Đã khi nào bạn trải nghiệm tình trạng suy sụp tinh thần của bản thân, hoặc của một ai đó? Đã khi nào bạn trải nghiệm sự sụp đổ thần tượng? Đã khi nào bạn cảm thấy hình như mọi sự đều vô nghĩa và trống rỗng? Có khi nào bạn thấy bầu trời lớn hay nhỏ không quan trọng, cao hay thấp cũng không quan trọng, bạn sống hay chết cũng không quan trọng, chẳng có gì quan trọng và cũng chẳng biết là có gì là không quan trọng. Những trải nghiệm ấy vô cùng bức bối và bế tắc.
Câu chuyện đức tin
Thời là học sinh trung học, từng say mê toán học và các môn khoa học tự nhiên, vì tính mới mẻ sáng tạo, đầy khám phá và tự do của nó. Đương nhiên, tôi cũng chẳng giỏi gì, chỉ là học được được chút thôi. Có những lúc, tôi chìm sâu vào việc cố gắng hiểu và giải các bài toán. Điều ấy cũng đem lại nhiều thích thú. Các môn khác cũng đầy hấp dẫn với trí khôn.
Thế nhưng, một ngày kia, tôi không thể tự mình đọc thuộc lòng kinh Lạy Cha nữa, tôi tự nhận thấy, tâm trí mình có chút trục trặc. Đó là lúc tôi bắt đầu dùng trí khôn non nớt của mình để khám phá khoa học thường thức, lẫn đời sống tâm linh.
Đó là loạt câu hỏi về một Thiên Chúa, câu hỏi về sự tồn tại của nhiều tôn giáo, câu hỏi về có nhiều lý thuyết khoa học khác nhau, có lúc đồng ý với nhau, khi lại mâu thuẫn nhau. Câu hỏi về cái một và cái nhiều, câu hỏi về cái giống và cái khác, câu hỏi về cái thiện và cái ác… Cứ thế, tôi không thoát ra được những câu hỏi nối tiếp nhau… Nó giống như cái vòng lặp vô tận. Điều ấy khiến tôi mệt mỏi và trở nên như kẻ vô tri, tức là chỉ biết rằng mình chẳng biết gì.
Cuộc sống vẫn cứ thế trôi. Những cơn gió mát lành vẫn hiu hiu thổi. Có cám dỗ làm tôi muốn bỏ cuộc buông xuôi. Có cám dỗ thúc giục tôi chối từ đức tin. Có cám dỗ mạnh đến nỗi tôi không còn đủ tự tin để đọc kinh Tin Kính khi tham dự thánh lễ. Có cám dỗ mạnh đến nỗi tôi thấy khoa học giúp được nhiều, nhưng kỳ thực thì cũng chẳng hiểu được bao nhiêu. Có lẽ cái tham vọng được đẩy mạnh thái quá, làm tôi lún sâu vào cám dỗ nơi cái ảo tưởng ấy.
Sự khó chịu và khủng hoảng như thế dai dẳng hơn tháng trời. Một khoảng thời gian dài đằng đẵng và nặng nề. Nhưng cũng trong lúc ấy, tôi nhận thấy một số điều vô cùng căn bản. Thứ nhất, Thiên Chúa thì luôn tốt lành và luôn nói thật, các thần thánh khác thì còn tùy.
Thứ hai, khoa học thì tốt nhưng là khám phá từng bước một và chấp nhận có nhiều sai lầm trên hành trình tìm kiếm. Thứ ba, cuộc sống quan trọng là sống tốt với người khác cho dù chịu nhiều thiệt thòi, và phải thừa nhận là bản thân mình cũng nhiều khi không tốt với người xung quanh.
Thế là mỗi thánh lễ, tôi chẳng xin ơn gì ngoài một ơn. Đó là xin Chúa giải thoát tôi khỏi tình trạng khủng hoảng khó chịu này. Ngày đêm trí khôn và tâm hồn cứ dày vò với những câu hỏi và những rắc rối không thể ngưng và không thể thoát ra. Lúc ấy, tôi vừa không tin Chúa, tôi lại vừa xin ơn Ngài.
Lúc ấy, tôi vừa nhận thấy bản thân mình hèn kém, lại vừa muốn tự sức mình làm mọi sự. Đến một thánh lễ chiều, chiều hôm ấy, không biết bằng cách nào, Chúa đã giải thoát tôi. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng, bình an thư thái. Đời tươi vui trở lại. Tạ ơn Chúa. Quả thực Ngài vẫn có đó, cho dù con chưa thấy, cho dù con chưa tin.
Câu chuyện ơn gọi đi tu
Có người muốn đi tu vì muốn đi tìm một vị thế một chỗ đứng trong xã hội. Có người coi đi tu giống như kiểu quan chức ngoài xã hội: một người làm quan cả họ được nhờ. Ngay thời xưa, bà mẹ của hai tông đồ đã đến xin cho hai ông được ngồi bên tả và bên hữu Chúa trong vinh quang. Đáp lại, Chúa nói: họ không biết là họ đang xin gì.
Có người coi đi tu như là một lối sống tốt sống vui. Thế nhưng, nếu chỉ như thế, thì hàng loạt người đã bỏ Chúa sau khi Chúa nói về bánh hằng sống. Có người coi đi tu như là một cách kiếm tiền kiếm giàu sang kiếm xe hơi kiếm nhà lầu… Nếu làm như thế, có lẽ giống như ông Giuđa Itcariot thường lấy cắp tiền chung để tiêu sài riêng. Những trường hợp trên, có thể nói rằng, chẳng có gì là ơn gọi đời tu. Và mỗi trường hợp ấy sẽ là mỗi cuộc khủng hoảng và sụp đổ, chẳng sớm thì muộn.
Có người nhiệt tâm tốt lành và thẳng thắn đến như Phêrô, mà khi Chúa nói về con đường thập giá, ông ra sức can ngăn, vì ông chỉ suy nghĩ theo đường lối loài người. Trong cuộc Khổ Nạn, ông chối Thầy ba lần, không phải vì ông muốn như thế, nhưng vì ông quá yếu đuối và sợ hãi, vì ông đang dựa vào sức lực của riêng mình. Thế nhưng, tình yêu mến của Chúa là nền tảng vực ông dậy. Lòng tin tưởng của ông nơi Chúa giúp ông vượt thắng gian nan, giúp ông sám hối và làm lại.
Những điều tốt xấu đủ loại ấy, chẳng xa lạ gì đối với một người muốn tìm hiểu ơn gọi đời tu, ơn gọi làm người môn đệ đi theo sát bước chân Thầy Chí Thánh. Theo năm tháng, tôi ngày càng trải nghiệm cụ thể và rõ ràng hơn từng cuộc sụp đổ trong tâm hồn mình, để cái thế gian và cái tôi có thể nhỏ lại, để Chúa có hy vọng lớn lên. Điều ấy cũng thích hợp cho cuộc sống của mỗi người Kitô hữu nữa. Vì Kitô hữu chính là có Chúa Kitô, là tin Chúa Kitô, là theo Chúa Kitô.
Trải nghiệm của chính bạn
Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau như là một cách đúc kết kinh nghiệm của cả đời người môn đệ. Khởi đầu từ những hy vọng, những ảo vọng, những tham vọng, cho đến chỗ thất vọng và suy sụp, và rồi các ông được Chúa đồng hành hướng dẫn. Các ông có thể cảm thấy lòng mình bừng cháy. Các ông vực dậy cuộc đời. Các ông cùng sống lại với Chúa. Sức mạnh của Chúa phục sinh là thế! Hôm nay mời bạn đọc đoạn Kinh Thánh này và đối chiếu với chính kinh nghiệm cuộc đời bạn.
Tứ Quyết SJ
Nguồn:dongten.net