Xử trí bệnh gút cấp tính

SKĐS - Gút cấp thường có liên quan nhất đến chế độ ăn uống, nhất là trong và sau Tết hoặc sau các bữa tiệc bệnh gút cấp có xu hướng gia tăng...

Gút cấp thường có liên quan nhất đến chế độ ăn uống, nhất là trong và sau Tết hoặc sau các bữa tiệc bệnh gút cấp có xu hướng gia tăng, đặc biệt người đang mang sẵn bệnh gút trong mình. Vậy, nên xử trí và phòng ngừa như thế nào?

Nguyên nhân của bệnh gút

Bệnh gút xảy ra do rối loạn chuyển hóa acid uric trong cơ thể, làm tăng nồng độ acid uric trong máu, dẫn đến lắng đọng natri urat trong khớp, thận và tổ chức dưới da, gây đau. Cơn gút cấp tính lần đầu thường xảy ra ở lứa tuổi 35-55, nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn nữ giới.

Sự hình thành và đào thải acid uric: Acid uric là sản phẩm giáng hóa của nucleotid có bazơ là purin. Có 3 nguồn cung cấp acid uric, đó là hoặc do giáng hóa acid nucleic từ thức ăn đưa vào hoặc do giáng hóa acid nucleic từ các tế bào bị chết hoặc do tổng hợp nội sinh và chuyển hóa purin trong cơ thể nhờ các men đặc hiệu hoặc do cả ba nguồn.

Acid uric được đào thải qua  nước tiểu khoảng từ 450-500mg/ngày  và  trong  phân 200mg/ngày. Khi qua thận, urat được cầu thận lọc hoàn toàn, rồi tái hấp thu gần hoàn toàn ở ống lượn gần cuối cùng được ống lượn xa bài tiết. Trong phân, acid uric được các vi khuẩn phân hủy.

Nồng độ acid uric trong máu người bình thường từ 208-327μmol/l. Khi nồng độ trên 416,5μmol/l, được gọi là tăng acid uric máu.

Gút cấp gây sưng nóng đỏ, đau dữ dội tại khớp.

Các nguyên nhân làm tăng acid uric máu

Do dùng nhiều thức ăn có chứa nhiều purin, tăng giáng hóa nucleoprotein tế bào, tăng tổng hợp purin nội sinh; hoặc do giảm đào thải acid uric qua đường nước tiểu bởi vì giảm độ lọc cầu thận, giảm bài tiết của ống thận; và có thể do giảm phân hủy acid uric trong phân do vi khuẩn.

Biểu hiện của bệnh gút cấp

Cơn viêm cấp của bệnh gút xuất hiện sau khi uống nhiều rượu, bia, ăn nhiều thịt (nhất là các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt chó, trâu), phủ tạng động vật (tim, gan, thận, lòng), hải sản (tôm) hoặc bệnh xuất hiện sau lao động nặng, sang chấn tinh thần, sau nhiễm khuẩn cấp, sau dùng một số thuốc,... Đặc biệt trong và sau Tết do ăn uống không kiêng khem, nhất là người đã mang trong mình bệnh gút, rất dễ xuất hiện gút cấp.

Đa số gút cấp biểu hiện rõ nhất là khớp sưng to, đặc biệt là khớp ngón chân cái, cổ chân, khớp gối hoặc khớp ngón tay, bàn tay (thường một bên). Khớp đỏ, phù nề, căng bóng, nóng, đau dữ dội và tăng dần, chỉ cần va chạm nhẹ cũng rất đau, thay đổi mọi tư thế đều không dịu đi. Bệnh gút cấp thường xảy ra về đêm nhiều hơn, người bệnh đang ngủ phải tỉnh giấc vì khớp rất đau (nhất là khớp ngón chân cái, cổ chân), thậm chí đau dữ dội ngày càng tăng (chạm vào cũng đau). Thông thường một cơn gút cấp tính gây sưng, đau nhất trong vòng 12 - 24 giờ đầu tiên. Bệnh có thể tái phát ít nhất vài ba lần hoặc hơn thế trong một năm. Để chẩn đoán bệnh gút chủ yếu dựa vào tính chất lâm sàng, tiền sử bệnh, xét nghiệm acid uric máu, chụp Xquang khớp đau.

Xử trí bệnh gút cấp như thế nào?

Mục tiêu của điều trị cơn gút cấp tính là để loại bỏ cơn đau và sưng cấp ở các khớp bị ảnh hưởng. Vì vậy, có thể dùng ngay thuốc chống viêm, giảm đau không steroid như indomethacin, mobic, meloxicam, felden... hoặc paracetamol... Nếu không đáp ứng các loại thuốc không steroid sẽ được thay thế bằng colchicine. Mặc dù colchicine không phải là một thuốc giảm đau, nhưng được phân loại như một loại thuốc chống bệnh gút. Colchicine thường được sử dụng với liều lượng nhỏ hơn để điều trị bệnh gút mạn tính nhưng có thể được sử dụng trong một liều cao hơn để đối phó với gút cấp tính (chỉ ngày đầu được dùng hai viên, các ngày sau đó chỉ dùng một viên). Thuốc có tác dụng hiệu quả nhất nếu được sử dụng trong vòng 12 giờ đầu tiên khi các triệu chứng xuất hiện. Tuy nhiên, thuốc có các tác dụng phụ như buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy hoặc nếu dùng liều cao sẽ gây ngộ độc, vì vậy việc dùng thuốc và liều dùng phải do thầy thuốc chỉ định. Thuốc có chứa corticosteroid như prednisone, dexamethason, solumedrol có thể được dùng để điều trị cơn gút cấp tính khi bệnh nhân không thể sử dụng thuốc không steroid và colchicine. Corticosteroid giúp giảm đau và viêm khá nhanh. Thuốc có ở dạng uống hoặc tiêm. Ở dạng uống, điều trị corticosteroid được sử dụng với liều lượng giảm dần trong khoảng thời gian từ 7-10 ngày dưới sự giám sát của bác sĩ và chống chỉ định với người viêm loét dạ dày tá tràng.

Cần lưu ý, dù là thuốc nào dùng để điều trị bệnh gút cấp đều phải có chỉ định của bác sĩ, bởi vì, tất cả các thuốc điều trị gút nói chung và bệnh gút cấp nói riêng đều có tác dụng không mong muốn.

Bên cạnh thuốc điều trị, cần thực hiện chế độ ăn, uống kiêng (không uống rượu, bia, không ăn các loại thịt đỏ, nội tạng động vật, hải sản). Người bị gút cần khám bệnh định kỳ để được kiểm tra acid uric máu, nếu chỉ số acid này tăng cao phải được điều trị đề phòng bệnh gút tái phát.

Việt Thanh