Bước Chân Về Làng Emaus Năm Xưa, Bước Đường Đời

Cv 2, 14-22-28; 1Pr 1, 17 -21; Lc 24, 13- 35

Lời Chúa: Lc 24, 13-35

Chiều ngày phục sinh, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmau, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Ðang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Ðức Giêsu tiến lại gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

Một trong hai người tên là Clêôpát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” Ðức Giêsu hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đấy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Ðấng sẽ cứu chuộc Israel.

Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn còn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”

Bấy giờ Ðức Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Ðấng Kitô chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

Khi gần tới làng họ muốn đến, Ðức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”

Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon.” Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

SUY NIỆM LỜI CHÚA

Bước Chân Về Làng Emaus Năm Xưa, Bước Đường Đời Hôm Nay

Tin mừng chúa nhật III Phục sinh hôm nay, thánh sử Luca ghi lại cảm nghiệm về một cuộc gặp gỡ với Ðấng Phục sinh của hai người môn đệ đang trên đường trở về ngôi làng cũ Emmaus. Cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Kitô Phục sinh đã diễn ra trong lúc họ đang mang trong mình với tâm trạng chán nản, buồn sầu thất vọng và bỏ cuộc, vì bao nhiêu hoài bão, bao nhiêu hi vọng đều tiêu tan theo cái chết của người Thầy trong nấm mộ.

Chính ngay lúc đó, Chúa Giêsu đã xuất hiện như người thứ ba, không phải để trả lời cho những thắc mắc mà họ đã đặt ra, mà trái lại, Người gây nên thắc mắc và dẫn đưa họ đi cho đến cùng của sự tìm kiếm của mình khi được gặp gỡ Ðấng Phục sinh, đó chính là sự biến đổi cuộc đời. Từ những bước chân trở về làng Emaus năm xưa, cũng là bước đường đời của mỗi kitô hữu chúng ta hôm nay.

Gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình.

Như những kẻ thua cuộc, tất cả mọi dự tính cho tương lai đều trở thành mây khói, thậm chí cảm thấy xấu hổ trước những ánh mắt, những lời nói khinh chê dèm pha, bởi bước chân ra đi là bước chân của sự hi vọng sẽ được “đổi đời”. Không ngờ bước chân trở về mang nặng nỗi niềm của sự mặc cảm tự ti vì đi theo một người Thầy không có gì làm điểm tựa cho tương lai. Đấng từng rao giảng về tương lai: “chồn cáo có hang, chim trời có tổ, con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20).

Nghĩa là Chúa cho biết; Chúa không có gì bảo đảm cho cuộc sống trần gian, vì nghèo đến nỗi còn thua con chim có tổ, con chồn có hang, và nghèo đến nỗi không có nơi dựa đầu, tức là không có mái nhà để ở. Chúa nghèo như thế đó. Theo Chúa cũng phải sống như vậy có chấp nhận được hay không? Đối với họ, cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết. Thế nhưng trong nỗi niềm chán nản thất vọng và bỏ cuộc ấy, thì Chúa Kitô Phục sinh đã hiện ra đồng hành, giải thích Kinh thánh mở lòng cho các ông hiểu được ý nghĩa số phận của người môn đệ. Và nhờ được gặp gỡ Đấng phục sinh các ông được ơn biến đổi cuộc đời.

Gặp gỡ Đức Kitô, là trở về loan báo Tin mừng Phục sinh.

Được gặp gỡ Đức Kitô Phục sinh, là một hồng ân và là niềm vui, nhưng đồng thời cũng đón nhận một sứ mạng mới đó là loan báo Tin mừng Phục sinh cho người khác, bắt đầu những người thân cận nhất của mình. Nhờ được Chúa Giêsu giải thích Kinh thánh, hai môn đệ trên đường Emaus đã có một não trạng hoàn toàn khác, đã nhận ra Người để rồi thay đổi cách sống, thay đổi cách nghĩ, đặc biệt là thay đổi cuộc đời của mình. Họ đã loại bỏ đi những nỗi buồn sầu, thất vọng của mình, để thay vào bằng niềm vui. Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?" (Lc 24, 32).

Cũng vậy, hành trình đức tin của mỗi kitô hữu chúng ta trên đường đời hôm nay lắm lúc cũng giống như hai môn đệ trên đường Emaus, sẽ có những lúc, những giai đoạn gặp phải những khó khăn thử thách sẽ buồn chán, thất vọng, thậm chí kêu trách Chúa vì đã không đồng hành cứu giúp những khi gian nan. Hãy tích cực lắng nghe học hỏi và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống. Đồng thời, cũng có bổn phận loan báo Tin mừng Phục sinh cho những anh chị em chúng ta như hai môn đệ ngày xưa.

Gặp gỡ Đức Kitô, là trở về phục vụ anh chị em.

“Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp nhóm mười một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó”. (Lc 24, 33). Niềm vui được chia sẻ, niềm vui sẽ gia tăng, nỗi buồn được chia sẻ, nỗi buồn sẽ vơi đi.  Thế giới hôm nay cũng không thiếu những tâm hồn đang cô độc tuyệt vọng. Tuyệt vọng vì mất niềm tin, vì không thấy ý nghĩa cuộc đời. Tuyệt vọng vì chiến tranh và bạo lực, vì những cấu xé tranh giành giữa con người cùng chung một dòng máu. Tuyệt vọng vì nghèo đói, bị khinh chê, bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Giữa những cảnh tuyệt vọng ấy, bổn phận người kitô hữu là gì nếu không phải là đốt lên ngọn lửa yêu thương để sưởi ấm tâm hồn. Bổn phận này không đòi hỏi phải có những tổ chức rộng lớn, những phương tiện tân kỳ hoặc những khả năng phi thường, nhưng chỉ cần những đối thoại trao đổi đơn sơ nhưng đầy tình Chúa và tình người cũng mang lại những giá trị của nó: "Phải chăng trong lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng lên trong khi Ngài đi đường đàm đạo và giải thích Kinh thánh cho chúng ta đó ư?" (Trích ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày, Radio Veritas Asia).

Ðể như hai môn đệ trên đường Emmau ngày xưa, một khi đã được gặp Chúa, chúng ta cũng sẽ đến với những anh chị em để nói cho họ hiểu về niềm vui Phục sinh, về tình thương của Chúa. Có như vậy thì bước chân của các môn đệ về làng Emaus năm xưa, cũng sẽ là bước đường đời của mỗi người kitô hữu chúng ta hôm nay luôn có Chúa đồng hành. Amen.

LM Antôn Nguyễn Chân Hồng. OH