thế giới. Nhưng khao khát hoà bình thì nhiều, còn gieo vãi niềm an bình hạnh phúc thì chẳng có mấy ai! Người ta nặng lời kết án nhau thì nhiều mà nói lời xin lỗi thì còn quá ít. Người ta nói xấu thì nhiều mà nói tốt cho nhau vẫn còn khiêm tốn. Thế nên, thế giới vẫn còn đó sự nghi kỵ, hiểu lầm và thù oán. Thể giới vẫn phải đón nhận đoạ đầy khổ đau bởi sự dữ do chính con người đã gieo vào trần gian.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn học bài học yêu thương của Chúa để đem ra thực hành trong cuộc sống thường ngày, ngõ hầu góp phần kiến tạo niềm an vui và hạnh phúc cho trần gian. Amen.

 

15. Hãy yêu thương nhau

1. Đôi khi có người nhờ tôi đánh máy di chúc, cách chung những người viết di chúc đều mong muốn con cái họ hoà thuận, thương yêu nhau ngay lúc họ còn sống và nhất là sau khi họ qua đời, nói rõ hơn là họ muốn con cái họ đừng tranh giành của cải họ để lại. Đức Giêsu Chúa chúng ta trước khi bước vào cuộc khổ nạn cũng có những lời tâm huyết dặn dò các môn đệ của mình đó là "anh em hãy yêu thương nhau". Lời này được lập đi lập lại 2 lần trong một đoạn văn ngắn, chứng tỏ thao thức của Đức Giêsu đối với các môn đệ về điều này như thế nào?

2. Thực ra trong cuộc sống, chúng ta vẫn yêu thương nhau, yêu và được yêu là nhu cầu tất yếu của con người, nhưng thường thì ta dễ yêu một người khi người đó đem lại lợi ích vật chất, tinh thần hoặc thoả mãn một nhu cầu nào đó của ta. Tình yêu như vậy đó là thứ tình yêu vị kỷ, yêu người khác vì mình.

Ở đây, Đức Giêsu dạy chúng ta yêu thương nhau ở mức độ cao hơn, yêu vì làm vui lòng, lợi ích cho người mình yêu, đó là tình yêu vị tha. Tình yêu này xuất phát từ Chúa Cha đến với Đức Giêsu, rồi từ Đức Giêsu đến với con người và con người với nhau: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy" và "anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em".

3. Chúa Cha yêu Chúa Con bằng tình yêu tôn vinh, chính khi Chúa Con bị treo trên cây thập giá, xem ra là thất bại nhưng là lúc cao điểm Thiên Chúa Cha tôn vinh Đức Giêsu (Ga 13,31), qua cuộc Vượt qua, Chúa Cha đã trao ban mọi quyền hành cho Đức Giêsu.

Đối lại, Chúa Con yêu Chúa Cha bằng tình yêu vâng phục: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người"(Ga 4,34). Chúa Cha không những yêu thương Chúa Con mà còn yêu thương cả loài người tội lỗi nữa. Vì yêu thương đến nỗi ban Con Một của Người cho chúng ta (Ga 3,16).

Phần Đức Giêsu, Ngài yêu thương loài người chúng ta thế nào? Ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để ban sự sống mới cho ta: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13).

Vậy Chúa Cha và Chúa Con yêu thương nhau không vì mình mà vì Ngôi kia, Cha dành cho Con, Con dành cho Cha mọi sự tốt đẹp. Chúa Cha và Chúa Con yêu thương loài người vì lợi ích, hạnh phúc của loài người. Yêu là trao ban, yêu là muốn cho người mình yêu được tốt hơn... đó là kiểu mẫu cho mọi tình yêu thương của chúng ta đối với nhau.

4. Khi chúng ta có tình yêu chân thật đối với nhau, theo kiểu mẫu của Thiên Chúa, chắc hẳn sẽ dễ tha thứ và làm hoà với nhau như Thiên Chúa đã đi bước trước đến với loài người chúng ta dù ta vong ân, bội nghĩa.

Khi chúng ta có tình yêu chân thật đối với nhau, thì xã hội này không còn chỗ cho con cái của ma quỷ nương tựa. Làm sao ta có thể lừa đảo, gian dối, nói xấu, làm điều trái phép công bằng... với ai đó khi ta thực sự yêu họ? Khi chúng ta có tình yêu chân thật đối với nhau chắc chắn xã hội sẽ tốt hơn, bởi chúng ta làm việc với tinh thần trách nhiệm cao; hy sinh, phục vụ với tất cả khả năng cho người mình yêu, cho gia đình, cộng đoàn, xã hội...

5. Hãy yêu thương nhau bằng tình yêu chân thật, để chứng tỏ chúng ta là môn đệ của Đức Kitô: "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau." (Ga 13,35). Chúng ta không co cụm, khép kín mà theo lệnh truyền của Chúa, chúng ta cũng hãy yêu hết mọi người (Mt 5,44), bằng tình yêu như Chúa dạy; nhưng hãy khởi đầu từ những người thân, những người gần gũi với mình, để lấy đà tiến xa hơn. Bởi một người mà không biết yêu thương, bác ái đối với anh chị em mình, thì khó mà sống yêu thương bác ái đối với người khác. Xin khép lại bài chia sẻ với câu chuyện đầy tình yêu thương sau đây mà tôi đọc được trong "Sợi Chỉ Đỏ", Chúa Nhật 6 Phục Sinh, của Lm. Carôlô, để chúng ta tiếp tục cầu nguyện suy nghĩ:

"Trong dãy núi Alps ở Thuỵ Sĩ có một ngôi làng, và trong làng có một nhà thờ nhỏ. Mặc dù nhà thờ này chẳng có một tác phẩm nghệ thuật nào cả nhưng lại được dân làng quý mến một cách hết sức đặc biệt. Câu chuyện sau đây sẽ cho biết lý do. Có hai anh em cùng canh tác mảnh vườn của gia đình và chia lợi tức đồng đều cho nhau. Người anh đã có gia đình, người em còn độc thân. Năm đó thời tiết khắc nghiệt nên thu hoạch rất kém. Một hôm, người em tự nhủ: "Nếu chia đều phần thu hoạch thì không công bình, vì mình thì độc thân, còn anh mình thì còn phải lo cho gia đình".

Thế là mỗi đêm người em vào kho nhà mình lấy một bao lúa, đi ngang qua miếng ruộng giữa hai nhà và mang đến bỏ vào kho của người anh. Trong lúc đó, người anh cũng tự nhủ: "Nếu chia đều phần thu hoạch thì không công bình, vì mình thì đã có gia đình đỡ đần, còn em mình thì độc thân không ai giúp đỡ". Thế là mỗi đêm người anh vào kho nhà mình lấy một bao lúa, đi ngang qua miếng ruộng giữa hai nhà và mang đến bỏ vào kho của người em.

Đêm nào hai anh em cũng làm như thế. Nhưng lạ thay ai cũng thấy kho lúa nhà mình chẳng vơi đi tí nào cả. Một đêm kia, hai anh em gặp nhau giữa miếng ruộng. Họ cảm động quá, vất bao lúa xuống đất và ôm nhau khóc. Thình lình, một tiếng từ trời vọng xuống: "Tại đây Ta sẽ xây nhà thờ của Ta, vì nơi nào người ta thương yêu nhau thì Ta sẽ ngự ở đó". Thế là có một ngôi nhà thờ mọc lên tại nơi đó".

 

16. Thiên Chúa là tình yêu

(Suy niệm của Lm Phạm Thanh Liêm, SJ)

Thiên Chúa là ai? Sau những năm tháng cảm nghiệm và nghiền ngẫm về Thiên Chúa, tác giả thư Gioan diễn tả: Thiên Chúa là tình yêu. Ngài là Đấng làm mọi sự vì yêu: tạo dựng tất cả vì yêu, làm vũ trụ này tiếp tục hiện hữu vì yêu, tuyển chọn dân Do Thái vì yêu, và ban Thánh Thần giúp dân ngoại đón nhận tin mừng Đức Giêsu Phục Sinh cũng vì yêu.

1. Dân ngoại đón nhận Tin Mừng

Thiên Chúa yêu thương dân Do Thái. Ngài đã kêu gọi Abraham, đã can thiệp vào cuộc đời Giacóp, đã ở với Giuse bên Aicập, và đã đưa dân Do Thái từ Ai cập trở về đất hứa. Lịch sử dân Do Thái cho thấy Thiên Chúa hiện diện và thương yêu dân tộc Do Thái cách đặc biệt. Ngài đã ban cho dân những thẩm phán để giải phóng và hướng dẫn dân, đã ban cho dân các tiên tri để nói với dân nhân danh Ngài.

Đã có thời, người Do Thái tưởng rằng Thiên Chúa chỉ yêu thương dân tộc Do Thái mà thôi, vì Thiên Chúa đã chọn dân Do Thái là dân riêng. Dường như chính Đức Giêsu cũng đã có lúc Ngài tưởng mình chỉ được sai tới với người Do Thái, nhưng qua biến cố gặp gỡ chị phụ nữ vùng Tia và Xiđôn, Ngài đổi ý vì nhận ra ý định của Thiên Chúa (Mt.15, 21-28). Hôm nay Phêrô cũng nhận ra ý định của Thiên Chúa đối với dân ngoại khi Thiên Chúa can thiệp để Phêrô tới rao giảng cho gia đình Cornêliô. Thiên Chúa đã ban Thánh Thần giúp Phêrô nhận ra ý định của Thiên Chúa muốn dân ngoại thuộc dân Thiên Chúa qua việc lãnh nhận phép rửa.

"Thiên Chúa không thiên tư tây vị người nào" (Cv.10, 34). Thiên Chúa thương tất cả mọi người, Thiên Chúa yêu thương mọi dân tộc. Thiên Chúa không chỉ yêu thương dân tộc Do Thái, nhưng Ngài yêu thương mọi dân tộc như yêu thương dân tộc Do Thái. Với biến cố dân ngoại đón nhận Tin Mừng, người ta có cảm tưởng Thiên Chúa yêu thương dân ngoại hơn dân Do Thái nữa, nhưng thực ra Thiên Chúa không thiên tư tây vị: Ngài yêu dân ngoại như yêu dân tộc Do Thái. Như dân Do Thái đã nhận ra Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử dân Do Thái thế nào, thì mỗi dân tộc cũng phải nhận ra Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử dân tộc mình như vậy. Dân Do Thái là mẫu, để các dân tộc khác tập nhận ra Thiên Chúa đã đang yêu thương và đã đang can thiệp vào lịch sử dân tộc mình.

2. Đức Giêsu- Lời Thiên Chúa nói với con người

Đức Giêsu là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa cho con người. "Chúa Cha yêu mến thầy thế nào, thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Hãy ở lại trong tình yêu thầy". Đức Giêsu yêu con người vô cùng. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng vì người mình thương. Đức Giêsu đã hiến mạng sống Ngài cho con người. Ngài là tấm bánh bẻ ra nuôi sống con người. Ngài là đường, là sự thật và là sự sống. Qua Ngài, với Ngài và trong Ngài, con người tìm được đường chân thực đi tới sự sống.

Đức Giêsu là mẫu gương tuyệt vời cho con người. Cuộc sống của Đức Giêsu giống cuộc sống của mỗi người chúng ta. Tôi gặp khó khăn gì trong cuộc sống, Đức Giêsu cũng gặp như vậy, cả những ao ước, những cám dỗ, những thách thức. Đức Giêsu đã gặp khó khăn với những người sống với Ngài, như khi Phêrô can ngăn Ngài đi trên con đường Thiên Chúa muốn, khi các tông đồ do dự không muốn lên Giêrusalem. Đức Giêsu cũng bị bỏ rơi khi gặp hoạn nạn, rồi cả cái chết, và là cái chết nhục nhã trần trụi trên thập giá. Những gì con người thường gặp, thì Đức Giêsu cũng đã gặp. Ngài là mẫu gương trong cách hành xử. Ngài là ánh sáng soi những lúc tối tăm của kiếp người. Ngài là ý nghĩa cho những đau khổ con người phải chịu.

Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa nói với con người. Con người học bằng nghe, bằng nhìn. Đức Giêsu là con người cụ thể, con người có thể nhìn để thấy để học; Đức Giêsu là Lời, con người có thể nghe để hiểu. Nhìn Đức Giêsu, con người có thể nhận ra bài học Thiên Chúa muốn dạy con người. Đức Giêsu là tình yêu Thiên Chúa cho con người. Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa nói với con người. Đức Giêsu là mặc khải của Thiên Chúa cho con người.

3. Thánh Thần- Tình Yêu Thiên Chúa

Đức Giêsu nói: "Đây là giới răn của thầy: các con hãy yêu thương nhau". "Ai giữ giới răn của thầy, thì ở lại trong tình yêu của thầy". Thánh Gioan tông đồ viết: "chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu đến từ Thiên Chúa". Chỉ có mỗi một điều quan trọng trên đời, đó là yêu thương. Ai yêu thương thì ở trong Thiên Chúa, thì biết Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong người đó. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.

Khi người ta yêu thương, người ta là con cái Thiên Chúa, vì người ta đang giống Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Đấng chỉ biết yêu. Thiên Chúa làm mọi sự vì yêu. Thiên Chúa không phạt con người. Những đau khổ con người chịu, là do thù hận. Thù hận làm con người khổ, làm con người không hạnh phúc, là hỏa ngục theo một nghĩa nào đó. Ai yêu thương, theo một nghĩa nào đó, đang hạnh phúc. Nên, một nghĩa nào đó, để biết mình có yêu thương không, là có thấy mình đang hạnh phúc không. Một người yêu thương, là người để người khác có thể sống thoải mái với mình, để họ được tự do.

Thánh Thần là tình yêu của Thiên Chúa. Chính Thánh Thần giúp con người sống trong tình yêu, và nhận ra Thiên Chúa là tình yêu. Một dấu chỉ để biết con người có Thiên Chúa ở với mình không, là xem con người có sống yêu thương không. Yêu thương là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện, là dấu chỉ của Thánh Thần đang ở với người đó, và đang hoạt động nơi người đó. Mỗi người đều bởi Thiên Chúa mà được sinh ra, nhưng còn có một sự sinh ra khác: "ai yêu thương thì sinh bởi Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu". Ai yêu thương, thì đang được sinh ra bởi và trong Thánh Thần.

 

17. Dòng suối yêu thương – Lm. Ignatiô Trần Ngà

Nếu có ai đó chưa biết gì về đạo thánh Chúa, yêu cầu chúng ta: "Bạn có thể giúp tôi hiểu cách vắn gọn về bản chất của đạo Thiên Chúa trong vòng năm phút được không?"

Đề nghị nầy có thể làm cho chúng ta lúng túng. Trước một vấn đề quan trọng như thế thì dễ gì tóm gọn trong dăm ba phút? Thế nhưng lời Chúa hôm nay có thể giúp chúng ta giải quyết phần nào vấn nạn nầy.

Có thể hiểu cách đơn giản rằng Đạo Chúa không gì khác hơn là Dòng Suối Yêu Thương với ba chiều kích:

1. Dòng suối Yêu Thương bắt nguồn từ Chúa Cha.

2. Dòng suối Yêu Thương thông qua Chúa Con đến cùng nhân loại.

3. Mỗi người phải khơi dòng cho Tình Yêu Thương của Thiên Chúa đến được với tha nhân.

* * *

Như một quy luật tự nhiên, các suối đầu nguồn luôn trao hết, trút hết nguồn nước của mình vào lòng các dòng sông. Suối sẵn sàng cho đi luôn mãi không tiếc nuối bao giờ.

Các dòng sông, một khi đã nhận được nước từ những con suối ở thượng nguồn, cũng không ngừng cho đi, cho đi ngày đêm không ngơi nghỉ, trút hết nguồn nước của mình cho vùng hạ lưu và cho ra biển cả.

Thiên Chúa là Tình Yêu, mà đặc tính của tình yêu là thông ban, là lưu chảy như nước từ khe suối đầu nguồn chảy xuôi xuống các dòng sông và tuôn chảy vào đại dương.

Dòng suối Yêu Thương bắt nguồn từ Chúa Cha

Thiên Chúa Cha là Cội Nguồn Tình Yêu. Tình yêu của Người như Suối đầu nguồn. Tình yêu ấy được thể hiện qua việc Chúa Cha trao ban tất cả mọi sự cho Chúa Con như Lời Chúa Giêsu xác nhận: "Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy" (Gioan 5, 26).

"Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Con" (Gioan 3, 35).

Bởi vì Chúa Cha đã trao ban mọi sự cho Chúa Con nên Chúa Giêsu khẳng định: "Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy".

Dòng suối Yêu Thương thông qua Chúa Con đến cùng nhân loại.

Chúa Giêsu chẳng những không giữ lại những gì Chúa Cha trao cho mình, mà còn đem tặng ban tất cả cho nhân loại, kể cả mạng sống của Người. Tình yêu của Chúa Giêsu lên đến cao điểm khi nâng con người phàm hèn lên hàng bạn hữu nghĩa thiết và hiến ban cả mạng sống mình cho họ: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13).

Mỗi người phải khơi dòng cho Tình Yêu Thương của Thiên Chúa đến được với tha nhân.

Chúa Cha như suối đầu nguồn đã trút hết tình yêu cho Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu như dòng sông cả đón nhận tình yêu của Chúa Cha và đã trút hết tình yêu ấy cho chúng ta.

Đến lượt mình, chúng ta được kêu mời trút hết tình yêu cho tha nhân như Chúa Giêsu đã trút hết tình yêu của Người cho chúng ta.

"Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em (Ga 15,12).

Thế là dòng suối Yêu Thương xuất phát từ Thiên Chúa Cha, qua Chúa Giêsu, tuôn tràn xuống chúng ta và thông qua chúng ta để đến với mọi người khắp nơi trên thế giới. Cứ thế, dòng suối Yêu Thương lưu chảy không ngừng, không nghỉ... đem lại hạnh phúc và sự sống cho tất cả mọi người.

Đừng cản trở dòng Suối Yêu Thương

Thỉnh thoảng có những thân cây to lớn bên bờ đổ xuống hoặc những ghềnh đá làm cản trở dòng chảy của con suối khiến nước không thể chảy xuôi về nuôi những cánh đồng phía dưới.

Khi không còn thương mến nhau, chúng ta trở thành những chướng ngại vật cản trở dòng chảy của tình yêu Thiên Chúa đến với anh chị em chung quanh mình và vì thế chúng ta làm cho đời sống của bao người quanh ta trở nên cằn cỗi.

Khi không còn thương mến nhau, chúng ta tự loại mình ra khỏi gia đình yêu thương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Như thế chúng ta tự làm cho mình trở thành kẻ lạc loài và cô độc.

Lạy Thiên Chúa là Nguồn Mạch Tình Yêu, xin cho chúng con luôn chia sẻ Tình Yêu Chúa cho mọi người để nhờ đó, chúng con được hoà mình vào dòng suối Yêu Thương không bao giờ vơi cạn.

Nguồn: http://gplongxuyen.org