Ánh Sao Niềm Tin

CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH- Năm B

Ánh Sao Niềm Tin  Trích Logos B

Ngày 26/12/2004, cả thế giới đã bàng hoàng và đau xót trước trận động đất với cường độ 8,9 độ richter và tạo ra những đợt sóng thần cao đến 10 mét quét qua những nước Nam Á và Đông Nam Á giết chết hàng trăm ngàn người. Con số thống kê người chết là hơn 200.000 người, một con số thương vong kỷ lục trong một trận thiên tai tính trong vòng 200 năm trở lại đây.

Trước thảm họa khủng khiếp đó, ai cũng cho rằng nguyên nhân chính là những quốc gia bị nạn thiếu hệ thống cảnh báo động đất và sóng thần.

Nhưng tờ báo The Nation tại Thái Lan số ra ngày 31/12/2004 đã tiết lộ rằng : Các nhà thiên văn và khí tượng học Thái Lan đã nhận được tin báo động đất trước đó, nhưng họ cho rằng trận động đất sẽ không gây hậu quả nghiêm trọng như trước đây vẫn thường xảy ra. Hơn nữa, vì đang trong mùa du lịch cao điểm, nếu báo động sẽ mất khách. Vì thế, họ đã im lặng và thảm họa đã xảy ra. Thủ tướng Thái Lan đã cho điều tra sự việc trên và quy trách nhiệm cho những nhà thiên văn và khí tượng học thiếu trách nhiệm, cũng như thiếu tinh tường trong chuyên môn của mình.

Hôm nay, trong ngày lễ Hiển Linh, chúng ta gặp gỡ các vị đạo sĩ hay còn gọi là những nhà chiêm tinh học, hoặc thiên văn học, là những người chuyên nghiên cứu về những hiện tượng thiên văn. Các vị đạo sĩ đã có đôi mắt nhạy bén và tinh tường khi nhìn thấy ngôi sao lạ. Họ tin rằng đó là dấu hiệu cho thấy vị cứu tinh đã ra đời, nên vội vã lên đường, đi tìm gặp Chúa Hài Nhi.

Chúa Kitô, ánh sáng muôn dân

Qua hình ảnh “ngôi sao lạ” xuất hiện trên bầu trời phương đông, nhiều nhà khoa học hiện nay đang đặt ra nhiều nghi vấn : Thực sự có “vì sao lạ” ấy không ?

Vào thế kỷ XVII, nhà thiên văn học vĩ đại người Đức Kepler, đã gây chấn động trong giới Công Giáo khi cho rằng : Ngôi sao dẫn đường cho các nhà thông thái kia chẳng qua chỉ là sự kết hợp giữa Sao Thổ và Sao Mộc, chứ không phải là một “vì sao lạ” xuất hiện !

Có một giả thuyết khác, “vì sao lạ” kia chính là sao chổi Harley. Nhưng nhiều nhà thiên văn học đã tính ra được sao chổi Harley đã xuất hiện và biến mất ở vùng trời đó 10 năm trước khi Chúa Kitô ra đời.

Tuy nhiên, trong niềm tin của người kitô hữu, “ánh sao lạ” chính là dấu chỉ cho thấy Chúa Kitô là ánh sáng cho muôn dân. Trên thực tế, ngôi sao không thể tự mình phát ra ánh sáng, nhưng nó chỉ phản chiếu ánh sáng từ mặt trời. Đức Kitô chính là mặt trời công chính, là nguồn sáng soi chiếu cho mọi người ở mọi nơi.

Ngay sau khi giáng sinh, Chúa đã tỏ mình cho các kẻ chăn chiên nghèo hèn, Chúa cũng tỏ mình cho các vị đạo sĩ qua ánh sao phản chiếu ánh sáng từ Chúa. Các vị đạo sĩ đại diện cho những người chưa nhận được ánh sáng Tin Mừng. Vì vậy, ngày lễ Hiển Linh cũng còn được gọi là lễ Chúa tỏ mình cho lương dân.

Cuộc hành trình đức tin.

Cuộc hành trình đi tìm gặp Chúa Hài Nhi của các vị đạo sĩ là hình ảnh gợi lên cuộc hành trình đức tin của người tín hữu.

Cuộc hành trình của các vị đạo sĩ khởi đầu bằng ánh sao lạ, khiến các ngài cảm nhận được một sự thôi thúc lên đường, đi tìm kiếm và gặp gỡ một ai đó rất cao trọng và linh thiêng. Vì thế, các ngài đã từ bỏ nếp sống thân quen và ổn định để ra đi, dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mịt mờ. Cũng vậy, cuộc hành trình đức tin của người kitô hữu cũng khởi đầu bằng sự thôi thúc lên đường, ra khỏi cái tôi ích kỷ lười biếng để gặp gỡ Chúa là nguồn hạnh phúc vĩnh cửu.

Cuộc hành trình của các vị đạo sĩ không phải luôn êm xuôi trôi chảy, cũng không phải là một con đường bằng phẳng êm ái. Trái lại, đó là một cuộc hành trình dài đầy gian khó. Từ Babylon đến Giêrusalem dài đến 800 dặm (tương đương 1.280 km), có những lúc ánh sao xuất hiện dẫn đường, có những lúc lại biến mất, họ phải đi trong một viễn cảnh mịt mù tăm tối. Nhưng các ngài vẫn trung kiên bước đi và cuối cùng đã gặp được Chúa. Cũng vậy, người kitô hữu phải trải qua cuộc hành trình đức tin gian khổ : có những lúc bầu trời tươi sáng, có lúc phải lần bước trong đêm tối, lại có lúc ánh sáng đức tin hầu như lịm tắt. Nhưng nếu người tín hữu trung thành và tin tưởng vào Chúa, họ sẽ tìm gặp được Ngài là nguồn ơn cứu rỗi cho đời mình.

Đời người tín hữu luôn là cuộc lên đường.

Bởi vì biết sẵn sàng lên đường, từ bỏ những tiện nghi sung sướng, các vị đạo sĩ đã gặp gỡ Chúa. Cũng vậy, Abraham đã sẵn lòng lên đường ra đi theo tiếng gọi của Chúa. Ngài từ bỏ vùng đất quen thuộc đang sinh sống, đi đến một nơi mà mình chẳng hay biết. Tổ phụ Abraham đã tin vào Chúa và đã được Chúa ban cho những ân huệ trọng đại. Trái lại, vua Hêrôđê đã không chấp nhận lên đường để tìm kiếm, nên không thể gặp được nguồn hạnh phúc đời mình. Ông ta đã đánh mất chính mình trong tham vọng và bạo tàn, đã tự chôn chặt đời mình trong hận thù ghen ghét.

Cũng thế, người kitô hữu nếu không biết sẵn sàng lên đường, ra khỏi chính mình để gặp gỡ Chúa là cùng đích đời mình, họ sẽ đánh mất cứu cánh đời mình. Ra khỏi con người thấp hèn, người kitô hữu sẽ gặp được Chúa và tha nhân. Như thế, cuộc đời họ sẽ được thăng hoa và hoàn thiện.

Bài đọc I chính là một lời khuyên hữu ích cho người tín hữu hôm nay : mặc dù sống trong chốn lưu đày, tiên tri Isaia đã mơ tới ngày hồi hương. Khi đó, Giêrusalem sẽ được tái thiết trong huy hoàng và là nơi thu hút muôn dân tuôn đến. Trong khi cả trái đất đang ngập chìm trong bóng tối, Giêrusalem lại bừng sáng vì có Chúa là ánh sáng đang ngự ở đó.

Chúng ta cũng hãy luôn đón nhận Chúa là ánh sáng vào cuộc đời chúng ta, để chúng ta cũng trở nên ánh sáng cho mọi người. Mỗi người hãy là một vì sao nhỏ dẫn đường cho tha nhân tìm về Chúa là đường, là sự thật và là sự sống.

Vào một buổi chiều năm 1966 tại nước Nam Phi, có một đám trẻ con đang chơi đùa tại một vùng đất gần bờ biển. Một chú bé tên Tacob lượm được một viên đá trong suốt, lấp lánh một ánh sáng kỳ lạ. Cả bọn trẻ xúm lại xem và bàn tán sôi nổi. Nhưng cuộc vui kéo chúng về thực tại, chú bé ném viên đá ấy đi và tiếp tục chơi đùa. Nhưng cô bé em của Tacob lượm lại viên đá ấy mang về nhà đặt bên cạnh con búp bê, giả làm đèn.

Ông hàng xóm ở cạnh nhà tên Niekerk biết được liền đổi cho cô bé chiếc đèn thật đẹp để lấy viên đá kia. Viên đá ấy chính là một viên kim cương rất quý giá. Nó cân nặng 21,5 carats. Ông ta đã trở nên giàu có nhờ viên đá mà ông tình cờ có được.

Viên đá kia đã tỏa ánh sáng lấp lánh, nhưng không ai nhận ra ánh sáng kỳ diệu đó, ngoại trừ ông Niekerk. Đức Kitô cũng là viên kim cương quý giá, mà chỉ những đôi mắt đức tin mới có thể nhận ra được ánh sáng phát ra từ Ngài.

Trong ngày lễ Hiển Linh hôm nay, ánh sáng của vì sao lạ đã chiếu tỏa trên bầu trời phương đông. Nhưng tiếc thay, chỉ có các vị đạo sĩ mới nhận ra ánh sáng ấy. Chúng ta hãy xin Chúa cho đôi mắt đức tin chúng ta luôn sáng ngời, để nhận ra những dấu chỉ yêu thương Chúa tỏ bày trong cuộc sống. Chúng ta cũng hãy trở thành dấu chỉ tình thương của Chúa qua những nghĩa cử yêu thương hàng ngày trao gửi đến mọi người. Đó là những vì sao tình yêu luôn rực cháy trong cuộc đời hôm nay.

Trích: Logos