Ba Ngôi Thiên Chúa Đồng Bản Thể

Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi năm B

BA NGÔI THIÊN CHÚA ĐỒNG BẢN THỂ

Lm. Phêrô Lê văn Chính

 

1.- Giáo Hội long trọng cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm cao trọng của đức tin Kitô giáo. Thiên Chúa không chỉ là một Nhất thể hoàn hảo bất động mà ngay từ vĩnh cửu, vốn luôn có hiệp thông sống động của tình yêu và sự sống giữa Chúa Cha và Chúa Con, và Thánh Thần là mối hiệp thông tình yêu trao đổi này giữa Chúa Cha và Chúa Con. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là điều mà Giáo Hội đã tuyên xưng ngay từ đầu và không ngừng cố gắng giải thích cho mọi tín hữu để nhờ đó mọi người hiểu biết đúng mầu nhiệm Thiên Chúa bởi vì người tín hữu là người được mời gọi lãnh nhận sự sống sung mãn của Thiên Chúa nhờ bởi Chúa Con và trong Thánh Thần.

 

Mạc khải Ba ngôi là một mạc khải tiệm tiến, cao điểm của mạc khải này là cuộc nhập thể của Chúa Con và việc Thánh Thần hiện xuống. Nhờ cuộc nhập thể làm người, Chúa Giêsu, Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa đã làm người, sống kiếp phàm nhân, sống với con người và rao giảng cho mọi người hiểu biết về Chúa Cha và về chính Người để các môn đệ sẽ lần hồi hiểu biết Đức Giêsu là Người Con Một từ đời đời của Chúa Cha là Thiên Chúa hằng sống mà tổ tiên của họ tôn thờ. Nhất là nhờ cuộc Khổ nạn và sự Phục Sinh vinh hiển của Người, các môn đệ hiểu biết hơn nữa và được Thánh Thần dẫn đưa tới chân lý toàn vẹn và tuyên xưng rao giảng Người chính là Con Thiên Chúa hằng sống và ai tin nơi người Con này sẽ được sự sống đời đời.

 

2.- Trong Cựu Ước, Môisen là người huấn luyện cho dân chúng hiểu biết Thiên Chúa. Môisen nhấn mạnh rằng Thiên Chúa của họ biểu lộ quyền năng cao cả qua những việc vĩ đại trong những chặng đường lịch sử của Dân Tộc họ. Lịch sử của họ với những thăng trầm, không phải chỉ là những diễn biến tình cờ hay ngẫu nhiên mà được nâng đỡ bởi Thiên Chúa mạnh mẽ và yêu thương. Họ là một Dân Tộc bé nhỏ, hơn nữa còn bị nô lệ ở Ai Cập, nhưng Thiên Chúa đã dẫn đưa họ ra khỏi hoàn cảnh nô lệ ở Ai Cập để đến được Đất Hứa, vượt qua mọi gian nan thử thách, chiến thắng được biết bao dân tộc hùng cường và có gia nghiệp vững bền. Đây quả là những kỳ công mà họ phải luôn ghi lòng tạc dạ để biết tạ ơn Thiên Chúa của mình là Thiên Chúa duy nhất chân thật và biết cố gắng giữ những Giới Răn và Lề Luật của Thiên Chúa để họ được luôn hạnh phúc và hùng cường.

 

Với việc nhập thể, thì chính Chúa Giêsu, người Con Một của Thiên Chúa làm người bắt đầu giảng dạy cho họ biết về Thiên Chúa là Cha, Cha của người là Con một duy nhất và cũng là Cha của mọi người, nhờ vào ơn nghĩa tử. Chúa Giêsu bắt đầu dẫn đưa các môn đệ vào tương quan sống động với Thiên Chúa là Cha. Người mời gọi họ hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện, hãy biết tha thứ cho người khác như Cha trên trời hằng tha thứ cho họ ; người mời gọi họ hãy sống tin tưởng và phó thác vào tình yêu của Cha và vì thế chớ lo lắng tìm kiếm cơm ăn áo mặc mà trước hết hãy lo tìm kiếm nước Thiên Chúa ; người mời gọi họ hãy cầu nguyện với Cha. Người khẳng định có sự sống thân mật với Cha khi nói Thầy ở trong Cha và Cha ở trong thầy, thầy và Cha là một, cũng như nói không ai biết Cha trừ ra Con cũng như không ai biết Con trừ ra Cha. Qua cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, mạc khải Ba Ngôi càng trở nên rõ rệt hơn. Khi cho Đức Giêsu Phục sinh, Chúa Cha làm chứng cho Người. Đây sẽ là khởi điểm của việc các Tông Đồ rao giảng về Đức Giêsu : “Chúa Cha đã Phục Sinh Người từ kẻ chết và đặt Người làm Chúa”. Từ nay các Tông Đồ công khai rao giảng cho mọi người Đức Giêsu đang hiển trị bên hữu Chúa Cha và ai tin nơi Người sẽ đón nhận được ơn tha thứ. Từ đây với ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn, các Tông Đồ bắt đầu đào sâu sự hiểu biết hơn nữa về Thầy của họ là Đức Giêsu. Các ngài được Chúa Thánh Thần dẫn đưa tới chân lý toàn vẹn, soi sáng cho các ngài hiểu biết những lời nói và những việc làm của Thầy Giêsu khi Người còn sống, nhất là hiểu ý nghĩa hiến tế cứu độ và sự Phục Sinh của Thầy Giêsu ; Chúa Thánh Thần soi sáng cho các Tông Đồ hiểu biết về Kinh Thánh, về các lời Tiên Tri đã tiên báo trước về Đức Giêsu để các Tông Đồ hiểu rằng Đức Giêsu đã hoàn tất mọi lời hứa trong Sách các Tiên Tri và Người chính là Con Một Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế đã được hứa ban.  Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê đã có thể viết rằng Người vốn là Thiên Chúa, nhưng đã không giữ cho mình địa vị Thiên Chúa mà đã hạ mình nhận lấy thân phận nô lệ; thánh Gioan đã viết từ đầu Tin Mừng Người vốn là Ngôi Lời Thiên Chúa và Người đã nhập thể làm người để ai tin nơi Người thì đón nhận được ơn nghĩa tử ; và thánh sử Marcô đã viết trong khởi đầu Tin Mừng rằng đây là khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.

 

3.- Việc luận giải sau đó về mầu nhiệm Ba Ngôi đã diễn ra từ những thế kỷ đầu trong Giáo Hội vì có những giải thích sai lạc về mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo Hội nhận thức có nguy hại trầm trọng đối với đức tin Kitô Giáo. Hai lạc thuyết nguy hiểm này là Hình Thái Thuyết và Hạ Phục Thuyết. Cả hai lạc thuyết này đều bắt nguồn từ những học thuyết phi chính thống dựa trên quan niệm Thiên Chúa là Đấng duy nhất và muốn bảo vệ quan niệm Thiên Chúa tuyệt đối duy nhất, nên đã tìm kiếm những cách giải thích dễ thuyết phục. Hình Thái Thuyết cho rằng chỉ có Chúa Cha là Đấng duy nhất hiện hữu, Chúa Con và Thánh Thần chỉ là những hình thức biểu lộ của Chúa Cha trong nhiệm cuộc cứu độ, tất cả những sức mạnh biểu lộ này lại trở về với Chúa Cha và chung qui là chỉ có Chúa Cha là Đấng duy nhất hiện hữu ; Hạ Phục Thuyết là lạc thuyết nguy hiểm và dai dẳng ở trong Giáo hội và đã trở thành một phong trào phát triển mạnh vào thế kỷ thứ V cũng như đã lôi kéo nhiều Giám Mục và ngay cả Hoàng Đế Rô-ma ủng hộ. Hạ Phục Thuyết cho rằng vẫn có một khoảng cách vô tận giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chỉ có Chúa Cha là Thiên Chúa duy nhất, Chúa Con dù sao cũng là thụ tạo của Cha mặc dù Chúa Con là thụ tạo đầu tiên và là Đấng tạo dựng thế giới, cũng đầy ân sủng và chân lý, cũng được phụng thờ, nhưng bản tính của người không phải là bản tính thần linh như Chúa Cha.

 

Giáo Hội đã phải mạnh mẽ chiến đấu chống lại những lạc thuyết này qua những quyết định quan trọng của các Công Đồng Ni-xê, Constantinốp. Điều mà các Nghị Phụ muốn khẳng định đó là Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa, đồng bản thể với Chúa Cha và Thánh Thần cũng là Thiên Chúa, có trọn vẹn bản tính thần linh với Chúa Cha và Chúa Con ; đức tin của Giáo Hội vốn là như thế ngay từ đầu và đã được tuyên xưng và rao giảng bởi truyền thống Giáo Hội và đã được ghi chép trong Sách Thánh và đã được cử hành trong Phụng vụ của Giáo Hội, trong Bí tích Rửa tội cũng như trong Thánh Thể. Chúa Con và Thánh Thần vốn đã tham dự vào công trình tạo dựng bởi Chúa Cha ngay từ khởi đầu, và Chúa Cha tạo dựng và cứu độ thế giới bởi Chúa Con và trong Thánh Thần. Ba ngôi là Thiên Chúa duy nhất và bất khả phân ly trong công trình tạo dựng và trong công trình cứu độ. Và trong hiện tại, phép rửa cử hành niềm tin Ba Ngôi khi Giáo Hội ban phép rửa nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Định thức Ba Ngôi của Giáo Hội được xác định bằng những thuật ngữ triết học là Bản Thể và Ngôi Vị. Nơi Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần có ba Ngôi Vị thần linh cùng một Bản Thể. Và trong tiến trình định thức, Giáo Hội cũng qui định thuật ngữ. Từ nay thuật ngữ để nói về Bản Thể tức là ý niệm về tính duy nhất sẽ là những thuật ngữ như Ousia, physis, substantia, natura và thuật ngữ để nói về sự phân biệt các ngôi vị là hypostasis, prosopon và personna. Định thức Ba Ngôi một Bản Thể là định thức cô đọng để định ra một khuôn khổ qui luật đức tin, mục tiêu là để hướng dẫn đức tin của Giáo Hội cũng như giúp mọi tín hữu hiểu đúng về Mạc khải Lời Chúa. Hẳn nhiên Lời Chúa vẫn luôn là tiêu chuẩn sống động và quyết định. Đức tin Ba Ngôi không phải là chuyện dư thừa nhưng là điều cần thiết để chúng ta hiểu biết về ơn cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện : Đức Giêsu là người Con Một Thiên Chúa, Người là chính Thiên Chúa nhập thể làm người để ai đón nhận Người thì đón nhận được chính Thiên Chúa, và Thánh Thần là hồng ân thần linh phát xuất từ Cha và Con để khi đón nhận Người, chúng ta cũng đón nhận được chính Thiên Chúa lại cũng chính là hồng ân và sức mạnh thần linh và là tình yêu luôn sống động trong tâm hồn chúng ta, làm cho người tín hữu luôn có chính Thiên Chúa hiện diện trong tâm hồn.

Nguồn:http://giaodantanthaison.com/tin-chinh/phan-tich-va-chia-se-loi-chua-bai-giang/bai-giang-chua-nhat-le-chua-ba-ngoi-nam-b-lm-phero-le-van-chinh.html