Các cộng đoàn hội thánh cơ bản

 

CÁC CỘNG ĐOÀN HỘI THÁNH CƠ BẢN

Tác giả: Nhóm Presentation Ministries
Chuyển ngữ: Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên

Mục lục

“Cộng đoàn Hội Thánh cơ bản”

Các cộng đoàn nhỏ trong giáo huấn chính thức của Hội Thánh

Các ‘cộng đoàn hội thánh tại gia' trong Kinh Thánh

Các cộng đoàn nhỏ Kitô giáo trên khắp thế giới

Tình yêu độc đáo trong một cộng đoàn nhỏ Kitô Giáo

Các cộng đoàn và tình yêu trong các mối quan hệ gia đình

Tình yêu, sự xa lánh thế gian, và cộng đoàn

Lãnh đạo trong cộng đoàn nhỏ

Nối kết các cộng đoàn tại gia

 

WHĐ (02.05.2021) - Các “cộng đoàn hội thánh cơ bản” hay các “cộng đoàn nhỏ” là một thực tế đã xuất hiện từ hơn ba thập niên, nhưng tại Việt Nam hiện nay, không nhiều người biết đến thực tế này, số cộng đoàn được hình thành theo hình thức này lại càng ít hơn. Chúng tôi xin giới thiệu một bài dẫn nhập để giúp nhiều người hiểu biết rõ hơn về kiểu cộng đoàn nhỏ này. Đây là một bài phỏng dịch từ bản tiếng Anh nhan đề Introduction to Small Christian Communities của Nhóm Presentation Ministries, tại: presentationministries.com (người dịch).

1. “Cộng đoàn Hội Thánh cơ bản”

“Họ chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện.” — Cv 2,42

Đây là một bài hướng dẫn việc thành lập các cộng đoàn nhỏ Kitô giáo. Các cộng đoàn này thu hút những người nhiệt tình với việc loan báo Tin Mừng, yêu mến Hội Thánh, và đã kinh qua những thử thách của cuộc canh tân trong Hội Thánh. Mặc dù kiểu cộng đoàn này không được ưa thích trong một thế giới và một giáo hội nặng tính cá nhân chủ nghĩa và tục hoá, nhưng chắc chắn ý Thiên Chúa muốn có những cộng đoàn như thế. Vì vậy, mặc dù bắt đầu nhỏ bé, nó sẽ phát triển nhờ ơn Chúa

Đời sống trong một cộng đoàn Hội Thánh cơ bản chỉ đơn giản là sống ơn gọi của Phép Rửa giữa những anh chị em quy tụ lại với nhau trong một nhóm ít người. Trong cộng đoàn này, chúng ta chia sẻ Lời Chúa, Thánh Thể, cầu nguyện, của cải, tài năng, thời giờ và các bữa ăn với nhau. Chúng ta chia sẻ với nhau đời sống hằng ngày.

Các cộng đoàn này:

- Được Hội Thánh chuẩn nhận và khuyến khích;

- Có cơ sở trong Kinh Thánh;

- Đã chứng tỏ là men cho việc phúc âm hóa thế giới và canh tân Hội Thánh.

Các cộng đoàn này là Kitô giáo cơ bản. Chúng ta có thể dấn thân thành lập các cộng đoàn này và biết rằng mình đang kiến tạo một thực tại vững bền.

2. Các cộng đoàn nhỏ trong giáo huấn chính thức của Hội Thánh

“Nhưng nếu tôi chậm trễ, thì thư này sẽ cho anh biết phải ăn ở thế nào trong nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh của Thiên Chúa hằng sống, cột trụ và điểm tựa của chân lý.” — 1 Tm 3,15

Các lời dạy của các Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II cho thấy Chúa Thánh Thần đang phát triển các cộng đoàn nhỏ Kitô giáo và Hội Thánh chuẩn nhận và khuyến khích việc thành lập các cộng đoàn nhỏ này.

Các cộng đoàn nhỏ (hay cộng đoàn cơ bản) “sẽ là niềm hy vọng cho Giáo Hội hoàn vũ, ở chỗ:

- Họ tìm cách bồi bổ mình bằng Lời Chúa, và không để cho mình bị vướng mắc vào việc đấu tranh chính trị, hay vào những ý hệ theo thời, những gì đang muốn khai thác khả năng nhân bản phong phú của họ;

- Họ giữ mình không để mình bị lôi cuốn bởi chước cám dỗ thịnh hành hơn bao giờ hết, vào việc chống kháng có quy mô, cũng như vào thái độ phê phán cực đoan, viện lý là chính đáng và làm theo tinh thần hợp tác;

- Họ gắn bó chặt chẽ với Giáo Hội địa phương họ thuộc về, cũng như với Giáo Hội hoàn vũ, nhờ thế, họ tránh được cái nguy cơ chính yếu là tự cô lập, rồi cho rằng mình mới là Giáo Hội Chúa Kitô chính cống, và từ đó luận phi các cộng đoàn giáo hội khác;

- Họ giữ mối thông hiệp chân thành với các vị chủ chiên được Chúa gửi đến cho Giáo Hội của Người, cũng như với huấn quyền được Thần Linh của Chúa Kitô trao phó cho các vị mục tử này;

- Họ không bao giờ coi mình như những hưởng thụ viên duy nhất hay những tác nhân duy nhất của việc truyền bá phúc âm hóa - hay ngay cả cho mình là kho chất chứa Phúc Âm duy nhất - trái lại, vì nhận biết rằng Giáo Hội rất bao rộng và đa diện, nên họ chấp nhận sự kiện là Giáo Hội cần phải nhập thể bằng nhiều cách thức khác nữa ngoài chính cách qua họ;

- Họ luôn luôn phát triển theo nhận thức, mộ mến, dấn thân và nhiệt tình truyền giáo;

- Họ chứng tỏ cho thấy họ phổ quát trong hết mọi sự và không bao giờ là một thứ giáo phái.

“Căn cứ vào những điều kiện này, những điều kiện chắc chắn là nghiêm khắc song cũng nâng cao, communautés de base mang tính cách giáo hội mới tương hợp với ơn gọi căn bản nhất của mình, ở chỗ, cộng đoàn cơ bản này là những người được nghe Phúc Âm loan báo cho mình, và là những thừa hưởng viên đặc biệt của việc truyền bá phúc âm hóa này, chính họ sẽ sớm trở thành người loan báo Phúc Âm.” (ĐGH Phaolô VI, Loan báo Tin Mừng, 58 - Bản dịch tiếng Việt của Học Viện Đaminh)

“Có một hiện tượng phát triển nhanh chóng nơi các Giáo Hội trẻ trung - một hiện tượng đôi khi được các vị Giám Mục và Hội Đồng Giám Mục của các vị cho là một ưu tiên mục vụ - đó là hiện tượng các ‘cộng đoàn giáo hội cơ bản' (cũng được gọi bằng các danh xưng khác nữa), những cộng đoàn đang chứng tỏ cho thấy là những trung tâm ích lợi cho việc đào tạo Kitô hữu cũng như việc dấn thân truyền giáo. Đây là những nhóm Kitô hữu, ở cấp độ gia đình hay trong một môi trường thu hẹp tương tự nào đó, họp nhau lại để nguyện cầu, đọc Thánh Kinh, học giáo lý và bàn luận về các vấn đề nhân bản cũng như giáo hội với ý hướng dấn thân hoạt động chung. Những cộng đoàn này là dấu sinh động trong Giáo Hội, là dụng cụ huấn luyện và truyền bá phúc âm hóa, cũng là một khởi điểm vững vàng cho một tân xã hội được xây dựng trên một ‘nền văn minh yêu thương'.”

“Những cộng đoàn này phân nhỏ cộng đồng giáo xứ và làm nên cộng đồng giáo xứ, một cộng đồng mà họ vẫn gắn bó” (ĐGH Gioan Phaolô II, Sứ vụ Đấng Cứu Thế, số 51).

“Vì Giáo Hội là hiệp thông, ‘các cộng đoàn cơ bản' mới, nếu thực sự hiệp nhất với Giáo Hội, mới là thực sự thể hiện mối hiệp thông này và mới là phương tiện kiến tạo nên một mối hiệp thông sâu xa hơn. Có thế, những cộng đoàn cơ bản ấy mới là nguồn hy vọng dồi dào cho đời sống của Giáo Hội” (ĐGH Gioan Phaolô II, Sứ vụ Đấng Cứu Thế, số 51).

“Để cho các giáo xứ này trở thành những cộng đồng thật sự, giáo quyền địa phương cần ... giúp đỡ các cộng đoàn cơ bản, cũng gọi là cộng đoàn ‘sống', trong đó người tín hữu có thể truyền thông cho nhau Lời Chúa, cũng như yêu thương, giúp đỡ nhau. Các cộng đoàn này diễn tả trung thực sự hiệp thông trong Giáo Hội và là những trung tâm truyền bá Phúc âm trong sự hiệp thông với các vị chủ chăn” (ĐGH Gioan Phaolô II, Sứ Mệnh Người Giáo Dân, 26).

“Bên trong một số giáo xứ, nhất là những giáo xứ lớn và tản mác, còn có sự hiện diện của những cộng đoàn giáo hội nhỏ. Chúng có thể rất hữu ích trong việc đào tạo những người Kitô hữu, vì nhờ đó ý thức và kinh nghiệm về sự hợp thông và sứ mệnh Giáo Hội được thể hiện một cách sắc bén và sâu đậm hơn” (ĐGH Gioan Phaolô II, Sứ Mệnh Người Giáo Dân, 61).

3. Các ‘cộng đoàn hội thánh tại gia' trong Kinh Thánh

“Các Hội Thánh Axia gửi lời chào anh em. Aquila và Pơrítkila cùng với Hội Thánh họp tại nhà họ gửi lời chào anh em trong Chúa.” - 1 Cr 16,19

Câu ngạn ngữ “Không đâu bằng nhà mình” là một nguyên tắc cơ bản của Lời Thiên Chúa và ý định cứu rỗi của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, nhà và Đền Thờ là những nơi quan trọng nhất cho việc thờ phượng và mừng lễ. Lễ Vượt Qua, lễ lớn nhất của toàn thể dân Ítraen, được cử hành tại các gia đình. Đức Giêsu không chỉ lấy nhà làm một trung tâm thờ phượng, Người cũng lấy nhà làm căn cứ để rao giảng Tin Mừng. Người nói với các môn đệ: “Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy” (Mt 10,11-12). Sau ngày lễ Ngũ Tuần, Hội Thánh thời kỳ đầu tập họp hằng ngày tại nhà của các tín hữu để bẻ bánh (Thánh Thể) và chia sẻ bữa ăn chung (Cv 2,46). Các cuộc tụ họp này dẫn đến việc tỏ lộ các dấu lạ và điềm thiêng, chia sẻ kinh tế và nhiệt tình rao giảng Tin Mừng. “Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,47). Trong ba thế kỷ đầu của Hội Thánh, tất cả các nhà thờ đều là các tư gia. Ông Saolô từng bách hại Hội Thánh bằng cách xông vào các cuộc hội họp tại tư gia này, lôi các tín hữu ra khỏi nhà họ và tống họ vào các nhà giam (Cv 8,3). Ông Phêrô thoát chết nhờ cầu nguyện thâu đêm tại nhà của bà Maria, mẹ của Gioan Máccô (Cv 12,12). Bà Lyđia, người tân tòng đầu tiên của phương Tây, đã dâng nhà của bà làm nhà thờ (Cv 16,15.40). Hai vợ chồng Pơrítkila và Aquila có cộng đoàn giáo hội tư gia nổi tiếng nhất trong lịch sử. Họ đã nâng đỡ ông Phaolô để ông chỉ chuyên chăm lo cho sứ vụ (Cv 18,2-5), họ cải hóa ông Apôlô và giúp ông phục vụ Thiên Chúa trong Thần Khí (Cv 18,26). Tất cả các giáo hội của Dân Ngoại mang ơn hai vợ chồng Pơrítkila và Aquila và cộng đoàn họp tại nhà họ (Rm 16,4-5). Các cộng đoàn nổi tiếng khác là các cộng đoàn tại nhà bà Nympha (Cl 4,15), nhà ông Titô Giútô (Cv 18,7), nhà ông Gaiô (Rm 16,23), và nhà ông Philêmôn (Plm 2). Cộng đoàn tại tư gia được coi là một cơ sở đào tạo cho việc lãnh đạo trong Hội Thánh thời kỳ đầu (1 Tm 3,5.12).

4. Các cộng đoàn nhỏ Kitô giáo trên khắp thế giới

“Nhưng họ mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời.” - Dt 11,16

Cộng đoàn tại tư gia là hình thức trái ngược hẳn với trào lưu của đa số các xã hội hiện đại. Gia đình ngày nay thường được coi là không mấy quan trọng. Chúng ta đang sống trong một xã hội rất di động, thường xuyên di chuyển, thay đổi chỗ ở và công việc. Chúng ta nhảy từ căn hộ này sang căn hộ khác. Chúng ta thậm chí ăn uống cũng vội vàng, sử dụng “thức ăn nhanh” trên xe. Nhà là một trạm dừng chân, một nơi để ngủ nghỉ. Nhưng trong Kinh Thánh, nhà/gia đình là nơi hoạt động (Cn 31,10tt.). Nhà là trung tâm của cộng đoàn, của công việc, giáo dục, phục vụ xã hội, giải trí, và nhiều thứ khác nữa. Nhà là trung tâm đời sống.

Nền công nghệ của chúng ta đã làm cho nhà trở thành một chỗ để có thể bắt đầu một thử nghiệm. Phong cách sống độc lập của chúng ta chưa từng có trong lịch sử - hoàn toàn thử nghiệm. Chúng ta không biết nó sẽ như thế nào. Các chỉ dẫn ban đầu khiến chúng ta phải sợ hãi. Theo phong cách sống mới này, những người nội trợ là những người có cuộc sống vô nghĩa, và con cái bị coi như là gây phiền toái cho cha mẹ và ngăn cản cha mẹ “sống thoải mái”. Có vẻ như chẳng có gì thiêng liêng trong đời sống—bao gồm tình dục, tình yêu, hôn nhân, gia đình và cộng đoàn...

Trong một môi trường tha hóa như thế, khái niệm cộng đoàn có thể nghe như là ảo tưởng, nhưng trên thực tế, các cộng đoàn đã hình thành một cách hiển nhiên trong suốt lịch sử của Hội Thánh, và ngày nay hàng trăm hàng ngàn cộng đoàn đang phát triển trên khắp thế giới. Các cộng đoàn này vẫn là trung tâm chính của đời sống Kitô giáo, ngay cả ở thế kỷ 21 này. Tại Nam Mỹ, Châu Phi, và Philíppin, chúng được gọi là các “cộng đoàn cơ bản”; tại Nga và Trung Quốc là các “giáo hội tại gia”, và tại Hàn Quốc và Hoa Kỳ là “nhóm hạt nhân”. Thuật ngữ được sử dụng trong các văn bản chính thức của Công Giáo là “hội thánh tại gia”, “cộng đoàn cơ bản”, “cộng đoàn giáo hội nhỏ”.

Các tên gọi này cũng cho thấy có một số điểm khác biệt. Các cộng đoàn cơ bản thường nhấn mạnh sự thay đổi xã hội bằng sức mạnh của Tin Mừng Chúa Kitô. Các “hội thánh tại gia” tập trung vào việc xây dựng đời sống hôn nhân và gia đình. Các “nhóm hạt nhân” được dùng để chỉ việc phúc âm hóa thế giới bằng cách tăng số những nhóm mới. Tuy nhiên những khác biệt này không mấy quan trọng, và tất cả các cộng đoàn đều có chung một điều quan trọng. Bất cứ họ hoạt động ở đâu, luôn luôn có một sự bùng nổ của Tin Mừng thậm chí còn lớn hơn ngày lễ Ngũ Tuần đầu tiên. Sự thành công kỳ diệu của việc phúc âm hóa tại Châu Phi, Hàn Quốc, Nga, và Trung Quốc là nhờ quyền năng của Thiên Chúa hoạt động qua các cộng đoàn nhỏ Kitô giáo.

5. Tình yêu độc đáo trong một cộng đoàn nhỏ Kitô Giáo

“Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em.” — 1 Ga 3,16

Một cộng đoàn Kitô giáo thì khác với các gia đình và các nhóm ít là theo bốn cách. Thứ nhất, mỗi thành viên dấn thân của cộng đoàn phải đặt mình dưới quyền của Chúa Giêsu và mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần, mặc dù những người khác có thể đến thăm và tham gia một số khía cạnh khác nhau của cộng đoàn này.

Thứ hai, một cộng đoàn nhỏ Kitô giáo lấy các tiêu chuẩn giáo hội và kinh thánh về tình huynh đệ để làm lý tưởng của cộng đoàn. Nó không phải là một nhóm nâng đỡ lẫn nhau, nhóm cầu nguyện, hay nhóm học hỏi. Trong một cộng đoàn, chúng ta cố gắng hiệp nhất với nhau như Đức Giêsu và Chúa Cha là một (Ga 17,21). Chúng ta muốn yêu thương nhau tới mức sẵn sàng thí mạng sống cho nhau (1 Ga 3:16). Chúng ta hi vọng đồng nhất với nhau tới mức nếu một người chịu đau khổ thì tất cả chúng ta cùng đau khổ, và nếu một người được vinh dự thì tất cả chúng ta đều vui mừng (1 Cr 12,26).

Thứ ba, một cộng đoàn nhỏ Kitô giáo thì giống như một gia đình mở rộng. Mười hai người lớn thường là con số tối đa trước khi cộng đoàn tách ra để làm một cộng đoàn thứ hai. Giống như mười hai tông đồ của Đức Giêsu, cộng đoàn này nhỏ vừa đủ để có sự thân thiết và lớn vừa đủ để có nhiều năng khiếu khác nhau cho việc xây dựng tất cả các thành viên. Cộng đoàn thường tập trung vào hai hay ba bốn cặp vợ chồng và gia đình họ. Đôi khi cộng đoàn có thể xoay quanh một người duy nhất, như có thể đã xảy ra với trường hợp của bà Lyđia và bà mẹ của Gioan Máccô. Cộng đoàn bao gồm những người độc thân, những cha mẹ đơn thân và con cái họ, những cha mẹ đỡ đầu, họ hàng, láng giềng, hay bất cứ ai được gọi chia sẻ đời sống gia đình. Không phải mọi thành viên đều sống chung dưới một mái nhà, nhưng tất cả đều phải cố gắng hằng ngày chia sẻ Lời Chúa, Thánh Thể, cầu nguyện, thời giờ, của cải, và các bữa ăn với ít là một vài thành viên của cộng đoàn.

Thứ bốn, một cộng đoàn tại gia là một cộng đoàn “có chủ tâm”. Nhiều gia đình và nhóm bạn bè sống đời sống cộng đoàn Kinh Thánh, nhưng vì họ không có chủ ý, nên họ thường không có kế hoạch cho sự liên tục về lãnh đạo và phát triển thành các cộng đoàn mới. Như thế họ không có ảnh hưởng đầy đủ trên xã hội và rất có thể sẽ không còn tồn tại khi Đức Giêsu đến lần thứ hai.

6. Các cộng đoàn và tình yêu trong các mối quan hệ gia đình

“Ai không yêu người anh em mà mình nhìn thấy thì không thể yêu Thiên Chúa mà mình không thấy.” - 1 Ga 4,20

Tình yêu của Thiên Chúa là động lực thúc đẩy chúng ta hình thành các cộng đoàn Kitô giáo (xem 2 Cr 5,14), và nhờ các cộng đoàn này chúng ta lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với nhau.

Có bốn mối quan hệ chính trong tình yêu, đời sống và cộng đoàn.

CON CÁI - CHA MẸ — Theo ý định của Thiên Chúa, mối quan hệ đầu tiên đối với mọi người là tôn kính, mến yêu, hiếu thảo và vâng lời cha mẹ chúng ta. Nếu chúng ta sống mối quan hệ này theo ý Chúa, đời sống chúng ta sẽ tốt đẹp (Ep 6,2-3), và chúng ta sẽ có cơ sở tốt cho mọi mối quan hệ khác. Một mối quan hệ tốt với cha mẹ chúng ta là điều kiện tiên quyết để có các mối quan hệ anh chị em trong các cộng đoàn. Rồi đến lượt các mối quan hệ cộng đoàn này sẽ tiếp tục thúc đẩy chúng ta kính yêu, hiếu thảo và vâng lời cha mẹ chúng ta hơn nữa, cho dù chúng ta già đi bao nhiêu. Cả khi cha mẹ chúng ta đã qua đời, chúng ta phải làm hòa với các ngài và tha thứ những gì các ngài đã làm chúng ta buồn lòng.

QUAN HỆ ANH CHỊ EM — Các mối quan hệ chúng ta với các anh chị em chiếm 99% toàn thể các mối quan hệ của chúng ta. Tình huynh đệ đã được biến đổi triệt để bởi Phép Rửa đưa chúng ta vào thân thể của Đức Giêsu (1 Cr 12,13). Chúng ta là anh chị em với nhau trong Đức Kitô và tình anh chị em này vượt lên trên tình máu mủ ruột thịt. Trong tình huynh đệ Kitô giáo, chúng ta học biết yêu trong ân sủng sung mãn của Thiên Chúa. Không có mối quan hệ tốt giữa anh chị em với nhau, chúng ta không có cơ sở cho ơn gọi hôn nhân hay đời sống độc thân trong Chúa.

Tình huynh đệ quá quan trọng khiến cho ma quỷ tìm cách cướp mất của chúng ta. Chúng ta để mình bị ma quỷ cướp mất các mối quan hệ giàu ý nghĩa giữa anh chị em với nhau, vì chúng ta đã chiều theo xác thịt và dập tắt Thần Khí (x. Gl 5,17). Xác thịt chúng ta (bản tính nhân loại của chúng ta) yêu chuộng chủ nghĩa cá nhân, tính độc lập và vị kỷ. Chúng ta phải cắt bỏ bản tính thế gian này nếu chúng ta muốn quý chuộng tình huynh đệ. Bằng việc sống bí tích Rửa Tội, chúng ta phải chôn vùi bản tính cũ của mình và chọn chịu đóng đinh cho thế gian (Gl 6,14).

VỢ-CHỒNG — Ngoài sợi dây phép Rửa, sợi dây Hôn Nhân thắt chặt các cộng đoàn với nhau. Hôn nhân và đời sống gia đình thường là sân đào tạo cho vai trò lãnh đạo trong cộng đoàn. Những người chồng và vợ phải hiểu và sống các vai trò bổ sung cho nhau trong tình yêu hi sinh và phục tùng lẫn nhau để họ có thể lãnh đạo cộng đoàn sống theo cùng những nguyên tắc ấy. Các cặp vợ chồng phải đặt ưu tiên hàng đầu cho việc cầu nguyện chung với nhau hằng ngày. Việc này giúp họ tham dự vào việc cầu nguyện của cộng đoàn.

CHA MẸ - CON CÁI — Các bậc cha mẹ phải có sáng kiến làm cho con cái họ trở thành những môn đệ của Đức Kitô. Họ phải “nuôi dưỡng con cái họ bằng việc huấn luyện và dạy dỗ chúng theo ý Chúa” (Ep 6,4). Họ phải nuôi dạy con cái họ như thể Mẹ Maria và Thánh Giuse nuôi dạy Đức Giêsu. Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên của con cái họ. Vì vậy, nhiều cha mẹ Kitô giáo chọn dạy dỗ con cái họ tại nhà.

Việc nuôi dạy con cái của cha mẹ là một phần công việc giáo dục của cả cộng đoàn. Các con cái của những gia đình chỉ có cha hay mẹ sẽ được nuôi dạy đầy đủ nhờ sự nâng đỡ của cộng đoàn (x. Hc 4:10). Các cha mẹ đỡ đầu đóng vai trò tích cực trong việc dạy dỗ các con đỡ đầu của họ. Những người lớn tuổi hơn dạy dỗ những người trẻ hơn (1 Tm 1,2; 1 Pr 5,13). Các phụ nữ lớn tuổi nhận các thiếu nữ làm con thiêng liêng (Tt 2,3-4). Các công việc này sẽ giúp phát triển mau chóng sự thánh thiện nơi các thành viên của cộng đoàn tại gia.

Tóm lại, bởi vì việc sống tình anh chị em trong cộng đoàn Kitô phải kiện cường mọi mối quan hệ của chúng ta, những người trong các cộng đoàn này phải có thể nói “có” cho các câu hỏi sau đây:

- Tôi có thêm lòng kính yêu cha mẹ tôi không?

- Tôi có các mối quan hệ Kitô giáo có ý nghĩa ngoài đời sống hôn nhân và gia đình của mình không?

- Tôi có mối tương quan với những người cùng giới tính với mình mà không có sự cạnh tranh hay ganh tị không?

- Tôi có mối tương quan với những người khác giới tính mình mà không có tình cảm quá lãng mạn không?

- Tôi có cầu nguyện chung với vợ/chồng tôi hằng ngày không?

- Đời sống hôn nhân và gia đình của tôi có theo các nguyên tắc của Kinh Thánh không?

- Tôi có nuôi dạy con cái cho Chúa Giêsu và có thực sự chăm sóc việc giáo dục chúng không?

Có nhiều tiêu chuẩn khác để đánh giá chất lượng các mối quan hệ Kitô giáo, nhưng các câu trả lời cho các câu hỏi này sẽ cho thấy rõ chúng ta đã để cho Chúa Thánh Thần đổ tràn tình yêu Thiên Chúa vào lòng chúng ta (Rm 5,5).

7. Tình yêu, sự xa lánh thế gian, và cộng đoàn

“Anh em thân mến, anh em là khách lạ và lữ hành, tôi khuyên anh em hãy tránh xa những đam mê xác thịt, vốn gây chiến với linh hồn.” — 1P 2,11

Nếu chúng ta tin rằng mình “được yêu mến”, chúng ta ý thức rằng mình là những khách lạ và lữ hành ở trần gian này. Rồi chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã lấy chúng ta ra khỏi thế gian (Ga 15,19), và chúng ta trở nên xa lạ với thế gian, chúng ta ước muốn thuộc về cộng đoàn Kitô hữu.

Khi chịu Phép Rửa, chúng ta lãnh nhận một bản tính mới. Nó làm chúng ta khác với trước và khác với đa số những người khác trong thế gian. Nếu chúng ta sống Phép Rửa của mình, chúng ta ý thức mình xa lạ với thế gian. Rồi chúng ta cố gắng sống trong cộng đoàn với những người cũng đã nhận một bản tính mới và vì thế chúng ta ý thức họ cũng xa lạ với thế gian. Mối quan tâm quan trọng nhất trong việc hình thành cộng đoàn Kitô giáo trong thế giới của thế kỷ 20 là nhu cầu trở nên xa cách triệt để với thế gian vì thế gian từ chối nhìn nhận quyền làm Chúa của Đức Giêsu. Không có điều này, chúng ta sẽ quá chìm ngập trong thế gian phi Kitô giáo đến nỗi cộng đoàn Kitô giáo trở nên thừa thãi, thậm chí còn tệ hại hơn.

Chúa Thánh Thần kéo chúng ta lên thập giá, chứng minh thế giới là sai lạc (Ga 16,8), và đóng đinh chúng ta cho thế gian (Gl 6,14). Các tông đồ đã chỉ phát triển thành cộng đoàn Kitô giáo sau khi nhận được Thánh Thần. Thánh Thần cho chúng ta thấy chúng ta xa lạ với thế gian bằng cách Ngài vạch rõ những khác biệt không thể hòa hợp giữa vương quốc ánh sáng của Thiên Chúa và vương quốc bóng tối của Satan. Dưới đây là một ít những điểm khác biệt này:

VƯƠNG QUỐC THIÊN CHÚA

VƯƠNG QUỐC SATAN VÀ THẾ GIAN

Căn tính trong Đức Kitô

Căn tính trong các sự vật

Tâm điểm của tuần lễ là Chúa Nhật

Tâm điểm là ngày nghỉ cuối tuần

Cha mẹ là nhà giáo dục hàng đầu

Nhà trường hay nhà nước là nhà giáo dục chính

Sự sống con người là thánh thiêng từ lúc thụ thai

Một phụ nữ có quyền tuyệt đối giết bất cứ ai trong cơ thể bà

Chỉ có tình dục trong hôn nhân

“Tình dục an toàn” không hôn nhân

Nhà thờ là cộng đoàn và thờ phượng

Nhà thờ chỉ là thói quen bó buộc

Giá trị của đau khổ

Trốn tránh đau khổ, thường là bằng rượu, thuốc phiện, nhậu nhẹt

Tình anh em/chị em

Tình bạn dựa trên công việc, hấp dẫn tính dục, hay lợi ích chung

Tình đồng môn Kitô hữu

Đảng phái, phe nhóm

Lòng tha thứ và thương xót

Pháp luật và công lý

Chiến tranh thiêng liêng

Chiến tranh kỹ thuật

Không kiểm soát sinh sản nhân tạo

Kiểm soát sinh sản và phá thai

Giữ chay ít là một lần hằng tuần

Khoái lạc tối đa, ăn kiêng nếu cần

Gia đình đông con

Gia đình “hạt nhân” hay không gia đình

Làm việc vì Chúa, không vì tiền bạc

Làm việc vì tiền bạc và vì bản thân mình

Bị bách hại

Được ngưỡng mộ

Các lễ nghỉ

Các ngày nghỉ

Nếp sống giản dị

Nếp sống tiêu thụ

Hạn chế hoặc không TV

TV là trung tâm đời sống

Hướng đến phục vụ

Hướng đến giải trí

Đóng góp và bố thí

Tiêu xài và/hay để dành

Không nợ

Thẻ tín dụng, vay mượn và nợ

Khen ngợi

Xầm xì và nói về mình

Tình huynh đệ quốc tế

Lợi ích quốc gia

Quần áo để che thân

Quần áo để thu hút chú ý vào các phần cơ thể

Đàn ông và đàn bà bình đẳng và khác biệt

Đơn tính

Thường xuyên ăn chung với gia đình

Ăn nhanh trên xe

Chết là sự khởi đầu

Chết là kết thúc

Chúng ta phải được Chúa Thánh Thần cho thấy những khác biệt như thế giữa đời sống Kitô giáo và thế gian, nếu không, chúng ta sẽ không thể tách khỏi thế giới và nhìn ra nhu cầu của tình anh chị em của cộng đoàn Kitô giáo.

8. Lãnh đạo trong cộng đoàn nhỏ

“Người mở đường đưa chúng tiến lên, chúng chọc một lỗ hổng, đi qua cổng và ra ngoài. Đức Chúa, Vua của chúng đi qua trước, chính Người sẽ dẫn đầu. ” — Mk 2,13

Cần có các lãnh đạo được thiên phú để thành lập các cộng đoàn nhỏ. Chúa sẽ ban cho người lãnh đạo mọi thứ cần thiết để thành lập một cộng đoàn Kitô giáo.

Các lãnh đạo phải:

- có viễn kiến về kế hoạch của Thiên Chúa cho cộng đoàn.

giúp người khác ý thức hơn về việc phép rửa làm cho họ được tách khỏi thế gian.

cung cấp giáo huấn của hội thánh về các cộng đoàn nhỏ bằng cách sử dụng các văn kiện chính thức của Hội Thánh và đặc biệt Kinh Thánh.

kết hợp cộng đoàn với các cộng đoàn khác, giáo xứ, giáo phận, và Hội Thánh phổ quát.

nhìn nhận các tài năng của mỗi thành viên cộng đoàn và phân chia các trách nhiệm.

duy trì kỷ luật của Thiên Chúa trong cộng đoàn.

khơi dậy nhiệt tình rao giảng Tin Mừng và phục vụ trong cộng đoàn.

củng cố mối hiệp nhất giữa các thành viên cộng đoàn với nhau bằng việc cầu nguyện và cổ vũ sự tương tác liên tụ” giữa các thành viên cộng đoàn (ĐGH Gioan Phaolô II, Sứ Mệnh Người Giáo Dân, 20).

9. Nối kết các cộng đoàn tại gia

“Mắt không thể nói với tay, ‘ta không cần ngươi.” - 1 Cr 12,21

Trong Hội Thánh thời kỳ đầu, các cộng đoàn nhỏ không bị cách ly nhưng gắn chặt với gốc là Đền Thờ hoặc hội đường. “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2,46). “Mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Kitô Giêsu” (Cv 5,42). Cả khi Do Thái giáo thù nghịch với các Kitô hữu, họ vẫn còn ở lại trong hội đường cho đến khi bị trục xuất vào năm 85 C.N. Ngoài việc gắn chặt vào gốc rễ Do Thái giáo, các cộng đoàn Kitô giáo thời kỳ đầu cũng hiệp nhất với nhau trong một mạng lưới tương thân tương ái, giảng dạy và chịu trách nhiệm lẫn nhau.

Các cộng đoàn ngày nay không phải là những hòn đảo biệt lập. Họ phải được gắn chặt vào Hội Thánh phổ quát bằng cách mọi thành viên của cộng đoàn được đặt dưới quyền các chủ chăn của họ. Đức Phaolô VI nói rằng “các cộng đoàn cơ bản” phải “gắn chặt với Hội Thánh địa phương của họ, và với Hội Thánh hoàn vũ, nhờ đó tránh được nguy cơ rất thực của tình trạng tự cô lập.” Các cộng đoàn phải “duy trì một sự hiệp thông chân thành với các vị chủ chăn Chúa ban cho Hội Thánh Người, và với Huấn Quyền của Hội Thánh” (Loan báo Tin Mừng, số 58).

Mối tương quan với các giáo hội địa phương và các vị chủ chăn của họ là một sự trợ giúp quý báu cho các cộng đoàn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có một cơ cấu khác để nối kết và phát huy các cộng đoàn tại gia bởi vì:

- Đôi khi một cha quản xứ không thể hay không muốn làm nhiều để giúp cộng đoàn.

- Cả khi một cha quản xứ sẵn sàng giúp đỡ cộng đoàn, ngài thường cũng chỉ có thể ở lại với giáo xứ một ít năm. Như thế, không có gì bảo đảm cho tính liên tục của vai trò lãnh đạo một cộng đoàn nhỏ. Đây là một vấn đề nghiêm trọng vì vai trò lãnh đạo trong một cộng đoàn nhỏ là hết sức quan trọng.

Thế nên đa số các cộng đoàn đều gặp tình trạng khó xử. Họ cần có một cơ cấu rộng hơn 1) để có thể tạo ảnh hưởng đối với thế gian, 2) để cung cấp việc đào tạo người lãnh đạo, và 3) để tự bảo vệ mình trong cuộc chiến thiêng liêng. Nhưng có thể họ không biết tìm sự nâng đỡ này ở đâu. Rất may là hiện nay đã có một số cơ cấu hay tổ chức giúp phục vụ các nhu cầu này của các cộng đoàn. Có thể đơn cử nhóm Presentation Ministries là nhóm sẵn sàng phục vụ cộng đoàn của bạn bằng cách cống hiến cơ hội cho bạn tham gia một mạng lưới các cộng đoàn. Nếu Chúa muốn, bạn có thể liên lạc theo địa chỉ: Presentation Ministries, 3230 McHenry Ave. Cincinnati, Ohio 45211, (513) 662-JESU.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 104 (Tháng 1 & 2 năm 2018)

Nguồn: https://hdgmvietnam.com