Ý nghĩa và công hiệu của nước thánh

Cha Anselm Gruen là đan sĩ Biển-đức của đan viện Muensterschwarzach thuộc bang Bavière ở miền Nam nước Đức. Cha là Linh Mục trị liệu tâm linh và là vị đồng hành thiêng liêng vô cùng cao quý. Xin nhường lời cho Cha nói về Nước Thánh trong đời sống của tín hữu Công Giáo.

Vào các buổi cử hành tôn giáo, vị Linh Mục chúc lành cho các tín hữu hoặc làm phép các vật dụng bằng Nước Thánh. Khi cử hành lễ hôn phối, vị Linh Mục làm phép 2 nhẫn cưới, trước tiên bằng lời cầu nguyện, rồi đến dấu Thánh Giá và sau cùng bằng việc rảy Nước Thánh trên 2 chiếc nhẫn. Việc làm phép các vật dụng luôn luôn đi kèm với việc rảy Nước Thánh lên vật ấy.

Nước nhắc nhớ công trình sáng tạo của THIÊN CHÚA như ghi trong Sách Sáng Thế”Lúc khởi đầu, THIÊN CHÚA sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí THIÊN CHÚA bay lượn trên Mặt Nước” (1,1-2). Các vật được rảy Nước Thánh để lấy lại công dụng nguyên thủy. Chúng phải được dùng để phục vụ con người và lấy lại ý nghĩa mà THIÊN CHÚA đã trao ban cho chúng. Cần phải bảo vệ chúng tránh khỏi việc con người dùng chúng để làm điều xấu .. Chẳng hạn, chiếc nhẫn cưới không phải để xiềng xích hai vợ chồng nhưng là để kết hiệp đôi bạn đời trong sự trung tín và tái hợp những gì có khuynh hướng phân ly chia cách. Nước gắn liền với sự phì nhiêu: tất cả những gì được rảy nước phải mang lại hoa trái.

Trong Đêm Phục Sinh, vị Linh Mục làm phép Nước rồi đi quanh nhà thờ rảy Nước Thánh vừa làm phép lên các tín hữu. Ngày xưa, các Linh Mục thường có thói quen rảy Nước Thánh trên các tín hữu trước khi cử hành Thánh Lễ, trong khi toàn cộng đoàn hát bài ”Asperges me” trích từ Thánh Vịnh 50”Xin dùng cành hương thảo rảy Nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền. Xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết” (TV 51(50),9).

Nghi thức rảy Nước Thánh gợi lên ý tưởng tẩy rửa. Nước rửa sạch, và trước Thánh Lễ, tín hữu cảm thấy nhu cầu được rửa sạch khỏi các vết bẩn bám vào người suốt tuần qua: các ô nhiễm xúc cảm đến từ bên ngoài và các vết nhơ do tội lỗi mang lại. Cùng lúc, Nước làm chạm đến nguồn suối nội tâm của chúng ta. Nước phải làm cho cuộc đời chúng ta nên phong phú và ngăn cản không cho chúng ta trở nên khô cằn.

Nơi cửa vào của mỗi thánh đường đều có đặt bình Nước Thánh. Các tín hữu Công Giáo có thói quen lấy Nước Thánh và làm dấu Thánh Giá trước khi vào nhà thờ. Đây là cử chỉ nhắc họ nhớ đến bí tích Rửa Tội: họ đã được đổ Nước trên đầu.

Khi bước vào nhà thờ của đan viện mỗi buổi sáng lúc 5 giờ, tôi lấy Nước Thánh làm dấu Thánh Giá rồi rảy trên các phần của thân thể và linh hồn tôi. Vừa rảy Nước Thánh tôi vừa xin Chúa làm cho một ngày sống của tôi trở nên phong phú. Tôi xin Chúa tẩy sạch khỏi các hình ảnh làm biến thể tôi như: mơ ước quyền cao chức trọng, thích thành đạt, hoàn tất thiêng liêng hoặc khôn ngoan. Tôi cảm thấy cần phải tước bỏ các hình ảnh này để tìm lại con người thật của mình. Tôi bước vào nhà thờ với các sức lực cùng với các yếu hèn của tôi, với điều tốt lành cũng như với các nguy hiểm đang rình rập mà đôi khi tôi không luôn luôn biết cách tránh né.

Nước Thánh nhắc tôi nhớ mình đã được rửa tội, rằng tôi đã vượt qua con sông của sự chết, rằng tôi không còn được định nghĩa từ thế gian nhưng từ Đức Chúa GIÊSU KITÔ và tôi đã được mặc lấy Người. Khi Đức Chúa GIÊSU vừa lên khỏi Nước sông Giordan, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: ”Con là Con yêu dấu của CHA, CHA hài lòng về Con” (Máccô 1,10-11). Khi lấy Nước Thánh vạch lên người tôi, tôi nhớ rằng tôi được yêu thương và được chấp nhận vô điều kiện.


Ảnh: ucatholic.com


Nhiều tín hữu Công Giáo có thói quen đặt bình Nước Thánh nơi cửa vào nhà. Như vậy, họ lấy Nước Thánh làm dấu Thánh Giá mỗi khi bước vào nhà hoặc mỗi khi ra khỏi nhà. Đây là một cách thức rất tốt để ghi dấu mỗi cuộc đi ra đi vào. Ngày xưa, con người thường có ý thức cao độ về một cuộc vượt qua. Bước qua ngưỡng cửa có nghĩa là đi vào một lãnh vực khác, xa lạ và nguy hiểm hoặc thánh thiêng. Trong nhiều nền văn hóa, ngưỡng cửa đền thờ được xem là thánh thiêng. Người ta chỉ được bước qua ngưỡng cửa sau khi đã hoàn tất một nghi thức tẩy rửa.

Với tư cách tín hữu Công Giáo, khi lấy Nước Thánh làm dấu Thánh Giá trước lúc bước ra khỏi nhà, tôi bày tỏ niềm hy vọng rằng công việc tôi sắp làm sẽ mang lại hoa quả, rằng tôi sẽ có thể - trong những gì tôi sẽ làm - kín múc từ nguồn suối nội tâm của Đức Chúa Thánh Thần. Như thế, tôi sẽ không trở về nhà kiệt lực, bởi vì nguồn suối nội tâm không bao giờ cạn vì đó là nguồn suối đến từ THIÊN CHÚA.

Khi tôi lấy Nước Thánh làm dấu Thánh Giá lúc bước vào nhà, tôi bỏ lại sau lưng tôi tất cả những gì làm nhơ bẩn các xúc cảm của tôi, tôi tẩy sạch khỏi cơn giận dữ, khỏi thất vọng để cảm thấy mình được tự do và có thể giao hòa với cuộc sống của tôi. Căn nhà phản ảnh đền thờ, nó không phải chỉ là căn nhà của tôi mà còn là căn nhà của THIÊN CHÚA. Vì thế, tôi muốn bước vào nhà sau khi đã tẩy rửa khỏi tất cả những gì làm tôi dơ bẩn trong ngày.

Nghi thức lấy Nước Thánh làm dấu Thánh Giá diễn tả sự tinh túy của mọi nghi thức. Nó đóng một cánh cửa và mở ra một cánh cửa khác. Tôi đóng cánh cửa các hoạt động nghề nghiệp hầu cho các hoạt động này không còn đè nặng trên tôi nữa. Tôi mở cánh cửa căn nhà hầu cho tôi được thực sự bước vào nhà tôi, được thật sự là chính tôi, được tìm thấy niềm an bình và quê hương đích thực của tôi.

... THIÊN CHÚA phán với ông Môsê: ”Hãy nói với Aharon và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Israel, anh em hãy nói thế này:
Nguyện THIÊN CHÚA chúc lành và gìn giữ bạn!
Nguyện THIÊN CHÚA tươi nét mặt nhìn đến bạn và dủ lòng thương bạn!
Nguyện THIÊN CHÚA ghé mắt nhìn và ban bình an cho bạn!
Chúc như thế là đặt con cái Israel dưới quyền bảo trợ của Danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Sách Dân Số 6,22-27).

(Anselm Gruen, ”Vous êtes une bénédiction”, Éditions Salvator, Paris 2006, pour la traduction française, trang 83-87)


Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt