Viễn cảnh chữa khỏi ung thư nhờ 5 đột phá

Viễn cảnh chữa khỏi ung thư nhờ 5 đột phá

Một viên thuốc tiêu diệt khối u, liệu pháp miễn dịch, vaccine và virus điều trị ung thư là những thành tựu khoa học giúp kéo dài tiên lượng của người bệnh.

Tháng trước, các nhà khoa học giới thiệu loại thuốc AOH1996, hứa hẹn tiêu diệt được các khối u rắn. Đầu năm nay, thuốc liên hợp kháng thể (ADC), vaccine từ công nghệ mRNA và liệu pháp miễn dịch dựa trên tế bào cũng bước vào các giai đoạn thử nghiệm quan trọng. Các nhà khoa học gọi đây là "làn sóng" thuốc và phương pháp điều trị mới, có tác động đáng kể đến tiên lượng bệnh nhân.

Thực tế, tỷ lệ sống sót sau ung thư đã tăng gần gấp đôi trong 40 năm qua, nhờ những bước tiến trong khoa học y tế. Kevin Harrington, giáo sư về các liệu pháp điều trị ung thư sinh học tại Viện Nghiên cứu Ung thư, bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viện St George ở London, cho rằng những đột phá mới sẽ tiếp tục cải thiện kết quả điều trị.

"Trong 20 năm tới, tôi tin chắc chúng ta sẽ chữa khỏi cho một số lượng lớn bệnh nhân ung thư bằng các phương pháp thông minh và nhân đạo hơn rất nhiều so với phương pháp hiện tại", ông nói.

Thuốc tiêu diệt khối u

Ngày 2/8, các nhà khoa học tại Bệnh viện City of Hope, một trong những trung tâm ung thư lớn nhất Mỹ, đăng tải nghiên cứu về thuốc AOH1996, có thể tiêu diệt tất cả khối u rắn (lành và ác tính) mà không ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh. Thuốc được đặt tên theo Anna Olivia Healy, một bệnh nhân ung thư nguyên bào thần kinh đã qua đời vào năm 2005, khi mới 9 tuổi.

City of Hope cho biết thuốc AOH1996 nhắm một loại protein có trong hầu hết loại ung thư, giúp khối u phát triển và nhân lên trong cơ thể. Protein này là kháng nguyên nhân tế bào tăng sinh (PCNA), từng được nhận định là không thể tiêu diệt.

AOH1996 tiêu diệt tế bào ung thư một cách có chọn lọc bằng cơ chế phá vỡ chu kỳ sinh sản bình thường của khối u, ngăn không cho các tế bào DNA bị lỗi tiếp tục phân chia, khiến chúng không thể sao chép được nữa. Điều này khiến các tế bào ung thư tự chết đi mà không gây hại cho các tế bào khỏe mạnh.

AOH1996 hứa hẹn điều trị được ung thư vú, tuyến tiền liệt, não, buồng trứng, cổ tử cung, da và phổi.

Các viên nén và viên con nhộng. Ảnh: PA

Các viên nén và viên con nhộng. Ảnh: PA

Liệu pháp miễn dịch

Các loại thuốc miễn dịch khai thác sức mạnh của hệ miễn dịch vốn có ở người, từ đó tấn công ung thư. Nicholas Turner, bác sĩ chuyên khoa ung thư tư vấn tại The Royal Marsden NHS Trust, cho biết liệu pháp này đã nâng tỷ lệ sống sót sau mắc ung thư di căn khoảng 40%.

 

Các loại thuốc này được gọi chung là chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Thuốc không hoạt động bằng cách tấn công trực tiếp vào chính khối u ung thư, mà thúc đẩy hệ thống miễn dịch của bệnh nhân thực hiện điều này.

Thông thường, tế bào T (tế bào miễn dịch) có nhiệm vụ tìm kiếm và kiểm soát các tế bào nhiễm bệnh lạ. Chúng chứa hai loại protein: loại thứ nhất (loại một) giúp kích hoạt phản ứng miễn dịch, loại hai hạn chế khả năng miễn dịch. Đây được gọi là những protein điểm kiểm soát.

Protein điểm kiểm soát loại một kích hoạt tế bào T, nhưng nếu tế bào T làm việc quá lâu, nó bắt đầu phá hủy các mô khỏe mạnh. Lúc này, protein loại hai báo hiệu tế bào T ngừng hoạt động.

Một số tế bào ung thư tạo ra lượng protein loại hai cao. Chúng có thể bất hoạt tế bào T trước khi khối u biến mất. Nói cách khác, tế bào ung thư khiến hệ miễn dịch ở người bệnh đình trệ. Các tế bào T không còn khả năng nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư nữa.

Các chất ức chế điểm kiểm soát ngăn chặn các protein điểm kiểm soát loại hai, tức là ngăn chặn ảnh hưởng của tế bào ung thư lên hệ miễn dịch. Điều này khiến hệ miễn dịch hoạt động trở lại, các tế bào T có thể tìm thấy và tấn công tế bào ung thư.

Vaccine ung thư

Khác với các loại vaccine ngăn ngừa bệnh tật, vaccine ung thư giúp điều trị khối u hoặc tế bào ung thư đang phát triển ở người đã được chẩn đoán. Đây là phương pháp riêng biệt, phù hợp với tình trạng ung thư độc nhất của từng bệnh nhân.

Vaccine ung thư có thể chữa trị cho cả bệnh nhân giai đoạn cuối, giai đoạn tiến triển, ngăn ung thư quay trở lại hoặc lan rộng sau khi điều trị. Vaccine không chỉ huấn luyện hệ miễn dịch nhận biết và chống lại ung thư ban đầu, nó còn dạy cơ thể phân biệt tế bào bất thường, không đúng vị trí là loại bỏ chúng.

"Chìa khóa để điều trị ung thư là tạo ra phản ứng ghi nhớ miễn dịch. Chúng tôi muốn bệnh nhân có một đội quân tế bào miễn dịch thường trực, được đào tạo để nhận biết và tiêu diệt ung thư nếu chúng hoạt động", giáo sư Harrington nói.

Hiện hơn 20 loại vaccine dựa trên mRNA được đưa vào thử nghiệm lâm sàng, nhắm đến những bệnh khó điều trị như ung thư tuyến tụy và u nguyên bào thần kinh đệm ở não.

Một bệnh nhân được xét nghiệm để sử dụng thuốc điều trị ung thư vú. Ảnh: Reuters

Một bệnh nhân được xét nghiệm để sử dụng thuốc điều trị ung thư vú. Ảnh: Reuters

Xạ trị flash

Xạ trị thường được coi là phương pháp điều trị lỗi thời, truyền thống, sử dụng tia X để tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, phương pháp này có thể đốt cháy và làm hỏng cả các mô khỏe mạnh trong những cơ quan quan trọng như não và tìm.

Phương pháp mới là xạ trị flash sử dụng bức xạ được truyền đi nhanh hơn hàng nghìn lần so với xạ trị thông thường. Một liều điều trị xảy ra trong một phần giây, cường độ này phá hủy DNA của các tế bào ung thư nhưng ít gây hại tới hơn 50% đối với tế bào bình thường.

Nghiên cứu do chính phủ Anh tài trợ đã phát hiện ra rằng liệu pháp xạ trị nhanh làm tăng tốc độ sử dụng oxy trong các mô, bảo vệ các tế bào bình thường khỏi tổn thương DNA.

Trong tương lai, xạ trị flash có thể điều trị các khối u khó tiêu diệt như u não, phổi hoặc vùng tiêu hóa, nơi các mô khỏe mạnh xung quanh đặc biệt dễ tổn thương.

Siêu virus lây nhiễm ung thư

Các nhà khoa học nảy ra ý tưởng sử dụng mầm bệnh "thông minh" hơn ung thư khiến các tế bào và khối u tự tiêu diệt. Đầu tiên, họ tiêm virus trực tiếp vào các khối u. Virus sẽ chiếm quyền kiểm soát và thay thế DNA tự tái tạo, sau đó phát triển bên trong tế bào ung thư. Đến một giai đoạn, chúng tiêu diệt và lây lan sang các tế bào khác, đồng thời thúc đẩy hệ miễn dịch chống lại ung thư khắp cơ thể. Về cơ bản, các virus này đánh lừa khối u tự hủy diệt.

Mới đây, các nhà khoa học thử nghiệm thành công RP1, được tạo từ virus herpes simplex, gây ra vết loét lạnh. Các khối u được phân loại là "nóng" hoặc "lạnh" tùy thuộc vào mức độ kích hoạt phản ứng miễn dịch. Ví dụ, ung thư hắc tố là ung thư "nóng", ung thư vú, tuyến tụy và tuyến tiền liệt là "lạnh".

RP1 được thiết kế để hoạt động trên các khối u "nóng", kể cả ở bệnh nhân không đáp ứng được liệu pháp miễn dịch. Virus họ hàng của nó là RP2 và RP3 đã được thiết kế để điều trị các khối u "lạnh".

Trong thử nghiệm lâm sàng, các nhà khoa học đã sử dụng virus để điều trị khối u não, ung thư da. Một phần tư bệnh nhân được ghi nhận khối u biến mất.

Viếu cũng được thử nghiệm trên một số ít bệnh nhân ung thư ở mắt, thực quản, đầu và cổ giai đoạn muộn. Ở 25% bệnh nhân, khối u thu nhỏ lại, một bệnh nhân bị ung thư tuyến nước bọt nhận thấy khối u biến mất hoàn toàn.

Thục Linh (Theo Telegraph)