VÌ SAO TÔI YÊU MẾN BÍ TÍCH GIẢI TỘI?
Tác giả: Bobby Angel
WHĐ (19.03.2022) - Nghe có vẻ kỳ lạ khi nói rằng Bí tích Giải tội là một trong những bí tích tôi yêu thích, nhưng làm sao có thể không như thế khi mà tôi đã tìm thấy nơi đây lòng thương xót và sự cứu chuộc vô cùng lớn lao?
Nếu tôi xót thương người khác trong việc tông đồ và lời giảng dạy của mình, thì đó là vì tôi đã được tỏ cho thấy lòng thương xót lớn lao. Đã hơn một lần, tôi là đứa con hoang đàng, kẻ đã trẩy đi phương xa cùng với của cải và phước lành của Cha; sau đó thức tỉnh trong sự nhơ uế và trống rỗng của mình - chỉ để trở về cùng với sự phó thác hoàn toàn trong vòng tay rộng mở của một Thiên Chúa, Đấng biết và yêu thương tôi.
Một trong những kho tàng lớn nhất của Đức tin chúng ta chính là bí tích của lòng thương xót, Bí tích Hòa giải, hay thường được gọi là Bí tích Giải tội. Lúc này đây, tôi có thể nêu lên sự hình thành của bí tích này từ các công đồng đầu tiên của Giáo hội sơ khai, những khảo luận của các Giáo phụ trình bày chi tiết về việc Kinh thánh khuyến khích chúng ta thú nhận tội lỗi của mình (1Ga 1,9) và việc các Tông đồ được ban quyền năng để tháo cởi và cầm buộc tội lỗi (Mt 18,18); nhưng giờ đây, tôi muốn chia sẻ với các bạn về sự kính sợ và cảm kích mà tôi dành cho mầu nhiệm thánh này.
Bí tích Giải tội thật sự là lời nhắc nhở thường hằng về sự sa ngã của tôi và việc tôi cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa để có thể chạy tốt cuộc đua trên trần gian này.
Một Thiên Chúa ở giữa những thiếu sót và nhơ uế
Tôi nhận ra rằng tình yêu của tôi đối với Bí tích Giải tội dường như là một khái niệm kỳ lạ trong thời hiện đại của chúng ta. Việc thú nhận bất cứ điều gì thì luôn ngụ ý rằng tôi đã phạm sai lầm. Trong thời đại của thuyết tương đối hiện nay, trong đó không có sự thật khách quan và “tội lỗi” là một khái niệm đã mất: liệu có gì là sai không? Tội lỗi có còn tồn tại nữa không?
Để đến trước một vị linh mục trong Bí tích Giải tội và thú nhận tội lỗi của bản thân một cách riêng tư, dễ bị tổn thương và trọn vẹn con người thì chắc chắn trái ngược hẳn với vẻ bề ngoài được tô vẽ hoàn hảo mà tôi mong muốn thể hiện trên mạng. Chúng ta đang sống trong thời đại mất sự kết nối, trong đó chúng ta có thể ẩn mình sau màn hình điện thoại và các rào cản kỹ thuật số và chặn bất cứ điều gì không thoải mái. Chúng ta có thể chỉnh sửa hình ảnh trên mạng xã hội của mình để đảm bảo rằng chúng ta được miêu tả là không tì vết với các bộ lọc hoàn hảo. Chúng ta có thể xóa các sai sót của mình, chặn sự phiền toái và xóa lịch sử trình duyệt để chúng ta trông như thể chúng tôi không có gì phải che giấu.
Nhưng có một vấn đề. Đó là chúng ta không hoàn hảo. Tất cả chúng ta đều có những thứ mà chúng ta che giấu.
Tôi biết rằng tôi đã đỗ vỡ và bị tổn thương. Tôi đã cảm thấy sức nặng của tội lỗi nơi tâm hồn mình, những tác động kép của dục vọng, giận dữ, tự cao tự đại và lười biếng về tâm linh. Tôi bị cám dỗ để nói dối và ăn cắp. Tôi đã cho phép mình ở trong những mối quan hệ không lành mạnh, bị dẫn dắt bởi dục vọng và sự bất an. Tôi rất có xu hướng phạm tội. Đó không phải là chứng loạn thần kinh; đó là một phán đoán trung thực về vấn đề đang xảy ra. Chúng ta không thể nhận được sự chữa lành nếu không gọi tên căn bệnh trước.
Con người cần phải ăn năn và tuân theo những gì là chân thật. Ngày nay, chúng ta thường cố gắng làm như vậy thông qua các phương tiện không hoàn chỉnh, không hoàn hảo và thậm chí bị bóp méo, chẳng hạn như việc trị liệu và những giây phút trải lòng trên các chương trình truyền hình hằng ngày. Mọi người đăng quá nhiều điều về cuộc sống của họ lên mạng vì nhu cầu chân thành về sự kết nối của con người và về sự thật được biết đến. Chúng ta mong muốn được mọi người nhìn thấy và yêu mến vì con người thật của chúng ta, bất kể chúng ta cố gắng chôn vùi những chi tiết đó như thế nào.
Có tôn giáo hay không, chúng ta có bản năng sợ hãi những kẻ nói dối và bị lừa dối. Chúng ta đánh giá cao những người đàn ông và phụ nữ liêm chính, những người sống ngay thẳng, có hành vi phù hợp với cách nói chuyện của họ. Những hành động vô đạo đức được thực hiện trong bí mật sẽ ăn mòn chúng ta bởi vì chúng ta đang sống trong bóng tối. Chúng ta mong muốn sự thật và sống trong ánh sáng của sự thật. Sự thật giải thoát chúng ta và mang lại sự chữa lành.
Tất nhiên, vẻ đẹp là nhờ Đức Giêsu Kitô, nhờ Người chúng ta có được nhiều điều hơn là nhờ những bài đạo lý trong một chương trình truyền hình: chúng ta thực sự được trả lại cho sự toàn vẹn mà chúng ta đã được dựng nên. Đức Giêsu là Đấng Chân Thật có thể xua tan sự giả dối và tật nguyền của chúng ta, nhưng chỉ khi chúng ta thú nhận rằng chúng ta cần được chữa lành trước.
Thường thì khi Đức Giêsu gặp người bệnh, Người sẽ chữa lành phần hồn một cách dễ dàng cũng như phần thể xác. Khi người ta đưa người bạn bại liệt của họ đến với Đức Giêsu để được chữa lành, trước tiên Người đã tha thứ tội lỗi của người đó (Mt 9,1-8). Tông đồ Giacôbê khuyến khích người bệnh: “Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát” (Gc 5,16). Bí tích Giải tội mang lại sự chữa lành cả bên ngoài lẫn bên trong thực sự.
Tất nhiên, chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha thứ tội lỗi. Những người Pharisêu đã sửng sốt khi Đức Giêsu tuyên bố mình có quyền tha tội, vì về cơ bản Ngài đang đánh đồng mình với Giavê, Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Giacop. Một tuyên bố như vậy đã tạo nên một ý tưởng tuyệt vời rằng Thiên Chúa sẽ chấp nhận mặc lấy thân xác trần tục để sống cùng với sự thiếu sót và nhơ uế của chúng ta và bước đi giữa chúng ta.
Đó chính xác là những gì Thiên Chúa đã hứa và đã làm.
Trở về cùng Cha
Vài giờ trước khi chúng tôi kết hôn, vợ tôi và tôi đã đến với Bí tích Giải tội một cách riêng lẻ, với ước muốn tiến vào hôn nhân cách tự do nhất có thể. Chúng tôi đã thú nhận những lần chúng tôi đã cho đi tình yêu của mình cho những người không xứng đáng và những lần khi bản thân chúng tôi không yêu như chúng tôi phải yêu. Tôi biết rằng qua nhiều năm xem nội dung khiêu dâm, tôi đã trao thân cho rất nhiều phụ nữ khác, nhưng nhờ ơn Chúa mà tâm trí và ký ức của tôi đã bắt đầu quá trình chữa lành. Vào ngày cưới, chúng tôi muốn đến với nhau mà không có bất kỳ sự che giấu nào về quá khứ của chúng tôi và trở nên gắn bó với nhau. Và đó là tất cả những gì Bí tích Giải tội hướng đến.
Từ “Hòa giải” nhấn mạnh sự trở về thân mật với Thiên Chúa. Sự gợi mở về tình yêu hôn nhân không phải ngẫu nhiên mà có; nó chính xác là điểm then chốt. Thiên Chúa muốn chúng tôi hiện diện với Ngài trong từng khoảnh khắc với mức độ hiệp nhất vợ chồng đó. Tội lỗi không chỉ là sự phá vỡ các quy tắc, mà là sự cắt đứt một mối quan hệ yêu thương. Sự thú nhận là hành động đúng đắn trở lại với Người yêu thiêng liêng, người luôn mong mỏi chúng ta quay trở về.
Tiên tri Hôsê đã nói với đồng bào của ông đang bị lưu đày: “Hỡi Israel, hãy trở về với ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi”(Hs 14,2). Hết lần này đến lần khác, người Do Thái đã quên đi sự nhân từ của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa vẫn kiên định đợi chờ mà chỉ người yêu mới có thể làm được. Hết lần này đến lần khác, chúng ta bị cám dỗ rời xa sự tốt lành của Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn chờ đợi sự trở lại của chúng ta. Qua vị linh mục không hoàn hảo, chúng ta được đến gần với Người Yêu Hoàn hảo của tâm hồn mình.
Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố rằng không phải Thiên Chúa mệt mỏi khi tha thứ cho chúng ta, mà là chúng ta mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ. Tôi biết rằng tôi đã trải qua sự xấu hổ và thất vọng khi phải trở lại với Bí tích Giải tội hết tuần này sang tuần khác vì các vấn đề về dục vọng trong những năm đại học của tôi. Tôi đi đến các giáo xứ khác nhau, lo lắng rằng các linh mục sẽ bắt đầu nhớ đến tôi. Tất nhiên, tôi đã bỏ quên một điều rằng tôi cần phải chịu trách nhiệm và Thiên Chúa luôn chờ đợi ở đó nơi vị linh mục để đón nhận tôi trở lại mối tương quan mật thiết với Ngài.
Bây giờ tôi đã là một người cha, tất nhiên, các con của tôi sẽ làm những việc thách thức sự kiên nhẫn của tôi và khiến tôi tức giận. Cơn giận của tôi với chúng kéo dài nhưng chỉ trong chốc lát, và ngay sau đó, tôi cố gắng an ủi, hòa giải và tưới tắm tình yêu cho chúng. Thiên Chúa là Cha nhìn chúng ta với tình yêu thương vô bờ bến đến nỗi không có tội lỗi nào chúng ta phạm phải có thể tách chúng ta ra khỏi Ngài. Nhưng chúng ta phải đủ khiêm tốn để nói: "Lạy Cha, xin tha thứ cho con, vì con đã phạm tội."
Hãy đi và đừng phạm tội nữa.
Câu trả lời cho những khủng hoảng luân lý của thời đại chúng ta là sống trong sự thánh thiện. Trong mỗi lần thử thách đối với Giáo Hội, các vị thánh vĩ đại đã đứng lên để dẫn đầu cuộc đáp trả, hướng dẫn các linh hồn khiêm hạ để thừa nhận rằng họ là tội nhân cần một Đấng Cứu Rỗi.
Vào cuối mỗi lời thú tội, chúng ta nêu lên một Hành động Thống hối, trong đó chúng ta khẳng định ý muốn tránh bất cứ điều gì dẫn chúng ta vào tội lỗi. Có một nguy cơ coi Bí tích Giải tội như một biện pháp rửa xe nhanh chóng khi chúng ta thường xuyên đến với bí tích này mà không cam kết thay đổi các hành vi và thói quen có vấn đề. Điều này làm giảm hiệu năng của lòng thương xót thánh thiêng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta qua Máu Thánh của Đức Kitô.
Chúng ta nghiêm túc đến mức nào khi thực hiện lời kêu gọi ăn năn này? Chúng ta phải "đi vào bên trong". Chúng ta phải sẵn sàng tìm hiểu gốc rễ của thói quen và xem vết thương của chúng ta bắt nguồn từ đâu. “Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi” (Mc 9,47). Tôi có những người bạn đã hạ cấp điện thoại của họ từ “điện thoại thông minh” xuống "điện thoại ngu ngốc", để họ có thể thoát khỏi những cám dỗ vô tận về dục vọng, đố kỵ và lười biếng. Tôi đã cài đặt phần mềm trên máy tính của mình nhiều năm trước để giúp tôi vượt qua việc sử dụng nội dung khiêu dâm và bắt tôi phải chịu trách nhiệm, vì tâm hồn và thiên chức trong tương lai của tôi. Điều đó không dễ dàng và cần nhiều thời gian. Nhưng thông qua việc chúng ta xem xét nguồn gốc của các vết sẹo, Thiên Chúa được tôn vinh và chúng ta có thể được biến đổi. Hành vi có thể được sửa chữa và có thể đạt được sự toàn vẹn với sự hỗ trợ của Đấng Chữa Lành.
Sự tha thứ và bình an
“Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1). Thiên Chúa không sai Con Một của Ngài đến để chúng ta có nhiều luật lệ hơn và sống trong tội lỗi ám ảnh và sợ hãi, nhưng để chúng ta có cuộc sống dồi dào (Gn 10,10). Một cuộc sống được sống trong tình yêu thánh thiện và sự thật sẽ thực sự giải thoát chúng ta.
Tôi cố gắng đến với Bí tích Giải tội ít nhất mỗi tháng một lần. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II sẽ xưng tội mỗi tuần một lần - những gì Ngài phải thú nhận, chỉ có Chúa mới biết! Càng trở nên thánh thiện hơn, chúng ta càng thấy rõ những khuynh hướng ích kỷ và thiếu sót của mình và thấy khoảng cách lớn giữa chúng ta là ai với chúng ta có thể là ai. Các vị thánh vĩ đại đã chứng thực điều này. Nhưng Thiên Chúa vẫn ban ân phúc của Ngài trên những người đủ khiêm tốn và đủ kiên trì để cầu xin.
Hãy trải nghiệm sự chữa lành mà Thiên Chúa muốn tuôn đổ trên bạn. Hãy trở về với sự thân mật của Thiên Chúa trong bí tích quý giá này của Giáo hội.
Hãy thú tội và tin tưởng vào sự vinh hiển của Thiên Chúa!
Ngọc Quí
Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (03.8.2021)
Nguồn: https://www.hdgmvietnam.com