Ruột non bao gồm ba phần. Tá tràng là phần đầu tiên, nằm gần dạ dày. Hỗng tràng là phần giữa và cuối cùng, dài nhất của ruột non là hồi tràng. Hầu hết ung thư ruột non hình thành ở tá tràng hoặc hồi tràng.
Bộ phận này tiếp nối dạ dày với ruột già, chịu trách nhiệm phân hủy và hấp thụ thức ăn, chất béo, vitamin cùng các chất khác mà cơ thể cần. Khi mắc loại ung thư này, các tế bào khối u có thể làm tắc ruột non.
Triệu chứng
Đau hoặc chuột rút ở giữa bụng.
Giảm cân không rõ nguyên nhân.
Xuất hiện khối u ở bụng.
Đại tiện ra máu.
Phân loại
Có 5 loại ung thư ruột non:
Ung thư biểu mô tuyến: Chiếm khoảng 30- 40% các trường hợp ung thư ruột non. Dạng này bắt đầu ở niêm mạc ruột, lúc đầu có thể trông giống như một khối u nhỏ, không phải ung thư gọi là polyp, nhưng theo thời gian sẽ phát triển thành ung thư.
Ung thư mô mềm (sarcoma): Xảy ra khi tế bào ung thư phát triển trong mô mềm của ruột non.
Khối u carcinoid: U carcinoid thường xuất hiện ở nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể, nhưng phần lớn phát sinh trong niêm mạc của đường tiêu hóa. Loại ung thư phát triển chậm này thường bắt nguồn từ phần dưới của ruột non. Chúng có thể ảnh hưởng đến ruột thừa hoặc trực tràng.
U mô đệm đường tiêu hóa (GIST): Đây là một dạng ung thư ruột non hiếm gặp. Hơn một nửa trong số này bắt đầu từ dạ dày. Tuy nhiên, không phải tất cả GIST đều là ung thư.
U lympho đường ruột: Hay còn gọi là ung thư hạch, là dạng ung thư bắt đầu ở các hạch bạch huyết. Người gặp tình trạng này thường mắc một loại rối loạn suy giảm miễn dịch, tức suy yếu hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể, dễ nhiễm trùng và bệnh tật.
Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm:
Nam giới trên 60 tuổi.
Mắc một số chứng rối loạn bẩm sinh.
Hút thuốc và uống rượu.
Chế độ ăn nhiều chất béo.
Tiếp xúc với lượng lớn hóa chất, như axit phenoxyacetic.
Mắc các bệnh đường ruột như Crohn, ung thư ruột kết hoặc bệnh celiac.
Phù bạch huyết (tổn thương các mạch kết nối với các hạch bạch huyết).
Chẩn đoán
Xét nghiệm hình ảnh: Chụp X-quang, chụp CT hoặc MRI giúp kiểm tra cấu trúc ruột non để phát hiện khối u có phải ung thư hay mức độ lan rộng.
Nội soi: Giúp kiểm tra bên trong thực quản, dạ dày và phần đầu tiên của ruột non thông qua một ống nội soi có đèn và camera ở cuối.
Các xét nghiệm khác có thể bao gồm:
Xét nghiệm hóa học máu: Đo lượng chất nhất định mà cơ thể đang tạo ra.
Xét nghiệm chức năng gan: Đo các chất do gan thải ra.
Xét nghiệm máu trong phân.
Sinh thiết hạch bạch huyết: Cắt bỏ một phần hạch bạch huyết để kiểm tra tế bào ung thư.
Phẫu thuật nội soi: Đây là cuộc phẫu thuật lớn, mổ tại thành bụng để tìm dấu hiệu bệnh.
Điều trị
Phương pháp điều trị ung thư ruột non phụ thuộc vào một số yếu tố, như loại ung thư và tình trạng xâm lấn.
Phẫu thuật: Là phương pháp điều trị phổ biến nhất. Bác sĩ phẫu thuật của bạn có thể loại bỏ phần ruột non có chứa ung thư. Hoặc họ có thể thực hiện phẫu thuật "bắc cầu" để thức ăn có thể đi xung quanh khối u không thể cắt bỏ.
Xạ trị: Sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư.
Hóa trị: Dùng những loại thuốc đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phát triển.
Liệu pháp miễn dịch: Giúp tăng cường hệ thống miễn dịch để người bệnh có khả năng chống lại các tế bào ung thư tốt hơn. Liệu pháp này giúp hệ thống miễn dịch dễ dàng nhận ra các tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. Tùy thuộc vào loại đột biến gen trong khối u hay tình trạng bệnh, bác sĩ điều trị sẽ chỉ định liệu pháp phù hợp.
Bảo Bảo (Theo WebMD)
Nguồn: https://vnexpress.net/