Chúa gọi 4 cộng tác viên tin mừng

Chúa Nhật 21/01/2018 – Chúa Nhật tuần 3 Thường Niên năm B. – Chúa gọi 4 cộng tác viên tin mừng.

"Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm".

 

Lời Chúa: Mc 1, 14-20

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm".

Đang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người". Lập tức các ông bỏ lưới theo Người.

Đi xa hơn một chút nữa, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

 

 

CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN B

Lời Chúa: Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,29-31; Mc 1,14-20

MỤC LỤC

 

1. Nhóm mười hai

Một trong những ưu tư của Chúa Giêsu trong quãng đời công khai, đó là kêu gọi, tuyển chọn và huấn luyện các tông đồ. Chính vì thế, trong một vài phút ngắn ngủi này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về sinh hoạt trong một ngày của Chúa Giêsu và nhóm Mười Hai.

Chúa Giêsu có thói quen thức dậy rất sớm. Ngài thường chọn một nơi thanh vắng để cầu nguyện. Sau đó, có khi Ngài căn dặn các ông và sai các ông đi thực tập truyền giáo. Có khi Ngài cùng đi với các ông, vừa đi vừa đàm đạo thân mật, nhất là Ngài thường cắt nghĩa cho các ông hiểu rõ những điều Ngài đã giảng dạy, bằng những hình ảnh và ngôn ngữ đơn sơ.

Khi nghe biết Chúa Giêsu tới một làng hay một thành nào đó, người ta thường đem tới cho Ngài đủ mọi thứ bệnh nhân để xin Ngài cứu chữa. Và Ngài đã dành nhiều thời giờ để xoa dịu những đớn đau của họ.

Ngoài ra, Ngài còn tiếp xúc với bọn biệt phái, với những người mẹ và con cái của họ, cũng như với những kẻ tội lỗi và đau khổ. Ngài tiếp nhận hết mọi người và giảng giải cho họ biết về Tin Mừng Ngài loan báo. Chúa Giêsu và các môn đệ thường dùng bữa với nhau. Tuy nhiên, cũng có những ngày quá bận rộn, không có cả thời giờ để ăn uống. Khi chiều xuống, Chúa Giêsu thường đề nghị các môn đệ rút vào một nơi thanh vắng để cầu nguyện và nghỉ ngơi với Ngài.

Một trong những đặc tính nổi bật của nhóm Mười Hai này là tình yêu thương. Chính tình yêu thương  này đã nối kết các ông lại với nhau, cũng như đã nối kết các ông lại với Chúa Giêsu.

Thực vậy, chính Chúa Giêsu đã yêu thương các ông. Đi tới đâu, Ngài cũng mang các ông theo. Ngài muốn các ông cùng chia sẻ những vui buồn, những thành công và thất bại với Ngài. Ngài lo lắng đến sức khỏe thể xác cho các ông. Ngài dẫn các ông tới những nơi hoang vắng để nghỉ ngơi. Ngài chuẩn bị để các ông không phải thiếu thốn. Và vào buổi sáng sau ngày Phục sinh, chính Ngài đã dọn bữa cho các ông trên bờ biển.

Đồng thời, các tông đồ cũng đã dành cho Ngài những hành động yêu thương và chăm sóc. Thực vậy, khi Ngài nói chuyện với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp, thì các ông vào làng mua thức ăn và mời Ngài dùng bữa. Sau những lần đi thực tập truyền giáo, các ông vui mừng trở về gặp Chúa và kể lại cho Ngài nghe biết những thành quả đã thu lượm được. Các ông đau buồn khi nghe Chúa tiên báo về cái chết của Ngài. Nhìn thấy các ông, có lẽ người ta phải thốt lên: Kìa xem họ yêu thương nhau biết là chừng nào.

Noi gương Chúa Giêsu và các tông đồ, chúng ta cũng hãy gieo rắc tinh yêu thương cho những người đang sống chung quanh chúng ta, bắt đầu từ gia đình, rồi đến bà con lối xóm. Bởi vì sứ mạng của chúng ta là giúp mọi người biết cảm thông, chia sẻ và yêu thương. Muốn được như vậy, bản thân và cuộc đời chúng ta phải trở nên một lời mời gọi mọi người đến cùng tình yêu, hay nói cách khác là đến cùng Thiên Chúa, vi Thiên Chúa là Tình yêu.

 

2. Từ bỏ

Sống là chọn lựa. Chọn lựa từng giây phút trước những hành động cuộc đời chúng ta. Và chọn lựa trước hết là gì? Nếu phải từ bỏ. Thực vậy, nếu muốn lên Saigon, thì phải từ bỏ con đường xuống Rạch Giá. Nếu muốn học giỏi, thì phải từ bỏ những tháng ngày lãng phí thời gian. Nếu muốn làm làm giàu, thì phải từ bỏ sự ươn lười, nhàn rỗi. Nếu muốn được cha mẹ yêu thương, thì phải từ bỏ những gì làm cho các ngài buồn lòng. Sống là chọn lựa và chọn lựa có nghĩa là từ bỏ.

Tiến vào đời sống siêu nhiên cũng thế. Muốn theo Chúa, muốn đáp trả lời mời gọi của Chúa, chúng ta phải chọn lựa, chúng ta cũng phải từ bỏ. Abraham ngày xưa đứng trước lệnh truyền của Chúa, ông đã phải từ bỏ quê hương và sự nghiệp để dấn thân vào một cuộc phiêu lưu không định hướng. Hơn thế nữa, ông còn sẵn sàng từ bỏ cả đứa con duy nhất, sẵn sàng sát tế Isaác để làm lễ vật dâng kính Thiên Chúa. Các tông đồ ngày hôm nay cũng vậy. Các ông đã bỏ cha già, bỏ gia đình, bỏ ghe thuyền, bỏ chài lưới nghĩa là các ông đã từ bỏ tất cả để lên đường theo Chúa. Hay như Phanxicô Khó Khăn, đã từ bỏ đến cả manh áo che thân trước sự ngăn cản của gia đình để được hoàn toàn tự do bước theo Chúa.

Từ bỏ gia đình, từ bỏ tiền bạc, từ bỏ thời giờ để theo Chúa đã là một chuyện khó, nhưng điều quan trọng hơn Chúa đòi chúng ta phải từ bỏ, đó là từ bỏ chính bản thân mình. Những sợi dây níu kéo chúng ta lại với mặt đất, những chướng ngại vật ngăn cản bước chân chúng ta theo Chúa, đó là những thói hư tật xấu, những đam mê tiền bạc hay những khát vọng không chính đáng. Để bước theo Chúa, việc đầu tiên mà chúng ta phải thực hiện đó là dứt bỏ những níu kéo ấy, là khử trừ những khuynh hướng lệch lạc, là từ bỏ những ước vọng trần tục. Từ bỏ tiền bạc, từ bỏ tiện nghi vật chất đã là chuyện khó, nhưng chưa đến nỗi cam go vì tiền bạc và vật chất là những cái còn ở bên ngoài chúng ta. Chứ từ bỏ những đam mê, những ước muốn xấu xa mới là chuyện cam go vì đam mê, và ước muốn bén rễ sâu trong con tim chúng ta. Nó làm thành chính bản tính, chính bộ mặt thực sự, chính cái phần sâu thẳm nhất nơi mỗi người chúng ta. Và đó cũng chính là điều mà Chúa đòi buộc chúng ta phải từ bỏ.

Nhưng tại sao chúng ta phải từ bỏ? Vì Chúa Giêsu đã dạy: Con đường vào Nước Trời thì nhỏ hẹp. Con đường nhỏ hẹp ấy chẳng phải là ngõ cụt, nhưng nó sẽ dẫn chúng ta đến hạnh phúc, đến biển cả của tình yêu là chính Thiên Chúa. Đã là một con đường nhỏ hẹp thì chúng ta không thể bước đi trên đó với những hành lý cồng kềnh. Và những hành lý cồng kềnh của chúng ta là gì nếu không phải là tiền bạc, vật chất, đam mê, khát vọng và thói hư tật xấu. Chúng ta phải từ bỏ thì mới có thể tiến bước. Như một người leo núi chỉ mang theo những dụng cụ tối thiểu nhưng cần thiết, nếu không thì người ấy mãi mãi chỉ ở dưới chân núi mà thôi. Hơn nữa Chúa Giêsu cũng đã nhắn nhủ: Nếu ai muốn cứu mạng sống thì sẽ mất, nghĩa là nếu chúng ta cứ bấu víu vào những thực tại trần thế, nếu chúng ta cứ nắm chặt lấy cuộc sống vật chất, thì chắc chắn chúng ta sẽ đánh mất cuộc sống vĩnh cửu. Chúng ta phải từ bỏ thì mới có thể được sống, như hạt lúa gieo trên ruộng đồng, phải mục nát thì mới đâm bông kết trái.

Một khi đã dứt bỏ được những níu kéo bên ngoài, một khi đã dứt khoát bỏ được những vấn vương bên trong. Một khi đã từ bỏ được những quyến luyến trần thế, một khi đã từ bỏ được những khát vọng bất chính, lúc bấy giờ chúng ta sẽ như một cánh chim bay bổng về với Chúa, lúc bấy giờ chúng ta mới chính thức chọn lựa Chúa. Bấy giờ chọn lựa sẽ không chỉ còn là một từ bỏ mà chọn lựa còn có nghĩa là nói chấp nhận.

Thực vậy, chúng ta chấp nhận Chúa, chúng ta chấp nhận con đường nhỏ hẹp, chúng ta chấp nhận thập giá trong cuộc sống. Muốn được như vậy thì chúng ta phải có một tình yêu, yêu mến Thiên Chúa, và với hương vị của tình yêu, chúng ta sẽ thắng vượt được mọi khó khăn. Với Chúa đi trong cuộc sống, chúng ta không còn bị thất bại. chúng ta sẽ thâu lượm những kết quả tốt đẹp như mẻ lưới lạ lùng của các môn đệ.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau, để mỗi người biết dẹp bỏ những cản trở trong cuộc sống, và để từng giây phút chúng ta chọn lựa, chúng ta chấp nhận và chúng ta bước theo Chúa.

 

3. Mau qua chóng tàn - Anmai, CSsR

Tác giả Thánh Vịnh 39 thỏ thẻ với Chúa những lời nguyện sau đây:

"Lạy CHÚA, xin dạy cho con biết:

đời sống con chung cuộc thế nào,

ngày tháng con đếm được mấy mươi,

để hiểu rằng kiếp phù du là thế.

Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc,

kiếp sống này, Chúa kể bằng không.

Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở,

thấp thoáng trên đường tựa bóng câu.

Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng,

ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng." (Tv 39, 5-7)

Mới nghe qua ta thấy Thánh Vịnh này sao đượm một chất buồn: đời của con người chỉ như hơi thở, thấp thoáng trên đường tựa bóng câu mà thôi! Buồn có buồn thật nhưng đó chính là thực tế, là sự bi đát, là sự mong manh của phận người. Đã sinh ra, đã cất tiếng khóc chào đời thì ắt hẳn đến một ngày nào đó cũng phải ra đi để về với Cội Nguồn.

Bài hát Khúc Thuỵ Du cũng nhắc nhớ ta về phận con người:

Hãy nói về cuộc đời

Khi tôi không còn nữa

Sẽ lấy được những gì

Về bên kia thế giới

Ngoài trống vắng mà thôi!

Có nghịch lý chăng khi cuộc đời đang phơi phới dệt không biết bao nhiêu là mộng vàng lại đi nói đến cái chết, nói đến cái thời cùng tận. Thoạt tiên xem ra thì nghịch lý nhưng nhìn vào thực tế của cuộc đời chẳng nghịch lý chút nào cả. Không nghịch lý vì lẽ đó là định luật tự nhiên của con người. Có sinh ắt có tử chứ có ai sống mãi trên cuộc đời này chăng?

Có nhiều người thắc mắc hỏi rằng tại sao con người sống chỉ có thế thôi, nghĩa là họ muốn kéo dài thêm tuổi thọ. Cũng tốt thôi, chẳng ai không mong mình sống thọ cả nhưng nhìn vào thực tế tuổi hưu là 60 hay 65 gì đó tuỳ người là nam hay nữ. Chúng ta thấy đó, ở cái tuổi 70, 80 có làm gì được nữa hay chăng? Khi nói về vấn đề tuổi thọ, người ta lại đặt vấn đề về chuyện người già nhiều quá bỗng nhiên trở nên gánh nặng cho xã hội!?!?!

Kết cục con người rồi cũng phải chết nhưng quan trọng chết cách nào và biết khi nào mình chết.

Chẳng ai có thể biết được mình chết cả. Nếu biết trước thì đâu có gì để mà nói vì lẽ mạng sống con người tuỳ thuộc vào Thiên Chúa.

Với con mắt của người đời, đau khổ khi con người vướng vào bệnh ung thư, bệnh nan y nhưng thật sự ra những ngày nằm trên giường bệnh cũng là thời gian, cũng là cơ hội để con người nhìn lại những lầm lỗi, những yếu đuối của mình để ăn năn sám hối. Cứ tưởng những người đó là sấu số hay kém số nhưng những người đó có cơ may để nhìn lại chính mình, nhìn lại cuộc đời của mình.

Dân thành Ninivê thời ngôn sứ Giôna với cái nhìn của người đời thì thật kinh khủng vì được báo trước cái chết 40 ngày nhưng thật sự 40 ngày đó với Ninivê quả thật là có ý nghĩa. Thiên Chúa nói rằng nếu trong 40 ngày đó chịu sám hối thì dân thành Ninivê sẽ không giáng hoạ bởi Thiên Chúa nữa. Hạnh phúc thay khi được báo trước cái chết để chuẩn bị tâm hồn.

Lời nhắn nhủ của thánh Phaolô trong thư thứ nhất của Ngài gửi tín hữu Côrintô cũng chính là lời mà Ngài nhắc nhở mỗi người chúng ta: "Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi". (1 Cr 7, 29-31).

Đúng như vậy thì thời gian đối với mỗi người chúng ta cũng đang qua đi. Mỗi một lần mừng sinh nhật hay mừng năm mới gọi là mừng nhưng với tôi thì "buồn". "Buồn" vì lẽ qua một năm, thêm một tuổi cũng chính là thời gian mà mình phải về trình diện trước mặt Thiên Chúa nó gần hơn một chút. Thi thoảng nhìn lại tuổi của mấy đứa cháu ở nhà tôi lại thấy giật mình vì mình quá "già". Mới ngày nào đó mà đứa cháu mà mình từng ẵm, từng tung cho cháu đụng cái trần nhà thì nay chúng nặng gần bằng số ký của mình. Thời gian cứ qua đi và nó chẳng chờ đợi một ai cả. Một ngày qua đi là một ngày mà mình gần Chúa hơn, một ngày mà mình phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa mọi hành vi của mình.

Thánh Phaolô thật tâm lý khi khuyên chúng ta: những người có vợ sống như không có, khóc làm như không khóc, vui làm như không vui, sắm như không sắm ... Ngài có ý mời gọi chúng ta hãy dùng những thực tại của trần gian này như là chuyện bình thường, chuyện quan trọng là chúng ta phải thanh thản trước mặt Thiên Chúa với tất cả những gì bám víu của chúng ta trong trần gian này. Ngài không bảo người có vợ phải bỏ vợ, người vui phải khóc, người có của cải trần gian phải bỏ đi hết nhưng ngài bảo mỗi người chúng ta hãy thanh thản trước những gì gọi là của chúng ta, thuộc về chúng ta. Cũng đúng thôi, dẫu là vợ nhưng khi chết chúng ta có mang theo được chăng? Dẫu là cái nhà lầu 5 tầng ở mặt tiền đàng hoàng nhưng khi nhắm mắt xuôi tay mang theo được gì? Dẫu là chiếc xe con đời mới cáu cạnh mới sắm trong thùng đấy nhưng mà có mang theo được về bên kia thế giới hay không mới là chuyện quan trọng.

Thật sự, tất cả danh vọng, quyền cao chức trọng đều mong manh và mau qua chóng tàn khi ta nhắm mắt lìa đời.

Các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay nhắc nhở cho chúng ta tất cả mọi chuyện đều mau qua chóng tàn. Ngôn sứ Isaia nói thế, thánh Phaolô nói thế và Chúa Giêsu cũng nói như vậy trong cái ngày khởi đầu việc rao giảng Tin mừng của Ngài. Mở đầu cho lời rao giảng là lời mời gọi sám hối phải chăng là lời đùa cợt hay hù doạ? Chẳng đùa cợt mà cũng chẳng hù doạ vì đó là sự thật.

Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy sám hối và tin vào Tin mừng vì Nước Trời đã đến gần. Nước Trời thật sự đã đến, đang đến rồi. Nước Trời cũng sẽ đến với từng người một trên chúng ta. Chúa Giêsu hơn một lần nói với các môn đệ cũng như mỗi người chúng ta: "anh em hãy đứng vững trước mặt Con Người!".

Làm sao để đứng vững trước mặt Con Người như Chúa nói? Để có thể đứng vững trước mặt Con Người phải chăng như là lời Thánh Phaolô mời gọi chúng ta là chúng ta hãy nhìn vào sự thật là bộ mặt thế gian này sẽ qua đi, chỉ có mình Chúa mới là cùng đích, là căn cốt của cuộc đời chúng ta.

Chuyện quan trọng không phải là chuyện sống được bao nhiêu năm trong cuộc đời này nhưng chuyện quan trọng là sống bao nhiêu năm ấy như thế nào.

Chuyện quan trọng không phải là làm được bao nhiêu việc lành phúc đức nhưng là sống tình yêu với Chúa và với anh chị em đồng loại như thế nào. Không phải căn cốt là làm phúc làm đức nhưng phải sống cái phúc cái đức ấy trong đời thường.

Chuyện quan trọng không phải là được ngụ trong căn nhà cao cửa rộng ở cuộc đời tạm bợ mau qua chóng tàn này nhưng quan trọng là làm sao có một túp lều be bé con con trong mảnh đất Thiên Đàng.

Chuyện quan trọng không phải là thành công trong cuộc đời này nhưng chuyện quan trọng là được cứu độ hay hư mất mà thôi.

Muốn được hưởng ơn cứu độ, muốn được bình an thật trong tâm hồn không còn cách nào khác là ta phải bám vào Chúa chứ đừng bám vào của cải trần gian mau qua chóng tàn này. Chúng ta đã có thừa kinh nghiệm để nhìn vào những đấng những bậc xung quanh chúng ta. Tất cả những đấng những bậc anh hùng nay đâu rồi? Tất cả những người quyền quý cao sang nay còn đâu khi phải đón nhận cái chết đang rình rập mình.

Nhớ lại một câu chuyện đơn sơ của một vị thiền sư bên Trung Quốc. Trên bàn làm việc của ông lúc nào cũng có chiếc quan tài con. Mọi người vào thấy là lạ và thắc mắc tại sao có chiếc quan tài ấy. Thiền sư nói rằng sở dĩ tôi để như thế để tất cả mọi việc trước khi tôi quyết định tôi đều nhìn đến chiếc quan tài này. Một ngày nào đó tôi sẽ vào đó và nằm trong đó để rồi tất cả các quyết định của tôi đều dựa vào cùng đích của cuộc đời tôi.

Tư tưởng, hành động đơn sơ của vị thiền sư ấy thật dễ thương vì lẽ hành vi, tư tưởng ấy cũng như muốn nói với mỗi người chúng ta về sứ điệp của Chúa Giêsu ngày hôm nay là phải sám hối vì Nước Trời đã gần bên. Lời mời gọi của Chúa vẫn văng vẳng bên tai chúng ta nhưng đôi khi mãi mê với những thế sự thăng trầm để rồi chúng ta không còn nhớ đến cùng đích của cuộc đời chúng ta nữa.

Nguyện xin Chúa đến và ở lại với chúng ta và xin Chúa giúp cũng như nhắc nhở chúng ta về ngày cùng tận của chúng ta ở gần bên để chúng ta cũng sám hối như dân thành Ninivê xưa sám hối trước lời cảnh báo của ngôn sứ Giôna vậy.

 

4. Phẩm chất đầu tiên của người môn đệ

(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Khi bắt đầu thời kỳ công khai lên đường thi hành sứ vụ, việc đầu tiên Chúa Giêsu làm là tuyển chọn một số môn đệ nòng cốt để tiếp tay và nối gót Người rao giảng Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh.

Đây là một nhiệm vụ vô cùng trọng đại cao cả nhưng đồng thời cũng đầy gian truân và thách thức, thế nên cần phải tuyển cho được những ứng viên phù hợp.

Trong các thành phần dân chúng thời đó, chúng ta thấy nổi bật nhất là các tư tế ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem. Họ là những người ngày đêm ứng trực trong đền thờ lo việc thờ phượng tế lễ Thiên Chúa. Xem ra họ là những ứng viên sáng giá nhất cho công cuộc loan báo Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh. Thế nhưng Chúa Giêsu đã không chọn bất cứ ai trong số các vị ấy làm tông đồ xây dựng Hội Thánh Người.

Kế đó, thành phần Luật sĩ, những người học rộng và thông thạo thánh kinh. Có ai xứng đáng hơn họ trong việc giải thích và loan truyền Lời Chúa? Có ai giàu kiến thức về đạo lý bằng họ? Thế mà Chúa Giêsu cũng không chọn một ai trong số các vị nầy làm tông đồ của Người.

Thành phần thứ ba cũng rất sáng giá là các người biệt phái. Họ giữ luật rất nhiệm nhặt, có đời sống đạo rất nghiêm túc. Những người như thế cũng đáng làm đầu thiên hạ và lãnh đạo người ta. Thế mà Chúa Giêsu cũng không chọn bất cứ người biệt phái nào làm tông đồ cho Người.

Chúa Giêsu cũng không chọn những người có vai vế trong xã hội, những người giàu sang quyền quý làm môn đệ đầu tiên của Người.

Tin Mừng hôm nay cho thấy sự chọn lựa của Chúa Giêsu khiến chúng ta kinh ngạc:

"Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người."

Chúa Giêsu đã chọn bốn ngư phủ là Simon, An-rê, Gioan, Giacobê, làm môn đệ đầu tiên trong lúc họ đang quăng chài kéo lưới hoặc đang vá lưới trong thuyền. Tại sao?

Các ngư phủ là những người dạn dày sương gió. Họ quen chịu giá lạnh giữa biển khơi; từng trải qua những đêm tối giữa sóng gió trùng khơi; không sợ đói, không sợ rét, không sợ bão tố cuồng phong, không sợ cảnh chơi vơi giữa ba đào sóng gió. Nói chung, họ bất chấp mọi khó khăn, gian khổ và nghịch cảnh để đạt cho bằng được nguyện vọng của mình.

Họ là những người đầu tiên được Chúa Giêsu chiếu cố và mời gọi làm môn đệ loan Tin Mừng, làm những trụ cột nòng cốt trong công trình xây dựng Hội Thánh.

Điều nầy cho thấy phẩm chất đầu tiên để làm môn đệ Chúa Giêsu là không ngại gian truân, sẵn sàng hy sinh để thực hiện mục tiêu mong muốn.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã kêu gọi chúng con làm tông đồ cho Chúa trong xã hội hôm nay. Xin ban ơn giúp chúng con sẵn sàng vượt khó, dám đương đầu với mọi thách thức và sóng gió như các môn đệ đầu tiên hầu có thể chu toàn trọng trách mà Chúa và Hội Thánh trao phó cho chúng con.

 

5. Sống và chia sẻ niềm tin – Thiên Phúc

(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’)

Đức Tổng Giám Mục Helder Camara của Braxin, có lần đã chia sẻ kinh nghiệm như sau:

Tôi có người anh lớn hơn tôi 5 tuổi, đã rửa tội từ lúc mới sinh, và từng theo học nhiều năm trong trường dòng. Nhưng lớn lên anh bắt đầu bê trễ, bỏ đọc kinh, bỏ dự lễ, và cuối cùng bỏ... đạo.

Sau khi tôi thụ phong Linh mục, anh cùng với tôi sống chung với người chị độc thân. Mỗi lần biết tôi sắp đi giảng tĩnh tâm, anh lại hỏi:

- Hôm nay chú nói về đề tài gì?

Tôi lại có dịp giải thích cho anh những điều mình sắp giảng. Anh chỉ lắng nghe, không bình luận.

Tám năm sau, anh bị mắc căn bệnh hiểm nghèo. Biết mình sắp chết, anh gọi tôi lại và nói.

- Lâu nay tôi để ý quan sát, thấy không có sự cách biệt giữa lời chú giảng và việc chú làm. Vậy xin hỏi chú, tôi có thể dựa vào Đức tin của chú để Rước lễ không?

Tôi trả lời:

- Em tin là Chúa lòng lành vô cùng sẽ đoái thương anh.

Bấy giờ anh tôi nói trong nỗi xúc động:

- Ngay bây giờ thì chưa được đâu, vì tôi chưa xưng tội.

Tôi định tìm cho anh một linh mục khác nhưng anh đòi xưng tội với tôi. Sau khi Rước lễ xong, anh thều thào trong nước mắt.

- Tôi tin, tôi tin, chú ạ. Bây giờ tôi tin không phải dựa vào Đức tin của chú, mà tôi thực sự xác tín rằng Chúa yêu thương tôi!

*** 

Sống và chia sẻ niềm tin, đó là cốt lõi đời sống người tín hữu Kitô. Đó cũng là mối quan tâm hàng đầu của Đức Giêsu khi Người bước vào đời công khai rao giảng: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các người trở thành những kẻ chài lưới người” (Mc 1,17).

Muốn thu hút tha nhân thì chính mình phải có năng lực hấp dẫn.

Muốn hòa hợp với anh em thì chính mình phải biết chấp nhận mọi người.

Muốn chia sẻ niềm tin thì chính mình phải có niềm tin kiên vững.

Sống và chia sẻ niềm tin, bao giờ cũng đem lại kết quả tốt đẹp. Nhưng kết quả thế nào, nhiều hay ít, vào lúc nào còn do Chúa quyết định Khi Đức Giêsu bảo Phêrô thả lưới, ông đã thưa: “Lạy Thầy, chúng con vất vả suốt đêm mà chẳng được con cá nào, nhưng vâng lời Thầy, con xin thả lưới” (Lc 5,5). Kết quả thế nào chúng ta đã biết: cũng chiếc lưới đó, cũng ngư phủ đó, nhưng lại kéo lên một mẻ cá bội thu.

Sống và chia sẻ niềm tin, là nhiệm vụ của mỗi người tín hữu Kitô. Nhưng trước tiên phải bắt đầu bằng việc đổi mới tâm hồn, bằng việc “sám hối và tin vào Tin mừng”.

Sống và chia sẻ niềm tin, là đem tin vui đến cho mọi người. Nhưng trước hết tin vui ấy phải là niềm hân hoan đích thực, gây xúc động mãnh liệt trong lòng người đi loan báo.

Romano Guardini đã ví von: “Sống niềm tin nghĩa là đơn phương nhường chỗ cho Đức Kitô tự biểu lộ và lớn lên trong cuộc sống chúng ta”.

Lạy Chúa, theo Chúa không phải dễ dàng vì Chúa đòi chúng con phải từ bỏ mọi sự, từ bỏ luôn mãi, và từ bỏ chính mình. Nhưng có Chúa cùng đồng hành chúng con vẫn sáng mãi niềm tin. Xin giúp chúng con luôn trung thành theo Chúa cho đến giây phút cuối cuộc đời. Amen.

 

6. Chúa Nhật 3 Thường Niên

Chúa Giêsu luôn kêu gọi những người cộng tác với Ngài trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Ngài muốn Nước Trời là một công trình có sự đóng góp của nhiều người. Vì thế, Lời kêu gọi "Hãy theo Ta" đang vang lên đối với mỗi người chúng ta.

Khởi đầu Tin Mừng, thánh sử Maccô trình bày Chúa Giêsu đến miền Galilêa rao giảng Tin mừng. Chúa Giêsu không chọn Giêrusalem cho cuộc khởi đầu trong công cuộc rao giảng của mình. Bởi vì, Giêrusalem giết Gioan Tẩy Giả. Các luật sĩ Biệt phái ở Giêrusalem thì kiêu căng, cố chấp. Họ tự phụ mình là dòng dõi được tuyển chọn. Hơn nữa, Giêrusalem coi thường vùng đất Galilêa vì Galilêa là một miền gần lương dân, một vùng quê nghèo, không có chút tiếng tăm gì cả. Việc Chúa Giêsu chọn Galiêa để khởi đầu cho công cuộc rao giảng Tin mừng cho thấy Thiên Chúa không chú trọng bề ngoài, Ngài quan tâm đến sự đáp trả của con người. Sự đáp trả đến từ bên trong, từ nội tâm, từ tấm lòng chân thành và khiêm tốn của con người. Ngoài ra, Chúa Giêsu chọn Galiêa, điều này càng cho thấy giáo lý của Ngài không bị đóng khung, vạch ra cho Giáo Hội ra đi những chân trời mới. Nước Trời dành cho mọi người, Nước Trời dành cho những ai chân thành tìm kiếm và cộng tác đáp trả trọn vẹn.Tình yêu Thiên Chúa không bị giới hạn.

Để tiếp nối sứ mạng rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu kêu gọi người ta cộng tác với Ngài. Ngài đã kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên là Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan bước theo Ngài. Chúa Giêsu lên tiếng kêu gọi các ông: "Hãy theo Ta". Trong sự đáp trả của các ngư phủ này, chúng ta thấy hai khía cạnh nổi bật: các ngư phủ này đang làm việc và họ đáp trả một cách dứt khoát, đáp trả mau mắn đi theo Chúa Giêsu.

Thứ nhất, các ngư phủ là những người đang miệt mài làm việc. Chúa Giêsu đến nơi họ đang sinh sống. Ngài đã đi ngang qua chỗ họ đang ở. Ngài thấy họ đang chú tâm trong bổn phận mình. Ngài biết họ là ai. Cả bốn ông này, họ là những người chài lưới. Họ là những người lao động chân tay. Họ đang làm việc miệt mài trên biển hồ Galilê: Simon và Anrê thả lưới bắt cá, Giacôbê và Gioan đang vá lưới. Họ cùng làm việc với nhau, chung tay góp sức trong công việc "mưu sinh", sẵn sàng hiệp nhất để đối đầu với nghịch cảnh, vượt qua những khó khăn trong công việc. Đối với mình, họ có thể nghèo của cải vật chất, họ có thể nghèo tri thức nhưng nhất định là họ là những người giàu có về tình huynh đệ, giàu về tinh thần hợp tác và sẵn sàng giúp đỡ nhau trong công việc bổn phận. Do vậy, các ông sống bình an và luôn chu toàn bổn phận của mình.

Thứ hai, các ngư phủ là những người đáp trả một cách dứt khoát và mau mắn. Chúa Giêsu đã đi qua cuộc đời của họ. Ngài đã mang đến cho họ một sứ điệp mới, một sứ mạng mới: "Hãy theo Ta". Nghe Lời đó, họ lập tức đi theo Chúa Giêsu. Nghe tiếng Chúa Giêsu kêu gọi, Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan đáp lại ngay và sẵn sàng từ bỏ mọi sự, kể cả những gì thiết thân nhất trong đời sống như nghề nghiệp và phương tiện sinh sống cùng với những mối liên hệ ruột thịt tự nhiên vốn có. Các ông đã gắn bó quê hương, quen thuộc với nghề ngư phủ từ thuở nhỏ đến bây giờ. Hơn nữa mặc dù nghề nghiệp ngư phủ này là "sự sống" của họ và nơi đây là "tương lai" của họ nhưng họ đã can đảm chấp nhận từ bỏ tất cả để bước theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu quan trọng hơn hết nên các ông không tính toán thiệt hơn, không bận tâm cho số phận tương lai của mình mà từ bỏ ngay. Từ nay các ông bỏ lại quê hương để đi đến những nơi Thầy sẽ sai đến. Quê hương các ông bây giờ là thế giới. Các ông từ bỏ gia đình ruột thịt quen thuộc, Thiên Chúa sẽ ban cho các ông một gia đình khác, gia đình nhiều linh hồn mà các ông sắp cứu vớt. Các ông thoát ly hoàn toàn và dứt khoát.Các ông đi theo Chúa Giêsu bằng niềm tin và lòng mến. Các ông tin tưởng tuyệt đối và yêu mến hết lòng mình.

Nghe Chúa Giêsu kêu gọi "Hãy theo Ta", các ông Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan đã mau mắn đi theo Chúa Giêsu. Còn phần chúng ta, chúng ta có đáp trả không? chúng ta thật sự muốn đi theo Chúa Giêsu. Phải, nhờ Bí tích Rửa tội, là Kitô hữu, chúng ta đã được Chúa mời gọi đáp trả trong bổn phận làm người, bổn phận làm con Chúa của mình. Người Kitô hữu không phải chỉ là tin những điều Giáo hội dạy, giữ những điều răn Chúa và Giáo hội truyền, nhưng còn để cộng tác với Ngài bằng đời sống chứng nhân giữa đời, đó là loan báo Tin mừng. Vì thế, không phải chúng ta chỉ lo cứu linh hồn mình. Không phải chúng ta chỉ lo giữ đạo, đọc kinh, đi lễ, nhưng phải là những tông đồ nhiệt thành can đảm làm chứng nhân cho Chúa nữa. Dù ở bậc sống nào chúng ta cũng phải là những tông đồ của Chúa bằng chính đời sống tốt đẹp của chúng ta. Chúng ta có thể làm cho những người từ không biết Chúa đến nhận biết Chúa, tôn thờ, yêu mến Chúa. Chúng ta xây dựng nếp sống yêu thương bằng cách dùng lời nói nhằm xây dựng, tôn trọng tha nhân. Chúng ta xây dựng nếp sống yêu thương bằng cách sống biết quan tâm đến tha nhân, biết chia sẻ, biết giúp đỡ người khác bằng cách này hay cách khác trong khả năng của chúng ta. Chúng ta hãy sống ơn gọi của mình bằng cách sống tốt đẹp, thái độ cư xử cao thượng mang tính "quân tử". Chúng ta nêu gương sáng cho mọi người, sống hòa thuận yêu thương nhau.

Các môn đệ đã mở lòng mình ra để Chúa Giêsu bước vào, Ngài đi vào con người của họ để đi vào cuộc đời. Ngài đi qua họ để đi vào thế giới; đồng thời điều đó cũng cho chúng ta thấy rõ cái giá chúng ta phải trả nếu chúng ta muốn làm được điều này. Chúng ta phải hy sinh vì chúng ta biết rằng tình yêu của Thiên Chúa sẽ đòi chúng ta phải sẵn sàng luôn mãi để đáp lại những đòi hỏi mỗi ngày mỗi mới mẽ và khó khăn hơn. Chúng ta phải từ bỏ mình để dấn thân, không còn gì riêng cho chúng ta nữa. Ơn gọi nào cũng có thánh giá phải vác, phải dấn thân, phải từ bỏ mình. Vì thế, chúng ta phải trọn niềm phó thác tiến bước giữa vùng đêm tăm tối và tin tưởng rằng tình yêu càng đòi hỏi, càng thêm chứng tỏ tình yêu bao la trong sáng và lớn mãi giữa niềm vui. Chúng ta hãy mạnh dạn bước thêm một bước vào chương trình diệu kỳ của Thiên Chúa.

Thiên Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài trong chương trình cứu độ. Đúng thế như thánh Augustinô đã nói: "Để tạo dựng nên con, Chúa không cần hỏi ý kiến con, nhưng để cứu độ con Ngài cần con ưng thuận và cộng tác với Ngài". Do đó, là người con chúng ta hãy mau mắn đáp trả và bền lòng làm việc cho Thiên Chúa.

Bước sang Năm Mới này, chúng ta hãy bắt chước các môn đệ hôm nay, mau mắn và dứt khoát đi theo Chúa Giêsu. Chúng ta hãy bước đi trong sự yêu mến Thiên Chúa và yêu thương mọi người hơn nữa.

Hãy đứng dậy, nào chúng ta cùng đi theo Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, Ngài muốn chúng con đi theo Chúa để sống chứng nhân Tin Mừng. Trong Năm Mới này, xin Chúa thêm sức cho chúng con để chúng con mau mắn đáp trả lời gọi sống chứng nhân mỗi ngày, mỗi giờ và mỗi phút giây. Xin cho chúng con luôn biết làm việc nhằm mục đích sáng danh Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con yêu mến Chúa. Lạy Chúa Giêsu, chúng con yêu mến Chúa biết bao!. Amen.

 

7. Sám hối

Hãy sám hối và tin vào Phúc Âm.

Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện về thành Ninivê mà bài đọc thứ nhất hôm nay đã gợi lại. Bấy giờ Chúa phán với ông Giona: Hãy chỗi dậy, đi đến Ninivê, kinh thành vĩ đại và công bố cho hay điều Ta sẽ truyền cho ngươi. Ninivê là một thành phố rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đàng. Ông Giona mới đi rảo trong thành có một ngày và công bố: Còn 40 ngày nữa thì Ninivê sẽ bị tan phá. Dân chúng tin vào Thiên Chúa. Họ công bố lệnh ăn chay và tất cả mọi người từ lớn chí bé đều mặc áo vải thô. Chúa thấy việc họ làm, từ bỏ đường gian ác, thì đã tha thứ và không trừng phạt họ nữa. Đó là câu chuyện xảy ra trong Cựu Ước. Dân thành Ninivê thực thi sứ điệp tiên tri Giona truyền dạy, đó là ăn năn sám hối, từ bỏ con đường tội lỗi và đã được Chúa thứ tha.

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đã kêu gọi chúng ta như thế: Nước Thiên Chúa đã đến gần, nên phải sám hối và tin vào Phúc Âm. Chúa Giêsu rất nhiều lần đã cho chúng ta thấy: Là Đấng thánh thiện Ngài ghét bỏ tội lỗi, nhưng lại tỏ ra khoan dung và nhân từ đối với các tội nhân. Ngài đã sánh ví mình như người mục tử lên đường tìm kiếm con chiên bị lạc mất. Và khi tìm thấy, thì vui mừng vác nó trên vai, đem về nhà. Ngài sánh ví mình như người đàn bà đốt đèn tìm kiếm đồng bạc bị đánh rơi và khi tìm thấy thì mời chị em lối xóm đến chia vui với mình.

Thế nhưng để được Chúa tha thứ, Ngài đòi hỏi chúng ta một điều kiện đó là hãy sám hối quay trở về với Ngài. Phúc Âm đã kể lại câu chuyện chàng trai phung phá. Trong bước đường truân chuyên gian khổ, chàng đã hối hận, quyết tâm lên đường trở về để rồi cuối cùng chàng đã được người cha tha thứ.

Phúc Âm cũng đã cho chúng ta thấy sở dĩ Phêrô đã được tha thứ và được đặt làm đầu Giáo Hội vì ông đã biết đấm ngực ăn năn về lầm lỗi của mình. Mađalena đã được tha thứ vì đã biết sám hối, khóc cho quãng đời tội lỗi của mình. Tên trộm lành cũng đã được tha thứ vì anh đã biết trở về với Chúa cho dù vào những giây phút cuối cùng.

Có một chàng trai, bất mãn với gia đình đã bỏ nhà đi bụi đời. Sau đó chàng hối hận muốn quay trở về nhưng không biết cha mẹ có sẵn sàng tha thứ cho hay không. Bởi đó chàng đã viết thư và nói nếu thầy mẹ sẵn sàng tha thứ thì đến ngày ấy giờ ấy hãy treo một tấm áo nơi cửa sổ. Nhận thấy tín hiệu ấy, chàng sẽ trở về. Vào ngày giờ đã quy định thầy mẹ chàng không những chỉ treo một tấm áo, mà trong nhà có bao nhiêu quần áo, rồi chăn mùng mền, tất cả đều được treo trên các khung cửa và chàng đã được đón nhận vào trong tình thương của gia đình.

Từ những điều vừa chia sẻ cha muốn đi tới một kết luận đó là hãy sám hối quay trở về cùng Chúa để được hưởng nhờ tình thương của Chúa bởi vì những tâm tình ăn năn là như một thứ tiền để mua lấy ơn tha thứ.

 

8. Hoa Hướng Dương - Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Trong một khu vườn, những cây Hướng Dương hoa vàng rực rỡ đang vươn mình ra đón ánh nắng mặt trời, tận hưởng niềm vui cuộc sống. Chợt, Hướng Dương nghe tiếng thút thít dưới chân. À, hình như bạn Nha Đam đang khóc. Hướng Dương nhẹ nhàng hỏi:

- Hình như bạn có điều gì phiền muộn?Nha Đam bối rối đáp:- À, không có gì đâu.- Rõ ràng, tôi nghe tiếng bạn khóc mà. Có điều gì thế, bạn kể cho tôi nghe đi, mình là bạn bè, là hàng xóm của nhau, có gì thì cùng nhau chia sẻ.Nha Đam tấm tức:- Tôi buồn lắm bạn ạ. Trời không thương nên cho tôi sinh ra với thân hình xấu xí. Đã thấp lè tè, lá lại kỳ quặc chẳng giống ai. Bạn thấy đấy, trong vườn này, muôn hoa đua sắc, còn tôi có cố gắng mấy cũng không thể mọc được cái hoa nào!Hướng Dương nhẹ nhàng bảo:- Bạn Nha Đam à, bạn đừng buồn như thế. Mỗi loài cây đều có sứ mệnh riêng. Tuy bạn không đẹp rạng rỡ như chúng tôi để tô điểm hương sắc cho đời, nhưng bạn cũng rất có ích đấy.- Có ích à? Thôi bạn đừng an ủi, tôi mà có ích gì đâu.- Có đấy, bạn giúp được cho con người trị được rất nhiều thứ bệnh. Chẳng lẽ những điều đó không đáng để cho bạn tự hào sao?Nha Đam nghe vậy, ngập ngừng nói:- Nhưng tôi lại thấp bé, xấu xí, trong khu vườn này tôi đã bị chìm khuất, có ai biết đến tôi đâu.- Không sao đâu! Tuy bạn không nổi bật nhưng con người vẫn biết đến bạn đấy, giá trị của chúng ta không phải ở chỗ cao - thấp, đẹp - xấu mà ở chỗ chúng ta giúp ích gì cho cuộc đời này. Bạn hãy vui vẻ lên, sống khỏe mạnh, đừng tự ti, mặc cảm, rồi sẽ có ngày bạn được biết đến, hãy tin tôi!

Hóa ra ở đời người ta đâu quan trọng cái đẹp bên ngoài. Sống có ích cho đời mới là quan trọng. Sống có ích cũng là một sứ mạng của vạn vật. Sống chu toàn sứ mạng của mình càng làm cho giá trị của mình được tăng thêm.

Thực vậy, mỗi tạo vật đều  được Chúa trao cho một sứ mạng. Từ con người cho đến vạn vật, mỗi loài đều có sứ mạng riêng.

Mặt trời có sứ mạng tỏa sáng và sưởi ấm các sinh vật trên  mặt  đất. Cây lúa có sứ mạng nuôi sống con người. Muôn loài hoa có sứ mạng tô điểm cho vạn vật, và dường như mọi loại đều cố gắng thi hành tốt sứ mạng của mình. Ánh mặt trời luôn tỏ rạng để mang lại sự sống cho con người. Cây lúa luôn trổ bông trĩu hạt. Muôn loài hòa luôn xinh tươi lộng lẫy đem lại hạnh phúc cho con người.

Chúa Giêsu khi xuống thế làm người cũng phải hoàn thành tốt sứ mạng Chúa Cha trao phó. Ngài đến trần gian vì vâng phục Chúa Cha. Ngài thi hành sứ mạng cứu rỗi nhân gian qua cái chết khổ hình và sống lại vinh quang. Ngài đã được rước lên trời sau khi thi hành tốt sứ mạng rao giảng Tin Mừng và cứu độ trần gian.

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giê-su kêu gọi các tông đồ cùng chia sẻ sứ mạng với Ngài. Những tông đồ đầu tiên là Simon, An-rê, Gia-cô-bê, Gioan đã nhanh chóng bỏ lại việc riêng để làm việc cho Chúa. Các ngài đã bước đi theo Chúa với niềm hăng say loan tin mừng Nước Trời đến cho anh em của mình. Các ngài vui vì được Chúa chọn gọi. Các ngài hạnh phúc vì được cộng tác với Chúa trong sứ mạng cứu độ trần gian. Điều đó đã giúp các ngài bỏ lại tất cả danh lợi thú trần gian để chỉ phụng sự cho chương trình của Thiên Chúa.

Con người chúng ta sinh ra đều có một sứ mạng. Cây cỏ còn có sứ mạng huống chi con người ? Mỗi loài đều có một giá trị hay nói cách khác là đều có một sứ mạng của mình. Vậy sứ mạng của tôi là gì ? Tôi phải làm gì cho bản thân, cho gia đình, cho Giáo hội và xã hội ?

Điều mà Chúa muốn nơi những người tin theo Chúa là hãy rao giảng Tin mừng cho anh em. Hãy làm chứng về Nước Trời. Hãy tôn vinh Chúa và làm sáng danh Chúa trong cuộc đời của mình. Chúa muốn chúng ta là muối men cho đời. Chúa muốn chúng ta phải ướp mặn trần gian bằng đời sống yêu thương và phục vụ. Chúa muốn chúng ta phải thẩm thấu vào thế gian lời Chúa để men lời Chúa canh tân bộ mặt trái đất.

Cuộc đời sẽ đẹp biết bao nếu mỗi người ky-tô hữu luôn là muối ướp mặn cho đời bằng hy sinh, bằng phục vụ, bằng bác ái và vị tha.

Cuộc đời sẽ đẹp biết bao nếu mỗi người ky-tô hữu luôn là ánh sáng cho mọi người khi biết sống theo tin mừng, biết vì Chúa mà sống tốt sứ mạng của mình là canh tân bộ mặt trái đất.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết chu toàn sứ mạng của đời ky-tô hữu là giới thiệu Chúa cho tha nhân. Giới thiệu không bằng lời nói mà bằng đời sống bác ái yêu thương và thờ phượng Chúa trên hết mọi sự. Amen.

Nguồn: http://gplongxuyen.org