Kính thưa quý Cha, quý Tu sĩ, quý Thầy Chủng sinh, quý Ông Bà, Anh chị em,Với lòng hân hoan tràn ngập niềm vui, cùng với Đức Cha Cố Đaminh đáng kính và Đức Cha Phụ tá Gioan, tôi xin có lời chào rất thân thương gửi đến tất cả con cái Giáo phận, những người có mặt cũng như những người vắng mặt, những người đang sinh sống trong Giáo phận, cũng như những người con xa nhà, vì công việc làm ăn hay học hành, cả những người con của Giáo phận đi xa đã lâu năm, nhưng vẫn gắn bó với Giáo phận trong tâm tình mến thương và sợi dây bác ái. “Xin Thiên Chúa là Cha và xin Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, ban cho anh chị em ân sủng, lòng thương xót và sự bình an.”(1Tm 1,2).1. Giáo Hội, bí tích của sự hiệp thông với Thiên Chúa và sự hợp nhất của nhân loại
Hằng năm toàn thể Linh mục đoàn và Đại diện của mọi thành phần Dân Chúa cùng với Giám Mục Giáo Phận quy tụ lại tại nhà thờ Chính Tòa để cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu. Nhờ đó, chúng ta được hưởng nếm hương vị niềm vui mầu nhiệm hiệp thông của Giáo Hội. Mầu nhiệm này đã được Công đồng Vaticanô II cắt nghĩa trong Hiến chế “Lumen Gentium” (Ánh sáng muôn dân) như sau: “Trong Đức Kitô, Giáo Hội là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người” (LG 1).
Trong thực trạng thế giới đương đại, những cơ cấu kinh tế, chính trị, xã hội, kỹ thuật, truyền thông, v.v. với ảnh hưởng toàn cầu, đang gắn kết và trói buộc mọi người với nhau, nhưng vì những vết thương sâu đậm chuyển tải từ thế hệ này qua thế hệ khác còn hằn trong tâm trí nhiều người và vì thiếu một cái hồn có khả năng chữa lành và hàn gắn nên thế giới đang sống quằn quại vì chia rẽ và hận thù. Thực tại này khiến cho bổn phận của Giáo Hội là bí tích của sự hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và sự hiệp nhất của nhân loại càng trở nên khẩn thiết. Chúng ta cần phải nhớ và nhập tâm điều này: “Chính Người (Chúa Kitô) là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét… Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.” (Ep 2,14-18).
Cái hồn có khả năng chữa lành, hàn gắn và quy tụ tất cả là tình yêu cứu độ, lòng thương xót của Đức Kitô. Vì vậy, để thực hiện sứ mệnh là dấu chỉ và dụng cụ của sự hiệp thông với Thiên Chúa và cấu tạo sự hiệp nhất cho mọi người, chúng ta cần phải thấm nhuần tình yêu cứu độ là lòng thương xót của Chúa, lấy tình yêu đó làm mẫu mực và suối nguồn cho mọi tâm tình và hành động của chúng ta. Tình yêu cứu độ này đã được chính Chúa Kitô diễn tả cách cụ thể như sau: “Các con đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con. Như vậy, các con mới được trở nên con cái của Cha các con, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu các con yêu thương kẻ yêu thương mình, thì các con nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu các con chỉ chào hỏi anh chị em mình thôi, thì các con có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy các con hãy nên hoàn thiện, như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,43-48).
Tình yêu cứu độ là tình yêu phổ quát, yêu người lành cũng như kẻ dữ, người thân quen cũng như người xa lạ, bạn hữu cũng như kẻ thù, yêu người này mà không ghét bỏ người kia, bênh vực người này mà không biến họ thành thù địch với người kia. Thực ra, môn đệ của Chúa Kitô không coi ai là kẻ thù, cả những người coi họ (môn đệ của Chúa) là kẻ thù, môn đệ của Chúa cũng không coi họ là kẻ thù của mình. Tất cả chỉ là đối tượng của tình yêu cứu độ của Chúa Kitô mà mình là bí tích, có nghĩa là dấu chỉ và phương tiện, là hiện thân sống động của Chúa Kitô, Đấng đã xuống thế làm người và chịu nạn, chịu chết để cứu vớt nhân loại lầm than tội lỗi.
Nếu chúng ta, nhất là các linh mục, muốn được gọi là môn đệ của Chúa, chúng ta cần phải xác tín là nếu không có tình yêu cứu độ, lòng thương xót của Chúa Kitô, người ta chỉ gây thêm hận thù và đổ vỡ trong tâm hồn mình và tâm hồn người khác. Chỉ có tình yêu cứu độ, lòng thương xót mới cứu vớt, đổi mới và quy tụ loài người. Chúng ta cần khám phá ra sự khôn ngoan tuyệt vời mà Thiên Chúa đã mặc khải cho chúng ta trong Chúa Kitô. Đó là canh tân và cứu vớt nhân loại bằng lòng thương xót, tình thương yêu cứu độ (x. Ep 1,3-14). Tất cả chúng ta, đặc biệt các linh mục của Chúa, chúng ta cần phải chất chứa trong tim óc của chúng ta lòng thương xót của Chúa Kitô và lấy lòng thương xót đó mà xoa dịu các vết thương của nhân loại. Trong thế giới hôm nay đang xông lên những mùi xú uế của ganh tị, ghét ghen, thù hận, nhất là qua các phương tiện truyền thông, chúng ta, con cái Giáo Hội, phải thi đua làm lan tỏa hương thơm của lòng thương xót mạnh đủ để phá tan mùi xú uế của hận thù, ghét ghen. Xin các cha, các tu sĩ, nhất là các cha chánh xứ hãy lo lắng làm thế nào để giáo xứ của mình được là môi trường ngào ngạt hương thơm lòng thương xót của Chúa.
2. “Ngài sai tôi đi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát”
Bải đọc I nói đến sứ mệnh của Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế như sau: “Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát…” (Is 61,1-3). Những lời này được nhắc lại trong bài sách tin Mừng, và được áp dụng cho chính Chúa. Đây là thứ tình yêu cứu độ, là lòng thương xót mà Giáo phận chúng ta đang khích lệ nhau thực hiện. Chúng ta được mời gọi ra vùng ngoại biên để tìm kiếm những anh chị em đau khổ, những anh chị em di dân và lương dân để thông truyền cho họ lòng thương xót của Chúa, để mọi người sống trong địa bàn Giáo phận chúng ta, gồm cả anh chị em lương dân và di dân, đều cảm thấy sự ấm áp của lòng thương xót và thi đua diễn tả lòng thương xót cho nhau.
Trong năm mục vụ 2018 – 2019, chúng ta đặc biệt quan tâm đến các gia đình gặp khó khăn. Tôi nghĩ đến những gia đình nghèo đói, sống trong tăm tối, những cha, người mẹ không việc làm ổn định, buồn sầu nhìn con cái khóc đòi ăn; tôi nghĩ đến những gia đình có người đau ốm lâu năm mà không có tiền chạy thày chạy thuốc, những gia đình có con tật nguyền; tôi nghĩ đến những gia đình có con cái nghiện ngập, xì ke, đá gà; tôi nghĩ đến những đôi vợ chồng đã trở thành hai người xa lạ sống chung trong một mái nhà, những gia đình không còn tiếng cười, nhưng có nhiều tiếng than trách và chửi bới nhau; tôi nghĩ đến những người vợ hay chồng với con tim nát tan, vì chồng hay vợ bỏ nhà, đi theo một người khác; tôi nghĩ đến người đã cộng tác vào việc phá thai, nhất là những người mẹ đã phái thai, mà dù mấy chục năm đã trôi qua, lòng vẫn còn ray rứt xót xa vì đã giết con mình; tôi nghĩ dến những người, những gia đình tủi nhục vì bị bêu xấu nơi công chúng, trên mạng xã hội.
Chúng ta hãy van nài lòng thương xót của Chúa cho mọi người, mọi gia đình đau khổ và chúng ta hãy ấp ủ trong lòng chính lòng thương xót của Chúa để biết chạnh lòng thương như Chúa trước những người đau khổ và không để ai chịu đau khổ, tủi nhục trong cô đơn. Xin quý Cha, quý tu sĩ, nhất là quý Cha chánh xứ hãy lo lắng làm cho mọi giáo hữu trong Giáo xứ trở thành những người có chất lòng thương xót trong lòng và làm cho Giáo xứ của mình trở thành Thánh địa lòng thương xót của Chúa.
3. Hạnh phúc được tham dự đời sống thần linh của Chúa
Trong Thánh Lễ hôm nay, ba loại dầu sẽ được làm phép: đó là Dầu Thánh hiến, Dầu Tân Tòng và Dầu Bệnh Nhân. Đây là những Dầu Thánh, Dầu lòng thương xót, là dấu chỉ và phương tiện để Chúa thông truyền đời sống thần linh của Chúa, để xoa dịu các vết thương và ban sức mạnh giúp các tín hữu chống trả sức mạnh của sự dữ.
Sau Thánh Lễ, các loại Dầu Thánh này sẽ được phân phát đưa về các giáo xứ sử dụng để nuôi dưỡng đời sống Đức Tin của các tín hữu và làm cho cộng đoàn các tín hữu trở thành Dân Chúa, thuộc về Chúa và thấm nhuần tinh thần của Chúa, để loan truyền sự nghiệp kỳ diệu của Ngài trong đời sống của mỗi người và của cộng đoàn. Điều này có thể được diễn tả qua lời khuyên bảo của Thánh Phêrô nói với các tín hữu của Ngài như sau: “Anh em là dòng dõi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh đã được Thiên Chúa chiếm hữu để loan truyền những kỳ công của Đấng đã kêu gọi anh em từ chốn tối tăm đến ánh sáng kỳ diệu của Người” (I Pet 2,9).
Kính thưa quí Cha, quí Tu Sĩ nam nữ, Chủng sinh và quí ông bà anh chị em, xin mọi người hãy lắng nghe, không chỉ bằng tai, nhưng bằng trái tim điều kỳ diệu này: Chúng ta, mỗi người chúng ta, là con Thiên Chúa; nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô, chúng ta được thông phần sức sống thần linh của Thiên Chúa. Thánh Gioan quả quyết: “Anh chị em hãy xem Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa… Anh chị em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người” (1Ga 3,1-2).
Chúng ta phải ngỡ ngàng trước điều kỳ diệu này: Chúa Cha yêu thương chúng ta quá chừng đến nỗi đã cho chúng ta được là con Thiên Chúa, sống bằng sức sống thần linh của Thiên Chúa. Đây đúng là nguồn hạnh phúc thực của loài người. Hạnh phúc này làm đầy ắp con tim; hạnh phúc này lớn lao đến độ khi một người đã tìm được thì tất cả chỉ là thứ yếu. Thánh Phaolô đã diễn tả thực tại này như sau: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,7-9).
Điều kỳ diệu này Thiên Chúa muốn ban cho tất cả con cái loài người nên chúng ta cần loan truyền cho mọi người, làm cho mọi người cảm được niềm hạnh phúc của một người đã khám phá và sống điều kỳ diệu này: sống như con Thiên Chúa, sống bằng sức sống thần linh của Thiên Chúa.
Xin quý Cha, quý Tu sĩ hãy hân hoan sống điều kỳ diệu: chúng ta là con Thiên Chúa. Xin quý Cha, quý Tu sĩ hãy truyền đạt cho đoàn Dân Chúa niềm hạnh phúc của điều kỳ diệu này và cùng nhau truyền đạt cho mọi người. Xin quý Cha hãy đưa hết tâm huyết, sức lực, thời giờ và tài năng để làm cho đoàn Dân Chúa tìm được hạnh phúc thực là được làm con Thiên Chúa. Các vấn đề của xã hội, của thế giới sẽ tan biến và mọi gia tộc trên thế giới sẽ được hạnh phúc.
Cầu xin Thiên Chúa, qua lời bầu cử của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, Quan Thầy của Giáo phận, ban sức mạnh của Chúa Thánh Thần làm cho tất cả Giáo phận chúng ta được thấm nhuần tình yêu của Chúa để Linh mục đoàn cũng như các cộng đoàn Dòng tu, các giáo xứ và các gia đình, tất cả được xức dầu tình yêu của Thiên Chúa để ra đi xức dầu mọi người sống trong địa bàn của giáo phận Xuân Lộc chúng ta, biến vùng đất giáo phận Xuân Lộc thành thửa đất ngào ngạt hương thơm tình yêu của Chúa Giêsu và trở thành Thánh Địa Lòng Thương Xót của Chúa. Amen.